thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
Đỗ Kh. — người của bốn phương

 

Chuyển từ nguyên bản Pháp văn “Đỗ Kh. ou un destin cosmopolite”
(La Revue des Ressources, 03/09/2007)

 

Nguyên quán miền bắc Việt Nam, Đỗ Khiêm, tức Đỗ Kh., sinh năm 1955 tại Hải Phòng. Một địa danh và thời điểm then chốt trong lịch sử Đông Dương: sau thất bại của Pháp tại Điện Biên Phủ và hội nghị Genève năm 1954 chia đôi đất nước, cảng Hải Phòng là điểm tập trung cuối cùng để di tản vào Nam. Tại nơi đây có lẽ Đỗ Kh. đã bắt đầu số phận lưu vong.

Anh lớn lên tại Sài Gòn trong một gia đình còn gần gũi với văn hóa Pháp, mặc dù vào lúc đó miền Nam chịu ảnh hưởng của Hoa Kỳ, bắt đầu học đánh vần bằng tập giáo khoa Pháp thời đó với Toto dưới bóng những cây phượng trường Jean-Jacques Rousseau — ở đây Việt văn được coi là một ngoại ngữ — trước khi qua Paris du học vào năm mười bốn tuổi.

 

1. “Với tôi, nước Pháp là con đường dẫn đến thế giới”

Đến Pháp năm 1969, Đỗ Kh. học tiếp trung học, sau đó theo theo lớp dự bị vào trường Cao đẳng Sư phạm. Nhưng thi rớt. Dù sao, la cà kinh đô Ánh sáng, anh vẫn là chàng sinh viên miền Nam vận đỏ, trong khi nhiều bè bạn đồng lứa cách đó vạn dặm đang lăn lê trong một cuộc chiến chưa biết hồi kết. Cho đến năm 1974, nửa phiêu lưu và nửa cắn rứt, Đỗ Kh. về nước gia nhập quân đội miền Nam, để một năm sau chứng kiến Việt Nam Cộng hoà hấp hối.

Trở về và trải nghiệm trực tiếp cuộc chiến, với Đỗ Kh., là điều cốt yếu. Kinh nghiệm này củng cố mối ràng buộc với quê hương mà trước đó anh xa lạ, sống bó hẹp trong một giai tầng nhiều ưu đãi. Đây cũng là lần đầu tiên anh chạm tới biên giới, nhạt nhoà chăng nữa, giữa hai thể chế, cũ và mới. Ngay sau đó, Đỗ Kh. tình nguyện (hụt) đánh thuê cho các tàu buôn tiếp tế Phnôm Pênh sắp sửa rơi vào tay Khơme Đỏ, để ngày 30 tháng tư 1975, kịp có mặt tại cảng Phú Quốc trên một tàu chiến Đại hàn. Sau này, thú ngao du sẽ đưa Đỗ Kh. tới các cuộc chiến khác, Beyrouth năm 1982 và Sarajevo năm 1995. Mới đây, anh lăng quăng sang tận Nicaragua xem cuộc bầu cử 2006.[1] Nhưng lẽ nào lại hình dung được Đỗ Kh. làm gì khác ngoài lang thang trên các con đường? Anh hoàn toàn có thể đeo vào mình câu châm ngôn “tôi - hành trình” (Je me voyage) của nhân vật chính trong tiểu thuyết Meurtre à Byzance (Ám sát ở Byzance) của Julia Kristeva. Lang thang khắp bốn phương trời, ở Đỗ Kh., không chỉ là một hành động, mà một trạng thái, một lối sống, một cách thức tồn tại.

Văn chương Pháp, Đỗ Kh. thú nhận ít quan tâm tới ai kể từ Céline trở đi, khác với các nhà văn Việt thế hệ trước thường bị Victor Hugo, Alexandre Dumas, Alphonse Daudet làm ma ám. Song mối nợ văn hoá Pháp thì chẳng thể nào xoá nổi. Anh đã khám phá Yourcenar, Dai Sijie, Babel, Durrenmatt, Malaparte, Mishima, Kanafani,... qua bản dịch Pháp ngữ. Cũng nhờ tiếng Pháp, anh đọc được các nhà văn Thái, dù Bangkok chỉ cách Sài Gòn có một giờ bay.[2] Năm 1977, Đỗ Kh. theo học trường Cao học Khoa học Xã Hội tại Paris (Ecole des Hautes Etudes en Sciences sociales), khoa Phi châu, nơi anh là sinh viên da vàng duy nhất. Sao lai chọn con đường khúc mắc này? Người ta có thể hỏi, nhưng đây là cách hầu như duy nhất để các nước khối thứ Ba gặp nhau chia sẻ. Đến Pháp để đánh Pháp, đã là mục tiêu của nhiều nhà Cách mạng Việt Nam. Nhưng đến Pháp để bước vào thế giới, là cách của Đỗ Kh..

