thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
GÓP NHẶT SỎI ĐÁ : Thử nhặt các nhầm lẫn lặp đi lặp lại trong nhìn nhận về thơ hôm nay
 

Các loại thơ thử nghiệm dị hợm – Trào lưu lỗi thời đã bị thải ở phương Tây – Chúng xa lạ với truyền thống văn hóa Việt Nam – Không thể vượt qua rào cản của người đọc – Thơ cần tự nhiên, giản dị và thành thật – Sự sáo mòn đồng bộ của sáng tác trẻ – Nỗ lực cách tân nhưng chưa tới – Bất cập và tùy tiện của nhận định – Về hiện tượng Âm thịnh dương suy – Phê bình “lập biên bản” của Inrasara – Thừa và thiếu của Văn nghệ trẻ – Nỗi chưa đủ cô đơn nhảm nhí.

 
Hội nghị Những người viết văn trẻ vừa qua tại Quảng Nam, một bạn thơ tuyên đầy hãnh tiến rằng không đọc bất kì cái gì trong nước mà chỉ đọc các sáng tác nước ngoài trên mạng. Nghe mà phát hoảng. Càng hoảng hơn khi bạn trẻ khác tự nhận là không thèm biết đến văn học già Việt Nam; nữa: chỉ cần đọc 1-2 bài cũng đủ hiểu ngay tác giả nói cái gì (cứ như một thiền sư đắc đạo)! Còn một nhà thơ khá danh giá tự nhận là dù được tiêu chuẩn tem phiếu 3 loại báo của Hội Nhà văn nhưng đã không nửa lần ngó ngàng tới chúng! Vân vân ví dụ điển hình lẫn không điển hình!
 
Đó là điều trớ trêu của sinh hoạt văn học chúng ta hôm nay.
 
Chưa vội bàn chuyện văn học nước nhà có cái gì đáng đọc hay không mà vấn đề là: chính thái độ đà điểu đó đẻ ra nỗi trớ trêu khác: các ý tưởng [lớn/bé] dẫm đạp lên nhau mà không biết! Trong đó không ít người viết trẻ [tự nhận] cấp tiến vô tình dẫm lên dấu chân của cánh [anh/chị ta cho là] bảo thủ và cả người cùng thế hệ. Ba đoạn trích dưới đây minh chứng sáng giá cho sự dẫm đạp tréo ngoe ấy!
 
Riêng tôi, tôi theo dõi khá kĩ những Văn nghệ, Văn nghệ trẻ, Văn nghệ Dân tộc, Nhà văn, …để cuối cùng, ngoài nhận biết hiện tình văn nghệ nước nhà ra, còn là đụng phải bao nhiêu là hời hợt và đồng bộ của ý tưởng, bất cập và tùy tiện của nhận định, thói ta đây với xu phụ của phê bình, nỗi lặp lại sai lầm không biết mệt mỏi của phát biểu, …
 
Câu hỏi & trả lời, là câu hỏi thường được đặt ra với/đáp ứng của người viết rải rác đây đó dăm năm qua, trong các cuộc trao đổi, phỏng vấn, các buổi nói chuyện về thơ với sinh viên, câu lạc bộ thơ, hội văn học nghệ thuật các tỉnh, thành phố,…. Nhận định cũng vậy, là nguyên văn phát biểu của người cùng thời được lượm nhặt rải rác trên các trang viết và phản hồi của người viết. Ở đây, chúng ta sắp xếp lại cho nề nếp để tiện theo dõi.
Inrasara
 
Ba ý tưởng tréo ngoe:
 
* “Chủ nghĩa “hậu hiện đại”, chủ nghĩa “Tân hình thức” ngày nay cũng đang ế khách và tàn lụi dần ở phương Tây (...) Theo một bài báo của một GS Mỹ thì hàng năm mới có một người mua sách này ở các hiệu sách(!?). Còn ở ta nó là một món hàng mới, không dễ gì nó vượt qua rào cản người đọc ở nước ta”
(Mai Quốc Liên, “Một vài nhận thức về lí luận văn nghệ hiện thời”,
báo Văn nghệ, 22.04.2006)
 
* “Tôi rất ghét cái gọi là phương pháp nghệ thuật. Những thứ như nghệ thuật viết đơn tuyến, đa tuyến, cấu trúc, sắp đặt… rồi những hậu hiện đại hay sau hậu hiện đại… đều khá buồn cười. Tôi nhận thấy các bạn trẻ hiện nay hay học đòi cách viết lạ (nhưng lạ với mình mà cũ rích với thế giới) mà quên đi rằng: Phương pháp nghệ thuật có kiểu cách thế nào đi chăng nữa vẫn thua sự giản dị. Vì người viết có giản dị tự nhiên mới có được tác phẩm Thật.”
(Từ Nữ Triệu Vương trả lời phỏng vấn, tạp chí Nhà văn, số 05.2006)
 
* “Nhiều bạn trẻ đồng hành của tôi mải mê dồn sức lực dồi dào và quý giá nhất đời người vào những cách tân đã lỗi thời ở nước ngoài (…) như “hậu tân thi trào” đã được chôn vùi ở Trung quốc từ thập niên 80 của thế kỉ trước (…) hay hình thức thơ đã thải hồi ở phương Tây như “thơ hậu hiện đại”, “thơ dự phóng”, “thơ trình diễn” (…) hoàn toàn xa lạ với văn hóa người Việt cặm cụi chịu thương chịu khó”.
(Lê Thiếu Nhơn, “Giải mã ảo giác thơ trẻ”,
báo Thể thao-văn hóa, số 84, ngày 15.07.2006).

 

1 . Được xem “là một trong những nhà thơ cách tân nhất hiện nay”, và đã có nhiều thành tựu về sáng tác và phê bình; nhưng xin mạn phép hỏi tại sao nhà thơ lại đi ca ngợi và cổ xuý các sáng tác thiếu nghiêm túc hay các thể nghiệm dị hợm, như Nhóm Mở Miệng hay phong trào Tân hình thức, chủ nghĩa hậu hiện đại chẳng hạn?

– Đây là câu hỏi nhỏ và vừa, mang tính thời sự; nó đụng đến bản chất sinh hoạt văn học Việt Nam hôm nay và, biết đâu đấy – quy định khuôn mặt văn học Việt Nam ngày mai. Bởi nó đang là thời sự văn học nên ta thử một lần nghiêm túc thảo luận, nếu không muốn nó trợt khỏi tầm tay.

Trước hết, xin hỏi vặn lại bạn: Bạn đã tìm hiểu thấu đáo mĩ học của thơ Tân hình thức, của chủ nghĩa hậu hiện đại chưa? Chắc chưa và, chắc không, phải không? Bởi ngay cả các nhà thơ Việt sinh sống tại Mỹ vài chục năm qua vẫn còn hiểu và đánh giá các phong trào văn nghệ này đầy sai biệt cơ mà! Cứ xem các nhà thơ tranh luận về Tân hình thức trên diễn đàn Talawas vào cuối năm 2002, cũng đủ biết: Mỗi người tiếp cận phong trào Tân hình thức theo cách/ý của mình. Đó là họ có điều kiện hơn (tôi nói có điều kiện hơn, bởi người sống ở phương Tây chắc chi đã hiểu rõ, đúng một phong trào văn chương thịnh hành ở đó hơn kẻ khác, nếu không dành cho nó sự quan tâm đúng mức), và chỉ giới hạn ở một phòng trào là thơ Tân hình thức.

