thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
Tôi ở phố Sinh Từ

Phố đã bước vào thơ Trần Dần như thế. Mở đầu Nhất định thắng. Mở đầu bi kịch Trần Dần.

                 Tôi ở phố Sinh Từ
                 Hai người
                 Một gian nhà chật
                 Rất yêu nhau sao cuộc sống không vui?

Phố xuất hiện dưới cái tên cụ thể và quen thuộc, kèm theo những từ, những con số, giản dị và chính xác giống như một bản khai lý lịch. Không nhận được một tính từ nào nhưng Phố Sinh Từ lại mở ra nhiều tưởng tượng, xung quanh cái tên riêng tin cậy, xung quanh khu phố bình dân không xa ga Hàng Cỏ, xung quanh lớp người thuộc về nó. Không được là mục tiêu của một sự miêu tả nào nhưng Phố được đặt vào câu thơ đầu, bên cạnh người kể chuyện-nhà thơ, giống như một quan hệ cần nhắc đến trước tiên. Nhưng cũng ngay lập tức Phố và hai nhân vật bị khép lại trong không gian giới hạn của ngôi nhà chật và biến mất trong câu thơ tiếp theo khi tất cả bị đặt trong thể nghi vấn: Rất yêu nhau sao cuộc sống không vui? Từ câu thơ thứ năm, cái riêng tư được thế bởi Tổ quốc, tôi được thay bằng chúng ta, tổ ấm khuất sau đất Bắc miền Nam, cô gái Hà Nội chưa kịp vào thơ đã chìm trong đám đông hỗn độn người, âm thanh, nước mắt và mưa…

                 Tôi ở phố Sinh Từ
                 Những ngày ấy bao nhiêu thương xót

Phải đợi chín mươi hai câu thơ sau Phố mới quay lại. Vẫn là phố Sinh Từ trong cái tên riêng của nó nhưng được đặt trong khái niệm thời gian của những ngày ấy bao nhiêu thương xót. Không thấy những từ chỉ số lượng chính xác như ở đầu bài thơ. Những ngày ấy không được đếm. Tính chất khẳng định đã thay đổi.

Lần xuất hiện thứ ba liền ngay sau đó nhưng tên Sinh Từ không được nhắc đến nữa. Phố cũng không còn được đặt trên cùng một dòng với người kể chuyện-nhà thơ. Câu thơ bị chặt thành những bậc thang nhỏ, mỗi bậc bắt đầu bằng một khoảng trống, một đứt đoạn, mỗi bậc như một lời than dài. Ngay từ thời ấy, Trần Dần đã quan niệm thơ của ông đòi hỏi những cấu trúc âm nhạc cùng những hình ảnh thị giác. Thơ không chỉ được đọc ở nội dung của câu và chữ mà còn ở cách chúng được xếp đặt như thế nào trên một trang giấy. Thế nên, thơ Trần Dần đừng ngâm mà hãy đọc bằng mắt, đọc cả những phần có chữ lẫn phần trắng, đọc cả lời lẫn sự im lặng.

                 Tôi bước đi
                                 không thấy phố
                                                 không thấy nhà
                 Chỉ thấy mưa sa
                                 trên màu cờ đỏ

Phố trở lại nhiều lần sau đó, luôn bị phủ nhận bởi không, bởi mưacờ đỏ. Không thêm một chi tiết nào khác. Không có miêu tả. Nhưng chỉ ngần ấy thôi, Phố lại chiếm một trong những vị trí trung tâm của bài thơ, ám ảnh và ray rứt. Chỉ ngần ấy thôi, Phố đủ đẹp đủ buồn.