Từ 1979, sống một nửa thời gian tại Mỹ, là nét độc đáo trong hành trình Đỗ Kh. Việc anh bị cuốn hút bởi đất nước có giới tuyến nhiều biến động này, có lẽ cũng chẳng đáng ngạc nhiên. Đó là chốn mơ ước của tưởng tượng và phá-lãnh-thổ-hoá (déterritorialisation) theo cách nói của Deleuze.[3] Đây là một lựa chọn quan trọng, với Đỗ Kh. Từ đó anh xắp xếp lai không gian của mình, không gian theo nghĩa địa lý, tình cảm và văn hoá. Nhờ nó, anh thoát khỏi logique Pháp/Việt nhị nguyên mà phần lớn cộng đồng Việt tại Pháp giam mình trong đó. Đồng bào anh, ngay cả giới trí thức nghệ sĩ, nói chung, đều nuôi một thứ tình cảm mâu thuẫn với xứ Lục Lăng: vừa sùng bái vừa phủ quyết. Chơi cá ngựa và uống rượu Beaujolais, nhưng họ ít nhiều mặc cảm và sống trong một chu trình văn hoá khép kín.

Đỗ Kh., ngược lai, nhìn nước Pháp với con mắt thân thiết của người từng sống ở bên trong, đôi khi giễu cợt nhưng chẳng bao giờ gây hấn. Vả lại, thường mang nhiều hạnh phúc. Văn hoá Pháp, theo nghĩa nhân học, thấm đẫm anh không chỉ trong trí não mà ở đời sống hàng ngày. Nó định nghĩa anh như một cá nhân. Ngụp lặn một lúc trong hai nền văn hoá, với Đỗ Kh., không là một mối lo sợ, một sự giằng xé, mà là một thứ của cải, một niềm sung mãn. Các nhân vật của anh tung hoành khắp Paris, say sưa kể về từng khu phố, biết tận gốc rễ và biến chuyển của từng xóm nhỏ. Tác phẩm của Đỗ Kh. hiển hiện điều này: Pháp thực sự như quê hương thứ hai, đào tạo anh những năm đầu tuổi trẻ, là nguồn cảm hứng thi ca và giữ một vị trí đặc biệt trong thế giới sáng tạo của anh.

 

2. Lưu vong và sáng tạo

Đỗ Kh. là một trong những người sáng lập hai tờ báo Việt tại California, Hợp Lưu vào năm 1989 và Tạp Chí Thơ vào năm 1994. Anh thuộc thứ tác giả khó xếp loại, tác phẩm bao gồm thơ, văn xuôi, kịch bản phim,[4] ký, tiểu luận. Nhưng tất cả mang nét chung: nhiều nơi chốn địa danh, lo sợ bị nhốt kín, cười nhạo, đôi khi tự nhạo,[5] ngôn từ biến hoá, âm điệu bất thường, đầy ám ảnh tình dục. Xin mở ngoặc để thêm, sex trong văn Đỗ Kh. thường thô mộc, trần trụi, không đeo mặt nạ, không đọc diễn văn. Ở những đoạn mây mưa, người ta hay ví von hay gây sốc, thì Đỗ Kh. lai chớt nhả: “Nhẫn kéo quần lót Quyên ra khỏi một bên chân. Hắn nhìn mảng lông dày trên gò bụng, áp đầu vào kề cạ. Nhẫn tìm bằng lưỡi cái lằn duyên xẻ đôi, hắn kiếm thớ thịt phồng lay động. Nhẫn lui đầu ra nhìn mép cửa mình Quyên săn sẫm. Nhẫn nhìn thật gần, vuốt ve những đường nhăn bên đùi, hắn đưa lưỡi vào người nàng ướt đẫm (...) Anh nhớ cái bụng em quá...” [6] hay “Linda mặt ngang miệng rộng và lồn bé chút xíu”. [7] Những câu như vậy đã đưa Đỗ Kh. nhiều lần đến trung tâm của các cuộc tranh luận đầy bão táp. Nhưng có lẽ, với anh, viết về tình dục chỉ đơn thuần là một cách kể đời thường, khẳng định tự do cá nhân và vỗ vai những kẻ nghiêm nghị.

