thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
Những ám thị phố trong thơ Châu

 

 
M – N & Z
tập thơ do Minh Châu xuất bản năm 2008,
in lần thứ nhất 50 bản photocopy,
ak trình bày & vẽ bìa,
minh hoạ: Đoàn Minh Châu.

 

M – N & Z là một kiểu viết tắt? Một kiểu chơi ngôn ngữ hip-hop của thời đại điện toán và phone di động? Giả sử: M = Em, N = Anh, vậy Z = ? Zero, Zỏm, Zâm...? Vậy nên giải mã nhan đề tập thơ theo cách nào đây? Em – Anh nghĩa là không có anh trong tồn tại... Chỉ có sự Zâm là có ý nghĩa, là trường tồn? Hay là Em cộng hưởng với Anh làm nên một sự... === Zâm? Hoặc là Em cộng với Anh và Cái Zâm hiện hữu như một cuộc chơi cà chớn của Zâm Zâm Zâm... Khó, quá khó để lý giải một cách rõ ràng...! Chỉ có một điều duy nhất có thể cảm nhận một cách rõ nét là khi đọc thơ Châu, dù trong tâm thế nào, trong cảm thức nào, vẫn bàng bạc dưới mạch chảy ngôn ngữ một dòng ám thị phố, hình hài phố trong cách nhìn của Châu vừa gần gũi thân thiện vừa bi trắc xa xăm những bóng dáng vụn rời...

 
Nếu muốn gặp tôi
buổi chiều, café vỉa hè Nguyễn Du
rất lâu
đợi phố lên đèn
 
Nếu muốn gặp người dưng
buổi chiều, café vỉa hè Nguyễn Du
phố trôi dưới tán cây
người trôi dưới tán cây
tham vọng trôi dưới tán cây
cao ngạo trôi dưới tán cây
ma mãnh, thủ đoạn, đua tranh cũng hối hả trôi tuột dưới tán cây
tôi ngồi lại
rất lâu
đợi phố lên đèn
 
một cái tôi to đùng
tôi đã đem nhét dưới đáy chiếc ba lô cũ màu xám xanh
tách khỏi những gương mặt quen
tôi - người lạ
buổi chiều, café vỉa hè Nguyễn Du
ngồi nghe đường phố thở
 
nghe mình đang thở.
 
                         15/4/2006
 
(“Tôi”, tr.19, M – N & Z)
 

Tôi xin phép không bàn về ý hướng và sự lựa chọn xuất bản độc lập bằng con đường in photocopy (tiếp nối một quá trình khá dài và bền của những tác giả, nhóm thơ, nhóm nghệ sĩ miền Nam – Sài Gòn, rồi gần đây là miền Bắc và bây giờ là đến miền Trung, Đoàn Minh Châu trở thành người khai phá, người châm ngòi nổ cho phong trào xuất bản “không chính thống” [không thông qua con đường ấn loát của nhà nước] tại Quảng Nam – Đà Nẵng), M – N & Z, ngoài ý nghĩa là một tác phẩm “ngoài luồng” tiên phong tại eo đất này, còn dung chứa một hàm lượng ý nghĩa, ý niệm, cảm quan lịch sử mà có lẽ hoàn toàn chưa có trong những người “chính thống” tại xứ sở “chó ăn đá gà ăn muối người ăn khoai lùi (nướng vùi trong tro) địt (đánh rắm) thúi um” này.

 
Những con đường chạy qua tay tôi
đời xuôi
mấy con đường đi ngược
dòng vội vàng không ngưng được
im lìm
nhận chút dửng dưng.
Những con đường ngang dọc kẽ tay
chằng chịt sợi cày vá víu
lối rẽ không ngờ
giận bàn chân ngơ ngác.
 
Nhân gian có mấy con đường
mà một tay đã ngàn lối rẽ?
 
