thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
Lynh Bacardi

 

Có một hoạ sĩ Âu Châu hiện đại có bộ ria dài quăn tít tên là Salvador Dali đã lập dị, bằng cách đôi khi mặc quần áo dự tiệc đứng ngâm chân trong nước biển để vẽ tranh. Và tranh ông vẽ khá đẹp với những đề tài quái chiêu, không giống ai. Thí dụ như có lần ông vẽ vợ khoả thân với âm mao đầy đủ, trên vai vác một khúc xương sườn. Báo chí hỏi tại sao, ông giải thích: “Trên đời tôi thích nhất là vợ tôi và món sườn nướng, vậy tại sao tôi lại không vẽ hai thứ đó chung một bức tranh?” Khỏi nói chúng ta cũng biết bức tranh đó, cũng như những bức khác của ông hiện nay trị giá nhiều triệu dollar. Có một nhà văn thời tiền chiến (trước 1945) đã lập dị bằng cách chọn bút hiệu như Tây, là Tchya, viết tắt câu “tôi chỉ yêu A.” hay “tôi chẳng yêu ai”. Vậy nhà văn thuộc hàng trẻ nhất của thế hệ hậu chiến, Lynh Bacardi, ở nội địa Việt Nam, giải thích cái bút hiệu rất phương Tây như sau: Linh (tên thực của tác giả) yêu Nh (tên bạn trai) và rượu Bacardi, cũng là chuyện đời thường thôi.

Hơn nữa, việc nhà văn nữ Việt Nam thích uống rượu, đã có nhà thơ nữ Tuệ Mai của miền Nam trước 1975 (công nhận thơ bà làm khi say cũng hay), hoặc là dùng đủ loại ma tuý để có kinh nghiệm văn chương, đã có nhà văn [...], thì sang đầu thế kỷ 21 có nhà văn nữ Lynh Bacardi mê uống rượu rhum, và lấy tên rượu mình thích cho vào bút hiệu thì cũng chẳng có chi để ngạc nhiên. Cái làm độc giả ngạc nhiên khi lần đầu tiên đọc văn (những truyện ngắn) của nhà văn này là bút pháp, là văn phong của cô. Nhà văn Trần Vũ, một nhà văn không còn trẻ nhưng vẫn chưa già, đã phải nói thế này về văn phong của Lynh Bacardi trên net: “‘Thịt sốnglà hình ảnh thích hợp nhất… văn mạnh bạo, đậm đặc xúc giác, đầy mùi vị. Đọc truyện vừa cảm giác vị mặn, ngọt của thịt, vừa cảm giác vị chua, xon xót một thứ gì rất đắng…

 

Truyện “Tre rừng”

Chúng ta hãy coi đoạn mở đầu của truyện “Tre rừng”:

