thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
Bước vào thơ Bắc Ðảo

 

Bản dịch của Lê Ðình Nhất-Lang

 

Phải chi ngay từ buổi đầu người ta bỏ quên cái đề mục “Thi Sĩ Mông Lung” ở luôn trong tủ hồ sơ của những quan chức văn hoá, nơi xuất hiện lần đầu của những chữ này. Dù có dịch chữ “mông lung” từ tiếng Hoa chính xác đến đâu đi nữa, sang tiếng Anh nó không khỏi gợi lên một thứ chủ nghĩa ấn tượng tân lãng mạn cũ mèm, chẳng dính dáng gì tới tác phẩm của Bắc Ðảo hay của những nhà thơ khác được bao gồm trong tên gọi này. Chẳng dính dáng gì tới sự đan chen phức tạp của nội giới và ngoại giới, cái riêng tư và cái chung, điều thầm kín và điều lộ liễu, giấc mơ và việc thường ngày, cái cổ điển và cái đương đại. Chẳng dính dáng gì tới hành động phản kháng nền chuyên chính văn hoá mà tác phẩm của họ biểu trưng, và chẳng dính dáng gì tới việc giải cấu thứ ngôn ngữ của quyền lực và của áp bức. Chẳng dính dáng gì tới cuộc tìm kiếm một sự chủ quan triệt để và nhiệt tình, một công cụ bằng lời của sự khám phá và bộc lộ.

Khi tác phẩm của một nhà thơ đột nhiên chiếm được chú ý và lập tức trở nên thích hợp với khung cảnh lịch sử và chính trị, việc này có thể vừa thuận lợi vừa bất lợi. Chắc chắn đó là may mắn khi, do những điều kiện lịch sử và xã hội đặc biệt, sự chú ý dành cho thi ca vượt khỏi những giới hạn chật chội của một cộng đồng thuần văn chương. Trong những trường hợp như vậy, phạm vi cuộc đối thoại của thi ca bành trướng đột ngột, và thi ca dường như có thể khiến cho nhiều việc xảy ra theo những cách mà Mayakovsky có một dạo nghĩ rằng khả dĩ, và Auden từng lớn tiếng phủ nhận. Tuy vậy thi ca vẫn luôn phải là “một cái gì đó đang xảy ra” — cho ngôn ngữ, cho ý thức, cho thời gian và ký ức. Thiếu chiều kích ấy, nó chỉ là văn vần, là trang trí văn hoá, phản ảnh những cách thức diễn tả và cảm xúc đã quen thuộc. Tiếng tăm đến sớm là một cám dỗ để bỏ rơi tác phẩm, khiến tác phẩm chỉ còn là một thứ công cụ để ảo tưởng và tự khoe khoang. Ta thấy điều này xảy ra quá thường giữa các nhà thơ của công chúng trong các thập niên sáu mươi và bảy mươi. Tiếng nói họ trở nên trống rỗng khi họ tắm trong địa vị danh nhân của mình, và nhu cầu đòi được hưởng ứng tức thì của họ trở nên giống như một bệnh nghiện. Kết quả oái oăm chính là, thay vì chỉ trích chủ nghĩa duy vật, những dối trá và sự ức chế của các nền văn hoá của họ, thì đã quá thường xuyên thi ca trở nên tựa như một sản phẩm chính gốc của các nền văn hoá đó, thể hiện cùng một thứ dục vọng và sự trống vắng. Cái bẫy tàn khốc của việc đúc khẩu hiệu là thi ca có thể đi đến chỗ lặp lại chính diễn ngôn của quyền lực và sự kiểm soát mà nó quyết tâm chống lại.

Ðược coi như một biểu tượng trên Bức Tường Dân Chủ và như tiếng nói của một thế hệ bởi những biến cố ở quảng trường Thiên An Môn năm 1989, và cũng vì đó mà rước lấy cái kiếp lưu đày, Bắc Ðảo đã đi theo một con đường phản kháng từ bỏ thứ hoa ngôn chính trị lộ liễu trong khi trung thành với niềm tin nồng nàn của anh ở việc cải tổ xã hội và đồng thời ở tự do của trí tưởng tượng sáng tạo. Dưới sự dẫn dắt của những trí tuệ thi ca phản kháng một cách kiên quyết như Mandelstam, Celan, và Vallejo, anh đã liên tục phát triển và đào sâu thi pháp của mình, ngay cả trong khi hoàn cảnh lưu vong nay đây mai đó đã đè nặng lên đời sống riêng của anh. Thực ra đối với tôi thì có vẻ như chính hoàn cảnh lưu vong đã giúp Bắc Ðảo quen thuộc dần với sự trôi dạt nằm ở cốt tuỷ của mọi thứ thi ca trữ tình thử nghiệm, ý nghĩa. Nói như vậy, tôi không chủ ý nhắc đến một thứ khuôn sáo cổ kính, lãng mạn nào đó của sự trôi dạt thi tính. Ðúng ra, tôi đang nói về sự trôi dạt vào những cách kết cấu thời gian và không gian phi chính thống mà chúng ta có khuynh hướng ngăn chặn nhằm sắp xếp hoặc thiết kế một câu chuyện về đời sống thường ngày không ít thì nhiều đơn tuyến. (Văn hoá của chúng ta thừa mứa loại văn vần được chế ra nhằm củng cố cùng một kịch bản để giáo hoá hoặc để vui đùa ấy, cứ như đó mới là chủ nghĩa hiện thực đích thực.) Nhà thơ biến mất — gần như biến mất vào trong cái không gian ngôn từ, không biên giới, trong khi trở thành, mượn một chữ của Pessoa, hốc cộng hưởng (resonateur) của những xung lực và âm thanh từ tâm hồn và thế giới. Cái được tạo nên là một thứ thi ca của những bao bọc và giao thoa, của đối chiếu và đứt đoạn bất chợt, của dạng thức trong một vũ điệu với sự ngẫu nhiên. Nó là một cuộc điều đình cam go, mà sự mạch lạc tuỳ vào độ sâu của sự chú tâm, của sự lắng nghe, và tuỳ vào một sự phó thác cho cái chưa biết, thay vì cái có sẵn.

