thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
Vu vơ về việc viết văn (18): Bùi Giáng và ngôn ngữ thơ

 

Lời tác giả:
 
1. Chữ “việc viết văn” ở đây mang nghĩa khá rộng, tương tự khái niệm “écriture” trong tiếng Pháp và “writing” trong tiếng Anh, chỉ kết quả của động thái viết như một hành vi sử dụng ngôn ngữ nói chung, chứ không hẳn chỉ giới hạn trong phạm vi văn xuôi. Nói cách khác, với tựa đề này, tôi có thể viết linh tinh về đủ mọi thứ, từ thơ đến văn, từ sáng tác đến phê bình và lý thuyết.
 
2. Một số ý trong loạt bài này được lấy lại từ những trang sách cũ tôi đã viết và đã xuất bản. “Lấy” chứ không phải “trích”. Khi “lấy” lại như thế, tôi có thể thêm bớt, sửa chữa, nên có khi chúng khác rất xa hình dạng ban đầu. Chính vì thế, tôi cảm thấy không cần phải ghi xuất xứ. Dù sao thì cũng là của mình mà.
 
3. Tôi biết là không nên nhưng tôi không thể cầm lòng để không thú nhận điều này: tôi rất thích cái tựa chung của loạt bài này. Sáu phụ âm “v” đi liền với nhau khiến đọc lên, nghe cứ nhẹ thênh thênh.
 
Quốc

 

___________________

 

BÙI GIÁNG VÀ NGÔN NGỮ THƠ

 

Đoạn thơ dưới đây, theo tôi, là một trong những đoạn thơ tiêu biểu nhất của Bùi Giáng. Đoạn thơ này được Bùi Giáng hoàn tất trước nằm 1975:

Một hôm gầu guốc gầm ghì
Hai hôm gần gũi cũng vì ba hôm
Bôm ha? đạn hả? bao gồm
Bồm gao gạo đỏ bỏ gồm gạo đen
("Ngẫu hứng")

Dạo ấy có lẽ Bùi Giáng chưa đọc Jacques Derrida, triết gia hàng đầu trong trào lưu hậu cấu trúc luận (post-structuralism) và giải cấu trúc (desconstruction), người bắt đầu nổi tiếng tại châu Âu và Mỹ trong khoảng thời gian từ 1967 đến 1972, nhưng mãi đến năm 1975, tôi chưa thấy có dấu hiệu gì chứng tỏ là được biết đến nhiều tại Việt Nam. Trong lý thuyết của Derrida, có một luận điểm quan trọng: nếu ngôn ngữ, nói theo Ferdinand de Saussure là một hệ thống bao gồm một chuỗi những sự khác biệt về âm kết hợp với một chuỗi những sự khác biệt về khái niệm thì, theo Derrida, mối quan hệ giữa âm và khái niệm, hay nói theo thuật ngữ ngôn ngữ học, giữa cái biểu đạt (signifier) và cái được biểu đạt (signified) không phải là một thứ quan hệ ổn định. Derrida đặt ra từ différance để chỉ bản chất bất định của các ký hiệu ngôn ngữ: động từ "différer" trong tiếng Pháp vừa có nghĩa là hoãn vừa có nghĩa là khác. "Khác" là một ý niệm về không gian: ký hiệu này được phân biệt với các ký hiệu khác. "Hoãn", ngược lại, là một ý niệm về thời gian: một cái biểu đạt ám chỉ một cái được biểu đạt nhưng đến lượt nó, cái được biểu đạt đó lại trở thành cái biểu đạt để ám chỉ một cái được biểu đạt khác, rồi đến lượt nó nữa, cái được biểu đạt ấy lại trở thành cái biểu đạt. Các mối quan hệ, cứ thế, lan rộng ra mãi. Điều đó một mặt làm cho mỗi từ không những chỉ có quan hệ với các từ khác trong văn cảnh của nó mà còn có những quan hệ vô tận với những từ khác ở ngoài văn cảnh, và mặt khác, quan trọng hơn, làm cho cái gọi là ý nghĩa cứ triển hạn mãi mãi.

