thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
TÔI VIẾT THẾ NÀO [VI: Cuốn tiểu thuyết 'Baudolino', trường hợp ngoại lệ]
Bản dịch của Hoàng Ngọc-Tuấn

 

UMBERTO ECO

(1932~)

 

Umberto Eco — nhà văn, nhà lý thuyết văn học, nhà tư tưởng — sinh ngày 5 tháng Giêng, năm 1932, tại Alessandria, vùng Piedmont, nước Ý. Ông tốt nghiệp ngành triết học tại viện đại học Turin năm 1954. Hiện ông là giáo sư ký hiệu học tại viện đại học Bologna, đồng thời giữ vô số các chức vụ hàn lâm tại nhiều học viện trên thế giới. Từ năm 1985 đến nay, ông được trao tặng hơn 30 bằng tiến sĩ danh dự từ nhiều viện đại học, trong số đó có Paris (Sorbonne Nouvelle) (1989), Buenos Aires (1994), Santa Clara (1996), Moscow (1998), Berlin (FUB) (1998), Montréal (UQAM) (2000), Jerusalem (2002) và Siena (2002), v.v.
 
Umberto Eco là tác giả của những tuyển tập tiểu luận lừng lẫy, trong đó có những cuốn đã được dịch sang Anh văn như: Kant and the Platypus, Serendipities, Travels in Hyperreality, và How to Travel with a Salmon. Ông cũng là tác giả của những tiểu thuyết thời danh, tiêu biểu cho văn chương hư cấu hậu hiện đại như The Name of the Rose, Foucault's Pendulum, và Baudolino. Tờ New York Times nhận định rằng tác phẩm của Eco "phức tạp, khiêu khích, khôi hài và sâu sắc", và ông là "một nhà văn của sự duyên dáng và thông tuệ." Tờ Atlantic Monthly nhận định rằng "Eco kết hợp học thuật hàn lâm với sự yêu thích những nghịch thuyết và một óc khôi hài đầy khoái hoạt, đôi khi đến mức khủng khiếp." Tờ Los Angeles Times cho rằng ông là "một trong những nhà tư tưởng có ảnh hưởng lớn nhất trong thời đại của chúng ta."
 
"Tôi viết thế nào" là một bài viết theo yêu cầu của nhà biên tập Maria Teresa Serafini cho tập tiểu luận Come si scrive un romanzo (Milan: Strumenti Bompiani, 1976). Sau khi cuốn tiểu thuyết Baudolino của Umberto Eco được xuất bản, ông bổ sung vào bài này một số chi tiết mới có liên quan đến cuốn tiểu thuyết ấy. Bài viết đã bổ sung được Martin McLaughlin dịch sang tiếng Anh và in lại trong cuốn On Literature của Umberto Eco (Orlando, Florida: Harcourt Inc., 2004).
 
Đây là một bài viết dài, gồm 11 phần, mỗi phần có tiểu đề riêng, nhằm trả lời một câu hỏi do Maria Teresa Serafini đặt ra. Tiền Vệ sẽ lần lượt đăng bài viết này thành 11 kỳ.

 

___________________

 

 

CUỐN TIỂU THUYẾT 'BAUDOLINO', TRƯỜNG HỢP NGOẠI LỆ

 

Từ đầu cho đến điểm này, tôi đã nói rằng (i) người viết khởi sự với một ý tưởng chủng tử, và rằng (ii) cấu trúc của thế giới tự sự quyết định văn phong. Kinh nghiệm gần đây nhất của tôi về hư cấu, trong cuốn tiểu thuyết Baudolino, dường như lại mâu thuẫn với hai nguyên tắc ấy. Về ý tưởng chủng tử, trong ít nhất hai năm tôi đã có rất nhiều, và nếu có quá nhiều ý tưởng chủng tử thì đó là dấu hiệu cho thấy chúng chẳng phải là chủng tử nữa. Đúng ra, mỗi ý tưởng ấy đã không tạo nên cái cấu trúc tổng quát của cuốn sách mà chỉ làm nẩy ra những tình huống giới hạn trong vòng vài chương sách.

