thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
«Người tình» của Đông Dương?

 

 

Marguerite Duras viết bốn cuốn sách về những nỗi đắng cay của gia đình bà, một gia đình người Pháp nghèo ở Nam Kỳ dưới thời thuộc địa. Nghèo, bởi vì mẹ bà chỉ làm đốc học ở Sa Đéc, chỉ đủ tiền để xây một ngôi biệt thự tại Nam Vang thay vì tại Sài Gòn hay tại Paris. Cuốn truyện đầu tiên bán nhiều của Duras là Chiếc đập chống Thái Bình Dương, hư cấu trên chuyện gia đình Donnadieu (tên thật) gồm bốn mẹ con (trong Chiếc đập... chỉ còn ba) sau cái chết của người cha, và về công trình khai khẩn của người mẹ, đã gặp thất bại. Chiếc đập... là một cuốn truyện ăn khách và tạo huyền thoại, giúp Duras khai thác đề tài này thêm vài lần nữa, đưa tới Người tình, giải Goncourt 1984. Tuỳ quan niệm của mỗi người, nó có thể là điểm son hay vết chàm trên một văn nghiệp đang được thương mại hoá tối đa. Nó có thể là cái nhãn để quảng bá văn chương Duras. Mà nó cũng có thể là cái cây che khuất khu rừng. Chuyện làm đập hư thực như thế nào thì không thể kiểm chứng. Sau đây là ý kiến của nhà văn Michel Tournier: "Chuyện ấy có thật hay không? Nó có phải là một "lát đời sống" thật sự, được Marguerite Duras tường trình trung thực? Có thể ta sẽ không bao giờ biết rõ. Bởi vì Marguerite Duras là một tiểu thuyết gia, nghĩa là một kẻ nói láo chuyên nghiệp." [1] Marguerite Duras: “Tôi chưa hề nói láo trong tác phẩm. Hay ở ngoài đời. Chỉ nói láo với bọn đàn ông thôi.”[2]

Marguerite Duras dù sao cũng đã ra sức phá cái đập ngăn chia tác phẩm và cuộc đời của bà, biến hư thành thực và ngược lại, và bà đã thành công mỹ mãn. Bà có khuôn mặt gây ấn tượng. Lúc trẻ cũng như lúc già. Trẻ, nó xui ta nhìn lâu. Già, nó khiến tôi ngoảnh mặt. Khuôn mặt Duras thời trẻ rất "nhà văn", như một khuôn mặt nào đó có thể rất "tướng cướp", nếu ta muốn diễn tả lẹ. Gọi như vậy là theo công thức, vì không chắc đã đúng hẳn. Bởi vì một "khuôn mặt nhà văn" vẫn có thể nếu không ăn cướp thì cũng đạo văn. Hơn nữa, nó cũng có thể chẳng viết được một cái gì hết. Và một "khuôn mặt tướng cướp", biết đâu, có thể sẽ viết ra được một tuyệt tác khi ngồi tù. Cái ác, cái đồi trụy, với thời gian sẽ lồ lộ trên khuôn mặt khổ chủ. Ở Duras thì chắc là do rượu, thuốc lá, có thêm nham hiểm hay không thì tôi không dám quả quyết. Để độc giả dễ hình dung, tôi xin nhại tên hai cuốn truyện kinh dị về nhị trùng bản ngã cho vào ca Duras. Oscar Wilde: Bức chân dung của Marguerite Duras. R. L. Stevenson: Cô Marguerite và Bà Duras.

Marguerite Duras, thời niên thiếu, có khuôn mặt "china doll". China Doll hiểu nghĩa đen lẫn nghĩa bóng. Đen: búp bê sứ (china/porcelain). Bóng: búp bê Trung Hoa (China). Khuôn mặt Marguerite trắng trẻo như được nặn bằng sứ, bầu bĩnh nhưng không béo bệu, xui nhà văn Michel Tournier đưa ra một giả thuyết. Theo Tournier thì bố Duras trong cơn hấp hối kéo dài do bệnh hoạn, đã bỏ bê người vợ trẻ, khiến trong một phút yếu lòng, nàng đã phạm tội ngoại tình với một người đàn ông Trung Quốc, người đàn ông này sẽ là người đàn ông Trung Quốc ngồi xe hòm đen chờ cô bé Marguerite vào giờ tan trường, trong Người tình. Phút lầm lỡ đã để hậu quả lại trên khuôn mặt Marguerite, có nhiều nét Á Đông, có thể ảnh hưởng đến tương lai cô khiến cô xém phải mang hoạ cả đời. Nhưng cô không những đã hiểu rõ tình cảnh mẹ để sẵn lòng tha thứ, mà còn lận vào người cái lỗi của mẹ, biến người tình của mẹ thành người tình của cô. Michel Tournier kết luận: vì vậy Người tình phải được sửa lại thành Người cha.[1]