Bài thơ ở trên của Bùi Giáng là một đoạn trong chuỗi liên hệ vô tận trong ngôn ngữ: chữ "gầu guốc" làm ông liên tưởng đến chữ "gầm ghì" và "gần gũi", tất cả đều bắt đầu bằng phụ âm [g]; chữ "một hôm" làm ông liên tưởng đến "hai hôm" rồi "ba hôm"; chữ "ba hôm" làm ông liên tưởng đến cách nói lái "bôm ha"; trong "bôm ha", từ tố "bôm" khiến ông liên tưởng đến "đạn"; từ âm tố "gao", ông liên tưởng đến "gạo"; từ "gạo đỏ", ông liên tưởng đến một điều không hề có: "gạo đen", v.v... Thành ra, chữ "một hôm" mở đầu đoạn thơ trên không phải chỉ là ý niệm về một đơn vị thời gian mà còn bao hàm ý niệm về sự tranh chấp ("gầu guốc gầm ghì"), về súng đạn (và từ đó, chết chóc), là cơm gạo (và phía sau của nó, sự cùng cực, khốn quẫn), cuối cùng, là may rủi trong sự thành, bại và cả trong sự sống, chết. Xin mở một dấu ngoặc: bài thơ này được Bùi Giáng sáng tác trong giai đoạn chiến tranh Việt Nam đang hồi khốc liệt. Thời ấy, với rất nhiều người, thời gian được đo lường bằng khả năng chịu đựng những đe doạ từ chiến tranh và từ sinh kế, tuỳ thuộc vào những sự đỏ đen của số mệnh.

Tuy nhiên, nếu ngôn ngữ chỉ là một chuỗi những liên hệ bất tận như vậy thì, như các nhà hậu cấu trúc luận sau này đã chỉ rõ, ngôn ngữ không còn khả năng quy chiếu về hiện thực và do đó, cũng không còn khả năng phát hiện chân lý được nữa. Bùi Giáng hoàn toàn hiểu điều đó. Trong bài "Phố phường cỏ mọc" in trong tập Mùa thu trong thi ca, ông mỉa mai: "người ta tưởng chừng như tin rằng ngôn ngữ có thể nói ra được sự thật." Ai tưởng thì cứ tưởng, riêng ông, ông rất bi quan:

Tôi gọi Mỹ Tho là Mỹ Thỏ
Mỹ Thọ muôn đời là Lục Tỉnh hôm nay
Tôi gọi Sóc Trăng là Sóc Trắng
Gọi người sương phụ gái thơ ngây.
("Lẫn lộn lung tung")

Nên lưu ý là những cách đổi tên gọi như vậy xuất hiện không phải một lần trong thơ Bùi Giáng. Trong bài "Trường giang lục tỉnh", ông lại viết:

Tôi gọi Cần Thơ là Cần Thở
Cần Thở muôn đời là Gió Việt đêm nay
...
Tôi gọi Bình Dương là Bình Dưỡng
Dượng dì ơi thương nhớ cháu nhiều không...

Hoài nghi khả năng "tái hiện hiện thực" của ngôn ngữ, có khi Bùi Giáng bỏ cuộc chơi trong lãnh vực ngữ nghĩa để đuổi bắt một trò chơi ở lãnh vực ngữ âm, với nhịp điệu trầm bổng của các thanh, các âm. Đó là những lúc Bùi Giáng làm những câu thơ toàn bằng chữ Hán hoặc những câu thơ hoàn toàn vô nghĩa, trong đó, chỉ có những tiếng động lanh canh lách cách của các âm, các vần, các thanh điệu va chạm vào nhau mà thôi.

 

----------

Đã đăng:

Vu vơ về việc viết văn (1): Xa lộ là tử lộ

Vu vơ về việc viết văn (2): Đổi mới

Vu vơ về việc viết văn (3): Lý thuyết và cẩm nang

Vu vơ về việc viết văn (4): Lý-thuyết-phi-lý-luận

Vu vơ về việc viết văn (5): Lý-luận-phi-lịch-sử

Vu vơ về việc viết văn (6): Lý thuyết và phê bình

Vu vơ về việc viết văn (7): Lý thuyết và khủng hoảng

Vu vơ về việc viết văn (8): Tinh thần phê phán

Vu vơ về việc viết văn (9): Tính hệ thống

Vu vơ về việc viết văn (10): Cái đẹp của lý thuyết

Vu vơ về việc viết văn (11): Viết văn như đánh võ

Vu vơ về việc viết văn (12): Mùi văn

Vu vơ về việc viết văn (13): Tác phẩm như ngân hàng

Vu vơ về việc viết văn (14): Văn bản

Vu vơ về việc viết văn (15): Liên văn bản

Vu vơ về việc viết văn (16): Lập dị và thời thượng

Vu vơ về việc viết văn (17): Tài năng lớn như những kẻ phá hoại lớn


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021