thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
Một nền thơ mới Việt Nam: Sự xuất hiện một dòng thơ mới tại Sài Gòn
Nguyên văn tiếng Pháp:
"Une nouvelle poésie vietnamienne: Emergence d’une nouvelle poésie à Saigon"
đã đăng trên tạp chí điện tử Remue.net – collectif littérature,

 

 

Hai mươi năm sau Đổi Mới, phong trào cách tân kinh tế và văn hoá do Đảng Cộng sản lãnh đạo dưới ảnh hưởng của perestroïka Xô Viết, các nhà văn gây nhiều tranh luận lúc đó — từ Bảo Ninh, Dương Thu Hương, Nguyễn Huy Thiệp đến Phạm Thị Hoài — đã trở thành những tác giả cổ điển bên cạnh một thế hệ mới đang hình thành.

Một trong những nhân chứng của nền văn học đầy năng động và sự biến chuyển của xã hội Việt Nam hôm nay là nhóm Mở Miệng, được thành lập gần đây tại thành phố Hồ Chí Minh, Sài Gòn cũ, do Lý Ðợi, Bùi Chát và một số các nhà thơ trẻ bên lề. Nhiều trong số họ đã tốt nghiệp đại học, nhưng chọn cuộc sống hè đường, trong các nhà ổ chuột, chợ trời, quán bar, cơm bình dân, phơi mặt giữa bạo lực và sex. Xung quanh nhóm này còn có các nhà thơ khác, cả nam lẫn nữ, như Nguyễn Quốc Chánh, Phan Bá Thọ, Lynh Bacardi,... Như chính tên gọi của nó, Mở Miệng đòi quyền tự do ngôn luận, vị trí bên lề và ý muốn trả lai cho thơ hình thức truyền khẩu của nó. «Mở Miệng» để trả lại cho thi sĩ sứ mệnh nguyên thuỷ của mình: như các nhà thơ ngâm hát của xứ Hy Lạp cổ đại, họ phiêu du trên phố (hay trên mạng) để kể về cuộc sống thường ngày. Thế giới vô nghĩa ư? Điều đó không quan trọng, họ tả lai nó như nó vốn thế. Trong khi tại Việt Nam, phần lớn các nhà văn ngậm miệng như trong câu thành ngữ «ngậm miệng ăn tiền», các thi sĩ này tấn công trực tiếp quyền lực.

Họ gọi thơ họ là «thơ rác», «thơ nghĩa địa», «thơ dơ» để chỉ tính chất không chính thống, phản thẩm mỹ, góp nhặt của nó, từ đó nhà xuất bản của họ mang tên «Giấy Vụn». Tác phẩm của họ chỉ xuất hiện dưới dạng photocopy và trên mạng internet để tránh kiểm duyệt. Họ sử dụng các kỹ thuật cổ điển như giễu, nhại, hay hậu-hiện-đại như «copier-coller», «mixer», «cut up», với một ngôn ngữ thân mật, thô, đôi khi dung tục, gồm các từ lóng, xuề xoà, trực tiếp. Trong quan niệm của các nhà thơ này, một sáng tác nghệ thuật trước hết là một vật phẩm tiêu dùng và thông tin, vì vậy họ rất quan tâm đến tính sử dụng và tính chiếm giữ văn bản. Ví dụ từ một bài thơ nổi tiếng hay một khẩu hiệu, họ tiến hành biến đổi cảm xúc và mục đích ban đầu. Trong thế giới của họ, thơ và internet phối hợp hài hoà đến tuyệt diệu, bởi cả hai cùng chớp nhoáng, tức thì, tự phát. Đơn giản, chúng đồng nghĩa với tự do. Internet là một kho lưu trữ khổng lồ. Và chính trong khi bới đám rác khổng lồ đó, chắp nhặt các văn bản và hình ảnh, nhà thơ làm bật ra một ngôn từ thật hơn, tự do hơn.

Mở Miệng, ngay từ thủa chào đời, đã làm sôi nổi cuộc sống văn học Việt Nam trong nước và hải ngoại, vì nó đưa ra một quan niệm mới về thơ, đối lập không chỉ với truyền thống — muốn văn chương phải có một sứ mệnh cao cả —, mà cả với thơ đương thời cùng các lề luật, hệ thống tu từ, tính trữ tình đang trở thành khoa bảng.

