thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
Đừng để cho...

 

Bản dịch của Hoàng Ngọc-Tuấn

 

JULIO CORTÁZAR

(1914-1984)

 

Julio Cortázar — tiểu thuyết gia, thi sĩ, phê bình gia, nhà viết truyện ngắn, và nhạc sĩ — sinh tại Brussels, nước Bỉ, năm 1914. Song thân là người Á-căn-đình. Sau Thế Chiến thứ Nhất, gia đình ông hồi hương, và ông lớn lên tại Á-căn-đình. Cortázar tốt nghiệp đại học sư phạm văn chương tại Buenos Aires vào năm 1935. Từ 1935 đến 1945, ông dạy học tại nhiều trường trung học khác nhau, và từ 1945 đến 1951, ông làm dịch giả cho một số nhà xuất bản. Trong thời gian đó, ông dịch trọn vẹn tác phẩm văn xuôi của Edgar Allan Poe, và nhiều tác phẩm của André Gide, Walter de la Mare, G.K. Chesterton, Daniel Defoe, và Jean Giono. Viện Đại Học Buenos Aires mời ông vào chức vụ Giáo Sư văn chương, nhưng ông từ chối vì chống lại chế độ độc tài Perón. Năm 1951, ông di cư sang Pháp và sống ở đó cho đến khi lìa đời vào năm 1984.
 
Năm 1981, tổng thống Mitterand trao tặng quốc tịch Pháp cho Julio Cortázar, và ông nhận vinh dự này, nhưng nhất quyết không từ bỏ quốc tịch Á-căn-đình. Song song với sự nghiệp văn chương, Cortázar còn là một nhà vận động chính trị. Ông viếng Cuba năm 1961 và Nicaragua năm 1983. Tiểu thuyết Libro de Manuel (1973) của ông đoạt giải văn học Prix Médicis năm 1974 và ông trao tặng tất cả tiền thưởng cho Mặt Trận Thống Nhất Chi-lê.
 
Trong hơn 30 năm sống ở Pháp, mỗi năm ông dành bốn tháng để làm việc như một dịch giả cho UNESCO (dịch từ tiếng Pháp và Anh sang tiếng Tây-ban-nha), và tám tháng còn lại để viết văn, làm thơ và chơi nhạc (ông còn là một nhạc sĩ jazz, chuyên chơi kèn trumpet!).
 
Julio Cortázar bắt đầu làm thơ và viết kịch bản từ những năm 1930, nhưng bắt đầu nổi tiếng vào năm 1951 với tập truyện ngắn Bestiario. Năm 1963, tiểu thuyết Rayuela đưa ông vào địa vị hàng đầu trong văn đàn quốc tế. Số lượng tác phẩm ông đã xuất bản hết sức đồ sộ, trong đó có những cuốn lẫy lừng như Final de juego (1956), Las armas secretas (1959), Los premios (1960), Historias de cronopios y famas (1962), Todos los fuegos el fuego (1966), La vuelta al día en ochenta mundos (1967), Último round (1968), 62/ Modelo para armar (1968), Libro de Manuel (1973), Octaedro (1974), Alguien que anda por ahí (1977), Un tal Lucas (1979), Queremos tanto a Glenda (1980), Deshoras (1982), vân vân.
 
Ông đoạt rất nhiều giải thưởng quan trọng, trong đó có "Prix Médicis" (như đã nêu trên) và "Orden de la Independencia Cultural Rubén Darío" (1984) — chính nhà thơ Ernesto Cardinal (1925~), khi ấy đang là Bộ trưởng Văn Hoá của Nicaragua, đã tận tay trao giải thưởng này cho Julio Cortázar.
 
Pablo Neruda — nhà thơ Chi-lê đoạt giải Nobel Văn Chương 1971 — có lần nói: "Người nào chưa từng đọc Cortázar, người ấy là kẻ mắc đoạ".

 

___________________

 

ĐỪNG ĐỂ CHO...

