thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
Marcel Proust – Những chủ đề rời thời trẻ tuổi

 

 

Marcel Proust – Những chủ đề rời thời trẻ tuổi

 

1.

Khi tác phẩm đầu tay của Marcel Proust ra đời, với những nét thủy hoạ bay bướm của Madeleine Lemaire, những bài nhạc của Reynaldo Hahn và bài tựa ký tên Anatole France, người đọc đương thời đã đón nhận một cách xa lạ ngỡ ngàng – cái ngỡ ngàng của những kẻ bỗng dưng thấy mình được một anh chàng tên tuổi lạ hoắc mời ngồi vào một bữa ăn ngoài phố mà bát đĩa chói loà có vẻ như đã lấn át cả hương vị của các món ăn. Cuốn sách mà độc giả, kể cả những nhà phê bình có thể gọi là đứng đắn dạo đó từng cho là thiếu cá tính, gồm những bản văn “không có gì đặc biệt, lấp ló sau những phụ bản rườm rà và một bài tựa lớn, với những lối “phân tích tâm lý vô ích”, và với thứ bút pháp tao nhã óng chuốt nhưng lại “cầu kỳ một cách vô vị”, chính qua cuốn sách đó, ngày nay, và từ lâu lắm, mọi người đã nhìn thấy rõ được những chủ đề đầu tiên khởi sự cho những tác phẩm có chiều sâu hơn, những rung cảm và những ý hướng của nhà văn và là kiến trúc tương lai của ngôi giáo đường chữ nghĩa A la Recherche du Temps perdu.

Thực vậy, đọc lại Les Plasirs et les Jours, cuốn sách đầu tay của Proust – cuốn sách của cậu thanh niên lớn lên rất sớm, mà những thành công trong xã hội đã được mô tả chi tiết trong A la Recherche du Temps perdu – đối với những ai có đọc hết tác phẩm trường thiên sau này, thực là một kinh nghiệm lạ lùng. Xuất bản năm 1896, mười bảy năm trước cuốn đầu của bộ La Recherche, với một kỹ thuật ấn loát đương thời được coi là tân kỳ và tốn kém, với những minh hoạ mô tả đời sống giới thượng lưu của những năm 1890 (những mệnh phụ sầu muộn, quí phái và yêu kiều trong những chiếc áo dài thời trang, mà chính thời gian đã làm cho quá thời), Les Plaisirs et les Jours chính là những bài tập văn chương, những dọ dẫm dự bị, những nỗ lực tìm kiếm của một thanh niên trên con đường đi đến tác phẩm tiểu thuyết lớn, muốn kết tinh những cảm giác thoáng qua nhất, mong manh nhất, tinh tế nhất, và gom thành một toàn bộ những ấn tượng hình thể có thể giúp cho chính mình một phương cách đào sâu ký ức hữu hiệu và tích cực hơn, nhờ thời gian. Mấy vần thơ không có gì đặc sắc, vài câu chuyện trong đời sống hàng ngày, những bài tả cảnh trau chuốt và nhiều bài thơ xuôi, được viết trong khoảng những năm tác giả 20 và 23 tuổi, và từng đăng trên các tạp chí “Le Banquet” và “La Revue blanche”, với một bút pháp cầu kỳ, xanh mướt và kiểu cách, chắc hẳn không phải chỉ là những phẩm chất đang nẩy mầm hay nói đúng hơn là đang nở hoa của một tác phẩm tương lai thôi, mà còn chính là quan niệm khởi đầu của một cách qui định cảm giác - cảm thức đẹp đẽ, bao trùm cái nhìn quan sát tinh vi, cái nhìn bén nhọn và tế nhị của một kẻ đi tìm hiểu đam mê, và những khổ tâm ghen tương trong thứ đam mê đó, phân tích những mối tình chớm nở và cả những mối tình đang tàn phai, bước héo hon chậm rãi của một ngọn lửa đam mê, từ khi bùng cháy cho dến khi trở lại nguội lạnh nhất.

