thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
Thư từ thành phố Hồ Chí Minh: THƠ KHÔNG BIÊN GIỚI
FOCUS ASIE DU SUD-EST (số 2, tháng 2 năm 2006)
Bản dịch của Phan Bình

 

Họ còn trẻ, tuổi trung bình cỡ ba mươi. Họ đứng bên lề của hệ thống chính trị, tuyên bố không liên quan gì với tất cả những gì chính thống, của các hội viên Hội Nhà Văn. Nhưng họ không bỏ qua những người này: đó chính là nguồn không bao giờ cạn để họ khiêu khích, giễu, nhại. Họ đùa, đập phá kị huý và đặt ra nhiều câu hỏi. Họ sử dụng ngôn ngữ bình dân. Nhà phê bình văn học Đoàn Cầm Thi [1] nhận xét: “Đó là một kiểu văn học vừa nội tâm vừa xã hội. Họ nói với chúng ta về cuộc sống của họ, về những lo toan, những giấc mơ, những đau khổ của họ. Họ không hoạt động lén lút, nhưng đứng ngoài lề: chính quyền tố cáo họ ‘tục tĩu’ và ‘khiêu dâm’. Còn các nhà xuất bản đòi họ phải cắt chỗ này bỏ chỗ kia. Nhưng họ từ chối và phát hành thơ trên mạng, in với số lượng nhỏ trên giấy và trên CD.”

Hãy đến gặp các thi sĩ của Sài Gòn. Một số cô gái trẻ vừa thành lập một nhóm có tên “Ngựa trời”, các nàng bọ ngựa thường ăn thịt con đực sau cuộc giao hoan. Lynh Bacardi, bút danh của một con “ngựa trời”, vừa uống nước cam vừa giải thích: “Chính phủ muốn mở cửa cho các nhà văn và các nhà thơ trẻ nhưng lai áp đặt giới hạn. Theo thói quen, họ muốn chúng tôi viết về các bậc anh hùng nhưng chúng tôi không thể nào làm được điều đó. Chúng tôi có sống qua chiến tranh đâu. Chúng tôi nói về tình dục”.

Bốn nhà “không-thơ” trẻ đã thành lập năm 2000 nhóm Mở Miệng và nhà “xuất bản” Giấy Vụn. Lý Đợi, người đứng đầu, nói: “Ở Việt Nam, có hai truyền thống văn học: chính thống và bình dân. Loại thứ hai này là văn học truyền miệng, là thứ ngôn ngữ trước ngôn ngữ. Tên gọi của nhóm chúng tôi có ý như vậy”. Theo Lý Đợi, khái niệm then chốt của nhóm là “tương tác với hoàn cảnh”.

Giữa lòng thành phố khổng lồ miền Nam, trôi nổi giữa chất phù du và chất không chịu khuất phục, các nhóm thơ này tượng trưng cho một hiện tượng rất Sài Gòn. Nó là kết cục của hoàn cảnh. Sau nhiều thập kỷ thiếu thốn, người dân tự do nói năng trong thành phố đã trở thành trung tâm của cơn bùng nổ kinh tế. Hơn hai phần ba dân số Việt Nam sinh ra sau chiến tranh. Một phần chạy theo đồng tiền, một số khác chốn vào ma tuý nghiện ngập. Nhưng một số khác nữa, như những nhà thơ trẻ này, muốn sống vì một cái gì đó. “Trong một hoàn cảnh cực kỳ phức tạp như thế, người ta tìm thấy mọi thứ”, nhà văn Philippe Franchini nhận xét khi ghé Sài Gòn sau ba mươi năm vắng mặt.

Các nhà thơ tuyên bố: họ dùng “trục ngang” chống lại “trục thẳng”. Họa sĩ Nguyễn Như Huy là chiến hữu của nhóm Mở Miệng, dù hơi nhiều tuổi hơn một chút. “Internet là tự do của tôi. Chúng tôi có nhiều phương tiện để tự do, nhưng vấn đề, đối với nhiều người Việt, chính là ở chỗ họ không tự do ngay trong trí óc của mình”. Nguyễn Như Huy sống với gia đình trong một căn nhà âm ếm, sung túc, trên tường phủ đầy các hoạ phẩm của anh. Trục ngang gắn với khả năng nhập vô vàn nguồn thông tin không biên giới. Họ khẳng định không tuân theo những lời lẽ đến từ “trục dọc”, đến từ bên trên.

Theo họ, thơ phải gắn với thời đại của nó. Một trong những người khởi xướng của dòng thơ này là thi sĩ nổi tiếng Nguyễn Quốc Chánh, 48 tuổi, kẻ tự coi là một “công dân toàn cầu” và được coi là đứa con ngỗ nghịch của đất Sài Gòn. Họ đọc và trao đổi ý tưởng với các tác giả hải ngoại trên mạng qua việc “chát” rất thịnh hành tại Việt Nam. Tháng Giêng vừa rồi, họ còn đưa tập “Khoan cắt bê tông” lên mạng ([email protected]).

