thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
Gertrude Stein: Một kẻ ngu xuẩn trong văn chương
Bản dịch của Hoàng Ngọc-Tuấn

 

Lời người dịch:
Trước đây tôi đã giới thiệu đến bạn đọc một bài viết của Pence James, "Người ta gọi nó là tiếng ồn — nhưng anh ấy gọi nó là âm nhạc", trong đó, ông đưa ra những suy nghĩ đáng buồn cười về âm nhạc của John Cage. Hôm nay, tôi lại xin giới thiệu đến bạn đọc một bài viết của một "nhà phê bình mù"[1] khác: Michael Gold. Nếu Pence James đã dựa trên những xung động cảm tính cá nhân của ông — cái cảm giác khó chịu tự nhiên khi chứng kiến một hành động nghệ thuật quá mới lạ — để phê bình âm nhạc John Cage, thì Michael Gold lại sử dụng nhãn quan chính trị Mác-xít — một nhãn quan hoàn toàn phi mỹ học — để phê bình văn chương Gertrude Stein.
 
Michael Gold sinh năm 1894 tại New York City. Song thân của ông là người Do Thái di dân, và tên thật của ông là Itzok Isaac Granich. Ông theo đuổi quan điểm chính trị tả phái và viết cho những tạp chí có đường lối xã hội chủ nghĩa như những tờ Masses (Quần chúng lao động) và Call (Tiếng gọi). Ông cực lực chống lại việc Hoa-kỳ tham dự vào Thế Chiến Thứ Nhất. Khi Hoa-kỳ tham chiến vào năm 1917, Gold chạy sang Mexico để trốn lính. Năm 1920, hai năm sau khi cuộc chiến đã kết thúc, ông trở về New York City và trở thành phụ tá chủ bút cho tờ The Liberator (Người giải phóng). Năm 1926, ông cùng với bạn thân là John Sloan sáng lập và làm chủ bút tạp chí New Masses. Đó một tạp chí truyền bá ý thức hệ Cộng Sản, xuất bản tại Hoa-kỳ và đình bản vào năm 1948. Michael Gold có viết 3 cuốn sách: 120 Million (120 triệu, 1929), Jews Without Money (Người Do Thái không tiền, 1930), và Change the World (Hãy thay đổi thế giới, 1937). Michael Gold qua đời năm 1967.
 
Bài viết mạnh mẽ và ngô nghê sau đây của Michael Gold, "Gertrude Stein: A Literary Idiot", được in lần đầu trên tạp chí New Masses.

 

____________________________

 

GERTRUDE STEIN: MỘT KẺ NGU XUẨN TRONG VĂN CHƯƠNG

 

Gertrude Stein vừa trở về Mỹ sau nhiều năm vắng mặt. Ở Paris, nơi bà đã sống như một nữ giáo sĩ khả ố của một thứ giáo phái văn chương lạ lùng, Gertrude Stein đã gầy dựng một phòng khách có những tên tuổi ngoại hạng của nghệ thuật hiện đại lui tới thường xuyên, và bà đã đạt được danh tiếng của một quái nhân văn chương. Người ta hoặc há hốc trước những trang viết đã xuất bản của bà, hoặc cười rộ trước những câu văn không ai hiểu nổi -- chẳng hạn, "một hoa hồng là một hoa hồng là một hoa hồng."

Bà được ngưỡng mộ bởi những kẻ tin bà là một nhà cách mạng vĩ đại nhất trong lịch sử văn chương đương đại, và bởi những kẻ xem bà như là kẻ gây ra một trò lường gạt khổng lồ trong văn chương.

Trong thực tế, không có ý kiến nào trong hai ý kiến ấy là hoàn toàn đúng. Cuộc "cách mạng" của bà giống như một cuộc nổi loạn phá phách văn chương, và nếu văn chương của bà là "một trò lường gạt" thì bà lại thành thật tin vào nó.

Về bản chất, tác phẩm của Gertrude Stein là một ví dụ của chủ nghĩa chủ quan cực đoan nhất của người nghệ sĩ tư sản hôm nay, và là một phản ảnh của tình trạng hỗn loạn ý thức hệ mà toàn bộ nền văn chương tư sản đã rơi vào đó.