Riêng chủ nghĩa hậu hiện đại là một trào lưu phát triển mạnh, ảnh hưởng rộng khắp, nếu không muốn nói nó trở thành xu thế chung của thế giới thì càng khó nắm bắt hơn nữa! Có người nhận định chủ nghĩa hậu hiện đại như thể “cơn kịch phát của của chủ nghĩa hiện đại”, là ý chí cắt đứt với tính hiện đại duy lí của thế kỉ Ánh sáng (Luc Ferry, 1990); và cũng có nhà lí thuyết xem nó “vừa là sự tiếp nối vừa là sự siêu việt hóa của chủ nghĩa hiện đại, là một thứ hốn hợp mang tính chiết trung của bất cứ truyền thống nào với những gì vừa mới qua” (Charles Jencks, 1996). Dù gì thì dù, đó là trào lưu văn nghệ đã và đang phát triển mạnh mẽ từ châu Âu, châu Úc cho đến châu Mỹ Latin và cả châu Á: Nhật Bản, Ấn Độ, Hàn Quốc,…Đầu những năm 80 của thế kỉ trước, nó làm “cơn sốt” tại Nga. Sang thập niên 90, nó trở thành “điểm nóng” trên văn đàn và cả trong giới đại học ở Trung quốc. Tại Hoa Kì, trong khi “Thơ hậu hiện đại là thơ tiên phong của thời đại chúng ta” (P.Hoover, 1994), thì ở Nga, chủ nghĩa hậu hiện đại trở thành một hiện tượng sống động duy nhất trong tiến trình văn học (V.Kuritzyn, 1992).

Hầu hết các nước trên thế giới đều có đại biểu nhà văn hậu hiện đại sáng giá, trong đó lực lượng tác giả xuất thân từ các quốc gia thuộc Thế giới Thứ ba góp mặt đông đảo: Julio Cortázar và Manuel Puig (Argentina), John M. Coetzee (Nam Phi), Mario Vargas Llosa và Alfredo Bryce Echenique (Peru), Carlos Fuentes (Mexico), Nuruddin Farah (Somalia), Abdelkebir Khatibi và Tahar Ben Jelloun (Morocco), v.v.... (Xem thêm Inrasara: “Hậu hiện đại và Thơ hậu hiện đại Việt”, sắp đăng trên Tiền Vệ).

Bạn có thể tìm đọc các tiểu luận về Tân hình thức trên Tạp chí Thơ xuất bản tại Hoa Kì (từ năm 2000 trở đi) cũng như các cuộc thảo luận về phong trào sáng tác này trên diễn đàn Talawas. Riêng chủ nghĩa hậu hiện đại, có thể tìm đọc Tạp chí Việt (1998-2001, 8 số cả thảy) do Nguyễn Hưng Quốc, Hoàng Ngọc-Tuấn chủ trương, xuất bản tại Úc và: Văn học hậu hiện đại thế giới (2 tập): Những vấn đề lý thuyết và Truyện ngắn hậu hiện đại thế giới,, Nxb. Hội Nhà văn, H., 2003.

Dài dòng văn tự như vậy để thấy rằng, bạn rất dễ bút sa gà chết [dịch] nếu bạn chưa điều kiện [muốn, khả năng] hiểu thấu đáo sự thể nào đó mà đã vội phán. Đấy là nói chuyện lí thuyết. Còn thực tiễn Việt Nam thì sao? Theo tôi biết, bạn vẫn chưa đọc hết các sáng tác thuộc hai phong trào này, phải không? Chưa đọc, chưa biết chúng tròn méo thế nào thì làm sao dám cho chúng là dị hợm? Đâu phải loại thơ nào khác với thơ mình, lối viết nào xa lạ lối viết lâu nay ta nhìn nhận thế mới là thơ, thì đều dị hợm? Thơ Nguyễn Đình Thi không dị hợm với Xuân Diệu sao? Xa hơn, Thơ Mới chẳng đã từng như thế với bị các cụ Đồ?

Bạn trách tôi cổ xuý ư? Tôi vỗ tay ở đâu cơ chứ!? Nhưng, cổ vũ sự chuyển động trong văn học có gì là xấu, khi chuyển động đó khả năng làm thay đổi thơ Việt, đẩy nền thi ca đang ì ạch của chúng ta nhích tới? Thật lòng mà nói, không giả vờ khiêm tốn đâu: tôi đã học được bộn cái hay ở hai phong trào văn nghệ này. Sau Lễ tẩy trần tháng Tư, tôi kẹt và, chính Tân hình thức đã cứu tôi tạm thời vượt qua giai đoạn bế tắc đó. Còn hậu hiện đại, tôi thường xuyên ghé viếng thăm nó.

 

2. Đồng ý, tôi không đọc nhiều; thật ra không có nhiều để đọc, và cũng không cần thiết đọc nữa. Đơn giản: mới lướt qua khoảng chục bài thơ với vài “tác giả”, tôi cũng đủ hiểu đó không gì hơn “trò lừa mị” câu khách rẻ tiền và, tắc tị! “Tác phẩm” photocopy với văn chương số, tôi không xem chúng là một tác phẩm đúng nghĩa như các Nhóm này rêu rao thế!

– Bạn không xem như vậy là quyền của bạn. Mặc thế giới thay đổi, mặc thơ ca dưới gầm trời này chuyển động, còn bạn cứ yên trí đứng lại (hay thậm chí thụt lùi), tự nguyện làm tín đồ của Chủ nghĩa “mình-thì-khác” (từ dùng của Nguyễn Hưng Quốc) trung kiên bất thối chuyển, cũng là quyền của bạn nữa! Thế bạn nghĩ sao về các tập thơ in photocopy được nhiều người chuyền tay đọc hay copy nhân bản, trong lúc các tập có giấy phép đàng hoàng, in đẹp, lượng “phát hành” lên đến con số ngàn mà có biếu cũng không chạy? Cái nào xứng danh “tác phẩm” hơn cái nào?

Nữa: Tại sao bạn dị ứng với Internet? Thế điều tra của báo Figaro, rằng 86% người Pháp sử dụng Internet cho biết họ có đọc thơ, hơn nữa phần lớn trong số họ có làm thơ (eVan, 4.2004) không đáng gờ ram mỡ dưới mắt bạn ư?

Và nếu bạn không lang thang trên mạng tìm đọc các tác giả nước ngoài, bạn có chút cơ may tiếp cận với thơ người thiên hạ không? Bởi trên thực tế, văn học dịch của ta còn èo uột, sách ngoại văn mới có mặt lác đác trong vài hiệu sách ở các trung tâm văn hóa lớn. Với thế giới, văn chương ta vẫn cứ he hé cửa. Trong khi Internet là lối thoát duy nhất giải quyết nỗi tụt hậu của chúng ta, sao bạn lại đi chối bỏ thứ phương tiện thiện xảo như thế kia chứ?!

 

3. Các trào lưu văn chương mọc lên ở phương Tây như nấm sau cơn mưa. Các bạn thơ trẻ xu hướng chạy theo phong trào thời thượng ấy cứ tưởng là mới lắm! Thực ra, Tân hình thức với Hậu hiện đại, …”đang ế khách và tàn lụi dần ở phương Tây”, đã bị các nhà thơ phương Tây vứt bỏ mấy chục năm qua rồi. Nghĩa là nó “cũ rích với thế giới” rồi!

– Lạ! Khi có vài trí thức phương Tây làm chuyến “Hành trình về phương Đông” hay đi tìm “Địa đàng ở phương Đông” thì ta mừng rơn, như thể: phương Đông đang lên giá ghê gớm lắm, nên Tây phương đổ xô đi học lại giá trị văn hóa cổ truyền của phương Đông. Còn ví có xu hướng ngược lại, thì mình vội la lên rằng con cháu hôm nay chối bỏ quá khứ với lai căng, mất gốc!

Nhưng, thế nào là vứt? Mà vứt ở mô? Các phong trào văn nghệ nẩy nở, phát triển rồi suy tàn có phải là vĩnh viễn bị chôn vào nghĩa trang văn chương như lâu nay chúng ta quan niệm và thích thú mỉa mai đầy ngây ngô không? Thử nhìn xem phong trào Siêu thực: nó thực sự chết khi thế chiến thứ hai bùng nổ, nhưng bút pháp Siêu thực vẫn còn được nhà thơ các nơi vận dụng dài dài đấy chứ!

Nữa: thế nào là cũ? Phong trào Tân hình thức và chủ nghĩa hậu hiện đại, với tư cách là lí thuyết, chỉ mới ra lò ở phương Tây 20-30 năm nay thôi, và đang thịnh hành (cũng có thể “đang tàn lụi”, như vị giáo sư đã tuyên như thế); trong khi thành tựu của Thơ Mới đã làm cuộc cách mạng lay chuyển nền thơ ca Việt Nam, không phải các nhà thơ ta học lại từ chủ nghĩa Hiện thực, Lãng mạn hay Tượng trưng Pháp, cũ gần thế kỉ đó sao?

