thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
Mùa thu trong thơ quốc tế đương đại

Đề tài "Mùa Thu" bao giờ cũng có vẻ là dễ viết. Mùa thu dường như luôn luôn nấp sẵn trong ngòi bút của chúng ta, nhất là những ngòi bút thơ: hễ động bút là mùa thu cứ chực đổ ùa ra trên mặt giấy. Tôi đã từng thấy nhiều nhà thơ của ta có thể làm thơ về mùa thu bất cứ lúc nào trong năm, bất kể giữa mùa hè ở nhiệt đới với nắng như lửa, mùa đông ở hàn đới với tuyết ngập mái nhà, hay mùa xuân ôn đới với hoa nở tràn mọi lối đi.

Gần đây, một bạn văn thân quý đã viết rằng mùa thu là "một đề tài thơ mộng muôn thuở". Vâng, đồng ý với anh, quả là thế. Và cũng vì thế tôi cứ tưởng đây là một đề tài dễ. Chỉ đến khi bắt đầu cầm bút ngồi trước mặt giấy, tôi mới thấy đề tài này thật là khó.

Nói như thế thật là nghịch lý: đã nói mùa thu nấp sẵn trong ngòi bút, mà sao lại nói là khó viết?

Thật ra, khó không phải là không có ý để viết. Dường như mọi ý tưởng, hình tượng đều đã có sẵn rồi: vừa đặt bút xuống là lá vàng đã kêu xào xạc, là mấy con nai vàng đã nhảy ra đứng ngơ ngác trên mặt giấy, là giọt mưa thu đã thánh thót rơi, là gió heo may đã hiu hắt thổi...

Khó là ở chỗ, ngay khi ngòi bút chực chạy trên mặt giấy, người viết chợt ngẫm nghĩ: hơn nửa thế kỷ qua, trong thơ Việt Nam, lá vàng cứ không ngừng kêu xào xạc, con nai vàng cứ đứng ngơ ngác mãi, mưa thu cứ thánh thót rơi hoài, gió heo may cứ hiu hắt thổi và mưa cứ giăng mù lê thê; vậy thêm vài chiếc lá vàng, vài con nai ngơ ngác, vài giọt mưa thu, vài làn gió heo may hiu hắt nữa để làm gì?

Ngẫm nghĩ như thế, ngòi bút chợt ngừng lại, ngần ngừ, bối rối...

Người viết có tâm sự với anh bạn văn thân quý rằng: "Có lẽ chúng mình phải ám sát mùa thu..." Đó là nói thật chứ chẳng phải đùa. Vâng, phải làm sao ám sát những mùa thu cũ kỹ, để sáng tạo những mùa thu mới. Nói đúng hơn, phải làm sao ám sát cái cảm giác "thơ mộng muôn thuở" mỗi lần chúng ta nhắc đến mùa thu; phải ám sát tất cả những ý tưởng, hình tượng về mùa thu đã mòn vẹt đến độ không còn tạo nên được một chút ngạc nhiên nào nữa. Biết thế, nhưng để thực hiện được cuộc ám sát chẳng phải dễ gì.

Người viết đành giở những tạp chí văn chương đương đại quốc tế để xem người ta viết về mùa thu ra sao. Dưới đây là một số bài thơ đã được đăng tải trong những năm cuối cùng của thế kỷ 20. Người viết đã chọn và chuyển ra Việt ngữ chỉ vì thấy trong đó có những cách tiếp cận ít nhiều "khác" với cách của đa số chúng ta.

Xem người ta viết "khác", biết đâu chúng ta bất chợt tìm ra cho mình một cách riêng để ám sát mùa thu...

