thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
Samuel Beckett: nhà thơ của chủ nghĩa bi quan hay sứ giả của đấu tranh?

 

Bản dịch của Hoàng Ngọc-Tuấn

 

Một cảnh trong Waiting for Godot

 

Lời người dịch:
 
Có lẽ đây là bài viết đầu tiên cho thấy sự thay đổi quan điểm của người tả phái đối với Beckett.
 
Trong những năm cuối 1950 và đầu 1960, Beckett đã không ngừng bị các nhà phê bình tả phái — trên quan điểm văn nghệ đại chúng và hiện thực xã hội chủ nghĩa — tấn công, miệt thị và kết án nặng nề. Georg Lukács, phê bình gia và lý thuyết gia văn học Mác-xít, trong cuốn The Meaning of Contemporary Realism [Ý nghĩa của chủ nghĩa hiện thực đương đại, 1962] đã thẳng thừng chống lại những tác phẩm văn chương cách tân của Franz Kafka, James Joyce và Samuel Beckett. Riêng đối với Beckett, Lukács tuyên bố rằng tác phẩm của ông là "sự vinh danh cho những kẻ điên khùng", là "biểu hiện của những phương diện đồi truỵ nhất và phi nhân bản nhất của văn hoá tư bản chủ nghĩa", là "sự sa đoạ nhân tính ở mức độ bệnh hoạn nhất", v.v.
 
Không đầy 10 năm sau những lời miệt thị của Lukács, Viện Hàn Lâm Thuỵ Điển đã trao giải thưởng Nobel Văn Chương cho Samuel Beckett (1969).
 
Từ đó đến nay đã gần 4 thập niên, với những sự đổi thay dữ dội như "thương hải biến vi tang điền" đã xảy ra tại Liên bang Xô-viết và toàn bộ khối Đông Âu, thì cái quan điểm đỏ thắm của Lukács tất nhiên phải dần dần tìm cách đổi màu.
 
Trong khi khắp nơi trên thế giới đang nhộn nhịp chào mừng lần thứ 100 ngày sinh của Samuel Beckett, tờ báo tả phái Socialist Worker [Công nhân xã hội chủ nghĩa] ở London (số ngày 8 tháng 4, 2006) vừa cho tung ra bài viết dưới đây của Sinead Kennedy như một cuộc "tái xét" (reassessment). Cuộc "tái xét" này quả là phi chính thống đối với quan điểm xã hội chủ nghĩa. Nó phi chính thống đến độ nó có thể nói ngược lại tất cả những gì trước kia nó đã nói về Beckett. Nhưng, để khỏi bị xếp hàng sau lưng thế giới, và khỏi bị nghiền nát dưới "bánh xe lịch sử", nó gạt phắt đi những lời miệt thị ngày trước, và ca ngợi Beckett như một "sứ giả của đấu tranh". Ngay bên dưới bài viết của Sinead Kennedy, tờ Socialist Worker còn hoan hỉ đăng thêm một loạt thông báo về những lễ hội và liên hoan kỷ niệm Beckett sắp diễn ra ở London.
 
Tất nhiên ngôn ngữ của cuộc "tái xét" này không tránh khỏi sự khiên cưỡng ngọng nghịu về lý luận — nó loay hoay tìm cách làm cho Beckett phù hợp với ý thức hệ của nó. Nhưng dẫu sao, nó cũng là một quả bong bóng nho nhỏ trong tiệc mừng sinh nhật tưng bừng của Samuel Beckett.

 

______________

 

SAMUEL BECKETT:

NHÀ THƠ CỦA CHỦ NGHĨA BI QUAN HAY SỨ GIẢ CỦA ĐẤU TRANH?

 

Bách niên sinh nhật của Samuel Beckett khởi động một cuộc tái xét về tác phẩm của ông, qua ngòi bút của Sinead Kennedy

 

Tác phẩm của kịch tác gia và tiểu thuyết gia Ái-nhĩ-lan Samuel Beckett từ lâu nay đã gây nên một cảm nghĩ khó chịu sâu xa nơi những nhà phê bình văn học tả phái, ngay cả trong số những người có thiện cảm với tác phẩm của ông.

