thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
Di sản văn chương của Solzhenitsyn

 

Bản dịch của Lê Liễu Chi

 

ALEXANDER SOLZHENITSYN

(1918~2008)

 

_______________

 

DI SẢN VĂN CHƯƠNG CỦA SOLZHENITSYN

 

Ảnh hưởng của Alexander Solzhenitsyn sẽ còn lại ở sự dũng cảm về đạo đức của ông — một sự dũng cảm đã gây men cho những nhà bất đồng chính kiến tiếp tục đấu tranh.

 

Sự nghiệp văn chương của Solzhenitsyn trải dài hơn 60 năm, từ những bài thơ ông đã viết và ghi nhớ lúc còn ở trong nhà tù và các trại khổ sai trước khi Stalin chết, cho đến một số những truyện ngắn và truyện vừa của những năm 1960 (như Một ngày trong đời Ivan Denisovich, Nhà của Matriona) đã làm ông trở thành nổi tiếng, cùng lúc với chính sách triệt-Stalin của Khrushchev, và những cuốn tiểu thuyết lớn, như Vòng đầu địa ngục Khu ung thư (cả hai đều được xuất bản năm 1968), được viết đồng thời với bộ sách Quần đảo Gulag (1973-8) — một bộ tài liệu hoành tráng mang tính lịch sử về hệ thống trừng phạt chính trị của Stalin.

Sau khi bị chế độ triệt để bất khoan dung của Brezhnev trục xuất khỏi quê hương, ông đến Frankfurt, rồi đến Mỹ vào năm 1974, và ông tiếp tục viết suốt 15 năm để hoàn thành một bộ trường thiên tiểu thuyết lịch sử, Bánh xe đỏ, trong đó, cuốn Tháng Tám 1914 (xuất bản năm 1971) có lẽ là cuốn duy nhất đã được một số ít độc giả đọc trọn vẹn từ đầu đến cuối. Trở về Nga năm 1994, thoạt đầu ông được ca ngợi ấm ĩ, nhưng dần dần ông trở thành một người viết truyền đơn chính trị, và tác phẩm sáng giá duy nhất của ông là bộ hai cuốn sách gây nhiều tranh cãi, Hai trăm năm chung sống (2001-2), viết về người Do-thái ở Nga.

Một sự thẩm định về sự nghiệp văn chương của Solzhenitsyn hẳn sẽ mang tính gạn lọc và đôi khi có vẻ như nặng tay. Những truyện ngắn và truyện vừa của ông trong những năm 1960 được viết một cách mãnh liệt, kết hợp những sự kiện mà chính ông là nhân chứng với lối viết sáng sủa thẳng thừng. Những tác phẩm này, đặt cơ sở trên tinh thần khắc kỷ Thiên Chúa giáo, vừa nhằm chống lại những kẻ trí thức đã hợp tác với chế độ (thậm chí được chế độ trả công), vừa nhằm chống lại chính cái chế độ độc tài toàn trị ấy. Chúng sẽ tồn tại như những ví dụ của loại văn xuôi dũng cảm nhất đã từng xuất hiện ở Liên bang Xô-viết. Cuốn tiểu thuyết Vòng đầu địa ngục (xuất bản ở nước ngoài) nói đến tình trạng khó khăn của những nhà bất đồng chính kiến, rất giống với chính tác giả, phải đối diện với vấn đế đạo đức: hoặc giúp cho nhà cầm quyền tạo ra những phương tiện hữu hiệu hơn để đàn áp, hoặc sẽ có thể bỏ xác trong những trại khổ sai. Ưu điểm lớn nhất của tác phẩm này là lối viết hoàn hảo theo truyền thống của Tolstoy, vẽ nên một bức chân dung của tên độc tài Stalin như một kẻ thô bạo điên dại. Khu ung thư kể chuyện một người anh hùng cô đơn đã chiến thắng bệnh ung thư cũng như đã sống sót dưới sự đàn áp: đó là một thiên hùng ca, giống như Một ngày trong đời Ivan Denisovich, xiển dương sức sống nội tâm của người Nga. Nhược điểm của những cuốn tiểu thuyết này nằm ở chỗ chúng thiếu sự tinh tế, đặc biệt khi nói đến những nhân vật nữ; nhưng sức mạnh của chúng lại nằm ở sự giản dị của tính ngụ ngôn. Một cuốn nói về sự khắc kỷ, mang tính cổ điển và trung thực, cuốn kia nói về cái thế giới độc tài toàn trị như một cái bệnh viện mà trong đó rất ít người, kể cả những vị bác sĩ, có thể còn sống sót.

Chắc chắn những cuốn sách trong bộ Quần đảo Gulag sẽ nổi bật lên như một bộ tài liệu hoành tráng độc đáo và tối cần thiết về chủ nghĩa Stalin, tổng hợp từ hàng nghìn hồ sơ về thực trạng đời sống của những nạn chân (chứ không phải là những thân nhân của họ) đã tàn lụi hoặc sống sót như thế nào trong hơn 30 năm dưới sự đàn áp kinh hoàng ấy. Những câu chuyện của Varlam Shalamov, đặt cơ sở trên những thập niên trải qua các trại khổ sai ở Kolyma, có lẽ là trung thực (và u uất) hơn cả vì chúng không chứa đựng những ý tưởng khăng khăng của Solzhenitsyn về lòng hy vọng và đạo đức lao động mang tính Thiên Chúa giáo. Nhưng Quần đảo Gulag còn lại như một thành tựu đồ sộ, và sự hoàn tất bộ sách này là một kỳ công mà không một người nào khác có thể làm nổi.