 

(Chùm thơ mùa thu dưới đây do Hoàng Ngọc-Tuấn chọn và chuyển ngữ)

 

thơ Vytautas P. Bloze

Từ mùa thu [1]

ngã gục vì bệnh hoạn tôi nằm giữa cánh đồng mênh mông, mưa tắm rửa tôi: từ cái miệng méo mó của tôi chảy ra một sợi máu và toàn thể nội tạng tôi thối rữa, trong đó bạn có thể nghe âm nhạc của những thức ăn tôi đã ngấu nghiến suốt một đời ô uế: những con trăn, rắn, cóc, trùn, sán, gà, cá, bê, bò, heo, thỏ, cừu, hoẵng, nai chà, lợn lòi, bồ câu, nấm, dâu, cà rốt, bắp cải, lí gai, khoai tây, tiêu, muối - tất cả những thứ đó kêu réo trong tôi với thứ âm nhạc thảm hại của nỗi buồn khi những khúc ruột của tôi thối rữa, với nghệ thuật nói bằng bụng đúng nghĩa, làm khiếp sợ tôi kẻ đã không còn biết mình là ai nữa
 
tôi đã tàn phá những gì? bao nhiêu người tôi đã ăn cùng bao nhiêu ý tưởng tôi đã nhồi vào ruột, những lời dối trá tồi tệ ngọt ngào, thứ mật pha loãng khiến loài ong chết trong mớ tóc hói của tôi, trong đó những con trăn, rắn, cóc, trùn, sán, gà, chuột, cá, bê, bò, heo, mèo, nhím, chó taiga, chồn xám, hải ly không có chỗ ẩn nấp - và những con sên ma quỷ đầm lầy bò ra trong một màn mưa hoang vắng giữa cánh đồng xuyên qua những giọt mưa lấp lánh dưới ánh pháo hoa như cung cách quý tộc điên rồ của những cụ tổ nhà tôi trong những lễ hội ở công viên Hoffmann
 
bao nhiêu người tôi đã ngấu nghiến, lây nhiễm những bệnh tật của họ, thói phàm ăn hiếu dục của họ, kiểu khôi hài cục súc Rabelais của họ, những thức uống mửa thốc của họ giờ đây gió rửa sạch cả mưa quét sạch cả, đất gột sạch cả theo bụi bẩn. Tôi sẽ thở hổn hển bao lâu qua chiếc miệng dán băng vô trùng, lục lọi trong tử thi tôi để tìm bằng chứng tội lỗi: tất cả những gì còn lại không để vết tích là chữ ký của tôi, mà tôi đã hất tung toé chung quanh như đá vung loạn xạ đôi chân mình, tự làm mình vướng kẹt và giả vờ ký tên mình trên ổ bánh mì mốc trên thịt bốc mùi ươn trên sữa hư trên cá độc. Và chỉ có con vịt trời thối rữa đã bay vào rơi tõm xuống sình lầy cùng lúc với chiếc linh cửu của thiên đường tôi rơi tõm với những kỷ niệm của những cụ tổ nhà tôi từ những ngày còn chế độ nông nô bò theo sau mọi người như một chiếc đuôi ướt che gió cho những khung cửa sổ, qua đó những ánh đèn xe vận tải rọi xuyên, tiếng sấm nổ ầm ĩ khủng khiếp rung chuyển những tầng trời và những đoàn xe lửa tung vào nhau những xác người da đen cháy thiêu, những tàu thủy chở lá coca nấu thành nhựa thuốc cho chúng tôi: hãy rót tôi ra khỏi những vại chứa nơi tôi sẽ nguội đi, nuốt tôi trôi xuống với trà đậm và nếu nội tạng tôi đau đớn, hãy uống thứ gì trơn nhớt nhưng không phải từ công việc của chính tôi, bởi vì tôi khó tiêu, bệnh hoạn với những nhọt trong dạ dày, xuất huyết triền miên từ những vết thương trong ruột từ thời thơ ấu, những vết thương do những kẻ vô tâm gây nên, những kẻ tôi đã nuốt chửng
 
hãy đặt những chiếc cốc ấy trên những dãy kệ trống không và phủ đầy mạng nhện không có những bức ảnh của tôi, những thứ đã dứt khoát không phù hợp với cái khách thể của tôi khi nó đã trương phình lên giữa những con cá sấu và những con trâu núi tro cây cối và những cuộc thiên tai
 