Sự xuất hiện tại Sài Gòn, 30 năm sau ngày thất thủ, một dòng thơ mới, đủ nói lên khả năng tái sinh mãnh liệt và tính tiên phong của thành phố này. Phải chăng Mở Miệng không là biểu tượng cho thái độ bất cần của đô thị miền Nam, lớn nhất cả nước về kinh tế, thương mại và dân số, nhưng hay bị coi thường bởi Hà Nội, thủ đô xã hội chủ nghĩa trịch thượng và đạo mạo?

Trong khuôn khổ bài viết này, tôi xin giới thiệu hai bài thơ viết năm 2005 của Nguyễn Quốc Chánh, một trong những người khởi xướng dòng thơ, do chính tôi dịch và chú giải. Một số tác phẩm của Nguyễn Quốc Chánh đã được xuất bản bằng tiếng Anh trong các tập san The Literary Review, Filing Station, và trong tập thơ Three Vietnamese Poets (Honolulu, Hawaii, TinFish Press, 2001).

 

1. "Những công dân toàn cầu bị kẹt đạn ở hẻm 47":

Qua việc nhào trộn các thể loại khác nhau — tự sự, tiểu luận, thơ văn xuôi —, qua một giọng trầm buồn, hài hước, tự trào, một sự nhạy cảm vô-chính-phủ, Nguyễn Quốc Chánh diễn đạt sức mạnh của những nhà văn bị kẹt trong một con hẻm, chỉ còn có chữ như là lẽ sống duy nhất. Mặt khác, bài thơ tả lai cuộc gặp gỡ bất ngờ, tàn nhẫn, nhưng thật phấn khích, giữa nền văn hoá Việt ít nhiều chật hẹp — vì tính nông nghiệp sâu xa cũng như chế độ kiểm duyệt — và công cuộc toàn cầu hoá thể hiện qua việc xuất hiện các công nghệ tin học, đặc biệt Internet. Khi hỏi: «Làm thế nào để vừa là người Việt và công dân toàn cầu, hôm nay?», Nguyễn Quốc Chánh muốn hình dung Việt Nam không chỉ trong các vấn đề nội tại của nó, mà tìm cách tách nó ra khỏi thứ chủ nghĩa dân tộc ngột ngạt luôn gắn liền với lịch sử dân tộc, để chất vấn về mối quan hệ của nó với thế giới bên ngoài. Và chính trên bình diện này, trong khi đặt câu hỏi này, mà bài thơ mang một hơi thở vô cùng hiện đại.

 

Nguyên văn bài thơ:

Những công dân toàn cầu bị kẹt đạn ở hẻm 47
 
Chúng tôi là những công dân toàn cầu, bởi đứa nào cũng có tóc, răng, một vài đứa còn bày trò nuôi râu, bày đặt trọc đầu và hầu hết đều lủng lẳng điện thoại. Chúng tôi cực kỳ thính mũi, nhất là đánh hơi các loại mùi thúi. Chúng tôi hả hê với chữ Being lắm, vì nó là ngôn ngữ 13 Cách Của Con Chim Đen. Chúng tôi hãnh diện với chữ Trảm vô cùng, vì nó là ngôn ngữ của Tam Quốc Chí. Nhưng chúng tôi cực kỳ hổ thẹn với chữ Bác âm ỉ, vì nó là ngôn ngữ Chí Phèo. Tất nhiên là chúng tôi đọc như điên, ăn qua loa, uống triền miên và mần tình rất ít. Chúng tôi biết không chỉ nghĩa thẳng, chéo, mà cả nghĩa lắt léo của những cụm từ. Chẳng hạn Sài Gòn, nghĩa thẳng là Sài Gòn. Nghĩa chéo không có. Nghĩa lắt léo của Sài Gòn là Hồ Chí Minh city. Ngoài ra chúng tôi còn biết vắt dòng, nói ngọng, nhại giọng, móc hầu, giải cấu và chuyên nghiệp lông bông. Vì thế mà những thứ đáng lẽ vứt thì chúng tôi nhét cả vào đầu. Chúng tôi tuyệt đối trung thành với câu: năng nhặt chặt bị. Chúng tôi mất dần khả năng phân biệt thứ gì rác, thứ gì có thể tái chế, nhưng chúng tôi biết chính xác John Cage chết năm 1992, Susan Sontag tóc đen và dày, Nguyễn Cao Kỳ về Sài Gòn được/bị cảnh sát hộ tống vô khách sạn, Nhất Hạnh ghé chùa Già Lam được/bị Tuệ Sỹ bỗng dưng đến kỳ nhập thất. Chúng tôi luôn nâng cấp đạo đức bằng cách thường xuyên truy cập internet, ngoài Tiền vệ, Talawas là những trang web sex. Thỉnh thoảng chúng tôi cũng hớn hở ra ngoài. Xa nhất là New York và gần nhất là Angkor. Ở New York chúng tôi thèm phở và nhớ làng Vũ Đại, ở Angkor chúng tôi thèm thịt chó và nhớ hẻm 47. Chúng tôi đầu thai là để thèm và nhớ. Kiếp này thèm toàn cầu và nhớ một nơi chốn, một lỗ chân trâu. Con hẻm rộng và cụt (chứ không phải hẹp và sâu) dẫn vào nội thất mãn kinh của bà chúa gắt gỏng. Mỗi khi bà chúa xẹt qua là vang vọng trong đầu lời ca: đi đâu loanh quanh cho đời mỏi mệt. Tuy chúng tôi đều có Honda, Yamaha và cả những chiếc Bus. Chúng tôi đỡ mỏi chân hơn tiền nhân hay giang hồ lê lết, nhưng chúng tôi đều đã hoa mắt, tê chân. Chắc vì chúng tôi là những công dân bị/phải toàn cầu. Mặc dù chúng tôi có tóc, răng và râu, nhưng trong đầu không đủ phép biện chứng, nên cặc dái dù có săn và cứng cũng không tới đâu. Khi có tiếng nổ thì đừng tưởng ở đây có khủng bố. Chúng tôi chỉ xớ rớ và bị cướp cò.

