thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
VÕ PHIẾN (2/9): Vài ghi chú về tiểu sử

 

Lời tác giả:

Cuốn Võ Phiến được nhà Văn Nghệ xuất bản tại California năm 1996, dày 218 trang.

Ngoài phần Phụ Lục, cuốn sách gồm các phần chính như sau:

Vài ghi chú về tiểu sử
Chương 1: Một phong cách
Chương 2: Nhà lý luận văn học
Chương 3: Nhà phê bình văn học
Chương 4: Nhà tạp luận
Chương 5: Nhà tuỳ bút
Chương 6: Người viết truyện
Chương 7: Một niềm trăn trở không nguôi

Tái bản trên Tiền Vệ, toàn bộ cuốn sách sẽ được chia làm 9 phần.

 

________________

 

VÀI GHI CHÚ VỀ TIỂU SỬ

 

Tên thật của Võ Phiến thoạt đầu là Đoàn Thế Cẩn, sau, từ năm 1934, được đổi thành Đoàn Thế Nhơn. Ông sinh năm 1925[1] tại làng Trà Bình, huyện Phù Mỹ, tỉnh Bình Định. Cha là Đoàn Thế Cần (1903 - 1983). Mẹ là Ngô Thị Cương (1907 - 1989).

Tổ tiên Võ Phiến vốn ở Hải Dương. Khoảng nửa sau thế kỷ 17, một người trong họ Đoàn, cụ Đoàn Thế Hầu, vào Bình Định lập nghiệp. Trừ người cháu bốn đời của Đoàn Thế Hầu là Đoàn Thế Nhiệm phò Tây Sơn, thành võ tướng, mọi người trong gia tộc đều học văn. Dường như không ai đỗ đạt cao. Ông cố Võ Phiến, cụ Đoàn Thế Thận, và ông nội của Võ Phiến, cụ Đoàn Thế Bội, đều chỉ đỗ tú tài. Thân sinh Võ Phiến, sau khi có bằng tiểu học (primaire), làm giáo học ở huyện Hoài Ân, Bình Định, sau, vì xích mích với tri huyện, bỏ việc. Lúc Võ Phiến còn trong bụng mẹ, bố ông vào Sài Gòn làm ăn, bặt tăm hơn bảy năm. Ra đời, Võ Phiến chỉ sống với mẹ. Đến năm Võ Phiến bảy tuổi, bố ông mới về quê. Sau đó, Võ Phiến có thêm người em trai kế, Đoàn Thế Hối, sinh ngày 6 tháng 10 năm 1932.[2] Nhưng chỉ một hai năm sau, bố mẹ Võ Phiến lại dắt Hối vào lập nghiệp tại làng Vĩnh Hoà, quận Gò Quao, tỉnh Rạch Giá. Võ Phiến ở lại Bình Định, sống với bà nội. Thời gian đầu, hàng năm bố mẹ ông - hoặc ít nhất là mẹ ông - đều về quê thăm ông. Từ cuối 1945, lúc cuộc kháng chiến chống Pháp bùng nổ, hai bên hoàn toàn mất liên lạc với nhau. Mãi đến 1955, sau khi đăng báo tìm “thân nhân thất lạc”, ông mới nhận được tin gia đình, lúc ấy đang ở Trà Vinh. Võ Phiến vào Trà Vinh gặp lại bố mẹ và các em,[3] đón cả gia đình về lại Qui Nhơn. Bấy giờ Đoàn Thế Hối đã thoát ly gia đình, theo cộng sản, làm thơ viết văn dưới bút hiệu Lê Vĩnh Hoà. Mãi đến khoảng 1964, 1965,[4] Lê Vĩnh Hoà ghé nhà thăm Võ Phiến; ít lâu sau, ngày 7.1.1967, ông bị bom chết tại làng Xẻo Dá, xã Vĩnh Viễn, huyện Long Mỹ, Hậu Giang.

Thuở nhỏ, Võ Phiến học trường làng, trường huyện; lên trung học, học tại Qui Nhơn. Tại Qui Nhơn, Võ Phiến là học trò của Chế Lan Viên trong mấy tháng. Trong lớp, được Chế Lan Viên khen ngợi và khuyến khích, Võ Phiến bắt đầu làm thơ. Sau, Chế Lan Viên rời Qui Nhơn. Vị giáo sư kế tiếp là Lam Giang, một nhà nghiên cứu, người từng cộng tác với Lê Văn Hoè biên soạn quyển Tầm nguyên tự điển, sau này, cộng tác với Vũ Tiến Phúc, viết quyển Hồn thơ nước Việt thế kỷ 20. Chính Lam Giang là người đầu tiên khuyến khích Võ Phiến đi vào con đường cầm bút. Và cũng chính Lam Giang là người đã gợi ý cho Võ Phiến ra Huế học tiếp.

