thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
Cristina Peri Rossi và tâm cảm người phụ nữ lưu vong

I

Trong ngôn ngữ Tây Ban Nha, chữ destierro (tạm hiểu trong Việt ngữ là "lưu đày" hay "lưu vong") chứa đựng một ý niệm rất đặc thù nên khó có thể dịch thẳng ra một ngôn ngữ nào khác. Chữ này, với nghĩa đen là "bứng ra, tách ra, cắt ra khỏi mặt đất", được hiểu như sự cắt đứt mối liên hệ giữa linh hồn con người và mặt đất. Người Tây Ban Nha ngày xưa cho rằng con người ra đời và sống trên mặt đất, rồi chết đi và trở về với mặt đất. Mặt đất là trú xứ, là quê hương, đầu tiên và cuối cùng của linh hồn con người. Cắt lìa mối liên hệ giữa linh hồn con người với mặt đất là một hình phạt ghê gớm nhất. Chữ destierro làm sinh ra chữ desterrado (tạm hiểu trong Việt ngữ là "kẻ bị lưu đày" hay "kẻ sống lưu vong"), gợi ý đến con người lang thang ở xứ lạ như một bóng ma hoang vật vờ, một linh hồn không nơi yên nghỉ. Ý niệm của những chữ này khắc sâu vào tiềm thức những dân tộc nói tiếng Tây Ban Nha. Như chúng ta biết, khi Pablo Neruda, nhà thơ Chile, được cử đi làm lãnh sự ở các nước Nam Á châu suốt nhiều năm dài, tâm cảm ông bị ám ảnh bởi ý niệm destierro, và ông viết thi tập Residencia en la tierra ('Trú xứ trên mặt đất', 1933) để khẳng định sự tồn tại của linh hồn mình trên mặt đất quê hương.

Tuy nhiên, không riêng các dân tộc nói tiếng Tây Ban Nha mới bị ám ảnh bởi ý niệm này. Các dân tộc khác, tuy không có những chữ mang ý niệm đặc thù như thế, cũng thường mang những ám ảnh tương tự. Ám ảnh về sự mất gốc, chẳng hạn, cũng thường xuất hiện trong tâm cảm của người lưu vong từ nhiều nguồn gốc dân tộc khác nhau. Bởi thế, trong suốt lịch sử văn chương nhân loại, trạng huống lưu vong vẫn luôn luôn là một đề tài quan trọng và được đào xới từ nhiều góc cạnh. Điều đáng ngạc nhiên là có một góc cạnh dường như chưa được mấy ai lưu tâm đến: tâm trạng của người phụ nữ trong cuộc lưu vong.

Chính ý thức phụ hệ đã làm góc cạnh này bị khuất lấp. Người ta vẫn chỉ thường quan tâm đến con người dưới nhãn quan của nam giới. Khi bàn về "con người", người ta thường chỉ bàn về "người đàn ông". Và khi một góc cạnh không được chú tâm đào xới, nó có vẻ như không hiện hữu. Trong lịch sử văn hoá phụ hệ, mãi cho đến đầu thế kỷ này, hầu như chưa ai nghe người phụ nữ phát biểu điều gì từ chỗ đứng riêng của họ. Thế nhưng, không phải dễ để người phụ nữ tự nói được tiếng nói trung thực của chính mình: lịch sử văn hoá phụ hệ dài lâu đã kềm hãm và gần như tiêu diệt tiếng nói riêng (và cái nhìn riêng) của người phụ nữ, khiến hầu hết họ chỉ còn biết nói qua miệng lưỡi của nam giới (và nhìn qua con mắt của nam giới). Phải chờ đến khi cuộc đấu tranh cho nữ quyền đã phát khởi từ châu Âu và Bắc Mỹ và lan dần đến hầu hết mọi nơi trên thế giới trong hậu bán thế kỷ này, và phải chờ đến khi có nhiều phụ nữ đã thực sự tự giải phóng bản thân xuất hiện, thì những tiếng nói riêng của nữ giới mới bắt đầu được nghe thấy. Riêng đối với những dân tộc ở châu Mỹ La Tinh -- nơi sức mạnh phụ hệ, ý thức machismo, chưa mấy lay chuyển -- thì những tiếng nói riêng của phụ nữ vẫn còn là những điều hiếm hoi. Cristina Peri Rossi là một trong những tiếng nói hiếm hoi đó, trong lĩnh vực sáng tác văn chương.