 

Hiển nhiên, họ sẽ cố mua đứt bất cứ nhà thơ hay nhà văn nào có những lý tưởng xã hội mà tác phẩm của y ảnh hưởng đến thời đại y đang sống; cũng không kém hiển nhiên, chỉ chính bản thân người viết mới có thể bảo đảm rằng điều này không xảy ra.

Nhưng điều khó khăn hơn và đau đớn hơn nữa là việc kháng cự lại cái áp lực từ các độc giả của bạn và từ những người chia sẻ quan điểm với bạn (hai nhóm này không phải lúc nào cũng giống nhau) — thứ áp lực khiến bạn phải nhượng bộ trước mọi sự lạm dụng tình cảm và chính trị và khiến bạn để cho thái độ lịch sự của bạn dẫn dắt chính bạn vào những hình thức "thoả hiệp" công khai nhất và ngoạn mục nhất. Sẽ đến một ngày họ không còn đòi hỏi nơi bạn những cuốn sách, mà đòi hỏi những bài thuyết giảng, những cuộc tranh luận, những cuộc hội nghị, những chữ ký, những thư ngỏ, những bài bút chiến, những giao ước chính trị.

Nỗ lực gian lao nhất của nhà thơ hay nhà văn là duy trì một vị thế quân bình tế nhị để y có thể tiếp tục sáng tạo những tác phẩm bay bổng trên đôi cánh mà không biến thành một thứ quái vật thiêng liêng, một thứ quái thai sáng giá được trưng bày trong cuộc rước lễ hàng ngày của lịch sử. Được như vậy, thì sự dung hoà của y mới có thể trở nên hữu ích trong lĩnh vực thích nghi, nơi tàn cây của y có thể mọc thêm những cành lá mới.

Một câu chua chát nhưng không nhất thiết là một câu dạy đời: Đừng để cho họ mua đứt sự nghiệp của bạn, bạn ơi, nhưng cũng đừng tự đem bán chính mình.

 

 

-----------------------
Dịch từ nguyên tác tiếng Tây-ban-nha: "No te dejes", trong Julio Cortázar, Último Round (México: Siglo XXI Editores, 1969). [Tái bản khổ bỏ túi thành hai tập (Madrid: Siglo XXI Editores, 1972). Bài này nằm trong tập II].

 

 

Những tác phẩm khác của Julio Cortázar qua bản dịch của Hoàng Ngọc-Tuấn:

 
... nếu tôi yêu thích một nàng nào đó, thì nàng vừa bước vào trường thị giác của tôi là tôi đã có thể trừu tượng hoá cho áo quần của nàng biến mất, và trong khi nàng nói với tôi về buổi sáng sao mà lạnh quá chừng, thì tôi đang có những giây phút thích thú chiêm ngưỡng cái rốn nhỏ nhắn của nàng... (...)
 
Những hạt nước vỡ  (truyện / tuỳ bút) 
Nhìn kìa, tôi không biết trời mưa sao mà ghê gớm thế. Mưa mãi không dứt, dày đặc và xám xít ngoài kia, tạt vào bao lơn này những hạt to tướng, chắc nịch, kêu dòn tan và vỡ lốp đốp như những cái tát... (...)
 
VIETATO INTRODURRE BICICLETTE  (truyện / tuỳ bút) 
Trong những ngân hàng và những thương xá của thế giới này, không ai càu nhàu nếu có người nào đó bước vào, nách kẹp một cái bắp cải, hay một con chim tucán với chiếc mỏ to kềnh và bộ lông sặc sỡ, hay miệng tuôn ra những bài ca mẹ dạy hồi còn bé nghe nhừa nhựa như một sợi gai dầu, hay ôm một con hắc tinh tinh mặc áo T-shirt. Nhưng ngay khi có ai bước vào với một chiếc xe đạp, thì... (...)
 
Những việc làm tuyệt diệu  (truyện / tuỳ bút) 
... Thật là một việc làm tuyệt diệu — bước vào một quán cà-phê và xin người ta cho thêm đường, rồi lại thêm đường, ba hay bốn lần thêm đường, rồi chăm chỉ xây một hòn núi đường ngay giữa bàn... (...)
 
