thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
Rimbaud hậu-Rimbaud [trích]

 

Bản dịch của Nguyễn Đăng Thường

 

ARTHUR RIMBAUD

(1854-1891)

 

 

RENÉ CHAR:

 

Phải sống với Arthur Rimbaud, mùa đông, qua trung gian của của một cành cây xanh mà nhựa sủi và sôi trong lò sưởi giữa sự lãnh đạm của những thanh củi đã cháy rụi; ấm nước, với cái vòi, vẽ cơn khát. Sa mạc cãi bừa, qua khung cửa mở, gí ngón trỏ trước khi bị chận lại một lần nữa bởi sự bất di bất dịch đánh lừa của cái chắn lửa khiến văn từ chính xác, nhưng vô hiệu tới mức của điểm đen.

 

Rimbaud là nhà thơ đầu tiên của một nền văn minh mới chưa xuất hiện, nền văn minh mà những chân trời và những tấm vách chỉ là những cọng rơm cuồng nộ. Nhại lời Maurice Blanchot, đây là một cuộc thử nghiệm về sự toàn bích, căn cứ của tương lai, trong hiện tại.

 

 

ANTONIN ARTAUD:

 

Gérard de Nerval, Edgar Poe, Baudelaire, Lautréamont, Nietzche, Arthur Rimbaud không chết vì phẫn nộ, vì bệnh tật, vì tuyệt vọng hay khốn khổ, họ chết vì người ta đã muốn giết họ.

 

 

EDGAR MORIN:

 

Và hôm nay, tại sao sự có mặt này?

Thế giới càng quan liêu, siêu-chuyên môn, dựng vách, thơ anh càng là một liều thuốc giải độc. Hơn cả vấn đề dễ cảm, dễ đọc, dễ hiểu tức khắc của thơ anh. Bên kia sự tối nghĩa Rimbaud rọi sáng.

 

 

PATTI SMITH:

 

Một buổi sáng năm mươi năm trước khi Little Richard rửa tội Hoa Kỳ bằng rock'n roll, Arthur và Frédéric và hai cô em gái của anh là Isabelle và Vitalie tiến bước trên các đường phố của Charleville đeo ru-băng trắng và mặc y phục xanh để nhận lễ chịu thánh thể lần thứ nhất; gần tới nhà thờ chính Rimbaud đã tách khỏi đoàn và gọi đám con nhà Rimbaud hãy theo hắn chạy băng đồng, sau ngôi tiểu giáo đường qua khỏi cây cầu trong những dòng nước lạnh và hẹp dẫn tới dòng máu nồng hậu của Chúa Giê-su.

 

 

LÉO FERRÉ:

 

Rimbaud, là lời trong suốt. Là ngọn triều nôn nóng và dường như được sáng chế cho bạn khi bạn lãnh nhận nó trong mắt. Rimbaud, là nụ cười ngoài khơi, là sự đam mê của những từ trong thanh quản của bạn. Thét gào, thét gào, thét gào... và bạn sẽ giống hệt chàng. Rimbaud, là cơn điên cuồng nộ ở tuổi mười lăm... mười sáu, mười bảy, mười tám... Thiên tài? Tại sao hắn đã tới đây? Và hắn đã bỏ đi như thế nào? Ở Châu Phi? Bên cạnh một con voi vừa bị bắn ngã? Ở Marseille? Trong bệnh viện? ở Charleville, với Isabelle? Cái chết? vào năm 1891?

 

 

JACQUES HIGELIN:

 

A! Rimbaud, nét mặt ấy, đôi mắt ấy, cái ý chí khốc liệt ấy. Hắn giống như bọn trẻ đứng dậy ở ngoại thành. Chúng không thể sống trong bê tông, trong sự dửng dưng què cụt. Ngày nay, hắn sẽ chơi nhạc rock. Cái mép rất hẹp và những nổi loạn ấy luôn luôn là thời sự.

1976

 

 

ALLEN GINSBERG:

 

Tôi muốn được như Rimbaud chỉ viết ra những cái hoàn hảo, những cuốn sách mỏng về những cái hoàn hảo nơi mà mỗi từ sẽ ràn rụa ánh sáng và thanh lịch và kích dục và lãng mạn và thần bí...

1947

 

 

MATHILDE VERLAINE:

 

Một thằng bé cao nghệu và rắn chắc, mặt đỏ, một nông dân. Nó có dáng vẻ của một học sinh trung học đã lớn quá nhanh, vì cái quần mà ống đã ngắn hơn chân để lộ đôi vớ màu xanh do bàn tay âu yếm của mẹ đan. Tóc tai rối bù, cà vạt giây thừng, ăn mặc lôi thôi. Cặp mắt xanh, khá đẹp, nhưng chúng có vẻ nham hiểm mà, trong sự khoan hồng, chúng tôi đã nghĩ là do bởi tính tình rụt rè. Nó đến nhà chúng tôi không mang theo gì cả, không va-li, không áo quần, ngoại trừ bộ đồ đang mặc.

1907

 

 

ANDRÉ DHÔTEL:

 

Rimbaud sẽ mãi mãi là nhà thơ mà chúng ta gặp gỡ trên những nẻo đường hoang vắng và là kẻ đã bị xua đuổi ra khỏi thế giới.

1954

 

 

BLAISE CENDRARS:

 

Và rồi, và rồi, thiên hạ đã nói quá nhiều về Rimbaud từ mười năm nay nên đã đến lúc chúng ta phải để cho hắn được yên thân, bởi vì, ôi cái thằng mới đáng thương làm sao, người ta đã trút lên người hắn đủ các loại nước xốt, hắn, kẻ đã đốt hết các thứ và đã liệng cứt vào mặt chúng ta tất thảy, trước khi hắn khởi sự cái chuyến đi lớn. Ấy vậy mà bài học đó đã hoàn toàn vô dụng.

