thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
Khả năng sáng tạo và ước mơ Nobel

 

Vài lời dẫn nhập:
 
Tuần này sáu giải thưởng Nobel được trao cho các nhân vật xuất chúng trong năm. Nhân đọc một tác phẩm nghiên cứu giá trị về khả năng sáng tạo (creativity) cũng như các bài nghiên cứu khác có liên hệ chặt chẽ đến giải Nobel, người viết sẽ cố gắng tóm lược các nhận định quan trọng của một số học giả về lãnh vực này. Hy vọng trong tương lai gần sẽ có nhiều chuyên gia Việt Nam trong lãnh vực xã hội học, tâm lý học và nhân chủng học thực hiện những cuộc nghiên cứu khoa học để đưa ra những kết quả/nhận định khả tín và cụ thể hầu giúp cho người Việt biết rõ về mình hơn. Trong bài này, ngoài một số tạp chí nghiên cứu chuyên môn, nguồn tài liệu hay nhận định nghiên cứu chủ yếu đến từ tác phẩm Hiểu khả năng sáng tạo: sự tương tác giữa các yếu tố sinh vật, tâm lý và xã hội của hai học giả John S. Dacey và Kathleen H. Lennon.[1]
 
Bố cục của bài này chia thành bốn phần. Phần đầu nói về các giá trị của khả năng sáng tạo trong xã hội dân chủ cấp tiến, đặc biệt là mối quan hệ của nó đối với văn hoá xã hội. Phần hai biện luận rằng muốn trau dồi khả năng sáng tạo một cách đích thực thì cần phải hiểu đức tính và bản chất của nó, vì thế phần này chủ yếu liệt kê một số kết quả nghiên cứu của hai học giả Dacey và Lennon (dựa trên nhiều kết quả nghiên cứu khác trước đây). Phần ba bàn về mối quan hệ giữa khả năng sáng tạo và giải Nobel, cũng như những quan tâm của một số nhà văn Việt Nam về khả năng “làm sao có thể?”. Phần bốn nói về tình hình sáng tạo tại Việt Nam, và biện luận rằng trong tình hình chính trị hiện tại, Việt Nam hiện vẫn chỉ loay hoay với tự do sáng tạo nên chưa thể thoát mình để phát huy tiềm năng sáng tạo đích thực. Phần kết luận trình bày một số suy nghĩ cá nhân về khả năng sáng tạo đối với tình hình văn hoá chính trị và xã hội của Việt Nam hiện nay và mai sau.

 

I. Những khía cạnh của sáng tạo

Theo học giả Dacey và Lennon, nếu như trí thông minh (được xem là khả năng để học hỏi và sử dụng kiến thức sẵn có) được đánh giá cao nhất trong suốt lịch sử nhân loại, thì trong thiên niên kỷ mới này, tính sáng tạo (được xem là khả năng để tạo ra những kiến thức mới) sẽ trở thành đức tính trân quý nhất của con người.[2]

Có thể nói rằng ngày nay khả năng sáng tạo không chỉ là phương tiện mà còn là cứu cánh, không chỉ trong lãnh vực nghệ thuật mà còn trong khoa học và mọi mặt đời sống. Đối với nước Úc, chẳng hạn, thì vào đầu năm nay, thủ tướng Kevin Rudd đã tổ chức Hội Nghị Úc 2020 (Australia 2020 Summit) để vận dụng các bộ óc thông minh và sáng tạo nhất của đất nước này cho mục đích “thu thập những ý kiến hay nhất để xây dựng một nước Úc hiện đại sẵn sàng đối diện với các thử thách của thế kỷ 21”.[3] Nói chung, đây là một hội nghị về sáng kiến, sáng tạo. Có khoảng 1000 trí thức, chuyên gia, khoa học gia, chính trị gia, và văn nghệ sĩ hàng đầu đã hội tụ tại quốc hội Úc, thủ đô Canberra vào hai ngày 19 và 20 tháng 4 năm 2008. Với 10 chủ đề chính của hội nghị, trong đó cái nào cũng cần đến sáng kiến, thì sáng tạo được xem là trọng tâm của chủ đề “Hướng về một nước Úc sáng tạo” (towards a creative Australia). Trong hội nghị này, khả năng sáng tạo được định nghĩa là “trung tâm của sự duy trì và định hướng quốc gia, kích thích trí tưởng tượng của công dân, nuôi nấng trẻ em và nuôi dưỡng cộng đồng lành mạnh.”[4] Hội nghị cũng cho rằng “khả năng sáng tạo có tính cách rộng hơn lãnh vực nghệ thuật, nhưng nghệ thuật là trọng tâm của khả năng sáng tạo”.

Được biết trước cuộc bầu cử tại Anh quốc vào năm 1997, người ta nói về “kỹ nghệ văn hoá” (cultural industries) để mô tả nhiều hoạt động mang tính văn hoá có tiềm năng thương mại. Nhưng sau bầu cử này, chính phủ Lao động của Anh, dưới sự lãnh đạo của Thủ tướng Tony Blair, bắt đầu thay thế “kỹ nghệ văn hoá” bằng “kỹ nghệ sáng tạo” (creative industries).[5] Sau đó, một nhóm đặc nhiệm về kỹ nghệ sáng tạo (a Creative Industries Taskforce) mang tính cách liên bộ (inter-departmental) đại diện cho các kỹ nghệ đã được hình thành vào năm 1998. Từ đó, theo giáo sư Stuart Cunningham thì định nghĩa kỹ nghệ sáng tạo của Anh là “những hoạt động mà bắt nguồn từ tài năng, kỹ năng và khả năng sáng tạo cá nhân và có tiềm năng đưa đến sự giàu sang và công ăn việc làm bằng việc tạo ra và khai thác tài sản trí tuệ” đã được chấp thuận trên toàn thế giới.[6] Nó bao gồm không ít hơn 13 ngành kỹ nghệ sau đây: quảng cáo, kiến trúc, thị trường nghệ thuật và đồ cổ, nghề thủ công, thiết kế (design), thiết kế y phục, phim ảnh, các nhu liệu giải trí tương tác (interactive leisure software), âm nhạc, truyền hình và phát thanh, nghệ thuật trình diễn, xuất bản, và nhu liệu (software). Mặc dầu các ngành kỹ nghệ trên, theo Cunningham, quá rộng lớn để có sự nhất quán với nhau, nhưng điều liên hệ quan yếu giữa 13 ngành trên là mỗi ngành đều có sự bắt nguồn từ tài năng, kỹ năng và khả năng sáng tạo cá nhân và có tiềm năng đưa đến sự giàu sang và công ăn việc làm bằng việc khai thác tài sản trí tuệ, như định nghĩa ở trên. Kinh tế sáng tạo, cũng theo Cunningham, là lớn hơn và rộng hơn cả văn hoá và nghệ thuật.

Thật vậy, sáng tạo ngày nay liên hệ đến mọi mặt đời sống, không chỉ riêng nghệ thuật. Do đặc tính của sáng tạo là tạo ra những kiến thức mới cho nên quốc gia nào nuôi dưỡng và phát huy khả năng sáng tạo thì sẽ có tiềm năng đi đầu trong lãnh vực văn hoá và kinh tế. Kinh tế tri thức (knowledge economy) mà người ta đã nói trong vài thập niên nay chính là một phần của kinh tế sáng tạo (creative economy). Hơn nữa, văn hoá và kinh tế gắn bó chặt chẽ với nhau. Theo Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hoá của Liên Hiệp Quốc (UNESCO) thì “văn hoá là một hàng hoá không như những món hàng khác bởi vì nó vượt ra ngoài lãnh vực thương mại: các sản phẩm và dịch vụ văn hoá chuyển tải ý tưởng, giá trị và cách sống mà phản ảnh đặc tính đa dạng của một đất nước và sự đa dạng sáng tạo của công dân nước đó”.[7] Theo Bộ thông tin và Nghệ thuật của Úc thì “chính sách văn hoá cũng chính là một chính sách kinh tế” bởi vì văn hoá tạo nên thịnh vượng, làm gia tăng giá trị và góp phần quan trọng vào sự sáng tạo, tiếp thị (marketing) và thiết kế, do đó mang tầm quan yếu đối với sự thành công kinh tế.[8] Nghĩa là, khả năng sáng tạo là yếu tố quan yếu nối kết mối quan hệ giữa văn hoá và kinh tế.

Tóm lại, đối với các quốc gia dân chủ giàu mạnh, khả năng sáng tạo mang tính cách quyết định đối với tiềm năng và sức mạnh của quốc gia đó. Bởi vì nó bao hàm mọi mặt văn hoá và kinh tế, các chính sách kinh tế và văn hoá của các quốc gia tiên tiến ngày nay đều đặt trọng tâm vào khả năng sáng tạo của công dân mình. Do đó các chính sách cũng như ngân sách về văn hoá, giáo dục, nghệ thuật, truyền thông, hội hoạ, văn học v.v... tại các quốc gia này cũng đều phản ảnh các mục tiêu xây dựng con người và đất nước về lâu về dài, gia tăng tính cạnh tranh ở tầm quốc gia và quốc tế trên mọi địa hạt văn hoá.

Cũng cần nhắc lại là vào thập niên 1970, trung điểm của thời chiến tranh lạnh, người ta đã nói đến sức mạnh văn hoá (tức sức mạnh mềm, soft power) và xem nó như một khả năng thay thế cho sức mạnh quân sự (tức sức mạnh cứng, hard power). Lý do, một phần lớn, là vì sức mạnh quân sự hàng đầu như Hoa Kỳ với vũ khí tối tân và nguyên tử còn chưa thắng tại Việt Nam, do đó chủ nghĩa chính trị thực tiễn (political realism) đã không còn đứng vững chắc như thời mới sau Thế chiến Thứ hai. Xu hướng này đề cao văn hoá, giá trị, ý tưởng, tôn giáo, bản sắc là sức mạnh đích thực có thể chuyển hoá chính trị (trong bang giao quốc tế gọi là kiến tạo luận — constructivism).[9] Một khi văn hoá và các sản phẩm trí tuệ được xem là thước đo sức mạnh của một quốc gia, hơn là vũ lực, thì sự cạnh tranh về kinh tế và trí tuệ trên bình diện quốc tế sẽ thay đổi hẳn trò chơi và luật chơi. Các lãnh đạo quốc gia nào có tầm nhìn xa đều đề cao khả năng sáng tạo như là một yếu tố quyết định về tiềm lực của quốc gia mình. Vì thế nên mới có sự tiến hoá tuần tự như sau trong vòng vài thập niên nay, như tại Anh và Úc chẳng hạn: từ chủ trương kỹ nghệ văn hoá đi đến kỹ nghệ sáng tạo; từ kỹ nghệ sáng tạo đi đến kinh tế sáng tạo; và từ kinh tế sáng tạo đi đến quốc gia sáng tạo (creative nation). Tóm lại, sáng tạo là cứu cánh.