Marguerite Duras thích soi ngắm khuôn mặt bà, như mọi người, trừ tôi, vì tôi không thích nhìn mặt George Clooney. Người tình, cuốn truyện của Duras, bắt đầu bằng sự quan sát tỉ mẩn khuôn mặt Duras. Từ khi nó còn nõn nà cho tới lúc nó đã sần sùi nứt nẻ. Hoàng hôn, nhất là những hoàng hôn nhiệt đới, thường rất ngoạn mục, khi bóng tối và ánh sáng giao tranh mãnh liệt một lần cuối cùng làm rực cả một góc trời. Những buổi hoàng hôn xứ nóng luôn luôn có cái chết lộng lẫy. Hoàng hôn của một khuôn mặt thì phần lớn rất thê thảm. Chúng càng thê thảm hơn nếu người chủ của khuôn mặt có những tâm địa mà da thịt mỏi mòn vì năm tháng không còn sức che đậy nữa. Nhưng cũng có vài khuôn mặt về chiều rất bắt mắt. Tôi nghĩ - nhưng bạn vẫn có thể không đồng ý - đến Hugo, Hemingway, Faulkner, Joyce, Beckett, Genet... Phía điện ảnh: Jean Gabin, Spencer Tracy, Anthony Hopkins... Hay Joan Crawford, Gloria Swanson, Anna Magnani, Simone Signoret...[3]

Marguerite Duras và Simone Signoret, đồng hương nếu ta không kể nơi sinh, đều có khuôn mặt bị thời gian tàn phá. Khuôn mặt Duras gây dị ứng. Khuôn mặt Signoret gây xúc động. Tôi thích xem các cuốn phim do bà Signoret đóng vào lúc cuối đời. Trong phim Goá phụ Couderc (La veuve Couderc, đạo diễn: Pierre Granier-Deferre, 1971) phỏng theo một cuốn truyện của Simenon, cuộc tình thoáng chốc giữa một người đàn bà trọng tuổi đã lao động vất vả từ tấm bé trong gia đình chồng khiến nàng trở thành xấu xí, thậm chí xấu xa (S. Signoret) và một thanh niên danh giá đẹp trai đã sa chân (A. Delon) cho tôi cái cảm xúc bùi ngùi, đau nhói của định mệnh phũ phàng trên một cuộc tình chân thật. Tôi coi phim này hồi còn ở Sài Gòn trước 75 trong "rạp máy lạnh" Mini-Rex, rồi ở Paris, và mấy năm gần đây trên DVD. Tôi sến lửa, thích chuyện tình ba xu, nhưng thôi xin để qua một bên. Điều tôi muốn nói khi so sánh hai khuôn mặt trên là như sau: có những khuôn mặt đã thăng hoa khi lão thành, và có những khuôn mặt chỉ tàn tạ lúc già nua.

Marguerite Duras qua văn chương, đã biểu lộ nỗi uất hận của gia đình bà đối với chính quyền thuộc địa. Duras & gia đình luôn luôn là nạn nhân của tất thảy. Duras là chiến sĩ chống bất công. Duras là nữ thánh của nhân loại. Hãy nghe bà nói về mẫu thân: “Mẹ của mọi người. Mẹ của tất cả. Mẹ của những tiếng la. Bà mẹ the thé. Rất là kinh khủng. Bà mẹ của chúng tôi. Ôi quá hãi hùng. Không thể sống chung. Vẫn còn yêu mãi. Dù đã chết rồi."[4] Ở Sa Đéc, Sài Gòn, Gia Định, cô bé Marguerite đã nhìn xung quanh, đã bất bình. Và, trong vài trường hợp, cô đã hội nhập văn hoá như mặc áo dài chụp ảnh, ăn cháo, ăn chè, bầu bạn với trẻ con bản xứ. Có thể cô cảm thấy gần gũi với lũ trẻ nghèo nàn tại các nơi ấy hơn với các nữ sinh giàu sang ở nhà trọ Barbet tại Saigon. Đó là một khoảng thời gian khá ngắn và không đều, có thể kéo dài tới năm 13, 14 tuổi. Nhưng năm lên 18, đậu tú tài xong, Marguerite vù về mẫu quốc và từ đấy chẳng bao giờ trở lại Việt Nam nữa.

