thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
Vấn đề viết và đọc văn chương
(một cuộc đối thoại giả tưởng)

X: Hãy thử bàn bạc một chút về việc viết và đọc văn chương. Tác giả bao giờ cũng cần có độc giả. Nhưng phần nhiều những tác phẩm gọi là "mới lạ" không được mấy ai đọc, hoặc không mấy ai "thưởng thức" nổi. Càng "mới lạ" chừng nào, thì càng ít độc giả chừng ấy. Rốt cuộc, những tác phẩm này có vẻ như chỉ lưu hành trong một vài nhóm tác giả và độc giả "élite" nào đó. Họ viết, họ đọc, họ phê bình nhau, họ công bố các trường phái, ra các tuyên ngôn, tổ chức hội nghị, trao giải thưởng... cho nhau. Liệu thứ văn chương này thực sự có ích gì cho cuộc sống không?

Y: Có chứ. Lúc vừa xuất hiện, cái mới lạ bao giờ cũng chỉ được một số người ít ỏi lưu ý. Nhưng cuối cùng rồi nó cũng đến tay quần chúng, khi những tiêu chuẩn thẩm mỹ mới lạ của nó được phổ cập hoá và không còn mới lạ nữa. Hãy nhớ đến trường hợp Van Gogh trong hội hoạ và Erik Satie trong âm nhạc. Sau bao nhiêu năm bị quần chúng chê bai, bỏ rơi, giờ đây những tác phẩm này lại "nuôi" quần chúng. Không biết bao nhiêu nhà xuất bản, thợ in, cửa hàng, người bán hàng, thầy giáo nghệ thuật, v.v... hiện nay nhờ chúng mà có công ăn việc làm. Không biết có bao nhiêu người thực sự thưởng thức được nghệ thuật của họ, nhưng chỗ nào cũng thấy ấn bản tranh Van Gogh và băng đĩa nhạc của Erik Satie. Trăm năm trước, chúng là thứ "kỳ quặc". Trăm năm sau, chúng lại biến thành đồ dùng hàng ngày.

Để thưởng thức những cái thực sự mới lạ trong nghệ thuật đương thời bao giờ cũng đòi hỏi một trình độ chuyên môn nhất định. Các nhóm mà bạn gọi là "élite" chính là các nhóm có một trình độ chuyên môn nhất định nào đó để phát hiện, phê bình và thưởng thức cái mới lạ.

X: Có thể hội hoạ và âm nhạc là những ngành nghệ thuật phi ngôn ngữ, đòi hỏi người ta phải có những kỹ năng và kiến thức về cấu trúc màu sắc, đường nét, hình khối, âm thanh, giai điệu, hoà âm... ở một trình độ nào đó để có thể thưởng thức. Trong thực tế, không phải ai cũng được học về hội hoạ và âm nhạc, nên ít người có khả năng thưởng thức "ngay". Và do đó, quần chúng phải đợi đến khi các nhà chuyên môn viết lách, thuyết trình, giải thích thật nhiều, rồi mới bắt đầu thấp thoáng thấy được cái hay cái đẹp. Còn văn chương thì khác. Phương tiện của nó là ngôn ngữ, và ai biết đọc cũng đọc được. Tôi cho rằng để thưởng thức văn chương không cần có trình độ gì đặc biệt, ngoài khả năng đọc.

Y: Tôi không đồng ý với bạn. Viết và đọc văn chương đâu phải chỉ như viết và đọc báo hàng ngày. Để sáng tác và thưởng thức văn chương -- một nghệ thuật -- người ta cũng cần những kỹ năng và kiến thức về rất nhiều mặt. Do đó, không chỉ người viết, mà người đọc cũng cần được rèn luyện. Thử hỏi: Liệu đa số quần chúng Trung quốc đời Đường có thưởng thức nổi thơ của Vương Duy, Lý Bạch không? Hay là chỉ một nhóm "élite" nhiều chữ nghĩa và "biết" văn chương? Liệu đa số quần chúng Anh, Mỹ thời đầu thế kỷ 20 (và ngay cả bây giờ) có thưởng thức nổi tiểu thuyết của James Joyce không? Hay chỉ một nhóm "élite"?

Mà ngay cả học vấn cao cũng chưa chắc đủ để thưởng thức văn chương, đặc biệt là loại văn chương được xây dựng trên những hệ thẩm mỹ mới lạ. Đối với kẻ gọi là có học vấn cao, ta phải xem cái học vấn của y là học vấn về chuyện gì. Y khoa chăng? Hay nông nghiệp? Nếu cái học vấn của y chú trọng về thẩm mỹ văn chương thì họa may. Mà ngay cả cái học về thẩm mỹ văn chương cũng chưa chắc đủ để thưởng thức văn chương mới lạ, nếu cái học đó chỉ là cái học tồn cổ, chỉ biết nhìn về quá khứ, giải thích quá khứ, mà không có một cảm nhận hay một dự tưởng nào về những đổi thay đang và sẽ xảy ra trong thẩm thức mỹ học. Năm 1010, Murasaki Shikibu hoàn tất bộ trường thiên tiểu thuyết Genji Monogatari và phải chịu đựng sự lãnh đạm của toàn thể nước Nhật. Không phải lúc ấy nước Nhật không có người uyên thâm về văn chương. Có chứ. Nhưng thời ấy, rặt một đám "élite" chỉ uyên thâm về cổ văn. Thế mới khốn khổ cho Murasaki! Đợi đến gần một thế kỷ sau đó, tác phẩm này mới được bắt đầu đánh giá cao khi các thi hào Fujiwara Shunzei và Fujiwara Teika khám phá những tiêu chuẩn thẩm mỹ mới để thưởng thức nó. Đến nay, nhìn lại, Genji Monogatari được xem là kiệt tác vĩ đại nhất trong văn học cổ điển Nhật Bản. Chuyện này cho thấy để thưởng thức văn chương thực sự mới lạ quả là khó cho độc giả. Thưởng thức cái cũ bao giờ cũng dễ hơn nhiều. Càng cũ, càng dễ, vì đã được giải thích cả rồi, đã biết cả rồi.

X: Thế còn trường hợp những cậu bé ở Việt Nam, chưa có kiến thức gì đáng kể, mà đã say mê thường thức truyện của Kim Dung? Và trường hợp những bà cụ ở thôn quê thuộc vanh vách Đoạn Trường Tân Thanh? Tôi cho rằng một nhà văn tài ba có thể viết về những tư tưởng sâu sắc mà không cần phải làm ra vẻ "mới lạ". Và chính vì thế, văn chương của họ dẽ dàng đi vào quần chúng. "Mới lạ" chẳng qua chỉ là cái áo ngôn từ làm ra vẻ khác thường, kỳ dị mà thôi. Chi mà phiền thế?