Quay lại với chủ đề lưu vong. Mối ràng buộc của Đỗ Kh. với nước Pháp đã thể hiện như thế nào trong văn anh? Trong Ký sự đi tây xuất bản lần đầu năm 1989, ở tư cách là một người Việt tại Pháp, Đỗ Kh. kể chuyện xứ Tây cho bà con Việt kiều Mỹ. Hài hước nhưng tinh tế, anh so sánh hai thứ văn hoá ngoại lai, Hoa Kỳ và Phá Lăng Xa. Ký sự đi tây, trên thực tế, là đơn đặt hàng của Người Việt, lúc đó là tờ báo ngày của nhiều độc giả ngót nghét ngũ tuần và ít nhiều Pháp học. Dù chưa bao giờ đặt chân đến tháp Eiffel, thì chuyện xứ Tây vẫn còn nguyên quyến rũ.

Mở đầu Ký sự đi tây, tác giả tự hỏi: “Câu chuyện này Tây chứ, tuy có phải là ‘đi Tây’ hay ‘về Tây’ thì tôi không rõ. Tôi là người Cali hay người Paris, người Bolsa hay người Porte d’lvry tôi chẳng biết”. [8] Nó phảng phất tâm trạng của một kẻ không chỉ thuộc về hai nên văn hoá, mà tới ba. Câu hỏi không có trả lời, mãi đến cuối tập ký cũng vậy: Đỗ Kh. không muốn nhốt mình trong một căn cước bất di bất dịch, để được tự do rong chơi giữa nhiều giá trị, nhiều lối sống, nhiều nền văn minh. Để không phân biệt “đi” và “về”, “trong” và “ngoài”.

Đỗ Kh. có khái niệm như thế nào về lưu vong? Trong kịch bản chuyển thể truyện ngắn Một cành hoa một chặng đường xa (Vous auriez dû apporter des fleurs), [9] vào cuối những năm 1980, một cặp tình nhân gốc Sài Gòn trùng phùng trong một khách sạn tại Paris. Nếu người đàn bà, lúc này đã có chồng, sống thành đạt tại Hoa Kỳ, thì người đàn ông đơn độc tại Úc, quàng trên mình ký ức về một thời đã mất, thời của miền Nam trước 75, “đã tồn tại và không bao giờ tồn tại”. Paris hôm nay, họ gặp lại nhau nhưng không tìm thấy nhau, như hai kẻ xa lạ, xa lạ giữa họ, xa lạ với hiện thời của mỗi người, xa lạ với quê hương vẫn tiếp tục sống trong sự vắng mặt của họ. Cả rạo rực xác thịt lẫn kỷ nịệm xưa không làm họ hết cô đơn: “Một phòng trọ khách sạn, dù có trung tính đến mức nào, mười năm sau một cuộc chiến đưa đẩy họ xa nhau đầu này và đầu kia thế giới, cũng không thể nào là một xưởng nhiệm màu, một băng keo vô hình dán lại đuợc những mảnh vỡ”, Đỗ Kh. viết. Sau cuộc làm tình ít mãn nguyện, họ chia tay nhau, có lẽ mãi mãi. Sẽ không có “kỳ sau”, vì “khi hiện tại đã là một lưu đày vĩnh viễn với quá khứ thì còn nói chuyện lần tới để làm gì?”