Máu đâu, sao không có miếng máu nào hết vậy?
Anh nói gì?
Quang chẳng trả lời. Hắn vừa lật mông tôi lên, cặp mắt vừa rảo liên tục tìm kiếm gì đó trên tờ báo lót bên dưới. Như chưa nhìn thấy thứ hắn muốn tìm, Quang lại túm lấy hai chân tôi giở hẫng lên ngó lom lom vào trong. Tôi chợt thấy hắn như một bà mẹ nhanh nhẹn, đảm đang đang thao tác việc thay tã cho đứa con yêu dấu, nhưng đây quả là một bà mẹ thô thiển, bởi hai bàn tay cứng như gọng kềm làm cổ chân tôi đau, tôi gồng người chịu đựng cho đến khi hắn thả bịch đôi chân thô của tôi xuống chiếu. Ánh mắt khinh bỉ của hắn không nhìn tôi, mà nhìn ra cánh cửa bằng ván ép mốc meo của dãy phòng trọ lợp tôn nóng hổi. [...] Quang không nhìn ra cánh cửa nữa, mà giật lấy tờ báo dưới mông tôi ra, hắn vò nát rồi vất xuống đất [...] Tờ báo bị vo tròn như một quả bóng rúm ró, lăn vòng qua nồi cơm rồi dừng lại chỗ dĩa cá hấp sốt cà còn trơ xương. Nó mềm dần ra bởi thấm phải chỗ nước sốt sền sệt trên sàn xi-măng, do lúc nãy tôi bị Quang hôn vào cổ kích thích nên lúng túng làm đổ. Thật ra đó không phải là chỗ dễ kích thích tôi, tôi nói vậy chỉ vì tôi muốn làm hắn thích, chứ tôi thích được hôn vào nách hơn. Tôi nghĩ, cái nhồn nhột dưới làn da mỏng nhạy cảm đó sẽ khiến tôi rợn người và dễ nằm dài ra như một con cá sặc khô mất hết mọi khả năng chống đỡ. Nhưng nói gì thì nói, dù sao tôi cũng muốn cho hắn được thư giãn, và cũng do tôi muốn tự giải thoát sự khốn khổ của chính mình sau hai mươi mấy năm từ một bé gái trở thành thiếu nữ.
Ðúng vậy, nó làm tôi khốn khổ, bởi phải gìn giữ nó trong những cái quần lót rẻ tiền. Tôi vẫn khoái chí, tự hào lắng nghe những giọt máu rỉ ra dưới đáy, thích ngửi cái mùi nồng tanh của huyết trắng thường tiết ra trước khi những kỳ kinh nguyệt đến gần...

Trong cuộc đời khá dài của người viết, đây là lần đầu tiên tôi được đọc một truyện mà ngay từ nhập đề, tác giả đã cho nhân vật chính bị người tình vừa mới phá trinh mình xong, túm lấy hai cổ chân kéo hai chân lên cao để tìm vết máu trinh nữ. Vẫn biết đàn ông trung bình thường tìm dấu vết trinh nữ, xa thì như Nhất Linh đã cho Thân trải khăn trắng lên giường để hứng máu trinh của cô dâu Loan. Gần hơn thì như bác sĩ Crab trong Memoirs of a Geisha của Arthur Golden đã lấy tampon thấm lấy máu trinh đem bỏ vào hộp cất để làm kỷ niệm (chi tiết này không có trong phim), nhưng hành động thô lỗ như anh chàng Quang này, thì bây giờ mới thấy.

Giọng văn LB (Lynh Bacardi) ở đoạn này ráo hoảnh, tỉnh bơ, cứ như của một người ngồi coi cọp chứ không phải xảy ra cho chính mình. Trần Vũ nói tới cảm giác vị chua, vị mặn, vị ngọt thịt sống…, còn người viết bài này còn như ngửi thấy các mùi hôi khác nhau của một thân thể đàn bà dơ bẩn (thành thực mà nói, xin lỗi quí vị phụ nữ một chút, chỗ đó mà không giữ sạch, rửa sạch thì nặng mùi hôi, có sạch sẽ mới không che lấp mùi trời cho nơi ấy để hấp dẫn, quyến rũ giống đực). Nếu nhân vật tôi ở đây là một cô gái lesbian ghét đàn ông hoặc lãnh cảm thì còn có thể hiểu được, đằng này “tôi” bình thường về sex, như đoạn văn sau đây chứng tỏ:

Trong suốt bữa ăn, tôi không ngừng nhìn lén xuống đũng quần Quang, chỗ gồ lên như một chiếc bánh. Tôi tưởng tượng nếu bóc lớp vải kaki kia ra, có khi sẽ có vài hạt nho khô ứa chất đường trên đó. Tôi đã lúng lúng đến nỗi ăn hết sạch một con cá rưỡi [...] phát hiện mình tự dưng thèm hắn như thèm một chiếc bánh bông lan, miệng tôi ứa nước dãi liên tục khi nghĩ đến cái bánh, còn âm đạo thì ứa nước nhờn liên tục trong lúc tôi vừa nhai cơm vừa nhìn vào đũng quần hắn. Cho đến khi hắn buông đũa, và cái miệng nồng mùi cá hấp của hắn quặp vào cổ tôi như một con diều hâu xực con gà nhỏ.