Y: Ở Việt Nam, nếu có những cậu bé thưởng thức và hiểu tiểu thuyết kiếm hiệp của Kim Dung, tôi không cho là điều đáng ngạc nhiên. Tôi nhận thấy từ cách hành văn cho đến tư tưởng của Kim Dung không có điều gì nằm ngoài cái hệ thẩm mỹ và hệ tư tưởng cũ của Tàu, và tất nhiên là của Ta (vì cái gì của Tàu mà chẳng phải là của Ta!). Tôi thấy cách kể chuyện của Kim Dung rất khả đoán. Khi đọc Kim Dung, tôi cứ thử đoán trước vài ba cách giải quyết theo bản kẽm cũ là thế nào cũng có một cách đúng phóc. Về triết lý cũng thế, trong đó quả có nhiều điều sâu sắc lớn lao, nhưng những cái sâu sắc lớn lao này đã quá xưa, đã thấm vào tỳ tạng của dân Tàu và dân Ta quá lâu và quá kỹ, đến độ nó cũng trở thành những điều khả đoán. Chẳng hạn, ý tưởng "vô chiêu thắng hữu chiêu" thực là hay, nhưng nó đã nằm sẵn trong suy nghĩ của quần chúng các xứ Trung Hoa, Việt Nam, Nhật Bản, Đại Hàn từ ngàn xưa dưới nhiều dạng cao thấp cạn sâu khác nhau như "tay không đoạt kiếm", "bất chiến tự nhiên thành", "nhạc vô thanh", "thiên thư không cần chữ, sáo thần không cần lỗ", "ý kiếm", "vô ngôn thù thắng", "tịnh trí diệt ma vương", "tố cầm bản vô huyền", "dĩ nhu thắng cương", "bất tranh nhi thiện thắng, bất ngôn nhi thiện ứng, bất triệu nhi tự lai", "vô hữu nhập vô gián", v.v... Có một người bạn của tôi còn nhận xét rằng cái "hay" của tiểu thuyết kiếm hiệp của Kim Dung không phải là cái hay mang tính mỹ học, mà là cảm giác "hay" sinh ra từ tính chất "giáo phái" của nó. Tôi đồng ý với nhận định này. Tính chất "giáo phái" là thành quả tột bậc của nghệ thuật quảng cáo, và tính chất "giáo phái" thường thu hút quần chúng dễ dàng. Và một khi đã vào "đạo" rồi, thì người ta dễ thấy nó cao siêu, tuyệt vời lắm, dễ "ghiền" nặng lắm. Hãy ra khỏi chuyện văn chương một chút, và nhìn xem các "giáo phái" âm nhạc của Michael Jackson, Madonna... Về bản chất, các "giáo phái" văn nghệ cũng giống hệt như các giáo phái "tâm linh" vậy. Hãy thử nhìn xem cái giáo phái Thanh Hải Vô Thượng Sư, thì rõ. Ầm ầm nổi lên, bao nhiêu vạn người chạy theo, chẳng cần kiến thức gì về tôn giáo.

Trở lại chuyện văn chương. Những cái thuộc về thẩm mỹ cũ thì dễ thưởng thức. Nói thế, nhưng ngay cả đối với một vài cái cũ đòi hỏi một trình độ thẩm thức nào đó, liệu người ta có thể thực sự thưởng thức nó hay không lại là chuyện khác. Đoạn Trường Tân Thanh lúc vừa được Nguyễn Du hoàn thành thì có nhiều cái mới trong đó, nên chắc không mấy ai "thưởng thức" được như hôm nay. Nay, sau hai thế kỷ, những đoạn ngăn ngắn của Đoạn Trường Tân Thanh đã được bình tới bình lui nhiều triệu lần từ trong lớp học cho đến bàn nhậu, cọng thêm một lô "Từ Điển Đoạn Trường Tân Thanh", "Điển Tích Đoạn Trường Tân Thanh" v.v... thì chắc cũng đã có kha khá số người "thưởng thức được từng chữ" trong đó. Nghe nói người Việt Nam hầu hết yêu Đoạn Trường Tân Thanh. Chuyện này rất đáng tin. Giống như chuyện ai cũng yêu công chúa Diana dù chỉ mới thấy trên hình. Nhưng nói hầu hết thưởng thức được cái hay cái đẹp của Đoạn Trường Tân Thanh, tôi ngờ lắm. Tôi tự hỏi bao nhiêu người Việt Nam đã đọc hết Đoạn Trường Tân Thanh từ đầu đến cuối, và đọc được mấy lần như thế. Mà dù có thuộc lòng từng chữ, thì liệu kẻ ấy có hiểu và thực sự thưởng thức nổi từng chữ không? Bà nội của tôi, lúc còn sống, thuộc lòng Đoạn Trường Tân Thanh. Hằng ngày, bà nói ba câu thì rớt ra một câu Kiều, nhưng nếu thỉnh thoảng tôi hỏi bà về ý nghĩa của một chữ nào đó, thì bà thường chịu thua và bảo tôi đến trường mà hỏi quý thầy. Bà tôi rất yêu Đoạn Trường Tân Thanh. Hiển nhiên. Không yêu sao thuộc đến thế? Nhưng bà tôi có thực sự thưởng thức được nó như một tác phẩm nghệ thuật của Nguyễn Du không? Thì thưa, chắc là không. Bà tôi chỉ yêu thích cái cốt truyện (mà cốt Đoạn Trường Tân Thanh đâu phải là thuần túy do Nguyễn Du sáng tạo), yêu thích những ý niệm của Phật, Lão, Nho (cũng không phải là nghệ thuật của Nguyễn Du), và yêu thích cái âm điệu lục bát (cũng không phải của riêng Nguyễn Du). Như thế, bà tôi có thực sự là một độc giả văn học đúng nghĩa đối với Đoạn Trường Tân Thanh hay không? Thì thưa, chắc là không. (Bà tôi rất hiền, tôi biết bà chỉ cười xòa nếu nghe tôi dám nói như thế này). Bà tôi cũng rất mê Tam Quốc Chí, Tây Du Ký, Thủy Hử Truyện... Nhưng nhìn chung, bà tôi yêu tất cả những gì có trước bà ít nhất là một thế kỷ. Còn tất cả những văn chương đương thời với bà, bà đều thấy bá láp. Bà tôi cũng thuộc cả Kinh Bát Nhã qua bản phiên âm tiếng Phạn... "yết đế, yết đế, ba la yết đế, ba la tăng yết đế, bồ đề, tát bà ha...", thường lên chùa tụng cùng các sư, mà cũng không cần thắc mắc về ý nghĩa của nó. Bà là một phụ nữ Việt Nam cực kỳ khả kính, nhân hậu, yêu Đoạn Trường Tân Thanh, yêu kinh kệ rất mực, và đã sống một đời hạnh phúc. Bà chưa phải là một độc giả văn học đúng nghĩa. Và bà cũng không cần làm một độc giả văn học chi cho thêm phiền.

X: Nói như thế thì quá khó để trở thành một độc giả văn học đúng nghĩa. Nói như thế thì đọc thơ, đọc sách cả đời chưa chắc đã là độc giả văn học. Buồn cười thật!

Y: Buồn cười chứ sao! Nhưng chúng ta phải phân biệt rành mạch chữ "độc giả" chung chung với chữ "độc giả văn học" đúng nghĩa. Độc giả chung chung là người đọc thơ, đọc sách, đọc báo, thế thôi. Cũng như chữ "khán giả" (người xem) khác với chữ "khán giả kịch nghệ"; hay chữ "thính giả" (người nghe) khác với "thính giả âm nhạc". Trước khi nói đến văn học, tôi xin nói về hai nghệ thuật kia trước.

