thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
Nói Chuyện Với Ðinh Linh

Hoà Khánh (HK): Từ trước đến nay, anh chỉ viết văn và làm thơ bằng tiếng Anh; trên Việt 8 này, lại có mấy bài thơ bằng tiếng Việt của anh. Ðộng cơ nào thúc đẩy anh làm thơ bằng tiếng Việt?

Ðinh Linh (ÐL): Thật sự thì tôi chưa viết được bằng tiếng Việt, mà chỉ tự dịch thơ của mình từ tiếng Anh sang tiếng Việt. Vì là tác giả, nên tôi có quyền sửa thơ mình khi dịch. (Ðó chính là những mẩu tôi “viết” bằng tiếng Việt.) Tôi đã có ý định dịch thơ mình từ lâu, nhưng chưa bao giờ dám làm. Cách đây không lâu, tôi gặp anh Nguyễn Hưng Quốc ở Sài Gòn và anh ấy có nói với tôi: “Anh thử viết bằng tiếng Việt xem sao. Vì chỉ như vậy, anh mới thật sự được hội nhập vào văn chương Việt Nam.” Thế là tôi tự dịch thơ mình. Khi dịch xong, tôi gửi cho anh Quốc và một vài người bạn qua email. Sau hai ngày, không thấy phản ứng gì, tôi nghĩ, Bố khỉ, chắc là hố to rồi! Chắc là bà con đang cười hô hố! Nhưng rồi Phan Huyền Thư email tôi, bảo là “rất thích” những bài thơ này, “nhưng em nghĩ anh hội nhập vào cái làng thơ VN này chỉ vì viết bằng tiếng Việt thì không phải là hoàn toàn đâu. Viết như vầy chưa chắc đã được coi là thơ, không khéo, lại nổ ra tranh luận.” Rồi anh Quốc email, nói là “được lắm.” Nguyễn Quốc Chánh cũng nói là “được lắm, cứ tiếp tục tự dịch đi.” Rồi Phạm Thị Hoài email cho tôi: “Anh tự dịch như thế là hay. Những bài “Cao Ðẳng Mỹ Thuật,” “Ðứa Con Gái Hư,” “Một Chiến Thắng...” tôi thấy hay lắm. Có vài chỗ tiếng Việt có thể thay đổi một chút, nhưng đây là chuyện vặt, dần dần sẽ tự nhuyễn, không cần phải lo. Bây giờ anh đang có một giọng hoàn toàn riêng!” Vì anh em khuyến khích, nên tôi mới dám tiếp tục dịch thơ mình.

HK: Còn thiếu tự tin như vậy nhưng tại sao anh lại bắt đầu bằng việc tự dịch thơ chứ không phải là truyện ngắn?

ÐL: Khi sáng tác bằng một ngôn ngữ mới, thì phải thận trọng, thiếu tự tin chứ. (Dịch thuật cũng là một loại sáng tác.) Sở dĩ tôi dịch thơ thay vì truyện ngắn vì, đối với tôi, dịch thơ dễ hơn.

HK: Anh qua Mỹ từ năm 11 tuổi; anh học tiếng Việt như thế nào?

ÐL: Ở Mỹ, từ khi lên đại học (năm 1982) cho tới khi tôi về Việt Nam (năm 1999), tôi hầu như không nói tiếng Việt. (Trừ khi tôi đi ăn phở: “Xin anh cho tôi một tô tái, nạm, gầu, gân, sách, và một lon Cô Ca.”) Nhưng tôi có ôn lại tiếng mẹ đẻ bằng cách đọc sách Việt, và dịch thơ, văn Việt. Lúc đầu, tôi dịch những thứ dễ dễ thôi, như ca dao, tục ngữ. Những chữ không hiểu thì tôi tra từ điển. Tôi rất siêng tra từ điển.

HK: Nói chung, theo anh, tiếng Việt có những ưu điểm và khuyết điểm gì đối với một người sáng tác?

