thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
Tác phẩm văn học lớn thì phải đơn giản? — Công chúng, tác phẩm (lớn) và sự đơn giản

 

Lời toà soạn:
Bắt đầu từ tháng 8/2007, Tiền Vệ mở thêm mục "Thảo luận trong tháng". Mỗi tháng, chúng tôi sẽ nêu lên một đề tài và mời bạn văn bốn phương cùng tham gia thảo luận. Đề tài thảo luận trong tháng 8 tập trung vào câu hỏi cụ thể như sau:
 
"Cho đến nay ở Việt Nam vẫn còn quan niệm cho rằng tác phẩm văn học lớn thì phải đơn giản để cho mọi người có thể hiểu và cảm nhận được. Ý anh/chị thế nào?”
 
Chúng tôi sẽ lần lượt đăng tải tất cả những ý kiến của bạn văn gửi về Tiền Vệ trong tháng này.

 

_____________

 

TÁC PHẨM VĂN HỌC LỚN THÌ PHẢI ĐƠN GIẢN?

 

Ý kiến của Nhã Thuyên

 

Công chúng, tác phẩm (lớn) và sự đơn giản

 

Thế nào là đơn giản: đơn (nghĩa, âm, hình) và giản (đúng chữ, đúng chính tả, đồng quy ý nghĩa, tính giáo dục...)?

Người ta thường dẫn viện hình ảnh các nhà văn lớn: các nhà văn lớn bao giờ cũng đạt đến sự giản dị. Và quả tình, sự giản dị trong câu chữ của họ vẫn truyền dẫn những tư tưởng khổng lồ. Người ta muốn dẫn L. Tolstoy: “Cái đẹp nằm trong sự giản dị.”

(Người ta, là nói cả một chiều - tôi, tất nhiên)

Đơn giản: là phải mọi người hiểu được, cảm nhận được.

Mọi người là những ai? Những ai có thể cảm nhận được, hiểu được tác phẩm văn học (không nói tất cả nghệ thuật)? Tác phẩm lớn là như thế nào?

Công chúng và tác phẩm

Tác phẩm tất nhiên cần có công chúng. Nếu không phải công chúng của hiện tại, thì phải là tương lai (Không bao giờ nó chờ công chúng của quá khứ, điều ấy bất khả, vô nghĩa). Nếu nó có công chúng của hiện tại, nó yên lòng sống. Nếu nó không có công chúng của hiện tại, nó có thể rơi vào nhiều cực. Hoặc, đầy tự tin, nó chờ công chúng tương lai. Hoặc, yếu thế, nó sẽ chết. Hoặc, khép chặt, nó là một thế giới cô độc mãi mãi, và may ra, sẽ chỉ mang lại sự sống phẫn của người sáng tạo ra nó.

Người ta nói bằng từ Tiếp nhận. Một quan hệ hai chiều, đúng hơn, đa chiều, bởi nó chưa bao giờ thuần túy là quan hệ người viết- người đọc, mà cả người viết-người không đọc, người độc (độc giả), người không viết- người không đọc, người không viết-người đọc. Tất cả tương tác, “khoái cảm, điên rồ hợp lí” (từ của Nguyễn Thúy Hằng). Cho nên, việc định giá dựa trên lực lượng công chúng đọc rất dễ hỗn độn.

- Nếu không có công chúng thì văn học không sống được (chẳng hạn, không ai mua sách) (Hoặc sống trong mảnh đất chết của họ, trong quan tài) . Do đó, hoặc là tự bản thân nó thu hút được công chúng –của nó, yêu nó, phá nó hoặc nó chạy theo công chúng. Chạy theo công chúng được gọi là “chiều độc giả”. Văn học chiều độc giả, chiều thị hiếu độc giả sẽ 1. phát đạt 2: luôn luôn đổi, theo thời, mùa vụ (độc giả cả thèm chóng chán). Nhưng lại có một hướng khác: nếu văn học rùng mình trước lớp độc giả khó tính, khó chiều (những độc giả này không đòi văn học phải theo ý họ bới họ không có đưa ra ý để văn học theo, mà họ chờ làm sao cho họ thấy đó chính là văn học). Chiều được như thế, thì lại là chuyện khác. Văn học không phải gái điếm nên tất nhiên cũng không thể dễ nghe lời. Tự bản thân văn học đã luôn giẳng co. Nhưng quan trọng hơn, độc giả cũng giằng co, lưỡng tính. Độc giả không đơn giản như các nhà văn (có thể quen) nghĩ: họ vừa muốn đơn giản (muốn ăn ngon, ngủ yên, đọc cái gì đúng với chữ cái quen đọc) vừa muốn không yên, muốn bị quấy đảo, trộn nhào. Nhất là họ muốn lộn nhào, quấy đảo khi chán nản. Chán nản vì đã bị xô đẩy, bị hùa theo, ồn ào. Mà điều này thì thật yên tâm, bởi trong mỗi con người luôn có “tiềm năng” chán nản. Họ muốn sự đơn giản và cả những điều không đơn giản. Họ luôn có nhiều chiều đọc trong một họ. (Ví dụ đơn giản, nhà phê bình Trịnh Thanh Sơn, khi nói “Thơ trẻ mất ngủ” cũng nói về sự cố gắng đọc để hiểu họ, dù sau đó là một thái độ phán xét). Tôi nói điều này như một người đọc