Hôm trước, chúng tôi, một nhóm bạn Úc và Việt kéo nhau xuống viện bảo tàng nghệ thuật New South Wales để xem tranh Gauguin. Nói đi "xem" thì quả là đúng cho hầu hết chúng tôi. Chúng tôi mua vé. Vào cửa. Đi quanh. Nhìn. Nói chuyện với bạn. Nhớ đến mấy cái bill chưa trả. Nhớ bà hàng xóm hôm qua nói mỉa mấy câu tức lộn ruột. Nhìn. Xanh đỏ tím vàng. Bước loanh quanh. Hơi chán. Thôi, đi ra. Có lẽ chỗ này để dành cho một số người nào đó đến xem. Lần khác mình không vào trong này nữa. Bước ra khỏi cửa. A, công viên mát mẻ dễ chịu làm sao! Có kẻ nói: "Đẹp quá!". Có kẻ lại nói: "Thơ mộng". Có kẻ lại nói: "Vẽ cũng không hơn gì mấy họa sĩ ở Hà Nội bây giờ, mà sao nổi tiếng thế?" Có kẻ lại nói: "Tôi chả thấy đẹp chỗ nào cả, nhưng ông ấy nổi tiếng quá, thì chắc là phải đẹp lắm mà tôi không biết"...v.v... Nhưng hỏi lại thử thì chả ai nhớ nổi bức nào tên gì, hay có cái gì trong đó. Ừ, thì cũng chỉ là mấy cô gái Tahiti để vú ra, ôm hoa quả, ngồi la cà bên bờ biển... Chỉ có một người là nhớ được bức nào tên gì, và có cái gì trong đó. Người ấy còn say sưa nói rằng bức "The Day of the God" mà Gauguin vẽ năm 1894 mới là bức đúng điệu Gauguin. Rằng Gauguin vẽ bức ấy không phải ở Tahiti mà ở châu Âu, trước khi trở lại xứ hải đảo lần cuối cùng. Rằng hình ảnh vị thần và những dáng điệu lạ lùng của các cô gái Tahiti là biểu hiện của tất cả những cảm giác huyền bí đến từ huyền thoại Tahiti mà Gauguin đã bị huyễn hoặc. Rằng màu sắc được dùng trong tranh vừa mang tính trang trí, vừa mang tính diễn tả; biểu hiện rõ rệt là những vết sóng trên mặt nước của tỳ hải được vẽ bằng những màu sinh động, nhưng những mảng màu làm nên sóng lại không mô tả cụ thể, mà chỉ là những mảng trừu tượng. Rằng Gauguin khác với phái Ấn Tượng ở chỗ, trong khi họ dùng những vệt màu nhỏ để vẽ nước, Gauguin lại dùng những mảng màu liền lạc và to bản. Rằng khi ông vẽ tranh về Brittany, ông thường phân cách những mảng màu này bằng những viền tối; nhưng khi vẽ về Tahiti, ông thường chỉ trét mảng này chồng lên mảng kia, không phân cách rõ rệt nữa. Rằng đó là bí quyết vẽ màu "dẹp" (flat) của Gauguin, và là phong cách riêng của Gauguin trong thời ấy, v.v... Những người "xem" kia há hốc ra nghe: "Sao mày thấy nhiều thứ thế?" Quả là vậy. Cùng đi "xem" cả, mà người chỉ "xem", còn kẻ lại "thấy" rất nhiều. Thế mới biết tại sao anh này có vẻ sung sướng đến thế. Anh đã thưởng thức được cái gì đó, cái mà những kẻ kia không thể nào "thấy" để thưởng thức. Như vậy, trong khi những người kia mua vé vào xem tranh như là đi dạo chơi, suy nghĩ lan man, và tán dóc cho vui; thì anh này đi để được hưởng một niềm hoan lạc bí mật nào đó -- một niềm hoan lạc mà nghệ thuật giấu kín trong nó và chỉ ban cho những ai tìm "thấy".

Có một người bạn tâm sự với tôi rằng trước khi vào đại học âm nhạc, anh ấy cũng đã thích "nghe" nhạc Anton Webern. Anh ấy thích vì nó quá sức "bất khả đoán", thậm chí không thể nhớ nổi một câu nhạc ngay khi vừa nghe xong. Bạn thử nghe bất cứ bài nào của Webern thì sẽ biết nó khó nhớ, khó hiểu và khó đoán đến chừng nào. Sau khi bỏ ra nhiều năm để học hỏi và nghiên cứu, anh ấy bắt đầu "thấy" mỗi lúc một rõ hơn cái vẻ đẹp kỳ diệu trong nhạc của Webern, và anh ấy âm thầm tạ ơn Webern mỗi lần anh ấy nghe nhạc của ông. Mỗi lúc anh ấy lại càng thấy rõ hơn và thấy nhiều điều hơn. Và càng lúc, nhạc Webern càng dẫn anh ấy đi xa hơn vào thế giới kỳ diệu của nó -- một mê cung đầy phép lạ và sự ngạc nhiên.

Còn về văn chương...

X: Thôi, khỏi cần nói thêm. Tôi biết bạn sẽ nói thế nào rồi. Tôi chỉ thắc mắc ở chỗ bạn nhấn mạnh hơi nhiều ở "tính khả đoán". Bạn cho rằng truyện kiếm hiệp của Kim Dung thì "rất khả đoán", nhạc của Webern thì quá sức "bất khả đoán". Một tác phẩm khả đoán thì có gì là dở đâu?

Y: Tôi cho rằng tính khả đoán là phản đề của nghệ thuật sáng tạo. Sáng tác theo một công thức đơn giản đã biến thành bản kẽm (cliché) nào đó thì rất khả đoán khi người đọc đã sẵn có kiến thức về công thức ấy. Kim Dung viết truyện theo công thức cũ nên rất khả đoán. Văn chương quốc xã Đức, fascist Ý, cũng như văn chương hiện thực xã hội chủ nghĩa rất khả đoán. Nhạc Webern không theo bất cứ công thức nào trước đó nên rất bất khả đoán. Văn chương của James Joyce cũng thế, đọc bao nhiêu lần độc giả vẫn còn ngạc nhiên; càng đọc càng tìm thấy thêm những điều bất khả đoán.

X: Thế giới tràn ngập chuyện tình, chẳng còn gì bất khả đoán. Thế mà tình yêu vẫn mãi mãi là đề tài để nghệ sĩ sáng tạo. Bạn nghĩ sao?

Y: Tình yêu là tình yêu. Tình yêu không phải là văn chương. Tình yêu chỉ là một đề tài. Khi một nghệ sĩ sáng tạo chạm vào một đề tài cũ rích, y biến nó thành một tác phẩm mới lạ, bất khả tiên đoán. Y biến cái điều tưởng chừng kể ra vanh vách được bằng mồm thành cái điều không thể kể được bằng cách nào cả, ngoài một tác phẩm độc đáo nào đó. Và chính y, y cũng không thể kể lại cùng y nguyên một điều như vậy trong một tác phẩm khác. Giá trị của một tác phẩm không chỉ nằm ở câu chuyện được tác phẩm ấy "kể". Câu chuyện chỉ là chất liệu thô. Rất thô như quặng sắt. Qua tay người này, nó thành cái rựa vụng về. Qua tay người kia, nó thành bảo kiếm. truyện Thúy Kiều trong tay Thanh Tâm Tài Nhân khác hẳn với truyện Thúy Kiều trong tay Nguyễn Du. Từ một chất liệu, thành hai nội dung nghệ thuật. Cái "bất khả đoán" ở Nguyễn Du không nằm trong cốt chuyện, mà nằm trong nghệ thuật hành văn. Làm sao đoán nổi hai câu thơ của Ôn Đình Quân ("Kê thanh mao điếm nguyệt / Nhân tích bản kiều sương") trong “Thương Sơn Tảo Hành” lại có thể lọt vào trong đoạn tả Kiều đi tìm vãi Giác Duyên?