Chàng Quang sở dĩ quan tâm tới máu trinh bởi vì có bà vợ làm nghề bói toán, bảo phải lấy về để bà làm phép cho ông chồng ăn nên làm ra. Niềm tin này khá phổ biến ở Trung Quốc, Việt Nam… nên một số ông thương gia các nước đồng văn như Đài Loan, Hồng Kông… thường đến Việt Nam kiếm gái trinh, phá trinh liếm máu, hay lưu trữ lấy hên làm bùa làm ngải để dễ đạt thành công trong thương trường. Do đó không thiếu những nhà nghèo ở Việt Nam bán trinh con gái lấy một số vốn nhỏ cho gia đình làm lại cuộc đời.

Có ông mê máu trinh quá (hay vì bất lực?) đến độ dùng hai ngón tay thọc vào cho máu ra nhiều, tin tưởng sau đó sẽ ăn nói thành công trong business. Bởi thế khi biết chắc không có thứ mình chờ đợi, Quang đã nói với cô gái bằng những câu đáng ghi lại:

… mày chả có gì kể cả cái lồn cũng lủng nốt! [...] mày phải cho tao biết thằng nào đã phá trinh mày trước? [...] Hay mày lại bán để nuôi gia đình mày rồi? Con gái ở xứ này xưa nay có đứa nào ngại bán trinh để báo hiếu đâu. Địt mẹ chữ hiếu!...

Xin đừng ai ngạc nhiên về sự thô lỗ, sự sống và sượng của các nhân vật trong truyện của LB. Nhân vật tôi là một cô bé không cha, mẹ nghèo cùng cực và xấu xí. Hai mẹ con sống ở một vùng kinh tế mới nào đó trên cao nguyên. Nuôi nhau đã vất vả, bà mẹ lại đẻ thêm một bé trai, dĩ nhiên là không cha như thường lệ. Đã thế đứa trẻ này lại tật nguyền, hầu như không biết nói, chỉ có bộ mặt là dễ coi. Sau khi mẹ chết, mỗi khi đi lao động kiếm sống, cô chị hay lấy dây cột chân em vào chân giường. Sau khi gặp Quang, hai chị em cô được đưa về một thị thị trấn và kiếm cho một chân phơi cá xếp cá vào kho. Một nghề bóc lột đến độ không cho cả nghỉ trưa, và dĩ nhiên đã ướp cô gái vốn không thơm bằng một thứ mùi hôi khó tả. Tiện đây nói luôn: các nhân vật của LB hay có nét chung như thế, những kẻ cùng đinh trong xã hội sống chui rúc trong các căn nhà ổ chuột, hay tệ hơn, ít khi được tắm rửa, tương tự như các nhân vật homeless của Maxine Gorki thời thơ ấu.

Sau khi thất bại và thất vọng không tìm được máu trinh nơi cô gái, Quang đã bỏ đi luôn và từ đó hai chị em sống vất vưởng bữa đói bữa no. Đến khi đứa em trai tật nguyền đến tuổi dậy thì, cô chị thêm một vấn đề để đang lúng túng: cô không biết giải quyết ra sao với cái vật thường căng cứng mỗi đêm của đứa em chỉ biết ú ớ, thì một cô ve chai có giọng nói trọ trẹ nhập cuộc, đến ở chung và một đêm cô chị cố ý vắng mặt, hi vọng hai người sẽ làm tình với nhau. Nhưng khi về đến nhà vào lúc hừng sáng, cô thấy Thành ngồi co rúc trong góc phòng, còn cô ve chai cùng những cô gái xa lạ đang làm tình tập thể với nhóm thanh niên nào đó. Sau đó cô ve chai bỏ đi, bỏ mặc chú em chưa chịu làm tình nhưng đã biết thất tình về mình. Bà chị không chịu nổi khi thấy đứa em vẫn nhớ nhung cô gái ve chai đến bỏ cả ăn, nên quyết định dọn đến một vùng ngoại ô, xa lánh thành phố chen lấn, xin làm công việc hái trái nuôi em.

