thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
Sống, Viết

 

THANH TÂM TUYỀN

(1936-2006)

 

Mémoire est le rassemblement de la pensée fidèle.
(M. Heidegger)
 
J’ai dit facile et ce qui est facile
c’est la fidélité
(P. Eluard)

 

ÓNG ÁNH HƯ NGỤY

Mỗi phen cầm bút viết về văn chương — làm một thứ văn chương trên văn chương — tôi hiểu rõ mình đang sống thời buổi khủng hoảng. Văn chương nhất thiết là hồn nhiên, ngây thơ hay không, tôi chẳng rõ. Nhưng đối với tôi khi nó cần trông thấy nó qua phản ánh của nó, không thể phủ nhận là nó đang truỵ lạc, sa đoạ. Nhất là buồn bã.

Mỗi phen, tôi đều lập lại với tôi khẩu hiệu: Enfin, j’écris. Enfin, đó là tín hiệu của người bạn thân phát ra giúp tôi nhận biết anh ta bắt đầu say. Trong cuộc rượu của chúng tôi đã tới một thời điểm gay cấn, hãy nhận Enfin, báo động cho bạn bè, những kẻ ngồi chung cuộc, rằng: bất ổn, bất ổn, chán quá, chán quá, tôi quyết định đẩy cơn say đến cùng, đánh đắm mình vào mông lung, mù mờ, hỗn độn. Như Hamlet kêu: “The time is out of joint” (Thời gian đã ly tán). Như Hamlet, chẳng còn hiểu đời sống, hươi gươm đâm chết nàng Ophélia. Cơn khùng điên óng ánh những mảnh minh trí vỡ nát, những mảnh sao băng miệt mài, không một giây đốn ngộ, từ khước đốn ngộ — chẳng thể ôm ấp đời sống mênh mông vô hạn. Đó định mệnh của văn chương trên văn chương, nỗ lực soi rọi mù mờ bằng những ánh mù mờ, nỗ lực kết tập thời ly tán bằng những đun đẩy ly tán.

Enfin, j’écris. Enfin, je crie.

Thảm thiết chưa, cũng lố bịch chưa, văn chương kêu la tắt tiếng trên văn chương. Văn chương soi bóng làm bộ làm tịch trước văn chương. Mỗi phen tôi đều nổi da gà, nhờm tởm, thấy mình đang đóng vai chủ chứa trong tấn kịch Bao Lơn (Le Balcon) của Genet. Trong nhà chứa của mụ này, mỗi phòng được bài trí một kiểu dành riêng cho một vai nhất định mà khách chuộng đóng — tu sĩ, tướng lãnh, quan toà, cách mạng — với đầy đủ y trang và các thứ phụ tùng cần thiết để đóng trò — mọi trò điển hình của dục tính thác loạn — nữ nhân là phụ tùng thiết yếu, nhưng phòng nào cũng có gắn gương để cho các đương sự có thể nhìn ngắm mà sửa bộ.

Ngôi nhà chứa ở trong một thành phố dấy loạn. Và trên bao lơn của nhà chứa, khách làng chơi và gái giang hồ dẹp loạn.

 

LE POÈTE MAUDIT

“Tôi viết chỉ bởi lẽ tôi không thể nào làm khác.” (Je n’écris que parce que je ne puis faire autrement) và “Đáng nguyền rủa thay con tim không biết đường tự chế.” (Maudit soit le coeur qui ne sait se contenir — "Penthésilée"). Đó là những lời than thở của Kleist, đối cực của Goethe.

Tôi tự hỏi còn không cái tông giống thuần khiết kia? Gương mặt ngửng cao dưới bầu trời giông bão, trán hứng nhận sấm sét và cất giọng gào ca một điệp khúc hân hoan thịnh nộ của con người, ganh đua cùng trời đất quỷ thần. Quả nhiên là cái tông giống đáng nguyền rủa, dập vùi. Đáng nguyền rủa cái hào quang của tuyệt vọng, đáng dập vùi cơn đam mê khốn cùng của một tông giống.

Keats hát: “Hạnh phúc thay ở trần gian này lại còn có nấm mồ (Je suis heureux qu’il y ait ici bas une chose telle que la tombe).

