thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
Phải chăng Lý Đợi [và/hay nhóm Mở Miệng] có tuyên ngôn “không làm thơ”?

 

Gần đây, hôm 10.1.2009, đọc bài “Lý Đợi không làm thơ” của Inrasara, khi đến câu văn sau đây tôi... mỉm cười:

Có thể bắt đầu về Lý Đợi và thơ Lý Đợi bằng tuyên ngôn đầy khiêu khích: “Chúng tôi không làm thơ”...

Trong suốt mấy năm vừa qua, thỉnh thoảng tôi vẫn mỉm cười mỗi lần nghe có ai phàn nàn “Tại sao Lý Đợi [và/hay nhóm Mở Miệng] đã tung ra cái tuyên ngôn “không làm thơ” nữa, nhưng lại vẫn tiếp tục làm thơ? Muốn giở cái trò gì vậy?”

Lần này, tôi lại mỉm cười. Nhưng vì cái nhóm chữ “tuyên ngôn đầy khiêu khích” được viết bởi một nhà phê bình, và vì nhận thấy câu chuyện càng ngày càng có vẻ như mang thêm nhiều màu sắc ly kỳ hơn bản thân chính nó ở điểm xuất phát, nên tôi muốn viết một bài để trình bày đầu đuôi câu chuyện cho rõ ràng và trả sự việc về đúng vị trí và ý nghĩa của nó.

Tôi có theo dõi sự việc này từ đầu, và thấy Lý Đợi [và/hay nhóm Mở Miệng] chưa từng bao giờ tự xác định cái câu “Chúng tôi không làm thơ!” là một lời tuyên bố [declaration] hay một tuyên ngôn [manifesto] đúng với nghĩa đen và thể cách của những danh từ tuyên bốtuyên ngôn.

Thoạt tiên, câu “Chúng tôi không làm thơ!” hiển nhiên chỉ là [một phần của] một cái nhan đề [của một bài tiểu luận] của Lý Đợi — “Thơ, và chúng tôi không làm thơ!” — công bố trên Talawas ngày 16.4.2004. Thế nhưng, bây giờ dường như ở đâu ta cũng nghe người này người kia nhắc đến câu đó như một lời “tuyên bố”, hay một “tuyên ngôn”, mỗi khi họ đề cập đến Lý Đợi [và/hay nhóm Mở Miệng].

Vậy ta thử xem lại để thấy cái hành trình đó đã diễn ra như thế nào.

 

I/ Từ một nhan đề bài viết biến thành một lời “tuyên bố”, một “tuyên ngôn”, một “chủ trương”, một sự “nổi loạn”:

 

2005

 

Ngày 22.2.2005, tức là gần một năm sau bài viết của Lý Đợi, trên Talawas xuất hiện một bài phỏng vấn dưới nhan đề “Quyền tự do KHÔNG làm thơ (Trích đoạn phỏng vấn Buồi Chét)” do một người mang tên [hoặc bút danh] là Đa Cháy thực hiện. Người được phỏng vấn tự xưng mình là Buồi Chét, chứ không xưng là Bùi Chát, mặc dù những bài thơ minh hoạ in kèm trong bài phỏng vấn là của Bùi Chát. Trong bài phỏng vấn đó, Buồi Chét nói:

... Tôi không làm duyên làm dáng, không ấp ủ í tứ nào hết, và quan trọng nhất, tôi KHÔNG làm thơ...

Buồi Chét nói “tôi”, tức là chính anh ta, chứ không phải là “chúng tôi”, hay là bất cứ một nhóm nào. Cái tên Buồi Chét, nghe như một kiểu đùa tục từ cái tên “Bùi Chát”, lại càng cho thấy người nói không muốn nói theo lối nghiêm túc, nhưng muốn nói giỡn, nói kháy, nói mỉa, giễu cợt. Vì vậy, nếu ta cho rằng câu “tôi KHÔNG làm thơ” là một lời “tuyên bố” hay một “tuyên ngôn”, thì quả là quá trớn. [Còn cái câu “tôi KHÔNG làm thơ” của anh ta có ý nghĩa như thế nào thì sẽ được phân tích ở phần II của bài này.]

 

- Ngày 10-11.03.2005, trong bài viết cho Đại hội Nhà văn Tp. HCM, dưới nhan đề “Khủng hoảng thơ trẻ Sài Gòn”, khi nói đến nhóm Mở Miệng, Inrasara viết:

... Bởi, đã có hiện tượng thơ khác – một khủng hoảng nghiêm trọng và, đáng nói hơn – vừa xuất hiện và lớn tiếng tuyên bố: KHÔNG làm thơ!

và:

... “Chúng tôi không làm thơ”. Họ tuyên bố khắp nơi. Ở eVan, Tienve, Talawas, Tapchithơ và cả trên trang báo chính quy của Hội Nhà văn Việt Nam nữa!

