thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
Một số điểm nổi bật trong sáng tác của Nguyễn Bình Phương

 

1. Nền văn học Việt Nam sau 1975 đã và đang có những chuyển biến rất đáng ghi nhận. Đặc biệt từ năm 1990 đến nay, chúng ta đã biết đến những trang văn sắc lạnh của Nguyễn Huy Thiệp ("Không có vua", "Sang sông", "Những bài học nông thôn"); biết tới một Hồ Anh Thái với những trang văn hiện thực cắt mảng (Tự sự 265 ngày, Cõi người rung chuông tận thế); biết tới những thể nghiệm của Võ Thị Hảo (Giàn thiêu), Phạm Thị Hoài (Mary Sến), Nguyễn Việt Hà (Cơ hội của Chúa), và gần đây là "cú sốc" Bóng đè của Đỗ Hoàng Diệu, v.v. Có những lối viết hấp dẫn thực sự, có những thể nghiệm còn chưa tới đích, song các nhà văn đều hết mình trong một nỗ lực chung: làm mới văn chương. Và Nguyễn Bình Phương cũng không phải là một ngoại lệ.

Cái tên Nguyễn Bình Phương không phải là mới đối với giới phê bình, nghiên cứu, nhưng với nhiều độc giả thì đây là cái tên xa lạ. Anh sinh năm 1965, ở Thái Nguyên. Năm 1989 anh học trường viết văn Nguyễn Du, và hiện nay đang là biên tập viên của NXB Quân Đội.

Nguyễn Bình Phương sáng tác từ khi còn rất trẻ. Anh có những tập thơ: Khách của trần gian (NXB Văn Học, 1986), Xa thân (1997), Lam chướng (1992). Đặc biệt, Nguyễn Bình Phương được biết đến nhiều với hàng loạt tiểu thuyết: Vào cõi ( NXB Thanh Niên, 1991), Những đứa trẻ chết già (NXB văn học 1994), Người đi vắng (NXB văn Học 1999), Trí nhớ suy tàn ( NXB Thanh Niên 2000) và gần đây là Thoạt kỳ thuỷ (NXB Văn Học, 2005). Ngoài ra, anh còn nhiều truyện ngắn đăng rải rác ở các báo, các trang web văn học.

 

2. Đi vào tác phẩm của Nguyễn Bình Phương ta nhận thấy một lối viết rất riêng biệt, mới mẻ từ cách nhìn hiện thực, tiếp cận nhân vật, sáng tạo cốt truyện, xây dựng không gian thời gian cho đến sử dụng ngôn từ…