Tại sao sợ học, sợ ảnh hưởng? Có cái gì mà không lai căng? Nếu không “lai căng” thì làm gì có chuyện tiếp biến văn hóa? Ôm khư khư cái mình có, có phải là đậm đà bản sắc? Xin mời bạn thử đứng ngoài đường mà ngó quanh mình!

Mà cần gì phải nói đến thơ văn, nghệ thuật – những thứ vốn xa xỉ, mơ hồ, khó đoán biết, khó thuyết phục. Ví như điện và các tiện ích của điện, ngày nay không người Việt nào còn nghi ngờ khả năng của nó. Nhưng vào thời Pháp thuộc, Nguyễn Trường Tộ qua Pháp nhìn thấy bóng điện, về tâu trình với triều đình nhà Nguyễn, thì bị cho đó là trò ma quỷ, xém bị chém đầu.

Với một nước đang phát triển như Việt Nam, xài đồ nghĩa địa, hàng si-đa là điều khó tránh khỏi. Các thứ cũ người mới ta ấy lại đáp ứng kịp thời nhu cầu của số đông, và cho ta kinh nghiệm tốt để xài hàng mới.

 

4. Tôi không dị ứng với cái mới và có thể nói, luôn ủng hộ giới trẻ tìm tòi, cách tân thơ. Nhưng tôi thấy “sự tìm tòi này chưa tới đâu cả”. Chắc chắn các sáng tác phẩm dị hợm ấy sẽ bị độc giả phản ứng, tẩy chay. “Không dễ gì nó vượt qua rào cản người đọc ở nước ta”. Đó là sự thật. Sự thật đó đã và đang xẩy ra, nhà thơ không nhận ra sao?

– Tới đâu là tới đâu? Một nghệ sĩ sáng tạo nếu biết mình tới đâu thì có còn hứng thú sáng tạo không? Và nếu biết được “định hướng và đích đến” – thì hết là sáng tạo rồi còn gì. Ngay Nhóm Sáng tạo, khi bắt đầu cuộc cách tân thơ ở miền Nam trong những năm 60, cũng đâu biết mình sẽ làm mới từ đâu và tới đâu! Mới, theo họ đơn giản là cắt đứt với cái đã có. Mới trong Thơ Sáng tạo là phải khác với “mới” của Thơ Mới. Mới trong thơ hôm nay là tìm lối đi khác lối đi mà đàn anh đã đi hôm qua. Đừng nói cho to tát: chôn phứt quá khứ để lên đường. Mỗi thế hệ hãy nỗ lực làm khác đi. Thế thôi!

Riêng bạn bảo độc giả phản ứng. Xin hỏi: độc giả là ai? Mà độc giả nào? Mắc mớ gì họ phản ứng? Thường thì người ta khoái lôi độc giả ra để làm bình phong cho chủ quan của mình. Và số đông quay ngược lại tin vào bình phong đó. Thế mới kẹt.

Chúng ta có chuẩn bị thế hệ độc giả tương lai đón nhận sáng tác phẩm mang tính cách tân chưa? Suốt 30 năm qua, đại đa số sinh viên ngồi giảng đường các Trường Đại học khoa học xã hội và nhân văn ta mù tịt về các trào lưu văn học đương đại thế giới. Các thế hệ độc giả hôm nay và cả tương lai gần chưa được chuẩn bị tinh thần đón nhận cái mới [nên mỗi lần đọc phải cái xa lạ, cái ngoại nhập là giật mình thột], chưa trang bị tri thức cơ bản để hiểu cái mới [đã không ít kẻ vỗ tay cổ vũ cái mới nhưng bởi lí giải thiếu thuyết phục, nên người đọc càng dị ứng với cái mới hơn]; bên cạnh đó thông tin đại chúng ta không công nhận (in, đăng báo, giới thiệu,…) các sáng tác mới, thì người đọc không thể tiếp nhận chúng thì có chi lạ!

Đâu phải cái mới nào cũng hay! Phải qua bao nhiêu cuộc sàng lọc mới đọng lại vài cái đáng lưu kho. Qua thẩm định của người đọc đặc tuyển, nghĩa là kẻ được trang bị vốn hiểu biết về hệ mĩ học văn chương đó, đánh giá hay/dở từ số lượng khổng lồ các tác phẩm thuộc hệ mĩ học đó. Và còn phải qua thẩm định của thời gian nữa.

Bạn cứ ngoái lại nhìn xem các cụ đồ Nho (Huỳnh Thúc Kháng là tiêu biểu) đối xử với Thơ Mới như thế nào cũng đủ biết. Dám trách các cụ không? Thế hệ các cụ đồ chưa biết gì về thơ phương Tây. Qua lối nghĩ, lối nói hoàn toàn xa lạ với những gì các cụ từng biết, từng quan niệm về thơ.

Và khi phong trào Thơ Mới nở rộ, thơ mới tràn lan mặt báo, để trong hơn 10 năm thế hệ nhà thơ đó cho ra đời hàng mấy vạn bài thơ [mới], mấy trăm tập thơ được in để chỉ còn hơn trăm bài sáng giá được Hoài Thanh-Hoài Chân cho đăng kí hộ khẩu thường trú trong Thi nhân Việt Nam (dĩ nhiên, Hoài Thanh không hẳn đã có lí hết).

Hãy nhớ lại: Thơ Mới được đăng tải thoải mái trên các báo chí thời chế độ thực dân Pháp mà không bị một trở ngại bởi phép tắc ngẫu hứng qua cầu nào! Và, yếu tố cần thiết cuối cùng tạo nên thành công lớn của Thơ Mới là: độc giả. Người đọc tương lai của Lưu Trọng Lư, Xuân Diệu, …đã được làm quen với các tên tuổi như: Lamartine, Hugo, Musset, Vigny, Rimbaud, Beaudelaire,…ngay từ thuở ngồi ghế trung học. Được trang bị như thế, họ không đón nhận được những Thơ thơ, Gứi hương cho gió, Lửa thiêng, Tiếng thu, Điêu tàn hay Thơ say,… mới là chuyện lạ đời! Cho nên Thơ Mới, dù bị các cụ đồ Nho phản đối kịch liệt lúc mới xuất hiện, nó vẫn làm nên cuộc cách mạng lớn trong thơ Việt.

Còn hôm nay thì sao? Chúng ta đón tiếp và đãi cơm các sáng tác Tân hình thức với hậu hiện đại chủ nghĩa như thế nào? Đó là chưa nói kẻ phiêu lưu làm mới có nhiều nhặn gì đâu. Số lượng thua xa thời Thơ Mới, trong khi dân số Việt Nam lên gấp 4 lần, số người đi học lại gấp 40 lần. Mà ít người làm mới, thì nói gì tới/làm sao đủ số lượng để sàng lọc. Nhưng, sao cứ đòi thơ Tân hình thức hay ngay từ buổi đầu nó chập chững ngơ ngác? Đáng lưu ý không kém: làm dở, làm thất bại, làm không tới đâu… là quyền cơ bản, là quyền cuối cùng của người sáng tạo. Nữa: Tại sao người ta chỉ được quyền làm hay, làm tốt mà không được quyền làm dở, làm không thành. Ngoài xã hội, ở mọi lĩnh vực, kinh tế chẳng hạn: số người thất bại cao hơn rất nhiều so với kẻ thành công đấy chứ, sao không ai “chửi họ”, mà chỉ an ủi – vì tiền mất tật mang. Với văn học, nghệ thuật cũng thế: chúng rất cần thái độ khích lệ tương tự từ phía xã hội.

 

5. Nhưng nói gì thì nói, theo tôi, sáng tác Tân hình thức và lối viết hậu hiện đại không phù hợp với truyền thống Đông phương, cụ thể hơn: truyền thống văn hóa Việt Nam. Đâu chỉ có tôi, ngay cả một tên tuổi trong làng thơ trẻ “viết đang lên tay” cũng đã nhận rằng chúng “hoàn toàn xa lạ với văn hóa người Việt cặm cụi chịu thương chịu khó” cơ mà!