hãy đến đây và ngồi xuống, khi mưa đã chảy qua trong nơi chốn từ đó tôi sẽ bước ngang qua chân bạn, tôi đã biến thành một con kiến chết đuối trong chính những chất nước nhờn của tôi hãy đến ngồi chốc lát trên hòn đá, dưới đó linh hồn tôi không còn nhấc nổi một vật gì hãy đến ngồi vào chỗ đó nơi tôi đã biến mất ngồi vào một chỗ ẩm ướt vẫn chưa hoàn toàn khô ráo nơi ngay cả mùi thể xác của tôi cũng không còn nữa cái mùi tôi đã chán rồi, hãy đến đặt đầu bạn lên ngực tôi lắng nghe cánh đồng thì thầm thế nào biển cả cầu nguyện thế nào, ánh hoàng hôn lập lại lời tôi thế nào, cơn gió che phủ thế nào lên dấu vết của lưng tôi với cát từ những đụn nhấp nhô trong nghĩa địa của những người còn đang sống

 

thơ Stuart Dybek

Mùa thu nhiệt đới [2]

(gửi David)

Chiếc vỏ của một con ve bám vào màn cửa là tất cả những gì còn sót lại từ bài ca chói chang rộn rã đêm qua.
 
Và sáng nay, một con chim gõ kiến, có lẽ đã di cư từ rừng sồi vây quanh chiếc hồ đầy thủy điểu nơi chúng tôi đã vây bắt cá măng với tiếng đập vồ đùng đục trong sương mù, đánh thức tôi bằng tiếng mổ vào trụ điện thoại như thể đang đánh máy Pho Tiểu Thuyết Hoa Kỳ Vĩ Đại. Tôi không biết nó tìm kiếm điều gì, không phải là những con mối - những trụ điện thoại ở đây đều làm bằng bê tông.
 
Dọc con đường lớn trải xuôi theo hướng gió, đầy ổ gà, băng qua Stumpy Point, những vỏ cua đất bị vứt lăn lóc mốc meo như những chiếc xe hơi phế thải dưới mặt trời. Dù phải chịu nguy hiểm trước lũ chồn đèn, đây là lúc bầy rắn lục quằn quại thoát khỏi những lớp da cũ. Lúc này, dọc theo những đoạn đường vắng người về hướng Michigan, những cây phong hẳn đang trút bỏ những màu sắc nhạt hơn màu đan phượng.
 
Bức thư của bạn, mang con dấu bưu điện ngoại quốc từ quê nhà, đang đợi General Delivery chuyển đến: những tin tức về bạn bè (một cuộc sẩy thai, một cơn kích ngất vì thuốc, một chuyện ly dị) xen lẫn với một lời mô tả về lớp sương giá đầu tiên trên khung kính cửa sổ của xưởng máy bỏ hoang mà bạn đang cư trú, về những chiếc lá sặc sỡ bay lòng vòng trong cái công viên thảm hại gọi là quảng trường Bug House nơi bạn đi săn tình từ những thằng con trai mặc áo da mà bạn vẽ thành những bức chân dung. Cả những mảnh đời và thời tiết thân quen, bạn viết, đều rã rời vỡ vụn.

...

Ở đây, tôi không biết chắc phải gọi nó là gì; một mùa trôi qua nhưng không có tên gọi. Những cây cà chua héo rũ vào lúc những quán ăn ngưng cung cấp nước. Những bụi cây dại quằn quại vì thằn lằn nhung nhúc. Nó làm điên tiết chú mèo hoang tôi nhặt được. Tôi muốn đặt tên cho chú là Pogo hay Nijinsky - Jinn, gọi tắt là thế. Nhảy cỡn đã biến thành cách bình thường để chú đi từ chỗ này đến chỗ khác.
 