Tôi sẽ không nói ý tưởng đầu tiên của tôi là gì, bởi tôi đã gạt nó đi — vì một số lý do khác nhau, nhưng trước hết và chủ yếu nhất vì tôi đã không thể phát triển nó — và có lẽ tôi sẽ để dành nó, biết đâu chừng, cho cuốn tiểu thuyết thứ năm. Đi kèm với tưởng ấy là một ý tưởng thứ yếu, có thể liên hệ theo một lối tầm thường với mô hình của một cuộc sát nhân trong một căn phòng kín cửa, và như bạn sẽ thấy nếu bạn đọc cuốn tiểu thuyết này, tôi đã chỉ dùng cái mô hình ấy trong chương về cái chết của Frederick.

Ý tưởng thứ nhì là ý tưởng rằng cảnh cuối cùng nên xảy ra giữa những cái xác ướp trong nhà thờ Capuchin ở Palermo (thật ra, tôi đã đến đó năm ba lần và đã sưu tập nhiều bức ảnh của địa điểm ấy và của từng xác ướp). Ai đã từng đọc cuốn tiểu thuyết sẽ nhận ra rằng ý tưởng này được khai thác trong cuộc đụng độ cuối cùng giữa Baudolino và Nhà Thơ, nhưng trong giới hạn của cuốn tiểu thuyết nó chỉ có một chức năng ngoại vi, hay, đúng hơn, chỉ để dàn cảnh.

Ý tưởng thứ ba là ý tưởng rằng cuốn tiểu thuyết tập trung vào một nhóm nhân vật chuyên làm đồ giả. Tất nhiên, trước kia tôi đã có năm ba lần nhúng tay vào những cuộc nghiên cứu ký hiệu học về sự giả mạo.* Thoạt tiên tôi muốn các nhân vật phải là những người ở thời hôm nay: họ quyết định thành lập một nhật báo, và họ thí nghiệm cách tạo ra những quả bom tin vịt qua một loạt những số báo giả. Thực ra, tôi đã nghĩ đến cái nhan đề Số Không (Bom Tin Vịt). Nhưng ngay lúc ấy đã có một điều gì tôi thấy không thuyết phục, và tôi e rằng tôi sẽ làm việc với một đám nhân vật tương tự như trong tiểu thuyết Quả Lắc của Foucault.

Thế rồi tôi nghĩ đến một trong những trò giả mạo thành công nhất trong lịch sử Tây phương, đó là Bức Thư của Prete Gianni.[1] Ý tưởng này đã làm nẩy ra một loạt những ký ức và kinh nghiệm trong việc đọc. Vào năm 1960 tôi đã biên tập bản tiếng Ý (Le terre leggendarie [Lãnh thổ huyền hoặc]) của cuốn Lands Beyond [Những Lãnh Thổ Ngoài Trái Đất] của Willy Ley và Sprague de Camp[2] cho nhà xuất bản Bompiani. Có một chương về vương quốc của Prete Gianni và một chương khác về những bộ tộc thất tung của Do-thái. Trên bìa, họ in một con skiapod, tức là quái vật hình người, có một cẳng với bàn chân rất to dùng để che ánh nắng mặt trời (từ một bản khắc của thế kỷ thứ mười lăm, tô màu giả và thực hiện bằng giấy stencil, tôi nghĩ thế).[3] Nhiều năm sau đó, tôi đã mua một tấm bản đồ có tô màu mà người ta cắt ra từ cuốn bản đồ thế giới của Ortelius;[4] tấm bản đồ ấy chính là trang có vẽ hình các lãnh thổ của Prete Gianni, và tôi treo nó trong phòng văn của tôi. Trong những năm 1980, tôi đọc nhiều dị bản của bức thư của Prete Gianni.** Nói tóm lại, Prete Gianni đã luôn luôn làm tôi thích thú, và tôi bị hấp dẫn bởi cái ý tưởng làm sống lại những con quái vật trong Vương Quốc của ông, cũng như những con quái vật được nói đến trong những truyện truyền kỳ của Đại Đế Alexandre, những cuộc phiêu lưu của Mandeville,[5] và cả một loạt những truyện quái vật thời trung cổ. Và rốt cuộc đó là một cơ hội tốt để tôi trở về với thời Trung Cổ yêu quý của tôi. Vậy thì ý tưởng chủng tử của tôi là ý tưởng về Prete Gianni. Nhưng ý tưởng này đã không nẩy sinh từ lúc khởi sự, tôi chỉ đơn giản đến với nó trong khi tìm kiếm.