Marguerite Duras đa sex, đa tình, đa rượu, đa viết, đa cãi, đa chống... Phản kháng thường với mục đích vị tha. Vì phản kháng là liều thuốc bổ cho Duras: "Càng phủ nhận, càng bị đối kháng, mình càng sống". (trích dẫn của Laure Adler). Chính Duras đã khoe nếu bà không phải là Duras thì bà "cũng không chịu nổi [cái con mụ] Duras [đó], như nhiều người."[5] Ở Duras luôn luôn là sự căm thù tột độ hay sự đam mê tột đỉnh. Tính chất hương xa xứ lạ (exotisme) trong truyện Duras chẳng khác màu sắc địa phương (couleurs locales) của Pierre Loti là bao, nhưng có tuyệt vời hơn. Các cuốn truyện bán đắc của Duras như Chiếc đập chống Thái Bình Dương, Người tình... tựu trung cũng chỉ là những chuyện phiêu lưu cộng thêm sex. Với tôi, văn chương Duras nằm ở chỗ lằn ranh giữa sang và sến. Một thứ văn chương hồng trên nền đen hay ngược lại.

Marguerite Duras nếu có vòng vo tứ quốc (Pháp-Việt-Nhật-Ấn) thì cuối cùng cũng lại quay về với khởi điểm là Duras. Bà thường sử dụng thân nhân, thậm chí lạm dụng, để viết về Duras, về "nỗi đau" Duras. Yann Andréa, người tình cuối đời kiêm thư ký, trẻ hơn Duras 45 tuổi, trong một phút âu yếm và tự ti đã thì thầm với Duras: "Nếu tôi chết, bà có viết một cuốn sách nhỏ về tôi không?" Duras: "Không viết một cuốn nhỏ mà một cuốn to" (trong Cet amour-là của Yann Andréa, tôi kể theo trí nhớ). Năm 1942, đứa con đầu lòng của Duras chết ngay sau khi lọt lòng. Năm 1947, Jean, con của Duras và người chồng thứ hai Dionys Mascolo, ra đời. Duras, lại phải "xả thân" trong thiên chức làm mẹ: "Người phụ nữ để cơ thể của mình lại cho đứa con, cho con cái, chúng ở trên mình mẹ chúng như trên một ngọn đồi, như trong một khu vườn, chúng ăn thịt mẹ, chúng đập đập trên đó và người phụ nữ để mặc cho chúng ngấu nghiến và nàng ngủ trong khi con cái bò trên mình nàng." (trích dẫn của Laure Adler). Trẻ con không bình thường như tôi chỉ cần sữa mẹ. Giàu sang thì có thể bú Guigoz như thằng em họ của tôi, vì lúc đó dì tôi đã lép vú không còn sữa. Bà già tôi thì ngày ngày phải thức khuya dậy sớm quét nhà, đi chợ, nấu cơm, giặt đồ, rửa chén, cho con cái rộng thì giờ học nhưng không hành, đọc George Sand, Tố Hữu (chị tôi); Dumas, Phú Đức, Comtesse de Ségur (tôi). Lúc rảnh thì bà ngồi nghe con cái hài tội, có khi chúng còn dám hỗn hào. Nếu nhại văn hay chữ tốt của Duras, tôi có thể đẻ ra một câu bất hủ như vầy: "Mẹ của bảy đứa. Mọi của tất cả. Mẹ của những tiếng nấc nghẹn. Bà mẹ âm thầm. Rất là kinh khủng. Bà mẹ của chúng tôi. Ôi quá hãi hùng. Không thể sống chung. Vẫn còn ghét mãi. Dù đã chết rồi." Thịt trâu già của má tôi tất nhiên không mềm mại bằng thịt bò phi lê của Duras, lúc lọt lòng tôi chưa có nanh Dracula nên không thể ngấu nghiến. Vả lại, như đã kể, lũ chúng tôi tất thảy là bảy thái tử công nương háo ăn ham ngủ, mà tôi lại là thằng út mót, hoàng tử bé, nếu có tới phiên mình thì chỉ hy vọng còn tí xí quách thôi. Jean là quí tử độc nhất của cặp vợ chồng Mascolo-Duras.