Hôm nay là Thứ Bảy. Tôi đang ngồi dưới một tấm bạt phất phơ, nhấm nháp một cà phê đá tẩm rượu Kahula, nhìn xuống vịnh sóng dập dềnh nơi mới tuần trước đây một chiếc thủy phi cơ chở đầy khách ngoạn cảnh bị lật úp trước khi cất cánh. Những áo phao khoác bên ngoài những chiếc sơ mi du lịch, hành khách bò dọc theo cánh máy bay để chui ra. Chẳng ai bị thương, đúng ra, họ đều cười toe toét. Một cặp - đang hưởng tuần trăng mật, sau đó tôi nghe nói vậy - từ chối lên ghe cấp cứu, để tự thả trôi vào bờ...
 
Ngay cả trong bóng mát, trang giấy này mang một sắc trắng muốt. Tôi đang viết thêm một bức nữa trong mớ thư mà bạn cho rằng tôi không bao giờ hoàn tất để có cớ khỏi phải đi gửi, thế nhưng, Bạn Thân Mến, tôi vẫn quan sát thế giới như thể đang thông báo lại cho bạn, tôi nhìn qua đôi mắt bạn bất cứ khi nào có điều gì lạ lùng hay đẹp đẽ.
 
Có lẽ, dưới những làn da đang thay lông, mùa thu dường như không thể tránh mang vẻ biểu tượng về những cuộc hành trình của bản ngã xuyên qua những bản ngã. Nhưng tôi đã dời đến đây, nơi sự đổi thay được đo bằng từng độ nhỏ; sẽ hết trọn chu kỳ một năm để có thể nói khi nào mùa hè chấm dứt.

 

thơ Tobias Hill

Say giữa đêm thu dưới đường đê Victoria [3]

Và bầu trời ướt như một tấm áo tơi thùng thình. Tôi đang rảo bước nhưng không về nhà. Tôi đang hít không khí. Nó có mùi ngọt, như mùi rỉ sét. Thủy triều rút ra và bùn dày như thịt trên lớp tường vôi nội thành.
 
Đây là những đốt xương tay gãy nát của những ống nước bằng đất sét nung. Những trụ hình nón chia lằn đường. Vết chân của chính tôi, bước ngược trở lại. Đây là một hạt mầm vấy đen. Sống như một nắm đấm, và tôi chỉ muốn có nơi nào đó để ngồi xuống một phút, tờ báo ngày mai (những trang giấy ấm nóng với cá chiên và giấm) và ngấn nước lung linh của bầu trời London nhảy múa trên cả dòng sông.

 

hai bài thơ Yehuda Amichai

Chớm thu trên những ngọn đồi ở Ephraim [4]

Bên lề con đường đang đắp một nhóm công nhân đứng lấn vào nhau trong cái gây lạnh của chiều tà. Những tia sáng cuối của mặt trời hắt lên đám người đã làm công việc họ phải làm với chiếc xe ủi đất và chiếc xe cán đường đã làm công việc chúng phải làm. Người và máy cùng nhau trong niềm tin rằng họ sẽ không rơi ra khỏi hành tinh này.
 
Những khóm hành biển đã mọc trên cánh đồng và vẫn còn những quả hạnh trên cây hạnh. Mặt đất còn ấm như chiếc sọ dưới mái tóc trẻ thơ. Một cơn gió đầu thu thổi qua những người Do Thái và Ả Rập. Lũ chim thiên cư gọi nhau: Xem kìa, loài người cứ ở mãi một chỗ của họ! Và trong sự im lặng vĩ đại trước khi bóng tối phủ xuống một chiếc phi cơ băng ngang qua bầu trời và hạ cánh xuống bờ phía Tây với tiếng kêu ùng ục như rượu nho ngon trong cổ họng.

 

Gần vào thu: hoài tưởng về cha mẹ tôi [5]

Chẳng bao lâu nữa sẽ là mùa thu. Những trái cây cuối cùng chín tới và con người bước trên những lối đi chưa từng biết đến. Căn nhà cũ bắt đầu tha lỗi cho những kẻ sống trong nó. Những thân cây đậm màu hơn với tuổi tác và con người trở nên bạc trắng. Chẳng bao lâu nữa những cơn mưa sẽ đến. Mùi rỉ sét sẽ toả gây gây làm hân hoan những trái tim như hương thơm hoa nở mùa xuân.
 