II

Cristina Peri Rossi ra đời tại Montevideo, Uruguay, năm 1941. Trước khi bị chế độ độc tài quân phiệt cưỡng bách phải rời bỏ đất nước vào năm 1972, bà đã là một nhà văn hữu danh, tác giả của ba tập truyện ngắn và tùy bút, một tập thơ và một tiểu thuyết, trong đó có tập truyện ngắn Los museos abandonados ('Những bảo tàng viện bị bỏ quên', 1968) đoạt giải Editorial Arca, và tiểu thuyết El libro de mis primos ('Cuốn sách của những người anh em cùng ho'ï, 1969) đoạt giải Marcha. Là một người trí thức yêu tự do, trước khi lìa bỏ quê hương để đi Barcelona, Tây Ban Nha, Cristina Peri Rossi đã luôn luôn thể hiện qua tác phẩm mình những ưu tư về quyền sống của con người. Thế nhưng, những ưu tư ấy đã không nhất thiết phản ảnh cái nhìn và tiếng nói riêng của một phụ nữ. Đúng hơn, đó là cái nhìn và tiếng nói chính trị của một công dân nam giới. Mặt đất Uruguay với truyền thống phụ hệ machismo đầy sức mạnh đã hạn chế cái nhìn và tiếng nói của Cristina Peri Rossi, đồng hoá phần lớn cái nhìn và tiếng nói của bà vào cái nhìn và tiếng nói nam giới. Truyền thống ấy do người đàn ông tạo dựng với tất cả những nguyên tắc và khuôn thức đầy tính khẳng định về mọi thứ giá trị và vô giá trị: đạo đức, luân lý, tín ngưỡng, tục lệ, địa vị, giai cấp, hôn nhân, nghĩa vụ, bổn phận, quyền lợi, và cả đến những trò tiêu khiển. Trải qua bao nhiêu thế hệ, người phụ nữ đã bị giáo dục để tin tưởng, tôn trọng, tuân thủ, bảo vệ và chịu đựng những nguyên tắc và khuôn thức đó. Họ không thể sửa đổi được điều gì. Chỉ người đàn ông -- người làm chủ -- mới có thể có quyền sửa đổi, và chiến đấu với nhau để sửa đổi cho phù hợp với lợi thú của người làm chủ. Có lẽ Cristina Peri Rossi đã không thể nhận thức trọn vẹn được điều đó, cho đến khi bà thoát khỏi mặt đất cũ và nhìn lại.

Ngay khi rời khỏi quê hương, Cristina Peri Rossi đã sớm tìm được cái nhìn và tiếng nói của riêng mình. Trong Descrición de un naufragio ('Mô tả về một cuộc đắm tàu', 1976) -- thi tập đầu tiên xuất bản ở Barcelona -- bà đã nhìn lại quá khứ và thấy những điều mà khi còn ở quê hương bà đã không thể thấy rõ. Bà thấy người phụ nữ ở cố quốc, nếu không muốn nói theo tiếng nói của nam giới, thì chỉ còn dùng sự câm lặng như một bức tượng, như một xác chết, để bảo vệ mình trước quyền lực phụ hệ:

Chừng như tất cả sự im lặng của thế giới
đã đến trú ngụ trong cơ thể nàng, trên da nàng,
để ôm giữ lấy nàng như thế,
câm
trắng
bất động
thoát ra ngoài thời gian
ngoài những lời hẹn ước và ngoài những đô thị
Nhẵn bóng. Trơn tru và vô nhiễm như một bức tượng,
không một sợi lông nào trên cơ thể ngoài một nhúm mềm mại
trên gò âm hộ,
như một cơn gió nhẹ,
nơi đôi môi gió sức nóng buổi trưa và những dòng nước mắt
bị mắc bẫy
- thứ nước muối tôi đã uống giữa đôi chân nàng -
Không thể xâm nhập.
Lay chuyển bởi bầu khí
dâng lên và hạ xuống từ cơ thể nàng
làm nàng lay lắt như một lá sậy,
nhưng nàng không cảm thấy điều đó,
không hít thở nó
không rên rỉ và không đáp ứng.
Ướt đầm dưới mưa
mưa rơi từng đợt trên da nàng
mở ra những vết nứt của nàng như cánh cổng
- nơi mọi biển cả đã tràn vào - [1]