– Lại truyền thống với bản sắc! Bạn hiểu truyền thống thế nào kia chứ?

Riêng về thơ, thử hỏi thơ Đường trước đó có là truyền thống Việt? Hay Thơ Mới thời Tiền chiến? Bản sắc thơ Việt có cái nào na ná Thơ tự do của Nhóm Sáng tạo không? Hoặc như áo dài, mới có lịch sử chưa tới 100 năm, thì trước đó áo gì là bản sắc? Những ngày đầu tiên của áo dài có là bản sắc?

Ôi, sao mà lệ làng với ao nhà! Sao mà mình-thì-khác đầy ngây thơ vô tội! Về vụ này, quả thật tôi không thể nói hay hơn, nên xin nhường lời cho vị khách mời!

“Biểu hiện của chủ nghĩa mình-thì-khác rất dễ nhận thấy. Nó bàng bạc ở khắp nơi.(…) Ở đâu giọng điệu của nó cũng khá giống nhau. (…) Về phương diện nghệ thuật, người ta hết lao vào thử nghiệm này đến thử nghiệm khác khiến thế giới sáng tạo lúc nào cũng trăm hoa đua nở ư? Ừ, thì cũng hay, nhưng... mình-thì-khác. Về phương diện văn học, từ lâu người ta đã bước vào giai đoạn hậu hiện đại chủ nghĩa với những quan niệm mới mẻ và vô cùng lý thú ư? Ừ, thì cũng hay, nhưng... mình-thì-khác. Thậm chí, cả đến thơ tự do vốn đã phổ biến khắp nơi trên thế giới, ở Việt Nam nó vẫn còn bị rất nhiều người, kể cả giới cầm bút, xem không phải là thơ. Lý do? Tại... mình-thì-khác…

Thứ chủ nghĩa mình-thì-khác ấy làm tắt nghẽn mọi nỗ lực vận động cách tân, và cùng với nó, mọi thiện chí tranh luận. Những tín đồ của chủ nghĩa mình-thì-khác hiếm khi nào dám thẳng thắn phản đối hay đặt nghi vấn đối với những giá trị đã được nhìn nhận ở những nơi khác.” (Nguyễn Hưng Quốc, Chủ nghĩa “mình-thì-khác”, trong cuốn Văn hóa văn chương Việt Nam, Văn mới, Hoa Kì, 2002, tr.21-22)

Vậy đó! Bản sắc có phải quay nhìn lui về quá khứ hay đi giật lùi về nguồn? Còn phải đi tới đâu mới gặp nguồn như là nguồn? Hỏi ngôi tháp Chàm kia có bao nhiêu phần trăm là Ấn Độ, bao nhiêu là Chăm? Nó được người Ấn mang tới hay do một nghệ sĩ Chăm nào đó nổi hứng khênh về, không là vấn đề. Nhưng muốn được là tháp Chàm, người nghệ sĩ đã phá nhiều, rất nhiều (tiếp thu sáng tạo, như chúng ta dễ dãi nói thế). Trong hành động “phá” này, vô thức (bản sắc cũ) và ý thức (tài năng nghệ sĩ) cùng có mặt. Tài năng cá nhân càng lớn thì phần “phá” càng vượt trội. Một khi có đột biến trong sáng tạo, chúng ta gọi đó là thiên tài.

Như vậy, bản sắc chính/đa phần là cái gì đang chuyển động hình thành chứ không/ít là cái đã đóng băng. Mà muốn làm nên bản sắc, con người sáng tạo phải thật sự dũng cảm. Biết và dám khênh về là dũng cảm, dám và biết “phá” càng dũng cảm trăm lần hơn. Bởi mãi lo khư khư ôm lấy kho bản sắc [cũ], chúng ta đã tự cách li và cô lập mình với xung quanh. Và, chẳng nhích lên tới đâu cả!

 

6. Nhưng thi pháp Hiện thực và Lãng mạn là thực, rất gần với tâm hồn người Việt Nam, nên khi tiếp nhận nó, các nhà thơ ta đã làm nên một cuộc cách mạng lớn trong nền thi ca Việt Nam. Còn Tân hình thức với Hậu hiện đại hay gì gì nữa,… tôi không tin lắm. Thơ chỉ có thể cảm, đâu cần phải hiểu? Cần gì đến cái gọi là “phương pháp nghệ thuật” kia chứ? Cứ viết thật lòng mình, “viết giản dị tự nhiên” và viết cho hay đâu cần phải hết thử nghiệm này sang thử nghiệm nọ?

– Này nhé! Bạn thử quá bộ vào một phòng triển tranh Cổ điển: dù trình độ nghệ thuật hạn chế tới đâu bạn cũng có thể mơ hồ nhận ra bức này đẹp [giống], bức kia xấu [không thật]. Rồi, sau đó bạn thử dời gót sang phòng tranh Lập thể, chắc chắn bạn sẽ rối mù lên mà coi! Một khi bạn chưa biết gì về hệ mĩ học của trường phái Lập thể, bạn không thể hiểu, không thể thưởng thức thì có gì đáng trách đâu. Trách chăng khi bạn đứng giữa phòng triển lãm kia và la lối rằng bọn họa sĩ phương Tây vẽ rối mò, cái nào cũng như cái nào, tôi chẳng hiểu gì sất!

Đâu phải cả trăm bức tranh mới lạ kia đều đẹp. Muốn thưởng thức nó, và nhất là muốn biết nó đẹp/xấu thế nào, bạn phải được kinh qua trường lớp, bằng tiếp xúc thường xuyên, nhất là qua giới thiệu phân tích của các nhà phê bình tay nghề cao. Không thể khác! Nhìn từ hướng ngược lại, chính bởi người đọc chưa được trang bị tri thức căn bản về phong trào văn nghệ mới, nên họ mới dễ bị kẻ cách tân dỏm “lừa mị”.

Trường hợp của Lãng mạn và Hiện thực cũng thế, không tiếp xúc liên tục và thường xuyên, bạn đâu có được sự tự nhiên đến ấu trĩ và bảo thủ như ngày nay.

Thử điểm qua vài giọng thơ Việt của thế hệ qua và phản ứng của các đại biểu của chúng. Tại sao các thế hệ thơ không thể chấp nhận nhau, dù họ đều là trí thức hàng đầu ở thời đại họ? Nhà thơ hàng đầu nữa! Huỳnh Thúc Kháng, Xuân Diệu, Nguyễn Đình Thi, Nguyễn Quang Thiều, Đinh Linh cho đến tận hôm nay: Lý Đợi, Bùi Chát.

Cụ Huỳnh Thúc Kháng đòi nọc Lưu Trọng Lư ra đánh roi; và trong lúc Xuân Diệu không cho thơ Nguyễn Đình Thi là thơ, thì Tố Hữu chẳng chút ngần ngại khi thò tay sửa nát bét tập thơ thi sĩ tài hoa đậm tính cách mạng này. Cũng chớ quên vụ nhà thơ Trần Mạnh Hảo kêu đích danh thơ Nguyễn Quang Thiều là loại “thơ giả cầy, thơ dịch” mà dịch rất tồi! Cứ thế, tiếp tục chương trình…

– Thứ hai: tại sao lại sợ phương pháp sáng tác? Và thế nào là hay? E.Pound: Không có bài thơ hay nào được sáng tác bằng phong cách đã hiện hữu cách nay 30 năm! Chớ tìm đâu xa, cứ nhìn vào tiến trình thơ Việt Nam cũng đủ biết. Chỉ nói về thể thơ thôi: đâu phải cứ Lục bát truyền thống với Hát nói mà cày! Trong không đầy một thế kỉ, các thế hệ nhà thơ Việt đã biết đến Thơ Tám chữ, Sáu chữ, Tự do có vần và không vần, rồi là Thơ xuôi, …Riêng lục bát, đâu phải mỗi lục bát dân gian Nguyễn Bính mà còn có lục bát trí thức Huy Cận; bên cạnh thi pháp lục bát mơ hồ sương khói nhà Phật của Phạm Thiên Thư còn có thi pháp lục bát hậu hiện đại của Bùi Giáng; rồi lục bát vắt dòng, ngắt nhịp bằng dấu gạch chéo, dấu gạch ngang, …của Du Tử Lê nữa.