Phố trở lại, nhẫn nhục và chịu đựng. Như thân phận cô gái Hà Nội lủi thủi tìm việc dưới mưa. Có phải ngẫu nhiên mà các chuyến đi về của cô được xếp giữa hai lần lặp lại của những câu thơ, giữa hai lần phủ định của Phố và nhà, giữa hai lần mưa sa trên màu cờ đỏ? Có phải trong tâm tư tác giả, những gì còn lại của cô gái và Phố là sự giống nhau? Mưa đánh mất hình dạng của Phố. Mưa cũng dấu đi khuôn mặt của cô. Khó có thể biết câu trả lời đích xác vì cô gái Hà Nội mà nhà thơ đã yêu Phố hay vì phố Sinh Từ mà ông đã yêu cô gái Hà Nội. Mỗi lần Phố xuất hiện đều báo trước sự đến ngay sau đó của cô, hoặc chí ít cũng để nói với cô, hoặc để nói về cô. Cũng trong trường đoạn cô gái Hà Nội, câu thơ những ngày ấy bao nhiêu thương xót được nhắc lại hai lần, một lần mở, một lần kết thúc như để khẳng định thêm hành trình tình cảm khép kín giữa nhà thơ, cô gái Hà Nội và Phố. Cả ba chữ đều là những gì thân thiết nhất của tác giả, là tình yêu, là cái đẹp, là thơ. Cũng như Phố, cô gái Hà Nội không được bộc lộ cảm xúc, không được miêu tả chi tiết ngoài động tác cúi đầu, nghiêng vai, không kể gì về mình ngoài câu duy nhất:

                 -Anh ạ!
                          Họ vẫn bảo chờ…

Vẫn những khoảng trống, những đứt đoạn, những lời than. Nhưng chỉ ngần ấy thôi, như Phố, cô gái Hà Nội lại chiếm một trong những vị trí trung tâm của bài thơ, ám ảnh và ray rứt. Chỉ ngần ấy thôi, cô đủ đẹp đủ buồn.

Cổng tỉnh được kí tên bốn năm sau, năm 1959, sẽ là những khám phá mới của Trần Dần về đề tài Phố. Phố ở đây giống như một ám ảnh thường trực, chạy suốt một trăm bảy mươi trang, mỗi lần xuất hiện mỗi khác. Trần Dần là nhà thơ của tỉnh thành. Sinh trưởng ở thành phố nghèo Nam Định, toàn bộ thời thơ ấu của ông trôi qua trong các Phố nhỏ đầy ắp huyền thoại. Có những Phố với tên cụ thể: đường Hàng Song xanh lấm tấm sao chiều, hay Phố Năng Tĩnh nơi ông sinh ra. Có những Phố vô danh, phố ngang, phố dọc, phố dốc. Và vô vàn những Phố được Trần Dần đặt tên: phố mạng nhện, phố trắng, phố lam, phố cánh sen, phố đào, phố cưới, phố héo, phố úa, phố bồ côi, phố góa, phố rỗng, phố nịt vú, phố rơi voan, phố chết, phố đói, phố rét, phố nứt, phố châu Á, phố què, phố khổ, phố giày đinh, phố xác, phố tha ma, phố nhà mồ, phố nhộng, phố vôi bột, phố gá thổ, phố đổ hồ, phố nhớt, phố vàng lờ, phố ca lâu…Các nhân vật đều được đặt trong những Phố rất riêng: phố me Tây cởi yếm, phố xúc xắc tống tình là Phố của dân chơi bời, phố lam tròng trành là Phố của một người đang yêu, phố coóc-xê non là Phố của các cô gái làm tiền ít tuổi, phố chéo chênh chênh là Phố của một kẻ ăn mày, phố trăng chông chênh trồng hoa trồng nụ là Phố của thuở thơ ngây… Mở bất cứ chương nào của Cổng tỉnh cũng dễ dàng tìm thấy Phố trong những trật tự vô cùng kinh ngạc của chữ, của câu, của nghĩa. Chưa bao giờ có một trường hợp tương tự trong văn học Việt Nam, trước cũng như sau này.