Trong bản tường trình của Hội nghị Úc 2020, một trong những kết luận của hội nghị cho rằng cần lồng khả năng sáng tạo vào hệ thống giáo dục, kinh tế và tính đại diện quốc tế ở mọi tầng (xã hội), và phát huy văn hoá qua các hoạt động rộng khắp, từ văn học, phim ảnh, nghệ thuật trình diễn, hội hoạ cho đến thiết kế, trò chơi vi tính (computer gaming), truyền thông cũng như những thứ khác.[10]

 

II. Làm sao phát huy khả năng sáng tạo?

Nếu sáng tạo là cứu cánh, vậy thì làm sao có thể phát huy khả năng sáng tạo?

Câu trả lời có lẽ là: trước hết phải bắt đầu bằng sự hiểu biết. Nghĩa là phải nghiên cứu, tìm hiểu nó một cách tường tận về mọi đặc tính của nó và sự liên hệ của nó về mọi mặt đời sống. Vì thế cho nên trong phần này, tôi sẽ cố gắng tóm lược và liệt kê các điểm quan trọng của tác phẩm “Hiểu khả năng sáng tạo: sự tương tác giữa các yếu tố sinh vật, tâm lý và xã hội” của học giả Dacey và Lennon.

Nhưng trước hết, ngược dòng thời gian, theo Dacey và Lennon, thì thời xưa người ta tin rằng chỉ có thượng đế mới có khả năng sáng tạo (tạo ra thế gian và vạn vật chung quanh). Do đó người ta cho rằng tất cả những sáng chế phát minh thích đáng đều do thượng đế (hay nhiều thượng đế, tuỳ theo quan niệm tôn giáo của người đó) truyền cảm hứng.[11] Nghĩa là người ta tin rằng con người không tự nhiên mà có được khả năng sáng tạo. Mãi cho đến thời kỳ Phục hưng (Renaissance), quan niệm trên đã dần dần nhường bước cho ý niệm rằng khả năng sáng tạo là sự thừa kế di truyền, tức chủ yếu mang tính sinh vật (biological). Vào đầu thế kỷ 20, cuộc tranh luận đổi sang chiều hướng cái nào góp phần quan trọng hơn: nhân tính (human nature) hay nhân dưỡng (human nurture). Trong những thập niên gần đây, giả thuyết rằng khả năng sáng tạo là do sự tương tác phức tạp giữa các lực đến từ xã hội, tâm lý, sinh vật, tức xã-tâm-sinh (biopsychosocial), đã ngày càng được chấp nhận nhiều hơn.

Lâu nay, giới học thuật Tây phương đã thực hiện nhiều cuộc nghiên cứu[12] tìm hiểu tài năng sáng tạo của những nhân vật xuất chúng, trong đó môi trường nuôi dưỡng những tài năng này lúc còn bé được xem là một yếu tố quan trọng góp phần tạo nên những thiên tài như thế.

Theo sự điều nghiên sâu rộng của học giả A. Ochse thì ngoại trừ một số trường hợp ngoại lệ, đa số những người thể hiện khả năng sáng tạo ngoại hạn đến từ giai cấp xã hội chuyên môn.[13] Cha mẹ và những tấm gương của các thiên tài này không những coi trọng việc theo đuổi tri thức và nghệ thuật mà còn tạo môi trường thuận tiện để phát triển tối đa tài năng của những người này khi còn bé. Trong nhà của họ thì đầy sách vở, các cuộc đàm thoại thì thường hứng thú, và các lợi thế văn hoá khác cũng luôn có sẵn. Tuy nhiên, một số nghiên cứu khác cho rằng không phải vì thế mà kết luận rằng những thiên tài có tuổi thơ được ưu đãi về mặt vật chất chiếm tỷ lệ áp đảo.

Trong một nghiên cứu khác mang tính lịch sử tâm lý (psychohistorical) đối với những thiên tài xuất chúng, học giả D. K. Simonton đưa ra những yếu tố được xem là góp phần hình thành nên sự kiệt xuất đó. Nó bao gồm:[14] 1) các yếu tố tâm lý và sinh vật (như tính di truyền “gien” và tính sắc tộc); 2) cách học và nhận thức; 3) phương pháp giải quyết vấn đề; 4) động cơ; 5) kinh nghiệm từ bé và ảnh hưởng của tuổi tác; 6) trí thông minh; 7) cá tính; 8) bệnh học tâm lý (psychopathology); 9) kinh nghiệm bản thân về bạo lực và chấn thương; 10) ý kiến quần chúng; 11) thái độ và niềm tin; 12) sự noi theo, sự xác định tư cách của mình (affiliation), kỹ năng linh hoạt trong nhóm và khả năng lãnh đạo.

Đó là những nghiên cứu phần lớn dựa trên những thiên tài xuất chúng. Tuy nhiên, theo Dacey và Lennon, mọi khả năng con người đều có các khía cạnh sinh vật, tâm lý và xã hội. Cho nên ai cũng có ít hay nhiều sáng tạo, mặc dầu mức độ chênh lệch có thể một trời một vực. Nó tuỳ thuộc vào yếu tố sinh vật (từ vấn đề thụ thai, mang thai, tính khí, phát triển cơ thể, sức khoẻ, tuổi dậy thì cho đến sự mãn kinh), yếu tố tâm lý (từ cá tính, xử lý tin tức, giải quyết vấn đề, động cơ, phát triển cảm giác, ngôn ngữ, đạo đức cho đến hình ảnh thân thể mình), và yếu tố xã hội (từ sự gắn bó với mẹ, quan hệ giữa anh chị em, thành công học vấn, quan hệ bạn bè, ảnh hưởng truyền thông, những nhấn mạnh về văn hoá, quan hệ vợ chồng cho đến môi trường làm việc).[15]

Trong các chương sách sâu đó, Dacey và Lennon đi sâu vào từng khía cạnh nêu trên để thực hiện (hay sử dụng kết quả) các cuộc nghiên cứu và từ đó đưa ra những nhận định, phân tích của từng yếu tố ảnh hưởng lên khả năng sáng tạo. Chương 3 và 4 nói về ảnh hưởng của gia đình và xã hội, chương 5 đến 9 nói về ảnh hưởng của các yếu tố tâm lý, chương 10 và 11 nói về ảnh hưởng của các yếu tố sinh vật, và chương cuối 12 đưa ra một mô hình mới giải thích khả năng sáng tạo qua sự tương tác của cả ba yếu tố xã-tâm-sinh. Trong phạm vi của bài này, tôi sẽ tập trung nói về các khía cạnh xã hội và tâm lý là chính, nhưng ngay cả trong hai mặt này thì cũng chỉ nói lên một số nét tiêu biểu hay một số điều quan trọng chúng ta có thể liên hệ đến tình trạng Việt Nam. Mong rằng sẽ có nhiều người khác đi sâu vào cũng như đi rộng hơn các điều nêu sau đây.

1) Về mặt xã hội

Dacey và Lennon phân tích vai trò ảnh hưởng của gia đình và của xã hội lên khả năng sáng tạo. Xin lưu ý ở đây rằng “xã hội” (social) hàm ý quan hệ tương tác giữa con người với nhau, do đó môi trường gia đình và môi trường chung quanh đều mang tính xã hội cả.

a) Gia đình: có thể nói rằng mỗi gia đình đều khác nhau, cho nên để tổng quát hoá ảnh hưởng của gia đình lên những người sáng tạo là điều không dễ chút nào. Như nhà nghiên cứu hàng đầu về khả năng sáng tạo Frank Barron nói, gia đình là một hệ thống có lẽ là phức tạp nhất và quan trọng nhất mà chúng ta được biết.[16] Do đó, nhiều khía cạnh của gia đình được điều nghiên để tìm hiểu tác động của chúng lên khả năng sáng tạo: luật lệ trong gia đình, những thời điểm quan yếu trong cuộc sống, vấn đề khôi hài, loại nhà cửa (kể cả cách sắp xếp trong nhà – mà người mình thường gọi là phong thuỷ), sự phát hiện tài năng sớm và sự phát huy nó, phong cách sống của cha mẹ, vấn đề tổn thương, tầm quan trọng của sự cố gắng làm việc, sự sử dụng tay trái (có nghĩa là được điều khiển chủ yếu bởi bộ não bên phải), sự khác biệt về phái tính, cách nhìn của cha mẹ về khả năng sáng tạo của con cái v.v... Những đặc tính khác như sự thành thật, sự khả tín, và trí tưởng tượng được nhiều cha mẹ (của những người sáng tạo) trong các cuộc nghiên cứu đánh giá quan trọng hơn cả các yếu tố như “có thể nhìn vấn đề bằng cách mới và khám phá nhiều ý tưởng mới”...