Nuôi được em rồi, nhưng lại không biết giải quyết ra sao cái vật cương cứng của đứa em luôn ú ớ không chịu ngủ. Sau cùng, cô quyết định học kiểu nói trọ trẹ của cô ve chai, để đứa em tưởng cô chính là cô ve chai và chịu làm tình với cô, cho ổn thoả vụ cương cứng và được ngủ yên cả hai chị em. Tác giả LB đã kết luận truyện “Tre rừng” bằng đoạn văn mỉa mai và huyền thoại sau:

Trở mình, tôi mặc lại quần lót, ngón tay lại chạm phải chất nước nhờn nhợt. Ðêm nay cũng vẫn như vậy, vẫn một chất đậm đặc màu hồng máu tươm ra sau khi tôi ngủ với Thành. Tôi giơ tay soi lên ánh đèn, Quang sẽ sung sướng và ngạc nhiên biết bao nếu điều kì dị này xảy ra với hắn - mà tôi cũng tin chắc rằng hắn sẽ rất hoang mang, vì chẳng hiểu nổi màng trinh của tôi vì đâu mà có nhiều đến vậy.

Huyền thoại Đông Á: Trong Đông Chu Liệt Quốc có ghi một cô gái tên là Hà Cơ được vua quan mê mẩn vì thân thể có khả năng sau một đêm ái ân, sáng hôm sau sẽ nguyên vẹn như cũ. Huyền thoại Trung Đông: nếu một tín đồ Hồi giáo tử vì đạo, như làm suicide bomber chẳng hạn, sẽ được lên Thiên đường ngay và được thưởng 72 cô houri đẹp như tiên, có màng trinh bị rách tự động lành lại vào sáng hôm sau.

 

Truyện “Hậu sản”

Truyện “Hậu sản” là truyện ngắn thứ hai của LB. Đọc nhan đề, người viết bài này đương nhiên muốn biết rõ bệnh hậu sản là cái bệnh gì. Hồi nhỏ đã được nghe các bà xì xào về bệnh này, nhưng hỏi thì bị mắng: Bệnh đàn bà, con trai hỏi làm gì, có đi chỗ khác chơi không? Người viết bị mắng xấu hổ bèn đi chỗ khác chơi. Do đó đến tận khi viết bài này, cũng vẫn không biết nó là bệnh gì, bèn cầu cứu nữ nhân đang khua xoong nồi loảng xoảng làm cơm chiều, hỏi hậu sản là cái chi. Mặc dù sinh con rồi, nàng cũng phát biểu rất lờ mờ, là: Hậu sản là đàn bà đẻ xong đau yếu hoài, không phục hồi được. Vẫn mờ mịt. Tôi nhờ nàng tra hộ từ điển Việt Nam của Lê Văn Đức để sẵn dưới chân bàn (vì tôi còn có một tay trái nên không vác nổi từ điển này), nhưng ông bạn già đầy chữ và nghĩa này phát biểu còn lờ mờ hơn nữa: các chứng bệnh đàn bà sau khi sinh con. Vậy tốt nhất là vào truyện “Hậu sản” xem LB trình bày ra sao.