                 Phố thắt cổ có ngọn đèn hoang
                 Phố hoang có ngọn đèn thắt cổ… (t.18)

Phố của Nhất định thắng không giữ nổi một chi tiết liên quan đến Phố.

Phố của Cổng tỉnh bề bộn đèn đường và ngã tư:

                 Phố vắng mắc ngọn đèn buồn
                 Đại lộ chiêm bao mắc ngọn đèn mù
                 Ngọn đèn phũ phàng mắc đại lộ tình yêu
                 Đèn tan nát đèn bơ vơ mắc phố nào cũng được… (t.41)

Phố hay tình yêu:

                 Chòi gác tím Sâm ơi! Kỉ niệm man mác phố đâu em?
                 Em gói cho anh một nửa
                 Anh dắt theo dọc đường phòng nhỡ những khi mưa
                 Có lẽ thu rồi em nhỉ
                 Em chớ khóc nhiều vàng ố ngã tư xưa… (t. 141)

Phố hay khắc khoải:

                 Thì đi thôi! Có phố nào xanh
                 Hoa lay hàng dậu tím?
                 Có phố nào chờ tha thiết tự ngày xưa? (t.30)

Phố của Nhất định thắng không được xác định, không được miêu tả và chìm trong im lặng. Phố của Cổng tỉnh là một không gian nhiều chiều, được ghép lại từ muôn vàn mảnh vỡ, muôn vàn âm thanh. Phố như một tác phẩm hội họa lập thể. Hiếm có nhà thơ giầu tình cảm với Phố đến thế. Trong tập Bài thơ Việt Bắc, viết vài năm trước đó, lấy bối cảnh của chiến khu làm địa điểm, vậy mà Phố cũng được kể đến, phố lạnh Ngân Hà (chương 8) là Phố không có thực, các vì sao đi họp cuối năm / để phố rỗng trên trời tắt điện (chương 10) cũng là Phố trong nỗi nhớ Tết, một đống Tết xa nhà đã han rỉ lên, được nhắc đến lúc giao thừa trong quân ngũ. Tập thơ Mùa sạch, sáng tác giữa 1964-1965, bắt đầu một chuyển biến lớn về phong cách, rất khó đọc bởi những kết hợp giữa cái cụ thể và cái trừu tượng, cái có nghĩa và cái không có nghĩa, được xuất bản ba mươi hai năm sau, nghĩa là gần một năm sau khi tác giả qua đời, còn làm độc giả bỡ ngỡ vì cách sử dụng từ chưa bao giờ có, vì những tập hợp từ chưa bao giờ thấy. Mùa sạch được công chúng đón tiếp một cách dè dặt và bị phê phán kịch liệt bởi một số nhà phê bình chính thống[1]. Và kì lạ thay, tập thơ dài 117 trang này được mở đầu bằng một câu thơ hai chữ: Phố trong. Rồi cũng trong Mùa sạch, Hà Nội hiện ra ngỡ ngàng đèn đường và Phố:

                 Anh vẫn tìm em qua thành phố sạch
                                 Qua tinh mơ xe cộ sạch
                                 Qua chiều sương tỏa lạnh
                                 Tìm em
                                 …
                 Anh vẫn tìm em qua chiều thứ bảy sạch
                                 Qua dặng đèn đường mày mạy sạch
                                 Qua tắc xi hày hạy sạch
                                 Qua khu Tám Mái sạch
                                 Qua bộ hành qua lại sạch
                                 Qua bàn pinhpông nhà máy sạch
                                 Qua dòng người vồi vội sạch
                                 Qua đường thành thoai thoải sạch
                                 Qua nhà cây cậy sạch
 
                                 Tìm em

Tập Thơ 63-64 (chưa in), sáng tác trước đó một năm, câu đầu tiên cũng lại là Phố:

                 Phố mới - nước sơn tươi
                 Người đi dùng dằng cửa sổ

Và trong cái phố mới ấy, cô gái Hà Nội đáng thương ngày nào của Nhất định thắng không còn là hình ảnh tủi nhục, đau khổ, không còn là cái đẹp của đức tính. Cô đã thay hình đổi dạng thành những cụm từ kết hợp độc đáo, thành một vẻ đẹp hoàn toàn mới và thẩm mỹ. Mưa 1964 chỉ làm cho cô thêm phần gợi cảm:

                 Mưa rơi phay phay
                 Ngã tư năm ngoái
                 Biết tôi khờ dại
                 Em đi không sao chống cự nổi
                 Đại lộ tai hại
                 Em dài man dại
                 Em dài quên che đậy
                 Em dài tê tái
                 Em dài quên cân đối
                 Em dài bối rối
                 Em dài vô tội
                 Em dài - khổ tâm...

Tác phẩm chưa in này có thể được coi là một Trần Dần tự xuất bản, bao gồm nhiều bài thơ được tác giả viết tay nắn nót, đánh số thứ tự, số trang, được trang trí theo phong cách riêng, rất Trần Dần, và đặc biệt có kèm một số tranh vẽ của chính tác giả. Thường gặp một người phụ nữ trẻ với cặp đùi dài quá khổ và bộ ngực nhòn nhọn, cũng quá khổ, mà Trần Dần từng gọi là ngực rằm. Trần truồng, kiêu hãnh, đầu không cúi và vai không nghiêng như tám năm về trước trong Nhất định thắng, cô xuất hiện giữa Phố, giữa ngã tư, bên cột đèn đường. Như thể chỉ có vị trí ấy mới xứng đáng với cô. Như thể chỉ có cô mới xứng đáng với vị trí ấy. Rồi không hiểu vô tình hay cố ý mà Trần Dần hay vẽ cô cạnh những người đàn ông trong tư thế ngồi, tay khoanh đầu gối, và cúi đầu. Tám năm đủ cho cô gái Hà Nội chín muồi, tám năm đủ cho nhà thơ biết những thèm khát khác?

                 Đáng lý em không nên đẹp!
                                 Đùi len mã vĩ
                                 Triển lãm vườn hoa lõa thể
                                 Anatomie lá hẹ
                                 Ôi chao! Ngón chân thường lệ!...
                                 Mông non phi lý
                                 Em mang chức năng bé tí...
                                ...
                                 Tôi đứng thẫn thờ
                                 Đại lộ ngu si.

Có thể nói, trong hành trình tới những thẩm mỹ mới của Trần Dần, ngôn ngữ có một bạn đồng hành trung thủy là Phố. Phố Trần Dần những năm sáu mươi là những chữ vừa quen vừa lạ: phố dài vô lễ, đại lộ ngu si, đại-lộ-lập-thể, đại lộ tai hại, sương bay lèm nhèm đại lộ, phố thở vỉa hè to, chuông khánh thẫn thờ / lủng củng ngã tư xưa ... Phố Trần Dần những năm bảy mươi là thơ lẻ: Phố. Mây trắng. Số nhà đen. Hạt đèn thuở nọ ... Phố Trần Dần những năm tám mươi là những từ không có trong từ điển, những sinh linh như Trần Dần từng gọi: Phố mòn son triệu nốt / chân rêu? Cả mình lẫn những bạn mọn? Phố mòn bạn mọn nốt chân rêu .... Trong một Sổ bụi năm 1988, Phố còn là câu thơ cố tình cụt:

                 Ôi những phố cố tình vắng vẻ...
                 Để khói hè

Cũng cần nhắc đến Jờ joạcx , viết năm 1963, gồm nhiều tìm tòi kỳ lạ, kỳ lạ ngay từ cái tên. Nguyên việc trình bày lại trên giấy như tác giả mong muốn cũng là một việc không đơn giản. Nguyên việc phát âm đúng một câu thơ cũng là vấn đề. Nếu Mùa sạch bắt rễ từ suối nguồn ca dao - đồng dao [2] thì Jờ joạcx khai thác những từ ngữ tầm thường đến cục mịch. Từ chữ Sẹo [3], Trần Dần tạo cả hành tinh ngông cuồng sẹo công viên, sẹo đại lộ, sẹo bong bóng, sẹo nước, sẹo đường đôi, sẹo lai ơn, sẹo trăng non, sẹo vườn hoa, sẹo khói, sẹo tắc xi, sẹo mưa, sẹo đèn, sẹo cửa kính, sẹo tàu, sẹo-bàn-ghế-tủ-nam-nữ-đồ-đạcx... đến sẹo hài nhi, sẹo bộ hành, sẹo nữ, sẹo nách nữ ... rồi sẹo hội họa, sẹo xếchx, sẹo chữ ... Sẹo không lùi một ly [4]để bước chân vào thi ca Trần Dần:

                 Ai ján sẹo tem thư nhờ nhạt ngực phong bì?
                 hay chưa con nữ kĩ sư truồng dục cưới!!!
...
                                                 Nữ chủ nhà đi vắng
                 để lại trong gương một dọc sẹo lưng trần.
...
                 Jường jọc jềnh jềnh ôm
                                 kỉ niệm sẹo lò so.
...
                 Tội lỗi của bình minh
                                                 là
                                                 tứ phía sẹo-người đi

Và cũng bất ngờ không kém, Jờ joạcx mở toang một thế giới khác của thi ca Trần Dần, thế giới của nhục dục. Mười bảy thiên thơ ướt jượt thèm khát bừng nở từ một đêm 1963 trong buồng truồng nơi toàn tường truồng chỉ tự trang trí bằng thịt của kí ức ngực mùa nực. Mười bảy thiên thơ huyễn tưởng thằng truồngnữ kĩ sư truồng với đường đùi, bẹn jờ, sàn truồng, mưa truồng, nữ ngực, nữ găng tay, nữ ôtô, li jượu nữ, khuy iếm nữ, slip nữ, màn mùng chăn nữ, lược nữ, nìn nịt nữ, capốt nữ, dụng cụ nữ, bồn tắm nữ, biệt thự nữ xa xa kín ba cổng nữ, nữ mayô ján trịt thịt nịt, hồng hồng danh thiếp nữ hở niêm phong ...

Trong tác phẩm Trần Dần gọi là thơ-tiểu thuyết một bè đệm này, Phố được chọn làm một trong bốn địa điểm chính, đặc biệt có mặt ở hai thiên X và XV. Không còn dấu vết của Nhất định thắng lẫn Cổng tỉnh, khác xa Mùa sạch Thơ 63-64, hai tập thơ được viết cùng thời với Jờ Joạcx:

                 Ừ jòng jành đường đến nhà em... 17 phố tòi 13 cột điện hở
                                 Ừ... tòi...liệu có nữ kĩ sư truồng gặp dượt bầu đêm?
                                 tòi 1
                                 đan lát phố dọc chi chít sẹo nhà
                 cổ một tầng và chín chịn jài tầng.
                                                                                 tòi 2
                                                                                 vài sẹo bộ hành
                 thưa gần xa và joen joét sẹo tắc xi jườn
                 jượt nước
                 đại lộ mở                 tòi 3
                                                 ướt thượt jữa ngã tư một người
                 vành tai dính trên dây điện sẹo – A lô! Cho tôi thằng truồng! ...