Một số nghiên cứu khác đưa ra những kết quả khá lý thú về quan hệ giữa cha mẹ và con cái như sau.[17] Thứ nhất, trẻ em được xem là có khả năng sáng tạo cao có người mẹ ít quan hệ cảm xúc đối với chúng hơn và khuyến khích chúng trở nên độc lập hơn so với những người mẹ khác. Những người mẹ này thường tự tin hơn và có nghề nghiệp cao. Điều này được cho là có lợi cho sự phát triển khả năng sáng tạo bởi nó cho phép trẻ em nhiều tự do hơn để khám phá thế giới và phát triển trí tưởng tượng và sáng tạo của chúng. Thứ hai, cha mẹ của những người sáng tạo phát minh luôn chấp nhận, hợp tác, thể hiện tình thương và có nhiều mong đợi cao từ con mình, nhưng đồng thời cũng tôn trọng tính chủ quan và độc lập của chúng. Trong khi đó, nhiều đứa trẻ trong nhóm không sáng tạo thì lại có cha mẹ có thái độ kiểm soát và giới hạn các hoạt động của con mình. Hơn nữa, những người mẹ trong nhóm không sáng tạo nghĩ rằng các vấn đề gia đình (như chuyện lục đục giữa cha mẹ hay các vấn đề khác) nên được dấu để chúng không coi thường quyền uy của cha mẹ, và xem đó là sự cần thiết để làm gương cho con. Tóm lại, khi người mẹ càng đặt giới hạn khắc khe lên con mình thì khả năng khám phá độc lập của đứa bé sẽ càng ít đi, nhất là trong các tình huống mới. Tuy nhiên, kết quả nghiên cứu cũng khẳng định rằng quan hệ giữa kiểm soát và khám phá mang hình chữ U, nghĩa là không có kiểm soát gì hết và kiểm soát quá mức đều không tốt cho con mình. Thứ ba, ngoài ba loại cha mẹ gồm độc tài (authoritarian), dễ dãi (permissive), thẩm quyền (authoritative, tức không độc tài, không dễ dãi nhưng cứng rắn nguyên tắc khi cần thiết, chẳng hạn) thì còn có loại thứ tư gọi là khuyến khích nuôi dưỡng (nurturing parenting). Những bậc cha mẹ này thường thể hiện sự tin tưởng vào khả năng nhận xét và công bằng của con mình; tôn trọng suy nghĩ, cảm xúc, và tính độc lập của chúng; hỗ trợ những sở thích và mục đích của chúng; thích thú ở cạnh chúng; có khả năng bảo vệ đứa bé từ những vết thương do nó hay người khác gây ra; có xu hướng làm gương cho những giá trị mà đứa bé cần, kể cả sự tự kiềm chế và sự nhạy cảm. Một nghiên cứu khác cho rằng cha mẹ nên có những thái độ như sau đối với con mình: tự do; tôn trọng; gần gũi cảm xúc một cách vừa phải; đặt nặng giá trị hơn là quy tắc; trọng thành quả hơn là điểm số phân loại; cảm kích khả năng sáng tạo; khi cha mẹ làm gì thì tích cực trong mục đích của mình; có viễn ảnh cho tương lai; có tính vui nhộn khôi hài. Nói chung, sự đóng góp quan trọng nhất của cha mẹ đối với khả năng sáng tạo của con mình là khi họ sẵn sàng đi theo, chứ không phải lúc nào cũng hướng dẫn, đường đi của con mình và có sự nhạy cảm để nhận thức phân biệt rõ đâu là mục tiêu quan trọng của con mình. Thứ tư, mối quan hệ giữa cha mẹ với nhau cũng rất quan trọng đối với tinh thần sáng tạo của con mình, mặc dầu đây là điều rất khó đi đến kết luận chính xác. Nhưng khi quan hệ giữa cha mẹ bền vững thì nó có thể che chở ổn định tinh thần để các em có thể tập trung vào sự phát huy khả năng sáng tạo.

b) Xã hội: Dacey và Lennon chia thành 4 phần chính khi nói về phạm trù xã hội: 1) hệ thống giáo dục; 2) phần thưởng xã hội; 3) khả năng sáng tạo qua quãng đời; 4) vai trò của văn hoá đối với thiên tài và khả năng sáng tạo.[18]

Về mặt giáo dục, Dacey và Lennon tóm lược và phân tích các yếu tố góp phần hay cản trở khả năng sáng tạo. Thứ nhất, trường học có thể ngăn cản khả năng sáng tạo bởi vì, theo kết quả của nhiều cuộc nghiên cứu cho thấy, vẫn còn sự phân biệt phái tính (nam được chuộng hơn nữ). Thứ hai, trong một cuộc nghiên cứu gần 400 ngành nghề tại Hoa Kỳ (có lẽ không kể tôn giáo), sự độc đoán (authoritarianism) của thầy cô giáo chỉ đứng sau cảnh sát và quân đội. Nghĩa là còn khá nhiều thầy cô giáo vẫn còn thái độ là học sinh phải gần như tuyệt đối vâng lời thầy cô, và như thế thường không chấp nhận những cái lập dị, phi quy ước, bất thường (là một số đặc tính của những con người có khả năng sáng tạo cao). Xin mở ngoặc ở đây để thưa rằng tình trạng này đã thay đổi rất nhiều so với thời thập niên 1950 (khi cuộc nghiên cứu vừa mới nói trên diễn ra), mặc dầu có thể vẫn không thay đổi bao nhiêu so với trường hợp Việt Nam chẳng hạn. Thứ ba, vì thiếu những thầy cô có thể công nhận và khuyến khích khả năng sáng tạo cho học trò của mình, nhất là khi xã hội vẫn chưa hoàn toàn hiểu và đối phó với đặc tính sáng tạo, đặc biệt là xã hội vẫn còn mang tâm lý sợ bất ổn định và quyền kiểm soát, nên đó cũng là vấn đề cần giải quyết. Thứ tư, cách hướng dẫn cũng rất quan trọng đối với việc phát triển sáng tạo. Các nghiên cứu cho biết khi học sinh được cho một sự độc lập nào đó trong bài tập của mình, thí dụ như môn vẽ nhưng phải gọn gàng, không được giăng bừa bãi, thì thường những học sinh nào không chú ý quá mức đến sự trừng phạt nếu không gọn gàng sẽ có bức tranh có vẻ sáng tạo hơn những cái khác. Thứ năm, nhà trường cũng ngăn cản tính sáng tạo nếu không hay thiếu chấp nhận đối với sự thất bại bởi vì như thế sẽ làm cho học sinh không dám mạo hiểm để có những phương cách mới. Học giả Sternberg và Lubart khẳng định rằng, “Một trong những vấn đề đối với văn hoá giáo dục (hay nhà trường) ... là rằng sinh viên học sinh không bao giờ học cách để thử nghiệm các mạo hiểm hợp lẽ, một khả năng cần thiết nếu muốn làm những công việc mang tính sáng tạo”.[19] Thứ sáu, áp lực từ bạn bè (peer pressure) cũng là một cản trở lớn đối với sự sáng tạo của trẻ em khi làm những chuyện mạo hiểm, và làm nản lòng các em nên không muốn nói hay trình bày các ý kiến này. Ngoài ra, Dacey và Lennon trình bày nhiều nguyên do khác từ các cuộc nghiên cứu khác, thí dụ như chính hệ thống và chính sách giáo dục, chẳng hạn, đã là nguyên nhân cản trở khả năng sáng tạo. Vấn đề cũng được đặt ra là tại sao đa số giáo viên lại có tính độc đoán, hay tại sao nghề dạy lại thu hút những người có tính độc đoán? Có lẽ cũng từ các nghiên cứu này, thế hệ giáo viên về sau đã được đào tạo để khuyến khích và nuôi dưỡng khả năng sáng tạo của sinh viên mình thay vì cản trở hay trù dập nó như trước đây.

Về mặt phần thưởng xã hội, thì theo nguyên tắc động cơ đích thực (intrinsic motivation principle), thuyết này cho rằng khi người ta có động cơ làm những việc sáng tạo bởi chính sự quan tâm/quyền lợi của họ và thích thú với việc đó thì họ thường sáng tạo hơn là động cơ đó không đến từ chính họ mà do những mục tiêu khác áp đặt lên họ.[20] Thí dụ như Albert Einstein, từ nhỏ đến lớn, luôn mê hoặc với những việc mà chính mình chọn lựa nên những thứ khác chẳng bao giờ là quan trọng khi ông làm những việc đang thích. Ngoài ra, khi có những động cơ bên ngoài (extrinsic motivation) như lương bổng, khen thưởng hay lên chức thì khả năng sáng tạo chưa chắc đã gia tăng mà có thể bị cản trở. Học giả T. Amabile đã tóm tắc 3 ý kiến căn bản để đề cao động cơ đích thực đối với những trẻ em có tài năng thiên phú như sau: 1) khuyến khích tính độc lập bằng cách tôn trọng tính cá nhân của trẻ em và tránh những kiểm soát mang tính lo âu đối với các hoạt động của chúng. Trong quá trình hoà nhập xã hội, nhấn mạnh các nguyên tắc mang tính hướng dẫn và những lý do tại sao thay vì dùng quy tắc; 2) Dạy các em tập trung vào sự thích thú đích thực khi học và khi phát triển sự thành thạo của mình. Giúp các em đạt được một khoảng cách nhận thức từ những ràng buộc bên ngoài đặt lên họ mà không cần phải lờ đi hoàn toàn những ràng buộc này. Điểm chính ở đây là dạy các em giữ các phần thưởng, sự tranh đua, sự lượng giá, và những ràng buộc khác một cách đúng triển vọng của nó để mà những yếu tố này không áp đảo sự thích thú đích thực của các em khi thực hiện các việc (sáng tạo) của mình; 3) Làm gương cam kết độc lập trong các công việc sáng tạo và cung cấp các em những cơ hội để khám phá chính khả năng sáng tạo qua nhiều hoạt động và kinh nghiệm khác nhau.

Về khả năng sáng tạo qua thời gian, có những thời điểm trong cuộc đời mang tầm quan trọng mà qua đó khả năng sáng tạo được trau dồi một cách hiệu quả nhất. Sáu thời điểm đó là 1) 0-5 tuổi cho cả nam và nữ; 2) 11-14 cho nam, 10-13 cho nữ; 3) 18-20 cho cả nam lẫn nữ; 4) 29-31 cho cả nam và nữ; 5) 40-45 cho cả nam và nữ; 6) 60-65 cho cả nam và nữ. Có nhận định cho rằng những gì xảy ra lúc còn trẻ có ảnh hưởng nhiều hơn so với các năm về sau, cho nên sự phát triển khả năng sáng tạo càng thụt lùi theo thời gian.

Về vai trò của văn hoá, câu hỏi được đặt ra là tại sao có những thời cực thịnh về tiềm năng sáng tạo đối với một số quốc gia, thí dụ như thời vàng son của Hy Lạp, chẳng hạn? Hay điều kiện chính trị vào cuối thế kỷ 18 đã thích hợp để thôi thúc các nhà lập quốc viết Hiến Pháp của Hoa Kỳ? v.v... Theo nhà nhân chủng học A. Kroeber thì điều kiện văn hoá đóng vai trò quan yếu, và sự tiến bộ văn hoá thường bắt đầu trong một địa hạt nhỏ rồi sau đó lan rộng ra toàn văn hoá.[21] Vì thế học giả Kroeber biện luận rằng di truyền (genetics) chỉ đóng một phần rất nhỏ đối với Anh quốc bởi vì tại nước này, vào giữa thời điểm 1450 đến 1550, không tạo ra một thiên tài nào, nhưng sau đó, từ 1550 đến 1650, đã đẻ ra hàng loạt những thiên tài trong lãnh vực văn chương, âm nhạc, khoa học, triết học và chính trị. (Xin lưu ý ở đây là nói về văn hoá là bao gồm cả ba lãnh vực kinh tế, chính trị và xã hội).