                         2002
 
(“Những con đường”, tr. 01, M – N & Z)
 

Sở dĩ người viết bài này không muốn nhắc đến ý thức phản tư của tác giả về vấn đề ấn loát cũng như tự do sáng tạo vì thiết nghĩ, không cần nhắc đến điều này, độc giả cũng đã thừa hiểu tình hình, thực trạng sáng tác tại Việt Nam hiện nay. Cũng chính vì lẽ này mà những năm gần đây tại đất nước nhỏ bé, nghèo và lạc hậu có đẳng cấp trên thế giới của chúng ta lại bùng nổ một “cuộc cách mạng ấn loát phi chính thống” đến độ phì đại và kéo theo không ít hệ luỵ trên mọi nghĩa (trong đó đáng nhắc trước tiên có lẽ là hệ luỵ của những người tiên phong, khởi xướng và châm ngòi cho tinh thần phản đối cái chính thống rởm như: Nguyễn Quốc Chánh, Trần Tiến Dũng, Lý Đợi, Bùi Chát... Họ đã nhận không ít những chỉ trích thiếu thiện chí và thiếu học thuật, những khó khăn trong sinh hoạt đời thường, những bất ổn về mặt an ninh...). Nhưng nhìn chung, quá trình dài của những đột phá [nói “phá phách” cũng không sao!] vẫn thiếu một chút gì đó về chiều sâu cảm xúc, chiều sâu tâm linh — một chất liệu mà nếu thiếu đi đối với người Á Đông thì e rằng giống như một bữa ăn thiếu gia vị... Điều này cũng dễ hiểu với một sự khai phá, một cuộc dấn thân và chấp nhận đánh đổi của những người tiên phong, không ai có thể tránh khỏi những khiếm khuyết mang tính chất nền móng nội tại để lớp sau lại tiếp tục đặt những viên gạch, tiếp tục xây nên toà nhà nghệ thuật mà những người tiên phong đã phác hoạ kiến trúc, đã xây móng và đã chờ đợi...

 
... Không tiếc nhiều những đêm gần sáng ngóng bình minh đổ trên cửa sổ
giấc ngủ dỗ thật sâu cứ lệch lạc âm thanh chim lợn đậu nóc nhà rủ linh hồn đi rong
rủ rỉ vuốt từng chiếc móng tay cong xuống cào đêm nát nghiến
không nhớ nữa bước chân mình...
       
(trích “Bụi”, tr. 11, M – N & Z)
 

Và sự chín muồi, tính định hình của những người đến sau vốn nằm trong qui luật chuyển vận của dòng lịch sử thi ca — một sự chuyển vận có tính nhân quả. Có thể nói, kể từ 40km/h của Vũ Thành Sơn, DAO của Lê Hải, những tác phẩm thơ “không chính thống” càng về sau càng mang đến cho độc giả những hiệu ứng tốt trên phương diện tính gần gũi và khả năng thông tải của ngôn ngữ. M – N & Z không nằm trong trường hợp ngoại lệ.

 
Em vác vành trời ước mơ sao vừng đen
qua những con phố tênh hênh gió
qua những hộp nhà thấp thoáng bụi dừa kiểng
để lại phía sau tiếng rao vỡ ra
Những vì sao vừng đen không bay nổi...
 
 

Góc nhìn của Châu giàu nữ tính, trong trẻo và hồn hậu. Chỉ có tấm lòng yêu đời, yêu người, yêu những vui buồn riêng chung của đời sống và của cả bản thân mới mang cho người cầm bút một mối nối giữa những ước mơ ẩn chất nơi tâm hồn gắn kết với thế giới quanh mình qua những hạt vừng đen, qua vành bánh tráng tròn tượng hình vành trời cưu mang những vì sao... qua những con phố tênh hênh gió... Ở đây, tôi thật sự ngạc nhiên về độ thấu thị cảm xúc và tính thấu nhập cảm giác của tác giả vào chất liệu. Dường như đã có sự thông nhập, hoá thân giữa người viết với hình tượng, chất liệu... Tất cả như hoà quyện, tan vào nhau trong vũ điệu vô thường của hiện hữu, của con chữ, của kí hiệu.

 
Những con phố trổ dài xuống ngực
chặn những con phố trổ dài xuống ngực
chặn những con phố trổ dài xuống ngực...
Từng ngày.
 
Phố âm âm lạnh
 
giở trang giấy chủ nhật
rác vô hồn bay lên
tình cờ khuôn vào ý nghĩ nhoe nhoét cả thanh âm lộn xộn tiếng rao tiếng còi xe tiếng phố
tự lúc nào
giấc ngủ chằng chịt bụi
những buổi sáng rũ mềm hơi sương
 
xoè tay hứng mặt người chảy dòng dòng quết dày mặt phố
ngẫu nhiên thấy mặt ai trong đó
quen quen như mặt mình.
 