Thế thì nếu sợ phương pháp sáng tác, chúng ta cứ dậm chân tại chỗ, không bao giờ nhích lên cõi sáng tác chuyên nghiệp được là cái chắc.

Và “thật” là gì? Thế nào gọi là tự nhiên? Tự nhiên là từ khó hiểu nhất trong vốn từ vựng của nhân loại, Phạm Công Thiện nói thế. “Tự nhiên” hôm nay của anh/chị không gì hơn là quả cấu thành từ bao nhiêu nhân trước đó: nền giáo dục anh/chị tiếp nhận, các cuốn sách anh/chị đọc, giao tiếp với anh em bạn bè ta, di truyền từ cha mẹ ta, môi trường tự nhiên ta sống,..

Hãy dám là mình! Cái mệnh đề lâu nay các bạn thơ trẻ hót như vẹt ấy, thời thượng và hời hợt ơi là hời hợt! Về sáng tác thơ, nỗi “tự nhiên” với “thật” của anh/chị chắc chắn chỉ là tàn tích rơi rớt lại đâu từ thời Thơ Mới hay thơ của Nhóm Sáng tạo miền Nam để lại mà không hay không biết!

Nguyễn Đình Thi: “bao nhiêu người thành thật làm khổ chúng ta, khi bắt ta đọc thơ tâm tình của họ” ("Mấy ý nghĩ về thơ", tạp chíTác phẩm mới, số 03.1992).

 

7. Trở lại luận điểm ban đầu: thế đã rõ là nhà thơ là người ủng hộ sự thể nghiệm, bất kì thể nghiệm nào? Và như thế: Theo nhà thơ cứ để cho bọn trẻ tự do!?

- Đúng, cứ để cho họ dọc ngang thoải mái thể hiện: sáng tác, ra sách, giao lưu trao đổi, hay trình diễn thơ gì gì khác…Thứ nhất, cấm thì gây thêm tò mò cho người đọc; thứ hai: ở đó mà cấm với chả cấm trong thời buổi bùng nổ thông tin này!

Chuyến đi Đức đọc thơ của Nguyễn Hữu Hồng Minh vào cuối năm 2005 là một minh chứng khá hùng hồn cho sự vụ. Ví Nhà nước cấm không cho nhà thơ này đi, thiệt hại trước tiên thuộc phía Nhà nước đã: cánh trẻ [và cả “bọn xấu”] sẽ kêu đích thị Việt Nam thiếu dân chủ; sau đó người đọc chịu thiệt: không biết thơ trẻ hay ra răng, mới lạ tầm cỡ nào mà bấy lâu bị lực lượng “bảo thủ” ngăn cản ghê quá; và sau cùng là thiệt thòi về phía kẻ sáng tác: Nguyễn Hữu Hồng Minh [và…] mất cơ hội ngộ ra mình đứng ở đâu trong dòng chảy của thi ca hôm nay. Ngược lại, nếu cho thoải mái: lợi tất!

Kinh nghiệm Nhóm Mở Miệng với Nguyễn Hoàng Tranh (nhà thơ đang sống tại Úc) đọc và nói chuyện về thơ đương đại tại Lớp cử nhân tài năng ở Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn Tp.Hồ Chí Minh vào năm 2004, cũng thế. Thơ họ “bị sinh viên tôi phản đối quá, muốn tẩy chay luôn” (lời vị giảng viên phụ trách lớp). Hoặc thế đứng Nguyễn Thúy Hằng trong buổi ra mắt sách tại Viện Goethe cuối tháng 03.2006 cũng vậy (Xem Inrasara: “Ra mắt Thời hôm nay, khoái cảm và điên rồ hợp lý của Nguyễn Thúy Hằng” hay “Biên bản lập chậm”, chưa đăng).

Nêu 3 sự kiện thả cửa hiếm hoi trên để thấy rằng, dù sau trận đem thơ đánh xứ người, Nguyễn Hữu Hồng Minh đã “tự tri tự ngộ” tới đâu, hay vụ “phản đối, tẩy chay” Nhóm Mở Miệng bởi những nguyên nhân nào, hoặc nỗi “mất hút” Nguyễn Thúy Hằng ra sao chăng nữa, là vài kinh nghiệm quý hơn vàng, và phải được xem như tín hiệu tốt lành cho văn chương Việt Nam trong thời kì hội nhập. Còn cứ một mực cấm chợ qua cắt giấy phép Nhóm Mở Miệng đọc thơ ở Viện Goethe rồi là ngăn sông Những con ngựa trời ra mắt Dự báo phi thời tiết tại thủ đô, thì xin hỏi có ơn ích ai không cơ chứ!?

Hãy để các thế hệ trẻ quyền đánh giá và chọn lựa nhau. Nhưng trước hết, hãy trang bị cho họ tri thức cơ bản để họ đủ khả năng đánh giá và chọn lựa. Bởi chính họ chứ không phải ai khác là kẻ viết lịch sử văn học Việt Nam ngày mai.

Để cho bạn thơ trẻ tự do (kể cả tự do buông tuồng), nếu họ “không đi tới đâu” hay dị hợm vô lối thì chính họ sẽ tự đào thải. Người đọc thời hiện đại đủ khôn lớn để không dễ dãi với trò rác rưởi, nhố nhăng, nhảm nhí! Từ đó, cái mới-hay sẽ tồn tại, như một giá trị-mới làm nên truyền thống-mới của văn học Việt Nam.

 

8. Nhưng dù gì thì gì, tôi thấy các sáng tác cách tân hôm nay cứ na ná nhau sao ấy! Đâu phải chỉ có tôi nhận ra sự vụ đó. Cả làng đều biết. Thử đọc một đoạn nhé:

“Tôi tự hỏi điều gì đã khiến Nguyễn Thuý Hằng và một số người viết thế hệ chị cứ mãi quẩn quanh với những “hạt kinh nguyệt không đồng đều”, những “hạ bộ mặt trời”, những “bọt khí”, “chấm đen đầy máu” hay “não chảy dịch vàng”, “lớp nhầy mưng mủ”, những “tụt quần”, những “mở khoá quần”...” (Nguyễn Thanh Sơn, “Câu chuyện chú mèo và cuộn len hay về Thời hôm nay, khoái cảm và điên rồ hợp lý của Nguyễn Thuý Hằng”, Talawas, 06.04.2006.)

- Chúng ta đã nửa lần bàn lướt qua vấn đề này ở trên rồi. Chỉ xin kể chuyện vui: Thuở lên tám chăn trâu, có bạn chăn mới suốt ngày mải lo tách đàn trâu 5-6 con của mình khỏi bầy khoảng vài trăm con. Hắn nơm nớp sợ nếu cho ăn lẫn, chiều về không biết đâu là trâu nhà với trâu cánh bạn để lùa về chuồng. Cả tôi cũng vậy, với lũ trâu thì không vấn đề gì, nhưng với đám dê, tôi cứ mở to con mắt kinh ngạc khi ông già kia tách đàn cả mấy chục con nhà mình giữa cả ngàn con kia. Dê như dê mà! Với lính Mỹ cũng chẳng khác gì: bọn chăn trâu chúng tôi cứ tò mò muốn biết làm sao ông trung sĩ kia phân biệt được chú lính này với chú lính khác mà kêu tên?!

Trình độ chưa qua sơ cấp về nhân chủng của chúng tôi đã ra nông nỗi ấy!