Văn hoá, theo nhiều nhà nghiên cứu, có thể có tác động tích cực lẫn tiêu cực đối với thiên tài. Học giả S. Arieti đặt tên cho những văn hoá mà khuyến khích nuôi dưỡng khả năng sáng tạo là những xã hội sáng-xuất (tức sáng tạo và xuất chúng, “creativogenic”).[22] Một xã hội như thế hiển nhiên phải được dựa trên nền tảng công bằng và luật pháp công minh. Arieti sử dụng quan niệm của (Tổng thống thứ 32 của Hoa Kỳ) Franklin D. Roosevelt về một xã hội mà cổ vũ cho bốn tự do: tự do không phải sợ hãi hay ham muốn (freedom from fear and want), tự do ngôn luận và tín ngưỡng (freedom of speech and worship). Arieti kết luận rằng một xã hội mà không có tự do căn bản đó sẽ kiềm chế khả năng sáng tạo. Tất nhiên một xã hội có đủ bốn tự do này không nhất thiết sẽ tạo ra nhân tài xuất chúng.

Arieti cũng đưa ra chín đặc điểm của xã hội sáng-xuất: 1) sự có sẵn phương tiện văn hoá và hiển nhiên vật chất (thí dụ, nếu Mozart sinh ra ở nơi khác, chẳng hạn như Phi Châu, thì chưa chắc gì đã thành như thế); 2) sự phóng khoáng đối với các kích thích văn hoá, nghĩa là ít nhất một phần dân số cũng phải biết thưởng thức kết quả của những thiên tài này; 3) sự nhấn mạnh ý nghĩa trở thành, không chỉ đang là (an emphasis on becoming, not just being); 4) sự tự do tìm đến mọi truyền thông văn hoá cho tất cả công dân mà không có sự phân biệt (về phái tính hay giai cấp, như đã xảy ra trước đây); 5) tự do sau khi bị đàn áp gay gắt (thí dụ như phụ nữ và các sắc tộc thiểu số trước đây bị đàn áp nên bây giờ cần đóng góp sáng tạo nhiều hơn trong tương lai); 6) mở rộng tiếp thu nhiều luồng văn hoá khác, kể cả trái ngược, thí dụ như tính cách đa văn hoá (của Hoa Kỳ, Canada, Úc v.v...) và tinh thần khoan dung đã đưa đến nhiều lợi ích về mặt sáng tạo; 7) tinh thần khoan dung và sự thích thú đối với các quan điểm hay ý kiến lạ thường; 8) cơ hội để giao tiếp giữa những nhân vật đáng kể (giao lưu văn hoá); 9) khuyến khích động cơ và giải thưởng.

Học giả Arieti đã nghiên cứu sâu rộng về khả năng sáng tạo của người Do Thái, và theo ông thì tất cả chín đặc điểm trên đều thể hiện trong cuộc sống của người Do Thái. Khi nó không xảy ra thì ông nhận định rằng lúc đó khả năng sáng tạo đã bị ảnh hưởng nặng nề. Đối với bốn thiên tài thuộc hàng ảnh hưởng nhất của thế giới kể từ năm 1848 đến nay, gồm Albert Einstein, Sigmund Freud, Karl Marx và Charles Darwin, thì Einstein và Freud là hai người Do Thái chính gốc, Marx có cha mẹ gốc Do Thái nhưng sau đó đổi qua đạo Thiên Chúa Giáo (còn Darwin là người Anh). Hơn nữa, từ năm 1901 đến 1970, giải Nobel đã về tay người Do Thái với tỷ lệ gấp 28 lần so với người không phải Do Thái (Gentiles). Đứng nhì là người Pháp không phải gốc Do Thái, chiếm tỷ lệ gấp 6 lần người Gentiles.

Arieti cũng nhận định năm đặc tính sau đây của người Do Thái hiện đại góp phần quan trọng không kém về khả năng sáng tạo: 1) một tinh thần yêu chuộng giáo dục được hình thành lâu đời đối với người Do Thái, nhờ đó giúp họ hội nhập thành công vào giòng chính khi phải di cư sang một nơi khác; 2) Người Do Thái ít phân biệt những phụ nữ nào có ước mong thăng tiến sự nghiệp (cho nên những nhà sáng chế phụ nữ gốc Do Thái thì rất nhiều); 3) nhiều thế kỷ bị đàn áp đã làm cho họ có những khao khát trở thành xuất sắc trong nhiều địa hạt như là phương tiện để bảo đảm sự an toàn; 4) nhạy cảm vì bị đối xử một cách bất công trong xã hội, họ luôn ủng hộ cải tổ và cách tân xã hội; 5) vì hoàn cảnh quá khứ nên họ muốn giao tiếp với người khác, nhất là khi phải di cư qua một nơi khác, qua đó giữ quan hệ mang tính cách quốc tế để mở mang tầm nhìn, tránh bị đàn áp và cố gắng tạo cho mình cuộc sống tốt hơn.

Dacey và Lennon cho rằng những nhận định của Arieti có vẻ đứng vững đối với trường hợp người Do Thái, và nếu có thể xây dựng xã hội sáng-xuất với tám (thay vì chín, ngoại trừ điểm số 5 nói về tự do sau khi bị đàn áp gay gắt, vì nhiều lý do khác nhau) đặc điểm nêu trên thì nó sẽ mang lại lợi ích cho toàn nhân loại.

2) Về mặt tâm lý

Theo Dacey và Lennon, các nhà học giả về khả năng sáng tạo cũng chưa phân biệt được phẩm chất cá nhân (personal qualities) có phải là nguyên nhân trực tiếp của khả năng sáng tạo không.[23] Theo học giả E. Winner thì đối với những người được xem là những nhà sáng tạo (creators), “một số đức tính cá nhân nào đó chứng minh là quan trọng hơn cả những người có hệ số thông minh cao (high IQ), hay khả năng đặc biệt về lãnh vực nào đó, ngay cả ở tầm mức phi thường. Những nhà sáng tạo rất siêng năng, tập trung, vượt trội và dám mạo hiểm một cách độc lập... Những trẻ em nào không có ít nhất một số đức tính này thì có ít hy vọng trở thành những nhà sáng tạo lớn khi trở thành người lớn”.[24]

Dacey và Lennon cho rằng có 10 đức tính mang tầm quan trọng quyết định đối với tiến trình sáng tạo: (1) chấp nhận tối nghĩa (tolerance of ambiquity); (2) tự do kích thích (stimulus freedom); (3) tự do chức năng (functional freedom); (4) linh hoạt (flexibility); (5) dám mạo hiểm (risk taking); (6) chuộng bất ổn hơn (preference for disorder); (7) chậm hài lòng (delay of gratification); (8) tự do từ rập khuôn vai trò giới tính (freedom from sex-role stereotyping); (9) kiên trì (perseverance); (10) dũng cảm (courage).

Đức tính quan trọng nhất được cho là chấp nhận tối nghĩa. Lý do là vì trong những tình huống không rõ ràng, không có đầy đủ tin tức dữ kiện, người ta phản ứng khác nhau. Có người quan tâm nhưng kèm theo sự hứng thú. Cũng có người lo lắng quá nên muốn rút lui. Đối với những người sáng tạo, cần phải có mức độ lạ lùng hay tối nghĩa lắm mới làm cho họ sợ hãi hay kinh hoàng. Cũng vì thế nên người sáng tạo tìm thấy những gì mới lạ thích thú và kích động hơn là sợ hãi, và điều đó giúp khả năng của họ phản ứng một cách sáng tạo.

Tự do kích thích có nghĩa là phá luật, hoặc coi nó như không có khi có những quy tắc không rõ nghĩa, qua đó người sáng tạo tự làm ra sản phẩm mang tính tưởng tượng của mình. Trong khi đó, có những người hoàn toàn tuân theo luật bởi vì sợ bị sai hay bị phạt. Sự sợ hãi này được cho là một trong những yếu tố cản trở hiệu quả nhất đối với khả năng sáng tạo. Ngược lại, tự do kích thích giúp vượt qua và phát huy khả năng sáng tạo.

Tự do chức năng là ngược lại với sự cố định chức năng (functional fixity), mà như thế có thể cản trở khả năng sáng tạo. Giáo dục có hai mặt: một mặt cho ta kiến thức, nhưng càng học có người càng bị cứng ngắt trong lối suy nghĩ (thí dụ về chức năng của một cái gì đó); mặt khác, giáo dục khuyến khích sự suy nghĩ đa dạng và phức tạp. Cho nên chúng ta cần suy nghĩ về cả hai mặt. Có thể lấy học võ làm thí dụ. Học giỏi lý thuyết võ về thế đánh nhưng khi ra trận thật sự thì không thể múa các thế đó mà phải biết uyển chuyển trong các chức năng của thế võ đó.

Mềm dẻo, linh hoạt là đức tính bổ túc cho tự do chức năng ở trên cũng như các đức tính khác. Người sáng tạo là phải linh hoạt trong thế giới rộng mở, linh hoạt đối với những thay đổi chung quanh, và sẵn sàng mang lại sự thay đổi đó. Nó cũng là khả năng để có thể nhìn thấy toàn cảnh, hơn là một số những chi tiết không có liên hệ hay thống hợp gì với nhau.

Dám mạo hiểm là yếu tố cần thiết, bởi thường khi sợ mạo hiểm, chuộng an toàn thì không đưa đến sáng tạo. Càng nhỏ trẻ em càng không biết sợ, cho nên chúng càng sáng tạo (như kết quả nêu trên). Càng lớn, vì kinh nghiệm đau thương do chính mình hay do người khác gây ra, nên chúng càng biết sợ. Nhưng càng sợ thì càng không dám mạo hiểm.

Chuộng bất ổn là một đức tính của người sáng tạo vì họ thích sự phức tạp và sự không đối xứng (asymmetry) hơn là những cái đơn giản và đối xứng. Họ thấy thích thú hơn và thử thách hơn vì qua đó họ có thể góp phần thay đổi sự bất ổn định thành ổn định, dù là cái ổn định theo định nghĩa của chính họ. Có thể vì lý do này nên nhiều người không thích thiên tài vì họ cho đó là những kẻ bất trị.