                         4/12/05
 
(“Phố”, tr.05, M – N & Z)
 

Không thể bàn một cách trọn vẹn và đầy đủ những gì tác giả đã thác vào tác phẩm. Sự khám phá, mổ xẻ, phân tích một tác phẩm nghệ thuật chỉ có giá trị “thẩm định”, “soi mói” vẻ lấp lánh của viên ngọc trong lòng con trai biển. Điều ta nhận biết được chỉ là lớp tố chất được tiết ra để cưu mang vết thương, bọc êm hạt cát để rồi dần dà làm thành ngọc. Vết thương càng đau, viên ngọc càng đẹp. Nhưng thử hỏi vì sao nó bị thương, bị thương tự bao giờ, vết thương như thế nào, thì khó mà trả lời được! Càng khó trả lời hơn khi hỏi vì sao càng đau, viên ngọc càng đẹp... E rằng chỉ có sinh quyển nó đang sống, đang thở mới trả lời được ít nhiều!

 
... đêm rất lạnh đêm ngủ với một viên đá nhỏ
sưởi ấm nó nhiều tiếng đồng hồ
thấy mình nóng ran
 
đêm anh ngủ không
 
(trích “Ngủ”, tr. 32, M – N & Z)
 

Những vết thương vô hình nơi hữu thể, những căn cớ bất định xuyên suốt căn phận, xuyên suốt quãng thời gian con người phải sống, phải yêu và phải bị tổn thương trong tình yêu, cũng phần nào lý giải được vì sao một cô gái nhỏ nhắn, dịu dàng, ít nói, ra đi từ một thị trấn nhỏ có cái tên cũng khá khiêm cung — Phố Vĩnh — lại có nỗi ám thị phố mạnh mẽ đến vậy. Dường như xuyên suốt tập thơ của Châu là những bóng phố, bóng người, những nét phố, nét đời đang nhào lộn, đang cuộn xoắn, đang đánh đu vật vã đến mức tưởng chừng như không lối thoát hoặc trơ lì, vô cảm...

 
Những dòng người trượt qua nhau
đan vào khuôn phố những nốt đen nốt trắng
Tôi một âm trầm
 
Bạn bè tôi cung bổng cung trầm lêu têu Trúc Bạch 8h tối
Âm cao vút lên bằng những mặt người ngầy ngậy
chén đĩa bát đũa tung tăng hoà âm
chân gà thịt chó góp phần bật lên những nốt thăng nốt giáng
rít một hơi dài sượt
Góc Hà Nội trong tôi xối xả những âm tạp.
 
Bên kia mặt hồ đường Thanh Niên bạt gió cuốn bóng xoắn bóng
rải dài một dòng kẻ
Thanh âm khẽ khàng tấu lên từ chuyển động của những thân thể dính cứng vào nhàu tan trong tối
Góc Hà Nội tôi âm ấm âm hiền.
 
một âm buồn cũng lem lém
sau lưng những kẻ lướt xe Hồ Tây một mình tối thứ bảy...
 
Tôi đứng ngã tư chờ đèn đỏ
và nghĩ về bản nhạc vô tận mãi không thành tác phẩm.
 
                         9/05
 
(“Bản nhạc dang dở”, tr. 03, M – N & Z)
 

Trở lại vấn đề thái độ được đặt ra lúc ban đầu, trước tiên, người đẻ ra M – N & Z có một thái độ dám chọn con đường ấn loát có thể gây cho bản thân nhiều phiền toái, khó khăn khi vẫn đang sống ở rẻo đất miền Trung địa hình chật, lòng người (lãnh đạo) hẹp... Và cũng trên phương diện này, vẫn còn nhiều người thủ đắc nhiều điều kiện hơn Châu như: thời gian, sự tự do [trong nghĩa nơi chốn công tác], tính chuyên nghiệp... Nhưng họ lại không thực hiện, hay đúng hơn là họ không đủ dũng cảm để thực hiện (nói đến điều này, bản thân tôi cũng là người cầm bút, đồng hương với Châu, cảm thấy e thẹn và cảm phục Châu!). Thái độ này cũng nên xem là cú “châm ngòi”, cú hích đầu tiên cho loại văn học phi chính thống xứ Trung Việt.