Nghe lời Lam Giang, năm 1942, Võ Phiến ra Huế, học tại trường Thuận Hoá. Trong số giáo sư của ông, có hai người cầm bút nổi tiếng: Hoài Thanh (1909-82) và Đào Duy Anh (1904-88). Người có nhiều ân tình với ông nhất là Đào Duy Anh. Mến tài người học trò chăm chỉ, thông minh và tài hoa (năm 1944, Võ Phiến được giải thưởng nhất - prix d”excellence - toàn trường), Đào Duy Anh nhờ Võ Phiến dạy kèm các con ông, như một cách giúp đỡ Võ Phiến có điều kiện theo đuổi việc học. Mùa hè 1944, gia đình Đào Duy Anh vào Nha Trang nghỉ mát, dẫn cả Võ Phiến theo. Tại Nha Trang, Võ Phiến gặp lại Chế Lan Viên, lúc ấy đang ở nhà Quách Tấn. Sau Cách mạng tháng Tám, Đào Duy Anh được chính quyền mới gọi ra Hà Nội phụ trách giảng dạy phần lịch sử tại trường đại học mới mở, ông vẫn tiếp tục giúp đỡ Võ Phiến lúc ấy cũng đang học tại trường Văn Lang, Hà Nội bằng cách nhờ Võ Phiến giúp sửa chữa và bổ sung quyển Pháp Việt từ điển. Trong hồi ký Nhớ nghĩ chiều hôm viết năm 1972, xuất bản năm 1989, Đào Duy Anh còn nhắc lại điều ấy: “Khoảng mùa thu năm 1946, dọn nhà ra Hà Nội, tôi đã bố trí kế hoạch và cùng mấy người học trò cũ của tôi ở Huế, bấy giờ cũng ra Hà Nội vừa học vừa làm, bắt đầu làm việc”. Ngại, Đào Duy Anh không nhắc tên Võ Phiến. Và, thật ra, cũng chỉ có mỗi Một mình Võ Phiến giúp ông chứ không có ai khác. Tôi phân vân: không biết thói quen nghiên cứu tỉ mỉ và thói quen dùng lịch sử để giải thích nhiều hiện tượng văn hoá và xã hội của Võ Phiến sau này có phải đã hình thành từ ảnh hưởng của Đào Duy Anh trong những năm ấy?

Thời gian ở Huế, Võ Phiến gặp lại Chế Lan Viên. Tuy không còn học Chế Lan Viên nữa, song Võ Phiến vẫn thường gặp vị thầy cũ. Giao tình giữa hai người khá đậm đà. Có lúc Võ Phiến đưa cho Chế Lan Viên xem một số sáng tác của ông, được Chế góp ý và khuyến khích. Qua sự giới thiệu của Chế, Võ Phiến đọc và thích Proust và Alain. Đã nhiều người nói đến dấu ấn của Proust trong tiểu thuyết của Võ Phiến. Riêng về Alain, Võ Phiến cho biết, cho đến hiện giờ, ông vẫn thích: Alain gợi cho ông nhiều ý kiến khi viết tạp luận văn học.[5]

Điều làm cho Võ Phiến say mê nhất lúc học ở Huế là thư viện Bảo Đại và tủ sách riêng của Đào Duy Anh. Tại hai nơi này, ông đọc mê man, hết quyển này sang quyển khác. Ông đọc Baudelaire, Valéry... nhưng thích nhất là André Maurois và André Gide. Mê Gide, thời gian ấy, ông phỏng theo Les nourritures terrestres của Gide, viết một quyển sách dày khoảng 160 - 180 trang (chưa in và bản thảo cũng đã mất sau tháng 4.1975). Mê Maurois, năm 1964, ông dịch bài tiểu luận dài Les grands courants de la pensée contemporaine của Maurois ra tiếng Việt và in thành một cuốn sách mỏng, mang tựa đề Những trào lưu lớn của tư tưởng hiện đại. Và những bài “đối thoại” của ông sau này phần nào cũng xuất phát từ Maurois. Chưa kể đến một thần tượng khác, ông mê từ thuở còn học tại Qui Nhơn: Alphonse Daudet, người có rất nhiều ảnh hưởng đối với ông như lời ông tự nhận: “Tôi mê nặng Daudet ở hai điểm: cái thi vị ngấm trong các thiên truyện của ông và giọng hài hước nhuốm đầy trắc ẩn”. Rồi ông tự hỏi: “Cái nụ cười “vi tiếu” Daudet gắn lên môi mình ngày nhỏ, bây giờ vẫn còn dính, phải không?”[6]

Cũng trong thời gian ở Huế, từ 1942 đến 1945, Võ Phiến bắt đầu tập tễnh viết văn. Ông viết khá nhiều và khá... linh tinh. Ngoài quyển sách phỏng theo Les nourritures terrestres của Gide, ông viết mấy bài phê bình thơ, một vở kịch dài (còn dở dang), và một số bài tuỳ bút. Bài viết đầu tiên ông gửi đăng báo là bài tuỳ bút “Những đêm đông”,[7] trên Trung Bắc Chủ Nhật, năm 1943, ký tên Đắc Lang. Trừ vở kịch đã mất từ lâu, các tác phẩm khác ông không gửi đăng đâu cả; bản thảo còn giữ mãi đến năm 1975 mới mất.  