Có lẽ Inrasara là người đầu tiên cho rằng [một phần của] một cái nhan đề [của một bài tiểu luận] của Lý Đợi [trên Talawas] là lời của nhóm Mở Miệng “lớn tiếng” “tuyên bố khắp nơi”.

Nhưng tôi đã thử tìm kiếm mà chỉ thấy cái nhan đề bài viết của Lý Đợi, chứ chẳng thấy nhóm Mở Miệng “tuyên bố” câu “Chúng tôi không làm thơ!” như một mệnh đề độc lập ở bất kỳ chỗ nào trên eVan, Tienve, Talawas, tạp chí Thơ hay trên trang báo chính quy của Hội Nhà văn Việt Nam!

Tất nhiên Inrasara, qua con mắt chủ quan của mình, có thể xem [một phần của] một cái nhan đề [của một bài tiểu luận] của Lý Đợi như một lời “tuyên bố”. Nhưng có lẽ Inrasara hơi quá hăng say khi suy luận rằng vì Lý Đợi thường được coi là một đại diện hay một “lý thuyết gia” của nhóm Mở Miệng, nên điều gì anh ta nói ra thì cũng thành lời “tuyên bố” chung cho cả nhóm!

Tôi cũng đoán vì Inrasara là một người muốn cổ xúy cho những cái mới của thơ, nên ông sử dụng cái câu đó và bơm nó lên thành “lớn tiếng” “tuyên bố khắp nơi” để gây sức vận động. Nhưng điều này lại có thể gây hiểu lầm nơi đa số độc giả, đặc biệt những người chưa đọc kỹ nguyên văn bài viết của Lý Đợi.

 

- Ngày 23.4.2005, trên web Người Viễn Xứ, một người có tên [hay bút danh] là Từ Thế, trong bài “Thơ trẻ: mở rộng chân trời khát vọng”, khi nói đến nhóm Mở Miệng, đã viết như sau:

Có một nhóm làm thơ lại tuyên bố “Chúng tôi không làm thơ”...

Có lẽ Từ Thế là người đầu tiên bắt chước Inrasara, xem [một phần của] một cái nhan đề [của một bài tiểu luận] của Lý Đợi là lời “tuyên bố” của nhóm Mở Miệng. Nhưng, có lẽ vì chưa hề đọc bài viết của Lý Đợi, nên Từ Thế đã hiểu sai vấn đề, khi cho rằng nhóm này không thực hiện lời “tuyên bố” đó, nghĩa là nói “không làm thơ” nhưng vẫn “làm thơ”.

 

- Ngày 17.6.2005, đài BBC đăng bản tin “Buổi gặp nhóm Mở Miệng bị ngưng lại” tường thuật việc huỷ bỏ đột ngột của buổi giao lưu giữa nhóm Mở Miệng và độc giả tại Viện Geothe ở Hà Nội. Trong bản tin có câu:

Trong một bài viết mang tính tuyên ngôn của nhóm, “Thơ và chúng tôi không làm thơ”, Lý Đợi viết...

Có lẽ BBC là nơi đầu tiên xem bài viết “Thơ, và chúng tôi không làm thơ!” của Lý Đợi là một bài viết mang tính tuyên ngôn của nhóm Mở Miệng.

 

- Cùng ngày 17.6.2005, Như Huy có đem đến Viện Goethe một bài viết dưới nhan đề “Vài nhận định về nhóm Mở Miệng”, để đọc trong buổi giao lưu đó, nhưng không có cơ hội để đọc vì buổi giao lưu bị công an huỷ bỏ. Sau đó, bài viết được gửi đăng trên web Đàn Chim Việt, ngày 20.6.2005. Trong bài đó, Như Huy viết:

Một trong những đặc trưng quan trọng nhất của Mở Miệng - theo cách nhìn của tôi - chính là việc họ đã quyết định thôi không làm thơ nữa. Chính đặc trưng này sẽ là chiếc chìa khóa mở ra cánh cửa tiếp cận được với các thực hành của Mở Miệng trong bề mặt của văn chương trẻ Việt Nam vài ba năm trở lại đây.
 
Nói một cách nào đó, từ khước làm thơ không hẳn là một hành vi; đúng hơn: đó là một thái độ. Có thể nói, từ khước làm thơ, trước hết, chính là một thái độ. Thái độ này phản ánh - nhìn từ góc độ lý thuyết - một sự sụp đổ niềm tin vào vai trò tác giả như một kẻ sản xuất văn bản nguyên gin, giữ vai trò phát ngôn độc nhất và một chiều tới công chúng. Nhìn dưới góc độ văn hóa xã hội, thái độ từ khước làm thơ này của nhóm Mở Miệng phần nào cũng đã phản ánh được sự thắng thế của một xu hướng mới mẻ nơi bề mặt văn hóa xã hội Việt Nam ở thời điểm hiện tiền. Thời điểm của những đổi thay giá trị vùn vụt. Khi mà - trên cái sân khấu mới của một xã hội càng ngày càng thị dân hóa - sự xuất hiện của những mẫu người hùng mới, thay thế các mẫu người hùng cũ ở các mặt văn hóa xã hội, đã chính là các tín hiệu thông báo một sự thay đổi tận gốc rễ các giá trị.