Có lẽ tất cả điều này hẳn là không đủ cho tôi nếu bức thư của Prete Gianni đã không được gửi đến Đại Đế Frederick Barbarossa (đây là một trong những giả thuyết khả tín). Đến lúc này thì Frederick Barbarossa lại trở thành một danh tính kỳ ảo đối với tôi, vì tôi ra đời ở Alessandria — thành phố đã được thành lập với mục đích chống lại vị đại đế ấy.[6] Điều ấy đã làm cho một loạt những quyết định tự nhiên nẩy ra, như một phản ứng dây chuyền: quyết định phát hiện một ông Frederick vượt qua khỏi những hình ảnh sáo mòn về ông, bằng cách mô tả ông qua nhãn quan của một quý tử của ông thay vì qua con mắt của những kẻ thù và các cận thần (và tôi lập tức đi tìm sách để đọc thêm về Barbarossa); quyết định kể lại những nguồn gốc và những huyền thoại của thành phố Alessandria, gồm cả câu chuyện về mưu sĩ Gagliaudo và con bò cái của ông.[7] Nhiều năm trước đó, tôi đã viết một tiểu luận về sự thành lập và lịch sử của thành phố Alessandria (nhan đề của tiểu luận, một cách vô tình, lại là "Phép lạ của Thánh Baudolino"),*** và từ đó sinh ra cái ý tưởng tái hiện lịch sử ấy qua cuộc sống của một nhân vật mang tên Baudolino — tên của vị thánh bổn mạng của thành phố ấy — đồng thời cho nhân vật Baudolino làm con trai của Gagliaudo, và đẩy vào câu chuyện này một giọng văn bình dân, giang hồ — để tạo ra một kiểu đối điểm với cuốn Danh Tính của Hoa Hồng, bởi cuốn ấy đã là một câu chuyện của những người trí thức nói năng theo phong cách sang cả, trong khi cuốn này là một câu chuyện về thường dân và các quân nhân vốn ứng xử khá cộc cằn, nói năng theo một phong cách gần như phương ngữ.

Nhưng ở đây, cũng thế, tôi phải làm gì? Liệu có nên để cho Baudolino nói bằng thứ ngôn ngữ giống như tiếng địa phương của vùng thung lũng sông Po vào thế kỷ từ mười hai, trong lúc chúng ta có rất ít tài liệu về thổ ngữ của thời kỳ ấy, và không có tài liệu nào từ miền Piedmont? Hay là kể lại câu chuyện qua miệng của một thuật viên, và để cho cái phong cách hiện đại của y làm hỏng tính cách tự nhiên của nhân vật Baudolino? Thế nhưng, ngay ở điểm này, một mối ám ảnh thình lình nẩy ra và gỡ rối cho tôi — mối ám ảnh này đã có đôi lúc lởn vởn trong đầu tôi, nhưng tôi chưa từng nghĩ rằng nó sẽ trở thành hữu dụng cho tôi trong trường hợp này —, đó là: kể một câu chuyện đã xảy ra tại Byzantium.[8] Vì sao? Vì lúc đó tôi biết rất ít về nền văn minh Byzantine, và trước đó tôi chưa từng đến Constantinople. Đối với nhiều người, điều này dường như là một động cơ khá yếu khiến tôi quyết định kể lại một câu chuyện nào đó đã xảy ra ở Constantinople, càng yếu hơn nữa vì Constantinople đã chỉ có một liên hệ tiếp tuyến với Frederick Barbarossa. Nhưng đôi khi ta quyết định kể một câu chuyện chỉ để hiểu biết nó tường tận hơn.