Sau Cách mạng tháng Tám, ở Huế, Võ Phiến gia nhập bộ đội một thời gian ngắn, rồi gia nhập vào đội Tuyên truyền Xung phong, hoạt động khắp các tỉnh miền Trung. Giữa 1946, từ Bình Định, ông ra Hà Nội học tiếp tại trường trung học Văn Lang. Tháng 12.1946, khi cuộc kháng chiến chống Pháp sắp bùng nổ tại Hà Nội, Võ Phiến về lại Bình Định, tham gia sinh hoạt văn hoá kháng chiến chung với Nguyễn Thành Long, Vương Linh, Phan Thao. Cuối năm 1947, ông làm thuế quan tại Gò Bồi (quê mẹ Xuân Diệu). Được khoảng chín tháng sau, ông xin thôi việc. Năm 1948, ông lập gia đình. Vợ ông là bà Võ Thị Viễn Phố (sinh năm 1930). Cũng trong thời gian ấy, ông dạy học tại trường Trung học Bình Dân Liên khu V, một thứ trường bổ túc văn hoá cho cán bộ Việt Minh theo sáng kiến của Phạm Văn Đồng. Dạy và sinh hoạt chung với lớp cán bộ cuồng tín ấy, càng ngày ông càng chán ngán, cuối cùng, thành “phản động” hẳn. Tác phẩm ông viết trong thời gian này không dính dáng gì đến khí hậu chung của thời cuộc: độ chục truyện ngắn; một truyện dài khoảng 250 trang, nhằm chế diễu những cái lố lăng trong xã hội mới, sau Cách mạng Tháng Tám; một tập triết luận nhan đề Tiêu khiển, khoảng 100 trang, phân tích lý do tại sao các hoạt động như đánh cờ, đánh bạc... có thể mang lại khoái cảm cho con người; một bài tiểu luận về nghệ thuật hát bội, khoảng 50 trang; và một quyển sách về thiên văn, tựa Trên trời, phỏng theo quyển sách thiên văn nào đó bằng tiếng Pháp ông tình cờ đọc được. Trừ bài tiểu luận về hát bội được Võ Phiến đem ra thuyết trình tại trường Trung học Bình dân và trừ quyển Trên trời được in thạch bản, như một loại sách phổ thông kiến thức dùng trong nhà trường, các tác phẩm khác đều không được in hay phổ biến đâu cả.

Sự bất mãn của Võ Phiến đối với chế độ mới càng ngày càng sâu sắc. Năm 1951, một người cháu họ của ông, Đoàn Thế Khuyến, một người bạn học của ông, Tạ Chí Diệp, và một người thầy cũ của ông, Lam Giang, rủ ông tham gia vào tổ chức chống cộng. Ông ngần ngại: vì kinh nghiệm dày dặn đối với cách tổ chức chặt chẽ của Việt Minh, ông không tin một nhúm người thân của mình có thể thành công, nhưng vì tình nghĩa với những người ấy, ông không thể từ chối dứt khoát. Quả thật, chỉ một năm sau, tổ chức bị vỡ. Tất cả đều bị bắt. Một năm sau nữa, 1953, bị đưa ra toà án nhân dân. Công tố viên là Quách Tạo (tức Quách Kiến Đạo, em ruột Quách Tấn); một trong các phụ thẩm là học trò của Võ Phiến tại trường Trung học Bình Dân. Có lẽ vì thế, bản án dành cho Võ Phiến tương đối nhẹ: 5 năm tù giam.[8] (Trong vụ này Đoàn Thế Khuyến bị tử hình; Lam Giang bị tù khổ sai chung thân). Trên thực tế, Võ Phiến chỉ bị ở tù có hai năm: một năm trước khi xử án và một năm sau khi bị kết án. Tháng 9.1954, theo hiệp định Genève, cùng với các tù nhân chính trị khác của hai bên, ông được thả ra khỏi nhà tù, song vẫn bị quản thúc tại gia. Để khuây khoả, ông bắt tay vào việc dịch một quyển sách đông y, quyển Hoàng Hán y học (theo bản Hán văn) của một bác sĩ người Nhật. Chưa đến đâu, cuối năm 1954, ông bỏ trốn ra Huế để tránh sự theo dõi của cán bộ Việt Minh.