Có lẽ Như Huy là người đầu tiên xem [một phần của] một cái nhan đề [của một bài tiểu luận] của Lý Đợi là một “quyết định”, rồi là một “đặc trưng”, rồi là một “thái độ” của nhóm Mở Miệng! Nhưng Như Huy không nói đó là một lời “tuyên bố” hay một “tuyên ngôn”.

 

2006

 

- Tháng 7.2006, một lần nữa, trong bài viết cho Hội thảo thơ tại Tp.HCM, dưới nhan đề “Sẽ không có cuộc cách mạng thơ trong tương lai gần”, khi nói đến nhóm Mở Miệng, Inrasara viết:

tuyên bố “Chúng tôi không ...làm thơ”, nhưng các nhà thơ trẻ vẫn sản xuất thơ đều đặn. Một thứ thơ-phản thơ: thơ rác; chính xác: thơ-hàng tiêu dùng. Nó đòi xóa bỏ ranh giới thơ cao cấp và thơ thấp cấp. Kéo thơ từ bệ thờ xuống lòng cuộc đời. Trả thơ và người làm thơ về vị trí xuất phát ban đầu, nguyên thủy hơn: nhà thơ là kẻ hát rong, đem câu chuyện đời thường đi hát-kể khắp ngõ thôn, góc phố; và, thơ không là gì hơn những lời hát rong ấy. Đồng thời hòa nhập tinh thần thời đại: thơ là món hàng, đứng không cao hay thấp hơn bao thứ hàng hóa khác, trong đời sống hiện đại.

Nghĩa là, một lần nữa, Inrasara cho rằng [một phần của] một cái nhan đề [của một bài tiểu luận] của Lý Đợi là lời “tuyên bố” của nhóm Mở Miệng. Nhưng ở đây, Inrasara đã hiểu đúng câu “chúng tôi không làm thơ” như Lý Đợi muốn nói, nghĩa là “không làm thơ” theo những lối cũ, mà vẫn đều đặn làm thơ theo lối của riêng mình.

 

2007

 

- Ngày 5.5.2007, trên web Hội Ngộ Văn Chương, trong bài “Mấy suy nghĩ về Thơ và Thơ Trẻ”, Nguyễn Trọng Tạo viết:

Chỉ có nhóm Mở miệng là nổi đình nổi đám trên mạng và sách xuất bản dưới hình thức phô-tô với lối thơ diễu [sic!] nhạo và tuyên ngôn “chúng tôi không làm thơ”, nghe ngồ ngộ thế nào...

Có lẽ Nguyễn Trọng Tạo là người đầu tiên cho rằng [một phần của] một cái nhan đề [của một bài tiểu luận] của Lý Đợi là “tuyên ngôn” của nhóm Mở Miệng. Nhưng có lẽ ông chỉ nghe phong phanh cái câu đó, và giựt mình, tưởng nó là một thứ “tuyên ngôn”, và rõ ràng là ông không hiểu ý nghĩa của nó, nên ông mới thấy nó “ngồ ngộ thế nào”.

 

- Ngày 17.8.2007, trên web Hội Ngộ Văn Chương, trong bài “Thơ Nguyễn Thị Anh Đào”, Nguyễn Trọng Tạo viết:

... Nhóm Mở Miệng thì “Chúng tôi không làm thơ”. Nhóm Ngựa Trời thì “Dự báo phi thời tiêt”... Hóa ra đều có tuyên ngôn hướng đích trong chính chữ nghĩa của những người thơ trẻ.

Nghĩa là, một lần nữa, Nguyễn Trọng Tạo cho rằng [một phần của] một cái nhan đề [của một bài tiểu luận] của Lý Đợi là “tuyên ngôn” của nhóm Mở Miệng.

Cũng thực tức cười khi Nguyễn Trọng Tạo thậm chí còn cho rằng nhan đề tập thơ Dự báo phi thời tiết là một “tuyên ngôn” của nhóm Ngựa Trời! Không lẽ nhà thơ chính thống nhạy cảm đến độ nghe một cái tên sách là lạ, có chữ “dự báo”, liền giựt mình nghĩ ngay rằng nó là một cái “tuyên ngôn” đáng sợ!