Nhưng còn không, còn không những vầng trán hiền lộng mênh mang của một cõi ngoài, những cửa miệng há mở cho nhảy thoát con tim đỏ ối, những đôi mắt căng banh dập dồn ánh lửa uy linh một đời khác? Còn không một tấm lòng trinh bạch? Còn không chút thơ ngây dại dột, chẳng làm tuồng?

Nhận chịu bị nguyền rủa (không phải được bị nguyền rủa) - chẳng hiểu sao, bởi không thể khác — như con chim thất lạc giữa mùa đông băng giá, cất tiếng kêu thảm thiết gọi nắng, gọi hoa và đợi chết? Chim bị nguyền rủa, chẳng nguyền rủa. Còn không? Còn không?

Dường như sau buổi tân hôn bi tráng của Kleist, tắm đượm niềm hoan lạc phi thường — Tử thần lẫm liệt uy nghi đã bị Kleist nặn thành tượng trưng bày — cái tông giống kia không thể tồn tại bởi không thể vượt hơn. Hãy nghe Kleist viết thư từ biệt cô em gái:

“Que le ciel t’accorde une mort qui ressemble, ne fûtce qu’à moitié, à la mienne en joie et en sénérité; c’est le voeu le plus sincère et le plus tendre que je puisse former pour toi.”

(Cầu trời ban cho em một cái chết hân hoan và thanh tịnh giống như cái chết của anh, bằng phân nửa thôi cũng được; đó là lời cầu chúc chân thành nhất, âu yếm nhất mà anh dành cho em.)

Chàng thơ ấy bình thản nhìn lần cuối mớ bản thảo của chàng, một quyển tiểu thuyết đã hoàn tất, hai vở kịch - tất cả giông tố mê mải của hồn chàng đó — nhưng bấy giờ lặng thinh mọi tham vọng — không ai màng những của nợ ấy và chính chàng cũng chẳng còn thiết (... J’ai cru savoir. Je savais toujours. Je sais peut-être mais personne ne veut ce secret et je n’en veux pas moi-même. Tôi từng tưởng biết. Tôi hằng vẫn biết. Bây giờ có lẽ tôi biết nhưng không một ai màng đến điều thầm kín ấy và ngay chính tôi, tôi cũng chẳng thiết — Camus — Trở Lại Tipasa). Và chàng thiêu huỷ đống giấy lộn kia (như Gogol, Kafka). Chàng viết gửi nhà chức trách bản tường thuật diễn tiến cuộc tự sát, mở đầu bằng câu: “Chúng tôi nằm chết trên con lộ...”

Kleist với một người đàn bà xấu xí bệnh hoạn và cũng cô đơn như chàng, thoả thuận chết cùng chàng, hớn hở như đôi uyên ương cùng rủ nhau đến Wannsee. Họ ngồi uống cà phê giữa trời. Người ta còn nghe họ cười ròn tan, đi khuất vào đồng cỏ. Đúng giờ đã ghi, hai phát súng nổ. Kleist đã kề súng bắn vào trái tim của người đàn bà đồng hội đồng thuyền rồi ngậm họng súng trong miệng mình nổ phát thứ nhì. Tay chàng không hề run rẩy.

“Tôi đã làm tất cả những gì thuộc quyền năng của một người... Tôi đã thử thách đến điều bất khả. Tôi đã mang đặt thời vận cuối cùng của đời tôi trong một tiếng bạc. Mấy con xúc xắc định mệnh đã thẩy lăn, tôi cố tìm hiểu... Tôi thua. (J’ai fait tout ce qui est dans le pouvoir d’un homme... J’ai tenté l’impossible. J’ai mis ma dernière chance dans un coup de dés. Les dés fatals ont roulé, j’essaie de comprendre... J’ai perdu!) — “Penthésilée”.

Tôi thua! Tôi thua! Và “tôi nghĩ tôi có quyền chết”.