Nhân vật thứ nhất là bà mẹ, một bà già có vẻ như bình thường về tâm trí, nếu không có những hành vi như: đi lại nhẹ nhàng và đôi mắt ti hí bí hiểm, cùng sở thích ném đá lia thia suốt ngày này qua ngày nọ.Và ước vọng duy nhất là có được cháu trai, một ước muốn mạnh đến nỗi ép đứa con gái nuôi, nhân vật tôi trong truyện, phải ngủ với con trai lớn để sớm có cháu nội. Cô gái tuân lời, nhưng không có kết quả. Sau khi đứa con trai tử nạn khi đi đào vàng, bà mẹ cứ khẳng định rằng cô chưa bao giờ muốn đẻ cháu nội cho bà, trong khi cô lại nhớ rõ rằng mình đã nhiều lần ngủ với hắn, nhiều lần mang bầu, nhiều lần chờ con ra đời suốt chín tháng mười ngày, rồi nhiều lần leo lên giường cho mẹ đỡ đẻ. Nhưng vì sự sắp xếp tinh vi của bà mẹ bằng cách thuê thầy cúng, nói cô bị ma nhập và dọn dẹp tất cả những gì liên quan đến việc sinh đẻ trong căn phòng, nên cô gái cứ hoang mang với những lời khẳng định của mẹ, trong khi vú, bụng và nơi bộ phận sinh dục lại hiện diện rõ những vết tích của sự sinh đẻ. Cuối cùng cô cũng không tin vào sự nhận định của mình, sợ bị mẹ thuê thầy cúng về đánh lần nữa nên cứ sống trong trạng thái bán tin bán nghi như vậy cho yên thân, cho đến khi nghe mẹ dụ dỗ lần nữa.

Cô gái nhiều lần muốn rời bỏ căn nhà rách rưới trên ngọn đồi này, để đến một nơi khác làm lại cuộc đời nhưng bà mẹ nuôi không chịu cho nếu cô chưa thực hiện lời thề trước kia, là sinh cho bà một đứa cháu nội trai. Trước đó, cô đã nghe lời mẹ nuôi để làm tình với người con lớn, mọi sự đã diễn ra như thế này:

... anh chỉ dám cởi mỗi quần tôi ra, mà không dám đụng đến bất cứ nơi nào trên thân thể tôi hết. Anh còn cẩn thận lấy một dải vải buộc vào mắt tôi, để tránh cho tôi phải ngượng ngùng khi gặp anh sau đó...

Nhưng đứa con sinh ra lại là con gái. Bây giờ bà mẹ dụ cô gái ngủ với đứa con trai thứ hai, tên Hữu, tật nguyền bẩm sinh. Bà ngon ngọt với cô gái thế này:

"Tối hôm qua lúc nó ngủ (Hữu) má đã sờ nó, má thấy nó vẫn cương lên như ba nó ngày xưa, nghĩa là nó có thể có con đó, con đã hiểu chưa?… Con giúp má càng sớm càng tốt, có cháu ngày nào má để con đi ngay ngày đó.»

Đến đây mọi chuyện bắt đầu diễn ra trong hoang mang, thực và ảo lẫn lộn. Đây có phải là một triệu chứng trong nhiều triệu chứng của hậu sản chăng?:

Không, không thể là mơ được. Tôi đã phải vào buồng của Hữu với tất cả can đảm có được. Tôi đã né tránh ánh mắt ngạc nhiên đến kinh dị của gã, khi gã thấy tôi bước vào buồng không một mẩu vải trên người. Chẳng phải má đã dặn tôi làm như vậy sao, má đã nói làm như vậy gã mới cương lên nhanh được... Tôi đã điên cuồng, quẳng mạnh gã xuống giường như một con vật ghê sợ đã bám chặt lấy đời tôi. Một con ký sinh của má, một người anh nuôi ghê tởm của tôi. Tôi nhận ra thân phận nô lệ của mình, khi biết nếu không có má thì tôi chẳng được hiện hữu trên đời để trở nên một nô lệ. Tôi ném thân thể tôi lên giường của gã, vồ lấy thân thể gã như một con hổ đói, mặc cho gã run rẩy, ngơ ngác, sợ hãi trước sự trơ trẽn mạnh bạo của tôi. Tôi vục mặt mình vào gã bú ngấu nghiến, bú để hiểu rằng nếu hôm đó má không ra Mang Vàng chơi trò liệng đá, nếu hôm đó má không nhặt đứa bé gái bị bỏ rơi ở bờ hồ đem về, thì hôm nay tôi sẽ không cố hết sức để tìm cách rời khỏi má. Và chắc chắn tôi cũng không cầm cu của Hữu tự bỏ vào mình, để sau cùng nhận ra gã vừa ở trong mình vừa đái vừa ỉa với tất cả khoái cảm đột ngột được tôi khai phá. Đột ngột đến điên cuồng, gã đã tru rú vì sung sướng cho đến hết đêm hôm đó.
Vậy ra tất cả chỉ là mơ sao?!