Đoạn thơ trên đây mô tả cảm nghĩ của một người đàn ông thất bại trong việc sử dụng quyền lực để chiếm hữu người đàn bà. Người đàn ông không thể thực sự xâm nhập vào thể xác của người đàn bà được nữa, vì trong thể xác đó là một khoảng trống chứa đầy sự im lặng của thế giới. Chỉ có nước biển mặn chát tràn vào, qua kẽ nứt của những vết thương. Sự câm nín của người đàn bà là một vũ khí -- thứ vũ khí cuối cùng. Mọi quyền lực đều vô hiệu trước một bức tượng câm lặng hay một xác chết:

Bất động,
đóng cứng vào thời gian
như một bức tượng
im lặng tưởng chừng nàng đã chết,
cứng rắn,
không thể đánh vỡ,
cưỡng kháng mọi xâm phạm,
không thể hủy phá [2]

Qua con mắt của người đàn bà lưu vong, lịch sử của mặt đất cũ chỉ là một cuộc trình diễn sức mạnh của nam giới. Trong cuộc trình diễn đó, người đàn ông mạnh hơn đã chiếm lĩnh vũ đài, và người đàn ông yếu hơn đã phải chịu ra đi. Tuy vậy, trong những giây phút cuối cùng của hành trình lưu vong đầy giông bão, người đàn ông thua cuộc vẫn còn say sưa với ảo tưởng về sức mạnh mình. Đối tượng còn lại để y biểu dương sức mạnh là người phụ nữ. Y tin rằng y có quyền và đủ sức chiếm hữu người phụ nữ và, hơn thế, y còn ôm đầy ảo tưởng rằng người phụ nữ mãi mãi vẫn là kẻ thụ động và thích bị chiếm hữu và bị ngự trị bằng sức mạnh:

Con tàu ngược gió ngã nhào,
người đàn bà nằm ngửa
sự thấp hèn của nàng được đo theo từng độ.
Một đám khán giả xúm đến.
Con tàu đổ nghiêng.
Người đàn bà rên rỉ
và đôi khi thích thú. [3]

Đối với người đàn ông, lưu vong là sự ra đi của kẻ thua cuộc -- sự ra đi của kẻ bị cắt lìa khỏi mặt đất cũ suốt đời. Nhưng qua cái nhìn của Cristina Peri Rossi, một người đàn bà, thì lưu vong là cơ hội để được cắt lìa khỏi mặt đất cũ, với hy vọng làm lại một lịch sử khác cho mình. Chỉ có người phụ nữ lười biếng và ươn hèn mới không đủ sức và không đủ can đảm vượt thoát quá khứ:

Nếu tôi đã nhìn
Nếu tôi đã ngoái nhìn
như Eurydice
Tôi hẳn đã không thể nhảy thoát được
Tôi hẳn đã thuộc về quá khứ
thả neo giữa những tấm lưới tàu đánh cá, viên thuyền trưởng của các người,
vết ngồi mòn nhẵn trên mặt ghế
những bài thơ chúng ta đã lắng nghe trong những đêm chúng ta ngồi nhìn ngắm
thói lười biếng khiến các người không muốn nhảy thoát
tính ươn hèn khiến các người không dám trốn chạy
bị mắc bẫy trong những dây leo yêu kiều của những bài thơ các người hằng hâm mộ [4]

Đến sống trên một xứ sở xa lạ, người đàn ông quả là kẻ bị "bứng ra khỏi mặt đất". Truyện ngắn "La influencia de Edgar Allan Poe en la poesía de Raimundo Arias" ('Ảnh hưởng của Edgar Alan Poe đối với thơ của Raimundo Arias'), trong La tarde del dinosaurio ('Tà dương của loài khủng long', 1976)[5], tập truyện ngắn đầu tiên Cristina Peri Rossi xuất bản ở hải ngoại, viết về sự bất lực của người đàn ông trong việc kiếm tiền nuôi đứa con gái nhỏ. Cuối cùng, chính đứa con gái nhỏ quyết định lãnh nhiệm vụ kiếm tiền để nuôi bố bằng cách giả làm bé gái người da đỏ lạc loài đi ăn mày trên đường phố Tây Ban Nha.