Chậm hài lòng cũng là một đức tính của người sáng tạo, bởi nếu dễ hài lòng thì khó thể nào làm ra những sản phẩm công trình lớn. Nhiều nhà sáng tạo miệt mài làm việc nhiều năm trong nhiều dự án mà không hề có sự công nhận hay giải thưởng gì cả. Nhiều giải thưởng Nobel cũng trong trường hợp như thế.

Tự do từ rập khuôn vai trò giới tính chủ yếu là về sự phân biệt phái tính. Cho đến thời gian gần đây (mặc dầu trên thế giới vẫn còn nhiều nơi phân biệt phái tính như thế), gia đình và nhà trường là hai định chế ảnh hưởng mạnh mẽ lên khả năng sáng tạo của con người. Sự đề cao tính cạnh tranh đối với học sinh nam hơn nữ, và sự kiềm chế cung cách hành xử của học sinh nữ hơn nam (thí dụ như nữ phải ngồi ngay ngắn, phải lady-like v.v...) là những yếu tố có khả năng kiềm chế tính sáng tạo của phái nữ. Nam được quyền thử (nghiệm) hầu như mọi thứ, trong khi đó nữ thì bị hoặc là cấm đoán hoặc không khuyến khích gì cả. Tuy thế, dù sáng tạo không được khuyến khích đối với nữ giới, nhiều phụ nữ đã có những đóng góp sáng tạo đáng kể trong lãnh vực nghệ thuật và nhân văn cũng như y học và khoa học, như lịch sử đã cho thấy.

Kiên trì là đức tính của người sáng tạo, ngay cả trong những lúc vô cùng nản lòng, thất vọng hay những chướng ngại tưởng chừng khó thể nào vượt qua (đối với người thường). Họ biết tập trung năng lực vào mục tiêu của mình, và biết rõ mình đang muốn đạt được cái gì. Không những siêng năng, họ còn kiên trì ngày này qua tháng nọ, tháng này qua năm nọ. Thiếu kiên trì thì không thể đạt được những thành quả lớn.

Dũng cảm cũng là một trong các đức tính quan trọng nhất để thành công, bởi người sáng tạo thường cô đơn, từ suy nghĩ đến hành động. Những ý tưởng đầu tiên thường là thiểu số. Muốn đi ngược lại suy nghĩ đa số, đám đông vì trong đầu có những niềm tin hay không chấp nhận cái lạ cái mới thì đòi hỏi sự dũng cảm, không sợ lẽ loi. Ngoài ra, những ý kiến mới thường thách thức nguyên trạng cho nên cũng dễ bị ngay cả những người được xem là vô cùng thông minh bác bỏ cho là ảo tưởng. Do đó một số công trình sáng tạo không hề được công nhận cho đến khi tác giả không còn sống nữa, và đó không phải là chuyện bất thường.

Ngoài 10 đức tính nói trên, có những phẩm chất riêng tư sáng tạo khác cũng thể hiện nơi người sáng tạo. Nó bao gồm: nhạy cảm đối với những vấn đề tồn tại chung quanh; sự kiềm chế (self-control) khi giải quyết vấn đề; giỏi cả hai mặt phân tích và trực cảm khi suy nghĩ; có thể suy nghĩ cả hai hướng: hội tụ (convergent thinking, tức khả năng giải quyết vấn đề mà chỉ có một giải đáp), và toả ra (divergent thinking, tức khả năng đưa ra nhiều giải pháp cho một hay vấn đề); có trí thông minh hơn bình thường nhưng không nhất thiết phải ở trong phạm vi xuất chúng; sẵn sàng kinh nghiệm (những cái mới) và ít bảo thủ khi tiếp cận các thông tin mới; thấy mình có trách nhiệm với nhiều cái xảy ra cho mình; thích thú vui chơi và có khi giống trẻ con; thường chơi các hoạt động một mình, nhất là khi còn trẻ con; thường nghi vấn tính nguyên trạng; độc lập đối với những nhận định của người khác; ít sợ sự bốc đồng hay cảm giác thầm kín của mình; thích tự lên kế hoạch của mình, tự quyết định và ít cần đào tạo, và trãi qua kinh nghiệm bằng sự tự hướng dẫn; không thích làm việc với người khác, và thích tự đánh giá mình hơn sự đánh giá đến từ người khác, cho nên ít khi nào hỏi ý kiến người khác; nhìn vấn đề có triển vọng khi gặp phải những việc khó khăn phức tạp; có nhiều ý kiến nhất khi có cơ hội bày tỏ quan điểm cá nhân của mình, dù những ý này thường gặp sự chê bai của người khác; đứng vững khi gặp phê bình; hữu ích nhất khi gặp những trường hợp bất thường xảy ra; không nhất thiết là học sinh “giỏi” nhất; thể hiện sự sử dụng nhiều tưởng tượng về cách dùng từ ngữ phong phú của mình; độc đáo hơn, cho nên ý tưởng thường khác về mặt chất lượng so với người khác.

Tất nhiên, theo Decay và Lennon, không phải người sáng tạo nào cũng có các phẩm chất này, nhưng tất cả đều thể hiện phần lớn chất lượng này.

Trên đây là những tóm tắc chính về ảnh hưởng của môi trường gia đình, nhà trường, và xã hội chung quanh lên những người có tiềm năng trở thành xuất chúng trong một hay nhiều địa hạt của mình. Về mặt tâm lý, phần trên cũng liệt kê các đức tính thường thể hiện nơi những người có tiềm năng sáng tạo. Nhiều khía cạnh tâm lý khác cũng như các yếu tố sinh vật như chức năng của bộ óc (nhỏ như tế bào macroneurons), đã được trình bày trong các chương sách của Dacey và Lennon, nhưng không có thời gian để đào sâu ở đây.

 

III. Sáng tạo và ước mơ Nobel

Theo giáo sư Herbert A. Simon, một trong những nhà khoa học xã hội ảnh hưởng nhất của thế kỷ 20, và là người đoạt giải Nobel kinh tế vào năm 1978,[25] thì các giải thưởng Nobel về vật lý, hoá học, sinh lý học/y học, và kinh tế học công nhận và nuôi dưỡng khả năng sáng tạo của con người cũng như các khám phá trong lãnh vực khoa học và sự đóng góp đối với phúc lợi xã hội; còn các giải thưởng về văn chương công nhận và nuôi dưỡng khả năng sáng tạo trong lãnh vực nghệ thuật (arts), trong cách hành xử đối với những vấn đề liên quan đến con người, và sự đóng góp của nó đối với phúc lợi.[26] Do đó ông Simon cho rằng muốn tiến tới đạt được những mục đích này một cách hiệu quả thì cần phải hiểu bản chất của các tiến trình sáng tạo trong lãnh vực khoa học, nghệ thuật và các vấn đề con người (human affairs).

Thật vậy, khả năng sáng tạo (creativity) và tiến trình sáng tạo đó (creative processes) là nền tảng cốt lõi để các cá nhân, tập thể hay dân tộc vươn lên đến đỉnh cao của trí tuệ trong thời đại nay, dù có theo tiêu chuẩn (hoá) của giải Nobel hay một thước đo nào khác.

Đối với người Việt Nam, có lẽ khát vọng một ngày nào đó đoạt được giải Nobel, bất kỳ đó là lãnh vực vật lý, hoá học, sinh lý học/y học, văn chương, kinh tế hay hoà bình, vẫn nung nấu trong lòng bao nhiêu thế hệ. Lâu nay, người Việt tự so sánh mình với bao nhiêu dân tộc khác, nhưng hầu hết những cuộc so sánh đó không mang tính khoa học mà chỉ thuần tuý cảm tính và ảo tưởng. Phải chăng một giải Nobel có khả năng chuyển hoá để khai sáng và phát huy tiềm năng của người Việt? Không rõ! Nhưng dù sao, những khuôn mặt như Nguyễn Xuân Vinh, Dương Nguyệt Ánh, Trịnh Hữu Châu, Huỳnh Mỹ Hằng v.v..., hay những tiềm năng đầy hứa hẹn như nhà văn trẻ Nam Lê mới đây, cũng đã làm nức lòng nhiều người. Chắc chắn nó có những động viên tích cực lên các thế hệ trẻ Việt Nam đang mơ ước làm được những chuyện vẻ vang, cao xa hơn các thế hệ ông bà, cha mẹ của mình.

Đoạt giải Nobel quả là ước mơ của mọi nhà khoa học. Nhưng muốn đoạt giải Nobel trước hết phải là những trí tuệ lỗi lạc với những khả năng sáng tạo đích thực. Tuy nhiên, vì khoa học ngày càng phát triển ở tốc độ cực nhanh và mang tính liên ngành, với lượng kiến thức không những ngày càng chất cao như núi mà còn chuyên biệt hoá, vấn đề tiếp thu cập nhật những kiến mới đã là một yêu cầu tràn ngập quá mức cho các nhà nghiên cứu, khoan nói đến những khám phá mới. Thế nhưng khám phá mới hay phát minh mới là điều kiện quan yếu để đoạt được giải Nobel và, quan trọng hơn nữa, phải có sự to lớn. Ít nhất là phải to lớn hơn so với những khám phá khác ở cùng địa hạt. Không những thế, những khám phá đó cũng cần phải có chiều dài thời gian, nghĩa là có giá trị lâu dài chứ không phải biểu kiến hay để trình diễn.[27] Nói chung, giải Nobel trở nên ngày càng khó khăn hơn, thử thách hơn.

Nói chung, muốn đoạt giải Nobel thì có nghĩa là phải tranh đua với bao nhiêu bộ óc thông minh xuất chúng hàng đầu thế giới, trong đó phần lớn được đào tạo trong môi trường và trên nền tảng học thuật lâu đời, tiến bộ không ngừng và luôn mang tính cạnh tranh (competitive) lành mạnh. Cho nên ước mơ có một ngày nào đó có người Việt đoạt giải Nobel, và suy nghĩ rằng kết quả này có thể động viên phấn chấn hàng triệu con tim Việt Nam trên khắp thế giới, là điều dễ hiểu.

Trong lãnh vực nghệ thuật, chẳng hạn, nhiều người cũng hy vọng một ngày nào đó sẽ có một người Việt Nam đoạt giải Nobel văn chương (và những người đấu tranh cho tự do dân chủ và nhân quyền tại Việt Nam cũng hy vọng sẽ có người Việt đoạt giải Nobel hoà bình). Hy vọng là một chuyện, đạt được hay không, và khi nào, lại là một chuyện khác.

