thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
Bảy luận đề về thời hoàng kim của phê bình văn học

1. Chúng ta đang sống trong thời hoàng kim của phê bình văn học. Thể loại văn học chủ đạo vào cuối thế kỷ 20 này không phải là thơ, kịch, tiểu thuyết, điện ảnh mà là phê bình và lý luận văn học. Với khái niệm ‘chủ đạo’, tôi không muốn nói là nó được phổ cập nhất, có uy tín hay có thẩm quyền mà chỉ muốn nói là nó tiến bộ, nổi bật và tiên phong.

2. Thời hoàng kim của phê bình văn học chủ yếu là một hiện tượng học thuật, tập trung trong các đại học lớn tại các quốc gia có nền dân chủ kỹ nghệ tiên tiến.

3. Phê bình văn học đương đại mang tính chất nghiêm túc, thí nghiệm, bách khoa và cá nhân. Với khái niệm ‘nghiêm túc’, tôi muốn nói là nó chuyên nghiệp, được thiết chế hoá, dấn thân về chính trị và có tham vọng nhận thức (chẳng hạn, nhắm đến một hình thức hiểu biết mới.) Với khái niệm ‘thí nghiệm’, tôi muốn nói là nó bông đùa, liều lĩnh, ngang ngạnh và có thái độ hoài nghi đối với những loại kiến thức được thu nhận. Với khái niệm ‘bách khoa’, tôi muốn nói là nó từ chối không chịu giới hạn trong khuôn khổ của cái gọi là ‘văn học’ theo nghĩa truyền thống, nó không loại trừ bất cứ điều gì ra khỏi sự bận tâm, từ thiên nhiên, con người, lịch sử, tình dục đến chính trị và tôn giáo. Với khái niệm ‘cá nhân’, tôi muốn nói là nó mang yếu tố tự truyện, tự phê bình và tự buông thả.

4. Những trào lưu quan trọng nhất trong phê bình văn học đương đại là chủ nghĩa nữ quyền (feminism), mác xít và hậu cấu trúc (post-structuralism). Với khái niệm ‘hậu cấu trúc’, tôi không chỉ ám chỉ đến phá cách luận (deconstruction) mà còn bao hàm cả một loạt quan niệm đa dạng và bất định thường gắn liền với những kỹ thuật đã bị phá cách luận qua mặt, gồm cả cấu trúc luận, hình thức luận, hiện tượng luận, thuyết tác ngôn (speech-act theory), thuyết tiếp nhận và ký hiệu học. Chủ nghĩa nữ quyền và mác xít là những cách thức biến những kỹ thuật bách khoa và mang tính thí nghiệm của hậu cấu trúc luận thành những công cụ cho những mục tiêu phê bình nghiêm túc và cá nhân - sự hoàn thành một thái độ dấn thân về đạo đức hay về chính trị; sự khám phá một hình thức hiểu biết mới, sự biến dạng của những nhiệm vụ nghề nghiệp như đọc, viết và giảng dạy thành hành động dấn thân cá nhân.

5. Thời hoàng kim của phê bình văn học đặt nền tảng ở một hình thức xuất bản mới, đó là các tạp chí chuyên về phê bình và lý luận văn học. Loại tạp chí này chưa hề có mặt trước thập niên 60 (trong đó tờ New Literary History được xem là tờ đầu tiên). Loại tạp chí phê bình mới này có một số đặc điểm khác hẳn các loại tạp chí đi trước, đã có từ lâu, như các loại tạp chí văn học hay tạp chí nghiên cứu. Nó pha trộn các đặc điểm của hai loại tạp chí tiền bối: nó thường đăng tải cả văn học lẫn triết học, cả lịch sử lẫn lý thuyết, cả thơ ca lẫn các công trình nghiên cứu, cả tiểu luận (essays) lẫn tạp ký (articles). Nó là một thứ liên ngành (interdisciplinary), ngoại ngành (extradisciplinary), đương đại, gắn liền với những vấn đề đang được bàn luận, và dựa vào một cơ sở nghiên cứu nào đó. Trong các hiệu sách, nó được xếp nằm cạnh các tờ báo nhỏ và các loại tạp chí phê bình truyền thống như tờ Partisan Review hay tờ American Scholar. Và nó không xuất bản ở New York.

6. Thời hoàng kim của phê bình văn học thường bị những người thông minh, tỉnh táo xem là một điều xấu xa. Nó bị xem là vô chính phủ, huyền bí, tối tăm, mang tính đặc tuyển (élitist) và kinh viện. Nó cũng bị những người quen nhìn đời qua lăng kính truyền thống cho là bất hảo về nghề nghiệp, vô hiệu về chính trị, hư vô chủ nghĩa về đạo đức, tầm thường về nhận thức, ghê tởm trong bút pháp và nguy hiểm trong sinh hoạt trí thức. Nó bị nhìn như một sự xâm lăng của nước ngoài (chủ yếu là Pháp), một thứ thời trang thoáng qua, một sự cám dỗ không thể hiểu nổi đối với giới trẻ.

7. Phê bình văn học đương đại chủ yếu là sản phẩm của các đại học nằm ở trung tâm đế quốc tại châu Âu và Hoa Kỳ. Nó là hình thức chủ đạo của nền văn hoá văn học ‘tiên tiến’ tại trung tâm đế quốc. Ngược lại, thể loại phổ biến nhất trong văn hoá văn học ở ngoại vi của đế quốc, từ Nam Phi, Trung Đông, Nam Mỹ đến Úc, là ‘văn học tưởng tượng’ (imaginative literature) dưới các hình thức tiểu thuyết, thi ca, kịch nghệ và phim ảnh. Loại văn chương mới có khả năng gây hứng thú nhất đến từ các thuộc địa; các hình thức phê bình mới có khả năng gây hứng thú nhất đến từ các trung tâm đế quốc.

Tú Ân dịch một phần bài ‘The Golden Age of Criticism: Seven Theses and a Commentary’ của M.J.T. Mitchell, in trong tập Outside the Book: Contemporary Essays on Literary Periodicals do David Carter biên tập, Local Consumption Publications xuất bản tại Sydney năm 1991, tr. 7-8. Bài viết này có hai phần: ‘Seven Theses’ và ‘Commentary’; phần sau chỉ là để quảng diễn phần trước, do đó, ở đây, người dịch chỉ giới thiệu phần đầu mà thôi.

Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021