thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
Tác phẩm tạo ra độc giả

 

Lời toà soạn:
        Dưới đây là bản giản lược bài thuyết trình của nhà văn Nguyễn Viện, dự định sẽ trình bày vào đêm nay tại cuộc toạ đàm Cafe Văn Học của Hội Đồng Anh dưới chủ đề “SỨC MẠNH CỦA NGÔN TỪ — ĐỘC GIẢ VÀ VĂN HỌC TRONG THẾ KỶ 21”, lúc 19 giờ ngày 3.8.2007, tại quán cà phê ZENTA, 41 Mạc Đĩnh Chi, quận 1, Tp.HCM.
        Tuy nhiên, cuộc toạ đàm này đã bị huỷ bỏ vào phút chót. (Xin bấm vào [*][**] để đọc các bản tin Tiền Vệ vừa đăng tải.)
        Ngay hôm nay, chúng tôi xin chuyển đến độc giả bản giản lược bài thuyết trình của nhà văn Nguyễn Viện để chúng ta cùng có cơ hội "toạ đàm trừu tượng" với ông.

 

 

 

TÁC PHẨM TẠO RA ĐỘC GIẢ

 

Do hoàn cảnh lịch sử , theo tôi, hiện chúng ta đang có 3 không gian văn học cùng tồn tại: Chính thống trong nước, văn học ngoài luồng (có người còn gọi hai dòng văn học này là trung tâm và ngoại vi) và văn học Việt Nam hải ngoại.

Cho tới thời điểm này văn học chính thống vẫn được kiểm soát chặt chẽ bởi các nhà xuất bản. Những tác phẩm mà hệ thẩm mỹ khác với hệ thẩm mỹ chính thống hầu như đều không có cơ hội xuất hiện. Bởi thế văn học chính thống đang tự làm mình trở nên nghèo nàn và trì trệ. Hệ quả của sự kiểm duyệt chặt chẽ này và những sợ hãi khác dẫn đến tâm lý e dè của các nhà văn trong quá trình sáng tác. Đối diện với trang giấy trắng hay màn hình vi tính, quán tính của sự sợ hãi đặt nhà văn vào giới hạn thoả hiệp: viết thế nào cho in được. Viết thế nào cho in được trong hoàn cảnh xuất bản ở Việt Nam, trong nhiều trường hợp, là một cách tự sát với tư cách một nhà văn.

Cái bi kịch mất tự do tưởng như chỉ có đối với nhà văn trong nước, nhưng các nhà văn Việt Nam hải ngoại cũng không thoát khỏi những hệ lụy của di sản chiến tranh, ngoại trừ một vài người có bản lĩnh. Họ cũng bị cái “lập trường quan điểm” hành hạ, thêm vào đó họ còn bị cả cái tâm trạng hoài cổ của kẻ lưu vong hoài vọng cố hương chi phối. Cho nên đa phần văn học hải ngoại cũng rất cũ, nhiều khi quá cũ chỉ để gìn giữ cái truyền thống dân tộc. Chỉ có một số ít người thuộc thế hệ sau chiến tranh và hội nhập vào nền văn hóa ngụ cư, họ mới có những tác phẩm đột phá như Trần Vũ, Đinh Linh, Đỗ Kh., Nguyễn Hương, Đặng Thơ Thơ, Phan Nhiên Hạo, Lê Thị Thấm Vân...

Đồng hành với cuộc lột xác văn chương Việt Nam, một số nhà văn trong nước mà tác phẩm của họ không thể xuất hiện chính thức trên các diễn đàn chính thống trong nước, đã vượt biên giới, đường hoàng bước vào mạng thông tin toàn cầu internet.

Ở đó, không một ai can thiệp được, nếu bản thân nhà văn không muốn ai can thiệp vào việc sáng tạo của mình. Cũng không có một thế lực lợi nhuận nào chi phối anh ta, bởi vì không có một tờ báo mạng tự do nào hiện nay trả nhuận bút. Một sự “kích cầu” ngoạn mục của tự do đã tạo ra cơ hội chưa từng có cho nhà văn thể nghiệm. Một diễn đàn không biên giới mở ra những tiềm năng không thể kiểm soát. Ở đó nhà văn được quyền viết cái anh ta thích, nếu anh ta muốn. Và anh ta chỉ chịu trách nhiệm với chính mình.