Trong bài “Làm thế nào Việt Nam có Nobel văn chương”,[28] nhà văn Inrasara nhận định rằng trong khi triết học là bộ môn nền tảng giúp cho con người suy nghiệm cuộc sống chiều sâu, Việt Nam không có truyền thống triết học và cũng chưa sẵn sàng cho truyền thống đó. Ngoài ra, ông cũng nhận định rằng các yếu tố như tư duy độc lập để phát huy ý tưởng mới, lối viết mới, dám thể hiện mình, vượt qua sự sợ hãi xã hội, bỏ lề thói tư duy ăn theo, núp bóng v.v... hay sự khủng hoảng và tê liệt phê bình v.v... là những nguyên do ảnh hưởng đến khả năng sáng tạo đích thực để cho ra đời những tác phẩm lớn. Inrasara dù sao cũng nói lên được một số điều kiện cần thiết quan trọng để nuôi dưỡng và phát huy khả năng sáng tạo.

Còn đối với các nhà văn nổi tiếng của Việt Nam, như Nguyễn Huy Thiệp, chẳng hạn, thì ông không hề lạc quan chút nào về giải Nobel văn chương. Đối với ông, đó là chuyện ảo tưởng.[29] Ông cho rằng những nhà văn lớn, đáng kể, là phải “sờ được đến bản chất xã hội, có khả năng và đủ trình độ văn hóa, lối sống để làm điều đó” nhưng nó không dễ chút nào. Ông nhìn nhận là chưa làm được, và chưa có nhà văn Việt Nam nào như thế. Hơn nữa, theo ông, muốn đạt được giải Nobel, thì “cá nhân không thể quyết định được; đứng đàng sâu đó còn có cả một cộng đồng”, cho nên chuyện lăng-xê rất là quan trọng.

Tựu chung, cả hai ông Inrasara và Nguyễn Huy Thiệp đều đề cao tầm ảnh hưởng quan trọng của môi trường xã hội lên khả năng của mỗi cá nhân, dù là “thiên tài” đến mấy. Tuy nhiên, trong khi ông Inrasara thì có vẻ quan tâm đến các vấn đề xã hội và văn hoá thì ông Nguyễn Huy Thiệp quan tâm đến “thế lực” của cộng đồng mà nhà văn đó đại diện. Có thể nói đây là những lập luận chung quanh vấn đề nhân tính và nhân dưỡng. Kết luận rằng nhân dưỡng quan trọng hơn nhân tính là điều dễ hiểu bởi rằng không một người Việt Nam nào bi quan cho rằng chúng ta không có khả năng, mà chỉ vì chúng ta chưa có một môi trường lành mạnh hội đủ các điều kiện cần thiết để các thần đồng Việt Nam phát huy tiềm năng của mình.

Tuy cả hai ông đều nói lên được một số điều quan trọng nhưng hình như chỉ mới chạm cái ngọn của vấn đề, không phải cái gốc. Giải Nobel đã có từ hơn 100 năm nay, và sự nghiên cứu về khả năng sáng tạo cũng đã được nghiên cứu từ Thời đại Khai sáng (thế kỷ 18) bên châu Âu. Thế nhưng hình như rất ít học giả hay các nhà giáo dục Việt Nam đi sâu vào lãnh vực này. Cho đến nay, hình như chưa có học giả Việt Nam nào đánh giá đúng mức chức năng của sáng tạo trong thời đại nay. Vì thế, nói về ước mơ đoạt giải Nobel mà không nhấn mạnh đến cái cốt lõi của khả năng sáng tạo cũng như sự tương tác giữa tính sáng tạo và các mặt văn hoá, xã hội, giáo dục, tâm lý v.v..., như có trình bày trong phần II, thì quả là thiếu sót lớn.

 

IV. Việt Nam vẫn chỉ loay hoay cố thoát vòng tự do sáng tạo

Một số học giả Việt Nam khác đã nhấn mạnh tầm quan trọng của sáng tạo, và những điều kiện thiết yếu để cho nó phát huy, thí dụ như yếu tố tự do (sáng tạo), chẳng hạn.

Điển hình gần đây nhất là sự kiện tập sách Trần Dần – Thơ bị ngưng phát hành vào ngày 26/2/2008 vì lý do “vi phạm quy trình xuất bản”, đưa đến lá thư ngỏ của nhiều trí thức trong ngoài Việt Nam mạnh mẽ lên án tình trạng cấm đoán cứ mãi tiếp diễn đối với các tác phẩm văn hoá nghệ thuật:[30]

Ai cũng biết hành động này không những thiếu văn minh và không mang tính pháp lý, mà còn bóp nghẹt tự do sáng tạo, kìm hãm sự phát triển văn hoá, biểu hiện sự thô bạo và ấu trĩ của một cung cách quản lý xã hội bất chấp pháp luật và đứng trên những quan hệ dân sự tối thiểu của một quốc gia thực tâm định hiện đại hoá.

Sự kiện tập sách Trần Dần – Thơ bị tuỳ tiện quyết định bởi một thiểu số nắm trong tay quyền sinh sát, không chỉ mới đây mà đã kéo dài nhiều thập niên một cách có hệ thống nhất quán bởi một chính sách văn hoá hẳn hoi, là một vấn đề vô cùng bức xúc đối với văn nghệ sĩ Việt Nam. Trong “Hai lá thư quanh vụ ‘Trần Dần – Thơ’” viết sau “Thư ngỏ” vài hôm, giáo sư Nguyễn Huệ Chi, người đứng đầu thư ngỏ trên, nhận định rằng vấn đề đối diện với văn nghệ sĩ Việt Nam lớn hơn những điều nêu ra trong Thư ngỏ rất nhiều.[31] Vì thế giáo sư cho rằng không chỉ mong đợi hay yêu cầu nhà nước hành xử văn minh, đúng theo pháp luật, mà làm sao “chấm dứt vĩnh viễn cái cơ chế sinh ra lũ người-khuyển ‘đánh hơi văn hoá’”.

Nói đến “cơ chế” và “lũ người-khuyển”, thì cũng có nghĩa rằng giáo sư Nguyễn Huệ Chi đã đặt vấn đề làm sao giải quyết tận gốc cái văn hoá chính trị sản sinh ra những thứ dị hợm như thế. Trong một bài viết khác trước đây, “Tự do sáng tác và lý luận phê bình”, giáo sư Nguyễn Huệ Chi nhấn mạnh sự liên hệ chặt chẽ giữa tự do sáng tác và phạm trù dân chủ.[32] Theo ông thì về mặt xã hội phải có thiết chế dân chủ để bảo đảm hoạt động sáng tác của nhà văn. Nhưng ngay cả cái tổ chức mang tính cách đại diện cho (gần như) tất cả nhà văn như Hội Nhà văn Việt Nam thì chức năng bảo hộ quyền tự do sáng tác và bảo vệ sinh mạng chính trị của nhà văn vẫn là một dấu hỏi to lớn đối với mọi thành viên từ nhiều thập niên qua. Ông nhận thấy bao nhiêu hội viên của hội đó đã ngồi tù từ nhiều năm nhiều tháng đến mất hết năng lực sáng tác rồi cuộc đời trở thành tàn tạ nhưng “nào có được một lời bảo vệ của Hội trước pháp luật hoặc trước dư luận?”.

Khi đề cập đến lý luận phê bình thì giáo sư Nguyễn Huệ Chi đã đưa ra một dẫn chứng đầy ấn tượng:

Trong 100 luận án Tiến sĩ văn học do các trường và viện đào tạo mấy năm qua thì dễ có đến bảy tám mươi luận án về thi pháp, và xem ra, cái gọi là thi pháp đó giống nhau đến mức đọc vào cứ có cảm giác một sự sao chép xa gần hoặc mờ nhạt của giáo sư Trần Đình Sử không hơn không kém...

Trường hợp trên chỉ chứng minh thêm rằng một thành phần không nhỏ trong giới nghiên cứu Việt Nam chưa tôn trọng các nguyên tắc học thuật. Hoặc có thể vì chưa có một văn hoá học thuật đúng nghĩa nên mới để tình trạng gian lận trong học thuật như thế xảy ra. Dù lý do gì đi nữa, nó cho thấy cái học của Việt Nam hiện giờ, và trước đây, chẳng hề đề cao tinh thần sáng tạo. Cái cốt lõi của tinh thần sáng tạo là phải nghiên cứu để tìm ra những khám phá mới một cách khoa học, không phải chỉ cốt yếu để lấy cái bằng tiến sĩ. Do đó tình trạng gian lận xảy ra không chỉ là sự sỉ nhục cho địa hạt nghiên cứu của mình mà còn là vi trùng “ung thư” đối với học thuật tư tưởng. Tóm lại, không thể mong đợi sự phát triển trong lãnh vực nghiên cứu hay học thuật nếu không có sáng tạo và, tệ hơn, nếu có gian lận.

Hình như đã đến lúc thế hệ hôm nay lắng nghe lời tâm huyết của cụ Phan Khôi: “muốn duy tân cải cách thì phải bắt từ học thuật tư tưởng mà duy tân cải cách trước”.[33] Tư tưởng quan trọng nhất ở đây, theo tôi, có lẽ là quan niệm về khả năng sáng tạo. Cần có sự hiểu biết và quan điểm về sáng tạo như đã nêu trong tác phẩm của Dacey và Lennon, ít nhất là trong giới học giả nghiên cứu. Nhìn lại suy ngẫm thì thấy cũng đáng tiếc và đáng buồn vì lời nói của cụ Phan Khôi đã xảy ra cách đây gần trọn tám thập niên, mà lời nói đó cũng để ám chỉ tư tưởng của sĩ phu Việt Nam thời của cụ và trước đó bảy thập niên (hay xa hơn nữa). Nói cách khác, tình trạng học thuật tại Việt Nam trong vòng 150 năm qua vẫn thiếu tư tưởng chỉ đạo đề cao tính khoa học và sự sáng tạo. Do đó, ước mơ Nobel, nếu có, trong môi trường như thế, khó thể nào trở thành hiện thực.