Đã nói vậy thì làm ngay. Tôi đã tức tốc đến Constantinople. Rồi tôi đọc nhiều tài liệu về xứ Byzantium xa xưa, nắm rõ địa hình của nó, và tình cờ bắt gặp Nicetas Choniates và bộ Biên Niên Sử của ông ấy.[9] Tôi đã tìm ra cái chìa khoá, cái cách diễn đạt trôi chảy những "giọng nói" của câu chuyện, đó là: sử dụng một thuật viên hầu như hoàn toàn vô tư, khách quan kể lại cuộc đàm luận giữa Nicetas và Baudolino, trình bày luân phiên giữa những suy nghĩ mang tính học thuật cao viễn của Nicetas với những mẩu chuyện giang hồ của Baudolino, nhưng qua lời kể ấy, thì Nicetas, hoặc chính độc giả, cũng không bao giờ biết được Baudolino có nói láo không và lúc nào ông nói láo; chỉ có một điểm cố định là Baudolino khăng khăng cho rằng ông là một người nói láo (đây là cái nghịch lý của kẻ nói láo và triết gia Epimenides, người đảo Crete).[10]

Tôi đã có trò chơi này của những "giọng nói", nhưng không có giọng nói của Baudolino. Ở đây, tôi làm ngược lại nguyên tắc thứ nhì của tôi. Lúc tôi còn đang đọc những cuốn biên niên sử về biến cố Thập Tự Quân chiếm Constantinople (và tôi đã quyết định rằng tôi sẽ phải kể lại câu chuyện về biến cố vốn đã được trình bày theo giọng điệu rất tiểu thuyết trong các văn bản của Villehardouin, Robert de Clary, và Nicetas), chỉ để tiêu thì giờ ở miền quê, tôi đã dùng bút để viết một thứ nhật ký của Baudolino, bằng một thứ ngôn ngữ pha tạp giả thiết là đã được sử dụng ở vùng thung lũng sông Po vào thế kỷ thứ mười hai, và sau này mẩu nhật ký ấy đã trở thành đoạn mở đầu của cuốn tiểu thuyết. Sự thật là trong những năm sau đó tôi đã viết đi viết lại những trang ấy năm ba lần, sau khi tham khảo những từ điển về lịch sử và phương ngữ, và tất cả những tài liệu tôi có thể đụng đến, nhưng ngay từ trong bản nháp đầu tiên, qua cái phong cách ngôn ngữ của nó, tôi đã thấy rõ là Baudolino sẽ suy nghĩ và nói năng như thế nào. Do đó, cuối cùng, ngôn ngữ của Baudolino không phải sinh ra từ cái cấu trúc của một thế giới đã được xây dựng, mà ngược lại, một thế giới đã được tạo nên từ lực xúc tác của thứ ngôn ngữ ấy.

Tôi không biết làm thế nào để giải quyết cái vấn nạn này dưới góc độ lý thuyết. Tất cả điều tôi có thể làm là mượn câu nói của Walt Whitman: "Tôi có tự mâu thuẫn không? Ừ thì tôi tự mâu thuẫn." Ngoại trừ một điều: có lẽ việc sử dụng phương ngữ như thế này đã mang tôi trở về với tuổi thơ ấu và cố hương của tôi, và như thế là trở về với một thế giới tiền lập, ít nhất trong ký ức.

 

[Đón xem kỳ VII: "Những giới hạn, và thời gian"]

 

 

--------------
Dịch từ bản Anh văn: “How I Write”, trong Umberto Eco, On Literature , trans. Martin McLaughlin (Orlando, Florida: Harcourt Inc., 2004), 318-322.

 

--------------
Chú thích của Umberto Eco:
 
* Xin đọc "Fake and Forgeries", trong The Limits of Interpretation (Bloomington: Indiana University Press, 1990), 174-202. Trong cuốn On Literature (mà bạn đang đọc), bài giảng của tôi về sự giả mạo, dưới nhan đề "The Power of Falsehood" (trang 272-301), viết từ năm 1994 để đọc trong dịp khai giảng niên khoá 1994-1995 tại viện đại học Bologna, có lẽ cũng là hạt nhân đầu tiên cho tiểu thuyết Baudolino.
 
** Đặc biệt là bản La lettera del Prete Gianni do Gioia Zaganelli biên tập (Parma: Pratiche, 1990).
 
*** Trong cuốn How to Travel with a Salmon and Other Essays, bản dịch Anh ngữ của William Weaver (New York: Harcourt Brace, 1994), 234-278.