Mịt mù dặm cát đồi cây,

Tiếng gà điếm nguyệt dấu giày cầu sương.

Hai câu của Ôn Đình Quân biến thành câu 2030 trong Đoạn Trường Tân Thanh một cách thần tình lạ lùng. Nó mang vào thân phận Kiều tất cả những ẩn ý của "mao điếm" và "nhân tích" trong tư tưởng Ôn Đình Quân. Mỗi lần tôi đọc lại Đoạn Trường Tân Thanh đến đoạn này tôi lại lạnh mình, kinh ngạc. Nguyễn Du lớn vì nhiều cái bất khả đoán như thế nằm phục trong tác phẩm của ông. Tất nhiên, cốt chuyện về đời Kiều thì chúng ta ai cũng thuộc nằm lòng, và đến đoạn thơ này ai cũng biết là Kiều sắp gặp Giác Duyên. Nhưng nghệ thuật sáng tạo của Nguyễn Du không nằm ở chỗ đó, chuyện này Thanh Tâm Tài Nhân đã kể rồi. Cái sáng tạo bất khả đoán của Nguyễn Du nằm ở chỗ, riêng trong đoạn này, ông đã bất ngờ đem cái "mao điếm" và cái "nhân tích" rờn rợn lung linh xa xăm của họ Ôn vào thân phận Kiều một cách thần tình. Hai câu thơ của họ Ôn cũng đã có sẵn từ đời Đường, nhưng hai câu ấy đứng riêng trong thơ của họ Ôn thì khác hẳn khi nó biến thành một câu tám chữ thoáng qua trong đoạn Kiều đi tìm vãi Giác Duyên.[1]

X: Nhưng nói cho cùng, tác giả là người sản xuất, và độc giả là người tiêu thụ. Do đó, nếu độc giả hài lòng với một tác phẩm, thì kể như tác giả của nó đã thành công. Nhiều độc giả hài lòng chừng nào, tác giả thành công lớn chừng nấy, bất kể các nhà phê bình cho rằng tác phẩm đó là lạc hậu, là nhẹ dạ, v.v...

Y: Tôi thấy có mấy điều cần bàn ở đây. Trước hết tôi thấy chữ "người tiêu thụ" (consumer) dễ gây hiểu lầm, nếu hiểu theo tinh thần "tiêu thụ hàng hóa" của thời đại tiêu thụ (consumer age) trong đó mọi thứ chỉ nhắm vào số lượng sản xuất và tiêu thụ. Về nghệ thuật, có commercial music (chẳng hạn nhạc của Madonna...), commercial literature (chẳng hạn loại truyện ngôi lê đôi mách bày bán ở các quầy báo cho các bà các cô da trắng dư giờ đọc chơi...), commercial painting (loại tranh vẽ hàng loạt bán với giá rẻ để trang hoàng tiệm ăn, nhà bếp, toilet...). Tất nhiên một tác giả có toàn quyền chọn cho mình một thái độ đối với việc sáng tác. Nếu bạn muốn sáng tác như người sản xuất hàng tiêu dùng để đáp ứng nhu cầu hàng ngày của quần chúng, thì tùy bạn. Mà nếu bạn mạnh dạn, vui vẻ, tự tin và có đủ ngón nghề để làm chuyện ấy, thì nhất định bạn sẽ bán rất chạy. Vâng, bán chạy cũng là một loại thành công. Chứ sao không?

X: Cách trả lời của bạn có vẻ chua chát. Nhưng thỉnh thoảng tôi lại thấy những bài thơ, những tiểu thuyết đọc vào chẳng hiểu tác giả muốn nói gì. Như thế thì có gì là hay?

Y: Không hiểu gì cả thì làm sao biết hay chỗ nào? Cũng vậy, không hiểu gì cả thì tại sao dám kết luận ngay là không hay? Để thẩm định giá trị mỹ học của một tác phẩm nghệ thuật, đặc biệt là tác phẩm chứa đựng những tiêu chuẩn thẩm mỹ mới lạ, thì người đọc cần phải được rèn luyện để biết cách "hiểu" nghệ thuật qua một nhãn quan mới. Hãy làm thế nào để thực sự "hiểu" một tác phẩm, rồi mới bắt đầu bình luận về nó. Một người chỉ quen xem tranh hiện thực, lần đầu nhìn thấy tranh trừu tượng, tất nhiên thấy lạ lùng và khó hiểu. Nhưng không phải vì anh không biết cách xem tranh trừu tượng mà tất cả tranh trừu tượng là đồ đáng vất sọt rác. Để thực sự biết được một tác phẩm có đáng vất sọt rác hay không, bạn phải được rèn luyện cách thẩm định. Nói tóm lại, muốn đánh giá một tác phẩm, trước hết bạn phải hiểu cho được cái cơ sở thẩm mỹ của tác phẩm ấy, và bạn xét nó trên chính những tiêu chuẩn mỹ học đã làm sinh ra nó. Muốn đánh giá hay thưởng thức tranh trừu tượng, phải có kiến thức về cơ sở mỹ học của hội họa trừu tượng. Đối với văn chương cũng thế. Bạn không cần phải có kiến thức chuyên môn sâu rộng như một nhà nghiên cứu, nhưng bạn ít nhất phải có kiến thức cơ bản về phương pháp nắm bắt giá trị thẩm mỹ của một tác phẩm.

X: Như thế bạn muốn nói rằng để trở thành cái gọi là "độc giả văn học đúng nghĩa", người đọc cần phải được rèn luyện để nâng cấp về kiến thức thẩm mỹ văn học. Nhưng tác giả thì cứ việc viết và xuất bản, độc giả thì cứ việc chọn mua và đọc, thì ai rèn luyện được cho ai? Tôi nghĩ tác giả nếu muốn viết cho hay hơn thì cần phải tự nâng cấp chính mình, chứ còn độc giả thì làm sao nâng cấp? Đi học thưởng thức văn chương chăng?

Y: Ở điểm này, xin bạn cho phép tôi dài dòng một tí. Cả người viết và người đọc đều cần được nâng cấp thường xuyên. Một bên là sự nâng cấp về trình độ sáng tác. Bên kia là sự nâng cấp về trình độ thưởng thức.