Những người đàn ông Uruguay khi đến sống ở Tây Ban Nha nhất định không gặp phải trở ngại về ngôn ngữ, vì cả hai nước cùng nói một thứ tiếng. Trở ngại chính yếu nhất là những ám ảnh về quá khứ. Những ám ảnh ấy đã làm họ ngã gục trước một hiện tại mới lạ và một tương lai bất khả đoán. Đối với họ, tất cả sức mạnh tinh thần đều nằm ở quá khứ, ở mặt đất cũ. Mặt đất cũ ấy là đấu trường, là sân khấu, nơi bao nhiêu thế hệ của nòi giống nam nhi đã ra sức thi thố quyền lực. Lịch sử của họ là bản ghi chép những cuộc thi thố ấy -- những cuộc thi thố đầy thành và bại, vinh và nhục. Truyền thống biểu dương sức mạnh của họ đã được chứng nhận bởi bản ghi chép ấy. Khi bị bứng khỏi mặt đất ấy, họ mất tất cả; như thể một đấu thủ đã bị loại ra khỏi vũ đài. Truyện ngắn "Las estatuas, o la condición del extranjero" ('Những bức tượng, hay trạng huống của kẻ ngoại nhân'), trong tuyển tập El museo de los esfuerzos inútiles ('Bảo tàng viện của những nỗ lực vô hiệu', 1983), mô tả tâm trạng của người đàn ông trong cuộc sống xa mặt đất cũ:

Không ai nhìn tôi, nhưng đơn giản là chính sự vắng bặt của ý nghĩ nơi họ đã làm tôi mang cảm nghĩ của kẻ ngoại nhân. Từ đó tôi khám phá rằng trạng huống của kẻ ngoại nhân là sự trống rỗng... [6]

Đây là tâm trạng của một kẻ bại trận trên mặt đất cũ và trở thành vô danh và vô hình trên mặt đất mới. Y là một hiện hữu trống rỗng, vô thừa nhận. Bị cắt đứt khỏi nguồn sức mạnh của truyền thống, y thấy mọi thứ đều trở nên vô nghĩa. Qua con mắt của y, cả thiên nhiên cũng không còn sức sống: "Những tàn cây gần như khô héo, lá trở nên xám xịt và những thân cây như sắp ngã quỵ."[7] Y chỉ còn biết chôn vùi hiện hữu mình vào một thứ ảo ảnh về mặt đất xưa. Cũng trong tuyển tập La tarde del dinosaurio, truyện ngắn "La ciudad" ('Thành phố') kể về một người đàn ông đã sống ở nước ngoài mười sáu năm mà vẫn còn nằm chiêm bao thấy từng chi tiết của những cảnh vật ngày xưa ở quê nhà, từ khoảng sân trước nhà đầy hoa đến khung cửa sổ nhà người bạn. Nhưng y không thể thoả mãn, vì bao giờ trong những giấc chiêm bao của y cũng chứa đựng thêm những điều phi lý không thể giải thích được, ví dụ: những chiếc lá ở quê hương lại có màu xanh da trời, và những khoảng đất trống rỗng mọc lên ngay giữa thành phố ở quê nhà; và những điều phi lý ấy khiến y lờ mờ biết rằng đó chỉ là những giấc chiêm bao. Nhưng đời sống thực tại hằng ngày cũng chứa những điều phi lý như thế, ví dụ: khi đi qua thành phố ở xứ người, y thấy những bức tượng xoay lưng lại, từ chối y; điều phi lý ấy khiến y lại lờ mờ nghĩ rằng cuộc sống thực của y có lẽ chỉ là một ảo ảnh. Những giấc chiêm bao tái diễn hằng đêm và những chuyện phi lý xảy ra hằng ngày như thế đã khiến y rơi vào trạng thái tinh thần của một người lẫn lộn giữa thực và mộng. Một hôm, có một người bạn về thăm quê hương ít lâu và trở lại. Y mừng rỡ bám lấy người bạn để hỏi thăm về những gì đang xảy ra nơi thành phố cũ ở quê nhà. Nhưng qua những tin tức người bạn cung cấp, y không thể hình dung lại được những gì đã đánh mất trong quá khứ, vì dường như mọi sự đã đổi khác so với lúc y bỏ nước ra đi. Không thể nối kết cuộc sống hiện tại của mình với ký ức về thành phố cũ ở quê nhà, y bị ảo tưởng dẫn dắt đi lang thang để tìm lại nó. Cuối cùng y rơi xuống một vũng bùn, tưởng rằng đó là con đường dẫn về thành phố trong ảo tưởng.