 

_________________________

Chú thích của người dịch:

[1]Prete Gianni (tiếng Anh gọi là Prester John; tiếng Pháp, Prêtre Jean) là một ông vua huyền thoại, tác giả của một bức thư bí mật, tương truyền là được viết vào thế kỷ 12. Trong bức thư ấy, Prete Gianni cho biết rằng ông làm chủ một vương quốc kỳ ảo ở phương Đông, nhưng vương quốc ấy đang bị đe doạ huỷ diệt bởi bọn phản giáo và man di. Suốt thời Trung Cổ, huyền thoại về vương quốc của Prete Gianni lan truyền rộng rãi, và nhiều người đã tổ chức những cuộc thám du xuyên qua châu Á và châu Phi để tìm kiếm vương quốc ấy.
      Bức thư của Prete Gianni bắt đầu xuất hiện vào những năm 1160; và suốt vài thế kỷ sau đó, hơn một trăm dị bản của nó đã được công bố từ nhiều nguồn khác nhau. Phần lớn những dị bản ấy đều đề tên người nhận là Emanuel I, Đại Đế La-mã ngự trị tại Byzantium, nhưng cũng có nhiều dị bản đề tên người nhận là Giáo Hoàng La-mã hoặc là Hoàng Đế của Pháp. Các dị bản đều ghi rằng Prete Gianni làm chủ một vương quốc khổng lồ ở phương Đông, gồm "ba nước Ấn-độ". Đó là một xứ sở hoà bình vĩnh cửu, không có tội phạm và điều ác, nơi mật ong và sữa tươi tràn trề thừa thãi. Năm 1177, Giáo Hoàng Alexander III tin vương quốc ấy có thật, và nhờ người bạn thân của ông là Philip dẫn một phái đoàn đi tìm vương quốc ấy, nhưng rốt cuộc Philip không thực hiện cuộc thám du.

[2]Cuốn Lands Beyond của L. Sprague de Camp & Willy Ley (NY: Rinehart & Co, 1952).

[3]Độc giả có thể xem hình quái vật skiapod ở trang web
http://www.antoranz.net/CURIOSA/ZBIOR2/C0306/06en-QZC05059_Antypody.HTM

[4]Tức là cuốn Theatrum Orbis Terrarum của Abraham Ortelius (1527-1598), một học giả và địa lý gia Hoà-lan.

[5]Tức là cuốn The Travels of Sir John Mandeville. Đây là một cuốn du ký mà người ta tin do chính Mandeville (một Hiệp Sĩ người Anh!) viết. Cuốn này đầu tiên xuất hiện vào khoảng năm 1371 (nguyên tác bằng tiếng Pháp) và trở thành một trong những cuốn sách được yêu thích nhất vào cuối thời Trung Cổ. Hàng trăm bản chép tay của cuốn này vào thời ấy vẫn còn được lưu trữ cho đến hôm nay. Nội dung của cuốn du ký này là hàng loạt những sự kiện và hiện tượng kỳ dị, chẳng hạn, chuyện Mandeville đến viếng những hòn đảo mà cư dân ở đó là những người có mình người đầu chó, hay một bộ lạc mà cư dân ở đó chỉ sống bằng cách ngửi mùi trái táo, chứ không ăn uống gì cả, vân vân. Vào thế kỷ 17, nhà văn Anh quốc Thomas Browne đã tuyên bố rằng John Mandeville là "tên láo khoét nhất của mọi thời đại". Thế nhưng, lời phê phán này có lẽ là thừa, vì John Mandeville dường không phải là một người có thật (chưa ai tìm thấy tài liệu gì về cuộc đời và sự nghiệp của Hiệp Sĩ John Mandeville!).

[6]Có giả thuyết cho rằng một trong những dị bản của bức thư của Prete Gianni được gửi đến triều đình của Đại Đế La-mã Frederick Barbarossa vào năm 1168, lúc thành phố Alessandria được thành lập để chống lại quân lực của vị đại đế này.

[7]Có truyền thuyết cho rằng cha của Baudolino là Gagliaudo Aulari, một nhà mưu sĩ huyền thoại của thành phố Alessandria, người đã dùng con bò cái của mình để đánh lừa quân La-mã, giải vây cho thành phố Alessandria.