Beckett bị kết án là tuyên dương chủ nghĩa hư vô, sự tuyệt vọng và tinh thần bi quan yếm thế. Tác phẩm của ông bị xem là tiêu biểu cho phản đề của bất kỳ hành động dấn thân chính trị tiến bộ nào.

Georg Lukács,[1] phê bình gia và lý thuyết gia văn học Mác-xít, đã buộc tội Beckett là mô tả "sự sa đoạ nhân tính ở mức độ bệnh hoạn nhất". Nhà văn khai phóng Bertolt Brecht[2] cũng đã khinh miệt quan điểm nghệ thuật của Beckett, và đã có lúc ông dự định viết một tác phẩm để phản kích vở kịch Waiting for Godot [Chờ Godot].

Sean O'Casey,[3] nhà soạn kịch tả phái người Ái-nhĩ-lan, đã viết về tác phẩm của Beckett, "không có một chút hy vọng gì về nó nữa, không có một chút khao khát gì đối với nó nữa, nó chẳng có cái gì bên trong cả, ngoài một thứ thú tính về niềm tuyệt vọng" — và đã tuyên bố rằng ông chẳng có điều gì phải lưu tâm đến Beckett cả.

Một nhà văn tả phái khác, Dennis Potter,[4] cho rằng các động thái bản năng trong tác phẩm của Beckett chính là những dị trạng đạo đức đã làm sinh ra các trại tập trung và trại lao động khổ sai: "Đây có phải là thứ nghệ thuật như sự đáp ứng đối với nỗi tuyệt vọng và tình cảnh thảm hại của thời đại chúng ta, hay nó được tạo nên bằng một thái độ phù phiếm vô dụng — loại thái độ đã tiếp tay đem vào đời sống những trò báng bổ tâm hồn như thế và sự dơ bẩn của những ý thức hệ như thế?"

Tôi muốn tranh biện rằng phát biểu từ một quan điểm như vậy thì hoàn toàn ngộ nhận cả con người và tác phẩm của Beckett.

Vâng, các nhân vật của ông là những kẻ bị chôn trong những cái chậu, cát ngập đến cổ, họ là những tiếng nói bị cắt lìa ra khỏi thể xác, và họ bò lê qua bùn lầy trong tình trạng bị bỏ rơi." Nhưng làm thế, họ nói lên được nỗi khổ đau, sự tàn bạo và niềm tuyệt vọng — đó chính là tình trạng bất an cốt yếu của phận làm người trong thế kỷ 20.

Billie Whitelaw, diễn viên lừng lẫy của kịch Beckett, đã nói, "Trong tác phẩm của Beckett, không có gì để hiểu ngoài những gì bạn nhìn thấy và cảm nhận. Nếu bạn bước ra khỏi nhà hát mà không cảm thấy một điều gì, thì bạn không thể hiểu được."

Đây chính là nơi chứa đựng cái sức mạnh văn chương vô địch của Beckett. Tác phẩm của ông làm nẩy sinh một cảm thức, chứ không phải một ý tưởng; đó là cái cảm thức về sự tư duy và sinh tồn. Ông đã thực hiện điều ấy bằng nhiệt tâm, bằng nỗi buồn sâu thẳm, bằng sự im lặng trôi chảy và bằng sự khôi hài táo bạo, chớp nhoáng — tạo được những giây phút cảm động nhất trong toàn bộ kinh nghiệm xem kịch của cả đời bạn — và điều này chứng thực cho sự vĩ đại của ông như một nhà văn.

Đệ Nhị Thế Chiến và Holocaust đã chuyển hoá Beckett như một nhà văn. Ông là một thành viên hoạt động của phe Kháng Chiến Pháp, và những điều ông làm đã được trao huy chương Croix de Guerre.

Sau khi nước Pháp đã được giải phóng, ông làm việc tại một bệnh viện do người Ái-nhĩ-lan làm chủ ở thị trấn Saint-Lô, Normandie — một thị trấn đã bị bom của đồng minh phá tan nát vào năm 1944 đến nỗi nó mang danh hiệu "Thủ đô của những Phế Tích". Làm việc tại đó, Beckett cảm nghiệm được nỗi thống khổ và tuyệt vọng của con người ở cùng tột sự bạo động và thực tế của nó. Sự kiện ông tìm thấy tiếng nói của mình như một nhà văn sau cuộc chiến tranh ấy có thể không phải là sự trùng hợp ngẫu nhiên trong tiểu sử.