Mấy tháng sau, gặp Võ Thu Tịnh, đồng nghiệp cũ tại trường Trung học Bình dân Liên khu V, đang giữ chức giám đốc nha Thông tin Trung phần, ông được vào làm việc tại nha; mấy tuần sau, ra làm trưởng ty Thông tin Quảng Trị. Hơn nửa năm sau, ông xin chuyển về Bình Định cho gần nhà.

Thời gian sống ở Huế lần thứ hai này có ý nghĩa đặc biệt trong cuộc đời cầm bút của Võ Phiến. Thứ nhất, ông đọc được, lần đầu tiên, một số tác giả Mỹ như Hemingway, Steinbeck, Faulkner... những người làm ông chấn động trước sự bạo liệt, dữ dội, và một số nhà văn thoát ly từ chế độ cộng sản tại Liên xô và Đông Âu như Arthur Koestler, Virgil Gheorghiu, Kravchenko..., những người làm ông thấm thía và tự giác hơn về sự bạo tàn của cộng sản. Thứ hai, ông đọc được, lần đầu tiên, trọn bộ À la recherche du temps perdu của Marcel Proust, người khiến ông khâm phục về khả năng quan sát và phân tích cực kỳ tinh tế, đồng thời cũng là người có ảnh hưởng sâu sắc đến phong cách văn học của ông sau này. Thứ ba, ông chính thức bước vào sinh hoạt văn học bằng cách cộng tác thường xuyên trên tờ Mùa Lúa Mới do Võ Thu Tịnh và Đỗ Tấn (bạn học cũ tại trường Thuận Hoá) chủ trương. Thoạt đầu, ông viết hai loại: thơ trào phúng với tên Hoài Vũ, và truyện ngắn với tên Võ Phiến. Hoài Vũ là nhớ người họ Võ; Võ Phiến là hình thức nói lái của Viễn Phố: cả hai cùng một ý nghĩa, xuất phát từ nỗi nhớ người vợ lúc ấy đang ở Bình Định. Ít lâu sau, truyện ngắn của Võ Phiến được chú ý và khen ngợi nồng nhiệt. Ông quyết định bỏ thơ trào phúng, chỉ tập trung vào việc viết truyện.

Ở Bình Định, nơi ông làm trưởng ty Thông tin, Võ Phiến tự xuất bản quyển Chữ tình (1956) và Người tù (1957) dưới tên “nhà xuất bản” Bình Minh. Sau đó, ông gửi bài vào Sài Gòn, đăng trên Sáng TạoBách Khoa. Năm sau nữa, cơ sở Tự Do của Phạm Việt Tuyền tại Sài Gòn nhận in cho ông tác phẩm thứ ba, Mưa đêm cuối năm. Tài năng của ông được cả độc giả lẫn giới cầm bút công nhận. Ông quyết định xin chuyển vào Sài Gòn để có đất dụng võ rộng rãi hơn. Năm 1959, ông được đổi vào Sài Gòn làm chủ sự ở Văn hoá vụ. Sau đó, ông làm phụ tá giám đốc nha Huấn luyện. Năm 1969, vì ký tên vào bản kiến nghị chung của giới văn nghệ sĩ và trí thức chống lại chế độ kiểm duyệt đối với ngành xuất bản, ông bị giải nhiệm, nhưng sau, trước phản ứng dữ dội của khá đông trí thức và văn nghệ sĩ, bộ Thông tin nhân nhượng chuyển ông qua làm phụ tá giám đốc nha Điện ảnh. Có lúc ông làm việc trong Thanh tra đoàn của bộ Thông tin, nhờ vậy, ông có dịp đi nhiều. Quyển Đất nước quê hương (1973) được ra đời sau những chuyến công tác ấy.

Trong lãnh vực văn hoá, ông là một thành viên trong Hội đồng văn hoá giáo dục Miền Nam từ 1970 đến 1974; giáo sư văn chương tại trường Đại học Hoà Hảo tại Long Xuyên và Đại học Phương Nam tại Sài Gòn từ 1973 đến 1975.