 

2. "Đụ vỡ sọ":

Bài thơ sống sượng nhưng hài hước này tả một cuộc giao hoan tưởng tượng với cát, không thể không gợi lại trận hoan lạc với cây của chàng Robinson trên hoang đảo trong tiểu thuyết Vendredi ou les limbes du Pacifique (đã được xuất bản ở Việt Nam dưới nhan đề Chàng Thứ Sáu Hay Vầng Hào Quang Thái Bình Dương, 2003). Nhưng nếu nhân vật của Michel Tournier thoả mãn nhu cầu nhục dục, nhà thơ Việt tấn công những kẻ đạo đức giả. Với một táo bạo lớn trong việc chọn từ, trong cách tăng tốc cho nhịp thơ, trong khả năng làm nổ tung câu, tác phẩm của Nguyễn Quốc Chánh vừa là một huyễn hoặc ê-rô-tic, một tiểu luận về ngôn ngữ và một hành động xã hội.

 

Nguyên văn bài thơ:

Đụ vỡ sọ
 
Đinh Linh viết “Vesicle” là chữ đẹp nhất trong Anh ngữ. Nhưng có tới 3 chữ đẹp nhất (ít được viết) trong tiếng Việt: Lồn, Cặc & Đụ. Chúng xuất hiện đồng thời với những: Mông, Má, Mũi, Miệng, Ăn & Ngủ... Sau 10 thế kỷ bị Tàu hầm nhừ, Lồn, Cặc & Đụ có màu sắc khác: Âm hộ, Dương vật & Giao hợp. Lồn, Cặc & Đụ bị tống khỏi hàng ngũ của Mông, Má… & chúng vất vưởng ở vỉa hè cùng với bà bán vịt lộn, thằng đạp xe & ả Magdalena đĩ thoã. Nếu Jesus không hỏi: trong các ngươi ai chưa từng Đụ thì hãy ném vào chị ta?! (Sự hổ thẹn của họ đã cứu Magdalena khỏi trận mưa đá). Sao không có sự hổ thẹn nào để trả lại công bằng cho Lồn, Cặc & Đụ? Khi nhắm mắt lại (đưa tâm về với thân), tôi thấy chúng là tinh tú, những vật linh, có năng lượng của xúc cảm hùng vĩ & hoạt tính thần bí. Lồn là vọng âm của trống, của chuông & của ký ức nguyên thủy. Lồn là mặt trời mọc trên biển. (Nếu không tin thì hãy kiểm chứng). Hãy hỏi ký ức các vua Hùng, hỏi mặt trời mọc trên biển ở Mũi Né, hỏi chuông chùa Thiên Mụ & hỏi trống đồng Ngọc Lũ. Mỗi lần nhìn mặt trời mọc trên biển, tôi đều liên tưởng đến cái quyền uy bao la của Lồn. (Không phải một mà mười lần như một). Và khi tôi phát âm “Lồn”, tôi nghe rõ tiếng vọng của nó rền vang từ mộ chí lịch sử, từ trong cái từ bi bát ngát của Bụt & từ trong cái bất an kỳ cùng của ký ức. 10 năm qua, tôi bị 3 lần bồ đá, bị một lần vợ sang ngang & tôi buộc phải trở thành một kẻ chỉ Đụ cát. Không biết bao nhiều lần tôi nằm sấp trên cát, mắt lim dim dịu dàng nhìn mặt trời mọc. Nhìn một hồi tôi thấy có sự chuyển dịch từ đỏ sang đen. Nó không còn là một quầng sáng đỏ lấp lánh, nó biến thành một lỗ đen lung linh & ám ảnh. Máu trong người tôi bắt đầu tăng tốc & lượng