Marguerite Duras ngoài đời chưa hề lên tiếng chống đối chính sách thực dân, chẳng hề mở miệng chỉ trích chính quyền thuộc địa. Khi làm việc ở Bộ Thuộc Địa trước Thế Chiến Hai, Duras không chỉ là một công chức ngoan ngoãn mà còn đắc lực, đã viết những bài tuyên truyền cho chính phủ Pháp trong năm 1938. Robert Fulford, nhà báo người Canada, trên trang net "Những kẻ cộng tác" của ông, cho thấy một Marguerite Duras đã hợp tác với phát-xít Đức và chính quyền Pétain: "Trong thời gian này bà có viết chung một cuốn sách để giải thích những đức tính của chủ nghĩa đế quốc, dựa vào chủ thuyết dân da trắng phải cai trị thế giới; mấy thập niên sau bà vẫn cố gắng phủ nhận cuốn sách ấy... Thế rồi, như Francois Mitterand bạn của bà, bà đã nhảy vọt từ chính phủ Vichy sang phía kháng chiến hầu như vào giờ chót, kết thúc chiến tranh trong hàng ngũ những kẻ đắc thắng." [5] Năm 1959, Hiroshima mon amour theo đợt sóng mới tấp vào bờ biển Xi Nê toàn cầu. Nó khéo léo triển khai lại đề tài tình yêu không biên giới lồng vào bối cảnh Thế Chiến Hai, tức tốc biến Duras thành một chiến sĩ anh dũng chống Chiến Tranh, chống Bom Nguyên Tử.

Marguerite Duras phải chăng vì yêu mến Nam Kỳ mà đã cho phép các địa danh nước ta nhập tịch Pháp như Sadek, Cholen, Vinhlong? Ai tiếp cận văn chương Duras, nếu không mù quáng, ắt sẽ thấy ngay rằng người tình của Marguerite là Duras, và mối đam mê lớn nhất của bà, Marguerite Duras chỉ dành cho văn nghệ. Văn chương Duras, kịch Duras, phim Duras... Năm 1945 bà gia nhập Đảng Cộng Sản Pháp để rồi ly khai vào năm 1950 vì không chịu nổi áp bức. Một cuộc ly hôn ầm ĩ, gây xì-căng-đan. Và đó là một Đảng Cộng Sản chưa nắm chính quyền. Sinh thời, bà chưa từng đặt chân lên một nước cộng sản nào. Do vậy, nếu sống dưới một chế độ toàn trị bất cứ ở đâu trên thế giới hôm nay, liệu bà có cúi đầu chấp nhận không?

Marguerite Duras là người tình của Đông Dương, của Việt Nam? Xin để quí bạn tự định đoạt.

 

_________________________

Chú thích của người viết:

[1]Michel Tournier, "Visages de Marguerite Duras" trong Célébrations (Gallimard và Mercure de France, tủ sách Folio, 1999 và 2000).

[2]Marguerite Duras, Écrire [Viết] - tiểu luận / tùy bút (Gallimard Folio, 1993).

[3]Rất tiếc, tôi không thể kể một khuôn mặt Á Đông vì thiếu ảnh tài liệu. Cũng không thể kể khuôn mặt Thúy Kiều vì nó là một khuôn mặt trừu tượng của chữ nghĩa, của ý niệm. Truyện Kiều đã được, rồi cứ tiếp tục bị đọc qua lăng kính và cái khung tiểu sử, xã hội, Khổng giáo, Phật giáo, văn chương. Tôi xin đề nghị thêm một cách đọc mới cho vui. Đọc Kiều như một tác phẩm mở (Eco), như ẩn dụ của Cái Đẹp không thể được định hình / định nghĩa (làn thu thủy hay nét xuân sơn?), dù được nâng niu hay bị vùi vập, cuối cùng cũng không ai nắm bắt được Nó, kể luôn người nghệ sĩ chân chính nhìn thấy / nhận thấy nó ngay phút đầu (Kim Trọng). Nó vẫn đẹp, vẫn ở trên cao, vẫn ở ngoài tầm của con người, sinh vật duy nhất biết cảm nhận Cái Đẹp và luôn luôn muốn thuần thục, chế ngự Nó.

[4]Marguerite Duras, L' Eden Cinéma [Rạp Eden] - kịch (Mercure de France, 1977, và trong tủ sách Gallimard Folio,1986).

[5]"Then she helped write a book explaining the virtues of the empire, built on the assumption that whites should rule the world; decades later she was still trying to pretend the book has never existed... Then, like her friend Francois Mitterand, she jumped from the Vichy governement to the Resistance almost at the last, ending the war on the winning side." Nguồn: www.robertfulford.com/Collaborators.html

 

Tiểu luận này phần lớn sử dụng lại tài liệu trong cuốn tiểu sử Marguerite Duras của Laure Adler, 950 trang (Gallimard 1998), đoạt giải Femina 1998 (thể loại tiểu luận), in lại trong tủ sách Folio năm 2000. Và theo các tài liệu thu lượm rải rác trong sách báo, trên net, như đã kể.
(NĐT)

Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021