thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
"Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết!" (Trả lời Phan Nhiên Hạo)

 

Đọc bài của Phan Nhiên Hạo [1] (PNH), tôi có ít nhất bốn niềm vui.

Thứ nhất, tôi vui vì tôi thấy người ta nói về tôi. Ôi tôi của tôi!

Thứ hai, tôi vui vì lai được lên một tờ báo rất oách là talawas. Ôi talawas!

Thứ ba, tôi vui vì thành đạt mới của một nhà thơ Việt: Phan Nhiên Hạo, thi sĩ Việt Kiều, giờ kiêm phóng viên thường trú báo Công An Thành Phố Hồ Chí Minh danh tiếng tại Cali. Ôi Cali!

Chức danh mới này, chỉ cần xem cách PNH chê bai Mở Miệng với một giọng điệu vô cùng hằn học là đủ biết: nào “tính chất ‘rác rưởi’, tầm phào của nó”, nào “thơ rác ứng dụng một thứ lý thuyết Hậu Hiện Đại thô thiển”, nào “những trò cạnh khóe tục tĩu”, nào “tuy ồn ào, nó khá vô hại về chính trị”. Quả là phóng viên thường trú Cali phồng mồm thổi còi còn to hơn cả phóng viên tại chỗ Trúc Linh.

Thứ tư, tôi vui vì khẩu hiệu “Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết” do Đảng Cộng Sản đề ra cuối cùng đã biến thành hiện thực qua cuộc liên minh kỳ vĩ, bất ngờ giữa Công An và Quận Cam. Tôi đồ rằng đây sẽ là đề tài hấp dẫn cho ngành Việt Nam học đương đại. Báo Công An dạo này rất hay trích Việt Kiều, coi đó là giá trị bảo kê lớn nhất cho những nhận định của mình. Cứ xem ngay trong bài của Trúc Linh, cũng thấy kể ra một độc giả tên Anthony Ho (Oslo) bày tỏ sự bất bình trước Mở Miệng. Xin chúc mừng báo Công An đã ngày càng nối vòng tay lớn sang tận Na Uy sang tận Cali!

Và cùng với bốn niềm vui ấy, tôi trả lời các thắc mắc của PNH. Nhưng trước khi đi vào từng “đánh số đề mục” của PNH (về khoản này tôi phải chịu PNH là một thủ thư tận tuỵ), xin hỏi theo chuẩn mực gì PNH cho ba bài viết của tôi là “ngắn”, thậm chí “rất ngắn”? Bài thứ nhất Về Khoan Cắt Bê Tông gồm 2013 chữ, bài thứ hai Lại Khoan Cắt Bê Tông gồm 3248 chữ, bài thứ ba "Một nền thơ mới Việt Nam: Sự xuất hiện một dòng thơ mới tại Sài Gòn" gồm 1283 chữ (chứ không phải 970 chữ như PNH viết). Xin vui lòng cho biết lý do.

 

1. PNH thích đánh lộn sòng: ông đã dẫn nhận định của tôi về tập Khoan cắt bê tông: “con số, các dấu ngoặc ( ) [ ], chữ viết thẳng viết nghiêng viết hoa, dấu chấm phẩy xuống dòng không theo quy luật”, để cho đó là cách tôi nhận định về Mở Miệng. Trong tất cả 3 bài viết, từ tựa bài, đến từng câu chữ, tôi bao giờ cũng chú ý không đánh đồng Mở Miệng và Khoan cắt bê tông. Khi viết “Hỗn hợp 54 tác phẩm của 23 nhà thơ không cùng hội nhóm không ai giống ai cả đề tài lẫn cảm hứng , tưởng không còn có thể rõ ràng hơn được nữa. Vậy tạo sao PNH lại làm như không hiểu?

Trong lúc chờ câu trả lời của PNH, tôi xin dẫn ra một bài mang đậm tính truyền khẩu của Mở Miệng. Thử đọc chính bài "Khoan cắt bê tông" của Lý Đợi:

phải...
ta sẽ quét sạch tất cả [lũ khoan cắt bê tông - các ngươi] khỏi các bờ tường
ta sẽ quét sạch loài người cũng như loài vật,
ta sẽ quét sạch chim trời lẫn cá biển
ta sẽ khiến cho kẻ gian ác phải lảo đảo té nhào
và sẽ tận diệt loài người [cùng lũ khoan cắt bê tông] khỏi mặt đất...
(…)
 
đã gần rồi, ngày của Doi Ly
ngày vọng lên những tiếng kêu thảm thiết
ngày thịnh nộ
ngày khốn quẫn
ngày gian truân
ngày huỷ diệt & tàn phá
ngày tối tăm & mịt mù
ngày âm u & ảm đạm
ngày của thiêu rụi...
 
này hỡi đám dân vô liêm sỉ, hãy tập họp, tập họp lại đi
trước khi các ngươi bị phân tán
như vỏ trấu bị gió thổi bay trong một ngày
và nhìn lên những số phone rao vặt khoan cắt bê tông
trên các bức tường đang vây hãm các người
dù động đất, dù ta [kẻ huỷ diệt tất cả] cũng không phá bỏ được...

