thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
Giáp mặt đêm, Lê Vĩnh Tài lần nữa, tập nói

 

Tuổi hai mươi, chàng trai vùng sâu vùng xa ấy xuống núi về thành mặc áo sinh viên, ngồi ngay ngắn giảng đường, nghe như nuốt lời các ngài giáo sư, tiến sĩ. Chàng biết yêu đương, biết nhớ nhung xa vắng và tập tành làm thơ. Và nỗi nhớ lại bắt đầu với gió...

Riết rồi chàng trai cũng ra trường, nghĩa là đã thành người lớn. Oách lắm! Nhưng vừa ló mặt vào đời, đứa con được dưỡng dục bởi rừng núi Tây Nguyên đụng ngay thực tế lù lù. Độ ấy, xứ sở rừng vàng [biển bạc] coi như đã hoàn thành sự nghiệp làm sạch rừng.

 

Văn hóa Tây Nguyên hình thành và phát triển qua/với/bởi rừng. Nó tồn tại vì rừng hay tiêu vong cũng bởi rừng. Rừng với bao nhiêu tên đất, tên sông của riêng Tây Nguyên: Krông Knô”, “ Krông Ana”, “Sêrêpôc”, “EaKao”, “Ea H’leo”, “plây M’Drak”, “núi lửa Cư’Mgar”, “badan”, “chưyangsin”, “buôn N’êng dịu dàng gội tóc”,... Rừng với thiên nhiên và cuộc sống đặc trưng: “hoa cà phê trắng”, “chim K’tía”, “chim Grứ”, “chim Phí”, “những con suối lang thang trong núi”, “bước chân múa quanh ché rượu”, “chiếc cầu thang nhà dài”, “điệu khan buồn”, “ché rượu cồng chiêng lãng mạn”,“tiếng cồng âm u”, cả câu hát giao duyên đầy thách thức: “em dám đổi cả đàn trâu trong chuồng cưới anh không?”. Rừng muôn mặt, muôn tâm trạng với những biến thiên khôn lường. Nỗi bao dong dưỡng dục vô bến bờ và sức tàn phá giận dữ cũng khôn lường.

rừng thành chật chội bước chân của người...
rừng bỏ chúng ta đi...

Khi rừng bỏ đi thì cơn mưa bỏ đi, mùa màng bội thu thưa thớt đi, văn hóa tàn héo và con người rời bỏ plây mà đi. Chàng thi sĩ đất Tây Nguyên thảng thốt trước biến mất gần như là đột ngột của rừng:

đỉnh núi không còn rừng nhô ra đỉnh vú...
trên rơm rạ đời ta rừng từ giã cõi đời

“Rừng đã thành huyền sử”, “rừng đã thành tĩnh vật”. Thế hệ mất rừng ra đời, một/một vài thế hệ lạc lõng. Họ ngoảnh mặt chối bỏ tất cả. Buồn!

nỗi buồn tro than nỗi buồn của lửa
nỗi buồn di dân chật cả giấc mơ

Một lời oán trách gió bay hay tiếng nói truy cứu trách nhiệm? Anh, tôi, họ và cả “Quê hương còn món nợ với trò chơi vô tăm tích” này. Nhưng dẫu sao cũng phải sống, dù sinh hoạt thường nhật hôm nay có cơ khổ tới đâu: “nước ở trên gùi chứ không ở dưới sông / lấy được nước mồ hôi nhiều hơn nước”, chàng trai ấy vẫn không tuyệt vọng. Lê Vĩnh Tài đã biết cho ĐamSan-hiện đại – “chàng ĐamSan không bao giờ đêm tối” chôn vùi huyền thoại cũ, tạo dựng huyền thoại mới. Từ huyền thoại mới này, một thành phố Banmê mới sẽ ra đời:

niềm vui Banmê chênh vênh mỏm đá
thành phố dịu dàng nỗi đau ngược gió
bay lên.
(trích Vỡ ra mưa ấm, NXB Văn nghệ TP Hồ Chí Minh, 2005)
 

Nghĩa là vẫn tràn niềm tin vào tương lai tươi sáng!