 

- Ngày 25.8.2007, trên báo La Revue des Ressources, trong bài «Moi, citoyen ignominieux, génie alcoolique...», Đoàn Cầm Thi viết:

Lý Đợi (né en 1978, licencié ès lettres), auteur de nombreux poèmes dont «Năm bài thơ hai chữ được viết dưới thời của chế độ toàn trị» [Cinq poèmes à deux mots composés dans un régime totalitaire] et le manifeste «Thơ và chúng tôi không làm thơ!» [Nous n’écrivons pas de poème!]...

Có lẽ Đoàn Cầm Thi [đang sống tại Pháp] là người đầu tiên phổ biến bằng tiếng Pháp cái ý nghĩ rằng bài viết “Thơ, và chúng tôi không làm thơ!” của Lý Đợi là một “tuyên ngôn”. Tuy nhiên, để làm cho cái nhan đề “Thơ và chúng tôi không làm thơ!” biến thành một câu ra vẻ “tuyên ngôn” hơn, Đoàn Cầm Thi đã dịch rút gọn thành “Nous n’écrivons pas de poème!”, nghĩa là đã cắt bớt hai chữ “Thơ và”, để nó chỉ còn là “Chúng tôi không làm thơ!” [Nous n’écrivons pas de poème!]. Kể cũng dễ hiểu, vì cũng như Inrasara, Đoàn Cầm Thi rất nhiệt tình với cái mới, nên sẵn sàng “tuyên ngôn hoá” một nhan đề bài viết, để gây phong trào.

 

2008

 

- Tháng 4.2008, trên web Phong Điệp, Bùi Công Thuấn gửi đăng bài “Phải chăng nỗi sợ hãi hậu hiện đại là có thật?” để tranh luận với Inrasara về “tình trạng dị ứng với Hậu Hiện Đại ở Việt Nam”. Ở đoạn nói đến nhóm Mở Miệng, Bùi Công Thuấn viết:

... nhóm Mở Miệng có tuyên ngôn họ không làm thơ. Họ viết những thứ rác và dơ. Họ không làm văn chương bởi vì văn chương, yếu tính cuả nó là sự sáng tạo ra cái đẹp . Rác và dơ không bao giờ là cái đẹp. “Thơ” cuả nhóm Mở Miệng chỉ là những lời văng tục chửi thề, chửi tất cả, lật đổ tất cả...

Như vậy, Bùi Công Thuấn bắt chước Nguyễn Trọng Tạo để gọi [một phần của] một cái nhan đề [của một bài tiểu luận] của Lý Đợi là “tuyên ngôn” của nhóm Mở Miệng. Nghĩa là anh ta cũng không hề đọc và hiểu Lý Đợi đã nói cái gì, mà chỉ nghe đồn đãi phong phanh. Nhưng trong khi Nguyễn Trọng Tạo chỉ giựt mình trông gà hoá cuốc, thì Bùi Công Thuấn lại hoảng hốt trước cái “tuyên ngôn” đó, sợ nó đánh sập cái di sản thơ ca chính thống mà anh ta đang cong lưng để bảo vệ. Vì vậy, anh ta phản công nó bằng cách ra sức thoá mạ những chủ nhân ảo của cái “tuyên ngôn” đó bằng những danh từ và tính từ nhơ nhớp nhất!

 

2009

 

- Đầu năm 2009 [cache của Google ghi ngày 7.1.2009], trên web Viết Văn, trong bài “Văn học và nền kinh tế thị trường trong mười năm cuối thế kỷ...”, Nguyễn Phượng viết:

... một số người cầm bút trong giới trẻ lại, có vẻ như một sự nổi loạn, tuyên bố: “chúng tôi không làm thơ”. Không “làm thơ” thì họ làm gì? Họ “nghịch thơ”, “chơi thơ”, “nhại thơ”, thậm chí “phá thơ”...

Như vậy, Nguyễn Phượng không nhắc tới nhóm Mở Miệng hay Lý Đợi, nhưng cho rằng [một phần của] một cái nhan đề [của một bài tiểu luận] của Lý Đợi là “một sự nổi loạn”, một lời “tuyên bố” của “một số người cầm bút trong giới trẻ”.

Có lẽ Nguyễn Phượng là người đầu tiên cảm thấy [một phần của] một cái nhan đề [của một bài tiểu luận] của Lý Đợi là “một sự nổi loạn”! Lạ quá! Nếu họ “không làm thơ” nữa, thì họ nổi loạn thế nào? Nguyễn Phượng sợ rằng nếu họ không làm thơ thì họ sẽ “nổi loạn” khi họ làm những việc khác, như “nghịch thơ”, “chơi thơ”, “nhại thơ”, thậm chí “phá thơ”...?

Rõ là một mối lo sợ rất nhảm của những người sống bám vào cái di sản văn học chính thống.