Nguyễn Bình Phương thường hướng ngòi bút vào những mảnh vỡ hiện thực, những "tiểu tự sự" của cuộc sống hiện đại. Nếu như đích đến của các cây bút trước 1975 là những "đại tự sự", những sự kiện lịch sử, chính trị lớn lao bao quát toàn bộ đời sống con người thì đích đến của ngòi bút Nguyễn Bình Phương lại là hiện thực phân mảnh, hiện thực bị xé lẻ, phân tách (và vì thế nhiều khi ta không biết bắt đầu tóm tắt tác phẩm của anh từ đâu), Nguyễn Bình Phương không vuốt ve hiện thực, cũng không ảo tưởng về nó. Ngòi bút của anh không ưa những "đại tự sự". Trong tác phẩm của anh ta thấy không còn tồn tại những bức tranh hiện thực lớn lao, những hình tượng kỳ vĩ. Tác phẩm của anh có khi chỉ đơn giản là giấc mơ của một kẻ điên loạn, hình ảnh của một con cú trôi dọc triền sông (Thoạt kỳ thuỷ), lễ gọi hồn người chết ("Chị em Nhiêu, Quỳnh nọ Quỳnh kia và con mèo tam thể"), những kẻ đi tìm kho báu (Những đứa trẻ chết già), sự suy tàn của trí nhớ (Trí nhớ suy tàn). Rất nhiều hiện thực đời sống được đan chéo, gài lồng, móc nối trong một dung lượng câu chữ hạn hẹp (Thoạt kỳ thuỷ: 167 trang, Trí nhớ suy tàn: 133 trang, Những đứa trẻ chết già: 311 trang). Ở "Chị em Nhiêu, Quỳnh nọ Quỳnh kia và con mèo tam thể", ngòi bút Nguyễn Bình Phương đã xoá sạch những "đại tự sự". Câu chuyện gọi hồn là tiêu điểm của tác phẩm. Tác phẩm mở đầu và kết thúc lửng lơ, mờ ảo, hư hoặc (mặc dù có sự xuất hiện của nhân vật, có lai lịch, có những cái chết, có công an điều tra...). Tác phẩm khiến người đọc suy ngẫm và thảng thốt mãi vì không thể phân định đâu là thực đâu là hư, đâu là nguyên nhân của hàng loạt cái chết trong tác phẩm. Trong Trí nhớ suy tàn, tác giả lại xây dựng cho mỗi nhân vật một mảng hiện thực riêng biệt. Mỗi nhân vật tự đóng khung trong thế giới của mình. Có tới trên 20 nhân vật được khắc hoạ trong tác phẩm nhưng hình như họ không có liên hệ với nhau. Ta như bước vào thể giới không hình người (mặc dù có đám đông), bước vào những trang văn không nhân vật (mặc dù có trên 20 cái tên được nhắc đến). Tác giả tái hiện thực tại thông qua cái nhìn của Huyền. Nhưng cái nhìn của cô mờ nhạt, xa xôi, nhoè nhoẹt, vì cô đã đánh mất mọi ý niệm về đời sống, thời gian, không gian, tình yêu, tình dục. Cuối cùng cô đã tự mình cởi trói thoát khỏi sự ràng buộc, chỉ có một ám ảnh vẫn theo đuổi "Trí nhớ đang suy tàn ghê gớm". Bước vào thế giới của Những đứa trẻ chết già ta thấy hiện thực chỉ còn là những biến cố xung quanh một cái làng nhỏ bé — làng Linh Nham. Ở đó các nhân vật mê mải, quay cuồng trong cuộc hành trình đi tìm kho báu. Khi họ ngộ ra nhiều điều cũng là lúc họ hoang mang tột cùng trước thế giới đổ nát, hoang tàn. Tất cả các mối quan hệ không tìm thấy sự móc nối: Tiến quắt chết; Hương đớn đau thắt ruột; Ông Trình chới với hoảng loạn; Quý cụt ra đi; Loan day dứt; ông Liêm bàng hoàng; còn Hải thì im lìm, câm lặng.

Hiện thực phân mảnh được dựng lên đặc biệt gây ấn tượng trong Thoạt kỳ thuỷ. Hiện thực đời sống trong tác phẩm này đã bị thái nhỏ, nhàu nát, chắp nối. Các nhân vật quằn quại trong nỗi niềm ẩn ức riêng. Tính chỉ biết sống trong thế giới hoang tưởng, điên loạn: Thích máu, thích chơi với người điên, thích giết người. Hiền — quay cuồng giữa một bên là mối dây ràng buộc nghiệt ngã (làm vợ kẻ điên) một bên là những thèm khát của tuổi thanh xuân; Bà Liên ngụp lặn trong những tháng ngày đằng đẵng buồn tẻ, ơ hờ bên một người chồng như không tồn tại trên đời; Hưng — thương binh cụt tay, tàn tạ đến mức không còn nhìn thấy hình hài. Đó còn là Điền, Phùng, Khoa, Nheo, Phước… giãy giụa trong một mớ bòng bong những ràng buộc vô hình của cuộc sống, trong những khao khát không gọi thành tên, trong những ẩn ức không thể giải toả. Chỉ có những tiếng đập đá là dội lên chát chúa giữa khung cảnh Linh Nham im lìm, ma mị — những âm thanh sầu não, thê lương của một thế giới bị quên lãng. Một biểu hiện rất dễ nhận thấy của hiện thực phân mảnh trong Thoạt kỳ thuỷ đó là cách dựng lời thoại. Những lời thoại trong tác phẩm này hầu hết đều không nhằm mục đích thiết lập quan hệ, cũng không làm cho đối tượng giao tiếp xích lại gần nhau. Chẳng hạn cuộc hội thoại giữa Tính và Hiền (hai kẻ sắp lấy nhau):