Tưởng Lê Vĩnh Tài mãi hát ca bài ca hi vọng như thế, nhưng không. Văn hóa internet ra đời đạp đổ mọi vách ngăn trung tâm/ngoại vi, thành thị/thôn quê, miền núi/đồng bằng,... Khi thi sĩ chịu mở mắt nhìn ra bên ngoài. Hơn nữa, khi thơ “không còn đòi nói dối / không còn nói câu này quên mất câu kia / không còn những lời hứa nước bọt”, thi sĩ “bắt đầu tập nói”, tập nói lại. Tài tập nói từ thuở hậu lãng mạn: Và nỗi nhớ lại bắt đầu với gió sang hậu hiện thực xã hội chủ nghĩa: Vỡ ra mưa ấm, đến hiện đại: Liên tưởng, và ít nhiều cả hơi hướng hậu hiện đại nữa, nơi Đêm và những khúc rời của Vũ và nhất là thơ hỏi thơ.(*)

Vẫn giọng tự sự trữ tình, lối kể của thời Vỡ ra mưa ấm, nhưng kể ở “Rồi sớm mai im lặng sương mù” không còn tuân thủ thứ lớp trật tự thời gian hay sự kiện mà, qua chộp bắt sự thể được kí ức lưu giữ và chắt lọc, với kết nối những gợi mở của con âm và ý nghĩa của từ, làm bằng các chú thích khiến câu thơ lởm chởm ổ gà. Tên và buổi chiều thì thơ mộng, nhưng đó chỉ là cái cớ cho chương hồi trường ca bện níu nhau, chồng lắp nội dung và hình thức, phá lằn ranh câu chuyện và người nghe chuyện. Qua đó, thơ từ bỏ sự dàn trải nỗi lòng, tính thời sự được đẩy lên cao hơn. Câu hỏi được đặt ra quyết liệt, nhịp thơ chông chênh gẫy gập hơn.

tại sao không liên tưởng
hạnh phúc dửng dưng nỗi đau phá
giá oằn vai người nuôi cá basa
mắt người nuôi gà
nỗi kinh hoàng hố chôn dịch cúm
dường như chiều nay
chúng ta quên mất cuộc đời nhiều cánh cửa
cùng đóng lại ước mơ
với một ly cà phê Highland bốn mươi ngàn
khuyến mãi máy lạnh
quên mất ở Tây Nguyên bảy năm rồi cà phê bốn ngàn một ký
khuyến mãi mồ hôi
(trích Đêm và những khúc rời của Vũ, NXB Hội Nhà văn, 2008)
 

Đó là loại thơ trữ tình thế sự. Cả khi riêng tư nhất: tình bạn, thế sự cứ trồi lên. Tâm sự bằng hữu chỉ để nghe “thời cuộc lắp bắp”. Bài thơ dài này, thực chất là một kĩ thuật tạo thêm nhân vật thứ hai để trữ tình của tác giả về thời cuộc “qua những lỗ thủng trên mặt đường PMU 18” không bị rơi vào độc thoại kêu cứu sáo mòn. Các ngôi thứ hoán đổi nhau phát ngôn, là cách để thơ nói được nhiều hơn. Tình yêu trong tình bạn, cũng là một ý đồ làm đa thanh giọng thơ. Rốt lại thơ thả rơi cái kết còn một chữ, như một tiếng nấc nghẹn cuối cùng:

Vũ yêu được nhiều không
Vũ yêu được nhiều
Vũ yêu được
Vũ yêu
(trích Đêm và những khúc rời của Vũ, NXB Hội Nhà văn, 2008)
 

Sự thất thố của mất mát, lớn hay nhỏ, chung và riêng được dàn bày phơi mở đã gây một xúc động đặc biệt. Chới với giữa khoảng cách sự thể và cảm giác: “từ tôi đến mắt tôi / xa quá không sao khóc được”, trong hẫng hụt giữa người làm thơ và ngôn ngữ: “từ tôi đến miệng tôi / xa quá không sao kêu cứu được”, thi sĩ, để làm gì? Câu hỏi đi xuyên suốt tập thơ, lãng đãng hay đột ngột trồi lên như loài mụn nhọt ác tính đau nhói: “Những câu thơ như gió rã rời”.