Ta không nói tới “thi ca tinh ròng,” bất kể nó là cái gì, mà nói tới thứ thi ca vừa mở cửa ra cho tiếng động của thế giới, và cho những tiếng rống rít phi nhân và xuyên tạc sự thật của quyền lực, lại vừa mở cửa cho thông tin của giấc mơ, cho tính cấp thiết của ký ức và cho sự hiểu biết đi đến với mất mát. Câu “tôi-không-tin” (trong bài thơ thuở xưa của anh, “Câu trả lời”), cái câu đã thành tiếng hô xung phong cho Phong Trào Dân Chủ, tiếp tục ngân vang khắp cõi thơ Bắc Ðảo sau này. Lòng quyết tâm đối với một sự tái hình dung kinh nghiệm triệt để, tuy nhiên, đã trở nên ngày càng táo bạo và tự tin. Việc triệu hồi cái bất thường và cái vô định từ bên trong những nếp gấp của cái có thật giờ đây có vẻ không phải là một món nợ văn chương từ chủ nghĩa Siêu Thực mà là một sự thừa nhận hiện sinh đối với con đường nối xuyên suốt qua những cảnh vật và tập quán khác nhau, với sự ngẫu nhiên của hoàn cảnh được đưa tới một cao độ bởi sức nén cuồng nhiệt và tượng thanh của bài thơ: “bụi của riêng tư / rác của chung.” Tác phẩm, trong những chuyển đoạn nhanh, những đối chiếu bất ngờ và sự lặp lại thường xuyên cú pháp mở gợi lên tính không-thể-nói-được của hoàn cảnh con người lưu vong. Nó cống hiến cho chúng ta, như có lẽ thi ca mới mang tới được đúng nhất, điều nghịch lý là những nguồn lực không thể kiểm soát và đầy ngẫu nhiên — của lịch sử, ký ức, giấc mơ, tiềm thức — đang được đưa vào hình thức bên trong một bài thơ. Tuy nhiên cái mà Bắc Ðảo xây dựng là một hình thức trung thành với chính dòng chảy, với cuộn xoáy của kinh nghiệm, và với việc tái cấu hình của thời gian và không gian bên trong cuộn xoáy ấy. Nó là thi ca của những hội tụ đầy chất nổ, của những đắm chìm và những ranh giới không cố định, “những ngôn ngữ giữa chừng.” Hạt giống được gieo xuống sàn đá hoa cương, các mùa đi ra khỏi thứ tự. Chủ thể nhân lên, phân ra, biến mất vào “vết thương của lời kể chuyện.” Ta nghe một tiếng nói cùng lúc nằm ngoài thời gian và bị kẹt trong thời gian xuôi dòng. Bài thơ phóng chiếu cả “lửa của cuộc liều” và “tro của điều bất tri.” Ðầu tiên, với Bắc Ðảo, sự chủ quan được cứu rỗi, tiếp theo là hiểu biết ngày càng sâu về khả thể của sự chủ quan ấy.

Mới đây tôi dự một cuộc liên hoan văn chương ở Berlin. Bắc Ðảo, Eliot Weinberger, Charles Simic và tôi được mời diễn thuyết chung về đề tài “Viết từ một khoảng cách.” Chúng tôi bàn về đủ mọi ý nghĩa của cái gần và cái xa trong tác phẩm và đời sống chúng tôi, và cái gần-mà-xa của chính việc viết lách. Ngày hôm sau, Bắc Ðảo đi Rotterdam, sau đó sẽ trở lại Berlin, rồi Vienna, Oslo, Paris, và New York, để rồi tiếp theo là một chương trình dạy học ngắn ở Wisconsin. Anh du lịch không có sổ thông hành.

 

------------------
Nguồn: Lời mở đầu của Michael Palmer, trong Bei Dao, At the Sky’s Edge: Poems 1991-1996 (New York: New Directions, 2001), tập thơ song ngữ Hoa-Anh do David Hinton dịch.

 

“Bước vào thơ Bắc Đảo” là nhan đề do Tiền Vệ đặt cho bản dịch Việt văn này.

 


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021