hồng cầu ưu tú nhất hối hả dồn xuống đan điền. Cặc tôi ấm và cứng. Cặc tôi rưng rưng. Cặc tôi mừng húm. Tay tôi bấu xuống cát, bụng tôi áp xuống cát, miệng tôi há hốc vì cát & mông tôi xoay. Cứ 9 vòng xoay từ trái qua phải, Đụ một cái. 9 vòng xoay thứ 2, Đụ 2 cái. 9 vòng xoay thứ 3, Đụ 3 cái. Sau đó mỗi vòng xoay, Đụ một cái & sau đó ½ vòng xoay, Đụ một cái & sau đó không xoay nữa, mà Đụ miên man. (Ê, không đụ theo nhịp của chó, ngựa à nghen, mà Đụ có thi pháp theo nhịp của nhạc đàng hoàng). 9 nhịp đầu, Đụ theo nhạc Cung Đình (tài tử); 9 nhịp sau, Đụ theo nhạc Tiền Chiến (lãng tử); 9 nhịp kế tiếp, Đụ theo nhạc Kháng Chiến (quyết tử); 9 nhịp tiếp nữa, Đụ theo nhạc Hậu Chiến (tự tử). (Nhưng mà nhạc của Trịnh thì không thể nào Đụ nổi). Hết nhạc nội thì Đụ sang nhạc ngoại. Đụ theo tiếng trống kinh thiên của Kitaro, Đụ theo tiếng guitar gió hú của Hoàng Ngọc-Tuấn, Đụ theo tiếng violin đáy thắt lưng ong của Vanessa Mae &, không còn gì để Đụ nữa khi bài Red Hot của Mae chấm dứt. & hỡi ơi, một con sóng ập tới, lật ngửa tôi. Mọi ý niệm & chủ nghĩa bị xóa. Đó là tự do. Nhờ bầm dập mà tôi có hàng ngàn lần Đụ cát. Sau nhiều năm te tua, Cặc tôi bây giờ trở nên thượng thừa. Nó có thể Đụ gãy cây chuối 8 tháng tuổi, nó có thể Đụ bể chai bia Sài Gòn, nó có thể Đụ nứt trái dừa Bến Tre, nó có thể Đụ sập chùa Một Cột, & đặ biệt, nó có thể Đụ vỡ tất cả những cái sọ hủ lậu. Đụ là một chữ nhiệm mầu!

 

 

--------------
Chú thích:
Bức ảnh ở đầu bài chụp một bức tường công cộng tại Sài Gòn, là bìa tuyển tập thơ xuất bản tháng 10 năm 2005 (Sài Gòn). Hai bài thơ trên được trích từ tuyển tập này. Bạn đọc có thể đọc trên Tien Ve (Avant-Garde), một tờ báo mạng tuyệt hay, trong đó có in các bài thơ mới nhất của Nguyen Quoc Chanh, (kể cả hai bài được dịch ở đây).
 
Sau đây là hai tác phẩm về thơ Việt đã được dịch ra tiếng Pháp có thể cho chúng ta một cái nhìn chung về dòng thơ mới này: nó được hình thành trong khung cảnh nào và đã chuyển hướng ra sao.
Anthologie de la poésie vietnamienne. Le chant vietnamien. Dix siècles de poésie, collectif, collection Unesco d’ouvres représentatives, Unesco, 1981.
Mille ans de littérature vietnamienne, collectif, Arles, Ed. Philippe Picquier, 1996.
Bản dịch của Hoàng Xuân Tứ.
 
Bạn đọc có thể xem nguyên văn toàn bộ bài viết này và bản dịch hai bài thơ ở địa chỉ sau:

 


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021