Với hội họa Lập thể, Trừu tượng, Dã thú,… hay thơ thể nghiệm cũng không khác mấy. Đâu biết đâu là đâu! Câu cú dài ngắn chẳng ra thể thống gì cả; từ ngữ thì rối rắm, lắm lúc thô tục; vần chẳng thấy đâu; nhịp điệu trúc trắc gồ ghề; rồi là các dấu, đủ thứ dấu; con chữ khi to khi nhỏ, lúc viêt bông lúc thì không; cấu trúc bài thơ vô trật tự, ý tưởng nhảy cóc như lũ khỉ, đang nói chuyện này nhảy sang việc khác; rồi thì có tay còn cướp cạn [nhại giễu] thơ kẻ khác làm thơ mình nữa chớ!… Vân vân. Nghĩa là không thể hiểu được bọn tự vỗ ngực là tiền vệ nói cái gì, bài giống bài, tập như tập, tác giả hệt tác giả.

Không đâu vào đâu, chủ yếu là do thói quen thơ của chúng ta. Thói quen làm với thói quen đọc. Một khi chúng ta chịu dịch chuyển suy tư sang chiều hướng khác, chịu chấp nhận cái khác mình, mọi sự sẽ thay đổi.

Thế nhưng không phải cái mới hôm nay không dẫm đạp lên nhau, nhiều nữa là khác! Do thói lười biếng lao động nghệ thuật, cái mới rất dễ “lừa mị” người đọc rằng nó độc đáo, khi nó chỉ lo “khác cái cũ” thôi mà bỏ qua không tính tới công đoạn “khác chính nó”. Đó là điều tôi gọi là sự hời hợt và đồng bộ trong cái mới [hay cái ra vẻ mới] hôm nay. Các tác giả trẻ trang bị thứ tâm lí rất kì lạ: vừa khao khát, đồng lúc vừa sợ khác các bạn đồng hành. Thế là lặp lại nhau, vô thức hay hữu thức. Rõ hơn cả, không chỉ ở ngôn ngữ thơ như Nguyễn Thanh Sơn rất thích thú nhặt ra mà, ở chính hình ảnh và ý tưởng thơ. Hình ảnh “ngựa” hay cái nỗi “tìm mình” chẳng hạn. Ngựa từ Xuân Diệu sang Hoàng Hưng đến Vi Thùy Linh, Ly Hoàng Ly, Trần Lê Sơn Ý,.. cứ thế mà ngựa!

Thức dậy đi hỡi chú ngựa non của đồng ngực trẻ
Thức dậy và tung bờm cất vó
Phóng như điên…
Thức dậy đi ơi chú ngựa
đã ngủ sâu trong đáy tim nhiều năm tháng.
(“Bài ca ngựa non”, trong Thơ hôm nay, Nxb.Đồng Nai, 2003, tr.213)

Rồi mãi tận Đinh Thị Như Thúy nữa, ngựa chưa bao giờ làm vắng mặt!

Trái tim tôi là con ngựa bất kham
Sải vó dài trên đồng cỏ.
Gió ngùn ngụt gió.
(Đinh Thị Như Thúy, “Một ngày tháng sáu”, vannghesongcuulong.com)

Rồi khi Những con [bọ] ngựa trời xuất hiện, ngựa đã thành một cuộc [mốt] chơi không biết đâu là cùng tận:

Em là con ngựa bất kham vừa chạy trốn vừa chạy theo những ám ảnh...
(Khương Hà, “Bên trái là đêm” trong Dự báo phi thời tiết, Nxb.Hội Nhà văn, 2006, tr.32)

Nếu ngựa Xuân Diệu (Và hồn tôi như ngựa trẻ không cương / Con ngựa chiến ngất ngây đường viêu viễn) biểu hiện nỗi ngây thơ, mơ mộng đẫm chất lãng mạn; hoặc ngựa của Hoàng Hưng là ngựa cô độc đầy kiêu hãnh lạc giữa tập thể bầy (Em là con ngựa non thon vó / Lạc giữa rừng người hoang vu) thì ngựa của các bạn thơ nữ trẻ hôm nay nhất tề hô khẩu hiệu đòi tháo cũi sổ lồng, giải phóng mình khỏi buộc ràng phép nhà xã hội. Tất cả – một giuộc!

Ừ, thì vậy. Đó là tâm thế chung của phụ nữ thời đại. Nó đã vậy và phải vậy. Cả chuyện “đi tìm mình”, “dám là mình”, “là chính mình”,…cũng không khác nhau phân tấc.

lọt qua kẽ tay
tôi muốn nhoài người ra biển lớn
tìm mình.
(Trương Gia Hòa, Sóng sánh mẹ và anh, Nxb.Văn Nghệ, 2005, tr.88)
 
Tôi tìm lại mình trong những giấc mơ cong queo hình vỏ quế
(Khương Hà, “Lẩn thẩn”, trong Dự báo phi thời tiết, tr.42)
 
Em là ai mà chưa chính mình?
(Nguyệt Phạm, “Chữ gọi mùa đam mê”, trong Dự báo phi thời tiết, tr.87)

Thời đại hôm nay không chấp nhận sự đồng bộ trong lối nghĩ/lối sống, không chịu vong thân giữa cộng đồng bầy đàn như đã. Là ý hướng tốt, đáng xoa đầu khen ngợi lăm lắm. Nhưng đó là nói chuyện đời; còn trong thơ thì khác. Tuyệt đối, khác hay là chết! Anh/chị phải nỗ lực khai phá tìm tòi thi ảnh lạ, tứ thơ mới. Hoặc, ví có xài hàng cũ, thì thái độ ứng xử với chúng phải khác, trên tinh thần khác: đùa xíu chẳng hạn; chứ tôi thấy các bạn vẫn còn nghiêm nghị căng thẳng bật máu quá xá!. Nếu không, vô hình chung các bạn rập khuôn người đi trước và, rập khuôn bạn thơ ở ngay thế hệ mình! (Xem thêm Inrasara: Ngựa đi tìm mình hay Về nỗi sáo mòn trong thơ trẻ hôm nay, chưa đăng)

 

9. Đúng, rập khuôn. Tránh vỏ dưa phép cũ lại đạp phải vỏ dừa khuôn mới! Nhất là các bạn thơ nữ! Vậy mà theo nhìn nhận chung: cánh nữ đang thắng thế. Sự thắng thế này sẽ dẫn văn học Việt Nam đến đâu? Và nhà thơ nghĩ thế nào về hiện tượng âm thịnh dương suy trong văn chương hôm nay? Nó là hiện tượng văn chương hay hiện tượng xã hội?

– Có thật đã xảy ra sự vụ đó? Sao mà ngây thơ lãng đãng thế nhỉ?! Mèng ơi, phát biểu không gì hơn một suy tư hời hợt hay chả thấy động não chút nào cả! Ở đây tôi mạn phép chị em đắp bờ con đầy tôn trọng để xin một lần nhắm mắt hô to mà không sợ trật rằng: Văn học Việt Nam giai đoạn qua, cánh chị em thua sút nam giới về mọi phương diện, ở mọi thể loại. Vật chứng rành rành nhé. Hãy quay lại 10 năm để có độ lùi nhất định:

Văn xuôi thì tôi không chắc lắm, chỉ tính riêng thơ, giữa những tên tuổi Thi Hoàng, Trần Tiến Dũng, Nguyễn Quốc Chánh, Mai Văn Phấn, Đỗ Kh, Nguyễn Hoàng Nam,… xin bạn hãy cho tôi biết có hình dáng kiều nữ nào đủ khỏe khoắn để chen chân vào không?! Viết truyện phục vụ để được mấy thế hệ thiếu niên hâm mộ tung hô như Nguyễn Nhật Ánh, có nhà văn nữ nhi nào với tới? Viết đa dạng [thơ và văn xuôi đều hay] như Nguyễn Quang Thiều, Nguyễn Bình Phương,… lại càng không! Riêng mặt trận nghiên cứu - phê bình thì hoàn toàn vắng bóng cánh chị em.

Còn hôm nay? Trong các anh tài [thơ] Phan Nhiên Hạo, Nguyễn Hoàng Tranh, Vương Huy, Văn Cầm Hải, Nguyễn Hữu Hồng Minh, Lê Vĩnh Tài, Nguyễn Vĩnh Nguyên, Nguyễn Vĩnh Tiến,... may mắn lắm mới có 1,2 nữ sĩ lọt vào danh sách. Đặt bên cạnh Nhóm Mở Miệng, Những con ngựa trời đã ra tấm ra món gì chưa?