— Cắn công cống thích lắm !
— Bố anh còn gặm chén không?
— Mắt chó vàng như trăng!
— Em về đây!
Tính nuốt nước bọt:
—Dạo ấy nhà em cháy to nhỉ?
(Thoạt kỳ thuỷ, trang 36)

Quả thực mỗi lời thoại thu mình trong thế giới của chính nó. Chúng rời rạc, thiếu ăn nhập, phi logic. Không chỉ có thế, Nguyễn Bình Phương còn dồn ý tứ trong những câu văn ngắn. Anh thường dùng câu đơn; các câu ghép thì được chẻ ra thành nhiều vế ngắn, rời rạc, nhấm thẳng, đứt đoạn đến "khó chịu"; giảm thiểu các từ quan hệ, tránh lối lập luận. Mỗi câu văn tồn tại độc lập đơn côi như một ốc đảo, một thế giới riêng:

Tính bĩu môi đứng dậy. Hiền níu lại, nhìn quanh, cầm tay chồng đặt lên ngực mình. Tính chụm các ngón tay thành hình con dao nhọn chạm vào cổ vợ. Hiền nấc lên tuyệt vọng, Tính nheo mắt, môi dưới giật giật như muỗi đốt. Hiền phanh áo, cúi gập người xuống, cà mạnh ngực vào tảng đá. Vú Hiền xây xước, rớm máu. Tính quệt tay vào máu trên đá, thè lưỡi nhấm, mặt bừng sáng. (Thoạt kỳ thuỷ , trang 113)

Như thế cũng có nghĩa là Nguyễn Bình Phương không có ý định hàn gắn lại, sắp xếp lại thế giới đổ nát, không mong muốn đưa chúng về quy củ, toàn vẹn như nó vốn có. Khác với các cây bút trước 1975 luôn cố công sắp xếp, lắp ghép lại hiện thực, Nguyễn Bình Phương lại chấp nhận những mảnh vỡ của hịên thực, coi sự tồn tại của chúng là tất yếu. Cũng có thể nhiều người thấy lạ, thấy không quen, thậm chí dị ứng trước lối viết của anh. Đây cũng là điều dễ hiểu bởi lẽ có một thời người ta đã quen với những "đại tự sự", những hiện thực tròn trịa, đẹp đẽ với những cung bậc nhịp nhàng, uyển chuyển. Ta có thể thấy Nguyễn Bình Phương (và bên cạnh đó còn là Hồ Anh Thái, Phạm Thị Hoài, Nguyễn Việt Hà, Tạ Duy Anh...) đã có cảm quan mới mẻ về hiện thực. Anh không phải gồng mình lên (như một số cây bút trước đây) để tô vẽ, công kênh hiện thực mà đã nhìn nó bằng một con mắt tỉnh táo. Ngòi bút của anh đã hướng tới hiện thực đa chiều phức tạp và chấp nhận nó, coi đó là một phần không thể khác được của cuộc sống — đó là một cái nhìn biện chứng về hiện thực.

 

3. Để góp phần thể hiện thực tại phân mảnh, Nguyễn Bình Phương đã tạo ra một cấu trúc xoắn kép nhiều mạch chạy song song. Vì vậy cũng có thể nói cấu trúc xoắn kép là một đặc điểm nổi bật trong tác phẩm Nguyễn Bình Phương.

