thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
Hãy đỡ một chiêu của Tàn Tuyết
Lưu Hồng Sơn dịch từ nguyên tác Trung văn

 

Tôi là người rất thích tác phẩm của Tàn Tuyết, tác phẩm của cô luôn luôn gợi cho người đọc một không gian tưởng tượng rộng lớn, dù lịch sử hay hiện thực, dù truyền thống hay hiện đại, đều có thể tìm thấy những dấu vết trong tác phẩm của cô, nhưng cô không để cho người khác thấy dấu vết của sự gọt giũa.

Có thể nói tác phẩm của Tàn Tuyết là một “đại kỳ tích” của Trung Quốc. Điều này được biểu hiện chủ yếu ở một số phương diện sau:

1. Về ngôn ngữ:

Ngôn ngữ mà cô dùng thường rất rõ ràng, sáng sủa, tối giản các bổ ngữ, những người đã học hết cấp một đều có thể đọc được, ngay cả một từ lạ hay một tính từ gọi là khó hiểu cũng không có. Tuy dùng ngôn ngữ như vậy, song, kết cấu ý tưởng trong tác của cô lại rất kỳ dị, biến hoá lạ lùng, thần bí, hoang đường và những bức tranh hiện ra lại rất rõ ràng, tươi sáng, lập thể, khiến người ta phải kinh hồn. Phong cách đặc biệt như vậy, trên văn đàn Trung Quốc hiện nay, e rằng chỉ có mình Tàn Tuyết mà thôi.

2. Về văn thể:

Đa số tiểu thuyết của cô có kết cấu hình chiếc quạt. Thường bắt đầu bằng một điểm, sau đó dần dần mở rộng, dần dần lắt léo, và chính từ đó phương thức tự thuật đã tạo nên sự độc đáo của cô. Tác phẩm của Tàn Tuyết so với tiểu thuyết của Borges có một số điểm khác biệt, tác phẩm của Borges không có đầu không có đuôi, mở ra tứ phía. Còn tác phẩm Tàn Tuyết có đầu mà không đuôi, nó tựa như sự suy nghĩ của con người, như quá trình tâm lý của con người, bắt đầu từ một điểm, sau đó lan toả ra đến vô cùng.

3. Về nội dung:

Có vẻ như không một tác phẩm nào của Tàn Tuyết miêu tả hiện thực, nhưng nếu đọc kỹ bạn sẽ cảm thấy rằng cái mà cô miêu tả chính là hiện thực. Dù đó là “Hoàng nê nhai” ở thời kỳ đầu, hay “Khuyển thúc” trong tạp chí Đại gia gần đây nhất. Mới đọc qua cứ ngỡ những chuyện cô miêu tả là những chuyện không có ở thế gian này. Nhưng đọc nghĩ kĩ lại thì các thành phố hiện nay của chúng ta có con đường nào mà quá khứ của nó không từng là bùn lầy? Nông thôn của chúng ta bây giờ ở đâu mà chẳng có những đổi thay kỳ lạ như vậy? Có ngày nào mà dân tộc chúng ta không bị ác mộng của lịch sử đè nén?

4. Về tư tưởng:

Tác phẩm của Tàn Tuyết đạt đến cao độ mà tiểu thuyết Trung Quốc trước đây chưa từng thấy. Nếu nói, A.Q chính truyện của Lỗ Tấn miêu tả liệt căn tính (tính xấu) của người Trung Quốc dưới góc độ xã hội học, thì tác phẩm của Tàn Tuyết chính là là sự giải phẫu chính xác và sắc bén văn hoá Trung Quốc ở góc độ văn hoá học. Cô đem tất cả những sự xấu xa nhất, bảo thủ nhất trong tận cùng của tư tưởng dân tộc Trung Quốc mà phơi ra.

 

Có thể nói, tác phẩm của Tàn Tuyết đã vượt qua biên giới quốc gia. Tôi cho rằng, tác phẩm của Tàn Tuyết cùng với Borges và Kafka đã tạo thành thế chân vạc.