thơ mang khuôn mặt buồn của người
nông dân bỏ quê ra phố
... thơ ngất xỉu khi ngang qua cây cầu sập
còng lưng chảy máu mẹ nghèo
(trích Đêm và những khúc rời của Vũ, NXB Hội Nhà văn, 2008)
 

Khuôn mặt nghèo và buồn của những “đêm”. Đêm tiếp nối đêm. Giáp mặt đêm, thi sĩ đặt câu hỏi về/với chúng. Đó là những câu hỏi của và cho hôm nay trong đêm và những khúc rời của... Tài. Trách nhiệm công dân và ý hướng tự do của thi sĩ, thế sự và tự sự trữ tình, anh rất nhuyễn trong “sắp đặt” chúng. “Một tiếng” đột ngột chen ngang giữa Đêm và những khúc rời của Vũ, chẳng hạn. Không cao tay, nó trở thành một gượng gạo như chơi. Nhưng không, Lê Vĩnh Tài đã tạo cho nó hiệu quả thơ khá bất ngờ. Hoặc lắm lúc anh sắp ngược lại cả một đoạn thơ, chỉ để làm nổi trội một sự thể sáo nhàm đến thê thảm:

nhưng câu thơ biết sợ lâu rồi
nhưng lâu rồi câu thơ biết sợ
nhưng rồi lâu câu sợ biết thơ...(**)
(trích Đêm và những khúc rời của Vũ, NXB Hội Nhà văn, 2008)
 

Động cập đến thời sự nóng, Tài đã không biết sợ. Đúng hơn - đã hết biết sợ.

Rồi rốt cùng, qua thơ hỏi thơ, Lê Vĩnh Tài còn đùa nghịch với thơ – thơ bạn bè và thơ mình, châm chọc với chính cái câu sợ biết thơ của mình. Anh bỡn cợt thơ cụ thể, thơ trình diễn, thơ hậu hiện đại, thơ tục, thơ biết sợ, thơ vô sinh, thơ dựa hơi, thơ chạy sô, thơ siêu hình, thơ tắc tị, thơ hú họa, thơ hưu trí, thơ thương nhớ lũy tre làng. Bỡn cợt với mấy nỗi phê bình thơ, phê bình tung hô, phê bình chào hàng, phê bình du kích hay chỉ điểm, phê bình vuốt đuối hay mạt sát thơ,...

Bắt đầu bằng “có một bài thơ...”, thơ đi suốt 50 thơ hỏi thơ, như thể cuộc ma-ra-tông tự thức self-consciousness, ít nhiều chua chát nhưng không thiếu tinh nghịch.

thơ cũng leo lên sân khấu => xé giấy & trình diễn
ảo giác, nhảy múa, mở nhạc... và lên cơn đấm luôn vào mặt bạn (diễn)
và lần này thơ khóc hu hu
sau đó hắn hiền, nghe nói bài thơ đang đi tu
(trích “thơ 3”, thơ hỏi thơ, NXB Thanh Niên, 2008)
 

Trong khi ấy, ở nơi xa kia:

Bài thơ nghe kể:
“người nông dân 1: cống hiến nhiều nhất
người nông dân 2: hy sinh lớn nhất
người nông dân 3: hưởng thụ ít nhất
người nông dân 4: được giúp đỡ ít nhất
người nông dân 5: đè nén thảm nhất
người nông dân 6: bị tước đoạt nặng nề nhất
người nông dân 7: cam chịu lâu nhất
người nông dân 8, (đến đây bài thơ mệt quá, xin thôi nghe nhưng không được): là người tha thứ cao cả nhất...”
nghe xong bài thơ càng stress thêm. Vì thế sau đó bài thơ cũng ít về làng chơi, mỗi lần muốn xả stress bài thơ đi mát xa đâu đó ở gần nhà, xong xoa tí dầu Con Ó xanh rồi về với vợ
(trích “thơ 32”, thơ hỏi thơ, NXB Thanh Niên, 2008)
 

Như vậy, thế nào rồi chàng trai đất Tây Nguyên ấy cũng trở lại với cội nguồn nuôi lớn mình. Nơi bạt ngàn ngọn núi trọc đứng sừng sững làm chứng nhân của tội lỗi. Nơi những con người vô danh đang sống, câm lặng, đau khổ và chịu đựng.