 

Truyện “Nghĩa Trang Đồng Nhi”

Lynh Bacardi sinh ra trong một gia đình công giáo Bắc kỳ di cư, nghĩa là thuộc một giòng công giáo loại bảo thủ cao độ. Thí dụ so với giòng Công giáo Nam kỳ, cũng là bảo thủ hơn, chứ đừng nói so với công giáo Mỹ hiện nay. Ai không tin, xin mời tới sống một thời gian trong cộng đồng giáo dân Phước Tĩnh tại New Orleans, Hoa Kỳ, một cộng đồng trung cổ đến độ còn có một ông bố chồng bắt nàng dâu nằm sấp trên giường, đánh cho ba roi vì tội đi khám thai mà không xin phép ông. Vậy nên dù muốn hay không, dù LB có tưởng rằng mình đã thoát khỏi sự khống chế của đạo này, cô vẫn bị một số tín điều của Công giáo ám ảnh, thí dụ như lệnh cấm ngừa phá thai của Giáo hoàng.

Ở Mỹ, vấn đề này vẫn chia dân làm hai phe, một phe ủng hộ quyết định của Tối cao Pháp viện cho phép phá thai, thường được gọi tắt là pro-choice (phá thai hay giữ là quyền chọn lựa của người đàn bà, chứ không thuộc một ông Giáo chủ, Giáo hoàng, hay Đảng, Nhà nước nào hết). Phe thứ hai thường gọi là pro-life, chủ trương rằng, ngay vào giây phút con tinh trùng húc và chui vào noãn của người đàn bà, thì một sinh vật mới đã hình thành. Vậy ai làm chết sinh vật này kể như phạm tội sát nhân - bởi thế phe này được gọi là pro-life. Lực lượng nòng cốt của phe này thường là Công giáo (Mỹ, Mễ, Việt… đủ cả), nên mang một phần tính cách quá khích truyền thống của đạo này, đến độ phục kích giết cả bác sĩ của bệnh viện chuyên phá thai. Ngoài ra một số không ít tín đồ của đạo thường hay đạo đức giả và khắt khe với mọi tội lỗi xác thịt, trong đời sống thường nhật, cũng như trong cõi chữ nghĩa (như vụ tổ chức đánh gái điếm và công khai xông vào nhà gây áp lực, những cảnh mà LB miêu tả trong “Nghĩa Trang Đồng Nhi” mang một số nét tương tự như thời kinh thánh với cô Mary Madeleine và chúa Jesus).

Rời bỏ chủ đề thân phận người nữ, vai trò đứa con... của hai truyện trước, LB trong “Nghĩa Trang Đồng Nhi” lao vào những chủ đề rất là taboo, nhạy cảm, ai dám đụng tới sẽ biết sức mạnh Công giáo. Kiểu viết mà không lách như LB nếu ở vào thời trung cổ, chắc cô sẽ bị chặt cho bay đầu hay đốt chết ở một công trường nào đó.

Vì tác giả LB chưa muốn phổ biến truyện này ngay lúc này (tháng 5, 06), nên người viết chỉ ghi vài ý chính: Nhân vật “tôi” lần này là một cô gái điếm, nhưng thuộc phe pro-life nên cô vẫn gia nhập nhóm Thiện Nguyện do một “ma sơ” đứng đầu. Nhóm này chuyên đi nhặt những bào thai bị phá bỏ vứt ngoài các bờ kè của biển, rồi mang đến Nghĩa Trang Đồng Nhi chôn cất đàng hoàng (chế độ XHCN cho phá thai thoải mái). Nhưng rồi cô bị trục xuất khỏi nhóm vì nhiều hội viên cho là điếm dơ bẩn, không xứng đáng làm công việc thiện nguyện đó.