 

 

ROLAND BARTHES:

 

Con tàu có thể là biểu tượng của sự ra đi; nhưng sâu xa hơn, nó là đơn vị của sự khép kín. Cái khoái cảm của con tàu luôn luôn là niềm vui được tự giam mình hoàn toàn, là có trong tầm tay một số lớn nhất các vật dụng, là sở hữu một không gian đã hoàn tất: yêu những con tàu, trước tiên là yêu một ngôi nhà tuyệt đối, bưng bít, và chẳng có những chuyến đi mơ hồ: con tàu là một chỗ ngụ trước khi nó là một phương tiện di chuyển.

Đa số những con tàu của huyền thoại và của hư cấu trên bình diện đó, như tàu Nautilus, là chủ đề của một sự tự giam hãm trìu mến, bởi vì chỉ cần đề cử con tàu như là chỗ trú ngụ của con người thì tức khắc con người sẽ tổ chức tại đó sự hưởng thụ một vũ trụ tròn và láng, và hơn nữa, cả một nền luân lý hải hồ biến hắn thành thượng đế, chúa tể và chủ nhân (chúa tể duy nhất của tàu, v.v...). Trong cái huyền thoại của thuật hàng hải ấy chỉ có một cách để trừ tà, để tước bỏ quyền sở hữu độc đoán của con người đối với con tàu, là huỷ diệt con người và để con tàu một mình; khi ấy con tàu sẽ hết là một chiếc hộp, chỗ trú, vật sở hữu; nó sẽ trở thành con mắt du lịch, va chạm vào sự vô hạn; nó tạo dựng không ngớt những cuộc khởi hành. Một vật hoàn toàn khác hẳn con tàu Nautilus của Verne, ấy là Con tàu say của Rimbaud, con tàu xưng "tôi" và, tự giải thoát khỏi sự trống hổng, có thể đưa con người từ sự phân tâm của hang động sang một thi pháp thực thụ của thám hiểm.

 

 

ANDRÉ GIDE:

 

Có những cái mà hắn đã muốn nói, những cái mà người ta đã nghĩ là hắn đã muốn nói; nhưng quan trọng hơn hết có thể là cái mà hắn đã nói một cách vô hình trung và ngoài ý muốn.

 

 

CHUYA NAKAHARA:

 

Tôi đã nhìn thấy rõ cái lá bùa của Rimbaud: đó là sự nhất quyết muốn đoạn tuyệt.

 

 

JEAN-PIERRE VAILLANT:

 

Rimbaud!... một vật bé nhỏ ở quảng trường và ẩn dụ của Thượng Đế.

C.1930

 

 

JULES LAFORGUE:

 

Rimbaud, đóa hoa nở vội vàng và tuyệt đối không tiền khoáng hậu.

1891

 

 

JEAN COCTEAU:

 

Hắn đã khiến thế giới trổ hoa như một cơn giông tháng tư.

29.01.1922

 

 

PIER PAOLO PASOLINI:

 

Rimbaud, người đồng thời của tôi, kẻ đang thiến tôi.

 

 

PAUL VERLAINE:

 

Hiện giờ, đó là một cái đầu trẻ thơ thực sự, bụ bẫm và tươi mát trên một thân hình xương xẩu cao lớn và hồ như vụng dại của một thiếu niên còn đương sức lớn mà tiếng nói, nặng giọng Ác-đen-nơ gần như là phương ngữ, có những trầm bổng của lúc vỡ tiếng.

 

 

ÉRIC SATOU:

 

Arthur Rimbaud

đi trên nước

thêm

một ngày mông mênh

 

 

BOB DYLAN:

 

Đúng. Rimbaud đã có ảnh hưởng lớn với tôi. Trong những chuyến đi trình diễn và khi muốn đọc một cái gì có thể gây xúc cảm nơi tôi, tôi vào một tiệm sách tìm đọc những lời nói của anh.

11.09.1976

 

 

MICHEL BUTOR:

 

Nhường lời cho hắn, không ổn; không nhường lời cho hắn, lại càng không ổn, bởi vì hắn không ngừng mở miệng trong mỗi chúng ta.

1987

 

 

JEAN GENET:

 

Nhưng quỉ thần ơi cớ chi mà quí vị không thích hắn. Hắn có thể đã xô đẩy quí vị trong lần đầu tiên, nhưng quí vị cứ thân mật với hắn đi và quí vị sẽ thấy hắn rất nhã nhặn và hiền lành.

1937

 

 

MAX JACOB:

 

Chúng tôi hò hét ĐẢ ĐẢO RIMBAUD. Có quá nhiều con chí trong cái bờm của hắn nên chúng tôi không muốn bước vào.

C. 1920

 

 

ANDRÉ MALRAUX:

 

Không có nghệ thuật lớn nếu vắng bóng tuổi thơ, mà cũng có thể là sẽ không có luôn một định mệnh lớn nữa.

1941/1943

 

 

GEORGES BATAILLE:

 

Sự vĩ đại của Rimbaud là hắn đã đưa thơ tới chỗ thất bại. Thơ không thể là sự hiểu biết về bản thể.

C. 1947

 

 

-------------------
Nguồn: Trích dịch từ Claude Jeancolas, Rimbaud après Rimbaud (Paris: Les éditions Textuels, 2004).

 


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021