thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
Một cách viết

 

Bản dịch của Lê Đình Nhất-Lang

 

WILLIAM STAFFORD

(1914-1993)

 

William Stafford sinh tại Hutchinson, Kansas, trong một gia đình có học vấn cao; nhưng khi còn niên thiếu, trong những năm kinh tế khủng hoảng ở Mỹ, ông đã phải đi chở báo, làm công nhân lượm của cải đường, trồng rau đậu, và phụ thợ điện, để giúp gia đình. Ông nhận lệnh nhập ngũ năm 1941, khi ông đang theo học cấp thạc sĩ tại University of Kansas. Vì lý do đạo đức, tuyên bố chống lại việc cầm súng, và bị chính phủ đưa đi làm công việc bảo vệ lâm sản và thổ nhưỡng ở Arkansas, California, và Illinois với mức lương $2.50 một tháng. Năm 1947, ông đậu thạc sĩ nhân văn tại University of Kansas. Luận án thạc sĩ của ông là một ký sự dưới nhan đề Down In My Heart, được xuất bản năm 1948, tường thuật kinh nghiệm những năm làm việc trong những trại bảo vệ lâm sản. Năm 1964, ông đậu Tiến sĩ tại University of Iowa.
 
William Stafford bước vào nghiệp thơ khi đã ngoài 40 tuổi, nhưng với sức sáng tạo khác thường, ông đã xuất bản 57 tập thơ, chưa kể vô số dịch phẩm, tiểu luận. Nhà thơ James Dickey (1923-1997) gọi Stafford là một trong những nhà thơ "đổ ra những dòng sông mực, tất cả đều là những bài thơ hay."
 
Năm 1970, ông được trao tặng danh hiệu Consultant in Poetry to the Library of Congress. Năm 1975, ông trở thành Poet Laureate của tiểu bang Oregon. Năm 1992, ông đoạt giải thưởng Western States Book Award cho toàn bộ sự nghiệp thơ.
 

____________

 

MỘT CÁCH VIẾT

 

Một người viết không hẳn là người có điều gì đó để nói, mà đúng ra là người đã tìm thấy một tiến trình sẽ mang lại những cái mới chắc hẳn hắn sẽ không nghĩ tới nếu hắn không bắt đầu nói ra. Nghĩa là, hắn không lấy ra từ một nguồn dự trữ; thay vào đó, hắn tham dự vào một hoạt động mang lại cho hắn nguyên một chuỗi những thứ không thấy trước: truyện, thơ, tiểu luận, kịch, luật, triết học, tôn giáo, hoặc—nhưng khoan đã!

Hồi ở trường, từ lần đầu khi tôi thử viết cái này cái nọ, tôi đã cảm thấy sự phong phú này. Một điều này sẽ dẫn tới một điều khác; thế giới cứ cho và cho. Bây giờ, sau chừng hai mươi năm thử, tôi sống bằng sự phong phú chắc chắn đó, một ý tưởng khó định rõ, khó nói, và có lẽ khó chịu đối với một số người. Bởi vì có những ngụ ý lạ lùng trong đó.

Một ngụ ý là tầm quan trọng của việc tiếp nhận đơn thuần. Khi tôi viết, tôi thích có một khoảng thời gian phía trước mà tôi ít bị quấy rầy. Ðối với tôi, đó thường là buổi sáng sớm, trước khi những người khác thức dậy. Tôi lấy giấy bút, nhìn thoáng ra ngoài cửa sổ một cái (thường thì ngoài đó trời còn tối), và chờ. Giống như câu cá vậy. Nhưng tôi không chờ lâu, vì luôn luôn có một phát rỉa mồi—và đây là lúc dùng tới khả năng tiếp nhận. Ðể bắt đầu tôi sẽ chấp nhận bất cứ điều gì xảy đến với tôi. Lúc nào mà chẳng có điều gì xảy ra, dĩ nhiên, với bất cứ ai trong chúng ta. Chúng ta không thể ngưng suy nghĩ. Có lẽ tôi phải chọn lấy một ấn tượng tức thời: trời lạnh, hay nóng, hay tối, hay sáng, hay ở giữa! Hay—chao ôi, những khả thể thì vô tận. Nếu tôi viết xuống điều gì, điều ấy sẽ giúp điều kế tiếp đi đến, và tôi khởi hành. Nếu tôi cứ giữ tiến trình tiếp diễn, điều này điều nọ sẽ đến với tôi mà chúng không hề có trong đầu tôi khi tôi bắt đầu. Những điều này, chúng có thể là kỳ lạ hay tầm phào, được nối với nhau một cách nào đó. Và nếu tôi để cho chúng nối nhau đi ra, nhiều điều đáng ngạc nhiên sẽ xảy ra.

