thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
Tôi thích ngôn ngữ Công xã Paris hơn ngôn ngữ cố đô Versailles
«Je préfère la langue de la Commune à celle des Versaillais», Courrier international, No. 802 (16-22/03/2006)
Bản dịch của Hoàng Xuân Tứ

 

LTS: Đỗ Kh., tên thật là Đỗ Khiêm, sinh năm 1956 tại Hải Phòng, miền Bắc Việt Nam, và lớn lên ở miền Nam trong thời kỳ đất nước chia cắt. Tham dự vào một trong những đụng độ cuối cùng của cuộc chiến, Đỗ Kh. tị nạn tại Pháp từ năm 1975 trước khi sang cư trú ở California những năm 1980. Từ 1988, anh hợp tác với các báo văn học lớn tại hải ngoại. Tác giả của nhiều thơ, truyện ngắn, tiểu luận và kịch bản phim, Đỗ Kh., theo lời anh kể, hiện đang viết một tiểu thuyết bằng tiếng Pháp có tên Boléro Météo.

 

Từ nơi bàn học tại trường trung học Jean-Jacques Rouseau, tôi nhìn thấy một góc phố Hồng Thập Tự, bờ rào của Dinh Độc Lập và cái điếm gác bảo vệ khoang vườn ở bên trong. Ngay tại điểm này, một đám đông bất thường lớn dần, thanh thiếu niên áo xanh quần trắng đồng phục của các trường công lập Việt, lao xao chuyển mình đằng sau rặng biểu ngữ. Tôi kịp đọc hàng chữ đi đầu – “Đả đảo thực dân văn hoá Pháp!” – trước khi câu khẩu hiệu ầm ì tạt vào đến lớp học.

Hôm đó là vào năm 1967 tại Sài Gòn. Người hùng của thời đó, tướng đầu chải bóng Nguyễn Cao Kỳ vừa cắt đứt quan hệ ngoại giao với một nước Pháp mang bịnh “trung lập” trong cuộc chiến Nam-Bắc. “Ky, c’est qui?” (Kỳ là ai vậy?), là câu hay chữ của một ông tướng khác, tướng De Gaulle. Để rửa hận này, ông Thủ tướng miền Nam bèn khích động học sinh công lập biểu tình đòi đóng cửa thành trì còn lại của thực dân là trường trung học Pháp Jean-Jacques Rousseau, cựu Chasseloup-Laubat thời Đông Dương. Lúc đó tôi đang học lớp Đệ Tứ M2 và trước đó cả học trình đều theo chương trình Pháp.

Sự cố này là dịp lay động tinh thần quốc gia chủ nghĩa của một cậu bé đang lớn. Thật ra, tôi đã chẳng lấy gì làm hiếu học cho lắm, và học tại trường trung học này lại càng không. Đây là cơ hội để tôi đòi xét lại việc tôi phải đeo đuổi một học trình nặng mùi thực dân quá khứ, nhất là ngày hôm ấy, các anh họ tôi lại có mặt trong đoàn chống đối. Khi hỏi ba tôi: “Sao con lại không được theo học trường Việt như mọi người?”, tôi nghe ông bảo: “Chương trình Pháp khác các trường Việt ở chỗ chẳng phải học nhồi nhét mà dạy cách tự mình suy nghĩ và có đầu óc phán xét.” Không kể tự ái của hai ông tướng vừa nói đến, đó là chuyện tay đôi giữa Voltaire và Khổng Tử, và ba tôi hẳn là đúng lí.

Tôi sang đến Paris vào năm 1969, chưa đầy chín tháng sau sự cố tháng Năm (1968), lại trọ ngay gần Nhà Hát Odéon, nơi bà Duras (hẳn thế và đương nhiên là như vậy) mới vừa phản đối hệ siêu sao của cặp Sartre-Beauvoir. Những giá trị của nền Cộng Hòa được tôi bổ túc ngay bằng những giá trị của (cách mạng) 1968 (“Cấm không được cấm!”). Trường trung học mới, Michelet lại nhộn hơn trường cũ của tôi nhiều. Học sinh dạo đó họp hành và liên miên bãi khoá, phe Sauvageot đua đòi địch các đám Krivine và Mao hay là Vô Chính Phủ. Có lúc cả Hiệu trưởng còn bị học sinh quản thúc (ở bên nhà là việc tôi đã từng mơ mà không thấy) và Hiến binh Lưu động được triệu vào trường. Tôi vẫn nhớ dáng xanh xao của một bạn học (cũng người Việt và cựu đồng song tại Jean-Jacques Rousseau trước đây), một mình tay cầm đá trong hành lang đầy khói lựu đạn đương đầu với cả một tiểu đội công an nón sắt dùi cui.

“Ơn sinh thành” của nước Pháp, trong trường hợp tôi sau này lại cũng là “Mẫu quốc của mọi dân tộc” (chí ít cũng là mẫu quốc của nhiều dân tộc khác ngoài dân tộc An Nam). Năm 1977, tị nạn tại Pháp sau khi lãnh phần thua trong cuộc chiến Việt Nam, tôi mới gặp người con gái sau này trở thành vợ tôi tại Trung tâm Arcueil vào dịp cô thi Tú tài. Cô đang tránh một cuộc chiến khác lúc đó mới bắt đầu, cuộc chiến Liban. “Nước Pháp, đất dung thứ”?