Sau Kleist, không còn poète maudit. Mọi người đều bị nguyền rủa, đều được nguyền rủa, đều cùng nguyền rủa, đều tự nguyền rủa. Khốn khổ, thảm hại thay tuồng nguyền rủa. Tuồng văn chương truỵ lạc đấy thôi. Coi kìa Dosoievski đeo thánh giá, đọc diễn văn dưới chân tượng Pouchkine. Henri Miller khoác áo mô phạm đứng trên bục giảng đường thuyết pháp. Sartre từ khước Nobel, xuống đường tranh đấu, tự đoạ mình trong tự do... Nhiều vô xiết kể. Tất cả những người ấy, hết thảy những người — ít nhiều chăn nuôi ảo tưởng của văn chương nghĩa lý đều đã mang giấc mộng tột cùng / khốn cùng: trở thành maudit, đều từng đóng các tuồng tích và đều trở thành hề. Không chừa ai.

Đã tuyệt giống poète maudit. Còn chăng là những chàng thơ bị ám toán, “triệu triệu chúa Kytô có đôi mắt u sầu và hiền hậu” (O, million de Christ aux yeux sombres et doux) (Rimbaud).

 

1973

 

GIẢI ĐỀ: CHỮ TRINH CÒN MỘT CHÚT NÀY

Bạn ta — “Xuống núi” không tìm gặp bạn, nghĩ cũng tệ. Thật thì chẳng có lý do nào ngăn trở hết. Mỗi lần đáp xuống thành phố, vẫn chỉ ngần ấy thói quen: Ngồi quán, gặp vài khuôn mặt thân thuộc và ngày dứt trong khuya ngất ngưởng. Thế thôi, không gì khác. Ta chẳng thích mất những thói quen.

Xuống, nghe bạn ta lại phải dấn thân vào trường “gió tanh mưa máu”, còn mắc nạn nữa. Hơi buồn. Biết làm sao được, phải không? Đúng là “ma đưa lối quỷ đưa đường, lại tìm những chốn đoạn trường mà đi.” Cái nhà ông Nguyễn Du, lâu lâu sực nhớ ông, bắt giật nẩy mình. Ngày xửa, ngày xưa, ta đã cứ thắc mắc hoài về mấy câu nói của nàng Kiều khi tái ngộ chàng Kim... Chữ trinh còn một chút này, chẳng cầm cho vững lại dày cho tan. Giờ mới thấm thía, tội cho nàng Kiều biết mấy. Ông Nguyễn Du là chúa độc, hơn cả anh chàng Tây Độc (hỗn danh của bạn ta đó). Nàng Kiều trầm mình xuống sông Tiền Đường, tưởng đã thoát nợ kiếp này, ông lôi cổ lên đẩy về nhà, bắt phải mở mắt mà trông: Này chồng, này mẹ, này cha; này là em ruột, này là em dâu... Cô ngồi xuống đó đi, trước mắt đông đủ mọi người — hết thảy mọi người, yên ổn và êm ấm nhưng không thể quên cô — và trước mắt tình lang mười lăm năm cũ cô ngồi đó trong kiếp đoạn trường nào đâu đã dứt. Cô đã trả món nợ hồng nhan cho ông trời già cay nghiệt, nhưng chưa xong. Còn cái món nợ tình với chàng Kim nữa, cô ơi. Ôi, cái món nợ tình, món thế tục cầm chân ta lại trong vòng khiến ta bắt buộc ngồi đó với bẽ bàng. Cái “bước trần ai” ta cứ động lòng. Nhưng mà động lòng đến chừng nào, hỡi bạn ta. Còn một chút này.... thật là thảm, bạn ta nghĩ mà coi. Chút này là chút nào? Chàng Kim chỉ có thể hiểu đến chỗ: Gặp nhau còn chút bấy nhiêu là tình. Thiệt kỳ cục.

...

Giả như gặp nhau, ta cũng đến lặng ngắt. Hoặc giả ta khua inh sự lặng ngắt. Thế thôi. Mà ta rõ đã lăn thân vào chốn ấy, bạn không muốn nghe sự lặng ngắt. Ta cũng đang khua gióng sự lặng ngắt đây. Bạn ta nghe chăng?

 

1971

 

--------
Bài này đăng lần đầu trên Thời Tập (số 4, 1974, tr. 11-15), Sài Gòn.

 


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021