Trong Waiting for Godot [Chờ Godot, 1952], vở kịch nổi tiếng nhất của Beckett, hai ông già giống như hai kẻ vô gia cư — Vladimir và Estragon — cố gắng tiêu thì giờ trong lúc họ chờ Godot, một nhân vật bí mật không bao giờ xuất hiện.

Vở kịch chủ tâm làm sụp đổ những mong đợi cố hữu của khán giả, những người mà phản ứng đầu tiên của họ thì thường giống như phản ứng của chính các nhân vật trong kịch — "Không có gì xảy ra, không ai đến, không ai đi, thật là tệ hại!"

Trong diễn trình của vở kịch, các nhân vật trải qua nỗi chán ngán, sự bạo động, sự kết thân, niềm khao khát thăm thẳm và tình trạng bất xác toàn triệt. Họ không thể nhớ nổi những sự kiện xảy ra vào ngày hôm trước và họ không biết chắc liệu họ nên ra đi hay tiếp tục chờ đợi. Trong khi họ chờ đợi, họ nghĩ đến việc tự tử, nhưng họ bất lực đến nỗi ngay cả họ không thể chấm dứt cuộc hiện hữu của mình.

Trong Waiting for Godot, Beckett diễn tả điều kiện sinh tồn của con người hiện đại — con người phân xé từ chính bản thân họ khi họ chịu đựng dài lâu sự tàn bạo bất ngờ của cuộc hiện tồn mà họ không thể hiểu nổi, nhưng họ bị buộc phải sống.

Bên trong cái thế giới này, ý tưởng về nhân tính vừa gắn bó với chúng ta vừa hành hạ chúng ta. Beckett đã viết vở Godot trong hoàn cảnh kinh khủng ngay sau vụ Holocaust — một biến cố mà trong đó con người đã đối xử với nhau bằng sự tàn ác ngoài sức tưởng tượng — vì thế thái độ tự khắc nghiệt của các nhân vật trong vở kịch biểu thị một thực chứng của khả năng chịu đựng của con người:

VLADIMIR: Ngày mai chúng ta phải trở lại.

ESTRAGON: Để làm gì?

VLADIMIR: Để chờ Godot.

Những vở kịch của Beckett có thể tạo ra những hoàn cảnh khắc nghiệt, xa rời thực tế, giống như những hình ảnh tưởng tượng trong một hoạ phẩm, nhưng tất cả những hoàn cảnh ấy đều đặt cơ sở trên những trạng huống rất cụ thể. Vở kịch Endgame [Tàn cuộc, 1957], chẳng hạn, mời gọi khán giả phán đoán về vấn đề đạo đức nhân bản, xuyên qua một chuyện kể về quan hệ chủ/tớ.

Hamm, một người đàn ông mù và không bước đi được, phải cần có Clov giúp đỡ. Nhiệm vụ duy nhất của Clov là phục vụ thoả mãn mọi nhu cầu của Hamm, trong khi Hamm lại bị hành hạ bởi cái ý tưởng về trách vụ làm người.

Hắn là một nhân vật cảm thấy đối xử với người khác bằng sự tàn ác thì dễ dàng hơn là bằng từ tâm. Hắn loay hoay suốt cả vở kịch để cố gắng kể lại câu chuyện hắn đã bị đòi hỏi phải cứu một đứa trẻ khỏi chết đói như thế nào.

Chẳng có gì đáng ngạc nhiên đối với một nhà văn hậu-Holocaust, cái chết ám ảnh khắp các tác phẩm của Beckett. Đối với ông, cái chết tượng trưng cho kết thúc của một cuộc đối thoại đầy tình cảm với chính mình.

Trong Catastrophe [Thảm hoạ, 1982], viết để đối ứng với phiên toà buộc tội nhà văn Tiệp Václav Havel, nhân vật chính của vở kịch xuất hiện trên sân khấu trong bộ pyjama xám với khuôn mặt bôi trắng bệch. Khán giả thật khó tránh khỏi nhớ lại hình ảnh người tù trong trại tập trung quốc xã, trong khi cái ý tưởng liên hệ đến Havel thì lại kết án toàn bộ guồng máy của chủ nghĩa Stalin.