 

- Ngày 8.1.2009, trên web Đàn Chim Việt, trong bài “Vài ý nhỏ về NXB Giấy Vụn cùng hai ấn phẩm mới”, Vương Văn Quang viết:

Giấy Vụn là một Nhà-xuất-bản-lậu, cho tới giờ phút này, phương pháp in ấn của họ vẫn là photocopy, và “tiền thân” sự ra đời của họ có lẽ chỉ là sự đùa tếu có tính nổi loạn, hoặc cái sáng kiến một nxb mang tên Giấy Vụn cho hợp với (những) tác phẩm của họ, là Thơ Rác, hay cái chủ trương: “Chúng tôi không làm thơ”.

Như vậy, Vương Văn Quang là người đầu tiên cho rằng [một phần của] một cái nhan đề [của một bài tiểu luận] của Lý Đợi là “chủ trương” của nhà xuất bản Giấy Vụn.

 

- Ngày 10.1.2009, trên Tiền Vệ, trong bài “Lý Đợi không làm thơ”, Inrasara viết:

Có thể bắt đầu về Lý Đợi và thơ Lý Đợi bằng tuyên ngôn đầy khiêu khích: “Chúng tôi không làm thơ”...

Như vậy, sau hai lần [năm 2005 và 2006], với mục đích gây sốc để cổ động cho phong trào làm mới, Inrasara đã nâng cấp [một phần của] một cái nhan đề [của một bài tiểu luận] của Lý Đợi lên thành lời “tuyên bố” của nhóm Mở Miệng, thì lần này [đầu năm 2009] Inrasara lại nâng nó lên thêm nữa thành một “tuyên ngôn”, còn hơn vậy, một “tuyên ngôn đầy khiêu khích”, của chính Lý Đợi [vì Inrasara đang viết bài về Lý Đợi.]

Có lẽ sẽ có độc giả thắc mắc: Nếu Lý Đợi [và/hay nhóm Mở Miệng] không làm thơ nữa thì thôi, thì làng trên xóm dưới trong cõi thơ Việt Nam lại ít ồn hơn, Đảng-Nhà Nước-Công An văn hoá đỡ phiền lòng hơn, vui khoẻ rảnh tay hơn, chứ cái chuyện nghỉ làm thơ thì khiêu khích ai nhỉ?

Theo tôi nghĩ thì chính Inrasara, cũng như Đoàn Cầm Thi, đã cố ý “tuyên ngôn hoá” cái câu nói đó rồi đem nó ra để khiêu khích những người đang khư khư ôm giữ và miệt mài đánh bóng cái di sản thơ ca của văn học chính thống.

Tất nhiên hành động “tuyên ngôn hoá” này của Đoàn Cầm Thi và Inrasara — với mục đích cổ động cho phong trào làm mới — thì hoàn toàn ngược lại với hành động của những kẻ cố tình xuyên tạc một câu nói có ý nghĩa thành một “tuyên ngôn” lố bịch để làm cái đích mà phỉ nhổ, với mục đích bảo vệ cho cái tài sản văn học “chính thống” của mình.

 

- Ngày 15.1.2009, trên Tiền Vệ, trong bài “Thực hiện thơ với Nguyễn Tôn Hiệt”, ở đoạn nói về nhóm Mở Miệng, Inrasara viết:

Đổi mới, làm mới, cách tân cùng các hạn từ tương cận xuất hiện, ngày càng dày đặc hơn, cấp tập hơn, từ đầu thiên niên kỉ mới. Nhóm Ngựa Trời và các nhà thơ đơn lẻ nhất là cánh trẻ tự tin tuyên ngôn [có khi khá sốc], trong cuộc trả lời phỏng vấn hay trực tiếp qua sáng tác phẩm. Nhóm Mở Miệng xuất hiện có tuyên ngôn khác nữa: “Chúng tôi không làm thơ”. Ở đây, không dừng lại ở làm khác mang tính thủ pháp, làm mới một/ một vài thành tố của bài thơ để mở rộng biên độ thơ như nó từng có mà, bật lên sự nhấn ở ý hướng thay đổi thơ mang tính mĩ học. Họ có ý đồ định nghĩa lại thơ, cách làm thơ và cả cách đọc thơ. Đó là thứ nghệ thuật “gắn liền với các ý niệm & hành vi”.

Một lần nữa ta thấy Inrasara “tuyên ngôn hoá” một câu nói của Lý Đợi để cổ xúy phong trào đổi mới trong thơ. Nhưng, ở đây, sự diễn giải của Inrasara về câu nói đó cho thấy ông hiểu đúng ý tưởng của Lý Đợi [như một đại diện của nhóm Mở Miệng].

Ở phần kế tiếp theo đây, tôi xin trở lại phân tích những gì Lý Đợi [và/hay nhóm Mở Miệng đã nói [và/hay không nói].

 

II/ Lý Đợi [và/hay nhóm Mở Miệng] đã nói [và/hay không nói] cái gì?