Về trình độ sáng tác, công tác rèn luyện và nâng cấp đã bắt đầu từ các giờ dạy văn bậc tiểu học và kéo dài cho đến hết bậc cao học. Từ tuổi nhỏ, học sinh đã tập làm văn theo nhiều thể loại; ở bậc trung học và đại học, học sinh môn văn được dịp học hỏi và nghiên cứu sâu rộng hơn về kiến thức mỹ học, về kỹ thuật, bút pháp, v.v... Khi đã thành nhà văn, việc nâng cấp về trình độ sáng tác thường là do chính bản thân người viết tự thực hiện; nhưng ở các nước có điều kiện tốt, các viện đại học, các Hội Nhà Văn vẫn liên tục tổ chức các seminars, conferences, writing camps, writing festivals... để nhà văn luôn luôn được tiếp cận với những phát kiến mới trong sáng tác. Những người thích viết và bắt đầu viết thì có thể theo học các khoá tập viết do các viện đại học và các tổ chức văn học đảm nhiệm.

Thử lấy ví dụ cụ thể. Ở Úc, có Hội Đồng Văn Học Quốc Gia (Literature Board of the Australia Council for the Arts) mỗi năm trợ cấp hai lần cho những nhà văn, nhà thơ có thực tài được viết lách mà bớt bị vướng bận về cơm áo. Một trong những tiêu chuẩn chính để hội đồng căn cứ vào đó mà phê duyệt tác phẩm của các ứng viên là "innovation" (sự cách tân). Đối với Hội Đồng Văn Học Quốc Gia Úc, "cách tân" là tiêu chuẩn quan trọng; nhà văn không chứng tỏ có sự cách tân thì không đáng để chính phủ bỏ tiền thuế của dân ra để hỗ trợ. Một đất nước non trẻ và ít người như thế mà có nhiều khuôn mặt văn chương to lớn cỡ Patrick White, Les Murray, Peter Carey v.v..., thì cũng không có gì lạ. Chính những tiêu chuẩn như thế đã thúc đẩy nhà văn ở Úc không ngừng cố gắng nâng cấp. Nếu không, y cứ tiếp tục viết cũ rích để làm thoả mãn cái khẩu vị cũ rích của một số độc giả nào đó. Mà viết như thế nhiều khi lại dễ bán, lại thành công về tiền bạc. Đã thế thì chính phủ việc gì phải bỏ tiền ra để trợ cấp? Chính phủ chỉ trợ cấp cho những cây bút cách tân và ít độc giả.

Về trình độ thưởng thức, việc rèn luyện và nâng cấp cũng đã bắt đầu từ các giờ văn bậc tiểu học và kéo dài cho đến hết bậc cao học. Từ tuổi nhỏ, học sinh được học cách đọc và hiểu; đến hết bậc trung học, học sinh đã ít nhiều biết cách bình giảng tác phẩm. Ở các nước tiên tiến, chương trình văn học được cập nhật hóa thường xuyên để học sinh phần nào theo kịp những nét đại cương trong những sự cách tân về thẩm mỹ. Nếu học sinh chỉ học hết trung học và ra đời đi làm, hoặc theo học một ngành khác trên đại học, họ cũng đã có được một số vốn liếng nào đó về cách thưởng thức tác phẩm văn học qua những năm tiểu học và trung học. Người không thực sự yêu văn chương, thì theo đuổi những sự nghiệp khác, và do đó cái vốn liếng đơn sơ ấy ngày càng nghèo, càng cũ đi. Người thực sự yêu văn chương, thì vẫn có thể tiếp tục được rèn luyện và nâng cấp khi theo học các khóa "literature appreciation" do nhiều tổ chức khác nhau đảm nhiệm.

Ở Úc, mỗi năm, các viện đại học tổ chức hai đợt giáo dục tráng niên vào tháng 7 và tháng 1, gồm những lớp học đêm và weekends, gọi là "continuing education". Những lớp này không cấp bằng tốt nghiệp, chỉ cấp giấy chứng nhận tham dự (certificate of attendance), lấy học phí rất nhẹ và dành cho người lớn tuổi đang đi làm nhưng muốn nâng cấp về các mặt kiến thức khác nhau. Đề tài giảng dạy rất phong phú, trong đó, luôn luôn có các courses như "literature appreciation (level 1, 2, 3, 4...)", (về các ngành nghệ thuật khác thì có "music appreciation", "film appreciation", "painting appreciation", v.v...). Số người tham dự các lớp này bao giờ cũng rất cao; muốn có chỗ, phải ghi danh và đóng tiền sớm chừng nào tất chừng ấy. Các Hội Nhà Văn và các tổ chức văn học khác cũng liên tục mở các lớp học thưởng thức văn chương tương tự như thế. Những lớp này luôn luôn thu hút nhiều người ở nhiều trình độ và nghề nghiệp khác nhau. Tùy theo "level", họ được giảng dạy về lịch sử văn học, về mỹ học của các trường phái, về việc phân tích các tác phẩm từ đơn giản đến phức tạp, v.v... Tôi đã quan sát và thấy sau vài "levels", nhiều người trở thành dự thính viên thường xuyên của những buổi đọc tác phẩm mới và thuyết trình văn học do các hội văn học tổ chức.

Như thế, chính hệ thống giáo dục của xã hội đảm nhiệm công tác rèn luyện và nâng cấp nhà văn và đôc giả. Trông người mà gẫm đến ta: đất nước chúng ta chưa từng có điều kiện để làm như thế. Ở học đường Việt Nam, chương trình giảng văn phải nói là hết sức nghèo nàn, bảo thủ và thiếu cập nhật hóa. Học sinh tốt nghiệp trung học ban văn ở Việt Nam trước và sau 75 hầu như chỉ nắm được lèo tèo dăm ba điều cũ rích và sơ đẳng về kiến thức và lý luận văn học. Sinh viên đại học văn thì chủ yếu học và nghiên cứu đi nghiên cứu lại những vấn đề cũ rích, vì thiếu thông tin, thiếu tài liệu. Quần chúng Việt Nam thì có lẽ ít ai tưởng tượng được rằng trên thế giới có cái gọi là "lớp bồi dưỡng khả năng thưởng thức văn học nghệ thuật" và sự cần thiết của nó trong đời sống. Do đó, đại đa số quần chúng Việt Nam "yêu" văn nghệ, tìm đến văn nghệ để "đọc", "xem", và "nghe" để giải trí, nhưng vì mất căn bản và không được cập nhật hóa kiến thức về cách thưởng thức, họ chỉ tán thưởng những gì họ "cảm" được, và quay lưng lại hoặc chống đối tất cả những gì "không cảm được". Tình trạng này kéo dài càng lâu, càng dẫn đến nhiều hậu quả tai hại cho văn nghệ. Trong sinh hoạt văn học, lực lượng hùng hậu của khối quần chúng bảo thủ và lạc hậu này vừa biến thành nạn nhân của những nhà văn thương mại rẻ tiền, vừa làm chán nản những nhà văn cách tân. Trong một xã hội lạc hậu và bảo thủ, những nhãn hiệu "ngoại lai", "xa rời quần chúng", "quái đản", v.v... bao giờ cũng nằm sẵn chực dán lên trán những cách tân táo bạo. Thường thường, những nhãn này lại do đám nhà văn bảo thủ sáng chế ra để tiêu diệt những đối thủ tiến bộ (vì không muốn mang mặc cảm lạc hậu), và để bảo vệ sự trường cửu của nồi cơm. Sự đói nghèo, cô đơn, ngộ nhận, dễ làm nhà văn cách tân chùn tay, và đôi khi thoả hiệp. Hãy nhìn lại chất lượng sáng tác, phê bình, lý luận, và thưởng thức văn học ở Việt Nam. Bạn có tuyệt vọng không?