Trong những năm tháng lưu vong khốn khổ như thế, có lần y nhớ lại thái độ hoàn toàn trái ngược của người vợ cũ -- người đã bỏ y:

Nàng đã trải qua một tâm trạng chối từ mạnh mẽ bất cứ quốc gia nào ngoài châu Âu, tự nhủ, với một thái độ khó hiểu và không thể kìm hãm được, rằng bên kia đại dương là bắt đầu đến một thế giới khác, đầy những bệnh tật hiểm nghèo, thức ăn nhiễm độc, những sinh vật quái dị, những con thú man dã, những núi lửa ghê gớm, những dòng sông cuồng chảy và một sự ô uế bao trùm. Những cuộc đối thoại dài dòng, mà y đã tạo ra để thuyết phục nàng rằng mọi sự ở đó không phải như thế, đều chạm phải sự phản đối của nàng, một sự phản đối xuất phát nhiều từ bản năng hơn là lý trí: như thể Luisa muốn tự bảo vệ nàng trước những hiểm nguy to lớn mà nàng gán cho xứ sở bên kia đại dương, với ý muốn được sống an lành thoải mái ở bờ bên này. [8]

Người đàn ông lưu vong không thể nào hiểu nổi vợ mình. Shoshana Felman, nghiên cứu gia về tâm lý phụ hệ, nhận xét rằng: "Người đàn bà [...] bị gắn liền với sự điên khùng hoặc sự câm nín, trong khi người đàn ông lại được định tính với những đặc quyền về sự hành ngôn và về lý trí."[9] Quả thế, khi còn ở quê nhà, người đàn bà đã là kẻ câm nín, và đã được xem là bình thường; nhưng khi đã qua sống ở châu Âu một thời gian, thì nàng bắt đầu nói, và nói ngược lại mọi ý kiến của chồng. Do đó, người chồng bắt đầu có cảm giác rằng đời sống mới đã làm cho nàng trở nên ích kỷ, chỉ còn biết lo cho bản thân, thậm chí nàng còn trở nên điên khùng đến độ cảm thấy sợ hãi và khinh bỉ truyền thống và gốc rễ một cách phi lý. Y không thể biết rằng nàng rất tỉnh táo và sung sướng biết chừng nào khi đã hoàn toàn thoát khỏi gốc rễ ấy, nơi chốn của một quá khứ dằng dặc đầy tủi nhục chất lên thân phận người phụ nữ. Cuộc sống mới ở châu Âu đã ban cho nàng một điều nàng đã chưa từng có ở quê nhà: sự tự chủ. Nàng cần gì đến gốc rễ ấy nữa, khi ở đây nàng được quyền sống như một con người độc lập. Ở xứ sở mới này, thoạt đầu không ai màng đến nàng, nhưng thà như thế vẫn tốt hơn phải luôn luôn sống dưới sự kềm toả và đè nén. Dần dần, sự tự tin dẫn nàng vào lòng cuộc sống mới. Nàng tự tìm thấy những người bạn mới, nàng có việc làm vững chắc, và nàng bắt đầu nhìn thấy một tương lai đẹp hơn. Thế rồi, không còn ai nhìn thấy nàng như ngoại nhân nữa. Nàng đã biến thành người bản xứ. Trong khi đó, chồng của nàng vẫn mãi là ngoại nhân, vì lòng tự ái nam nhi buộc y giữ thế đứng ấy. Y vừa âm thầm tủi nhục trước hiện hữu vô hình và vô dụng của mình, vừa làm ra vẻ bi tráng đầy ý nghĩa của một con người thiết tha với mặt đất cũ. Chính tâm trạng này càng ngày càng đẩy y vào ngõ cụt.