Nhưng một phần lớn của sự trì trệ của nền học thuật và văn hoá nêu trên, theo tôi, cũng vì lý do chính trị, và qua thời gian nó trở thành một văn hoá chính trị rất không lành mạnh. Các hội nghị về lý luận phê bình văn học để “phát huy thành tựu đổi mới” hay nâng cao phẩm chất v.v... vẫn nhạt nhẽo, không tạo được cảm hứng cho người tham dự.[34] Tuy thế, các bài phát biểu xoay quanh đề tài tự do sáng tạo như “Những vướng mắc thường gặp trong sáng tác” của Hoàng Quốc Hải, “Tự do sáng tạo và sự điều chỉnh của xã hội” của Hoàng Hưng (cũng như bài phát biểu của giáo sư Nguyễn Huệ Chi nói trên) v.v... vẫn tạo được sự chú ý của tham dự viên. Dù không “nói toạc móng heo”, ai cũng hiểu văn nghệ sĩ Việt Nam khẳng định rằng từ trước đến nay tại Việt Nam chưa có tự do sáng tác (và tự do xuất bản, và nhiều thứ tự do khác). Họ cảm thấy bị tù túng quá mức trong môi trường sáng tác, ngay trong thời điểm hiện tại. Nhận định chung của giới văn nghệ sĩ là rằng trong sáng tác văn nghệ sĩ phải có tự do, ngược lại, độc quyền là nguyên nhân trở lại lớn nhất.

Tự do sáng tạo mà không thể xuất bản tác phẩm của mình và không được quyền phổ biến nó thì đó là thứ tự do giả tạo. Cho nên tự do sáng tạo đúng nghĩa hàm ý tự do tư tưởng, tự do thông tin ngôn luận, tự do xuất bản v.v... Mà như thế thì, tự bản chất, cũng là tự do chính trị, cho nên nó là mối đe doạ nghiêm trọng đối với chế độ độc tài (toàn trị). Do đó, đòi hỏi tự do sáng tạo không khác gì đòi hỏi đa nguyên dân chủ. Mặc dầu giới văn nghệ sĩ chỉ đòi hỏi nó trong phạm vi sáng tác, điều đó cũng không thể được chấp nhận khi bản chất của chế độ hiện nay vẫn chỉ muốn ôm chặt lấy quyền lực. Điều cần nói ở đây là sự độc quyền về văn hoá (và chính trị, và nhiều thứ khác) là một chủ trương nhất quán của Đảng Cộng sản (hay Lao động) Việt Nam từ đầu thập niên 1940. Chính sách văn hoá của ĐCSVN lấy chủ nghĩa hiện thực xã hội chủ nghĩa làm tư tưởng chỉ đạo là do chính Trường Chinh thiết kế vào đầu thập niên 1940 theo chủ thuyết của Mao Trạch Đông, nhưng đến cuối thập niên 1980, do ảnh hưởng của toàn cầu hoá và nền kinh tế theo khuynh hướng thị trường kể từ Đổi mới (1986), cho nên chính sách này đã mất hết hiệu quả và trở thành sản phẩm của quá khứ.[35] Vụ án Nhân văn – Giai phẩm, theo giáo sư Nguyễn Ngọc Tuấn, có hai mục đích: một, về mặt chính trị, nó là cuộc đấu tranh chống lại chủ nghĩa toàn trị Stalin(ít) và Mao(ít); hai, về mặt nghệ thuật, nó chống lại chủ thuyết chủ nghĩa hiện thực xã hội chủ nghĩa.[36] Ba thập niên sau vụ án Nhân văn – Giai phẩm, chính Nguyễn Hữu Đang nhận định rằng vấn đề cốt yếu của phong trào là mọi thành phần tham gia đều có thái độ chống lại chế độ toàn trị, cực đoan do chuyên chế vô sản gây ra để giành lấy tự do sáng tạo.[37] Sau năm thập niên, tức khoảng hai thế hệ, thế nhưng những suy nghĩ thủ cựu vẫn tiếp tục ngự trị trong guồng máy Đảng và nhà nước, bằng chứng là vụ đình chỉ xuất bản tập sách Trần Dần – Thơ. Nói cách khác, vụ đình chỉ tập sách Trần Dần – Thơ chỉ là sự kéo dài của một vấn đề văn hoá chính trị chưa thể giải quyết trong tình hình chính trị hiện nay. Theo nhà văn Hoàng Hưng, cái gốc của vấn đề trớ trêu thường xảy ra tại Việt Nam là “... ở tình trạng cảm tính tùy tiện, nhiều trường hợp rõ ràng là ‘cửa quyền’, của việc thực thi quyền lực nhà nước trong lĩnh vực văn hoá, ở sự chồng chéo của bộ máy quản lý văn hoá”.[38] Chính tạp chí The Economist, trong bản tường trình rất sâu rộng vào tháng tư năm nay, đã nhận định rằng “Cộng sản đã nới lỏng mọi thứ ngoại trừ sự kìm kẹp về mặt chính trị... Cho đến nay, ngay cả khi chính phủ dung thứ một loạt các ảnh hưởng ngoài luồng, họ vẫn tiếp tục kiểm soát mọi thứ mang tính cách chính trị và văn hoá”.[39]

Tóm lại, đối với văn nghệ sĩ Việt Nam, mối quan tâm hàng đầu của họ không phải là không có khả năng sáng tạo mà là không có tự do sáng tạo. Tất nhiên, đối với một số văn nghệ sĩ, chẳng phải vì không có tự do thì không sáng tác, và dù môi trường có ngột thở mấy đi chăng nữa thì vẫn cứ sáng tác. Tác phẩm của họ tuy không được cho xuất bản nhưng họ vẫn cứ phổ biến bằng dạng điện tử trên Internet, mặc dầu tính phổ cập chắc chắn bị nhiều giới hạn. Tuy thế, trên bình diện văn học nghệ thuật, không có những thiết chế dân chủ để bảo đảm quyền tự do sáng tạo là một cản trở to lớn có khả năng vùi dập tiềm năng của đất nước. Rộng hơn, trên bình diện văn hoá xã hội, sự độc quyền về mặt chính trị, văn hoá, giáo dục, truyền thông v.v... sẽ đưa đến những hệ quả mang tính tỷ lệ nghịch đối với khả năng sáng tạo. Nói dễ hiểu hơn, khi tay chân vẫn còn bị trói thì nói chuyện đi đứng còn khó, huống gì chuyện múa may.

Đổ lỗi hết cho chính trị thì cũng không sai chút nào, bởi cái guồng máy chế độ và cái tư tưởng lãnh đạo của cộng sản đã là những nguyên nhân sâu xa đưa đến tình trạng đất nước ngày hôm nay. Nhưng nói như thế e rằng vẫn không đủ. Vấn đề văn hoá góp một phần không nhỏ đối với những hệ luỵ này. Thứ nhất, những người cộng sản Việt Nam ít hay nhiều cũng là sản phẩm của văn hoá Việt Nam trong thời đại của chính nó. Thứ hai, trước thời cộng sản, các quan lại Việt Nam từ thời Tự Đức trở đi (đúng hơn là trong nhiều thời đại lịch sử Việt Nam trước đó cũng vậy) phần lớn phản ảnh tinh thần giáo điều, thủ cựu hơn là khoa học, phóng khoáng.[40] Trong thời 1930, cụ Phan Khôi đã nhận định: “Cái óc chúng ta ngày nay là chưa phải cái óc dung được nhân tài!”[41] Còn cái óc của chúng ta hơn 80 năm sau câu nói này thì sao? Điều khá rõ là hiếm có thời đại nào trong lịch sử Việt Nam thật sự đề cao tinh thần sáng tạo và phóng khoáng.

 

Vài suy nghĩ kết luận

Nếu vẫn tiếp tục nghĩ khả năng sáng tạo là “trời cho” thì người Việt sẽ mãi mãi “chờ sung rụng” cho đến “Tết Công Gô” mới có một thiên tài đoạt giải Nobel.

Tuy nhiên, chúng ta hy vọng rằng suy nghĩ đó ngày nay, nếu có, không còn chiếm đa số nữa.

Nếu tin rằng gia đình, nhà trường hay xã hội là môi trường nuôi dưỡng và phát huy tiềm năng và tài năng thiên phú, và nếu tin rằng các yếu tố tâm lý và văn hoá cũng đóng vai trò quan yếu, như phần lớn các nghiên cứu học thuật về lãnh vực này nhận định, điển hình qua tác phẩm của Dacey và Lennon, thì những ai cảm thấy có một phần quan tâm và trách nhiệm với tình hình đất nước hiện nay cần phải suy nghĩ làm cách nào thay đổi nguyên trạng. Lý do? Tại vì những điều kiện để nuôi dưỡng và phát huy khả năng sáng tạo đề cập trong phần II hoàn toàn khác hẳn cái môi trường tại Việt Nam hiện nay.

Về mặt văn hoá, thì Việt Nam vẫn chưa có tự do sáng tạo, và bốn thứ tự do căn bản (không sợ hãi hay ham muốn, ngôn luận và tín ngưỡng) vẫn chưa có. Bậc cha mẹ và thầy cô, là những người nuôi nấng, hướng dẫn, uốn nắn thế hệ tương lai của đất nước, thì phần lớn vẫn còn óc bảo thủ và tính độc đoán, mặc dầu chưa chắc họ muốn vậy mà chẳng qua họ cũng chỉ là sản phẩm của lịch sử và văn hoá chính trị. Sợ hãi là một yếu tố tràn ngập mọi mặt xã hội, nhưng nó là kẻ thù của mọi sự sáng tạo. Các đức tính tâm lý của người sáng tạo như giá trị và động cơ đích thực hơn là kết quả trước mặt và phần thưởng v.v... e rằng vẫn chưa thấm vào văn hoá Việt Nam mình. Xã hội Việt Nam chưa bao giờ là một xã hội công bằng và luật pháp công minh.

Chẳng lẽ như thế thì bế tắt, thì vô vọng hay sao? Hay nói như nhà văn Nguyễn Huy Thiệp, là ảo tưởng (nếu muốn đoạt giải Nobel!).

Tôi không tin là vô vọng. Nhưng hành trình của chúng ta để đến giải Nobel văn chương, vật lý, hoá học, sinh lý học/y học, và kinh tế học còn xa lắm. Nó cần nhiều thế hệ tiếp nối, nhưng trước hết cần xây dựng một nền học thuật vững chắc trong đó đặt nặng giá trị nghiên cứu và tính khoa học như là quan yếu. Nhưng để làm việc đó thì những người tiên phong đi xây dựng cần phải có tư tưởng về học thuật và văn hoá học thuật. Ngoài ra, nền tảng đó cũng cần được xây dựng một cách bền vững, thà chậm mà chắc để có thành quả lâu dài hơn là ngắn hạn. Đó cũng chính là một đức tính (tâm lý) của khả năng sáng tạo nói trên.