Thường thì các tác giả trước 1975 vẫn sáng tác theo mạch truyện tuyến tính. Bao giờ tác phẩm cũng là một sự thống nhất cao độ từ chi tiết, nhân vật, không gian, thời gian, mở đầu, kết thúc. Nguyễn Bình Phương và một số cây bút đương đại lại không đi theo lối kết cấu cũ. Anh đã phá tung mọi đường biên, rào cản để tạo ra sự tự do tối đa cho tác phẩm. Ở đó, các mạch truyện đan xen, móc nối nhằng nhịt: có những tác phẩm hai mạch chạy song song đến cuối tác phẩm đã hoà vào một mạch chung; có những tác phẩm được xây dựng nên bởi rất nhiều mạch tạo thành kiểu đa giọng điệu độc đáo.

Tiểu thuyết Những đứa trẻ chết già được xây dựng bởi hai mạch. Một mạch (mang tên gọi vô thanh) kể về cuộc hành trình không có điểm khởi đầu của bốn con người trên một chiếc xe trâu và bản thân họ không hề có liên quan đến nhau. Họ cùng ngồi với nhau trên chiếc xe chậm chạp, lóc cóc dịch chuyển từng bước và mỗi người hướng tới một thế giới riêng. Dòng suy tưởng của nhân vật "ông" được thể hiện rõ nét nhất với những bi kịch đau đớn nhiều khi không thể lý giải trong cuộc đời. Ba người đàn ông còn lại được hiện lên qua những lời thoại rời rạc đứt nối và hầu như không hề được tái hiện dòng suy tưởng. Bốn con người đồng hành nhưng không có một đích đến cụ thể nào, các lời thoại rời rạc đan xen với hình ảnh của quá khứ khiến cho người ta như bước vào một "ma trận". Đây chính là một "màn" vô thanh rợn ngợp không có điểm dừng.

Một mạch được khu biệt bởi các chương: là câu chuyện về làng Phan với những cuộc đời, tính cách méo mó: Trường hấp, Cung rỗ, Sinh lùn, Bính chột, Bồi còng, Nguyện goá, Bào mù, v.v. xoay quanh hai trục nhân vật: Ông Trình, và đại gia đình Trường hấp. Tất cả bọn họ hướng tới một kho báu bí ẩn sẽ được mở khi sao chổi, con Nghê và ba cái chết đến cùng một lúc. Ở đó hầu như không còn những cử chỉ âu yếm, những lời nói ân tình, những cái nhìn thiện cảm. Dường như chúng sinh ra chỉ là để dằn hắt, đè nén, bức bách gầm ghè, thôn tính, ăn thịt lẫn nhau (được tái hiện trong một văn phong nhấm nhẳng, đứt nối; độc thoại nội tâm không tồn tại; hành động nhân vật nổi lên như một điểm nhấn).

Thoạt nhìn, ta có cảm tưởng hai mạch truyện không có liên hệ với nhau. Nhưng đến cuối tác phẩm hai mạch đã quy tụ về một mối. Tất cả các nhân vật đã gặp nhau trên một quả đồi:

Gió mạnh dần sau đó thốc tháo, cây cối ngã rạp xuống. Bầu trời nghiêng bên nọ ngả bên kia. Nước sông Linh nham bốc khói ngùn ngụt sóng vỗ vào chân cầu oàm oạp." (Những đứa trẻ chết già, trang 288)

Thì ra trong suốt cuộc đời họ đã thực hiện những cuộc hành trình cuối cuối cùng chỉ để kết liễu, thanh toán, trả nợ nhau. Gần hai mươi con người gặp nhau trong một màn bi hài kịch do chính họ tạo nên. Cái cuối cùng còn lại chỉ là thù hận, tiếc nuối, tan nát, rệu rã, đắng cay, suy sụp, bàng hoàng, tủi nhục và câm lặng. Đó cũng chính là cách mà Nguyễn Bình Phương đã tạo ra để người đọc có một sân chơi rộng rãi trong việc tiếp nhận tác phẩm. Người đọc có thể "nhảy cóc" để tìm thấy cốt truyện của từng mạch hoặc đọc từ đầu đến cuối đan xen các mạch để tìm thấy cảm giác về hiện thực đổ nát.

