thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
"Văn chương khó" và ngành xuất bản thương mại

 

Bản dịch của Hoàng Ngọc-Tuấn

 

Vì không khí văn hoá dị biệt ở Trung quốc, mối quan hệ giữa "văn chương khó" và ngành xuất bản thương mại ở Trung quốc hiện thời, theo như tôi có thể thấy, còn phức tạp hơn ở phương Tây rất xa. Khi Mao Trạch Đông, vào năm 1942, tung ra khẩu hiệu rằng văn chương phải "phục vụ công nông binh", thì chính ông nhà thơ kiệt xuất ấy đã không bao gồm tác phẩm của mình vào khẩu hiệu ấy. Hầu như tất cả các nhà thơ tả khuynh đều tuân theo huấn từ của ông, chỉnh đốn lại những ý tưởng thiếu trong sáng của mình, và xem văn chương như một công cụ để truyền bá các chính sách của Đảng và xoá nạn mù chữ. Sau khi Đảng Cộng Sản giành chính quyền vào năm 1949, những cuốn sách "đỏ" này tràn ngập Trung quốc, và trong lĩnh vực "văn chương khó" chỉ còn lại một mình Mao Trạch Đông.

Tôi sinh năm 1949, và nhờ những tác phẩm ấy tôi bắt đầu đọc văn. Lúc ấy tôi không biết một thứ văn chương nào khác, và còn biết ít hơn nữa về thưong nghiệp xuất bản — vì mọi quyền xuất bản đều được nắm chắc trong bàn tay của Đảng, tuy lúc này lúc khác cũng có nới lỏng chút ít. Thơ của Lý Hạ, thi sĩ đời Đường, cho tôi cú sốc đầu tiên: Những liên tưởng kỳ lạ, những hình ảnh bất ngờ và những ẩn dụ phong phú khiến tôi có cảm giác tôi không đủ khả năng lĩnh hội. Nhưng càng đọc thơ ông, tôi càng bị cám dỗ. Thi sĩ này, người được truyền tụng là có cái "thiên tài của quỷ", hiển nhiên là sư phụ đầu tiên của chủ nghĩa siêu thực trên thế giới. Ông lại là một trong những thi sĩ mà Mao Trạch Đông hâm mộ nhất.

Cuộc Cách Mạng Văn Hoá đã cho phép việc xuất bản được thoải mái hơn. Các sách báo trước kia dành riêng cho cán bộ cao cấp thì bây giờ, lần đầu tiên, được đem xuống cho thường dân, và tôi may mắn có cơ hội tiếp cận thứ "văn chương khó" của những đại biểu như Kafka, Eliot, Sartre, Camus và Beckett.

Ngay vào lúc ấy, tôi cũng thử viết "văn chương khó", nhưng tôi chẳng có ý nghĩ rằng một ngày nào đó nó sẽ có liên hệ với ngành xuất bản thương mại, vì chúng tôi đã bị ngăn cách với cái thương nghiệp này bằng những bức tường hầu như không thể nào đi xuyên qua được. Ở đây "văn chương khó" của chúng tôi mang hai nghĩa: khó hiểu, và lén lút. Nó được quảng bá theo cách khá cổ truyền là trao cho nhau những bản sao bằng tay. Vì đặc điểm của lối ký tự Trung văn, công việc này rất khác với sinh hoạt văn chương "lén lút" ở Liên Xô hay Đông Âu nơi cái máy đánh chữ là công cụ chủ yếu cho việc quảng bá. Ở Trung quốc, hầu như tất cả những người sao lại văn bản đều tham dự vào việc sáng tác những tác phẩm văn chương mà họ đang sao, thậm chí họ còn sửa lại, viết lại. Vì thế, trong lịch sử Trung quốc, có rất nhiều dị bản của hầu hết những tác phẩm nổi tiếng. Trong một ý nghĩa nào đó, cái quyền lực chính trị độc đoán ở đất nước chúng tôi cũng có lợi ở điểm này: tác phẩm văn chương và độc giả có một mối liên hệ tự nhiên vì cả hai cùng giữ kín những điều bí mật.

Trong lịch sử, Trung quốc chưa bao giờ phát triển thành một xã hội thương mại thực sự. Ngành xuất bản thương mại ngày xưa rất sơ khai và chỉ được phát triển đáng kể trong tiền bán thế kỷ 20. Tuy nhiên, sau 1949, nó co rút lại rồi hoàn toàn biến mất. Có lẽ đây cũng là lý do tại sao người Trung quốc đã không lưu tâm lắm đến tác quyền. Từ khi các chính sách đổi mới và mở cửa trước thế giới bên ngoài được ban hành vào năm 1979, ngành xuất bản thương mại đã được khôi phục và đóng nhiều vai trò khác nhau.

Trước hết, ngược lại với đường lối kiểm soát ý thức hệ, nó đã chừa chỗ chút ít cho sự phát triển văn học. Ví dụ, hầu như tất cả những nhà văn phục vụ chính quyền đều không còn cơ hội xuất bản, vì tác phẩm của họ không có độc giả.