Tác phẩm của Beckett mang tính ẩn dụ trong cả hình thức lẫn nội dung. Nó kháng cự, thậm chí thù ghét, bất kỳ hình thức mô tả hiện thực nào, kể cả hiện thực chính trị, và chống lại bất kỳ lời đòi hỏi thô thiển nào về thái độ lạc quan.

Nhưng phản đối việc dán nhãn "nghệ sĩ chính trị" lên Beckett thì không có nghĩa là con người của ông không được hình thành bằng những hiện thực chính trị của thời đại ông.

Khi được yêu cầu đóng góp vào một bộ tập hợp những lời tuyên bố về cuộc Nội Chiến Tây-ban-nha, Beckett hưởng ứng bằng một câu trả lời ngắn gọn mang phong cách rất đặc thù của ông : một tấm bìa đơn giản in chữ "UPTHEREPUBLIC" [ĐỤMẸCỘNGHOÀ]. Đây là một lời tuyên bố minh bạch — và một trò đùa tự giễu cợt đối với chính cái gốc gác Tin Lành Cộng Hoà Ái-nhĩ-lan của ông.

Beckett đã bày tỏ cùng James Knowlson, người viết tiểu sử của ông, rằng tình thế của ông khó khăn đến chừng nào, bởi những dạng thức thẩm mỹ mà ông chọn để thực hiện tác phẩm đã không cho phép ông đáp ứng trực tiếp hơn trước những vấn đề chính trị.

Nhưng ông chưa bao giờ có thái độ mơ hồ về chính trị. Ông đã không cho phép tác phẩm của ông được trình diễn ở Nam Phi dưới chế độ apartheid kỳ thị chủng tộc. Ông đã cống hiến tiền bạc cho Hội Ân Xá Quốc tế và tạp chí Index on Censorship,[5] và trao tặng toàn bộ tiền tác quyền của các ấn bản tiếng Ba-lan cho dịch giả Ba-lan của ông để người này tài trợ cho những tác phẩm văn chương in lén ngoài luồng và giúp đỡ cho các nhà văn bị cầm tù.[6]

Qua nhiều cách thế, Beckett là một nhà văn chính trị sâu sắc, nhưng chính trị của ông là chính trị của thân xác. Trong tất cả những văn phẩm của ông, cái thân xác ấy bị vỡ nát, bị rút hết linh hồn, bị cầm tù, bị cô lập, bị khiếm diện.

Thế nhưng các nhân vật của ông vẫn tiếp tục nói, bất chấp sự im lặng bao trùm quanh họ. Trong tác phẩm của Beckett, ngay cả người chết cũng có những tiếng nói.

Beckett có lẽ đã từng bị mô tả như một nhà hiện sinh Âu châu, kẻ sáng tác những khúc thánh vịnh cho "hư vô". Nhân thân thật sự của ông lại là một người Ái-nhĩ-lan không tin vào bất kỳ tôn giáo nào, một người đã xiển dương tinh thần nhân bản của sự kiên trì chịu đựng và phản kháng.

 

 

---------------
Nguyên tác: Sinead Kennedy, "Samuel Beckett: poet of pessimism or herald of resistance?", trong Socialist Worker Online, 8 April 2006, Issue #1995.

 

_________________________

Chú thích của người dịch:

[1]Georg Lukács (1885-1971), người Hung-ga-ry, phê bình gia và lý thuyết gia văn học Mác-xít.

[2]Bertolt Brecht (1898-1956), người Đức, kịch tác gia, thi sĩ tả phái.

[3]Sean O'Casey (1880-1964), người Ái-nhĩ-lan, kịch tác gia tả phái.

[4]Dennis Potter (1935-1994), người Anh, nhà văn, nhà viết kịch bản truyền hình theo chủ nghĩa đại chúng tả phái.

[5]Index on Censorship: tạp chí do nhà văn Anh Stephen Spender thành lập năm 1972 để theo dõi và tuyên dương quyền tự do ngôn luận. Thoạt đầu, tạp chí này tập trung theo dõi chế độ kiểm duyện của Liên Bang Xô-viết. Dần dần, điểm nhắm đã mở rộng đến phạm vi toàn cầu.

[6]Tác giả đã không nói thẳng ra rằng Nhà Nước Cộng Sản Ba-lan đã cầm tù những nhà văn này.


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021