Một năm sau Trần Dần viết Những ngã tư và những cột đèn (tiểu thuyết, chưa xuất bản) cũng lại về Phố và nơi gặp gỡ của Phố. C¬n ám ảnh của Phố sẽ chẳng bao giờ chấm dứt trong ông, giống như một món nợ truyền kiếp, giống như một khao khát, về một tuổi thơ chẳng bao giờ quay lại, về một vẻ đẹp chẳng bao giờ với tới mà từ Cổng tỉnh nhà thơ đã nghiệm trước cho mình:

                 Ai có thể bắc cầu đò vào cõi sao bay?
                 Hãy cho tôi một ngày - một ngày thơ ấu hẳn
                 Hãy cho tôi một góc phố nào sương xuống thật thơ ngây...
                                                                                (Cổng tỉnh t.136)

Câu thơ như một tiếng khóc cho cái-không-thể. Cái-không-thể đó chính là Phố. Những người thân trong gia đình Trần Dần kể lại, sau này, khi đã luống tuổi, bị dày vò bởi bệnh tật, ông thường chống gậy ra Phố và chọn một góc dưới cột đèn đường để ngồi một mình nhiều giờ liền. Những năm sau này, phố Sinh Từ của Nhất định thắng được thay thế bởi một Phố nhỏ khác cũng bình dân, cũng không xa ga Hàng Cỏ. Nơi ông ngồi là n¬i gặp gỡ của phố nhỏ Vũ Lợi và Phố lớn nếu tiếp tục đi sẽ trở thành đường quốc lộ số Một, sẽ qua thành phố Nam Định quê ông, sẽ chạy một mạch đến tận Sài Gòn và xa hơn nữa. Nơi ông ngồi vô cùng ồn ào, nhiều người qua lại, nhiều bụi bẩn, không một chút thơ mộng, không một bóng cây. Trong khi đó chỉ cần đi về phía ngược lại, sẽ tìm được nhiều chỗ yên tĩnh và mát mẻ cho những ai muốn nghỉ ngơi.

Sổ bụi 1989 gồm những ghi chép cuối cùng của Trần Dần. Có thể đọc được ở đây những dòng rất xúc động về ga cuối, tuổi cuối, hai bàn chân cuối, xứ cuối, tia cuối, mây cuối, con mắt cuối, đắm đuối cuối, tim cuối, bóng cuối, mùa quả cuối, ngày hạ cuối, chân trời bóng cuối... Rồi, không thể nào khác, con người đang chuẩn bị ra đi mãi mãi hay chuẩn bị về chiêm bao trong vĩnh cửu đất ấy lại dành những dòng xao xuyến nhất cho Phố:

                 Hoa soi? hoa sói. hoa sòi. hoa khói? ga cuối của lòng? tim cuối? hai
                 bàn chân cuối? đây rồi phố cuối? – khóc đi thôi?
...
                 Tim cuối lê về phố cuối
                 Hay là tia khói cuối đã tan đi?
...
                 Cho tôi ngồi phố khói? ga khói của lòng? bướm khói liệng sân ga?

Nỗi niềm Phố của Trần Dần chỉ có thể ví được với sự tận tâm mà Bùi Xuân Phái trong công cuộc tìm kiếm hội họa đã dành cho Phố. Nếu Phố Trần Dần là những câu thơ xù xì góc cạnh khó được coi là thơ ca thì Phố Phái với những nét vẽ to đen nghuệch ngoạc cũng khác thường so với nền mỹ thuật đương thời vẫn mê mải nghệ thuật trang trí tả thực và hiền lành. Sự gần gũi này giải thích lý do hai người lúc sinh thời tuy không phải là bạn chí cốt nhưng luôn trọng nhau, giải thích cái danh hiệu người Quốc họa mà Trần Dần đặt cho Bùi Xuân Phái.

Trong lòng người dân Việt tên Phái gắn liền với những họa phẩm nuối tiếc cho một vẻ đẹp Phố không còn nữa. Cũng trong lòng người dân Việt, tên Trần Dần luôn đi kèm những câu thơ của Nhất định thắng, ở đó Phố bị từ chối. Có thể, một cách vô thức, người đọc chia xẻ được phần nào nỗi đau của nhà thơ. Ngày ấy có ai biết Phố đã và sẽ làm nhà thơ đau đớn biết chừng nào?