Dù vậy, cô gái điếm sau những giờ “làm việc” vẫn đợi tới khuya đi nhặt bào thai vứt bỏ tứ tung đem đến nghĩa trang chôn cất (chứ không được một nữ nhân, như con dâu trong truyện “Tướng Về Hưu” của Nguyễn Huy Thiệp, lấy về nuôi heo). Bởi thế, một tối cô bị các bà trong nhóm Thiện Nguyện, dưới sự chỉ huy chẳng đặng đừng của sơ Hạnh, phục kích đánh cho một trận gần chết. Sau đó các chức sắc trong dân địa phương huy động cả công an khu vực vào nhà áp lực cô gái phải bỏ nghề điếm, nếu không sẽ bị trục xuất. Bỏ làm điếm thì đói, mất nhà biết ở đâu. Cô đành hành nghề nhưng bí mật hơn. Thực ra cô vẫn ước mơ có đứa con, đã ba lần có bầu nhưng vì nghe lời Phương (chồng cô) mà phá thai. Khi Phương trở lại, nói rằng bây giờ muốn có con, họ ngủ với nhau ngay và cô lại mang bầu. Nhưng trong lúc đưa Phương đi thăm các khu nghĩa trang đồng nhi, Phương và cô đã gặp phải mìn: Phương chết, còn cô thì bị mất đôi chân và đứa con trong bụng.Từ đó cô quí bộ xương của đứa bé cô đã nhặt được ở nghĩa trang trong một đêm đến đó thăm mộ con. Cô bỏ bộ xương trong một cái hộp, nâng niu xem nó như chính con ruột mình vậy.

Mọi sự đến như vậy cô tưởng phen này cô sẽ đói và chết vì cô đơn, nhưng không, cô đã bắt đầu chuyển sang kiểu làm tình bằng hậu môn. Từ đó cô đông khách hẳn lên. Các ông chức sắc đã kết án cô trước đây, những kẻ đã toan ném đá chết cô gái điếm Madeleine, cô gái mà sau hai ngàn năm đã được nhà văn Mỹ Dan Brown cho hoàn lương và làm vợ chúa Jesus sinh con đẻ cái đàng hoàng, lại trở thành những khách hàng siêng năng vì thích lối làm tình này. Ở nhà, ít có bà vợ nào chịu.

Một lượt thuật như trên đã cho thấy truyện “Nghĩa Trang Đồng Nhi” gay cấn, “hot”, đụng chạm to rồi, chứ không phải “chỉ có vấn đề” mà thôi. Không kém gì truyện “Bác Hồ có vợ” ở Việt Nam. Chưa kể tới lôi trực tả sống và sượng thường lệ của LB, lần này mức độ bầy nhầy, dơ bẩn máu me… còn nặng hơn hai truyện trước. Truyện có đoạn kết như vầy:

Ông Hải đi chầm chậm lên thang gác. Ông nhìn tôi với vẻ thận trọng. Tôi nhận ra ông khi ông đến gần. Đó cũng là một hàng xóm của tôi, nhà ông ở tận cuối con hẻm này. [...] Tôi chẳng trả lời, mà chồm người lấy chiếc hộp gỗ để dưới gối ra. Tôi yên lặng ngả người nằm sấp xuống sàn gác, đầu gối lên cái hộp gỗ và nhắm mắt lại. Bàn tay ông Hải ngập ngừng lần cởi từng mảnh vải trên người tôi. Ống thuốc màu xanh da trời lại được nặn ra, những lọn thuốc nhờn làm hậu môn tôi mát rượi. Tiếng rên của ông Hải chìm dần vào đêm [...] Chia tay ở cửa, ông Hải làm tôi hài lòng khi hỏi lần sau tôi muốn có món gì. Một cái lục lạc của trẻ con, tôi nói. Ông Hải nhìn tôi cười dễ chịu với vết chân chim ở hai đuôi mắt. Tôi biết lịch làm việc của mình sẽ lại đầy lên. Cánh cửa khép lại. Màn đêm vẫn đặc quánh bao phủ bên ngoài ngôi nhà nhỏ. Tôi bò lên gác lấy tấm khăn bông đỏ trải rộng xuống sàn. Mở cái hộp gỗ ra. Đêm nay tôi lại được yên ổn ngủ cạnh con. Tôi sẽ lại mơ những giấc mơ đầy thiên thần khoác áo choàng màu trắng. Thấy chúng ríu rít dành kẹo của tôi như những chú bồ câu nhỏ. Con gái ơi, mẹ sẽ tìm một cái tên thật duyên dáng để gọi con. Tôi tỉ mẩn xếp những khúc xương của con lên tấm khăn lông. Trên nền vải đỏ, hình hài con tôi lại dần hiện ra như mọi lần. Thứ tự là xương sọ trước, rồi xương cổ, xương bả vai, xương sống, xương sườn, xương tay chân, xương...

 

Ghi chú của người viết: Đọc xong đoạn văn trên, tôi đã phải thở dài một cái khá dài. Ngồi vào bàn vi tính, tôi gửi cho tác giả Lynh Bacardi mới 25 tuổi, ở một nơi nào đó trong thành phố nhiệt đới rộng lớn đầy người, đầy khói ô nhiễm và công an kiểm soát văn hoá tư tưởng, một email hơi ít tiếng: Thế Uyên gửi Lynh Bacardi. Viết văn được lắm, có tương lai. Nhưng tại sao truyện của LB buồn, bi đát như vậy? Thân ái.

Rất nhanh, cô gái trả lời bằng một e.mail nhiều chữ, như một biện bạch, giãi bày hay một tuyên ngôn nho nhỏ tùy vào góc độ đọc của từng người:

Lynh cảm ơn anh đã có nhã ý viết về văn chương của Lynh. Thật ra khi bắt đầu viết, Lynh không nghĩ mình sẽ tạo cho số phận của những nhân vật trở nên “bi đát”. Nhưng càng viết và càng mô tả, nhấn mạnh về bối cảnh xã hội Việt Nam, cũng như về tâm lý của nhân vật (người phụ nữ) trong bối cảnh u tối cùng cực đó, thì Lynh càng thấy vô lý, mâu thuẫn nếu Lynh muốn tạo ra những hoàn cảnh tương lai sáng sủa hạnh phúc.

Có thể có người cho rằng Lynh bi thảm hoá vấn đề, và xã hội ngày nay đã thay đổi nhiều nên không thể có những số phận như vậy. Nhưng Lynh vẫn nhìn thấy, nụ cười vẫn ít hơn những nỗi đau. Xe hơi vẫn ít hơn xe đạp. Những suy nghĩ có ý thức vẫn ít hơn những hành động và lối suy nghĩ vô thức.

Lynh chỉ sợ mình nông cạn, không nhìn ra được những vấn đề này, để rồi viết như một cô tiểu thư với những nỗi đau thất tình tội nghiệp. Hay viết để ca ngợi những giá trị mà người khác đã nhồi sẵn vào đầu mình. Lynh cũng rất thích viết về những nụ cười, những hồi kết có hậu, nhưng Lynh sẽ viết khi nào nhìn thấy những điều vui vẻ đó ở quanh mình, và khi nào Lynh thật sự có hứng thú, có ý tưởng để viết về chúng.

 

Người viết bài này chưa muốn kết luận, dù tạm kết hay sơ kết nhà văn quá trẻ này, bởi nhà văn này còn đang hung hăng và buồn bã đi tới trên con đường cô đã chọn lựa có ý thức và lòng thương cảm. Và nhà văn già bên này Thái Bình Dương rộng lớn là tôi, Thế Uyên, tạm thời chỉ muốn nói: Chúc cô bé may mắn, thật nhiều may mắn...

 

2006
 

Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021