Tác phẩm Người đi vắng lại có rất nhiều mạch đan xen. Một mạch truyện lịch sử kể về cuộc đời nổi dậy của Đội Cấn ở Thái Nguyên, một mạch truyện kể về những biến cố (đầy bí ẩn) trong gia đình Thắng; một mạch là những lời nói chuyện của hồn ma (và ở mạch này chia thành nhiều mạch nhỏ) cảm xúc của các nhân vật mà tác giả tạo ra nhằm soi chiếu sự việc ở các góc độ, các điểm nhìn khác nhau. Người đọc có thể dễ dàng nhận thấy sự thay đổi mạch truyện với các phông chữ khác nhau (in thẳng, in nghiêng). Nhờ những mạch truyện xoắn kép ấy nên ta không chỉ nhìn thấy một Sơn nghèo khó, thích khoe khoang, vỗ ngực, luôn bị ám ảnh bởi dàn Compac mà còn biết tới Sơn với những suy nghĩ chiêm nghiệm về quá khứ với nhiều kỷ niệm, biến cố. Ta không chỉ tháy một Hoàn xốc nổi, bốc đồng, thích hoan lạc xác thịt mà còn thấy một chiều sâu tâm hồn với những giấc mơ, những hoài niệm, những khát vọng mãi không thể vươn tới. Ta không chỉ thấy Thắng mỏi mệt, bơ phờ, nhạt nhẽo mà còn nhìn thấy những khoảng cách anh cô đơn không chấp nhận mình trong thực tại và bấu víu vào tình dục như một phương cách cuối cùng có thể thực hiện. Cả Thư, cả Phương, cả Kỷ… Họ cuối cùng đều không thể tìm thấy được sự thanh thản, bình yên.

Như vậy, bằng nhiều mạch truyện, Nguyễn Bình Phương đã tạo ra nhiều góc quay, nhiều điểm nhìn soi chiếu để tạo ra cách nhìn đa chiều về cuộc sống. Cuộc sống không phải bao giờ cũng lộ ra ở bề mặt của nó. Cuộc sống còn là những gì khác không thể gọi thành tên, không thể cất nên lời, còn là những gì không thể lý giải ẩn sâu dưới tầng tầng lớp lớp những sự kiện, biến cố. Nguyễn Bình Phương đã tạo ra cho mình một lối đi vô cùng rộng rãi để đến với hiện thực. Đó cũng là cách anh tạo ra sự tự do cho người đọc. Để mỗi khi bước vào tác phẩm của anh, người đọc không cảm thấy chật chội trong một lối đi hẹp. Cũng từ mạch truyện xoắn kép này ta thấy một quan niệm mới của Nguyễn Bình Phương về khâu sáng tác và tiếp nhận. Theo đó: người đọc giữ vai trò quan trọng trong việc khám phá, bóc tách các lớp nghĩa của tác phẩm, tác giả chỉ giữ vai trò "người đứng sau cánh gà quan sát".

Rõ ràng cấu trúc xoắn kép là một trong những thể nghiệm của Nguyễn Bình Phương và điều chắc chắn chúng ta có thể khẳng định: đây là một thể nghiệm đáng được ghi nhận của Nguyễn Bình Phương trong cuộc hành trình làm mới mình, làm mới văn chương.