Đó là lý do tại sao những nhà văn cách tân luôn luôn đòi trình độ thưởng thức của quần chúng cần được nâng cấp, và tại sao những nhà văn cách tân cứ mãi ước mơ như thế. Nhưng để có một nền văn học lành mạnh và thăng tiến cùng với thế giới, chính quyền và các cơ quan giáo dục phải thực hiện cho được công tác rèn luyện và nâng cấp về sáng tác và thưởng thức văn học từ trong học đường ra ngoài xã hội. Song song với điều đó, giới sáng tác, lý luận và phê bình cũng phải được liên tục nâng cấp.

X: Lỡ sinh ra trong một đất nước thiếu thốn mọi điều kiện và (vì thế) đa số độc giả không có cơ hội được thường xuyên nâng cấp, thì một nhà văn cách tân khi cầm bút chỉ còn nghĩ đến một nhóm độc giả quá ít ỏi nào đó thôi sao? Hay là thậm chí bất cần đến độc giả?

Y: Trong khi viết, động lực thúc đẩy nhà văn cách tân là làm sao để xây dựng được những giá trị thẩm mỹ mới lạ, chứ không phải là làm sao để độc giả vừa lòng. Để sáng tạo, nhà văn cách tân không nghĩ "tôi phải viết cho ai đọc", mà nghĩ "tôi phải viết thế nào cho độc đáo ('độc đáo' nghĩa là chỉ có một, từ trước đến giờ chưa từng có)", với niềm tin rằng "nếu thí nghiệm của tôi có chút gì giá trị, thì thế nào rồi mai sau nó cũng góp phần làm cho kho tàng văn chương phong phú thêm, đẩy văn chương đi xa hơn". Khi việc sáng tạo một tác phẩm đã hoàn tất, nếu không mấy ai đương thời thèm đọc tác phẩm của mình, nhà văn cách tân phải chấp nhận như thế. Đó là số phận chung của việc thí nghiệm cái mới. Không phải là nhà văn cách tân bất cần độc giả. Cần chứ. Nhưng phải kiên nhẫn chờ đợi.

X: Và nếu quả thực cuộc thí nghiệm chả có chút giá trị gì, thì...

Y: Thì phải chấp nhận thất bại. Chứ sao? Thí nghiệm nào mà chả có thành, có bại. Nhưng cả một đời đâu chỉ có thí nghiệm một thứ hay một lần. Nay thí nghiệm cái này, mai lại thí nghiệm cái khác. Cứ thế. Sáng tạo thực sự là một hành trình vô hạn. Mà nếu hoàn toàn thất bại thì ráng chịu. Chứ sao? Suốt đời thí nghiệm và thất bại cũng là một hành động vinh quang lắm chứ? Vì nếu ai cũng sợ thất bại, nên không dám thí nghiệm, thì làm sao có tương lai?

X: Vậy thì những tác phẩm phổ thông không đáng được tạo nên hay sao? Mục đích của nghệ thuật là gì mà khổ thế? Khổ cho cả người sáng tác lẫn người thưởng ngoạn...

Y: Ở các nước tiền tiến, giới văn nghệ nhìn chung chia làm hai hướng hoạt động khá rõ rệt. Mỗi hướng có một mục đích riêng. Một hướng nhắm vào việc thí nghiệm, khám phá và thực hiện những ý niệm thẩm mỹ mới. Một hướng nhắm vào việc ứng dụng những gì đã sẵn có vào việc tiêu khiển quần chúng. Một nghệ sĩ phải xác định một hướng hoạt động cho bản thân và dốc sức lực vào đó, nhằm đạt mục đích tối hậu của nó.

Nếu bạn muốn tác phẩm của bạn là sự thí nghiệm, khám phá và thực hiện những ý niệm thẩm mỹ mới, bạn đã biết trước rằng bạn phải chấp nhận thám hiểm một mình hoặc chỉ cùng với một số ít bạn đồng hành. Bạn sẽ không mơ rằng tác phẩm của bạn được bán chạy. Bạn có quyền mơ rằng tác phẩm của bạn sẽ có thể đi vào lịch sử văn học như những dấu mốc cách tân quan trọng. Nhưng bạn phải chịu mất thì giờ suy nghĩ, nghiên cứu, học hỏi. Bạn phải chịu đói, làm trăm thứ việc khác để sống, hay phải nhờ chính phủ trợ cấp. Bạn phải chịu vợ con chê trách là thằng đi trên mây. Cái gì cũng có cái giá của nó.

Nếu bạn muốn tác phẩm của bạn là món tiêu khiển cho quần chúng, bạn đã biết trước rằng bạn phải viết làm sao để quần chúng hài lòng. Để thành công, bạn phải hết sức dốc lòng vào công việc của bạn. Bạn khỏi phải khổ công thí nghiệm, khám phá và thực hiện những ý niệm thẩm mỹ mới. Bạn cứ thoải mái sử dụng tất cả những công thức tiền chế sẵn có mà những kẻ phát minh ngày trước đã để lại. Khách hàng của bạn không đòi hỏi điều gì mới lạ, khó khăn. Họ chỉ an tâm với những gì họ đã quen. Nhưng bạn phải luôn luôn theo dõi khẩu vị của khách hàng. Bạn phải biết khi nào họ thích đổi món hay đổi gia vị. Bạn phải viết liên tục, xuất bản liên tục, và luôn luôn sống như một thương gia đầy óc cạnh tranh. Bạn có quyền mơ rằng tác phẩm của bạn sẽ được bán chạy; bạn sẽ mua nhiều nhà, nhiều xe; bạn sẽ được nhiều người hâm mộ. Nhưng bạn sẽ không mơ rằng tác phẩm mình sẽ là những dấu mốc trong lịch sử của nghệ thuật sáng tạo. Cái gì cũng có cái giá của nó.

Sinh hoạt khoa học kỹ thuật cũng có hai hướng như thế. Một hướng nhắm vào những phát minh mới. Một hướng nhắm vào việc ứng dụng những phát minh cũ để làm đồ gia dụng. Giới phát minh thì vùi đầu trong phòng thí nghiệm. Giới sản xuất thì vùi đầu trong các hãng xưởng.

Cả hai đều cần thiết, và một xã hội lành mạnh phải đồng thời phát triển quân bình cả hai hướng nêu trên. Thiếu phát minh thì không có tương lai, nhưng thiếu phương tiện gia dụng thì đời sống mất vui thú. Bởi vậy, tất cả những chính phủ biết lo cho tương lai đều đổ tiền vào các trường đại học, các viện nghiên cứu, để liên tục đào tạo những khối óc có khả năng phát minh về mọi mặt, từ khoa học đến văn học. Trong khi đó, các nhà đầu tư lại đổ tiền vào việc sản xuất các mặt hàng tiêu dùng, từ chiếc tủ lạnh đến cuốn truyện tiếu lâm.

Như thế, trong sinh hoạt văn chương, nếu bạn muốn phát minh và tin rằng mình có khả năng phát minh, thì tốt lắm, bạn phải trả giá cho ý muốn đó. Và nếu bạn thành công, bạn sẽ có thể sẽ được lịch sử trao phần thưởng.

