thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
Chúng ta viết cho ai? hay chiếc kệ sách giả định
(Hoàng Ngọc-Tuấn chuyển ngữ) [1]

Chúng ta viết một cuốn tiểu thuyết cho ai? Chúng ta viết một bài thơ cho ai? Chúng ta viết cho những người đã đọc một số tiểu thuyết khác, một số bài thơ khác. Một cuốn sách được viết để nó có thể được đặt bên cạnh những cuốn sách khác và chiếm chỗ của nó trên một kệ sách giả định. Một khi nó đã ở đó, bằng cách này hay cách khác, nó làm thay đổi chiếc kệ sách, hất vài cuốn nào đó ra khỏi chỗ của chúng hay buộc chúng phải lùi xuống hàng thứ hai, đồng thời, đòi hỏi những cuốn khác nên được mang lên hàng đầu.

Nếu một người bán sách biết cách bán hàng, anh ta làm gì? Anh ta nói, "Ngài đã đọc cuốn sách đó chưa? Nếu đã đọc rồi, ngài phải lấy cuốn này." Điều này không phải không giống cách thế một người viết có thể mường tượng ra hay ngay trong vô thức đã biết mình sẽ ứng xử với người đọc vô hình của mình, với sự khác biệt duy nhất là người viết không thể chỉ làm thoả mãn người đọc là đủ thấy hài lòng (và ngay cả anh giỏi nghề bán sách cũng phải đi xa hơn điều này một chút, bạn thử nghĩ xem); người viết cũng còn phải dự tưởng một người đọc chưa hiện hữu, nếu không thì cũng phải dự tưởng một sự đổi khác nơi người đọc so với người đọc hôm nay. Đây là điều không phải lúc nào cũng xảy ra. Trong mọi thời đại và xã hội, với sự ổn định của những tiêu chuẩn mỹ học nhất định nào đó, một thế giới quan nhất định nào đó, một thước đo giá trị đạo đức và xã hội nhất định nào đó, văn chương có thể tự trường tồn bằng một loạt những sự khẳng định, những sự chỉnh lý có giới hạn, và những sự nghiên cứu sâu xa hơn. Tuy nhiên, điều tôi lưu tâm là một khả thể khác hàm chứa sẵn trong văn chương: đó là sự nghi vấn về thước đo của những giá trị và quy ước của những ý nghĩa.

Tác phẩm của một người viết chỉ quan trọng cho đến chừng nào chiếc kệ sách lý tưởng mà y muốn được đặt lên đó vẫn còn là một kệ sách không ổn định, chứa những cuốn sách chúng ta ít khi đặt cạnh nhau, và sự đối đầu của những cuốn sách ấy có thể gây những cơn điện giật, những cú chập mạch. Và vì thế, câu trả lời tiên khởi của tôi hẳn phải cần điều chỉnh lại. Một tình thế văn chương trở nên thú vị khi ta viết tiểu thuyết cho người không chỉ là độc giả của tiểu thuyết mà thôi, và khi ta viết văn trong lúc nghĩ đến một chiếc kệ không phải đựng toàn là sách văn chương.

Hãy cho phép tôi đưa ra vài ví dụ về cơ sở kinh nghiệm của chúng tôi ở Ý Đại Lợi. Trong những năm 1945-50, mục đích văn chương là viết những tiểu thuyết cho một chiếc kệ chủ yếu đựng sách chính trị, hay lịch sử chính trị, nhắm đến một người đọc chủ yếu lưu tâm đến thứ văn hoá của chính trị và đến lịch sử đương thời, nhưng "những nhu cầu" (hay những thiếu sót) về văn chương của người ấy dường như cũng cần được cung ứng khẩn thiết. Vướng vào tình thế đó, cuộc vận động này bị đẩy đến chỗ thất bại. Văn hoá chính trị không phải là một thứ "lộc có sẵn", với những giá trị mà văn chương phải tự nó đi kèm theo, hay phải vươn lên cho xứng hợp (và với vài trường hợp ngoại lệ, những giá trị của văn chương cũng được xem như những giá trị đã ổn định, đã thành "cổ điển"). Ngược lại, văn hoá chính trị là cái gì đó cần được xây dựng liên tục và đánh giá liên tục dưới ánh sáng của toàn thể công trình mà phần còn lại của nền văn hoá chung đang tạo nên, và toàn thể công trình này phải được đánh giá song song với nó.