 

2.

Một cách nào đó, người ta có thể hiểu là gần như chính Proust đã tự loan báo việc làm của ông, đã tiên đoán sự sinh nở của tác phẩm tương lai khi ông viết, trong Les Plaisirs et les Jours:

... và nó như một bức bích hoạ rất lớn mô tả cuộc đời của chàng mà không kể lại cuộc đời đó, chỉ trong cái màu sắc đam mê của nó thôi, một cách rất mơ hồ và cùng lúc cũng rất đặc biệt, với một mãnh lực làm người ta cảm kích.

Người ta cũng không thể không nghĩ rằng lời tiên tri nằm trong những dòng thư thay lời tựa của năm 1894

... Khi tôi còn nhỏ, không có số phận của một nhân vật nào trong Kinh thánh đối với tôi có vẻ khốn khổ hơn là số phận của Noé, vì ngọn triều đã bắt nhốt ông ta trong thuyền suốt bốn mươi ngày liền. Sau đó, tôi thường đau ốm hoài, và trong nhiều ngày tháng dài tôi cũng đã phải nằm trong “thuyền”. Bấy giờ tôi mới hiểu là không có chỗ nào Noé có thể nhìn cuộc đời rõ bằng từ thuyền, dù thuyền đã đóng kín và dù trời đang tối mịt mùng trên trái đất...

là cả cuộc đời của Proust: bệnh tật sau đó đã nhốt ông trong “thuyền” và chỉ để cho ông sống vào lúc đêm xuống; nhưng chính trên nền đen của cuộc sống đó, những chuẩn bị nhỏ nhặt tinh vi, từ một ký ức kỳ diệu, đã hiện ra một cách sáng ngời. Trong La Confession d’une Jeune fille chẳng hạn, một trong những chủ đề xứng đáng được Proust lưu tâm nhất (và cũng là tác phẩm trẻ tuổi mà mọi người hẳn đã mong đợi những phô diễn, những tiếng dội chi tiết và rõ ràng hơn), người đọc đã có thể thấy ngay sự hoàn hảo tinh tế của những gì sau đó đã được viết (hay viết lại) trong thời kỳ trưởng thành. Năm 1896, trong bài tựa viết cho cuốn Les Plaisirs et les Jours, Anatole France đã từng nói tới một thanh niên “... chắc chắn là còn trẻ. Anh ta trẻ cái trẻ của tác giả. Nhưng anh ta già cái già của thế giới. Đó chính là mùa xuân của những chiếc lá nằm trên những nhánh cây cổ xưa, trong rừng cây cổ thụ. Người ta có thể nói rằng những đọt mới đã bị quá khứ sâu hút của rừng làm cho buồn bã, và đang chịu tang cho bao nhiêu những mùa xuân đã chết...”[ [1] Cái tươi trẻ nơi một tác giả hai mươi mấy tuổi quả thật đã chồng chất cho số tuổi già của thế giới. Tất cả những gì người đọc ngày nay có thể thấy thích thú và yêu mến trong Du Côté de chez Swann hay Le Côté de Guermantes, trong toàn bộ La Recherche nói chung, tất cả những gì đã nở ra một cách tuyệt vời, đã chồng chất cho tuổi già của cuộc đời, đều đã bắt nguồn, đã bàng bạc trong cuốn sách đầu tay, và tất cả như đã được Proust đưa ra đề nghị với độc giả, một cách tế nhị và sắc bén, nếu không bảo là có tính cách tinh quái: từ cái cách chờ đợi của đứa bé khát khao chiếc hôn thăm hỏi của người mẹ mỗi buổi tối trước khi đi ngủ trong La Confession d’une Jeune fille, từ những hồi rung động của kỷ niệm rạt rào, của tiếc nuối trong Mélancolique villégiature de Mme de Breyves, cũng như trong phần lớn các truyện ngắn và đoản văn khác, từ mãnh lực gợi tưởng của những danh từ chỉ nơi chốn, Trouville, Biarritz, vườn Quên Lãng, v.v... những nỗi phiền muộn ghen tương trong Fin de la Jalousie, sức khuyến dụ của những cảnh vật, của bãi biển, của khu vườn đầy xác lá, đẫm hơi trăng, của những công viên, những hàng cây, những hải cảng, những thuyền bè, những khúc nhạc, đến những bữa ăn với các thực khách ồn ào một cách ngơ ngác, những thực khách thời thượng trong Bữa ăn ngoài phố sau này chắc hẳn đã hiện ra, một lần nữa, với những tên tuổi khác, ở các bữa ăn Verdurin, với cùng những câu chuyện khoe khoang rỗng tuếch. Tất cả những gì ta có thể nhắc tới đây, trong cuốn sách tao nhã và sáng chói này, dù là nhắc nhở một cách tình cờ, đều có thể chính là dưỡng chất (hay phẩm chất) cho tư tưởng và tác phẩm của Proust.