Trong kịch bản Một đêm ở Bolsa (Une nuit à Bolsa),[10] Đỗ Kh. hài hước kể chuyện Bolsa, nơi âm vang của quá khứ nện chan chát vào cuộc sống lưu vong: “Bolsa không phải một biệt lệ, có những ốc đảo người Việt ở Dresden, ở Praha, ở Paris cũng như ở Tel Aviv (cộng đồng bé nhất của người Việt ở hải ngoại). Trong những ốc đảo này, đâu cũng có Karaoke với những bài hát lòng thòng từ thập niên 70 không buồn dứt, như một thỏi kẹo cao-su kéo dài sau khi đã được nhai hết chất ngọt.” Đỗ Kh. đem các nhân vật của Nguyễn Du vào “Little Saigon”. Sang đến Mỹ vào độ tuổi cập kê, nhưng Kiều khó hoà mình vào lối sống bản xứ. Nàng bán hàng phụ cha, say sưa hát karaoke, làm thơ trên vi tính, mơ được xuất bản và cặp kè với một thi sĩ nổi tiếng trong cộng đồng Việt, tên gọi Play Boy, chuyên nghề (biển) thủ quỹ. Và tác giả viết: “Cách hai thế kỷ và cách 10.000 cây số, người Việt vẫn tin rằng số phận long đong của Kiều chính là số phận của họ.”

Hoài cổ, đã từng là bí quyết thành công của nhiều tác phẩm hải ngoại, không có chỗ trong văn Đỗ Kh. Kỷ niệm, cay đắng, tiếc thương, nào ai có thể cưỡng? Sống ở xứ người, ai chẳng muốn gặp lại một khuôn mặt, hay mang theo sâu thẳm một khung cảnh trong tim? Dĩ vãng, nỗi sợ hãi mất bản sắc dân tộc trước ảnh hưởng văn hoá phương Tây, vết thương chia cắt, phản đối chế độ Hà Nội toàn trị, đã là những chủ đề chiếm lĩnh văn học hải ngoại trong một thời gian dài. Nhưng văn Đỗ Kh. lại dào dạt một cơn khát được lên đường, được gặp gỡ, được phá-lãnh-thổ, được đi mà chẳng biết về đâu. Trong truyện ngắn “Không ai trói tôi”, nhân vật chính, một người Việt, kể chuyện anh ta phiêu lưu tại Bangkok, với ba cô gái không phải châu Á châu Âu, mà Ả Rập. Ngồi tha thẩn ở một quán cà-phê, anh ta nhìn ngó họ rồi luận bàn: “Cách phát âm của họ không nhoè nhoẹt bình dân Beirut, họ không phải là người Lebanon. Họ không nhớp nháp người Ai cập, Iraq nào mà đến đây nghỉ mát, Syria tôi không chắc và họ không leo bàn vừa múa vừa hát thì không phải là người Ấn độ. Tôi cần cho họ một quốc tịch và ba cô gái người Jordan Trung-Nam-Bắc, có thể là người Palextin Tây ngạn hay người Palextin ở Jordan cũng nên. Tôi gọi Bắc-Trung-Nam vì họ ba và tôi chưa phân biệt. Là một tập thể gì thì cũng tiện, gì cũng có, hông to vú bự đùi tròn chân dài tay thon hay xương chậu hẹp vân vân vú xẹp, cái gì cũng có hết, nếu cả ba cộng lai”. [11] Dường như đối với tác giả, cách hay nhất để tự khám phá mình, là đi xa nhất trong cảm giác bỡ ngỡ, là không ngừng thay đổi không gian, là liên tục thao tác khung cảnh. Trong ba tác phẩm của Đỗ Kh.: Vous auriez dû apporter des fleurs, Une fleur pour un long voyageSlows-Météo; một chủ đề: cuộc hội ngộ của hai tình nhân xưa; được ghép vào ba phông khác nhau: Hong Kong, Paris, Sài Gòn. Trong Slows-Météo, 20 năm sau, cặp cố nhân Việt kiều trở về thành phố một thời tuổi trẻ nay mang tên Hochiminh City, nhưng những thay đổi tại nơi đây mới là niềm quan tâm chính của tác giả. Ngay trong thơ, Đỗ Kh. cũng đưa độc giả dạo khắp Bolsa, Saigon, Hanoi, Paris với vũ đài cổ Arènes de Lutèce, khu bình dân Barbès, công viên Sèvres. Các hành trình của anh, thật hay ảo, đều có nơi có chốn: Zagreb, Lanzarote, Ibiza, Baléares, Varna, Baden-Baden.