Gertrude đã muốn làm cái gì với văn chương vậy? Khi ta đọc tác phẩm của bà, ta thấy nó giống như những lời lảm nhảm đơn điệu của những kẻ mắc bệnh tâm thần trong những buồng nhốt riêng ở những nhà thương điên. Nó có vẻ như là một sự phi lý có chủ tâm, một thái độ ngây ngô cố ý. Tuy vậy, người đàn bà này lại không điên, mà sở hữu một trí óc mạnh mẽ, sáng láng, khôn khéo. Bà đã là một sinh viên y khoa xuất sắc, một tâm lý gia sáng giá, và trong những văn bản "phổ thông" hơn của bà, ta thấy bằng chứng của sự nhanh trí và chút đỉnh thông thái.

Thế nhưng những tác phẩm của bà lại giống như thứ văn chương của những kẻ tập viết trong những căn phòng có tường mềm dùng để nhốt người điên ở Matteawan.

Ví dụ: "Tôi thấy mặt trăng và mặt trăng thấy tôi. Cầu Chúa ban phước lành cho mặt trăng và cầu Chúa ban phước lành cho tôi và điều này bạn thấy thì nhớ tôi. Theo cách này thì một phần năm của số chuối đã được mua."

Đoạn văn trên mô tả cảm tưởng của Gertrude Stein khi bà gặp Matisse, hoạ sĩ hiện đại của Pháp. Đoạn văn chẳng tạo nên ý nghĩa gì cả. Nhưng nó lại chính xác là cái mà bà muốn làm -- tức là làm cái không "tạo nên ý nghĩa", theo cách hiểu thông thường của nhóm chữ này.

Cái thế hệ nghệ sĩ (mà trong đó Gertrude Stein là một nhân vật bất thường nhất) đã hăng say nhắm đến việc tạo ra những thứ không "tạo nên ý nghĩa" trong văn chương. Họ tin rằng những linh cảm của con người thì cao hơn những lý lẽ của trí óc sáng suốt. Họ tin vào bản năng như một hình thức cao hơn cho sự lĩnh hội và tri kiến. Do đó, nhiều người trong bọn họ đã chỉ viết về những gì họ thấy trong mộng, một thứ văn chương chiêm bao. Những người khác lại thực hành một kiểu "viết tự động" bằng cách ngồi hết giờ này đến giờ khác để trút lên giấy những cơn ngứa vô thức ngẫu nhiên của linh hồn họ. Họ bỏ mặc cho chính họ rơi vào những điều phi lý huyễn ảo của tinh thần họ với mục đích sáng tạo những tác phẩm nghệ thuật có khả năng diễn tả cái linh hồn vĩnh cửu của con người, vân vân. Rủi thay, kết quả lại cho thấy linh hồn của họ ngô nghê hay đần độn đến mức đáng kinh ngạc.

Cơn điên văn chương của Gertrude Stein là một cơn điên cố ý, sinh ra từ một ý niệm sai lầm về bản chất của nghệ thuật và nhiệm vụ của ngôn ngữ.

Một giai cấp nhàn cư, sinh tồn trên sức lao động của những người khác, không có một trách vụ nào để thi hành trong xã hội ngoại trừ việc cắt những phiếu đầu tư, thì chỉ làm phát triển những thứ bệnh hoạn và điên khùng. Giai cấp này mãi mãi chịu đựng sự nhàm chán. Đối với họ, cuộc sống của họ quá thiu ôi cũ kỹ. Nó vô vị, ngu xuẩn, bởi nó chẳng có ý nghĩa cả. Họ không ngừng tìm kiếm những điều kích động mới, những cuộc phiêu lưu mới để ban cho chính mình những cảm giác.

Các nghệ sĩ của giai cấp nhàn cư cũng trải qua một kinh nghiệm giống y như vậy. Cả đến văn chương cũng làm họ cảm thấy nhàm chán. Họ cố gắng rút ra từ nó những điều ly kỳ mới mẻ, những cuộc phiêu lưu mới mẻ.

Họ phá huỷ cách dùng bình thường của ngôn ngữ. Những lối dùng chữ thông thường làm họ nhàm chán. Họ muốn sử dụng từ ngữ theo một cách mới lạ, gây cảm giác. Họ vặn vẹo văn phạm, cú pháp. Họ đào xới bản thân để tím những cảm xúc sơ khai, thứ nghệ thuật sơ khai. Máu, cái chết bạo động, những điều mộng mị trong cơn say thuốc, những trò quằn quại linh hồn, đã trở thành những đề tài cho tác phẩm của họ.