 

4. Một đặc điểm không thể không nói tới trong tác phẩm của Nguyễn Bình Phương đó là việc sử dụng yếu tố kỳ ảo.

Có thể nói yếu tố kỳ ảo đã xuất hiện cùng với những tác phẩm văn học đầu tiên. Nói như vậy để thấy rằng yếu tố kỳ ảo thực sự không phải là lạ lẫm mới mẻ trong văn học nếu người viết không biêt làm mới nó. Với Nguyễn Bình Phương, yếu tố kỳ ảo đã trở thành một công cụ đắc dụng trong việc chuyển tải ý tưởng. Và ở tác phẩm của anh thì yếu tố kỳ ảo mang đậm màu sắc tâm linh. Từ Những đứa trẻ chết già, Thoạt kỳ thủy, Người đi vắng đến "Chị em Nhiêu, Quỳnh nọ Quỳnh kia và con mèo tam thể", Nguyễn Bình Phương đều trở đi trở lại một ngôi làng Linh Nham với bầu không khí ảm đạm, bí ẩn. Ở đó con người đã quen với mọi việc kỳ dị, quái đản, hư hoặc.

Người ta đã quen với cái làng suốt ngày chìm ngập trong mùi trầm toả ra từ ngôi miếu thờ của Dì Lãm, người ta không hề ngạc nhiên khi thấy dưới gốc si già đêm đêm rì rầm tiếng nói chuyện của những hồn ma và thỉnh thoảng lại thấy một vài bộ xương người hiện hình; người ta dửng dưng trước sự kỳ bí của sông Linh Nam đêm ngày gào thét, ma quái, thỉnh thoảng được thấy sao chổi, sự trở mình của ngọn đồi mang dáng hình con Nghê. Hầu hết khung cảnh mà Nguyễn Bình Phương dựng lên đều ẩn chứa những điều huyền bí, ghê rợn:

Ngày mùng 7 tháng 6 giờ dậu, dân làng thấy trong đáy ao nhà Trường hấp bốc lên khí trắng hình con rắn; Ngày mùng 9 tháng đó, về phía tây có đám mây màu đỏ xuất hiện hình dáng không khác gì người đàn ông cụt đầu, tay cầm con dao quắm. (Những đứa trẻ chết già)

Có khi làng rơi vào tình trạng mất tiếng câm lặng đến khó hiểu:

... cứ về đêm mọi âm thanh của người và vật biến mất… ngôn ngữ về đêm được diễn ra dưới sự im lặng kỳ quặc. (Những đứa trẻ chết già)

Đó cũng là nền, là phông cho những nhân vật đầy phức tạp của Nguyễn Bình Phương xuất hiện. Các nhân vật của anh đã cùng chung sống với những thứ quái đản, kỳ quặc. Họ mặc nhiên chấp nhận sự bí ẩn, khó hiểu của cuộc sống, coi đó là một phần tất yếu, không thể khác đi được. Trong Những đứa trẻ chết già có những người đã chết tự quay về dưới gốc si già; có Dì Lãm đêm ngày đốt hương trầm thờ hai đưa trẻ trong nôi do chính chồng mình hoá thành; có những cái chết không rõ nguyên nhân của những đứa trẻ khuôn mặt già trước tuổi, mới sinh ra tóc đã bạc trắng; có những cái chết không thể lý giải của lão Hạng, anh thợ mộc; có những cuộc ra đi bí ẩn không để lại dấu vết của Quang, của lão Mộc, của Xoan, của Kiên, v.v.

Sự bí ẩn kỳ quái cứ tích tụ như một lớp trầm tích bám chặt lấy cái làng nhỏ bé ấy. Người đọc có cảm tưởng những con người làng Linh Nham sẽ mãi không thể vượt qua thoát được những trì níu của một bàn tay vô hình (của thói quen, nếp nghĩ, đời sống tâm linh).