- Nếu không có văn học công chúng vẫn sống được. Nhưng sống như thế nào? Què quặt, dị dạng. Trừ phi cả loài người chưa từng có từ văn học, thơ ca trong kí ức tế bào. Khi đó, sẽ không cần đến văn học.

- Văn học, nghệ thuật có thể tạo công chúng cho nó. Nghĩa là, tự nó, tạo cho nó một vùng công chúng. Công chúng này có thể đông, hoặc không đông. Tùy sức mạnh. Tùy khả năng kích thích, tạo dựng của nó. Nhưng điều chắc chắn công chúng này sẽ hiểu /cố hiểu được, ít nhất, câu chữ, rồi cố gắng cảm nhận được, một cái gì đó, từ văn học. Nghĩa là, chỉ một người đọc, nó đã có thể tồn tại. Như một con người, chẳng hạn, xấu xí, cô độc nhưng vẫn có một người bạn. Một Thị Nở có Chí Phèo, đại loại thế.

Vấn đề đặt ra:

Cho đến nay, ở Việt Nam vẫn còn quan niệm cho rằng một tác phẩm văn học lớn phải đơn giản để mọi người hiểu được, cảm nhận được.

- Thứ nhất, quan niệm này của ai? Đây là quan niệm của người đọc, đúng hơn, từ tư cách người đọc. Cũng là quan niệm của người viết, từ tư cách viết. Người đọc tất nhiên muốn đọc cái họ có thể hiểu, cảm. Người viết, nhiều người muốn giản đơn, dễ hiểu, để có nhiều người đọc, những người viết như vậy, họ viết với xuất phát điểm là một người đọc, cùng cấp với những người đọc khác.

- Thứ hai, từ “lớn”. Lớn là như thế nào? Truyện Kiều lớn. Tất cả mọi người hiểu được. Sidney Sheldon mọi người hiểu được, có là lớn? Như vậy, lớn thì mọi người hiểu được nhưng ngược lại, tất nhiên không phải lúc nào cũng đúng.

- Thứ ba, cách đặt vấn đề của tienve có chỗ bất ổn: Cho đến nay (nghĩa là giả định rằng, đây là một quan niệm lạc hậu, cho đến nay (mà vẫn còn), ở Việt Nam (nghĩa là một giả định rằng thế giới, tiến bộ, vượt xa chắc không có quan niệm này), vẫn còn (nghe cụm từ này rất bất ổn). Tôi nghĩ, câu hỏi nên là: Có quan niệm rằng tác phẩm văn học lớn phải đơn giản để mọi người hiểu được, cảm nhận được. Ý kiến của anh/chị thế nào? (Cụ thể hơn, có thể xuất phát từ hiện trạng quan niệm văn học ở Việt Nam). Như thế, tranh luận hay hơn, không dễ đẩy người muốn bày tỏ bị cuốn vào việc nói nhiều đến các quy kết đạo đức, chính trị.

Quan niệm này, thực tế, theo tôi, dù vẫn tồn tại, và cứ cho là một số đông nghĩ vậy, nhưng không có nhiều ý nghĩa bởi:

Nó không tác động nhiều đến đời sống văn học. Thứ nhất đó chỉ là có một số người, hoặc số đông đi chăng nữa, họ từ chối đọc những cái họ cho là họ không hiểu. Giả sử, văn học có một loạt những tác phẩm như vậy, và được đọc bởi một số ít người, nền văn học đó vẫn có thể có tiếng vang, vẫn tìm được phạm vi công chúng, ở một vùng trời khác, chẳng hạn thế. Hoặc có thể tự an ủi “quý hồ tinh bất quý hồ đa”. Thứ hai chắc chắn nó không tác đông đến tâm thế viết của những nhà văn thật sự có bản lĩnh.Thứ ba, những nhà phê bình (tự nhận gánh) trách nhiệm (vô kì hạn) sẽ không nuông chiều quan niệm đó. Như vậy, nó không ảnh hưởng đến một lực lượng chính làm thành những người định hướng đọc: tác giả, phê bình. Nói thế dễ gây cảm giác phân biệt “giai cấp văn học” nhưng độc giả - đám đông, có thể như đàn kiến, cũng có thể đầy sức mạnh. Quan trọng là những tương tác, kích thích, niềm tin để khơi lên sức mạnh đọc trong họ, chuyển dịch ý thức đọc của họ, nếu quả thật họ cầu thị đọc. Bởi lẽ, như đã nêu ý kiến ở trên, theo tôi, độc giả luôn là lưỡng tính: vừa lười nhác vừa cầu tiến, vừa muốn đơn giản vừa muốn cố hiểu, vừa muốn chửi bới vừa tò mò muốn nhìn, vừa muốn chối bỏ, vừa ngờ ngợ mình không có tư cách chối bỏ... Những quan niệm chẳng bao giờ tuyệt diệt, chỉ nên quan tâm, nó có chi phối được gì, sự vô nghĩa sẽ tự chết.

Câu hỏi nên hướng về người viết

Văn học, tôi vẫn nghĩ, nó đứng về cái yếu, nhưng để cái yếu mạnh lên, nó không phải là một cuộc tàn sát, chiến đấu, hủy diệt, nó làm khô da, tróc vẩy, lột xác, lên da non, dần dần biến đổi.

Do đó, trước hết, theo tôi, không nên đặt câu hỏi để tranh luận phán xét về trình độ độc giả mà nên hướng vào người viết:

Người viết có quan niệm tác phẩm là để (người) hiểu được, cảm được không?

Chắc chắn có. Văn học không thể viết ra với những chữ cái Hi Lạp cổ.

Dù thế nào, những gì là tác phẩm thì đều có độc giả của nó. Ít hay nhiều. Những độc giả này dần dần chuyển dịch, có thể nhiều lên, hoặc ít đi.

Văn học không lo không có độc giả. Văn học không lo phải giản đơn. Và văn học cũng không lo rằng còn quan niệm văn học phải giản đơn. Bởi văn học có độc giả - riêng nó.

Có điều, muốn lớn, một tác phẩm lớn, lại là chuyện khác. Hoặc nó lớn và chinh phục tất cả các độc giả. Hoặc nó không chinh phục các độc giả (số đông, hiện nay) mà vẫn lớn. Hoặc nó không chinh phục ai cả (hôm nay, không gian này) nhưng nó (tin là) nó lớn. Hoặc nó chết ngắc từ lúc trong vỏ trứng sáng tạo.

Nhưng chỉ có chuyện nó lớn thì (rồi) mọi người sẽ cảm, đọc, hiểu. Chứ không có chuyện nó cần được mọi người đọc, cảm rồi sẽ lớn. Người đọc chắc chắn muốn nâng mình lên để hiểu tác phẩm nếu họ được khơi mở, từ chính những người viết.

Tác phẩm văn học đơn giản có lớn được không? Nói chung, những câu hỏi thế này, các nhà văn cứ tự nhằm thẳng mình mà bắn.

 

Wed, 08.08.2007

 

Đã đăng:

07.08.2007
[THẢO LUẬN - THÁNG 8/2007] ... Quan niệm này xuất phát từ tư tưởng cho rằng văn học (và nghệ thuật nói chung) là cái (công cụ) phục vụ cách mạng, truyền tải / truyền đạt những thứ (tư tưởng, tinh thần, chủ trương, chính sách, nghị quyết...) tới quần chúng. Vì quần chúng (đâu cũng thế thôi) trình độ không cao, nên tác phẩm “phải đơn giản để cho mọi người có thể hiểu và cảm nhận được”... (...)
 
05.08.2007
[THẢO LUẬN - THÁNG 8/2007] ... Tôi thấy nơi hậu cảnh của quan niệm này lấp ló cái đuôi của những ông bầu sô nhắc tuồng chỉ đạo sân khấu chính trị, nhằm mục đích: đề cao tính thực dụng và lợi ích cộng đồng, lùa đội ngũ viết văn cả nước vào trong một công tác phục vụ theo định hướng, hạ thấp rẻ rúng chức năng văn học, đồng thời, làm tê liệt khả năng người đọc bằng những điệu ru dễ dãi, khẩu hiệu sáo mòn... (...)
 
04.08.2007
[THẢO LUẬN - THÁNG 8/2007] ... Sự đơn giản dĩ nhiên là cần thiết, rất cần thiết, nhưng chỉ nên được xem là khởi điểm — như ai cũng phải thuộc bảng chữ cái (nếu muốn biết đọc, biết viết) — chứ không nên là mục tiêu... (...)

 


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021