thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
Về tập thơ DỰ BÁO PHI THỜI TIẾT

 

Trong năm vừa qua, tình hình văn chương Việt Nam nói chung, và Sài Gòn nói riêng ít “buồn ngủ” hơn, hay sôi động hơn năm 2004, với hiện tượng một số người viết trẻ xuất hiện. Sau những dư luận xôn xao về các tập truyện ngắn Bóng Đè của nhà văn Đỗ Hoàng Diệu, Cánh Đồng Bất Tận của Nguyễn Ngọc Tư, Năm Mười Mười Lăm… của Nguyễn Vĩnh Nguyên… thì vào những ngày cuối cùng của năm, vỉa hè văn nghệ Sài Gòn lại quan tâm đến sự kiện đình chỉ xuất bản và đề nghị thu hồi tập thơ DỰ BÁO PHI THỜI TIẾT.

Ngựa Trời là một nhóm gồm 5 nhà thơ nữ, trong độ tuổi từ năm sinh 1981 đến 1985. Họ gồm có: Thanh Xuân, Phương Lan (còn bút danh khác là eL), Lynh Bacardi, Khương HàNguyệt Phạm. Nhiều phần sáng tác của họ được phổ biến trên website: tienve.org; E-van; và một số các website khác. Họ cũng từng xuất hiện trên các diễn đàn văn chương và tạp chí trong nước, lẫn hải ngoại như Hợp Lưu, Văn, Tạp Chí Thơ... Bản thảo tập thơ DỰ BÁO PHI THỜI TIẾT bị các nhà xuất bản trong Nam từ chối in, hoặc đề nghị cắt xén, biên tập gắt gao. Mãi sau mới được công ty Nhã Nam nhận in qua đường nhà xuất bản Hội Nhà Văn. Các tác giả được mời ra Hà Nội họp báo và nói chuyện về tác phẩm của mình ở trường viết văn Nguyễn Du. Trước khi các cuộc họp báo và giao lưu xảy ra thì có lệnh ngầm ngăn cấm không được tổ chức những sự kiện này. Báo Người Lao Động (02.01.2006) đăng bản tin sau đây:

 
Cục xuất bản vừa có văn bản đình chỉ xuất bản tập thơ Dự Báo Phi Thời Tiết của nhóm tác giả nữ Ngựa Trời do NXB Hội nhà văn phát hành tháng 12- 2005. Ngoài vấn đề nội dung tác phẩm không phù hợp với văn hoá Việt Nam, ảnh bìa của tập thơ này cũng rất “quái”. Hình ảnh 5 tác giả nữ người quấn kín đầu theo kiểu Xác ướp Ai Cập, dán đầy bông băng trên mặt tạo nên hình ảnh kỳ dị… Những “chân dung” quái gỡ đó lại được được sắp xếp theo biểu tượng linga khiến người xem giật mình. Bên trong tập thơ, các nữ tác giả còn xuất hiện trong hình dạng xác ướp với đủ kiểu trang điểm quái dị như khiêu khích người đọc.
 
Ông Nguyễn Đình Nhã, Cục trưởng Cục Xuất bản, cho biết Cục Xuất bản sẽ tiến hành thẩm định tập thơ này và đề nghị Bộ Văn Hoá Thông Tin cho thu hồi tác phẩm.
P.Quyên
 

Thời gian gần đây, sách của các tác giả Trung Quốc thuộc một thế hệ mới đề cao các vấn đề nhạy cảm như nữ quyền, giải phóng tình dục… được dịch và phổ biến rộng rãi trên thị trường sách vở Việt Nam, nổi bật có các tác giả như Vệ Tuệ, Cửu Đan…, và so với các nhà thơ nữ Sài Gòn kể trên thì các tác giả này không kém phần "quái dị như khiêu khích người đọc", nhưng không một ai có ý kiến gì về việc "không phù hợp với văn hoá Việt Nam". Nhiều người nhận định rằng trong trường hợp DỰ BÁO PHI THỜI TIẾT này, lý do "không phù hợp với văn hóa Việt Nam" không phải là lý do chính, mà nó chỉ là cái cớ để ngăn chặn không cho tập thơ ra đời vì các lý do tế nhị khác như:

1/ Tính phê phán về mặt xã hội của tập thơ. So với các nhà thơ chính thống hiện thời thì nhóm Ngựa Trời đã mở rộng biên độ đề tài của các sáng tác ra khỏi các vấn đề bình thường như tình yêu, những xúc cảm cá nhân, chuyện nhân tình thế thái, tự thán, tự trào… Họ chạm đến các vấn đề nhạy cảm khác của xã hội với thái độ đầy ý thức công dân như sự bất công, sự trì trệ và nghèo nàn của đất nước, sự hoang mang và thất vọng trước tương lai, sự nghi hoặc, mất hướng của tuổi trẻ… có khi bằng giọng điệu, ngôn ngữ đầy cay đắng và phẩn nộ của tuổi trẻ. Có khi họ không khôn ngoan tiếp cận và lý giải sự việc bằng kinh nghiệm, nhưng bằng trực cảm của người nghệ sĩ.

2/ Hình thức, kỹ thuật và ngôn ngữ trong thơ của họ rất mới và táo bạo nếu so sánh với các nhà thơ chính thống trong luồng hiện nay. Những chuẩn mực trước đây của một nhà thơ nữ như sự dịu dàng nữ tính, tính lãng mạn, tính duy mỹ (cổ điển)… nhiều phần đều bị thay thế bằng cá tính mạnh mẽ, trực diện với hiện thực, suy tư không né tránh thực tại bằng các biện pháp tu từ hay ẩn dụ… Bạn đọc có thể tìm đọc các tác giả này trong mục tác giả của website tienve.org.

3/ Sự e ngại trước các sinh hoạt văn nghệ có tính tập thể. E ngại rằng không thể kiểm soát được như trường hợp nhóm các nhà thơ trẻ Mở Miệng (cũng ở Sài Gòn) … Người ta có thể thành lập một nhóm nhạc Rock, một nhóm bạn học sinh ngữ, một nhóm sinh hoạt dã ngoại, thậm chí một bút nhóm mang những cái tên và tôn chỉ sân trường vô hại như Ngàn Thông hay Mây Trắng…, nhưng với một nhóm nhà thơ trẻ mang tinh thần cấp tiến, tự do thì lại là một chuyện khác. Họ sẽ bị xem là rất khả nghi, mất định hướng, cần được cho vào khuôn phép, cần được ngăn chặn hay thu hẹp tầm ảnh hưởng-sự tác động, hoặc tốt nhất là sử dụng động thái hư vô hóa sự hiện diện của họ.

4/ Ngoài ra, nếu cho rằng phần hình thức trình bày bìa của tập thơ là "quái dị như khiêu khích người đọc" rồi ngăn cấm thì quả là một ý thức ấu trĩ. Các hình trên bìa là những tác phẩm body-art do họa sĩ Nguyễn Thúy Hằng thực hiện. Có phải khi người ta không thể hiểu, không thể dung nạp được những ý tưởng sáng tạo mới lạ thì cách tốt nhất là gán cho chúng các khái niệm "quái dị", hay "không phù hợp với văn hóa Việt Nam"? Trong trường hợp bìa tập thơ này thì khả năng liên tưởng và khả năng giật mình của người viết tin trên báo Người Lao Động quả là đáng nể. (Xin xem hình bìa bên dưới).

 

 

Sau cùng, một điều thú vị là trong và sau khi có dư luận sách sẽ bị thu hồi, nhưng trong nhà sách lớn như Fahasa ở Sài Gòn vẫn có để bán tập thơ. Và ở các nhà sách và vỉa hè Hà Nội, tập thơ vẫn được bày bán với giá 18 ngàn, rẻ hơn giá bìa nguyên thủy là 25 ngàn. Có lẽ số sách này là từ nguồn sách được in lậu.

Có phải nền văn chương Việt Nam luôn yên tâm với một khí quyển không thay đổi từ bao đời nay mà không cần bất cứ một dạng thời tiết nào khác?

 


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021