Thú du ngoạn đã đưa Đỗ Kh. đến một văn phong độc đáo: anh viết mà như chơi, la cà, lạc đề, bất ngờ đổi hướng. Thế giới Đỗ Kh. vì vậy mở, phi trung tâm, nhiều lề, vô vàn giáp giới. Nó trái ngược với một không gian ngạt thở, chết chóc và mang nhiều tính tượng trưng của Trần Vũ, một tác giả nổi tiếng khác của văn học hải ngoại. Cùng thế hệ với Đỗ Kh., nhưng Trần Vũ có một quan niệm về lưu vong ảm đạm, thậm chí bi thương. Có thể nói, cuộc sống tha hương đã là nguồn cảm hứng cho hai nhà văn, nhưng tác phẩm của họ đi theo hai hướng khác nhau. Nếu Đỗ Kh. hướng ngoại và nhìn về tương lai, thì Trần Vũ dường như hướng nội và quay về quá khứ. Tình dục, trong văn Đỗ Kh., là một cách để tiếp cận tha nhân. Ở Trần Vũ, nó là cách vứt bỏ những gì khác mình. Nó giải thích vì sao trong tác phẩm của Trần Vũ ta hay gặp những cuộc tình loạn luân, đôi khi nhuốm màu loạn dâm. Trong truyện ngắn “Pháo thuyền trên sông Yang Tsé” của anh, hai chị em cùng máu mủ, bị bứt khỏi nơi chôn rau cắt rốn, đã trở thành tình nhân trên xứ người, sống cuộc đời khép kín, chôn chặt trong kỷ niệm, hung tàn, không lối thoát.

Còn Đỗ Kh., anh không định nghĩa bằng lưu vong mà bằng phiêu lưu và sáng tạo. “Nhà văn Việt, sống giữa Pháp và Mỹ, nhưng trước hết là một công dân toàn cầu,” có thể gọi anh như vậy.

 

3. “Là kẻ lạ trong ngôn ngữ của chính mình”

Liệu Pháp văn có nhiều ảnh hưởng tới cách viết Việt văn của Đỗ Kh.? Anh thiết lập mối quan hệ như thế nào giữa ngôn ngữ mẹ đẻ và ngôn ngữ học đường? Đó là những câu hỏi luôn ám ảnh người đọc, và có lẽ cả chính tác giả. Đỗ Kh. kể rằng ngay ở tiểu học Pháp tại Sài Gòn, anh luôn mơ tới tiếng Việt, đối với anh là thứ tiếng của thế giới bên ngoài, của đường phố sôi động, của cuộc sống. Sau này, khi văn chương với anh là một nghề, Đỗ Kh. đặt chữ lên trên hết, cốt truyện và nội dung chỉ giữ một vị trí thứ yếu trong bài viết của anh.

“Như có phép thần, tình yêu đã nảy sinh trong cuộc hôn nhân ép đặt, môn đăng hộ đối và buồn chết người, giữa tôi và ngôn ngữ Pháp,” Đỗ Kh. một lần đã nói như vậy. Để hôm nay, anh yêu Việt văn và Pháp văn với hai mối tình ngang ngửa. Một chín một mười. Chúng đồng loã hay ghen hờn, nhưng cuối cùng đều bổ sung nhau. Đây chính là cái khác giữa Đỗ Kh. và một nhà văn Việt viết tiếng Pháp như Phạm Văn Ký. Với tác giả này, hai ngôn ngữ đã thành kẻ thù không đội trời chung. Trong tiểu thuyết tự truyện Frères de sang, Phạm Văn Ký để nhân vật chính nói: “Ta đã biết thế nào là văn chương trên các kè đá sông Xen, giữa các cửa hàng sách cũ. Ta đã viết văn bằng ngôn ngữ của mi đó, phương Tây ơi! Ta đã đưa thật xa cách biểu đạt bằng cách biến thành của riêng mình những vấn đề ngôn ngữ của mi (...) Ta muốn tìm đến cội nguồn mỹ học của mi.”[12] Các tác phẩm viết bằng Việt văn của Đỗ Kh. gồm nhiều hình thái cú pháp vay mượn trong Pháp văn, những câu dài khúc khuỷu, với vô vàn các khả năng ghép nối và xâu chuỗi, các điển tích mới, một nhạy cảm độc đáo và một nhịp lạ. Chúng biến hoá điêu luyện, làm thành một khối ngôn ngữ thống nhất nhưng phức điệu. Độc giả thường bất ngờ trước các âm thanh ngoại lai va đập vào nhau trong văn anh, ngay cả ở trong thơ, nơi từ ngữ, theo cách truyền thống, phải mượt mà chải chuốt. Hãy đọc bài thơ “Barbès thứ bảy yakuzas”:

“Hôm nay lên Barbès coi lại the Yakuzas
Có người anh em Phi Châu giận dữ đạp bàn tin
ĐM cái máy này đéo chạy
Có người anh em Ả Rập trước cửa hàng âm
nhạc mơ màng cái ra-dô sẽ mua mang về nước
sau khi hết hạn giao kèo với Chrysler-Simca.”[13]

Trong một truyện ngắn của tập Cây gậy làm mưa,[14] nhân vật nam ghẹo người tình xưa, chê nàng quá “vieux jeu” (“xưa rồi Diễm ơi”) lúc nàng dùng từ “Mon Jules” để kể chuyện đấng phu quân. Anh ta vui vẻ mà tán về sự khác nhau, rất tinh tế, giữa bốn cách nói: “Mon Jules”, “Julot”, “Mon mec”, “Mecton”, rồi ca một bài của Renaud: “T’as un blouson, mecton, pas bidon.” Như thế, Pháp văn là phương tiện giúp Đỗ Kh. khảo sát và làm giàu thêm Việt ngữ. Với kinh nghiệm kỳ thú như vậy, Đỗ Kh. đã trở thành một trong những tác giả cách tân nhất trong văn học Việt hiện nay.

Nếu hầu hết tác phẩm đã in của anh đều viết bằng Việt ngữ, Đỗ Kh. đã có một thời viết cho trang Văn hoá của tờ Avant Garde do Pierre Zarka (hiện nay là giám đốc của tờ L’Humanité) lúc đó làm Tổng biên tập. Tiểu thuyết đầu tay, chưa in, của Đỗ Kh. cũng được viết bằng tiếng Pháp. Bài thơ này là cánh cửa hé mở vào khu vườn của riêng anh:

 
Ongles carmins
Nuit blanche
Aube grisâtre
Des pieds sans bas
 
Berliner Luft 1
Walkyries lied 2
Thou still unravished...
Charlie check point 3
Unter den Linden 4
 
La taille de vos sandales
Je ne saurais reconnaître
Mais veuillez m’excuser comtesse
Vous venez de marcher sur mon tremblant petit sexe
Au début d’un jour confus entre Est-Ouest.
 
...bride of quietness (John Keats) 5.
 
1.l’air de Berlin (Goethe)
2. chant des walkyries (Wagner)
3. point de passage entre les secteurs russe et américain pendant la guerre froide.
4. avenue principale de Berlin
5. “vous la fiancée intacte du dieu de la quiétude”.
 
Kumpelnest năm 2000
 
Móng son
Đêm trắng
Trời non xám
Bàn chân không vớ mỏng
 
Berliner Luft
Walkyries Lied
Thou still unravished...
Charlie Check point
Unter den Linden
 
Dép số bao nhiêu tôi không biết
Xin lỗi cô nương vừa đạp phải
Dương vật tôi bé nhỏ và run rẩy
Nhác một ngày chưa tỏ Đông Tây
 
...bride of quietness
 

Đoạn văn sau chứng tỏ một khả năng không ngừng của Đỗ Kh. trong việc phát minh ngôn ngữ cho riêng mình, tìm những cấu âm mới và những nhạc điệu mới:

Hôm đó là vào năm 1967 tại Sài Gòn. Người hùng của thời đó, tướng đầu chải bóng Nguyễn Cao Kỳ vừa cắt đứt quan hệ ngoại giao với một nước Pháp muốn “trung lập” trong cuộc chiến Nam-Bắc. “Ky, c’est qui?” (Kỳ là ai vậy?), là câu hay chữ của một ông tướng khác, tướng De Gaulle. Để rửa hận này, ông Thủ tướng miền Nam bèn khích động học sinh công lập biểu tình đòi đóng cửa thành trì còn lại của thực dân là trường trung học Pháp Jean-Jacques Rousseau, cựu Chasseloup-Laubat thời Đông Dương. Lúc đó tôi đang học lớp Đệ Tứ M2.[15]