 

Trong bài viết “Thơ, và chúng tôi không làm thơ!”, công bố trên Talawas ngày 16.4.2004, Lý Đợi đã nói rõ như vầy:

Ngày xưa, Hồ Xuân Hương hay mãi về sau, Trần Dần... cũng làm một thứ thơ khác (ngay Vũ Trọng Phụng, cũng làm một kiểu tiểu thuyết khác), khác với ý muốn chung mà thời của họ cần. Họ không làm thơ, trong con mắt của những người đương thời. Nhưng chưa chắc là họ muốn làm một cái gì cho tương lai, họ chỉ làm cho họ, cho “đã” lối đi của họ. Còn quý vị, những người đương thời của chúng tôi, không nhìn thấy chúng tôi (dù chúng tôi có cần hay không cần quý vị), bởi quý vị cứ nghĩ rằng chúng tôi không làm thơ. Vậy thôi, vậy là đủ đóng cửa nhận thức của mình lại mãi mãi, cho đến khi xuống mồ. So với thẩm mỹ của quý vị, trong thẩm mỹ của quý vị, từ lâu rồi chúng tôi đâu còn làm thơ. Nhưng chúng tôi vẫn làm đấy, và ngày một đông những người cầm bút trẻ không làm thơ như quý vị muốn; đúng hơn, không còn làm thơ trong cách nghĩ mà thẩm mỹ đã cũ nát và ấu trĩ, mà nhiều khi chẳng thuộc về ai, dù quý vị muốn ra sức níu giữ. Nói nôm na, tụi trẻ (theo cách gọi của quý vị) nó đang làm cho “lớp giặc già” băn khoăn là không biết chúng có đi đúng kiểu đường mình muốn hay không. Mà có lỡ đi sai thì có chết ai đâu; cái sai trong nghệ thuật ai mà phân xử được.

Và:

... các vị ở trên, cũng như các vị ở dưới, ở ngoài kia... không cho rằng chúng tôi đang làm thơ, chỉ toàn làm những thứ nhảm nhí...

Và:

Với lại, chúng tôi, những người luôn tôn trọng ý niệm thơ của mình và cả ý niệm của người khác, chúng tôi chẳng muốn cách mạng cách mẹ để làm quái gì, đang yên đang lành như thế là một cách nhái giọng của chúng tôi vậy. Chúng tôi làm những gì chúng tôi thấy cần, thấy thiếu, nó chỉ là cái thuộc về mình...

Rồi kết luận:

Và cuối cùng, như những người bị xem là vô can, chúng tôi không làm thơ trong nhận thức của quý vị. Mời quý vị đọc những gì chúng tôi làm; như cách mà tôi muốn minh hoạ cho bài viết rằng: nó vẫn bám chân vào thực tế.

Trước hết, nếu đọc kỹ bài viết của Lý Đợi, ta hẳn thấy chữ “chúng tôi” không có nghĩa là nhóm Mở Miệng. Không một câu nào trong bài viết đó xác định “chúng tôi” là nhóm Mở Miệng. Lý Đợi viết: “Chúng tôi (những cây viết trẻ ở Sài Gòn).” Và những bài thơ mà Lý Đợi đem ra để dẫn chứng cho cái quan điểm thẩm mỹ của anh ta [và của những người mà anh ta cho là cùng quan điểm] là những bài thơ của Bùi Chát, Phan Bá Thọ, Khúc Duy, Như Huy, và Lý Ðợi. Trong đó, Bùi Chát, Khúc Duy và Lý Ðợi thuộc nhóm Mở Miệng [thiếu Nguyễn Quán]; còn Phan Bá Thọ và Như Huy thì hoàn toàn nằm bên ngoài nhóm Mở Miệng.[+]

Như vậy, câu “chúng tôi không làm thơ” có hai nghĩa:

Một, đó là một câu nói mỉa mai mà Lý Đợi sử dụng để giễu nhại những kẻ đã cho rằng Lý Đợi [và những nhà thơ cùng quan điểm với Lý Đợi] là “không làm thơ” mà làm một thứ gì khác [... bởi quý vị cứ nghĩ rằng chúng tôi không làm thơ..., không cho rằng chúng tôi đang làm thơ, chỉ toàn làm những thứ nhảm nhí..., so với thẩm mỹ của quý vị, trong thẩm mỹ của quý vị, từ lâu rồi chúng tôi đâu còn làm thơ..., chúng tôi không làm thơ trong nhận thức của quý vị.]

Hai, đó là một câu xác định rằng Lý Đợi [và những nhà thơ cùng quan điểm với Lý Đợi] “không còn làm thơ trong cách nghĩ mà thẩm mỹ đã cũ nát và ấu trĩ”, nhưng vẫn làm thơ, tức là “làm những gì chúng tôi thấy cần, thấy thiếu, nó chỉ là cái thuộc về mình”.