Thứ hai, guồng máy tuyên truyền chính thống cũng đã trở nên xảo quyệt hơn và đã biết cách kiểm soát ngành xuất bản thương mại, đặc biệt về điện ảnh và truyền hình, để vừa đáp ứng sở thích của đại chúng, vừa tuyên truyền cho các chính sách của Đảng.

Thứ ba, với việc ấn hành các tác phẩm dịch thuật như một nguồn lợi lớn, ngành xuất bản thương mại đã giới thiệu được những tư tưởng tinh hoa của phương Tây, và điều này thường làm cho việc đánh giá "văn chương khó" trở nên phức tạp hơn.

Thứ tư, ngành xuất bản thương mại tạo nên sức ép khổng lồ đối với "văn chương khó", nhưng đồng thời, trong bối cảnh quan hệ đặc thù giữa chính trị và văn học, nó lại làm cho tầm hoạt động "văn chương khó" được mở rộng hơn.

Điều làm cho cái khung cảnh này càng thêm phức tạp là giữa loại văn chương phổ thông (đối tượng chính của ngành xuất bản thương mại) và loại "văn chương khó", lại có loại "văn chương vấn đề", tức là tác phẩm của những nhà văn xem việc cải cách xã hội là mục đích chính của việc sáng tác văn chương. Loại văn chương này đặc biệt nở rộ từ khi các chính sách cải tổ được ban hành; cụ thể là trước khi loại văn chương phổ thông nổi lên giữ vị trí thống lĩnh khí quyển văn học, thì loại "văn chương vấn đề" đã chiếm thị trường. Lý do của điều này có liên hệ, một mặt, với sự xáo trộn xã hội và sự thiếu tự do của môi trường truyền thông; mặt khác, và quan trọng hơn, nó xuất phát từ cái truyền thống "văn dĩ tải đạo", vốn đã có ở Trung quốc suốt vài ngàn năm. Tiếc thay, trong khi phơi bày những vấn đề xã hội, các tác giả của "văn chương vấn đề" lại thường không thể thoát khỏi cái bóng chính thống đã ngự trị trên toàn cảnh văn học suốt mấy thập kỷ. Họ là những người phê phán "văn chương khó", và một trong những lời phê phán là thế này: "Tại sao các anh không quan tâm đến những nỗi thống khổ của nhân dân trong tác phẩm của các anh?" "Văn chương vấn đề" nẩy sinh và phát triển cùng với những chính sách cải cách xã hội, và một khi những cuộc cải cách đã bị chặn đứng, và đặc biệt sau thảm kịch ngày 4 tháng Sáu ở Thiên An Môn, loại văn chương này khó lòng mà tiếp tục phát triển.

Vì trên ngoại diện không có sự xung khắc trực tiếp giữa "văn chương khó" và ý thức hệ chính thống, nên giới lãnh đạo dường như phớt lờ sự hiện hữu của nó. Ngay cả sau ngày 4 tháng Sáu,.nó vẫn còn vài tập san và một nhóm độc giả trung thành. Những tập san này đều đặt trụ sở ở những tỉnh lẻ và, nhờ sự phát triển của kiểu địa phương độc quyền cai trị (mà đầu tiên và quan trọng nhất là độc quyền về kinh tế), những cái roi của Đảng không còn đủ dài để quất trúng những con ngựa ở đàng xa nữa.

"Văn chương khó" ra đời một cách lén lút, lớn lên trong cái kẽ hở giữa sự kiểm soát ý thức hệ và ngành xuất bản thương mại, và sự tương phản của hai thứ ấy tạo ra những điều kiện cho sự phát triển của nó. Tiến trình thương mại hoá xuất bản giúp nó chọc thủng nhà tù ý thức hệ, nhưng đồng thời lại tạo nên một nhà tù mới. Giữa hai nhà tù này có một khung cửa, và xuyên qua dó, "văn chương khó" có thể bước tới bước lui được; nó chỉ vừa làm quen với chút tự do mới mẻ này.

 

---------------
Dịch từ bài phát biểu của Bắc Đảo, "Difficult Literature and Commercial Publishing", trong chương trình hội luận về đề tài "The Situation of High-Quality Literature in the Harsh Cultural Climate of Today" diễn ra tại Stockholm từ ngày 5 đến ngày 8 tháng 12 năm 1991. Chương trình hội luận này là một phần của đại hội "Nobel Jubilee 91" kỷ niệm 90 năm Giải Thưởng Nobel (1901-1991). Các diễn giả của chương trình hội luận gồm có: Octavio Paz, Joseph Brodsky, Bắc Đảo, Adonis, Göran Malmqvist, Jean d'Ormesson, Lars Forssell, Agneta Markas, Brenda Walker, Hans Magnus Enzensberger, Shuichi Kato, Kjell Espmark, và Sture Allén. Sau đó, các bài phát biểu trong chương trình hội luận đã được xuất bản thành sách dưới nhan đề The Situation of High-Quality Literature, Sture Allén biên tập (Stockholm: Swedish Academy and the Nobel Foundation, 1993).

 


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021