Suốt thập niên 1950, một nỗ lực được thực hiện để mang đến với nhau, trên chiếc kệ sách cũng của chính người đọc giả định ấy, vấn đề suy thoái về văn chương Âu châu giữa hai cuộc chiến và cảm thức đạo đức và nhân sinh thủ cựu của người Ý Đại Lợi. Cuộc vận động này khá thích ứng với trạng huống của người đọc trung bình trong những năm ấy (anh trí thức rón rén biến thành anh trưởng giả, anh trưởng giả rón rén trút bỏ những chuyện phiền hà). Nhưng, xét trên một bình diện rộng hơn, ngay từ đầu nó đã sai thời điểm, và đã chỉ có hiệu lực đối với những sự việc ở một giới hạn mà các quyền lực độc đoán và các rào kiểm dịch đã quy định cho nền văn hoá của chúng tôi. Tóm lại, thư viện của anh trí thức hạng trung ở Ý Đại Lợi, ngay cả với một loạt bổ sung sau đó, cũng không thể giúp anh ta hiểu gì nhiều về những sự kiện đang xảy ra trên thế giới, hay ngay cả ở giữa chúng tôi. Nhất định là tình trạng này nên sụp đổ.

Quả thế, nó sụp đổ đúng vào những năm sáu mươi. Khối lượng thông tin có sẵn cho bất cứ ai đã tìm tòi hiểu biết trong suốt mười lăm năm [từ đầu thập niên 50] đã quá sức to lớn hơn khối lượng người ta có thể có ở nước Ý Đại Lợi trong thời tiền chiến, trong hai cuộc chiến, hay trong thời hậu chiến. Chúng tôi không còn bắt đầu bằng cách cố gắng nối kết với truyền thống, mà với những câu hỏi mở rộng; cái khung quy chiếu không còn là điều tương hợp với một hệ thống hoàn hảo thực chứng, mà thực trạng của các sự việc mang tầm cỡ thế giới mới là điều tương hợp. (Có những lời tranh cãi rằng "trước kia chúng ta đã từng khá hơn nhiều", ngay cả nếu những lời tranh cãi ấy là đúng, chúng vẫn hoàn toàn vô dụng và chỉ chứng minh điều ngược lại.)

Trong văn chương, người viết giờ đây biết đến một chiếc kệ sách trên đó thế giá của vị trí đặt cuốn sách được xác định bởi những chuyên ngành có khả năng mổ xẻ sự kiện văn học thành những yếu tố và động hướng căn bản của nó, những chuyên ngành về sự phân tích và chiết phẫu (ngôn ngữ học, lý thuyết tin học, triết học chiết phân, xã hội học, nhân chủng học, tâm phân học tân ứng dụng, chủ nghĩa Marx tân ứng dụng). Đối với cái thư viện chuyên môn hoá đa diện này, chúng ta không quá thiết tha đặt thêm một kệ sách văn chương để đặt vấn đề về quyền hiện hữu của nó ở đó: văn chương hôm nay tốt nhất nên sống còn bằng cách tự phủ định nó. Do đó, đối với câu hỏi nêu lên ở đầu bài, câu trả lời trở thành: Chúng ta viết tiểu thuyết cho một độc giả -- kẻ rốt cuộc hiểu ra rằng anh ta không còn cần phải đọc tiểu thuyết nữa.

Nhược điểm của vị trí này không phải, như nhiều người tưởng, do những ảnh hưởng phi văn chương đàn áp lên văn chương, mà, ngược lại, do sự kiện rằng cái thư viện phi văn chương được thừa nhận bởi những cây viết mới còn quá hạn chế. Phản văn chương là một khát vọng cực kỳ mang tính văn chương để đáp ứng những nhu cầu văn hoá hiện nay của chúng ta. Độc giả mà chúng ta phải tiên liệu cho những cuốn sách của chúng ta sẽ là kẻ có những đòi hỏi mang tính cách tri thức luận, ngữ nghĩa học, tính cách thực tiễn, và phương pháp luận mà anh ta sẽ không ngừng muốn đối chiếu, ngay cả ở tầm mức văn học, như những ví dụ của các tiến trình mang tính biểu tượng và việc kiến tạo những mô thức luận lý. Tôi cũng muốn nói, và có lẽ chủ yếu muốn nói, về người đọc mang tính chính trị.