Nếu thời gian của Nhất định thắng không còn chỗ cho kỉ niệm và khát vọng thì bản thân Phố, vượt lên hết, lại chính là hiện thân của cái đẹp. Phố Sinh Từ vì vậy không thể được hiểu là tình yêu đơn thuần trao cho một địa điểm cụ thể, một địa chỉ riêng, như người ta vẫn thường quyến luyến nơi ở của mình. Phố Sinh Từ cũng không thể được hiểu trong một tình yêu nam nữ nào đó mà ai cũng có thể tìm thấy một hay nhiều lần trong đời mặc dù ở đây Phố được xếp cạnh cô gái Hà Nội, cạnh mối tình của nhà thơ và cô gái. Phố Sinh Từ cần được hiểu trong nghĩa rộng hơn nhiều, khác hơn nhiều. PHỐ chính là THƠ.

Ngày ấy có ai biết đằng sau những câu thơ về Phố là chân dung của một nhà thơ hoài nghi, hoài nghi đến tuyệt vọng. Hai mươi chín câu hỏi nằm rải rác trong Nhất định thắng không phải lúc nào cũng nhận được trả lời, không phải lúc nào cũng dành cho một ai đó. Toàn bộ bài thơ giống như một câu hỏi lớn về số phận của cô gái Hà Nội, của cuộc di cư vào Nam, của người dân miền Bắc. Nhưng câu hỏi lớn nhất vẫn là câu hỏi về số phận của thơ:

                 Nhưng hôm nay
                                 tôi bỗng cúi đầu
                 Thơ nó đi đâu?
                 Tôi là người vô địch của lòng tin
                 Sao bỗng đêm nay
                                 Tôi cúi mặt trước đèn?

Nếu nỗi hoài nghi của Nhất định thắng có vẻ đến từ ngoại cảnh, nằm ở sự lựa chọn giữa thơ hay thơ chính trị, giữa làm nhà thơ hay làm nhà chính trị thì Cổng tỉnh đề cập một cách trực tiếp hơn nỗi hoài nghi trong chính mối quan hệ thu hẹp giữa thơ và người sáng tác. Bốn năm sau Nhất định thắng, nhà thơ nhiều lần tự hỏi bóng của mình:

                                 … Có gì an ủi được hơn thơ?
                 Có mộng tưởng? Cho tôi một ngụm?
                                                 (Cổng tỉnh, t.103)

Các sổ bụi Trần Dần chi chít dấu hỏi. Năm 1988, hơn ba mươi năm miệt mài con chữ hay sửa sang cầu Tràng Tiền-Quốc ngữ như ông tự định nghĩa, hoài nghi vẫn khiến Trần Dần phải viết: Buồn bã? Thơ? một cái TÔI-KHÔNG-BIẾT-CÁI-GÌ, un JE-NE-SAIS-QUOI? tôi vẫn VÔ TÍCH SỰ cả một VÁN ĐỜI GIỮ QUYẾT CON CHỮ…tôi vẫn THUI THỦI MỘT MÌNH – THUI THỦI CHIÊM BAO - tới ngày tận thế. LỜI LANG THANG ván chiêm bao? ván chiêm bao? Cứ thế tới ngày tận thế. MỖI NGƯỜI THĂM …THẲM…- MỘT CHIÊM BAO.

Hoài nghi đã gạt Trần Dần, ngay từ Nhất định thắng, ra ngoài lề nền thơ ca đương thời trong đó các nhà thơ cứ mỗi lần làm thơ lại thấy mình tràn đầy vui sướng, trong đó thơ ca luôn nhận được những lời khen ngợi đến từ chính…các nhà thơ, theo kiểu hết sức ngây ngô: Ồ thích thật, bài thơ miền Bắc; và lý do đơn giản đến tội nghiệp: vì nó rất vui, rất vần [5].