Trong tuyển tập La rebelion de los ninos ('Sự nổi loạn của trẻ con', 1988) có truyện ngắn "Ulva lactuca" ('Rong lá mơ') kể về sự khốn khổ và bất lực của một người đàn ông lưu vong trước sự nổi loạn của đứa con gái nhỏ. Những mâu thuẫn không thể hoá giải được giữa hai vợ chồng khiến người vợ bỏ đi. Vì quá cô đơn, người chồng tình nguyện nuôi đứa con gái nhỏ một thời gian. Sự thất bại của y bắt đầu ở chỗ y sử dụng quyền lực phụ hệ kiểu machismo đối với đứa bé gái, và nó chống lại. Câu chuyện tập trung vào đoạn người cha ép đứa con gái nhỏ ăn một muỗng xúp. Bắt đầu vào đoạn này, tác giả đưa vào một câu hỏi nhiều hàm ý: "Tại sao chàng lại chỉa về phía nó cái vật thể kim loại có đồ xúc hình lõm đựng chất lỏng để đút vào miệng nó?" [10] Chúng ta sẽ nhận ra hàm ý này sau khi phân tích những đoạn văn kế tiếp sau đây. Khi thấy người cha đưa muỗng xúp vào miệng mình, đứa bé gái không chịu há miệng ra. Dù y doạ cách nào nó cũng không chịu. Nó không muốn ăn xúp chính vì cái vẻ đàn ông dữ tợn toát ra từ cung cách của y. Lớn lên ở châu Âu, đứa bé đã quen với cách đối xử thanh lịch, dịu dàng. Nhưng y không thể nào hiểu được điều đó và y đã sử dụng thái độ làm cha đầy quyền uy của người đàn ông Mỹ La Tinh. Trong đời sống lưu vong, y đã bất lực trước xã hội mới và đã bất lực trước người vợ. Giờ đây, dưới mái nhà này, chỉ còn hai cha con, y nghĩ ít nhất y cũng bày tỏ được chút quyền lực nào đó. Cơn giận bùng lên nhanh chóng trong y, vì y chợt nhớ đến lúc hai vợ chồng còn sống với nhau có lần y muốn mua một chiếc giường nước và nàng đã không chịu. Y hiểu rằng nàng không chịu vì nàng không còn muốn chìu theo những khát vọng dục tính màu mè của y nữa, nàng không còn muốn thụ động chấp nhận làm trò tiêu khiển thể xác cho y như khi còn ở quê nhà nữa. Cái đồ xúc có hình lõm xuống khiến y liên tưởng ngay đến hình ảnh chiếc giường nước. Y nghĩ: "... Nàng đã không chịu mua cái giường nước và bây giờ đây con bé lại không chịu hả miệng ra ... để nhận bất cứ cái gì trên thế giới này." [11]

Cristina Peri Rossi đã tài tình lột tả bản chất cơn uất ức của người đàn ông trong trường hợp này. Đó là cơn uất ức của giống đực khi không thể chiếm hữu được thể xác giống cái. Khi không thể đưa cái muỗng đựng chất lỏng vào miệng đứa bé gái, y liên tưởng ngay đến việc không thể đưa dương vật vào thể xác người đàn bà. Đối với người đàn ông, hành động đưa vào là hành động chiếm hữu và làm chủ thực sự. Nhưng nếu người đàn bà không mở thể xác ra, thì người đàn ông không thể đưa vào được. Do đó, khi đứa bé gái nhất định ngậm miệng, y giận dữ nghĩ: "Tại sao sinh vật này không chịu mở miệng ra?"[12] Nhưng thái độ giận dữ của y chỉ dẫn đến sự nổi loạn của đứa bé, trong khi y lại muốn trút lên nó những uất ức y đã sẵn có đối với mẹ nó:

Tại sao nó không chịu hả miệng ra? ... Chàng nhấc cái muỗng lên ngang mặt nó, và dùng hai ngón tay túm lấy gáy nó. Cách đó làm chàng giữ chặt được nó. Tôi không bao giờ muốn áp bức bà. Sự làm chủ thì không có giới hạn ... Nó cảm thấy nó bị túm chặt giữa những ngón tay mạnh mẽ. Tôi sẽ không làm gì hại đến bà. Tôi chỉ muốn bà giăng hai tay ra như chiếc thập giá, và hãy cùng nhau bơi trên chiếc giường nước như hai chiếc thuyền nhún nhẩy trên sóng. Nó nhận ra rằng nó không thể thoát khỏi. Như vậy đó. Cái muỗng chỉa thẳng di chuyển qua không gian với mớ chất lỏng ... nó muốn chống lại, nó sợ. Chàng tiến đến gần hơn và gần hơn ... Chàng nhận ra đôi mắt nó đầy lệ, nó sẽ khóc nức nở trong cơn cực lạc của sự đau đớn, đừng khóc, làm ơn, đừng khóc, nó hít vào thật sâu, giữ như thế, một chút nữa, và thổi hết sức của nó vào chiếc muỗng, vào thứ chất lỏng nhớt nhát, vào tấm khăn trải bàn trông giống như khăn trải giường và tấm khăn trải giường màu trắng trông giống như tấm khăn trải bàn. [13]