Ở đây có lẽ phải nhấn mạnh vai trò của ngôn ngữ Mỹ với một cú pháp cực kỳ tự do. Ba thứ tiếng — Việt-Pháp-Mỹ — đã biến Đỗ Kh. thành “một kẻ lạ trong ngôn ngữ của chính mình”, theo cách nói của Deleuze. Chính trong cái “lạ” vừa là thú vui vừa là yêu cầu này, mà Đỗ Kh. trở thành kẻ đồng loã của Proust, người cho rằng “những cuốn sách đẹp đều được viết trong một kiểu ngôn ngữ lạ”.

Triền miên trong nhiều ngôn ngữ, nhiều văn hoá, Đỗ Kh. có lẽ là một hiện thân mệnh đề nổi tiếng “Chúng ta nghĩ nơi khác” (Nous pensons ailleurs) của Montaigne. Cùng với ông, Đỗ Kh. khẳng định hạnh phúc không bao giờ được thực hiện trong sự đồng dạng. Nó ở trong di chuyển và vận động.

 

----------------
Bài viết này là nội dung của bản tham luận trong bàn tròn tổ chức ngày 14/01/2005 tại Học viện quốc tế phương Đông (INALCO) “Autour du Paris-Asie: parcours croisés d’intellectuels asiatiques à Paris du 19e siècle à nos jours” (Paris và châu Á: hành trình của các trí thức châu Á tại Paris cuối thế kỷ 19 đến nay).
 
Cùng với Đinh Linh, Đỗ Kh. sẽ có mặt trong đêm thơ “Etre un étranger dans sa propre langue: Vietnam – Poésie – Exil” (“Là kẻ lạ trong ngôn ngữ của chính mình: Việt Nam – Thơ – Lưu vong) ngày 25/3/2008 của Đại Học Paris VII-Denis Diderot, dành riêng để giới thiệu tác phẩm của hai thi sĩ, trong khuôn khổ chương trình Le Printemps des Poètes (Mùa xuân của các thi sĩ), do Pháp tổ chức hàng năm.

 

_________________________

[1]Đỗ Kh., Gừng đi bỏ phiếu, Tạp chí Thơ, California, 2007.

[2]Tôi đã có dịp trình bày ý kiến này trong bài “En lisant Duras au Vietnam”, in Courrier international, n°. 802 (16-22/03/2006). Bản Việt ngữ: “Đọc Duras ở Việt Nam” (tienve.org).

[3]G.Deleuze, Dialogues, avec Claire Parnet, Paris, Flammarion, 1977, tr.47.

[4]Xem tiểu luận điện ảnh Saigon, Samedi (2000) của Đỗ Kh., trong trang talawas chủ nhật http://www.talachu.org/truyen.php?bai=35

[5]Tác phẩm mới nhất của Đỗ Kh. trên Tiền Vệ: “Macau hành [Mã Giao hành | Áo Môn hành | 澳門行 | Ao men xing]” có thể được coi là một tự nhạo (autoparodie) của “Linda mặt ngang”.

[6]Đỗ Kh., Không khí thời chưa chiến, Hồng Lĩnh, 1993, tr.92.

[7]Đỗ Kh., “Linda mặt ngang”, tạp chí Hợp Lưu, số 31 tháng 10&11 năm 1996.

[8]NXB văn hóa Thông tin Hà Nội, 1993, tr.10.

[9]Nguyên bản tiếng Pháp, chưa in.

[10]Nguyên bản tiếng Pháp, chưa in.

[11]Tạp Chí Hợp Lưu, 2003.

[12]Frères de sang, Seuil, 1947, p.57.

[13]Thơ Đỗ Kh., NXB Tân Thư, California, 1989.

[14]Cây gậy làm mưa, NXB Tân Thư, California, 1989.

[15]Xem nguyên bản “Je préfère la langue de la Commune à celle des Versaillais” trong Courrier international, n°. 802 (16-22/03/2006). Bản Việt ngữ: “Tôi thích ngôn ngữ Công xã Paris hơn ngôn ngữ cố đô Versailles” (tienve.org).


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021