Thế nhưng, đối với một tiểu thuyết gia ưu tú như vậy của Trung Quốc, với những tác phẩm ưu tú như vậy, mà giới phê bình Trung Quốc lại không hề có biểu hiện nhiệt tình sốt sắng gì, họ chỉ im lặng. Điều này khiến người ta thật không thể hiểu nổi, theo tôi, giới bình luận Trung Quốc có những biểu hiện như vậy là do những nguyên nhân sau đây:

1) Một số độc giả chức nghiệp trong giới bình luận Trung Quốc không hiểu nổi tác phẩm của Tàn Tuyết. Điều đó đã đành, nhưng ngay cả những nhà bình luận chuyên môn mà cũng vậy thì thật quá đáng.

2) Có thể các nhà bình luận Trung Quốc không tìm ra được một cái lý luận nào đã có để giới định tác phẩm của Tàn Tuyết, kể cả các văn luận của Trung Quốc hay các loại chủ nghĩa của Phương Tây, tất cả những thứ ấy cũng e rằng không thể trực tiếp đem mà chụp lên đầu Tàn Tuyết được. Mà giới bình luận Trung Quốc lại không muốn tự mình tìm ra một loại công thức mới để giới định tác phẩm của Tàn Tuyết.

Tóm lại, đối diện với Tàn Tuyết, đối diện với tác phẩm của Tàn Tuyết, giới bình luận Trung Quốc biểu hiện bằng cách hoàn toàn im lặng.

Có thể dùng một câu trong tiểu thuyết võ hiệp mà nói rằng: Đối diện với Nhiếp hồn ma thương của Tàn Tuyết, không có một vị đại hiệp bình luận nào dám tiếp chiêu. Đây thực là điều đáng buồn cho văn đàn Trung Quốc.

 

Lưu Hồng Sơn dịch 9/2005.
Nhan đề "Hãy đỡ một chiêu của Tàn Tuyết" là của người dịch.

 

-----------

Các tác phẩm của Tàn Tuyết đã được giới thiệu trên Tiền Vệ:

Tựa “TÀN TUYẾT TỰ TUYỂN TẬP”  (tiểu luận / nhận định) 
... Có lẽ, cái loại “thuần văn học” mà tôi theo đuổi chính là thứ làm cho con người không ngừng đổi thay, không ngừng phủ định những quy định của bản thân. Ví dụ, ngay cả trong nhận thức của bản thân tôi, dù đọc hay viết, đều là sự sáng tạo, loại văn học này không tuân theo những qui luật đã có, bạn chỉ có thể huy động năng lượng bên trong của bạn và quy luật được hình thành hoặc “phát hiện” từ trong quá trình ra sức “làm việc” thuộc về bạn... [Bản dịch của Lưu Hồng Sơn] (...)
Sương mù  (truyện ngắn)
Từ khi sương mù rơi đến bây giờ, mọi thứ chung quanh đều mọc ra bao nhiêu là lông lá lượt thượt và chúng không ngừng nhảy múa. Muốn nhìn một cái gì đó cho rõ, tôi phải căng mắt cả ngày... [Bản dịch của Lưu Hồng Sơn] (...)
Đào nguyên ngoài cõi thế  (truyện ngắn)
Câu chuyện Đào nguyên trong truyền thuyết xa xưa lưu truyền khắp làng. Nhưng trong làng, ai cũng mù mờ, thậm chí là mù tịt về nó. Trong chuyện này, chỉ có ông Tư Tề là người có uy tín nhất. Ông Tư Tề giờ đã hơn 90 tuổi, thân thể già nua co rút lại chỉ còn chừng hơn mét, nhưng ông lại để bộ râu dài cả thước và trắng như tuyết... [Bản dịch của Lưu Hồng Sơn] (...)
Đảo Rắn  (truyện ngắn) 
Có thể nói, chú Ba là người thân duy nhất của tôi trên thế giới này. Mỗi khi nhớ đến cái xóm nhỏ ở nơi làng xưa quê cũ âm ám xa xôi ấy thì tôi không khỏi ớn lạnh xương sống. Cái làng nhỏ được gọi là “Đảo Rắn” ấy nằm trên một dải gò đồi... [Bản dịch của Lưu Hồng Sơn] (...)

 


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021