Hoài nghi của Trần Dần đương nhiên là không bao giờ được quyền có mặt trong kim chỉ nam cho người viết và nghề viết: Nay ở trong thơ nên có thép / Nhà thơ cũng phải biết xung phong. Định nghĩa này sau đó đã được công thức hóa rõ ràng hơn trong cách đòi hỏi mọi nghệ thuật đều phải có tính Đảng và tính chiến đấu, bên cạnh rất nhiều tính khác, cũng lạc đề tương tự, như tính đại chúng, tính dân tộc, tính công nông… Định nghĩa này được một đội ngũ đông đảo văn nghệ sĩ đi theo, củng cố và hoàn thiện để có thể được kí bởi một phong cách chung: phong cách Xã hội chủ nghĩa, bởi một chữ kí chung: nền văn học Xã hội chủ nghĩa. Định nghĩa này thành công đến mức kể cả những tác giả lớn cũng có thể kí thay Tố Hữu trong những lời ca ngợi đất nước:

                                 Việt Nam đất nước ta ơi
                           Mênh mông biển lúa đâu trời đẹp hơn

hoặc trong những lúc nói về thơ:

                                 Tay người như có phép tiên
                            Trên tre lá cũng dệt nghìn bài thơ [6]

Nếu như lạc quan cách mạng có thể khiến Nguyễn Đình Thi bỏ lại những trăn trở với cách tân nghệ thuật để tiến tới một vị trí lãnh đạo trong nền văn học đương thời thì hoài nghi lại dẫn Trần Dần đến những thử nghiệm không mệt mỏi:

                 Đi đâu?
                     Đi
                         đâu
                             ra
                                 khỏi
                                     TRẦN GIAN – BA CHIỀU
                 Một khao khát chiều thứ tư? Bát ngát? Bát ngát? chiều thứ tư khao khát? Điên rồ
                 Mọi người yên tâm trong hữu hạn?
                 Mình lại điên rồ thèm khát vô biên?
                                                                 (Sổ bụi, 1988)

Hoài nghi về sinh mệnh của thơ. Hoài nghi về khả năng của thi sĩ. Hoài nghi trong trường hợp Trần Dần đồng nghĩa với sáng tạo. Về ba mươi ba năm khuất bóng, nhà thơ trả lời ông được cái hoạn nạn . Thơ đã tách Trần Dần ra khỏi những bi kịch cuộc đời để đưa ông vào một bi kịch khác, bi kịch của nhà thơ. Càng về sau, sáng tác của ông càng trở nên khó đọc. Ngày nay những ai hiếm hoi có dịp được tiếp xúc với chúng vẫn không làm sao quen được phong cách không ngừng mới và đầy bất ngờ của ông. Trong khi độc giả Việt Nam còn nhớ mãi những câu thơ về Phố Sinh Từ, về mưa sa trên màu cờ đỏ, về cô gái Hà Nội, thì Nhất định thắng đã bị từ chối lâu lắm rồi bởi chính tác giả của nó.

(Paris, tháng 3 năm 2003)

_________________________

[1]đọc Trần Mạnh Hảo, "Thơ hay là hành vi tôn xưng ngôn ngữ dân tộc", Văn Nghệ Quân Ðội, Số 9 tháng 5-1998.

[2]Chữ của Dương Tường trong "Lời bạt" của Mùa sạch (Nhà xuất bản Văn học, 1997)

[3]Sẹo là chữ của Đặng Đình Hưng. Trang đầu của Jờ Joạcx, Trần Dần trích thơ Đ.Đ.H và ghi chú điều này.

[4]Trong cuộc nói chuyện với văn nghệ sĩ Huế năm 1988, Trần Dần nói: "…Văn là mình, không thằng nào giống thằng nào. Nó phải tự khẳng định cái tôi của nó, không lùi một ly…" (Trần Dần – Ghi, td mémoire, 2001, trang 439)

[5]Tố Hữu, "Bài ca mùa xuân năm 1961".

[6]Nguyễn Đình Thi, "Bài thơ Hắc Hải", 1958.


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021