Trong lãnh vực hoạt động văn học, tại Sài Gòn, Võ Phiến cộng tác với các báo Sáng Tạo, Thế Kỷ 20, Văn, Khởi Hành, Mai, Tân Văn... nhưng thường xuyên nhất, chung thuỷ nhất là tờ Bách Khoa. Cùng với Vũ Hạnh và Nguyễn Hiến Lê, ông là một trong ba cộng tác viên nòng cốt của tờ tạp chí có tuổi thọ cao nhất Miền Nam này. Trên Bách Khoa, Võ Phiến, ngoài phần sáng tác và biên khảo, còn đảm nhiệm luôn cả các mục điểm sách, thời sự văn học nghệ thuật và thỉnh thoảng, phần dịch thuật dưới bút hiệu Tràng Thiên và Thu Thuỷ (Tràng Thiên, thoạt đầu là bút danh chung của Ban biên tập Bách Khoa, sau, từ khoảng 1964, 65 giao hẳn cho Võ Phiến).[9] Năm 1960, ông được tặng Giải thưởng Văn học Nghệ thuật Toàn quốc với cuốn Mưa đêm cuối năm. Từ năm 1961 về sau, ông được mời vào Hội đồng giám khảo của Giải thưởng Văn học Nghệ thuật Toàn quốc. Năm 1962, ông lập nhà xuất bản Thời Mới để trước hết, tự in sách mình và sách của các cây bút mới và sau đó, giới thiệu các trào lưu, các phương hướng sáng tác hiện đại. Trên tờ Bách Khoa cũng như với nhà xuất bản Thời Mới, Võ Phiến được mọi người ghi nhận là có công phát hiện và / hoặc giới thiệu nhiều cây bút trẻ và tài hoa tại Miền Nam lúc ấy như Nguyễn Xuân Hoàng, Thế Uyên, Y Uyên, Tuý Hồng, Nguyễn Thị Thuỵ Vũ, Đỗ Tiến Đức, Nguyễn Đức Sơn...

Về sáng tác, từ 1956 đến 1975, ở Việt Nam, ông xuất bản hơn hai mươi tác phẩm thuộc nhiều thể loại khác nhau, bao gồm truyện dài, truyện ngắn, tuỳ bút, tiểu luận và dịch thuật (tất cả các tác phẩm dịch thuật đều ký dưới bút hiệu Tràng Thiên).

Ngày 22 tháng 4.1975, tức tám ngày trước khi Sài Gòn bị sụp đổ, Võ Phiến cùng vợ và người con út[10] rời Việt Nam, di tản qua Mỹ. Sau mấy tuần dừng lại đảo Guam, gia đình ông được đưa vào lục địa Hoa Kỳ, ở trại Indiantown-gap (thuộc tiểu bang Pennsylvania). Đến ngày 3.9.75, rời trại đi định cư tại Minneapolis, thủ phủ của tiểu bang Minnesota. Gần hai năm sau, ngày 7.4.1977, ông và gia đình từ giã vùng đất mùa đông đầy băng tuyết này, chuyển đến Los Angeles, thuộc tiểu bang California; thoạt đầu ở tại Santa Monica, ba năm sau, dời về Highland Park.

Thời gian cư ngụ tại Minneapolis, Võ Phiến làm công (mailing clerk) cho tờ báo Decision của mục sư Billy Graham được vài tháng. Về California, thoạt đầu, cuối 1977, ông làm công chức ở Sở Thuế vụ, khoảng một tháng sau, chuyển sang làm việc ở Sở Hưu bỗng. Cả hai sở đều thuộc Toà hành chánh quận Los Angeles (County of Los Angeles). Ông làm công chức ở đấy suốt mười lăm năm, cho đến ngày về hưu, tháng 7.1994.[11]

Thuở mới rời Việt Nam, tị nạn sang Hoa Kỳ, dường như tâm hồn của Võ Phiến, cũng như nhiều, nếu không nói là hầu hết những người Việt Nam di tản khác, bị khủng hoảng trầm trọng. Ông ngỡ mình sẽ vĩnh viễn xa rời ngòi bút. Thế nhưng, cuối cùng, không bao lâu sau, thói quen viết lách và sự thiết tha với chữ nghĩa, với văn chương, đã chiến thắng: ông cầm bút trở lại. Cầm bút trở lại trong một hoàn cảnh cực kỳ khó khăn: ngàn dặm xa quê hương; đồng bào phân tán mỗi người một ngả; đời sống ở xứ người còn đầy bỡ ngỡ và bấp bênh; tiệm sách không có, phải gửi sách báo bày bán trong các tiệm thực phẩm... Cầm bút trở lại để “đỡ bơ vơ trên đất khách”, thế thôi.[12] Tuy vậy, nhờ việc ông cầm bút trở lại, nền văn học lưu vong Việt Nam đã được hình thành để rồi sau đó ít lâu, khởi sắc hẳn lên, ít nhất là trong một thời gian.