Nhưng nếu bạn không có khả năng phát minh, không có điều kiện rèn luyện liên tục, mà lại có khả năng viết truyện giải trí, thì tại sao bạn không bình tĩnh, vui sướng, và dồn mọi nỗ lực vào khả năng của mình. Thay vì bạn phải khổ xác đi làm ở sở một ngày tám tiếng, rồi về nhà ngồi xuống gắng sức viết những tác phẩm chẳng có gì gọi là cách tân, cũng chẳng làm ai thực sự được giải trí, tại sao bạn không bỏ hẳn việc làm ở sở, dốc hết thì giờ vào việc viết về những thứ bổ ích hoặc hấp dẫn khác trên đời (từ truyện chiến tranh, truyện chính trị, truyện lịch sử, cho đến truyện cười, truyện tình, truyện phòng the, truyện Monica Lewinsky,...)? Đây là một công việc hoàn toàn lương thiện và có ích như công việc của người chế tạo đồ gia dụng. Độc giả của bạn có thể là ông tổng thống, nhà khoa học, chị bán hàng xén, anh công nhân. Một nhà toán học đại tài có thể không còn thì giờ để là một độc giả văn học của Joyce hay Faulkner. Sau giờ làm việc, nhà toán học đại tài cần giải trí. Ông ta bỏ ra ba xu mua một cuốn truyện tình lẩm cẩm, hay một cuốn truyện cười đọc chơi vui, cho đỡ nhức đầu. Có gì sai đâu? Tại sao ông ta phải ráng mua một tác phẩm văn chương mới lạ, nặng ký, để giả vờ đọc, rồi gân cổ lên khen chê (mà không hiểu gì cả) cho khổ xác? Ai cũng cần được giải trí. Sau giờ làm việc, ông thị trưởng hay anh công nhân mua một cuốn truyện trinh thám hấp dẫn để giải trí. Tốt lắm chứ!

Bạn viết sách, xuất bản, kiếm tiền, đóng thuế, mua nhà cửa, đi du lịch, được nhiều người mến mộ, gia đình hạnh phúc. Tại sao không?

Từ đó, bạn sẽ khỏi phải khổ tâm về vấn đề cải tiến văn chương, khỏi phải mất thì giờ cãi cọ loanh quanh, khỏi phải nhọc lòng lúc thì (vì mặc cảm lạc hậu) chê tác phẩm người này là" quái đản, lập dị, không ai thèm mua", lúc thì (vì ghen tức về thành công tài chính) chê tác phẩm người kia là "đồ rẻ tiền nên bán chạy"... Bạn cứ thoải mái xài lại bất cứ thứ gì sẵn có trong kho tàng văn chương quá khứ hay trong mớ kiến thức của bạn, và sung sướng viết. Việc gì bạn phải mất thì giờ làm ra vẻ trí thức trịnh trọng lên diễn đàn nói chuyện tương lai văn học. Anh chuyên viên ráp máy đâu có cần làm ra vẻ mình là nhà phát minh mà mất thì giờ chế ra những sản phẩm dở dở ương ương? Anh cứ ráp máy cho thiện nghệ thì đời anh vui sướng.

Còn nếu bạn thực sự nhận thức rằng nền văn chương của quê hương mình đã đi vào việc sản xuất đồ gia dụng, đồ giải trí quá lâu, mà không thấy có phát minh mới nào đáng kể, khiến bạn lo âu cho tiền đồ văn học, và bạn tự cảm thấy mình phải có trách nhiệm đối với tiền đồ ấy, thì bạn nên xét lại xem bạn có thực tâm muốn cách tân hay không, đủ điều kiện và khả năng để rèn luyện và học hỏi trong cái phòng thí nghiệm vĩ đại của thế giới Đông Tây hay không, bạn có đủ can đảm chịu đựng cô đơn, nhọc nhằn để phóng mình vào một tương lai vô định hay không, và bạn sẵn sàng chấp nhận thất bại hay không.

Có nhận thức như vậy, có khả năng như vậy, có can đảm và quyết tâm như vậy thì mới thực sự có thể bắt đầu vào việc cách tân đúng mức. Chưa đủ những điều kiện ấy, bạn cũng có thể đóng góp vào việc cách tân bằng cách từng bước tự cải tiến mình, đồng thời nhiệt tình cổ vũ và hỗ trợ những phát kiến mới của người khác.

X: Kiểu chuyên nghiệp hoá như bạn nói chỉ xảy ra ở những nước Tây phương. Còn văn chương Việt Nam thì khác. Giới cầm bút người Việt Nam chịu bỏ cả đời ra để phát minh cái mới có lẽ còn quá ít người và chưa làm được chuyện gì lớn, nên tôi không lưu ý đến. Những người còn lại thì có ai thực sự là nhà văn thương mại chuyên nghiệp đâu. Ở nước ta, từ trước đến giờ, hầu hết nhà văn đều có quan niệm rằng văn chương là để diễn tả nỗi lòng của người viết và chia sẻ nỗi lòng ấy với quần chúng đồng bào. Tác phẩm nào được nhiều người tán thưởng thì gọi là thành công. Họ không lưu tâm gì mấy đến những ý niệm thẩm mỹ mới, nhưng họ cũng không chấp nhận làm văn chương đại chúng một cách chuyên nghiệp với dụng đích thương mại.

Y: Khổ là ở chỗ đó. Do đó, mình vừa không có tác phẩm thực sự mới lạ và có tầm cỡ, vừa không có best-sellers được dịch ra nhiều thứ tiếng, bán hàng triệu cuốn. Văn chương như vậy thì vừa khó có tiền đồ gì to lớn, vừa chẳng thực sự tạo nên lạc thú cho người muốn giải trí. Đọc hầu hết tác phẩm văn học Việt Nam đương đại, mình không có được sự choáng váng trước cái mới lạ, lại cũng không cảm thấy bị hấp dẫn một cách sung sướng. Đa số tác phẩm nằm kẹt ở chỗ lưng chừng, không đi đến cùng cái gì cả. Thái độ không lưu tâm gì mấy đến những ý niệm thẩm mỹ mới, nhưng cũng không chấp nhận làm văn chương đại chúng chuyên nghiệp, là cái thái độ giả trí thức rất bế tắt. Ngày nào thái độ đó còn phổ cập, thì văn chương vẫn còn dở dở ương ương. Đã hết thế kỷ 20 rồi mà chúng ta vẫn còn phải đọc những tác phẩm bám mãi vào kỹ thuật và thẩm mỹ của thế kỷ 18 và 19. Ở các nước tiền tiến, nếu một nhà văn không theo kịp những phát kiến mới của thế kỷ, thì y không tìm cách chống báng chúng. Thay vào đó, đường ai nấy đi, y vận dụng triệt để những đường lối kỹ thuật và thẩm mỹ cũ để làm văn chương đại chúng.