Mỗi lần, nó cố tìm trong sự bất toàn của những hoàn cảnh chính cái lý do ngẫu nhiên của mối tuyệt vọng của mình.

Proust đã viết như trên trong Les Plaisirs et les Jours: đứa bé vốn không lúc nào là không cảm thấy cái nhu cầu so sánh một cách tuyệt vọng giữa cái “hoàn hảo tuyệt đối” của giấc mơ hay của kỷ niệm nơi nó, với cái “hoàn hảo không hoàn toàn” của thực tại, đâm ra ngạc nhiên và đã tìm thấy cái chết. Rồi chính trong Critique de l’Espérance à la lumière de l’Amour, ông lại viết:

Giống như người luyện kim gán cho mỗi thất bại của mình một nguyên do ngẫu nhiên và mỗi lần là mỗi nguyên do khác nhau, thay vì nghi ngờ trong chính bản chất của hiện tại một sự bất toàn không sao chữa trị được, chúng ta lại đi kết tội cho sự hiểm ác của những hoàn cảnh đặc biệt...

 

3.

Sự thật, phần lớn những chủ đề, và thường là những hoàn cảnh của tác phẩm tương lai[2] không những đã chỉ được phác hoạ, mà còn được phô bày rất rõ ràng minh bạch trong Les Plaisirs et les Jours: cái khía cạnh lường gạt quyến dụ và lãng mạn của xã hội và sự tầm thường độc ác của nó, cái đẹp của cảnh vật, những cây cối, những rào dậu nở hoa, biển khơi, sức gợi tưởng của những danh từ, những cuộc gặp gỡ lớn với những tham vọng và những lối giả cách của đám khách khứa lẫn chủ nhân – tất cả đều được phân tích và lột trần trước người đọc, tất cả đều được nhìn bởi một con mắt thức tỉnh đảo từ căn phòng này qua căn phòng khác, từ người này qua người khác, trong những phòng tranh mà nó thấy được cả chuyển động của từng nhân vật, từng thứ ánh sáng mạ vàng, trong những bữa ăn thật lạ lùng với sự phối hợp hỗn tạp của các khách mời, của những người xưa nay không phải lúc nào cũng có cùng những ý kiến giống nhau – những bữa ăn mà chính ông đã mời những người quen biết, và cả những người không quen biết, một cách hiền lành dễ thương, chỉ để làm cho họ vui lòng, và cũng rất có thể để cho chính ông có được cái lo âu và thích thú, có được những hậu quả không chờ tới! Khi Proust bước vào đời sống xã hội Paris, thì những kinh nghiệm học vấn trước đã đưa ông đến với triết học Platon, và dù những ngày sôi động của ông có đầy dẫy những chuyện tình và những thành công trong xã hội chăng nữa, dù ông đã tận hưởng chén rượu say sưa của tất cả những gì ông sống, tất cả những gì ông cảm nghĩ chỉ đã chứng xác, nơi cậu bé lớn lên rất sớm đó, bài học của Platon, bài học cho rằng chưa bao giờ trong kinh nghiệm tức thời ý nghĩa thực sự của đời sống được phát lộ, rằng có một thứ thực tế khác mà chỉ trí óc mới nhìn thấy được, do thông minh tạo ra – thực tế sâu đậm và chung kết hơn. Đối diện với thực tế đó đời sống không còn là chuyện ngẫu nhiên, tầm thường, trần gian, và người ta thấy rằng những thăng trầm của nó vẫn vô ích, và sự ngắn ngủi của nó chỉ là một ảo tưởng.