Thoạt đầu Võ Phiến viết cho tờ Hồn Việt tại California, tờ Việt Báo tại Washington D.C., tờ Quê Mẹ tại Paris. Sau này, ông cộng tác với hầu hết các tạp chí văn nghệ ở Bắc Mỹ: Văn, Văn Học, Làng Văn, Văn Xã, Thế Kỷ 21 v.v... Có thời gian, khoảng năm 1977, ông làm chủ bút cho tờ Hồn Việt. Đầu 1978, ông đứng ra chủ trương tờ Văn học Nghệ thuật (bộ cũ ra từ tháng 4.1978 đến tháng 12.1979; bộ mới ra từ tháng 5.1985 đến tháng 1.1986), tờ báo chuyên về văn học nghệ thuật đầu tiên tại hải ngoại.

Từ 1976 đến 1980, ông cùng Trần Đình Long chủ trương nhà xuất bản Người Việt, chủ yếu là in các tác phẩm của ông và của Lê Tất Điều. Từ năm 1986, ông hợp tác với nhà xuất bản Văn Nghệ của Từ Mẫn Võ Thắng Tiết, in Toàn tập Võ Phiến, gồm hầu hết các tác phẩm trước và sau 1975 của ông, được sắp xếp lại theo thể loại: Tuỳ bút, Truyện ngắn, Tiểu thuyết, Tạp luận, Tạp bút, Tiểu luận...

Trong các tác phẩm được Võ Phiến hoàn thành tại Hoa Kỳ sau năm 1975, bộ Văn học Miền Nam là công trình dài hơi và được ông dành cho nhiều tâm huyết nhất. Thật ra, ngay trước 75, tại Sài Gòn, Võ Phiến đã manh nha ý định viết về văn học Miền Nam; sau năm 75, từ Mỹ, nhìn thấy nền văn học ấy bị chính quyền mới ra sức huỷ diệt, chạnh lòng, ông càng thiết tha hơn trong việc thực hiện giấc mơ ngày nào. Khoảng năm 1983, qua sự giới thiệu của Huỳnh Sanh Thông, ông xin và nhận được trợ cấp từ Chương trình Nghiên cứu Đông Dương thuộc Uỷ ban Nghiên cứu Khoa học Xã hội Hoa Kỳ (Indochina Studies Program, Social Science Research Council) để có thể hoàn tất công trình của mình. Vừa làm công chức để bảo đảm việc mưu sinh, ông vừa lo gom góp tài liệu tản mác từ khắp bốn phương: ở thư viện Quốc Hội Mỹ, thư viện các đại học và thư viện riêng của các văn hữu ở Mỹ, ở Pháp. Tháng 5.1985, ông viết xong tập Văn học Miền Nam, tổng quan và gửi nộp bản thảo cho Uỷ ban Nghiên cứu Khoa học Xã hội. Năm sau, tác phẩm được nhà Văn Nghệ tại California xuất bản. Sáu năm sau, 1992, bản tiếng Anh do Võ Đình Mai dịch được nhà Vietnamese Language and Culture Publications của Tiến sĩ Nguyễn Xuân Thu xuất bản tại Úc dưới tựa đề Literature in South Vietnam: 1954-1975. Trước đó, Võ Phiến đã có một quyển tiểu thuyết, quyển Nguyên vẹn, được James Banerian dịch ra tiếng Anh với tựa Intact, cũng được nhà xuất bản trên ấn hành vào năm 1990.

Hiện nay, Võ Phiến đang sống tại Highland Park, Los Angeles,[13] tiểu bang California, Hoa Kỳ. Trong cảnh hưu trí và bệnh tật (ông bị mổ tim hai lần, lần đầu năm 1985, lần sau năm 1992), ông vẫn tiếp tục sáng tác và cố gắng hoàn tất bộ Văn học Miền Nam.[14]

 

_________________________

[1]Trong thư gửi tôi ngày 28.7.1995, Võ Phiến cho biết về ngày tháng năm sinh của ông như sau: “Năm 1925 là đúng, còn ngày 20 tháng 10 là bịa bậy ra thôi. Ngày âm lịch chỉ có má tôi nhớ. Năm 1974 ở Saigon, nhân dịp ông Nguyễn Phụng (cựu giám đốc Quốc gia Âm nhạc, hội viên Hội đồng văn hoá và giáo dục) muốn chấm cho tôi lá số tử vi, má tôi có nói cho tôi ghi đúng ngày tháng và giờ sinh. Tháng 4.1975 lá số tử vi mất trong cuộc tẩu quốc, rồi năm 1989 má tôi qua đời: tôi mất luôn ngày sinh âm lịch”.

[2]Trong quyển Nhà văn Việt Nam hiện đại do Hội nhà văn Việt Nam biên soạn, xuất bản tại Hà Nội năm 1992, năm sinh của Lê Vĩnh Hoà được ghi là năm 1934.