Hãy suy nghĩ về điều này: Khi người ta tặng bạn một chiếc đồng hồ đeo tay, họ đang tặng bạn một cái địa ngục nhỏ bé đang trổ bông... | Tử thần đang đứng thấp thoáng phía sau, nhưng đừng sợ. Hãy cầm chiếc đồng hồ trong một bàn tay, rồi dùng hai ngón tay nắm lấy chốt lên dây thiều, và vặn nó một cách nhẹ nhàng... (...)
 
Trước hết hãy đập vỡ tất cả những tấm gương soi trong nhà, buông hai cánh tay xuôi thõng xuống bên hông, nhìn đăm đăm vào bức tường với đôi mắt trống rỗng... | Để khóc, hãy lái trí tưởng tượng về chính mình, và nếu điều này không khả thi vì đã lỡ mắc phải thói quen tin tưởng vào ngoại giới, thì... (...)
 
Cụt đầu  (truyện / tuỳ bút) 
Họ đã cắt đứt lìa cái đầu của người đàn ông này, nhưng vì lúc ấy có cuộc đình công của phu đào huyệt và họ không thể chôn y được, nên y phải tiếp tục sống không có đầu và cố gắng vận dụng hết khả năng mình... (...)
 
Những đường chỉ tay  (truyện / tuỳ bút) 
Từ một bức thư ném lên mặt bàn, một đường kẻ xuất hiện, chạy ngang tấm ván gỗ thông và leo xuống đất theo một trong những chân bàn. Hãy nhìn, bạn thấy đường kẻ tiếp tục chạy ngang qua sàn gỗ, trèo lên tường và tiến vào một bản in bức tranh sơn dầu của Boucher... (...)
 
Người tù  (truyện / tuỳ bút) 
... Giống như những côn trùng, những con chữ loanh quanh lui tới, càng lúc lại càng xanh xao và kiệt sức hơn. Trước hết, những liên từ sẽ chết... (...)
 
Câu chuyện không dạy đời  (truyện / tuỳ bút) 
"Tôi đến đây để bán cho ngài những lời trăn trối cuối cùng của ngài," người đàn ông nói với nhà độc tài. "Những lời trăn trối rất quan trọng, nhưng trong giây phút cuối cùng chúng sẽ không bao giờ tự nhiên bật ra đúng như ý ngài muốn, trái lại, ngài mua những lời này và ngài sẽ thốt chúng ra một cách thích nghi vào khoảnh khắc nghiêm trọng ấy để sau này hậu thế sẽ dễ dàng nhìn thấy ngài mang một định mệnh lịch sử" ... (...)
 
Những thảo viên nối liền  (truyện / tuỳ bút) 
... Ông nếm cái khoái lạc có vẻ khá kỳ quặc là vừa đọc từng hàng chữ vừa tự tách mình ra khỏi những sự vật chung quanh, và cùng lúc vẫn cảm thấy đầu mình đang tựa êm ả lên lớp nhung xanh lục của chiếc ghế... (...)
 
Về truyện ngắn và cực ngắn  (tiểu luận / nhận định) 
[...] tiểu thuyết thắng nhờ đánh kéo dài để lấy điểm kỹ thuật, còn truyện ngắn thì phải thắng nhờ cú đo ván... điều đáng kinh ngạc về những truyện chạy đua với đồng hồ là chúng tạo ra được một cú sét đánh từ một nhúm chất liệu tối thiểu. (...)
 
Mùa của bàn tay  (truyện / tuỳ bút) 
Lúc xế chiều tôi hẳn sẽ mở cánh cửa sổ thông ra khu vườn, chỉ hé một chút, và bàn tay ấy hẳn sẽ dịu dàng leo xuống góc bàn viết, lòng tay hiếm khi chạm vào đó, những ngón tay duỗi mềm và có vẻ như bối rối, cho đến khi nàng đến nghỉ ngơi trên chiếc dương cầm, giữa cái khung ảnh, hay đôi khi trên tấm thảm màu rượu chát. (...)

 


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021