Rõ ràng bài thơ này được viết để đọc lên thành lời. Ở dạng này, bài thơ của Lý Đợi mang một sức mạnh mới. Còn việc đọc thơ có được phép ở Việt Nam không, thì đó lại là một chuyện khác.

 

2. Tôi so sánh các nhà thơ Mở Miệng với các “nhà thơ ngâm hát xứ Hy Lạp cổ đại” (mà trong nguyên bản tiếng Pháp tôi dùng chữ “aèdes”). Đây là một mẫu nhà thơ đặc biệt trong xã hội Hy Lạp cổ đại. Với một trí nhớ phi thường, họ hay lang thang trên đường phố trong các ngày lễ hội để ngâm hát những câu chuyện tự bịa ra, chủ đề thì phong phú nhưng đều liên hệ tới cuộc sống đời thường. Vậy xin PNH đọc kỹ bài viết của tôi trước khi tra tìm Murray và Aristotle.

PNH viết: “thơ Việt Nam mấy mươi năm qua cũng đầy những bài mô tả sinh hoạt đời thường, từ những bài xuất sắc như 'Chùa Hương' của Nguyễn Nhược Pháp đến những bài tuyên truyền như 'Đêm nay Bác không ngủ' của Minh Huệ”. Vậy ta thử xem 2 bài thơ này có mô tả “sinh hoạt đời thường” không.

- Bài thứ hai, “Đêm nay Bác không ngủ”, thì nhất định không phải là “sinh hoạt đời thường” rồi. Còn nếu PNH cứ muốn rằng “Đêm nay Bác không ngủ” là một “sinh hoạt đời thường”, thì đó là PNH đang làm công tác của phóng viên thường trú báo Công An Thành Phố Hồ Chí Minh tại Cali.

- Bài thứ nhất, “Chùa Hương”, thực chất là một cách thi vị hoá, cách điệu hoá cảnh trẩy hội Chùa Hương. Đoạn văn sau, chẳng hạn, không thể được đọc như một hiện thực “đời thường”:

Thuyền đông giời ôi chen!
[…]
Ngâm nga chàng đọc thơ.

Tương tự, ai đã từng đi lễ chùa Hương đều hiểu điệu nhạc du dương của bài thơ cùng nhịp chân nhún nhảy của cô gái không thể nào là nhịp và nhạc của đoàn người tấp nập vừa chen nhau vừa huỵch nhau vừa thở phì phò vì leo cao và người đông như kiến.

 

3. Việc thế giới có nghĩa hay vô nghĩa, điều đó không có gì quan trọng với Mở Miệng và một số nhà thơ bên lề khác. Họ chỉ tả lại nó như nó vốn thế, chứ không tìm cách chứng minh điều gì hết. Diễn đạt thế giới mình đang sống một cách trung thực, bằng ngôn ngữ, chất liệu, phương tiện riêng của thời đại mình, không thi vị, không cường điệu, không bi hùng, chính là mục đích của những nhà thơ này. Và không chỉ của họ, mà của tất cả các nghệ sỹ đích thực trong mọi thời.

Cái mới của họ so với nhiều thi sĩ cùng thời là sử dụng được ngôn ngữ của thời đại họ: “KH CAT BTONG 0919136640” là những chữ được bưng thẳng từ vỉa hè, bìa tập thơ này là bức ảnh chụp một mảng tường công cộng tại Sài Gòn. Hơn nữa, họ luôn đi tìm các chất liệu khác cho thơ: màu sắc, âm thanh, hình khối, ánh sáng, không gian, thân thể, hình ảnh,… Chính vì vậy họ đã làm đổ nhào định nghĩa thơ: thơ với họ không chỉ là nghệ thuật của ngôn ngữ.

 

4. Về khả năng “tấn công trực tiếp quyền lực” của Mở Miệng, tôi xin đưa ra một ví dụ: để trả lời bài viết của Trúc Linh trên báo Công An Thành Phố Hồ Chí Minh tháng 12 vừa rồi, ngay tiếp theo Lý Đợi lên tiếng qua hai bài đăng trên Tiền Vệ: “Những người đáng trọng & những kẻ đáng khinh”“Hãy đọc kĩ hướng dẫn sử dụng trước khi làm nhà thơ”. Thật hiếm có người nghệ sĩ nào dám trực diện như vậy.