Ở những xứ sở phương bắc họ nói, Hầu hết lá vẫn còn trên cây. Nhưng ở đây chúng ta nói, Hầu hết lời nói vẫn còn trên con người. Mùa rụng rơi của chúng ta làm rụng rơi những điều gì khác.
 
Chẳng bao lâu nữa sẽ là mùa thu. Đã đến lúc để hoài tưởng về cha mẹ của tôi. Tôi nhớ đến họ như những đồ chơi đơn sơ thời thơ ấu, xoay những vòng nhỏ xíu, thầm thì dịu dàng, nhấc một cái chân lên, vẫy một cánh tay, lúc lắc chiếc đầu chậm rãi từ bên này sang bên kia, cùng một nhịp điệu, dây thiều ở trong bụng và chiếc thìa vặn ở sau lưng.
 
Rồi đột nhiên chúng ngưng cử động và dừng lại mãi ở tư thế cuối cùng.
 
Và như thế đó tôi hoài tưởng về cha mẹ tôi và như thế đó tôi hoài tưởng về những lời nói của họ.

 

thơ Chi'i-Chi

Chớm thu: nghe một con ve kêu khi đang nằm bệnh [6]

Chậm rãi tỉnh giấc trên gối.
đột nhiên tôi nghe một con ve kêu —
ngay lúc ấy tôi biết tôi chưa chết,
dù những ngày vừa trôi qua đã xa xôi như kiếp trước.
Tôi muốn đến cửa sổ, lắng nghe gần hơn,
nhưng ngay cả với chiếc gậy tôi cũng không bước nổi.
Chẳng bao lâu nữa, như mi, ta sẽ trút bỏ chiếc vỏ của mình
và được uống lần nữa cái tinh khôi trong hạt móc.[7]

 

thơ M. Welton

Anh quốc, mùa thu [8]

Ngày cuối tuần hôm Fellini và Phoenix qua đời nàng không tìm thấy điều gì đáng làm ngoài việc trút hết những ngăn kéo và tủ chén ra: nàng làm căn nhà trở nên bừa bộn.
 
Những chiếc vé cho một cuốn phim nàng đã chưa từng bao giờ vào xem, một mảnh cắt từ những tạp chí lần nọ nàng mua cho một chuyến du hành mà nàng đã không thực hiện,
 
một chiếc ví trẻ con đựng tiền giấy chưa bao giờ tiêu đổ vãi trên tấm thảm phòng khách, nằm rải rác như những chiếc găng tay vô chủ trên một sân chơi. Nàng bật tất cả đèn điện lên suốt cả ngày.
 
Cứ mỗi nửa giờ nàng lại pha cà phê mà không uống và cứ nhìn đăm đăm qua khung cửa sổ bám sương mù. Cửa lớn khoá chặt. Thời tiết dự báo có mưa.

 

_________________________

[1]Bài thơ này đăng trong World Literature Today, Spring 1998 v72 n2 p243.

[2]Bài thơ này đăng trong TriQuarterly, Fall 1998 i103 p13.

[3]Bài thơ này đăng trong New Statesman, May 1997 v126 n4332 p118.

[4]Bài thơ này đăng trong The American Poetry Review, Sep-Oct 1996 v25 n5 p24.

[5]Bài thơ này đăng trong Tikkun, Sep-Oct 1996 v11 n5 p74.

[6]Bài thơ này đăng trong The Literary Review, Summer 1998 v41 n4 p506.

[7]Người Trung Hoa tin rằng con ve chỉ uống những hạt móc để sống, và do đó nó là biểu tượng của một cuộc sống thanh khiết.

[8]Bài thơ này đăng trong New Statesman, July 26, 1996 v125 n4294 p46.


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021