Nếu tôi để cho chúng nối nhau đi ra... Vậy thì, cùng với khả năng tiếp nhận khởi đầu, có một sự sẵn sàng khác: Tôi phải sẵn sàng thất bại. Ðể tôi còn tiếp tục viết, tôi không thể bận tâm đòi hỏi tiêu chuẩn cao. Tôi phải lao vào hành động và không để cho bất cứ điều gì ngăn chặn mình, hay ngay cả làm mình chậm lại nhiều. Tôi nói “tiêu chuẩn” không có nghĩa là “sự đúng đắn” trong chính tả, chấm câu, vân vân. Những chi tiết này trở nên máy móc đối với bất cứ ai viết được ít lâu. Tôi đang nghĩ tới những vấn đề như ý nghĩa xã hội, giá trị tích cực, tính nhất quán, v.v. Tôi cương quyết không quan tâm đến những điều này. Một điều gì đó tốt hơn, lớn lao hơn, đang xảy ra! Tôi đang theo một tiến trình dẫn dắt một cách cuồng nhiệt và độc đáo vào vùng đất mới mà không có một phán quyết nào có thể được ban ra ngay lúc này về giá trị, ý nghĩa, vân vân. Tôi đang tạo ra một cái gì mới, một cái gì chưa từng được đánh giá trước đây. Sau này người khác—và có lẽ chính tôi—sẽ đánh giá. Bây giờ, tôi đâm đầu vào khám phá. Bất cứ sự xao lãng nào cũng làm hại việc sáng tạo.

Vậy thì, sẵn sàng tiếp nhận, không màng tới thất bại, tôi nhả điều này điều nọ ra giấy. Rồi tôi thấy một tự do tuyệt vời. Hễ điều gì hiện ra với tôi, tôi cảm thấy an toàn khi tiếp nhận nó. Nó mang một lời biện hộ: nó hiện ra với tôi. Chẳng ai khác có thể dẫn dắt tôi. Tôi phải theo sát những cảm hứng yếu ớt, lan man, rụt rè của chính mình.

Một phần thưởng kỳ lạ xuất hiện. Ðôi khi, tôi không đòi hỏi gì cả, mà những gì tôi viết trở nên mạch lạc; những yếu tố hiện đến với tôi rõ ràng là có liên hệ. Tự chúng dẫn dắt tới những mối liên hệ mới. Ðôi khi ngôn ngữ, ngay cả những âm tiết đang nảy ra, có thể bắt đầu một khuynh hướng. Ðôi khi chất liệu báo động cho tôi về điều gì đó tôi đang có trong đầu, sẵn sàng được chú ý liên tục. Vào những lúc đó, tôi cho phép mình được hùng hồn, hoặc có chủ đích, hoặc được hợp lý trong một vài chặng sa đà (Nguy hiểm! Không đáng tin!). Nhưng tôi không bám víu vào bất cứ điều nào trong những điều đó; vì tôi biết rằng phía sau hoạt động của mình sẽ có tính nhất quán của cái tôi, và rằng chiều theo những cảm hứng sẽ mang lại những mô thức và ý nghĩa vốn có.

Thái độ này dành cho quá trình viết sáng tạo lại nảy sinh một vấn đề cho tôi, theo lời những người khác. Họ nói về “kỹ năng” trong việc viết. Không chối bỏ chuyện tôi có kinh nghiệm, đọc rộng, đủ bài bản và thủ pháp, tôi vẫn phải khẳng định rằng tôi thường không hiểu nổi “kỹ năng” dính dáng gì tới cái vùng nhỏ nhoi quý giá của sự mơ hồ khi tôi không biết tôi sẽ nói gì và rồi tôi tìm ra điều tôi sẽ nói. Giai đoạn quý giá đó tôi không thể vượt qua bằng kỹ năng. Tôi có được bằng chứng gì về điều này? Ðiều này vẫn còn bí ẩn, như tất cả chúng ta đều phải thấy khó hiểu làm cách nào chúng ta có sáng kiến nhiều đến thế vào những lúc chúng ta có thể nói chuyện liên miên qua bao nhiêu điều phức tạp với bạn bè, không cần phải hoạch định xem sắp phải nói gì, mà không bao giờ bị ngừng lại lâu trong tiến trình đi tới đầy tự tin của chúng ta. Kỹ năng? Nếu vậy, đó là cái tất cả chúng ta đều có, một cái gì chúng ta chắc chắn đã học được trước tuổi lên ba hay bốn.