[8]Byzantium là một thành phố cổ của xứ Thrace, ngày nay là Istanbul của Thổ-nhĩ-kỳ. Thành phố này được người Hy-lạp thành lập vào thế kỷ thứ 7 trước Chúa giáng sinh và bị quân La-mã chiếm đóng vào năm 196 sau Chúa giáng sinh. Đại Đế Constantine I ra lệnh trùng tu thành phố này vào năm 330 và đặt tên mới là Constantinople.

[9]Nicetas Choniates là một sử gia người Byzantium, không rõ năm sinh, qua đời vào khoảng giữa những năm 1213 và 1216. Ông là tác giả của bộ Historia gồm 21 cuốn. Lúc Đại Đế La-mã Frederick Barbarossa dẫn thập tự quân chinh phạt Constantinople, Nicetas Choniates là toàn quyền của Philippopolis. Do đó, ông là chứng nhân của sự kiện lịch sử này.

[10]Nghịch lý Epimenides là một vấn nạn logic. Vấn nạn này xuất phát từ một câu nói của triết gia Epimenides, người đảo Crete. Ông nói: "Những người đảo Crete luôn luôn nói láo". Chính ông lại là người đảo Crete. Như thế, nếu câu nói của ông là đúng sự thật, thì câu nói của ông là một câu nói láo!

 

Đã đăng:
Tôi là một ví dụ khá bất thường của một người viết truyện hư cấu. Bởi tôi đã khởi sự viết truyện ngắn và tiểu thuyết trong khoảng thời gian từ tám đến mười lăm tuổi, rồi tôi ngưng, chỉ để khởi sự một lần nữa khi tôi đã đến bên lề tuổi năm mươi...
Đó là một quyết định mà suốt hơn ba mươi năm sau tôi vẫn không hề cảm thấy hối tiếc. Tôi muốn nói rằng tôi không phải là một trong những người bị số phận buộc phải viết về khoa học nhưng lúc nào tâm tư cũng cháy bỏng khát vọng viết về nghệ thuật...
... Thông thường, những nhà phỏng vấn ngây thơ thường bay lơ lửng giữa hai chủ ý mâu thuẫn nhau: một đằng, họ cho rằng một văn bản gọi là có tính sáng tạo thì phát triển hầu như chớp nhoáng trong sức nóng bí nhiệm của cơn cảm hứng xuất thần; đằng khác, họ lại cho rằng nhà văn đã theo một cuốn cẩm nang dạy nấu nướng, một bộ những quy tắc nào đó mà họ muốn thấy nhà văn tiết lộ...
Nhưng cuốn tiểu thuyết bước đi về đâu? Đây là vấn đề thứ nhì mà tôi thấy là nền tảng cho một thi pháp tự sự. Khi những nhà phỏng vấn hỏi tôi, "Ông đã viết cuốn tiểu thuyết của ông như thế nào?" tôi thường trả lời cụt ngủn: "Từ trái sang phải." Nhưng trong bài viết này tôi có đủ chỗ cho một câu trả lời phức tạp hơn...
Một khi cái thế giới [của cuốn tiểu thuyết] đã được thiết kế, những câu chữ sẽ nẩy ra, và (nếu mọi sự đều tốt đẹp) chúng sẽ là những câu chữ mà cái thế giới ấy và tất cả những biến cố xảy ra trong đó đòi hỏi...

 

 

Một bài viết khác của Umberto Eco:
Văn phong của bản Tuyên Ngôn Đảng Cộng Sản  (tiểu luận / nhận định) 
... nó là một văn bản đáng kinh ngạc ở chỗ nó khéo léo luân chuyển giữa giọng văn khải huyền và châm biếm, giữa những khẩu hiệu hùng hồn và những lời giải thích rõ ràng, và ngay cả đến hôm nay (nếu xã hội tư bản thật sự muốn trả thù về những cuộc nổi loạn mà mấy trang viết này đã gây ra) nó nên được đọc như một văn bản thiêng liêng cho những đại lý quảng cáo... [Bản dịch của Hoàng Ngọc-Tuấn] (...)

Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021