Bút pháp độc đáo của Cristina Peri Rossi và kỹ thuật sử dụng ngôn ngữ Tây Ban Nha của bà không cho phép chúng ta có được một bản dịch Việt ngữ hoàn toàn chính xác. Trong đoạn văn trên, Cristina Peri Rossi đã ráp nối nhiều dòng ý nghĩ vào nhau và hoà lẫn các đối tượng được mô tả. Bà đã dùng chữ "ella" một cách tài tình khiến một số câu văn chứa đựng hai ý nghĩa trong cùng một lúc: chữ "ella" có nghĩa là "nó" (chỉ đứa bé gái) và cũng có nghĩa là "nàng" (chỉ người vợ). Điều này cũng khiến một số từ ngữ trở nên có hai nghĩa: "abrir la boca" (hả miệng ra / mở thể xác ra); "la cuchara" (cái muỗng / dương vật); "no quise nunca oprimirte" (tôi không bao giờ muốn áp bức bà / bố không bao giờ muốn áp bức con); "no te hare dano" (tôi sẽ không làm gì hại đến bà / bố sẽ không làm gì hại đến con); "liquido pegajoso" (chất lỏng nhớt nhát / tinh dịch). Cuối cùng, sức mạnh của những ý nghĩa song song này dồn tụ vào câu cuối "sobre el mantel de la sabana y la sabana blanca como un mantel" (vào tấm khăn trải bàn trông giống như khăn trải giường và tấm khăn trải giường màu trắng trông giống như tấm khăn trải bàn). Nhóm chữ "el orgasmo de la pena" (cơn cực lạc của sự đau đớn) còn có tác dụng gợi ý đến ám ảnh của giống đực về sự phô trương quyền lực trên sự chịu đựng của giống cái: họ nghĩ rằng người đàn bà sung sướng khi được người đàn ông hành hạ. Trong đoạn văn trên, ám ảnh này bị đánh vỡ một cách thảm hại khi đứa bé hít hơi thật sâu và thổi mạnh vào chiếc muỗng đựng xúp.

Như thế, qua ngòi bút của Cristina Peri Rossi, nỗi ám ảnh destierro của người đàn ông lưu vong trong thực chất chỉ là nỗi ám ảnh về sự mất đất dụng võ. Ra khỏi mặt đất cũ, người đàn ông âm thầm ôm niềm đau đớn sâu xa của người bị hoạn. Không thể biểu lộ sức mạnh nam tính được với ai nữa, từ ngoài xã hội cho đến trong gia đình, y chỉ còn sống với nỗi hoài vọng không nguôi về mặt đất cũ. Ngược lại, được đến sống ở những xứ sở tiến bộ và công bình hơn là cơ hội để người đàn bà được giải phóng khỏi quyền lực của truyền thống phụ hệ; do đó, người đàn bà phấn khởi và nhanh chóng lao mình vào cuộc sống mới, và dễ dàng hội nhập.

III

Nhận xét của Cristina Peri Rossi về trạng huống destierro của người đàn ông Mỹ La Tinh rất phù hợp với nhận xét của nhà nghiên cứu tâm lý xã hội Pedro Lopez Pujol. Trong phần kết luận thiên điều tra của ông,"La psicología de destierro, o víctimas de la tradición patriarcal" ('Tâm lý lưu vong, hay những nạn nhân của truyền thống phụ hệ')[14], có đoạn sau đây:

Trong cuộc sống lưu vong ở các nước Âu châu và Bắc Mỹ những năm cuối thế kỷ 20, những người đàn ông đến từ các quốc gia chậm phát triển và nhiều rối loạn chính trị ở châu Mỹ La Tinh rất dễ trở thành những con người thất bại. Vỡ mộng về một cuộc sống dễ dàng, cùng lúc nhận ra sự mất giá trị của bản thân trước xã hội mới qua những trở ngại trong ngôn ngữ và/hoặc trong khả năng kinh tế, cộng thêm tình trạng sống như những người không có một địa vị xã hội nào, họ thường có nguy cơ rơi vào những triệu chứng tâm lý đa nghi hoang tưởng (paranoia), vĩ cuồng (megalomania), trầm uất (folie maníaco-melancólico), hay dằn vặt với khát vọng hồi hương. Để xây dựng giá trị bản thân trong xã hội mới, thay vì nỗ lực hội nhập và vươn lên từng bước với sự kiên nhẫn, nhiều người lao vào và bỏ nhiều thì giờ, sức lực và ngay cả tiền bạc để tạo nên những địa vị giả (pseudo-estado) trong những nhóm sinh hoạt chính trị mệnh yểu và đầy sự cạnh tranh cá nhân. Chính những điều này là một trong những nguyên nhân chủ yếu gây nên những xung đột trong nội bộ các cộng đồng và sự mâu thuẫn hoặc đổ vỡ trong nhiều gia đình, vì trong lúc đó, đa số đàn bà thì thực tế hơn và do đó dễ hội nhập hơn vào đời sống mới. Họ chỉ phải đương đầu với một nỗi nhớ nhà nhiều cảm tính nhưng chóng qua, vì họ khám phá những quyền lợi mới vốn không thể có trong những xã hội phụ hệ và chậm tiến. Những con số của thiên điều tra cho thấy sau mười năm định cư số người phát biểu ý muốn trở về quê hương chiếm tỷ lệ rất cao nơi đàn ông và rất thấp nơi đàn bà. [15]