Nhìn tổng thể, quý cô chỉ xuất hiện ở lớp váng trên mặt báo, chủ yếu gây ồn rồi… tắt. Đó chỉ có thể gọi là hiện tượng xã hội, không hơn. Đúng hơn: hiện tượng của/cho báo chí! Lẫn lộn hai lĩnh vực văn chương và báo chí là nhầm lẫn khá to cồ của giới chữ nghĩa chúng ta, giai đoạn qua.

 

10. Như vậy, qua đối thoại tôi mới hiểu là nhà thơ chê nhiều chứ có cỗ vũ hay ca ngợi cánh trẻ như bị đồn thổi vậy đâu! Nhưng dẫu sao tôi cứ ngờ ngợ nhà thơ đang bơi lấp lửng giữa mới và cũ, giữa khen và chê, truyền thống với hiện đại,.. Vậy xin hỏi: đâu là quan điểm chuẩn của nhà thơ và, đâu là phương pháp phê bình Inrasara?

– Tôi từng nói tôi sống/viết ở đường biên mà lị! Có khen chê đâu mô! Nhà thơ chứ trẻ nít đâu mà vòi roi vọt hay bánh kẹo. Tôi cũng không quan tâm đến lối phê bình được mệnh danh phê bình bắt sâu hay thưởng hoa. Điều tôi muốn làm là “lập biên bản” (như cảnh sát giao thông lập biên bản hiện trường tai nạn ấy mà) các sự biến văn chương (thơ là chính) đang xảy ra trong thời đại tôi đang sống, những con người đang làm việc và sáng tạo cùng thời với tôi. Có chú cảnh sát nào dám bỏ sót tai nạn đâu, nếu chú ta làm thiệt, không muốn bị kiểm điểm. Người sống thời sự văn học nào cũng hành xử vậy thôi, nếu hắn không muốn bị tụt hậu hay không chấp nhận lỡ tàu thời đại.

Lập biên bản nghĩa là phơi mở sự việc như nó là thế mà không áp đặt một lối nhìn nào bất kì. Dù đó là lối nhìn nhân danh truyền thống hay bản sắc văn hóa dân tộc, một chân lí đinh đóng hay cái đẹp vĩnh cữu. Cũng không phải từ lập trường văn học trung tâm nào, từ chủ thuyết văn chương thời thượng nào. Tôi đã cố giữ nguyên hiện trường như thế với Nhóm Mở Miệng, với phong trào Tân hình thức Việt và mọi tác giả ý hướng cách tân đơn lẻ khác. Diễn đạt bằng ngôn từ giản đơn nhất có thể các quan điểm sáng tác, qua đối chứng với chính sáng tác phẩm của họ đặt trong tiến trình phát triển thơ Việt trong thời đại toàn cầu hóa.

Các quan điểm sáng tác ấy chưa hẳn đã cùng lối nghĩ tôi hay tôi đã đồng tình hoàn toàn với nó, nhưng tôi cố gắng nhìn nhận nó như là nó. Thế thôi!

 

11. Đã có quá nhiều bài tụng ca ca ngợi vống lên vài tên tuổi mới xuất hiện chưa có thành tựu đáng kể nào, lại ca ngợi không đặt trên nền tảng nào, thiếu dẫn chứng thuyết phục từng đã tạo dị ứng trong dư luận người đọc, nhà thơ không sợ mình vướng vào hệ lụy đó sao? Ở phía khác: chụp mũ với trù dập…

– Chúng ta đã bàn qua rồi: sự lẫn lộn giữa văn chương [đích thực] và [văn chương] báo chí đã tạo ra bao nhiêu ngộ nhận tệ hại. Người ta dễ dãi bày ra cái nhãn mác “nhà thơ siêu hình” (khi chưa cho người đọc hiểu món siêu hình là nỗi gì) hay “biểu tượng giải phóng phụ nữ trong văn học” (mà chưa hề trình tâu câu thơ nào khả dĩ minh họa cho phán quyết bạo phổi đó) hoặc “cách tân táo bạo” (nhưng không dẫn ra một so sánh tối thiểu với cái từng xuất hiện trước đó) chỉ là những phát ngôn bất cập và tùy tiện của không ít người làm phê bình [cảm nhận], thời gian qua. Thế mà cái nhãn mác kia được nhà thơ vốn nhẹ dạ cả tin viết vào giấy dán ngay lên … cột tập thơ mình! Tung hứng đánh đu qua lại như rứa, làm sao người đọc không quay lưng với thơ cơ chứ! Có thể gọi đó là món kí sinh văn nghệ. Trước tiên, đàn em kí sinh tên tuổi đàn anh/chị mà leo lên; sau đó, sự kí kinh phát triển theo chiều ngược lại!

Ngoài sự thiếu tư thế tự do và thiếu hiểu biết về lí thuyết mới, sự chưa đủ cô đơn cho … phê bình (không giữ khoảng cách cần thiết với đối tượng) là một trong những lí do khiến vài ngòi bút đàn anh/chị sa lầy trong thẩm định tác phẩm.

Sự phán quyết thiếu vật chứng ấy sinh ra bao nhiêu là hệ lụy.

Đấy là nói chuyện “khen”, riêng chê thì xin miễn bàn! Tại sao ư? Đơn giản: Có ai thấy các tập thơ như: Xáo chộn chong ngày, (2003), Tháng tư gẫy súng (2006) của Bùi Chát; Bảy biến tấu con nhện (2003), Trường chay thịt chó (2005) của Lý Đợi; Chuyển động thẳng đứng (2001), Đống rác vô tận (2004) của Phan Bá Thọ, hay Dự báo phi thời tiết (thơ của 5 tác giả nữ, Nxb.Hội Nhà văn, H., 2005),… được “chê” bao giờ và ở mô đâu.

Bởi chúng ta chưa có diễn đàn tự do thật sự nên, người đọc chỉ được nghe một chiều. Các đối tượng bị oan không có tí ti cơ hội nào mà đánh trống kêu. Do đó, mọi thiệt thòi đều đổ về phía người đọc, hay nói to hơn là: văn học Việt Nam!

 

12. Câu hỏi tạm kết: xin nhà thơ cho biết đâu là lối thoát cho thơ hôm nay? Năm ngoái nhà thơ đã từ chối trả lời câu hỏi rất thẳng của tôi. “Tôi không nhất trí với sự chạy trốn trách nhiệm này, khi nhà thơ nêu nhưng không giải quyết được vấn đề”.

Chớ mà dại dột tự kí phép cho mình làm thầy lang bốc thang thuốc xuyên tâm liên chữa bách bệnh cho nền thơ Việt Nam. Chỉ xin thành thật với nhau một điều là: cần thiết phải có diễn đàn văn học tự do. Diễn đàn, chúng ta không thiếu: Văn nghệ, Văn nghệ trẻ,… Tuy nhiên, các tờ báo chuyên văn học của Hội Nhà văn chưa mạnh dạn chấp nhận tiếng nói khác mình hoặc ý tưởng đa chiều. Bóng đè của Đỗ Hoàng Diệu hay trước nữa, Vụ Hoa thủy tiên chẳng hạn, người đọc chỉ được cho nghe một bề “phê”, chứ chưa thấy đâu ý kiến ngược. Thì làm sao dư luận rộng đường? Hiện tượng Nhóm Mở Miệng hay Những con ngựa trời xôm tụ là thế, có bao giờ Văn nghệ, Văn nghệ trẻ hạ cố dành cho ít trang gọi là?! Chỉ có vài tờ báo không chuyên “đặc trị” chúng.

Hội nghị những người viết văn trẻ vừa qua, khá nhiều ý kiến phê phán Văn nghệ trẻ. Theo thông tin lóm được, bạn trẻ tập trung chê Văn nghệ trẻ “không trẻ”, vì báo chỉ chuyên đăng các sáng tác già cỗi, cũ mèm! Đó là một phê phán đúng nhưng thiếu và, không cao tay. Bởi ranh giới cũ/mới, dở/hay,… trong sáng tác, nhất là thể loại thơ thì cực mơ hồ, có bàn đến tận thế cũng không xong.