Thói đời, nhà thơ tỉnh lẻ hay vùng sâu miền cao, khi an tọa góc nhỏ chiếu văn chương, ngồi rung đùi và phán trong thế giới hẹp của mình. Hoặc, sau mấy chuyến “đi tỉnh về”, vội làm người phố chợ, mất hết “bản sắc”. Lê Vĩnh Tài – không! Anh mang tiếng nói ngoại vi công phá vào trung tâm, không phải để chính mình trở thành trung tâm, mà là giải trung tâm. Trong thơ, cả trong thái độ thơ.

 

Sài Gòn, 17-1-2009.
 
 
--------------
Chú thích:
(*) Hai tập thơ Đêm và những khúc rời của Vũthơ hỏi thơ xuất hiện lần đầu trên mạng [tienve.org] như là một tác phẩm.
 
(**) Viết thêm:

Hội thảo “Văn học với sự nghiệp công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước” của Hội Nhà văn Việt Nam tại Đồng Nai, ngày 8-1-2009, nhà thơ Hữu Thỉnh có đoạn đề dẫn đáng chú ý: “Có một lo lắng rất thiện chí là lo văn học ta tụt hậu với thế giới. Đó là một lo lắng rất đúng, một tâm huyết đáng trân trọng. Nhưng cần bổ sung thêm, đó còn là một mối lo văn học tụt hậu với đời sống, tụt hậu với văn hóa dân tộc.” Sau đó không ít nhà văn lên mi-cờ-rô than phiền văn học không bám sát thực tế đời sống, xa rời thậm chí đi ngược lại bản sắc văn hóa dân tộc.

Được bố trí đọc tham luận vào buổi chiều, tôi phát biểu:

_______
Tôi có cái tật là chưa bao giờ học biết cầm tờ giấy đọc trước cử tọa. Sự thể đó gây cho tôi bao trắc trở, nhưng bù lại, đứng chơ vơ trên diễn đàn, tôi cũng nảy ra nhiều ý đột hứng đầy sáng tạo!
_______
Đề dẫn của nhà thơ Hữu Thỉnh về ba “lo sợ tụt hậu”. Tụt hậu với thế giới thì không nói rồi, tụt hậu văn hóa dân tộc sẽ nói ở phần cuối. Ở đây, tôi xin trực tiếp đi vào cái tụt hậu thực tế cuộc sống. Một thực tế rất to, gây xúc động cả dân tộc là “Sự kiện Trường Sa - Hoàng Sa”, hỏi có bao nhiêu nhà văn tại hội trường này viết về nó? Chắc chắn là không rồi! Xúc động lớn mới cơ may tạo nên tác phẩm lớn, vậy mà nhà văn ta đã bỏ ngoài tai sự kiện đó. Tôi không rành chuyện thời sự chính trị, nên miễn ý kiến. Bài thơ "Ở nơi ấy, HẢO HẢO HẢO" của tôi viết “nhân” vụ này, khởi từ ý thức công dân, qua xúc động nhân văn, bằng tâm thức hậu hiện đại và vận dụng tối đa thủ pháp hậu hiện đại. Nó được cho là hay.
 