Ở nước ngoài, Solzhenitsyn dường như không có thêm độc giả nữa, và thậm chí không còn được lưu tâm nữa. Bộ trường thiên tiểu thuyết Bánh xe đỏ thì ngay cả những độc giả hâm mộ cũng hầu như không đọc nổi, vì nó chứa đựng một khối to lớn của chi tiết và cái khuynh hướng phàn nàn chì chiết, chứ nó không kể chuyện. Quan điểm chính trị của Solzhenitsyn, rải rác trong hàng trăm bài báo, thì ngây thơ, gây phản cảm và thường thiếu kiến thức. Từ sau 1974, ông đâm ra chán nản đối với phương tây cũng nhiều như căm ghét chủ nghĩa Stalin và hầu như ông biến thành một nhà sô-vanh Nga và một người ngưỡng mộ Putin. Một ngoại lệ là cuốn sách nghiên cứu của ông về dân Do-thái, cuốn Hai trăm năm chung sống, trong đó mặc dù ông ráng đổ lỗi cho những dân tộc khác, chẳng hạn đổ lỗi cho những người Moldavia, về những cuộc tàn sát dân Do-thái, ông đã thực hiện được một văn bản can đảm, có giá trị và lưu loát để giải quyết một đề tài quá nhạy cảm đối với đại đa số nhà văn Nga. Cuốn này sẽ tồn tại như một văn bản kinh điển cho đến khi nào có một ai đó đảm lược hơn để đối đầu với những thành kiến của những người Nga bài Do-thái và cộng sản.

Thơ và kịch của Solzhenitsyn thì sẽ mãi mãi đứng sau văn xuôi của ông. Những cuốn hồi ký của ông, dưới nhan đề Một con bê húc vào cây sồi (gồm hai cuốn xuất bản năm 1975 và 1976), là một tài liệu quý báu về cuộc đấu tranh của ông với nhà cầm quyền Xô-viết sau khi Khrushchev bị hạ bệ; nhưng những cuốn hồi ký này lại có những chỗ bị hỏng vì ông cố chấp, không chịu ghi nhận những hành vi tốt và những thiện ý của những người khác.

Ảnh hưởng của Solzhenitsyn sẽ chủ yếu nằm ở sự dũng cảm đạo đức của ông — một sự dũng cảm đã gây men cho những nhà bất đồng chính kiến tiếp tục đấu tranh, cả trong văn chương lẫn trong công cuộc bảo vệ nhân quyền. Như một nhà văn, Solzhenitsyn hoàn toàn bị kẹt trong những truyền thống của thế kỷ 19, đặc biệt trong cái văn phong thẳng thắn, sắc bén, toát ra giọng giáo huấn của Lev Tolstoy. Ông cũng đã vận dụng truyền thống trắc nghiệm cổ điển Nga để đánh giá những nguyên tắc triết lý, qua những nhân vật hiện đại trong một không gian khép kín, và tìm thấy sự thiếu sót của những nguyên tắc ấy. Lối pha trộn hư cấu và lịch sử trong cuốn Bánh xe đỏ của ông được khai triển từ cuốn Chiến tranh và hoà bình của Tolstoy. Ngay cả bộ Quần đảo Gulag của ông cũng không bắt nguốn từ văn chương tù ngục của thế kỷ 20, mà xuất phát từ cuốn Những ghi chép từ nhà người chết của Dostoevsky. Trên phương diện thuần tuý văn chương, vì thế, Solzhenitsyn là một người thầy không có môn đồ.

 

 

---------
Nguồn: "Solzhenitsyn's literary legacy" của Donald Rayfield, trên website Guardian (ngày 4/8/2008).

 

Những tác phẩm của Solzhenitsyn đã được dịch và đăng trên Tiền Vệ:

Bàn tay phải  (truyện / tuỳ bút) 
... Một hinh ảnh thật là lạ lùng: cũng một bàn tay này đã từng có thể, chỉ xoay độc một nhát kiếm, tiện rời cả cổ lẫn vai và chém bay đầu, thế mà bây giờ không có đủ sức để cầm được một cái ví... [Bản Việt văn của Võ Hồng Ngự] (...)
 
... Đối với một nhà văn đến từ một miền đất không có tự do, cái diễn đàn đầu tiên và cái diễn từ đầu tiên của người ấy là một diễn từ về mọi sự trên thế giới, về hết thảy những nỗi khốn khổ đớn đau của xứ sở mình... [Bản dịch của nhà thơ Diễm Châu] (...)
 
Thơ văn xuôi  (thơ) 
Bảy bài thơ văn xuôi của Alexander Solzhenitsyn (1918~) — tác giả đoạt giải Nobel Văn chương 1970, và một trong những nhà văn Nga chống độc tài nổi tiếng nhất ở thế kỷ XX. [Bản dịch của nhà thơ Diễm Châu]
 
Chú chó con  (truyện / tuỳ bút) 
Tôi chẳng cần mớ xương ấy đâu, chú bảo, hãy trả tự do cho tôi... [Bản dịch của Trần Tuệ Minh] (...)
 
Tự do hít thở  (truyện / tuỳ bút) 
... Tôi tin rằng chỉ có thứ tự do này là quý giá nhất mà ngục tù đã tước đoạt của chúng ta: tự do hít thở... [Bản dịch của Trần Tuệ Minh] (...)
 
Đống củi cháy và bầy kiến  (truyện / tuỳ bút) 
... Vừa chế ngự được nỗi kinh hoàng, chúng đã quay lại xúm xít, và có hấp lực nào đó lôi kéo chúng trở về với quê hương chúng đã ruồng bỏ. Nhiều con kiến trèo trở lại lên thanh củi đang cháy, chạy loanh quanh và tan xác trên đó... [Bản dịch của Trần Tuệ Minh] (...)

 


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021