Cần nói rõ thêm rằng, trong bài viết, Lý Đợi không tự xem mình, nhóm của mình, hay những cây viết trẻ ở Sài Gòn là những người đầu tiên “không làm thơ”. Anh ta nói rằng Hồ Xuân Hương, Trần Dần... cũng đã “không làm thơ”: “Họ không làm thơ, trong con mắt của những người đương thời.” Nghĩa là họ đã “làm một thứ thơ khác”.

 

Trong cuộc phỏng vấn với Uyển Đông, “Không còn ai minh bạch hoàn toàn”, in trên báo Thể thao & Văn hoá cuối tuần, số 5, ra ngày 31.8.2007 [bị cắt bỏ nhiều], và đăng lại trên Tiền Vệ ngày 3.9.2007 [bản đầy đủ], khi Uyển Đông hỏi:

Được biết đến như một nhà thơ “lắm mồm” với rất nhiều khẩu hiệu, mà một trong những khẩu hiệu gần như có tính tuyên ngôn và rất gây hấn của anh là: “Chúng tôi không làm thơ”. Tuy nhiên, thật ra anh vẫn sản xuất ra thơ và chưa bao giờ từ chối danh hiệu nhà thơ. Sự khác biệt căn bản giữa việc anh vẫn có thơ in với việc “chúng tôi không làm thơ” là gì?

Lý Đợi trả lời:

“Thơ, và chúng tôi không làm thơ!” là tên một tiểu luận của tôi. “Chúng tôi không làm thơ” hiển nhiên là một quan niệm và là ý niệm trong các thao tác, các thực hành nghệ thuật. Nếu chỉ chấp nê vào bề mặt của con chữ thì không bao giờ thấy được ý niệm của người đã phát ngôn ra nó. “Chúng tôi không làm thơ” là một chọn lựa, một thái độ để so sánh với những quan điểm nghệ thuật và thẩm mỹ đã định sẵn, để qua đó, tư duy về một thao tác và văn cảnh khác. Sự khác biệt chính ở chỗ là bài tiểu luận này muốn nói với độc giả rằng: hãy thay đổi vai trò người đọc của mình đi, đừng bao giờ thụ động. Trong quan niệm mà tôi biết được, mối quan hệ giữa tác giả-tác phẩm-người đọc, thì người đọc giữ vai trò sáng tạo nhiều nhất, bởi hai vế trước thường chiếm thiểu số, còn người đọc thì rất nhiều, một lần đọc là mỗi lần sáng tạo.

Lý Đợi xác định rằng câu “Chúng tôi không làm thơ” [trong nhan đề tiểu luận “Thơ, và chúng tôi không làm thơ!” của anh ta] là một “quan niệm”, một “ý niệm”, một “chọn lựa”, và một “thái độ”.

 

Trở lại với câu nói “tôi KHÔNG làm thơ!” của Buồi Chét trong cuộc phỏng vấn với Đa Cháy.

Buồi Chét nói:

Tôi lập lại, tôi KHÔNG làm thơ. Tôi BÀI TIẾT! Bài tiết là một nhu cầu không thể thiếu, đồng thời là một thú vui tao nhã của mỗi cá thể. Tuy nhiên, có hẳn một khác biệt lớn có tính kách mệnh giữa Buồi Chét và phần còn lại của thế giới là ở chỗ một bên biết rõ mình đang làm gì, trong lúc bên kia thì không, và vẫn còn đang hoặc là kính cẩn, nghiêm trọng, hoặc là khệnh khạng, vênh váo, gọi ấy là “sáng tạo nghệ thuật”. Việc thiên hạ gọi sản phẩm tôi là thơ là một sự cố ngoài í muốn tôi. Nhưng cũng chẳng sao: Rốt cuộc, nó cũng đem lại một cơ hội không tồi để người ta đặt lại câu hỏi truyền kiếp “Thế nào là Thơ?” Ðóng góp của tôi, nếu có thể gọi thế, chính là nong rộng khái niệm “Thơ” trong nhận thức của thiên hạ. Và các vị cũng thừa biết, đây không phải lần đầu khái niệm này được nong cho rộng ra. Chiến dịch “nong thơ” đầu tiên, ai cũng đoán được, đã giúp giải tỏa vùng cấm địa “không vần” trong khái niệm “thơ” từng tồn tại trước đó; tiếp đấy, những vùng cấm khác cũng lần lượt được giải tỏa, đem lại cho mọi người nhiều tự do hơn. Như thế chẳng là đáng mừng?

Buồi Chét có lối nói hoa hoè, ngông ngạo, có thể gây phản cảm ở một số người, nhưng anh ta nói rất dễ hiểu. Cũng tương tự với ý tưởng của Lý Đợi, Buồi Chét nói “tôi KHÔNG làm thơ!”, nhưng chữ “thơ” ở đây có nghĩa là “thơ” theo khái niệm cũ. Nếu ai cũng khăng khăng cho rằng chỉ có “thơ” theo khái niệm cũ thì mới đúng là “thơ”, thì Buồi Chét không làm “thơ”. Buồi Chét muốn BÀI TIẾT ra cái mà người ta chưa gọi là “thơ”, với nguyện vọng rằng cái mà chưa có ai gọi là “thơ” đó sẽ “nong rộng” khái niệm “thơ”, đem lại nhiều tự do hơn cho người sáng tạo.