[Đọc thơ và phỏng vấn tác giả trong chương trình “Văn Thi Sĩ Việt nam và nỗi đau Hoàng Sa, Trường Sa”, trên đài phát thanh SBS, Australia, lúc 19 giờ, 29-12-2007, cùng với Lý Đợi và Nguyễn Viện.]
_______
Theo dõi khá sát sao thơ Việt đương đại, từ dân tộc thiểu số đến đa số, trong nước đến hải ngoại, từ tập thơ có giấy phép xuất bản, thơ in photocopy hay thơ trên mạng, tôi rất lạc quan với tương lai văn chương Việt Nam. Trong đó có hậu hiện đại.
_______
Tham luận của tôi “Thơ & giọng điệu thơ thời công nghiệp” tạm trưng ra 3 khuôn mặt trong nước đang cư ngụ ở 3 vùng khác nhau: Lê Vĩnh Tài, Phan Trung Thành và Jalau Anưk. Họ không nhìn nông thôn qua con mắt duy mĩ nữa mà, bằng cái nhìn thực và gần hơn, cái nhìn phản tỉnh đầy tính phản biện. Lê Vĩnh Tài với sinh phân rừng và người Tây Nguyên; Phan Trung Thành kêu cứu cùng cô dâu Việt ở xứ Hàn, bờ Thanh Đa sụt lở, mấy ông lớn trúng thầu mặt ruộng; Jalau Anưk trong một bài thơ, đã xáo trộn cả tiếng Chăm, Anh, Việt tưởng thiếu văn hóa dân tộc nhưng lại là bài thơ phơi bày sự mất bản sắc độc đáo hơn cả! Tôi tóm ý tham luận chưa đầy 2 phút.
_______
... lạc quan với tương lai văn chương Việt Nam. Trong đó có hậu hiện đại.
Hậu hiện đại, không vấn đề gì cả. Nó không xâm hại bản sắc văn hóa dân tộc. Chớ nghĩ các bài thơ nhếch nhác, tục tĩu, kém cỏi đại diện cho hậu hiện đại. Lâu nay ta chống là chống sự du nhập hậu hiện đại, chứ có nhà phê bình nào đang hội thảo ở đây đủ lí lẽ để phản bác chính lí thuyết hậu hiện đại. Tôi không hiểu hàm nghĩa bản sắc văn hóa dân tộc với anh Hữu Thỉnh thế nào, riêng tôi, tôi nhìn nó theo hướng động. Lãng mạn, tượng trưng, siêu thực, hiện thực xã hội chủ nghĩa, rồi thơ tự do của nhóm Sáng Tạo vân vân đã làm nên bản sắc thơ Việt, chứ trước đó dân Việt Nam có từng sở hữu chúng đâu!
Hậu hiện đại ngày mai cũng sẽ làm nên bản sắc thơ Việt, biết đâu đấy! Vậy mà Văn nghệ cứ từ chối đăng thơ hậu hiện đại, đăng các sáng tác về “Sự kiện Trường Sa - Hoàng Sa”.
_______

Phát biểu tưởng sẽ “gây xôn xao dư luận”, nhưng nó đã rơi tõm vào khoảng trống mênh mông của đất trời Đồng Nai. Mỗi nhà thơ Phạm Quốc Ca như lệ thường, đại diện chủ tịch đoàn nói lời “cám ơn nhà thơ Inrasara đã nêu vấn đề hậu hiện đại, là chuyện vẫn còn cần bàn lại”. Còn nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo - trước đó dọa rằng nếu Sara mà nói dài, anh bỏ đi dở chừng đấy - ngồi cạnh tôi “Sara có vài ý rất hay, nhưng cách nói... À, mình đi đây”, và anh dzọt. Riêng ngài Phó giáo sư - Tiến sĩ kiêm nhà phê bình [...] Phạm Quang Trung, sau đó hai tham luận, trước khi khai mào, cũng đã phát âm lướt qua nó: “nhà thơ Inrasara trong tham luận của mình đã rất lạc quan về thơ Việt, nhưng tôi cảm nhận ngược lại: sao tôi thấy bi quan quá”. Vậy thôi, không gì thêm. Ngài va quẹt một nhát như thế rồi ngài cắm cúi đọc một lèo về nỗi xuống cấp đạo đức, từ nhà trường (quan hệ sinh viên với giảng viên) cho chí xã hội, cùng vân vân trận xuống cấp khác nữa, mới đến văn chương.

Cũng tiêu tốn mất mươi phút đồng hồ.

 

 

--------------------
Các bài viết nằm trong Thơ Việt, từ hiện đại đến hậu hiện đại (nghiên cứu - phê bình - tuyển):
 
- “40 km/h với Vũ Thành Sơn”, Tienve.org, 23-8-2008.
- “Lý Đợi không làm thơ”, Tienve.org, 11-1-2009.
- “Giáp mặt đêm, Lê Vĩnh Tài lần nữa, tập nói”. Tienve.org, 19-1-2009.
- “Như Huy khai vỡ hiện thực như thực từ giữa những câu phức”, Talawas.org, 23-8-2008 (viết lại).
- “Nguyễn Hoàng Tranh, Thơ như là một giải trừ thói quen”, Tienve.org, (viết lại).
- “Sáo chộn với Bùi Chát”, Tienve.org (viết lại).

 

 

-------------
 

Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021