Đỗ Kh. là một Việt Kiều, sống giữa Pháp, Mỹ và Việt Nam. Trong “Không có ai trói tôi”, anh trích Kiều, nhân vật nữ bất hạnh của một tác phẩm kinh điển Việt thế kỷ 19: “Chém cha cái số hoa đào. Gỡ ra rồi lại buộc vào như chơi”, nhưng lại là để khẳng định điều ngược lai: “Còn tôi, không ai trói tôi lại”. Đoàn Cầm Thi nói: “Đỗ Kh. khẳng định tự do hành trình giữa bên trong và bên ngoài, trên những nền văn hoá khác nhau”.

Đoàn Cầm Thi nhận định tiếp: “Qua tác phẩm của mình, đơn giản là các tác giả thế hệ mới thể hiện một cơn khát sống, dù chỉ là để sống khác, nghĩ khác những người đi trước”. Một trong những mục tiêu của họ là thế hệ các nhà văn, trong bước ngoặt những năm 1990, đã viết về sự tàn tạ của chiến tranh và nỗi tuyệt vọng thời hậu chiến. Nguyễn Huy Thiệp, Bảo Ninh, Dương Thu Hương, những người mở đường, đã giáng một cú sấm sét vào nền văn học chính thống, nền văn học hiện thực xã hội chủ nghĩa.

Tuy nhiên, dưới con mắt của Lý Đợi, “thế hệ Nguyễn Huy Thiệp [2] đã không kéo dài được lâu, vì thiếu chất liệu và quá cá nhân chủ nghĩa. Họ đã hết thời của mình”. Lý Đợi chỉ trích tiểu thuyết gần đây của Thiệp quá “trang trí”. Nguyễn Huy Thiệp đã sống một bi kịch, để rồi đặt mình trong hình hài của một thiếu niên “con nhà” nhưng đi vào con đường nghiện ngập và sau đó thoát khỏi nhờ trở về với thiên nhiên và truyền thống. Lý Đợi nhận xét: “Nguyễn Huy Thiệp chẳng còn nhiều nhặn gì để nói nữa. Thiền không phải là thứ mì ăn liền”.

Nền văn học đang hình thành đó, vừa cộng đồng vừa gần gũi, làm tăng cường tính ô hợp của sân khấu Sài Gòn. “Các nhà thơ trẻ đang vượt qua những cấm kị: như sự thụt lùi của chủ nghĩa Mác, ma tuý, chất lượng giáo dục thấp kém, đồng tính luyến ái”, như lời nhận định của một nữ phê bình nghệ thuật người Việt. Rất say mê tinh thần dũng cảm của các thi sĩ, bà nói tiếp: “Một số người trong số họ rất có tài”. Kết quả, đó là sự trộn lẫn của quậy phá và nghiêm trang, ảo tưởng và niềm tin. Cùng với những thứ bỏ đi không tránh khỏi.

Với Bùi Chát, 26 tuổi, thành viên nhóm Mở Miệng, thì “với cơn sóng tự do thông tin hiện nay, thật khó đóng cửa phong trào”.[3] Lý Đợi rành rẽ hơn: “Chúng ta sẽ xem, sau này, xã hội biến chuyển như thế nào, và, có thể một ngày nào đó nó sẽ viết luân lý bằng chính ngôn ngữ của chúng tôi”. Dịch chuyển vào vị trí trung tâm? Cuối cùng thì, tình dục là một đề tài có từ lâu trong văn học Việt Nam và nữ sĩ Hồ Xuân Hương của thế kỷ 18 vẫn còn là nguồn cảm hứng và ngưỡng mộ. Quyết tâm đập phá, thể hiện qua bài “Đụ vỡ sọ (những kẻ hủ lậu…)” của thi sĩ Nguyễn Quốc Chánh, làm cho một số người chuyển hướng và đánh thức những kẻ khác khỏi cơn mê muội. Giống như Georges Brassens thủa mới bắt đầu.

 

 

-----------
Ghi chú:
[1] Đoàn Cầm Thi là tác giả của tuyển tập Tầng Trệt thiên đường. Truyện ngắn Việt Nam 1991-2003 (NXB Philippe Picquier, 2005).
[2] Cuốn sách cuối cùng của Nguyễn Huy Thiệp, Tuổi hai mươi yêu dấu, đã được dịch ra tiếng Pháp, NXB L’Aube, 2005.
[3] Các mạng văn học, xem: tienve.org (Úc), www.vietnamlit.org (Mỹ), www.talawas.org (do nhà văn Phạm Thị Hoài chủ trương) và www.evan.com.vn (Hà Nội).
 
Ngày 8 tháng 2 năm 2006, trong khuôn khổ Séminaire “D'une histoire des Etats-nations à une histoire des identités plurielles au Vietnam, Laos et Cambodge contemporains”, Đoàn Cầm Thi (Đại học Paris VII) sẽ nói về “Văn học đương đại Việt Nam: sự xuất hiện một phong trào thơ mới tại Thành phố Hồ Chí Minh” tại EHESS (Học viện cao học Khoa học xã hội), 54 bd Raspail, Paris, từ 19 giờ đến 21 giờ.

 


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021