Người đi vắng, yếu tố kỳ ảo được sử dụng như một bằng chứng nói lên đặc điểm quan trọng trong thế giới tâm linh người Việt. Cuộc sống không phải một cõi (dương) mà còn tồn tại ở cõi khác (âm). Ở đó, con người vẫn không thể sống khác mình. Và vì thế: đói rét, khổ đau, bệnh tật, đòi hỏi, dằn vặt vẫn tồn tại. Cõi dương và âm luôn luôn có sự liên hệ bền chặt nhiều khi khó tách biệt rõ ràng. Cũng có thể vì thế mà chỉ có một sự kiện đào móng xây nhà của gia đình cụ Điển cũng xuất hiện bao hình ảnh ghê rợn ma quái:

Tiếng trầm trầm chạy quanh hố móng làm mặt đất rung lên bắn vào da thịt Kỷ tê tê. Chớp nhoáng lên, khoảnh khắc đó đủ để Kỷ nhìn thấy dưới hố móng đúng chỗ tay thợ vừa bổ cuốc xuống, một cái bọc lùng nhùng trồi lên với lớp da đen nhẵn màu đất sét. (Người đi vắng, trang 327)

Đó cũng là đầu mối dẫn đến bao nhiêu biến cố bất thường của hàng loạt số phận: Hoàn gặp tai nạn (trong một tình huống khó hiểu); Sơn chết (do sự thôi thúc của một bàn tay vô hình); Ông Khánh mất trí (như bị ai đó lấy cắp linh hồn); Cương điên loạn (như sự trả giá nghiệt ngã cho cuộc tình vụng trộm với Hoàn)… Những linh hồn người sống và chết đều không tìm thấy sự thanh thản. Hay nói đúng hơn họ không được sống trọn vẹn với thực tại mà luôn có sự hiện diện của quá khứ, sự đè nén, ám ảnh, của một lực lượng vô hình khó nắm bắt. Cả Sơn, ông Bình, Thắng, Hoàn, Thư, Yến… tất cả họ, suy cho cùng đều là những người đáng thương.

Nếu như với nhiều cây bút, chi tiết kỳ ảo được coi như yếu tố chức năng, hay kỹ thuật thì với Nguyễn Bình Phương lại là một yếu tố không thể thiếu trong bức tranh hiên thực. Bước vào những trang văn của anh, ta thấy ảo xen thực, thực thấm vào ảo, ảo và thực hoà quyện nhiều khi không thể phân tách rõ ràng. Đây là một quan niệm của nhà văn về hiện thực chứ không phải là kỹ thuật nhằm câu khách. Rõ ràng các chi tiết kỳ ảo được sử dụng đều nằm trong dụng ý nghệ thuật của tác giả. Sự quái đản, kỳ lạ, ma mị chính là một phần của cuộc sống con người và nó tồn tại bền bỉ, ăn sâu vào máu thịt vào tiềm thức không gì gỡ bỏ được. Nguyễn Bình Phương sử dụng yếu tố ảo như một cách thức làm nhoè ranh giới của hiện thực song lại cho ta một cảm giác rất thật về cuộc sống: có những điều không phải lúc nào cũng lý giải, và sự phi lý vốn là một mặt không thể thiếu của cuộc sống.

Dù còn nhiều vấn đề phải bàn cãi, nhưng rõ ràng những thể nghiệm về một lối viết mới của Nguyễn Bình Phương là rất đáng được ghi nhận. Sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa 3 nhân tố: nỗ lực nội tại của nhà văn, một cảm quan mới về hiện thực, và bắt gặp đúng dòng mạch đổi mới văn học trên thế giới, đã tạo nên những nét khác biệt giữa ngòi bút của Nguyễn Bình Phương và các cây bút văn xuôi hiện nay. Và chúng ta đều có thể hy vọng vào một tương lai không xa Nguyễn Bình Phương cùng nhiều cây bút khác sẽ tạo nên một diện mạo mới cho văn chương Việt Nam.

 

Viết xong tháng 05/ 06

 

Chú thích:
'Tiểu tự sự', 'đại tự sự', 'hiện thực phân mảnh' là các thuật ngữ của chủ nghĩa hậu hiện đại. Xin xem thêm Văn học hậu hiện đại thế giới — những vấn đề lý thuyết (NXB Hội Nhà Văn / Trung tâm Văn hoá Ngôn ngữ Đông Tây, 2003).

 


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021