Ở Gertrude Stein, nghệ thuật biến thành một khoái cảm cá nhân, một trò tiêu khiển riêng tư, một thói xấu. Bà không màng đến việc thông tri với người khác, vì tự bản chất đã chẳng có gì để thông tri cả. Bà không có một trách nhiệm nào cả ngoại trừ cái trách nhiệm làm thoả mãn những cơn thèm khát quái đản của chính bà. Bà trở thành nữ giáo sĩ của một giáo phái với những nghi lễ văn chương lạ lùng, với những bí mật huyền hoặc.

Hiểu như thế, người ta có thể thấy rằng đối với Gertrude Stein và đối với những nghệ sĩ giống như bà, nghệ thuật tồn tại trong cái khoảng chân không mà một nguồn lợi tức cá nhân đã tạo ra. Để theo đuổi loại nghệ thuật này, để trở thành loại nghệ sĩ như Gertrude Stein, thì cần phải sống trong một loại xã hội cho phép người ta hưởng một nguồn lợi tức cá nhân do cha mẹ giàu tiền của cung cấp hoặc do những món đầu tư béo bở. Với nguồn lợi tức ấy làm căn bản, bạn có thể mặc tình viết theo ý thích của riêng mình. Bạn có thể tiêu diệt ngôn ngữ, chặt nát văn phạm, tru tréo, gào rú nhân danh kiến thức cao cấp. Sẽ chẳng có ai làm phiền bạn. Và có lẽ một lúc nào đó bạn có thể làm một số phê bình gia choáng ngợp hay khiếp đảm và bạn giành được một loại tiếng tăm nào đó.

Gertrude Stein đã giành được tiếng tăm. Sau khi vắng mặt ba mươi mốt năm, bà trở về Mỹ để thấy chính mình là một đối tượng của lòng sùng mộ lạ lùng từ những câu lạc bộ sách và những hội thuyết trình văn học, và trên cột tin trang nhất của các nhật báo.

Đối với tôi sự kiện này hầu như minh chứng rằng nếu có đủ tiền bạc và đủ lì lợm thì một thằng điên cũng có thể thuyết phục cả thế giới tin nó có đầu óc lành mạnh. Gertrude Stein có vẻ như đã thuyết phục cả nước Mỹ tin rằng bà là một thiên tài.

Thế nhưng, những người Mác-xít đã không để bản thân bị lung lạc bởi nhận định của bà về chính bà. Họ thấy trong tác phẩm của Gertrude Stein những triệu chứng cực độ của sự ung thối của nền văn hoá tư bản chủ nghĩa. Họ xem tác phẩm của bà như một nỗ lực toàn triệt nhằm phá huỷ tất cả những mối giao lưu giữa người nghệ sĩ và cái xã hội mà y sống.

Họ thấy trong tác phẩm của bà một thứ truỵ lạc và phóng đãng tiêu biểu cho lối sống của cả một giai cấp nhàn cư.

Tác phẩm của bà trông có khác gì những cuộc ăn nhậu vào lúc nửa đêm do một tay buôn chứng khoán bày ra để chơi bời trác táng với một nhóm vài người bạn thân? Liệu những triệu chứng suy đồi như thế có thể tồn tại ở đâu khác ngoài một xã hội bị chia thành những giai cấp? Lẽ nào không có một thứ "nghệ thuật vô công rỗi nghề" trong lúc lại có một thứ "phú gia vô công rỗi nghề"? Cả hai thứ này đều không làm gì cả ngoài việc chăm bón cho những khát vọng cuồng loạn của chính họ, cả hai đều dung dưỡng những kiểu nuông chiều bản thân quái gở.

Sự ngu xuẩn trong văn chương của Gertrude Stein chỉ phản ảnh sự điên rồ của toàn bộ hệ thống giá trị của chủ nghĩa tư bản. Nó là một trong những dấu hiệu của sự sụp đổ không thể tránh khỏi đang được viết khắp nơi trên những bức tường của xã hội tư sản.

 

Đã đăng trong loạt bài "NHỮNG NHÀ PHÊ BÌNH MÙ":

"Người ta gọi nó là tiếng ồn — nhưng anh ấy gọi nó là âm nhạc" — Pence James

_________________________

[1]"Những nhà phê bình mù" là nhan đề một tiểu luận của Nguyễn Hưng Quốc. Tôi xin mượn nhóm chữ này để gọi chung cho loạt bài viết của những nhà phê bình thiếu viễn kiến trong thế kỷ 20 mà tôi sẽ lần lượt giới thiệu trên Tiền Vệ. Hy vọng những bài viết ngô nghê này sẽ giúp cho những nhà phê bình mù của chúng ta hôm nay có dịp "đọc người mà nghĩ đến mình"!


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021