thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
Vu vơ về việc viết văn (25): Ði và thấy

 

Lời tác giả:
 
1. Chữ “việc viết văn” ở đây mang nghĩa khá rộng, tương tự khái niệm “écriture” trong tiếng Pháp và “writing” trong tiếng Anh, chỉ kết quả của động thái viết như một hành vi sử dụng ngôn ngữ nói chung, chứ không hẳn chỉ giới hạn trong phạm vi văn xuôi. Nói cách khác, với tựa đề này, tôi có thể viết linh tinh về đủ mọi thứ, từ thơ đến văn, từ sáng tác đến phê bình và lý thuyết.
 
2. Một số ý trong loạt bài này được lấy lại từ những trang sách cũ tôi đã viết và đã xuất bản. “Lấy” chứ không phải “trích”. Khi “lấy” lại như thế, tôi có thể thêm bớt, sửa chữa, nên có khi chúng khác rất xa hình dạng ban đầu. Chính vì thế, tôi cảm thấy không cần phải ghi xuất xứ. Dù sao thì cũng là của mình mà.
 
3. Tôi biết là không nên nhưng tôi không thể cầm lòng để không thú nhận điều này: tôi rất thích cái tựa chung của loạt bài này. Sáu phụ âm “v” đi liền với nhau khiến đọc lên, nghe cứ nhẹ thênh thênh.
 
Quốc

 

___________________

 

ĐI VÀ THẤY

 

Trước đây, trong suốt lịch sử dài dằng dặc của mình, có khá nhiều trí thức Việt Nam có dịp được đi ra nước ngoài, chủ yếu là đi sứ sang Trung Quốc. Trong số đó, có không ít những trí thức lỗi lạc, hơn nữa, những tài năng văn học lỗi lạc, như Lê Quý Ðôn hay Nguyễn Du, chẳng hạn. Kết quả, họ có thu nhận được điều gì mới? Hình như không. Hầu hết họ chỉ thấy những điều họ đã biết. Về phương diện trí thức, các cuộc hành trình ấy đường như chỉ củng cố những gì đã có hơn là mở ra những chân trời chưa từng được biết đến. Sau các chuyến đi, không có ai tạo được một sự bất ngờ nào trong nhận thức cũng như trong sáng tác.

Nhưng những chuyến đi ra ngoài Trung Quốc thì lại khác.

Tôi không nói đến các chuyến đi sang Pháp hay Mỹ xa xôi và xa lạ từng để lại trong những Nguyễn Trường Tộ (1828-1871),[1] Phạm Phú Thứ (1820-1883), Phan Thanh Giản (1796-1867),[2] Bùi Viện (1839-1878)... những cảm giác sững sờ, làm đảo lộn hẳn bảng giá trị truyền thống mà họ hằng tin tưởng và cũng làm thay đổi hẳn cách nhìn của họ về lịch sử, về văn hoá và về xã hội, từ đó, một số người trong họ trở thành những nhà duy tân được xem là táo bạo và có nhiều viễn kiến nhất trong thời đại của họ.

Tôi chỉ nói đến một trường hợp nhỏ hơn: chuyến đi của Cao Bá Quát đến Tân Gia Ba (Singapore) vào năm 1844.[3] Chuyến đi khá ngắn, chỉ có mấy tháng, đã để lại trong lòng Cao Bá Quát những ấn tượng cực kỳ sâu đậm, trong đó, đáng kể nhất là ấn tượng về độ rộng lớn của thế giới cũng như mức tiến bộ của nhân loại, từ đó, Cao Bá Quát nhận ra vị trí và diện mạo thực sự của văn hoá và rộng hơn, của dân tộc mình. Trong bài “Đề sát viện Bùi công ‘Yên Đài anh ngữ’ khúc hậu” do ông sáng tác sau chuyến đi, có mấy câu, đến nay đọc lại vẫn còn thấy thấm thía:

Nhai văn nhả chữ buồn ta,
Con giun còn biết đâu là cao sâu.
Tân Gia từ vượt con tầu,
Mới hay vũ trụ một bầu bao la.
Giật mình khi ở xó nhà...
(Trúc Khê dịch)

Lâu nay, hình như chúng ta chưa đánh giá đúng mức tầm vóc cái “giật mình” thiên tài ấy của Cao Bá Quát. Và hình như cũng không có mấy ai học được bài học của Cao Bá Quát. Cho nên, chúng ta đi, đi đến vô số quốc gia, từ châu Á đến châu Âu, châu Mỹ, châu Úc, châu Phi, đến tận chân trời góc biển, vậy mà…

Vậy mà …

 

_________________________

[1]Tài liệu về Nguyễn Trường Tộ có thể xem trên trang mạng: http://www.giaodiem.com/mluc/index-nguyentto.htm

[2]Trong một bài thơ, Phan Thanh Giản viết: “Từ ngày đi sứ đến Tây kinh / Thấy việc Âu châu luống giật mình / Kêu gọi đồng bào mau tỉnh giấc / Hết lòng năn nỉ, chẳng ai tin.”

[3]Về chuyến đi này, có thể xem bài “Thử tìm hiểu thêm về chuyến đi công vụ ở Hạ Châu của Cao Bá Quát” của Vĩnh Sính trên trang mạng: http://zdfree.free.fr/diendan/articles/u137vsinh.html

----------

Đã đăng:

Vu vơ về việc viết văn (1): Xa lộ là tử lộ

Vu vơ về việc viết văn (2): Đổi mới

Vu vơ về việc viết văn (3): Lý thuyết và cẩm nang

Vu vơ về việc viết văn (4): Lý-thuyết-phi-lý-luận

Vu vơ về việc viết văn (5): Lý-luận-phi-lịch-sử

Vu vơ về việc viết văn (6): Lý thuyết và phê bình

Vu vơ về việc viết văn (7): Lý thuyết và khủng hoảng

Vu vơ về việc viết văn (8): Tinh thần phê phán

Vu vơ về việc viết văn (9): Tính hệ thống

Vu vơ về việc viết văn (10): Cái đẹp của lý thuyết

Vu vơ về việc viết văn (11): Viết văn như đánh võ

Vu vơ về việc viết văn (12): Mùi văn

Vu vơ về việc viết văn (13): Tác phẩm như ngân hàng

Vu vơ về việc viết văn (14): Văn bản

Vu vơ về việc viết văn (15): Liên văn bản

Vu vơ về việc viết văn (16): Lập dị và thời thượng

Vu vơ về việc viết văn (17): Tài năng lớn như những kẻ phá hoại lớn

Vu vơ về việc viết văn (18): Bùi Giáng và ngôn ngữ thơ

Vu vơ về việc viết văn (19): Phê bình — dân chủ và quyền lực

Vu vơ về việc viết văn (20): Các hình thức chính của phê bình

Vu vơ về việc viết văn (21): Trách nhiệm của nhà phê bình

Vu vơ về việc viết văn (22): Thách đố

Vu vơ về việc viết văn (23): Bất an là lành mạnh

Vu vơ về việc viết văn (24): Sở thích

 


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021