Trong cái tưởng chừng như hỗn loạn, những tác phẩm đích thực đã xuất hiện, mang tính khai phá và nó đã góp phần vào việc làm thay đổi diện mạo văn học Việt Nam, một cách căn bản. Nó phá vỡ mọi trật tự, lề thói. Bởi vì trước hết, nó khởi phát từ một ý thức văn chương không nhất thiết phải “tải đạo”, cũng không phục vụ nhu cầu chính trị của bất cứ ai.

Tôi cho rằng nếu văn học Việt Nam đương đại được phép bày ra như chúng ta tưởng tượng trên bàn này với đầy đủ mọi thành phần thì chắc chắn diện mạo văn học Việt Nam sẽ khác hơn những gì chúng ta đang bi quan về nó. Bởi vì, cho đến nay, khi nhận định về văn học cũng như một số ngành nghệ thuật khác, người ta vẫn cố ý quên một bộ phận sinh động nhất của văn học Việt Nam, đó là nền văn học ngoài luồng và văn học Việt Nam hải ngoại.

Tôi nghĩ rằng, nếu các bạn muốn biết văn học Việt Nam hiện nay đang đi đến đâu, như thế nào thì hãy tìm đến với văn học ngoài luồng và văn học Việt Nam hải ngoại.

Một xu thế cách tân mãnh liệt đang bùng phát không chỉ trong thi ca mà cả trong văn xuôi. Từ ngôn ngữ đến cấu trúc. Tôi cho rằng sau thời kỳ hoàn thiện ngôn ngữ tiếng Việt của Tự Lực Văn Đoàn và những nhà văn nhà thơ tiền chiến khác, lịch sử văn học Việt Nam đang bước vào một kỷ nguyên mới với những tác giả rất khác biệt như Trần Vũ, Nguyễn Hương, Đinh Linh, Bùi Hoằng Vị, Trần Tiến Dũng, Nguyễn Quốc Chánh, Phan Bá Thọ, Lý Đợi, Bùi Chát, Nguyễn Thúy Hằng, Lynh Bacardi, Phương Lan, Thanh Xuân, Lê Thị Thấm Vân, Phan Nhiên Hạo, Đặng Thơ Thơ, Thận Nhiên, Nguyễn Tôn Hiệt...

Trên bàn tiệc văn chương đương đại, tôi nghĩ chúng ta đang có những món ăn khác, với một khẩu vị khác, và rất cần một cách ăn khác.

 

Với chủ đề hôm nay, tôi có thêm một ý kiến: Tác phẩm tạo ra độc giả. Và tạo ra những hệ thẩm mỹ cũng như các lý thuyết văn học.

Phải chăng chúng ta đã có một lớp độc giả khác?

Tôi nghĩ rằng có. Ít nhất đó là lớp độc giả trên internet. Họ sống ở các thành phố (ngay cả đối với sách in trên giấy thì người đọc cũng đa phần là dân đô thị. Chắc chắn là bạn không thể tìm thấy một nhà sách ở các huyện lỵ, cũng như chẳng có một thư viện nào ở các huyện lỵ mà bạn có thể tìm thấy các tác phẩm văn học đương đại, nếu ở đó có thư viện). Lớp độc giả này tương đối trẻ (dưới 50), biết sử dụng vi tính. Nếu so với độc giả sách giấy, thì lớp độc giả trên mạng có tính thường xuyên hơn. Tôi đưa một ví dụ: Mạng văn chương Tiền Vệ mỗi ngày có hơn 1200 visits, truy cập khoảng 4.000-5.000 pages với số lần hits trung bình là 25.000. Trong khi đó một quyển sách trung bình in từ 600–1000 cuốn phải bán lay lắt cả năm, nếu tính trung bình, không biết một ngày có được dăm ba người đọc hay không.

Và chắc các bạn cũng đồng ý với tôi, văn chương trên mạng rất khác với văn chương trên giấy in ở trong nước. Cái khác ấy do hệ thống kiểm duyệt tạo ra. Và cái khác ấy tạo ra độc giả khác.

 


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021