Một người viết là người đã dần dà quen tin tưởng cái ân huệ, hay cơ may, hay—kỹ năng đó.

Còn có một thái độ khác tôi thấy là cần thiết: hầu hết những điều tôi viết, như hầu hết những điều tôi nói trong cuộc trò chuyện thường ngày, cộng lại sẽ chẳng nhiều nhặn gì. Chính tôi cũng nhận ra, và ngay từ thời đó, rằng điều này không tránh được. Giống như là thực tập thôi. Trong khi nói chuyện, tôi cho phép mình nhận định ngẫu hứng—sự thực là, theo tôi nhớ, đó là cách mà tôi học nói—vì vậy trong khi viết tôi phóng ra nhiều nỗ lực bừa bãi. Một kết quả của cách viết tự do này là, hầu hết, tôi không viết cho người khác đọc; người khác không thấy thành quả gì hết trừ khi cái hoạt động ấy kết thành một cái gì sau này tỏ ra đáng xem. Chỉ nam của tôi là bản ngã, và cuộc phiêu lưu của nó vào ngôn ngữ mang lại sự truyền đạt.

Quan điểm tiến-trình-thay-vì-thực-thể này về việc viết dẫn tới một suy tưởng đôi cuối cùng:

1. Người viết có thể không đặc biệt hay có tài theo bất kỳ ý nghĩa thông thường nào. Họ chỉ tham dự vào việc sử dụng liên tục một kỹ năng ngôn ngữ mà chúng ta đều có. Những “tác phẩm” của họ xảy ra qua sự trông cậy đầy tự tin vào những cảm hứng mà, với lòng tin, sẽ tìm thấy những mô thức bất ngờ làm thoả mãn.

2. Nhưng viết tự nó là một trong những hoạt động tự do, lớn lao của con người. Có chiều kích cho cá tính, cho niềm vui tràn ngập, và cho sự khám phá, trong việc viết. Ðối với người nào, với lòng tin và sự tha thứ, theo đuổi những gì hiện ra cho hắn, thì thế giới vẫn luôn sẵn sàng và sâu thẳm, một môi trường vô tận, với tính sống động của một thực tại và tính linh hoạt của một giấc mơ gộp lại. Làm việc tới lui giữa kinh nghiệm và tư duy, người viết có nhiều hơn những gì không gian và thời gian có thể cung cấp. Họ có nguyên một vương quốc chưa thăm dò của tầm nhìn con người.

 

–––––––––––-
Nguồn: “A Way of Writing” trong William Stafford, Writing the Australian Crawl: Views on the Writer’s Vocation (Ann Arbor: The University of Michigan Press, 2005), trang 17.

 

Những tác phẩm khác của William Stafford (qua bản dịch của Lê Đình Nhất-Lang) đã đăng trên Tiền Vệ:

Viết lách và văn chương: vài ý kiến  (tiểu luận / nhận định) 
Văn chương không phải là bức tranh của đời sống, mà là sự trải nghiệm riêng biệt với dòng chảy và niềm say mê của chính nó... [Bản dịch của Lê Đình Nhất-Lang] (...)
 
Bốn bài thơ của William Stafford (1914-1993) — một khuôn mặt thi ca quan trọng trong văn chương Mỹ thế kỷ 20. Nghe này—đây là một đài xa vắng / còn sống sót trong vũ trụ bao la. / Tôi ở lại đây để đưa bạn thông điệp / viết riêng cho bạn... | Cửa của nó mở gần đây. Nó là một cái miếu / bên đường, nó là một cành hoa trong bãi đậu xe / của Lầu Năm Góc, nó nói, “Hãy nhìn quanh, / hãy lắng nghe. Hãy cảm nhận không khí.” ... | Trưa sa mạc một con thằn lằn / chờ lịch sử, khuỷu chân căng thẳng / mải nhìn về khúc quanh trên đường... | Ði xuyên đêm tôi thấy một con nai / chết bên đường dọc bờ sông Wilson. / Thường thì nên lăn chúng xuống hẻm núi... [Bản dịch của Lê Đình Nhất-Lang]

 


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021