[3]Ngoài Đoàn Thế Hối, các người em của Võ Phiến theo thứ tự là: Đoàn Thị Tỉnh (mất lúc 3, 4 tuổi), Đoàn Thế Tâm, Đoàn Thị Hoà, Đoàn Thế Định và Đoàn Thị Diệu Ngọc.

[4]Trong thư từ gửi cho tôi, có lúc Võ Phiến viết là ông gặp lại Lê Vĩnh Hoà lần chót là khoảng năm 1965 hay 1966; lúc khác ông lại viết rõ ra là năm 1967. Thế nhưng, trong Văn học Miền Nam, tổng quan, Võ Phiến lại ghi Lê Vĩnh Hoà mất ngày 7.1.1967 (tr. 345). Như vậy thời điểm cuộc gặp gỡ lần cuối ấy khó mà xảy ra vào năm 1967 được. Dường như lâu quá, Võ Phiến không nhớ chính xác.

[5]Theo thư Võ Phiến gửi tôi ngày 28.6.1991.

[6]Theo thư Võ Phiến gửi tôi ngày 20.7.1991.

[7]Tôi chưa tìm thấy bài tuỳ bút này. Võ Phiến cho biết ông cũng không chắc tựa đề của nó là “Đêm đông”hay là “Những đêm đông”.

[8]Đến nay, vẫn có nhiều người lầm, viết trên sách báo đâu đó là Võ Phiến bị cộng sản kết án tử hình. Không đúng.

[9]Trong phần “Tiểu sử và tác phẩm Võ Phiến” in trên Văn số đặc biệt về Võ Phiến (tháng 8.1974), có ghi: “Về bút hiệu Tràng Thiên, có điều đáng chú ý. Tạp chí Bách Khoa số 306 ra ngày 1.10.1969, nơi mục Hộp Thư, có minh xác như sau: “Tạp chí Bách Khoa có những bút hiệu mà có thời kỳ dành chung cho tất cả các anh em trong toà soạn như: Thế Nhân, Tràng Thiên, Thu Thuỷ. Riêng bút hiệu Tràng Thiên trước 1963, đã dùng chung cho tất cả các anh em viết về mục “Ðiểm sách” hay “Qua các hàng sách”, rồi từ 1964 trở đi, nhất là từ 1965, ông Võ Phiến thường dùng bút hiệu đó để viết các bài về văn học và trong mục “Sinh hoạt”, nên toà soạn đã dành bút hiệu này cho riêng ông. Do đó mà trước năm 1964 có nhiều bài với bút hiệu Tràng Thiên mà thực ra là của nhà văn Ngu Í, Vũ Hạnh hay những văn hữu khác không muốn để bút hiệu thực của mình. Thí dụ bài “Ðiểm sách” trên số 99 (15.2.1961) trang 111 (...) là của ông Vũ Hạnh dưới bút hiệu Tràng Thiên.”

[10]Ông bà Võ Phiến có cả thảy bốn người con, gồm ba trai: Đoàn Giao Liên, Đoàn Thế Long, Đoàn Thế Phúc, và một gái: Đoàn Minh Đức. Năm 1975, Minh Đức di tản khỏi Việt Nam cùng lượt với bố mẹ; Đoàn Thế Phúc đang du học tại Úc, ít lâu sau mới sang Mỹ đoàn tụ với gia đình; riêng hai người con đầu bị kẹt lại Việt Nam, mãi đến 1992, mới sang Mỹ theo diện ODP.