Thử đặt ngược lại vấn đề: từ Cali tuyên bố “Chế độ Việt Nam về cơ bản vẫn toàn trị”, chê trách các nhà văn thế hệ sau chiến tranh là “thỏa hiệp”“mù màu chính trị”, PNH làm gì cho thơ và cho xã hội? Ông cho thơ mình “chễm chệ ngồi chiếu trên trong báo Người Hà Nội số xuân đặc biệt.”[2]

 

Chính vì tính cách tân đa diện của dòng thơ mới này (tức Mở Miệng và nhiều người khác), tôi luôn tìm cách nhìn nhận họ ở nhiều lĩnh vực khác nhau: chính trị, xã hội, nghệ thuật. Nhưng với tôi, các tác giả của Khoan cắt bê tông trên hết vẫn là những nghệ sĩ, và bằng con đường nghệ thuật, chứ không bằng súng gươm, mà họ đấu tranh cho xã hội và chính trị. Vì vậy khi nói về họ, tôi ưu tiên phân tích nghệ thuật của họ, điều này thể hiện rất rõ trong ba bài viết của tôi. Hai bài đầu đăng trên Talawas. Riêng bài cuối cùng đăng trên Remue.net, một tạp chí chuyên về văn học đương đại của Pháp do thi sĩ François Bon chủ trương (bản dịch được đăng lại trên Tiền Vệ). Để bạn đọc tiện theo dõi, tôi xin trích lại dưới đây những nhận xét của tôi về hai bài thơ của Nguyễn Quốc Chánh do tôi dịch và giới thiệu.

 

"Những công dân toàn cầu bị kẹt đạn ở hẻm 47":

Qua việc nhào trộn các thể loại khác nhau — tự sự, tiểu luận, thơ văn xuôi —, qua một giọng trầm buồn, hài hước, tự trào, một sự nhạy cảm vô-chính-phủ, Nguyễn Quốc Chánh diễn đạt sức mạnh của những nhà văn bị kẹt trong một con hẻm, chỉ còn có chữ như là lẽ sống duy nhất. Mặt khác, bài thơ tả lai cuộc gặp gỡ bất ngờ, tàn nhẫn, nhưng thật phấn khích, giữa nền văn hoá Việt ít nhiều chật hẹp — vì tính nông nghiệp sâu xa cũng như chế độ kiểm duyệt — và công cuộc toàn cầu hoá thể hiện qua việc xuất hiện các công nghệ tin học, đặc biệt Internet. Khi hỏi: «Làm thế nào để vừa là người Việt và công dân toàn cầu, hôm nay?», Nguyễn Quốc Chánh muốn hình dung Việt Nam không chỉ trong các vấn đề nội tại của nó, mà tìm cách tách nó ra khỏi thứ chủ nghĩa dân tộc ngột ngạt luôn gắn liền với lịch sử dân tộc, để chất vấn về mối quan hệ của nó với thế giới bên ngoài. Và chính trên bình diện này, trong khi đặt câu hỏi này, mà bài thơ mang một hơi thở vô cùng hiện đại.

 

"Đụ vỡ sọ":

Bài thơ sống sượng nhưng hài hước này tả một cuộc giao hoan tưởng tượng với cát, không thể không gợi lại trận hoan lạc với cây của chàng Robinson trên hoang đảo trong tiểu thuyết Vendredi ou les limbes du Pacifique (đã được xuất bản ở Việt Nam dưới nhan đề Chàng Thứ Sáu Hay Vầng Hào Quang Thái Bình Dương, 2003). Nhưng nếu nhân vật của Michel Tournier thoả mãn nhu cầu nhục dục, nhà thơ Việt tấn công những kẻ đạo đức giả. Với một táo bạo lớn trong việc chọn từ, trong cách tăng tốc cho nhịp thơ, trong khả năng làm nổ tung câu, tác phẩm của Nguyễn Quốc Chánh vừa là một huyễn hoặc ê-rô-tic, một tiểu luận về ngôn ngữ và một hành động xã hội.

 

Khi PNH chê bài tôi “ngắn”, là ông muốn cắt đi những nhận định nghệ thuật của tôi. Cũng không biết vì lý do gì?

 

Ngày 21 tháng 2 năm 2006.

 

_________________________

[1]Phan Nhiên Hạo, "Trao đổi với Đoàn Cầm Thi về (…) rác", trên talawas.org

[2]Xem Như Huy "Trả lời ông Phan Nhiên Hạo", trên talawas.org


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021