Về vấn đề cách tân, tôi không đồng ý với bạn khi bạn cho rằng giới cách tân của mình còn quá ít người và chưa làm được chuyện gì lớn, nên bạn không lưu ý đến. Tôi cho rằng chính vì lực lượng cách tân trong văn giới còn yếu nhỏ, bạn lại càng phải cần lưu ý đến họ, cổ vũ họ, hỗ trợ họ. Đằng này, bạn đã không lưu ý đến những thí nghiệm còn non yếu, thậm chí bạn còn lộ vẻ chống báng theo kiểu "cái này đọc không hiểu gì cả, rõ là quái đản". Làm thế thì ích lợi gì? Nếu thực sự bạn không thích những thí nghiệm, không thích cổ vũ, thì bạn nên để yên cho họ làm. Biết đâu họ sẽ làm được cái gì đáng kể sau này.

X: Nghe có lý. Nhưng, chỗ thân tình, tôi nói thật, cái gì tôi ráng hiểu mà không hiểu, thì thực tình tôi cảm thấy nó là vô lý, quái đản. Tự nhiên tôi thấy nó dở. Tôi ngờ rằng mấy cái gọi là cách tân hay tiền phong thực chất chỉ là thời trang, lập dị thôi, chẳng có giá trị gì lâu dài.

Y: Tôi biết bạn nói thật. Cái gì mới lạ mà không làm ta thắc mắc hay nghi ngờ. Ban đầu thì thế, nhưng đến khi hiểu rõ thì biết đâu lại đâm ra thích thú. Phải thế không?

Nhưng thái độ nguy hiểm nhất cho tương lai của một xã hội là thái độ cố tình chụp cho tất cả những phát kiến mới lạ một cái mũ "thời trang". Thái độ này tự bản chất là một thái độ cực kỳ bảo thủ, và thường xuất phát từ những người âm thầm biết mình không thể tự cải tiến được nên muốn lôi kéo số đông vào cái quỹ đạo cũ của mình. Thái độ này thường đưa ra những phát ngôn mang tính philistine như: "Tại sao phải chạy theo thời trang, mà không chịu để thì giờ trau dồi khả năng của riêng mình."

Hãy tự hỏi khả năng của bạn đến từ đâu vậy? Nó không đến từ học hỏi sách vở chăng? Mà sách vở gì thế? Khả năng ấy không đến từ những giờ học chữ, học văn ở tiểu học và trung học (dù là trong một đất nước tan nát) hay chăng? Bạn có biết cái gì là tiền phong và cái gì là thời trang không?

Người có ý thức về nghệ thuật cần phân biệt được đâu là tiền phong và đâu là thời trang. Trong nghệ thuật, điểm dễ phân biệt nhất nằm ở chỗ: cái tiền phong thường không mang tính thương mại, trong khi cái thời trang thì bán rất chạy. Đi vào sâu hơn, ta thấy cái tiền phong ra đời hôm nay là để tạo tiền đề cho một hệ thẩm mỹ mới được phổ cập trong tương lai, còn cái thời trang ra đời hôm nay là nhằm thoả mãn cái thị hiếu "fast food" hôm nay mà thôi. Đi vào sâu hơn nữa, ta thấy cái thời trang bao giờ cũng là sự tập hợp những trò tiểu xảo lượm được từ kho đồ cũ của những cái tiền phong từ ngày xưa để lại. Vì thời trang là những trò tiểu xảo như thế, tự bản chất, cái thời trang hầu như hoàn toàn được xây dựng trên những cơ sở thẩm mỹ cũ, và nhắm đến việc làm trò giải trí nhẹ cho đám đông. Do đó, nó là một thứ bán chạy.

X: Nói đến chuyện cách tân, chuyện hỗ trợ, cổ vũ cho cái mới, chúng ta lại phải quay về với vấn đề nâng cấp trình độ sáng tác và thẩm thức của bản thân. Mình đã lỡ sinh ra trong một lịch sử như thế, một đất nước như thế, lại thiếu thốn quá nhiều điều kiện... thì việc cải tiến bản thân, biết là cần thiết đấy, mà đành chịu... Khổ tâm quá.

Y: Mình cảm thấy khổ tâm vì mình nhìn thấy tình trạng lạc hậu của sinh hoạt sáng tác và thưởng lãm văn chương. Mà để cải tiến một tình trạng lạc hậu đã kéo dài quá nhiều năm như thế thực là quá khó khăn. Chỉ cải tiến cái lạc hậu của bản thân đã quá khổ sở, nói chi đến đại sự. Mà bản thân nếu không tự cải tiến nổi, thì làm sao hỗ trợ người khác? Vậy, vấn đề tiên quyết là tìm một khởi đầu nào đó cho bản thân.

Bước đầu tiên là thái độ mở cửa sẵn sàng đón nhận và tôn trọng những nỗ lực làm mới của người khác. Đồng thời, tìm cách học hỏi để hiểu được giá trị của những phát kiến của người đi trước và đương thời trên phạm vi toàn cầu. Thế giới hôm nay chỉ là một ngôi làng. Hảy bỏ hẳn luận điệu "sợ ngoại lai", "sợ mất gốc", "sợ không hợp với tạng phủ của dân tộc"... Mấy cái nhãn này rách lắm rồi.

Đã biết rằng bản thân ta là sản phẩm của cả một lịch sử, nhưng ta không thể vin vào đó để nói rằng: "Lịch sử đã sinh ra tôi như thế. Đành chịu thôi." Nói như thế là đầu hàng vô điều kiện rồi, còn phải khổ tâm làm chi nữa. Hoặc giả, ta nói: "Tôi biết tôi phải tự cải tiến. Nhưng hoàn cảnh không cho phép. Tôi thiếu thì giờ, thiếu tiền bạc, thiếu sức khoẻ." Nói như thế thì tích cực hơn.

Nhận thức rằng bản thân phải tự cải tiến là bước đầu tiên của sự cải tiến, và khi đã có nhận thức như thế, bản thân sẽ sẵn sàng mở cửa để đón nhận những điều mới mẻ. Đón nhận thôi, chứ chưa phải là đã làm được điều gì mới mẻ. Nhưng nhiệt tình đón nhận của ta làm sinh ra hai điều có giá trị tích cực. Thứ nhất, bản thân ta nhất định sẽ càng ngày càng học hỏi nhiều điều mới mẻ. Thứ hai, sự đón nhận nhiệt tình của nhiều người như ta sẽ là điều kiện tích cực để làm phổ cập hoá và hữu ích hoá những điều mới mẻ do người khác tạo nên.

Tùy hoàn cảnh cho phép, ta có thể đón nhận những cái mới nhiều hay ít, nhanh hay chậm, sâu hay cạn. Một đất nước mà trong đó đa số người thuộc mọi trình độ và ngành nghề sẵn sàng đón nhận những phát kiến mới lạ từ người khác và từ năm châu bốn bể, thì đất nước đó nhất định phát triển tốt.

X: Nói thế nghe thích lắm. Nhưng này, từ đầu đến giờ bạn sửa lưng tôi hơi nhiều đấy nhé!

Y: Có sao đâu? Bạn chính là tôi mà!

(05/1999)

_________________________

[1]Điểm này đã được khai triển thêm trong tiểu luận "Vấn đề hình thức và nội dung, cái mới và cái đẹp", trong Hoàng Ngọc-Tuấn, Văn Học Hiện Ðại và Hậu Hiện Ðại qua Thực Tiễn Sáng Tác và Góc Nhìn Lý Thuyết (California: Văn Nghệ, 2002) 362-390.


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021