Thiên điều tra của Pedro Lopez Pujol được thực hiện hoàn tất vào năm 1985 dựa trên những cuộc phỏng vấn với rất nhiều cá nhân nam nữ từ nhiều thành phần xã hội khác nhau và nhiều sắc tộc Mỹ La Tinh khác nhau. Kết quả của thiên điều tra với những số liệu thống kê cụ thể của nó, tuy vậy, chẳng phải là một khám phá đáng ngạc nhiên, mà chỉ là sự khẳng định mang tính khoa học về một thực trạng tâm lý xã hội mà những nhà văn tự chủ và thông minh như Cristina Peri Rossi đã sớm nghiệm ra từ những ngày lưu vong đầu tiên của bà vào những năm 70.

Tất nhiên không phải người phụ nữ nào cũng quyết tâm đoạn tuyệt với quyền lực phụ hệ ngay từ đầu cuộc lưu vong như Cristina Peri Rossi. Những phụ nữ chịu sự giáo dục kỹ lưỡng từ những gia đình có địa vị cao trong xã hội phụ hệ có lẽ phải chịu ảnh hưởng nam tính ít nhiều trong cái nhìn; và vì thế, khi bỏ nước ra đi, họ cũng ít nhiều mang ám ảnh destierro như nam giới. Tuy vậy, vì họ vẫn là phụ nữ, nên đời sống mới với sự tôn trọng nữ quyền trên những đất nước tự do cũng dễ khiến họ trút bỏ ám ảnh destierro.

Trường hợp nữ tiểu thuyết gia Chile lưu vong Isabel Allende là một trường hợp lý thú. Năm 1975, khi rời bỏ Chile để đi tỵ nạn chính trị tại Venezuela, nữ tiểu thuyết gia Isabel Allende đã mang theo một nắm đất Chile trong hành lý của mình. Là cháu gái của cố tổng thống Salvador Allende, và là một người đã có lần diễn tả nỗi ưu tư của mình về tình trạng chính trị của cố quốc trong tiểu thuyết đầu tay La casa de los espíritus ('Ngôi nhà của những linh hồn', 1982), tâm cảm Isabel Allende hẳn đã chan chứa nỗi niềm destierro khi bốc nắm đất mang theo trong cuộc lưu vong. Tuy nhiên, sau mười hai năm sống ở Venezuela, bà sang định cư ở Hoa Kỳ mãi cho đến nay và không có ý định trở về cố quốc nữa, dù chế độ quân phiệt Pinochet đã sụp đổ. Nắm đất ngày xưa bà mang theo bây giờ nằm ở đâu?

Đến đây, tác giả tiểu luận này -- một người đàn ông Việt Nam lưu vong -- chỉ tự hỏi phải chăng người phụ nữ Việt Nam lưu vong cũng có cùng tâm cảm với một người phụ nữ Uruguay tên là Cristina Peri Rossi.

(08/1999)

_________________________

[1]Cristina Peri Rossi, Descripción de un naufragio (Barcelona: Lumen, 1976), 17-18.

[2]Như trên, 19-20.

[3]Như trên, 62.

[4]Như trên, 88.

[5]Cristina Peri Rossi, La tarde del dinosaurio (Barcelona: Planeta, 1976).

[6]Cristina Peri Rossi, El museo de los esfuerzos inútiles (Barcelona: Seix Barral, 1983), 132.

[7]Như trên.

[8]Như trên, 179.

[9]Shoshana Felman, "Women and Madness: The Critical Phallacy", trong Catherine Belsey and Jane Moore (ed.), The Feminist Reader: Essay in Gender and the Politics of Literary Criticism (New York: Blackwell, 1989), 145.

[10]Cristina Peri Rossi, La rebelión de los ninos (Barcelona: Seix Barral, 1988), 6.

[11]Như trên, 8.

[12]Như trên, 6.

[13]Như trên, 12-13.

[14]Pedro Lopez Pujol, "La psicología de destierro, o víctimas de la tradición patriarcal", Estudios en psicología social 2 (1985):12-87.

[15]Như trên, 84.


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021