Thứ đến, có lẽ cũng cần nhắc đến thái độ phản tư của Châu, phản tư lịch sử, phản tư xã hội, phản tư tôn giáo... Tất cả được lồng ghép, đan cài trong một cảm thức mang màu sắc ám thị và bất toàn, được người cầm bút kí thác vào trang viết như một dòng phim đang chảy qua trước mắt mà không thể định dạng bởi những thước phim ấy mang chất liệu đời sống sinh động và ngồn ngộn nước mắt, âm ỉ muộn phiền cũng như hân hoan đón chào vết thương đang làm da...

 
ngủ quên mấy buổi chiều chợt chiều nay tỉnh
thấy mình nằm chỏng chơ giữa ngã tư thập tự
rưng rức khóc
chiều mềm như thở
vỗ quanh một cái tên cũng chiều nay chợt tỉnh
thoát ly phố đi rỡn thánh giá
nằm lì nơi góc cống
 
không kiểm soát nổi một giọt nước lẽo đẽo theo bước chân
nỗi ám ảnh xám xanh rối rít chạy cuồng vào mạch cống
nơi đó thế giới khác đang cười
 
bội thực thanh âm hổ lốn
bội thực mớ vai trần ngon khét gió
những con đường chiều nay cũng tức tưởi xô về
 
chạm mặt tại đó
chiều nay
nước cống loang ướt nhẹp thành phố.
 
                         31/12/05
 
(“Phố chiều cuối năm”, tr. 09, M – N & Z)
 

hay:

 
Bao cao su các phòng nữ tu
một hôm họp bầu nữ hoàng
rất nhanh, tìm ra cái của nàng Maria
bị thủng.
 
                         10/2/2006
 
(“Họp kín”, tr. 15, M – N & Z)
 

Khi một con người đủ chín để đối diện với cô đơn cũng là lúc con người ấy nhận chân được bản ngã mình thông qua khúc xạ của đời sống để thấu cảm ý thức về sự bất toàn, để thấy mình là một phần của bản thể bất an. Nỗi bất an trong thơ Châu là một thứ cảm thức của vụn vỡ, kí ức cùng những miểng vụn trong hồi quang vá víu, chắp nối... Điều này diễn ra một cách rõ nét trong phương cách xếp đặt, bố cục, minh hoạ (phần lớn do tác giả tự vẽ) và trình tự ngày tháng không có tính nhất quán của tác phẩm. Thiết nghĩ không nên nói thêm về vấn đề này, vì độc giả sẽ tìm thấy những dấu hiệu này trong chuỗi ý thức và thời lý. Đây cũng là nét khác biệt giữa thủ pháp xếp đặt của “chính thống” và Châu (mới bài trước ghi 07/01/2006 thì bài sau đã 09/03/07 chẳng hạn!).

 
... đến và đi và những con người và hơi lạnh
lọ hoa cúc mùa đông
bức tranh màu nhàu nhĩ
chiếc đèn dầu thoảng khói
Người thiếu phụ áo đỏ xoa cái bụng tròn trĩnh sau quầy
lẩm nhẩm quãng đường sắp tới.
 
... đến và đi với cốc café pha sẵn nhạt như nước ốc
tôi dõi theo ánh mắt đang dõi theo hàng kiến bò dọc mép tường
cái đầu nghiêng nghiêng
cúi xuống
xoay ngang
chi chép
đếm tiền
ánh mắt vẫn đè lên hàng kiến thênh thênh di chuyển dọc mép tường
lùng sục một con chệch hướng
bất kể mùa đông.
 
Hai năm,
lọ hoa cúc mùa đông
bức tranh màu nhàu nhĩ
chiếc đèn dầu thoảng khói
Người thiếu phụ áo đỏ ngước mắt nhìn tôi qua cặp kính cận sau quầy
đôi môi nhạt hằn một đường nhỏ xíu.
 
Mùa đông lạnh.
 