Đã đến điểm này, tôi không còn có thể tránh né hai vấn đề thực sự cốt yếu đối với cuộc thăm dò mà tờ Rinascita đã đề ra.[2]

Trước hết, phải chăng hành động dự tưởng về một người đọc thăng tiến không ngừng về văn hoá là hành động làm sút giảm tính cách cấp thiết trong việc giải quyết vấn đề chênh lệch về văn hoá? Hiện nay, vấn đề này tồn tại một cách bi đát như nhau ở các xã hội tư bản tiên tiến, các xã hội hậu thuộc địa và bán thuộc địa, và ở các quốc gia theo chủ nghĩa xã hội. Sự chênh lệch về văn hoá đe doạ kéo dài những bất công xã hội mà từ đó nó sinh ra. Đây là một câu đố đối với công tác giáo dục trên phạm vi toàn cầu -- và, ngay sau giáo dục, đối với công tác chính trị. Văn chương chỉ có thể đóng góp một cách gián tiếp: ví dụ, bằng cách mạnh mẽ vứt bỏ cách giải quyết theo kiểu giám hộ. Nếu chúng ta dự tưởng một độc giả kém văn hoá hơn người viết, và chúng ta giở thái độ giảng huấn, giáo dục, và bảo dưỡng đối với anh ta, chúng ta chỉ làm cho sự chênh lệch càng thêm rõ nét. Bất cứ nỗ lực nào nhằm làm dịu ngọt tình thế với những liều thuốc trấn thống theo kiểu một nền văn chương cho đại chúng là một bước lùi lại, chứ không phải một bước tiến tới. Văn chương không phải là chỗ để dạy học. Văn chương phải dự tưởng một công chúng có văn hoá cao hơn, và cao hơn chính bản thân người viết. Một công chúng như thế có hiện hữu hay chăng là điều không quan trọng. Người viết nhắm đến một độc giả mà người này còn biết nhiều về điều đó hơn chính anh ta; anh ta sáng chế ra một hình ảnh của "chính mình" mà nó còn biết nhiều hơn anh ta, để nó nói cho kẻ nào khác mà kẻ đó còn biết nhiều hơn nó nữa. Văn chương không có cách chọn lựa nào ngoài việc tăng tiền đánh cược và giữ cuộc đánh cược kéo dài, theo đuổi cái logic của một tình thế mỗi lúc lại càng có vẻ thua đậm hơn. Hãy để cho toàn thể xã hội tìm cách giải quyết. (Một xã hội, khỏi cần nói, trong đó nhà văn cũng là một phần tử, với tất cả những trách nhiệm phải mang vác với nó, ngay cả khi đi ngược lại với cái logic nội tại của công việc anh ta làm). Chắc chắn rằng, trong khi theo đuổi con đường này, văn chương phải nhận biết những rủi ro có thể xảy ra dưới bước chân mình, ngay cả cái nguy cơ rằng để tạo dựng một kế hoạch bình đẳng sơ khởi thì cuộc cách mạng sẽ đặt văn chương (cùng với triết học, khoa học thuần lý, v.v...) ra khỏi vòng pháp luật -- một cách giải quyết mang đầy ảo tưởng và tự gây tổn thương một cách thảm hại, nhưng lại là một cách có cái logic của riêng nó và do đó nó bất chợt trồi lên và sẽ tiếp tục bất chợt trồi lên trong thế kỷ này và những thế kỷ sau, ít ra cho đến chừng nào con người tìm thấy một cách giải quyết tốt hơn hay cũng đơn giản như vậy.

Vấn đề thứ hai, xét trên căn bản, là như thế này: cho rằng thế giới chia thành phe tư bản và phe vô sản, phe đế quốc và phe cách mạng, thì nhà văn viết cho phe nào? Câu trả lời: anh ta viết cho phe này và cho cả phe kia. Mỗi cuốn sách -- chẳng riêng gì sách văn chương, và ngay cả nếu nó "dành riêng" cho một ai đó -- được đọc bởi những đối tượng của nó và bởi những kẻ thù của nó. Điều hoàn toàn khả hữu là những kẻ thù còn nghiền ngẫm thu nhận từ nó nhiều hơn là những đối tượng.

[...]

Không có những lãnh thổ an toàn nào cả. Tác phẩm chính nó là, và phải là, một bãi chiến trường.

_________________________

[1]Trích dịch từ Italo Calvino, The Uses of Literature: Essays, trans. Patrick Creagh (San Diego: Harcourt Brace Jovanovich, 1986), 81-88.

[2]Tạp chí Rinascita ở Roma tổ chức một cuộc hội luận với đề tài "Chúng Ta Viết Tiểu Thuyết Cho Ai? Chúng Ta Làm Thơ Cho Ai?". Italo Calvino đã được mời tham gia hội luận, và bài viết này là tham luận của ông đối với đề tài ấy.


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021