 

III/ Kết luận:

 

Tóm lại, ta có thể thấy những điểm sau đây:

1. Câu “Chúng tôi không làm thơ” chưa từng được bất cứ ai phát biểu, ngoài Lý Đợi, như [một phần của] một cái nhan đề [của một bài tiểu luận] của anh ta.

2. Chữ “chúng tôi” của Lý Đợi là để chỉ “những cây viết trẻ ở Sài Gòn”, trong đó có nhóm Mở Miệng.

3. Buồi Chét [chứ không phải Bùi Chát!] thì nói “tôi KHÔNG làm thơ”. “Tôi” chứ không phải “chúng tôi”.

4. Tất cả các nguồn khác cho thấy câu “Chúng tôi không làm thơ” với ý nghĩa là một lời “tuyên bố”, một “tuyên ngôn”, một “chủ trương”, hay một sự “nổi loạn”, là do những người bên ngoài, không phải là thành viên của nhóm Mở Miệng, nói về nhóm Mở Miệng.

5. “Thơ” mà Lý Đợi và Buồi Chét [và những nhà thơ cùng quan điểm với họ] không làm nữa là “thơ” theo định nghĩa của những khái niệm cũ.

 

Như vậy, Lý Đợi và/hoặc nhóm Mở Miệng

- chưa bao giờ “tuyên bố” rằng họ không làm thơ [THEO NGHĨA ĐEN]

- chưa bao giờ tung ra cái “tuyên ngôn” về sự không làm thơ [THEO NGHĨA ĐEN]

- chưa bao giờ công bố cái “chủ trương” không làm thơ [THEO NGHĨA ĐEN]

- và chưa bao giờ xách động “nổi loạn” bằng cách không làm thơ [THEO NGHĨA ĐEN].

 

Và vì vậy, Lý Đợi [và những nhà thơ cùng quan điểm với Lý Đợi] vẫn không ngừng làm thơ, và hoàn toàn có quyền đó, và không ai có lý do gì để chất vấn họ [THEO NGHĨA ĐEN] rằng “tại sao các anh đã tuyên bố / tuyên ngôn / chủ trương... rằng các anh không làm thơ, vậy mà các anh vẫn làm thơ?”

Lý Đợi [và những nhà thơ cùng quan điểm với Lý Đợi] vẫn không ngừng làm một thứ thơ theo kiểu của riêng họ, không phù hợp với cái định nghĩa thế nào là thơ của những kẻ tự cho là có thẩm quyền chính thống về thơ.

Và tất nhiên, bất cứ ai [từ quan niệm thẩm mỹ của cá nhân mình] cũng có tự do để phê phán rằng thơ của Lý Đợi [và những nhà thơ cùng quan điểm với Lý Đợi] là dở, hoặc không phải là thơ.

 

 

_________________________

[+]Đúng ra, trước khi bài “Thơ, và chúng tôi không làm thơ!” của Lý Đợi xuất hiện trên Talawas, Như Huy đã có bài “Tản mạn đôi chút với bài thơ Vô địch của Bùi Chát”, đăng trên Talawas ngày 12.1.2004, trong đó, Như Huy đã diễn giải cái ý tưởng “không muốn làm thơ” của một số nhà thơ thế hệ trẻ ở Sài Gòn. Cũng có những ý nghĩa tương đồng với những điều Lý Đợi nói về việc “không làm thơ”, Như Huy viết:

Tôi nói tới thế hệ của những chàng trai như Bùi Chát, Phan Bá Thọ, Lý Đợi, Khúc Duy, v.v... những người đã không còn muốn làm thơ (có ai đó đã nói thơ của họ không phải là thơ rồi nhỉ?) hay nói đúng hơn, với họ, làm thơ không có nghĩa là làm cho một cái gì đó trở nên thơ, không phải tìm cách nói một cái gì đó bằng thơ, không phải bóng gió về một cái gì đó, tả một cái gì đó v.v... Đối với họ, thơ đã bị kéo xuống mặt đất, bị lôi ra trước chiến tuyến, bị quẳng vào đời sống phù du của những câu nói xong rồi quên, của những tuyên bố, của những danh ngôn vỉa hè, của những câu chửi thề như phản ứng của kẻ yếu chống lại quyền lực… Nói tóm lại, đối với họ, thơ (theo nghĩa truyền thống và cả những hệ lụy kèm theo, như sáng tạo, cách tân, làm mới, đổi gác, v.v...) đã cóc còn quan trọng nữa.

Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021