Đánh giá Văn nghệ trẻ vài năm qua, Nguyễn Quang Thiều dù cố gắng nhỏ nhẹ cũng phải kêu lên một tiếng: “Tôi nghĩ Văn nghệ trẻ đang rời xa đối tượng cơ bản nhất của mình” (Văn nghệ trẻ, ngày 25,06.2006). Nguyễn Quang Thiều đã không cụ thể. Theo tôi, cái dễ thấy nhất ở tờ báo là nó đã và đang mang vác một thứ thừa và ba cái thiếu. Thừa và thiếu nghiêm trọng.

- Thừa: bổn phận của Văn nghệ trẻ có phải dành đến 7-8 trang báo để đa mang chuyện xã hội hay đánh tiêu cực? Đánh tiêu cực xã hội, Văn nghệ trẻ cạnh tranh nổi với Thanh niên hay Pháp luật,… chắc? Trong khi báo ta lại đem bỏ chợ đứa con đẻ [nhiệm vụ chính] của mình.

- Thiếu: đó là thiếu về sự trình bày lí thuyết, trào lưu văn nghệ đương đại. Trình bày đầy đủ, chính xác với lối nhìn khách quan và nhiều chiều. Để thế hệ nhà văn trẻ chúng ta bớt đi cái nỗi lạc hậu tình hình văn chương của người thiên hạ.

Thiếu thứ hai là thiếu về giới thiệu các khuôn mặt xuất sắc của văn chương khu vực và thế giới, nhất là các khuôn mặt mới. Để bạn văn trẻ biết mình đang đứng ở đâu trong dòng chảy của văn chương thế giới, tránh sự hợm mình kiểu cóc ngồi góc mâm.

Thiếu thứ ba là Văn nghệ trẻ chưa bao giờ dũng cảm giới thiệu đến nơi đến chốn trào lưu, hiện tượng thơ văn trong nước gây xôn xao [cả thật lẫn giả] dư luận. Để người đọc nhận chân giá trị của các sáng tác đó. Và, nhiều thứ khác nữa…

Đó là nỗi không làm tròn bổn phận của tờ báo chuyên, một không làm tròn tưởng vô thưởng vô phạt nhưng thật sự đã tác hại không nhỏ đến phát triển của văn học hôm nay và cả mai sau.

Tóm lại, tuần báo Văn nghệ, tạp chí Văn (tp.Hồ Chí Minh) lâm trọng bệnh 20 tháng qua rồi, mãi hôm nay vẫn chưa có dấu hiệu ngoi ngóp. Như vậy, chúng ta chỉ còn hi vọng Văn nghệ trẻ, Văn nghệ “hãy là mình”, “dám là mình” và, “đừng rời xa đối tượng cơ bản nhất của mình”, như kẻ đã từng nuôi lớn nó mong mỏi thế.

 

* Lẽ ra chương trình Góp nhặt sỏi đá xin tạm ngưng tại đây, như nhiệm vụ nó đặt ra cho mình ban đầu: thu lượm các nhầm lẫn lặp đi lặp lại trong nhìn nhận về thơ Việt hôm nay. Xong việc, nghỉ là đúng phép nhà. Nhưng một bạn có lẽ còn ấm ức nên, đã hăng hái chất vấn ngoài lề. Đây là câu hỏi/trả lời muộn hơn cả (Báo Thể thao-Văn hóa ngày 14.07.2006). Tôi tạm dùng nó làm phần kết cho Đối thoại giả định-thật này.

 

13. Đó là yếu tố khách quan, còn chủ quan của người sáng tác? Trong "Chân dung cát", nhà thơ viết: "Càng hiếm hoi hơn nữa con người tuổi trẻ của ngày hôm nay chịu suy tư trong cô độc hơn là thích làm nổi bật mình nơi đám đông". Trong tập tiểu luận có cái tên rất gợi: "Chưa đủ cô đơn cho sáng tạo", nhà thơ cũng nói rằng: "Không phải người viết văn làm thơ hôm nay chưa thâm nhập đầy đủ vào thực tiễn cuộc sống của quần chúng lao động; không phải do chúng ta dốt, không đọc nhiều, kém tri thức về các trào lưu văn chương thế giới; không phải bởi thế hệ mới còn quá mỏng kinh nghiệm; càng không phải đại bận rộn tiêu mất quá nhiều thời gian của người viết, mà thiếu, nguyên nhân chính - sâu xa và nền tảng hơn, như là nguyên nhân của nguyên nhân - do kẻ sáng tạo chưa đầy đủ cô đơn. Cô đơn đầu tiên và cuối cùng. Sự cô đơn cần thiết để tạo nên tác phẩm chiều sâu...". Vậy chúng ta phải “phấn đấu” cô đơn mới có sáng tạo mới hay sao?

Mô phật! Tôi phân cấp “cô đơn” của kẻ sáng tạo làm 3 lô khá là rành rọt: thời kì tìm ý thai nghén mang nặng, giai đoạn tập trung viết tác phẩm (chính xác hơn: kì gian ngồi trước trang giấy/màn hình không chữ) và, sau khi đứa con tinh thần mở mắt chào đời. Do mãi nhăm nhăm vào lô thứ nhất: nhà văn tách khỏi sinh hoạt tập thể, xã hội và cộng đồng nghề nghiệp mình, nên đã có vài ngộ nhận không đáng có. Đó mới là cô đơn ở cấp độ thứ nhất, chính danh – “cô độc”. Nói theo ngôn ngữ nhà Phật, nó chỉ dừng lại ở quả vị A-la-hán, chứ chưa bước sang bờ bên kia. Và tôi cũng không đặt nặng nó cho lắm. Nên có thể nói, vài phản ứng vụn từ khi bài viết xuất hiện xung quanh “cô đơn” chỉ mon men ngoài hè hay mới dừng lại ở cửa mà chưa bước lên chánh điện. Lạ vậy chứ!

Cô đơn LÀ tự do LÀ sáng tạo. Khi tôi chết đi mọi thiên kiến, mọi lo âu thường nhật; khi tôi chết đi mọi âm thanh và cuồng nộ của cuộc người; nhất là, khi tôi chết đi mọi sợ hãi – là tôi cô đơn.

Cô đơn đầu tiên và cuối cùng, đấy là bắt chước lối nói của Krishnamurti (The first and last Freedom). Là khoảng rỗng nơi tâm thức kẻ sáng tạo. Không phải tôi sở hữu nó như thể trẻ con sở hữu hòn bi, mà chính nó chiếm hữu tôi, ném tôi vào khoảng rỗng vô định và đầy bất an của nó. Trước trang giấy trắng hay màn hình xanh nhạt (trời đất! có ai ngồi trước tờ giấy trắng một cách tập thể đâu!), tôi không còn nghe một giọng mơ hồ nào đó răn đe, thoát khỏi mọi nhắc nhở phải thế này hay không nên thế kia,… Tôi LÀ một sinh thể tự do. Như thiền sư đạt đạo thơ ca, thõng tay đi vào chợ, thong dong giữa miền cuộc đời. Dẫu lang thang vào các làng Chăm Phan Rang cháy nắng hay ngược xuôi giữa nhộn nhịp đường phố Sài Gòn, hội nghị họp hành của Hội Nhà văn hoặc nhậu nhẹt bù khú anh em vỉa hè… nhưng tôi vẫn cô đơn. Cư ngụ trong khoảng rỗng đó, sáng tạo sẽ tuôn tràn.

Còn ở lô thứ ba: sau khi tác phẩm được ném ra ngoài mưa gió cuộc đời, hãy cứ mặc nó ra sao thì ra và đừng lo tìm cách bảo vệ nó trước búa rìu dư luận, nếu có. Nhớ rằng: tự quảng bá tác phẩm hay bảo vệ tác quyền không đồng nghĩa với đứng ra bảo vệ tác phẩm mình. Đây là điều ít nhà văn trẻ hôm nay làm được. Tôi gọi đó là chưa cô đơn khi tác phẩm đã ra đời. Một chưa đủ cô đơn cực kì nhảm nhí!

 
Sàigòn, 07.2006
 

Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021