                         11/12/05
 
(“Quán café”, tr. 08, M – N & Z)
 

Xét trên tổng thể tập thơ M – N & Z thì có thể nói rằng đây là một tác phẩm chỉ thành công về mặt nội dung và thái độ ấn loát của tác giả, mặt hình thức chỉ thành công một nửa [nếu không nói là thất bại!] bởi kiểu minh hoạ chẳng ăn nhập gì với tác phẩm, không mang cho tác phẩm một biểu niệm mới nào mà ngược lại còn trì kéo, đưa tác phẩm vào một quĩ đạo khập khiễng bởi tính xốc nổi, cuộn chảy của cảm xúc, ý niệm không thể cộng hưởng với thủ pháp mặc hoạ lai căn của thư hoạ chữ Việt. Dường như khi đọc xong những bài thơ của Châu, nhìn lại những minh hoạ, tôi không khỏi buồn cười. Xin lỗi Châu nhé, đó là sự thật. Trường hợp Châu vẽ tự nhiên hơn, đừng bị chi phối bởi các nét cọ thư pháp thì vấn đề đã khác, hiệu ứng thị giác thơ đã khác hơn nhiều.

 
ước chi em có thể xé tơi nó thành sợi nhỏ và dứt ra khỏi đôi          mắt anh thả theo tiếng chim ríu rít vội vã lúc buổi        chiều lặn vào hơi thở thành       phố vòng       cung triền miên        trôi giữa gương mặt        anh lấp lánh những con đường sẫm        màu café sữa ấm        nóng căn phòng bé nhỏ
 
của một ngày xa       xa
 
hơi thở anh rũ xuống hơi       em thở
 
thơm        thơm
 
(trích “Thơm”, tr.37, M – N & Z)
 

Nhưng suy cho cùng, một tác phẩm thơ ra đời không phải để duy nhất cho việc nhận diện, mổ xẻ [bởi bản thân việc nhận diện, mổ xẻ đã hàm chứa tính vô bổ... không thể thiếu nơi người đọc] mà quan trọng nhất vẫn là việc phát biểu, phản ánh được bầu sinh quyển tạo ra nó, hàm chứa, khúc xạ được những sắc màu, trạng thái lịch sử mà người phôi thai ra nó đã sống, trải nghiệm, chiêm nghiệm và dấn thân vào cuộc chơi không hạn định. Cái đích vẫn đang nằm ở phía vô cùng... Điều mà Châu phản ánh được, nói được, cũng là một ý hướng vốn tiềm tàng, nung nấu trong những con người yêu tự do, yêu sáng tạo và có lòng tự trọng trong sáng tạo, bức thoát ra khỏi những ràng buộc vô nghĩa từ phía tổ chức, đảng phái, chính quyền — những đơn vị ưa kiểm soát, kiểm duyệt nghệ thuật — lĩnh vực mà họ khá ư mù mờ và thậm chí không hiểu biết tí nào!

 
thành phố bé tẹo tèo teo không chứa nổi những nỗi niềm lạnh tăm
mỗi ngày qua thành phố lại chết đi một kiếp để hồi sinh mỗi sáng một nỗi buồn bề bộn thực hư...
 
(Trích “Thành Phố”, tr. 41, M – N & Z)
 

Và phải chăng những ám thị phố, những giấc mơ rạn nứt, những hình hài vụn vỡ của đời sống qua lăng kính tuổi trẻ, những con đường nhì nhằng nơi tâm thức một người cầm bút thế hệ sinh sau 1975 — một thế hệ tưởng như như đã được “bảo hộ” trong độc lập, tự do và sáng tạo — đã phản ánh được ít nhiều những xung lực bị dồn nén, bị thất thoát trong quá trình trượt ngã của lịch sử và cá nhân?! Trong bóng tối của những thứ nghe tưởng chừng đã toàn vẹn ánh sáng và tự do?! Phố của Châu không trầm mặc, lặng lẽ như tranh của Bùi Xuân Phái, không tươi rói, ửng hồng và tràn trề hy vọng như những con phố nằm phơi mình trong văn học “chính thống” (đúng hơn là trong văn học “hiện thực xã hội chủ nghĩa”) mà phố có đời sống riêng của nó — đời sống của những thân phận không đủ vui để cười mà cũng không đủ buồn để tự đập vỡ mình, tìm một hiện sinh khác. Những con phố trổ dài xuống ngực, vòm ngực hiu hắt mấy ngàn năm của người đàn bà Việt u buồn và cam chịu...!

 


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021