Trong thiên niên kỷ mới này, quả thật có quá nhiều thử thách to lớn mà con người khắp nơi phải đối diện. Riêng Việt Nam khi thử thách to lớn đến thì không biết sẽ giải quyết làm sao bởi vì nền tảng văn hoá và học thuật của chúng ta còn quá mỏng manh.

Nói chung, muốn giải quyết tận gốc bài toán Việt Nam hiện nay thì cần có sự hiểu biết và cái nhìn thông thoáng và khoa học không chỉ về mặt chính trị mà còn các yếu tố văn hoá, xã hội và tâm lý...

Đã đến lúc trí thức Việt Nam cần nhìn thẳng vào vấn đề và tìm câu trả lời tại sao Việt Nam mình vẫn mãi tụt hậu so với các quốc gia khác mặc dầu về tài năng thì chưa hẳn mình đã thua kém xa như thế.

Có lẽ cho đến khi nào Việt Nam có được tự do sáng tạo đích thực, nghĩa là phải có một nền tảng chính trị dân chủ căn bản với các định chế dân chủ có thể bảo vệ quyền lợi của thành viên mình, thì Việt Nam mới có thể cất cánh trên khung trời sáng tác, chứ không phải loay hoay mãi trong khung trời nhỏ hẹp hiện nay. Nhưng cũng có lẽ cho đến khi nào giới học giả Việt Nam nhìn nhận khả năng sáng tạo không chỉ là phương tiện mà cũng chính là mục đích mình muốn đạt đến thì sự thay đổi tư duy lúc đó mới hy vọng lan rộng ra khắp mặt văn hoá.

Sau chót, qua bài này, tôi chỉ mong giới thiệu một số khía cạnh về khả năng sáng tạo được giới học giả quốc tế nghiên cứu. Còn rất nhiều điều để nói mà nhiều tác phẩm và tạp chí khác có đề cập đến nhưng không thể viết hết ra đây. Vì thế cho nên nội dung bài này không thể đi sâu vào mọi khía cạnh của lãnh vực quá rộng lớn như văn hoá mà trong đó khả năng sáng tạo đóng một vai trò quan yếu hiện nay. Tôi chỉ mong là có nhiều học giả Việt Nam đóng góp vào đề tài này để góp phần xây dựng nền tảng cho học thuật Việt Nam nói chung, cho lãnh vực văn hoá và sáng tạo nói riêng. Và hy vọng một ngày nào đó khi văn hoá Việt Nam hội đủ các điều kiện cần thiết để sẵn sàng nuôi dưỡng và phát huy mọi tiềm năng đất nước thì lúc đó chúng ta có thể hy vọng rằng giải Nobel sẽ sớm hay muộn về tay của người Việt Nam chúng ta. Chúng ta có quyền và có lý do để tin rằng ước mơ hay hy vọng này không hão huyền, và sớm trở thành hiện thực, nếu thật sự tin tưởng vào chân thiện mỹ. Nhưng cho dù có đạt được giải Nobel hay không, tôi nghĩ rằng tinh thần sáng tạo có thể là một giải pháp cho bài toán văn hoá Việt Nam hiện nay và mai sau.

 

Melbourne 10/12/2008

 

_________________________

Chú thích và tài liệu tham khảo:

[1]John S. Dacey and Kathleen H. Lennon (1998), with contributions by Lisa B. Fiore, Understanding Creativity: The Interplay of Biological, Psychological, and Social Factors, San Francisco, John Wiley and Sons, trang 3.

[2]Như trên, trang 3.

[3]Australian Government, “Australia 2020” (accessed on 28 October 2008). Thật ra, vào năm 1994, chính thủ tướng Paul Keating đã cho hình thành một chính sách văn hoá (có lẽ là) đầu tiên của nước Úc có tựa đề Quốc gia Sáng tạo: Chính sách văn hoá của Liên bang Úc (Creative nation: Commonwealth Cultural Policy, October 1994).

[4]Australia 2020 Summit - Initial Report (accessed on 2 May 2008), April 2008.

[5]Để tìm hiểu thêm về đề tài này, xin đọc Nicholas Garnham, “From Cultural to Creative Industries: An Analysis of the implications of the ‘creative industries’ approach to arts and media policy making in the United Kingdom.” International Journal of Cultural Policy, Vol. 11, No.1, 2005, pg. 15-29.

[6]Được trích dẫn trong bài của Stuart Cunningham (July 2006), “What price a creative economy?”, Platform papers (Quarterly essays on the performing arts), No. 9, trang 5.

[7]Được trích dẫn trong bài nghiên cứu của Jennifer Craik, Libby McAllister and Glyn Davis (July 2006), “Paradoxes and contraditions in government approaches to contemporary cultural policy: An Australian perspective”, The International Journal of Cultural Policy, Vol. 9, No. 1, trang 19.

[8]Cũng theo tài liệu trên: Jennifer Craik, Libby McAllister and Glyn Davis..., trang 21.

[9]Rémy Davison (2004), ‘Introduction: the new global politics of the Asia-Pacific’, in Michael K. Connors, Rémy Davison, and Jorn Dosch (eds.), The New Global Politics of the Asia-Pacific, RoutledgeCurzon, Taylor & Francis Group, London and New York, trang 12.

[10]Xin đọc Creative Australia, Australia 2020 Summit (accessed on May 2, 2008), April 2008.

[11]John S. Dacey and Kathleen H. Lennon (1998), trang 15.

[12]Ở đây xin lưu ý rằng các cuộc nghiên cứu học thuật (trong lãnh vực khả năng sáng tạo cũng như mọi nghiên cứu khoa học khác) đã dựa vào nhiều cuộc nghiên cứu khác, cùng thời hay trước đó nhiều thập niên, và cứ như thế mỗi thời có thêm những khám phá nhận định mới, tạo nên một nền tảng kiến thức to lớn trong địa hạt nghiên cứu của mình. Có những kết quả nghiên cứu đứng vững qua thời gian thử thách, nhưng cũng có cái sau đó bị các khám phá mới phủ nhận nên bị sa thải theo thời gian.

[13]Như trên, trang 4.

[14]Như trên, trang 6.

[15]Như trên, trang 8-9.

[16]Được trích dẫn trong John S. Dacey and Kathleen H. Lennon (1998), trang 47-58.

[17]Được trích dẫn trong John S. Dacey and Kathleen H. Lennon (1998), trang 59-67.

[18]Như trên, trang 69-93.

[19]Được trích dẫn trong John S. Dacey and Kathleen H. Lennon (1998), trang 72.

[20]Được trích dẫn trong John S. Dacey and Kathleen H. Lennon (1998), trang 79.

[21]Được trích dẫn trong John S. Dacey and Kathleen H. Lennon (1998), trang 88.

[22]Được trích dẫn trong John S. Dacey and Kathleen H. Lennon (1998), trang 90-91.

[23]Như trên, trang 98.

[24]Được trích dẫn trong John S. Dacey and Kathleen H. Lennon (1998), trang 98.

[25]Xin tìm hiểu thêm tiểu sử của Herbert A. Simon tại Wikipedia, hoặc tại trang web của giải Nobel.

[26]Herbert A. Simon (Spring 2001), “Creativity in the Arts and the Sciences”, The Kenyon Review, New Series, Vol. 23, No. 2 [Cultures of Creativity: The Centennial Celebration of the Nobel Prizes], trang 203-220.

[27]Xin tìm hiểu thêm tại trang web của giải Nobel

[28]Inrasara, “Làm thế nào Việt Nam có Nobel văn chương?”, Vietnamnet, 10/10/2008.

[29]Xuân Anh, “Nhà văn Nguyễn Huy Thiệp trong mắt một nhà báo... 8X” (Phần VIII), Vietimes, thứ Ba, 18/12/2007.

[30]Thư ngỏ này được đăng trên Talawas, chung với bài của Bùi Minh Quốc, ‘Thư ngỏ về việc tập sách Trần Dần–Thơ bị đình chỉ phát hành’, 3/3/2008.

[31]Nguyễn Huệ Chi, “Hai lá thư quanh vụ ‘Trần Dần – Thơ’”, Talawas, 8/3/2008.

[32]Đây là nội dung bài nói chuyện của giáo sư Nguyễn Huệ Chi tại Hội thảo lý luận phê bình văn học lần thứ hai được tổ chức vào hai ngày 4 và 5 tháng 10 năm 2006 tại thị xã Đồ Sơn. Xin xem Nguyễn Huệ Chi, “Tự do sáng tác và lý luận phê bình”, Talawas, 10/12/2006.

[33]Phan Khôi, “Vấn đề cải cách”, Trung Lập (Sài Gòn), tháng 8 năm 1930; đăng lại trên Viet-Studies.

[34]Xin đọc Quỳnh Thi, “Vài nét ở Hội nghị Lý luận phê bình văn học lần thứ II”, Talawas, 9/10/2006; Hoàng Quốc Hải, “Những vướng mắc thường gặp trong sáng tác”, (Tham luận tại Hội nghị Lý luận, phê bình văn học lần thứ 2 họp tại Đồ Sơn tháng 10. 2006), Talawas, 12/10/2006; Hoàng Hưng, “Tự do sáng tạo và sự điều chỉnh của xã hội”, Talawas, 7/10/2006.

[35]Theo luận án tiến sĩ của giáo sư Nguyễn Ngọc Tuấn (tức nhà phê bình văn học Nguyễn Hưng Quốc, trang v-vi. Xin đọc Nguyễn Ngọc Tuấn (2004), Socialist Realism in Vietnamese Literature: An Analysis of the Relationship between Literature and Politics, PhD Thesis, Victoria University.

[36]Như trên, trang 217.

[37]Như trên, trang 235.

[38]Hoàng Hưng, “Tự do sáng tạo và sự điều chỉnh của xã hội”, Talawas, 7/10/2006.

[39]Xin đọc The Economist, ‘How long can the party last?’, April 24, 2008.

[40]Đây là đề tài quá rộng để bàn sâu, nhưng ở đây, tôi chỉ hy vọng rằng sẽ có những học giả quan tâm đến lãnh vực này để nghiên cứu một cách khoa học về văn hoá chính trị của Việt Nam hầu đưa ra những nhận định khách quan để cùng học hỏi.

[41]Phan Khôi, “Xã hội và nhân tài”, Đông Pháp thời báo (Sài Gòn), 6/9/1928.


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021