 

4.

Các nhà phê bình Marcel Proust thường chỉ ghi lại một vài nét thật sơ sài về tác phẩm Les Plaisirs et les Jours,[3] bởi một lẽ rất giản dị, là vì toàn bộ La Recherche có một kích thước quá lớn lao. Ở cái tuổi mà người ta có thể tự cho có đủ sức làm lại thế giới theo những nhịp điệu mới, thiên tài xán lạn của Proust đã lộ rõ trong câu nói tươi mát mở màn cho cuốn sách đầu tay, như một khúc nhạc giáo đầu ngọt ngào, rồi bàng bạc trong trong các tác phẩm tiểu thuyết đã làm nên bộ La Recherche:

Sống là một chuyện vất vả bóp nghẹt chúng ta, làm tâm hồn ta khốn khổ đời đời. Cứ cảm thấy những sợi dây bóp nghẹt đó lơi ra một lúc, là ta có thể cảm thấy được những nỗi êm dịu sáng ngời.[4]

Một nhà văn người Anh cát lợi nhắc đến Marcel Proust cách đây đã lâu có phát biểu đại khái là “trong nghệ thuật, nhiều buổi bình minh mới mẻ có thể mọc lên trên những chân trời mà chúng ta không nhìn, soi sáng những cảnh vật mà chúng ta chưa hề biết”. Có thể nói thêm: trong nghệ thuật, và trong cuốn sách đầu tay của Marcel Proust, trong Thú vui và Ngày tháng.

 

 
-------------------------
“Marcel Proust – Những chủ đề rời thời trẻ tuổi” đăng lần đầu tiên trên tạp chí Văn số 85 ở Saigon (1967?), số đặc biệt về Marcel Proust, sau đó được đưa vào Marcel Proust – Con người xã hội của Hoàng Ngọc Biên, 160 trang, Nhà xuất bản Trình bầy, Saigon, 1971.
 

_________________________

[1]“... Sans doute il est jeune. Il est jeune de la jeunesse de l’auteur. Mais il est vieux de la vieilesse du monde. C’est le printemps des feuilles sur les rameaux antiques, dans la forêt séculaire. On dirait que les pousses nouvelles sont attristées du passé profond des boìs et portent le deuil de tant de printemps morts...”

[2]Sau cuốn đầu tiên, giống như Paul Valéry là một thi sĩ đương thời với ông, Proust đã im lặng hơn 15 năm, và người ta từng tưởng sự “thất bại” của cuốn sách đầu tay đã làm ông mất cả hứng thú “hướng chiếc cửa sổ” của mình ra cuộc đời.

[3]Ấn bản đầu tiên ở Nhà xuất bản Calmann Lévy, 1896, có những tranh minh hoạ của Madeleine Lemaire, bài tựa của Anatole France, và bốn nhạc khúc cho dương cầm của Reynaldo Hahn. Năm 1924, Nhà xuất bản la Nouvelle Revue francaise có một ấn bản khác, phổ biến hơn, không in các minh hoạ và nhạc.

[4]La vie est chose dure qui serre de trop près, perpétuellement nous fait mal à l’âme. À sentir ses liens un moment se relâcher, on peut éprouver de clairvoyantes douceurs ("À mon ami Willie Heath", trong Les Plaisirs et les Jours, Les Éditions NRF, 1924.


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021