Cho đến ngày hôm nay, cuộc hôn nhân này vẫn còn gây ngạc nhiên hay là thích thú, chính vì khỏang cách văn hoá “dường như” giữa hai vợ chồng, nhất là tại Hoa Kỳ, nơi chúng tôi thành hôn về sau. Nhưng tôi đã có dịp thăm trường nữ Trung học Pháp-Liban tại Beyrouth, nơi vợ tôi cũng đã từng phải thụ hình. Màu vàng vôi và màu xanh các cánh cửa cũng ứa cùng một nhàm chán không chịu đựng được, cho dù Beyrouth hẳn là không ẩm ướt bằng Sàigòn, và cũng những cây phượng ấy, tuy có lạnh lùng hơn ở độ vĩ tuyến này, vẫn đơn điệu điểm lốm đốm cùng một sân chơi tẻ nhạt. Tất nhiên, cả hai chúng tôi đều đã phải học cùng chung một sách giáo khoa, mỗi người ôm lơ đãng lấy phần một nửa (nàng phần Lagarde và tôi phần Michard). Ngay đến cả các thày cô, chúng tôi còn có dịp biết chung. Thường các giáo viên Pháp, sau khi rời nhiệm tại Sàigòn lại có khi chọn Beyrouth hay là biết đâu đấy Kabul, khiến tôi có được điều để chia sẻ với cả Mãnh sư vùng Panshir đã khuất núi, Lãnh đạo (Afghanistan) Massoud, hay là vô khối học trò, từ Abidjan hay là Cotonou cho đến Nam Vang.

Tiếng mẹ đẻ của các con tôi nay là tiếng Pháp chúng vẫn dùng để nói chuyện có khi ngượng nghịu ở trong nhà. Bên ngoài, là miền Nam Cali, là bóng rổ, là các cô vận náo viên của đội Esperanza Aztecs và các thảm cỏ tỉa vô cùng kỹ. Tương tác của tôi với ba thứ tiếng có lẽ cũng thế, vì nhu cầu và thích ứng chứ chẳng có gì mật thiết thân thương. Tiếng Việt với tôi là ngôn ngữ ra đời, tiếng Pháp là tiếng giáo khoa và tiếng Anh là tiếng thường ngày thông dụng, giờ phải khoanh vùng ra nữa thì quá mệt. Viết văn đã là một nghề nhọc, vậy đã đủ khó rồi, việc gì còn lại bắt chọn lựa lôi thôi.

Ca từ Pháp duy nhất mà mẹ tôi còn nằm lòng là bài Tung hô Thống chế Pétain (Toàn quyền Pháp vào dạo ấy theo chế độ Vichy). “Nước Pháp của tôi” là nước Pháp của bài hát Ferrat. Tiếng Pháp của tôi là tiếng Pháp của Năm II Cách Mạng, không phải là thứ tiếng của phản động tháng Thermidor, là thứ tiếng của Paris Công xã, không phải là tiếng của cố đô Versailles, là ngôn ngữ của Tuyên ngôn Quốc tế Nhân quyền năm 1947, không phải là ngôn ngữ của Đạo luật cấm bích chương năm 1881 trên các mặt tường. Nhưng bạn sẽ bảo, đó cùng là một thứ tiếng chứ, nhưng tôi không đồng ý. Tôi yêu thứ này và ghét hẳn thứ kia. Nếu bắt tôi giờ đi từ đầu lại, tôi cũng sẽ vẫn y như vậy, chỉ xin lần này đừng bắt tôi chia cho đúng và phù hợp các động từ.

 
Hoàng Xuân Tứ dịch từ nguyên bản tiếng Pháp «Je préfère la langue de la Commune à celle des Versaillais»,
tuần báo Courrier international số 802 (16-22/03/2006).
 
--------------------------------
Chú thích của người dịch:
Cùng với bài viết của Đoàn Cầm Thi, «Đọc Duras ở Việt Nam», bài viết của Đỗ Kh.nằm trong khuôn khổ Salon du Livre, hội chợ sách lớn nhất của Pháp diễn ra vào tháng 3 hàng năm.

 

 

Mời độc giả xem những bài phỏng vấn Đỗ Kh. đã đăng trên Tiền Vệ:

 

1975-2005 và một đại dương ngăn cách, văn giới Việt Nam trong và ngoài nước nghĩ gì, biết gì về nhau? Hai dòng văn chương này có những khác biệt gì, và liệu một ngày nào đó sẽ nhập làm một hay không?... Trần Nhuệ Tâm đã phỏng vấn nhiều nhà thơ/nhà văn Việt Nam ở các quốc gia khác nhau, và những bài phỏng vấn sẽ được đăng liên tục trên Tiền Vệ. Mời bạn đọc theo dõi. (...)
 
Thơ tình còn được yêu thích không? Các nhà thơ hôm nay nghĩ gì về thơ tình? Họ có còn làm thơ tình không? Trần Nhuệ Tâm đã phỏng vấn một số nhà thơ, và những bài phỏng vấn sẽ được đăng liên tục trên Tiền Vệ. Mời bạn đọc theo dõi. (...)
 
"Tôi nghĩ là thơ chẳng những đã có trước chữ in mà đã có trước cả chữ viết. Thơ chắc vẫn sẽ còn sau khi chữ đã mất. [...] Tôi nghĩ thơ là dạng bình dân để phục vụ quần chúng, thì không kêu ca phàn nàn gì hết và chỉ có hơi ghen chút xíu với các ca sĩ..." (...)
 

Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021