[11]Về việc sinh kế của mình tại Mỹ từ 1975 đến nay, Võ Phiến kể trong một lá thư gửi tôi ngày 21.8.1995 như sau: “Trong hai mươi năm ở Hoa Kỳ, tôi chỉ làm có hai công việc: cho toà báo của ông Billy Graham, và cho toà Hành chánh quận Los Angeles (County of L.A., chứ không phải là City of L.A.). Đó là không kể đến chuyện làm báo Việt ngữ vốn không phải thuộc về sinh kế. Thoạt tôi đến Mỹ, người bảo trợ là người lao động, làm công việc rửa xe. Xe buýt chạy suốt ngày nhiễm bụi bặm. Theo định kỳ, xe lần lượt nối đuôi nhau vào “nhà tắm”. Ở đó đã có sẵn nhà bảo trợ của tôi, mặc đồng phục xanh, tay cầm vòi nước, xịt mù mịt, v.v... Nhà bảo trợ hỏi tôi về nghề nghiệp ở Việt Nam để liệu giúp đỡ. Tôi đã ngán một đời công chức, bèn bảo ông ta rằng tôi vẫn làm nghề tự do: “Tôi mần báo”. Ông ta hoan hỉ: Ở đây, mục sư Billy Graham có báo lớn lắm, tha hồ mần. Tôi đến xem, quả nhiên báo Decision in mỗi kỳ 4 triệu số, lớn thiệt. Báo đang thiếu mailing-clerk. Gì chứ gửi báo đi cho độc giả thì dễ ợt. Ở toà soạn Bách Khoa tôi từng thấy các ông Nhân, ông Xuân Hiến làm công việc ấy mười mấy năm trước mắt tôi. Clerk, làm thầy ký, ngồi viết tên từng độc giả vào măng-sét dán ngoài bìa báo, gửi đi, dễ quá. Ngày ngày cặm cụi làm một thầy ký Huê Kỳ, cuộc đời tàn tạ cũng êm ả. Tôi ô-kê. Hôm sau, đến sở thì hỡi ôi! toà báo Decision không giống toà soạn Bách Khoa tí nào. Tên độc giả đã in sẵn trên label, lắp vào máy. Báo chạy qua, máy dán tên vào, báo tuôn ra như dòng suối trước mặt mình. Thầy ký đứng khom người xuống, trố mắt nhìn cho kỹ cái zip code trên label. Thỉnh thoảng chận bắt một đống báo, vỗ vỗ cho ngay ngắn, vất xuống một mặt bàn sắt con, lấy tay đè xuống, máy tự động quấn chỉ chữ thập, cột báo, cắt dây. Thầy ký cầm xấp báo quăng tọt vào cái túi vải bên cạnh, rồi lo chận bắt đống báo khác. Khi túi vải (của bưu điện) gần đầy thì xách vụt vào chiếc xe gần đó. Đầy xe thì nó chạy ra ngoài, đổ lên xe bưu điện... Có hai nỗi rắc rối: Một là khi ta nhìn không kịp, bắt lộn tờ báo gửi zip code này lẩn vào zip code khác, ta loay hoay “sửa sai “ vài tích tắc là dòng nước tràn tới, báo ùn lên cả đống trước mắt, máy phải ngưng, mọi con mắt đổ dồn vào thầy ký. Hai là cái túi vải, bọn Mỹ to con xách nhẹ nhàng như ta xách cái đuôi con chuột chết ném vào thùng rác; còn mình thì xách một cái túi vải đầy báo, nó nặng như con trâu chương! Tôi cố gắng. Lãnh được vài ba kỳ lương gì đó, tôi chém vè. Về sau, xuống California tôi hết dám mần báo. Trong résumé xin việc tôi không giấu đời công chức, khi interview tôi nói láo là chuyên môn làm kế toán 20 năm. Thoạt đầu, tụi nó chỉ cho làm accounting clerk hạng bét, lương chưa tới một nghìn một tháng! Vừa làm vừa viết trộm, tôi khoái quá, làm luôn 15 năm. Hễ có kỳ thi là tôi thi lần lên, rốt cuộc làm chuyên viên Sở hưu bỗng bậc hai (Retirement benefits specialist II). Bậc chót là bậc ba, tôi chưa men tới. Ở bậc hai, hai ba năm gì đó, lương tháng hai nghìn chín trăm mấy chục. Về hưu mỗi tháng chưa tới 800 đô. Bảo hiểm county đóng cho 60%, mình phải đóng 40% (Làm được 25 năm thì khi về hưu, county đóng cả 100%). Lương bỗng không bao nhiêu, tôi nhờ bà xã còn đi làm (cũng cho county, cũng 15 năm nên đủ sống. Bả mà về hưu nữa thì phải tằn tiện dữ đa!”. Cũng trong thư này, Võ Phiến cho biết cái chuyện trước đây, ở hải ngoại, người ta hay kể - đôi khi trên sách báo: lúc mới sang, được người bảo trợ hỏi về nghề nghiệp ở Việt Nam, Võ Phiến trả lời là nhà văn, nhưng vì tiếng Anh kém quá, đến độ người bảo trợ hiểu lầm, dẫn ông đến xin việc ỡ hãng chế tạo giấy, chỉ là giai thoại, chứ không hề có thật.

[12]Xem phần đầu quyển Thư gửi bạn; in lại trong Tuỳ bút 2, tr. 235-244.

[13]Từ năm 2003, gia đình ông đã dọn về Santa Ana, cũng thuộc California (chú thích năm 2006).

[14]Bộ sách này, gồm 7 tập, dày hơn 3000 trang, đã được xuất bản (chú thích năm 2006).

 

---------- 

Đã đăng:

VÕ PHIẾN (1/9): Dẫn nhập  (tiểu luận / nhận định) 
... Một nhà văn lớn không những lớn mà còn giàu vô tận; mà không những giàu, họ còn có thể san sẻ sự giàu có của mình cho nhà phê bình: viết về họ thật thích, ngỡ như không bao giờ hết chuyện... (...)

 


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021