ÐL: Tôi nghĩ những khuyết điểm của tiếng Việt, nếu có, thì không đáng kể. Nhưng có lẽ nhiều chức năng của tiếng Việt vẫn chưa được khai thác cho lắm. Ðọc văn chương Mỹ, ta thường thấy nó gọn, và rõ nghĩa hơn phần đông những văn bản tiếng Việt. Nó chắc hơn. Thẩm mỹ của người Việt thích màu mè, tô phết, ra vẻ. Vì vậy nên trong văn chương Việt vẫn còn nhiều đoạn như vầy:

con sông mình hạc xương mai
vàng son in bóng đền đài hoa khôi

Nghe thì đu đưa, bóng bẩy lắm, nhưng chẳng tạo được một hình tượng nào. Nhưng đây không phải là khuyết điểm của tiếng Việt, mà là khuyết điểm của người viết.

Khi tôi dịch từ tiếng Anh qua tiếng Việt (Eliot, Stevens, Dickinson...), hay khi tôi dịch từ tiếng Việt qua tiếng Anh (Nguyễn Huy Thiệp, Khế Iêm, Văn Cầm Hải...), tôi không bao giờ thay đổi văn phong hay cú pháp của bất cứ ai. Tôi không chỉ muốn giới thiệu nội dung mà cả cách viết của người Mỹ cho người Việt, và ngược lại.

HK: Anh có thể nói thêm một chút cái anh gọi là "chắc" trong văn chương Anh Mỹ?

ÐL: Người Mỹ không dùng những chữ đệm như người Việt. Trong câu trên, thay vì “chút,” có người sẽ viết là “chút ít.” Ðã “chút” thì dĩ nhiên là “ít” rồi, tại sao lại phải “chút ít”? Người Việt thích dùng những chữ ghép rườm rà: “đỉnh cao” (để phân biệt với “đỉnh thấp” chăng?); “đường phố”; “cửa tiệm”; “rượu chè”; “thương yêu”; “tiêu xài”; “vui mừng”; “chữ nghĩa”; “dơ bẩn”; “sinh đẻ”; “sinh sau đẻ muộn”; “buồn rầu”, v.v... Trước mặt tôi là quyển sách Nam Cao: Truyện Ngắn Tuyển Chọn (Hà Nội: NXB Văn Học 1998). Ðã “tuyển” thì dĩ nhiên là phải “chọn” rồi! Tại sao NXB Văn Học lại ngớ ngẩn đến thế?

Hơn nữa, đầu óc người Mỹ cụ thể, khoa học, và mạch lạc hơn người Việt. Trong văn chương, họ có một truyền thống viết văn đơn giản, thẳng thừng: Sherwood Anderson, Ernest Hemingway, Raymond Carver... Nhà thơ William Carlos Williams đã viết: “Nói đi! Không ý tưởng nào ngoài đồ vật” [“Say it! No ideas but in things”].

HK: Nếu có ai đó cãi lại là mỗi dân tộc có một sở thích riêng, một thứ thẩm mỹ riêng để bênh vực cho thói quen thích những sự màu mè, son phấn, du dương trong văn chương Việt Nam thì anh sẽ trả lời sao?

ÐL: Những dân tộc xứ nóng, nói chung, đều màu mè, nhưng anh sơn phết lên cái gì mới được chứ? Tốt gỗ hơn tốt nước sơn mà. Nếu lời đã xoàng rồi thì anh có uốn lưỡi, có vọng cổ bao nhiêu, nó cũng xoàng thôi. Một bộ mặt “Hoa ghen thua thắm liễu hờn kém xanh” thì chẳng cần tô phết gì. Một bộ mặt như thị Nở thì dù có trút cả chai nước hoa Pô Lồ lên đầu, thì cũng không áp phê. Mỗi cảm xúc phải có một biểu lộ tương xứng. Nếu anh muốn cương hay trầm thì anh đã đi vào phạm vi của “irony.” Nhưng người Việt sướt mướt một cách rất là nghiêm túc, thành thật. Nhưng, trớ trêu thay, chính cái thành thật này là cái dối trá của người Việt Nam.

Có lẽ vì sinh sau đẻ muộn, nhưng thật sự thì tôi không hiểu nổi câu tôi vừa trích ở trên: “Hoa ghen thua thắm liễu hờn kém xanh.” Ví đàn bà với cây liễu thì cũng lôgic lắm, vì cả hai đều ẻo qua ẻo lại truớc những luồng gió, nhưng sao Kiều lại “xanh” hơn cây liễu?

HK: Con đường một người sáng tác VN đi vào thế giới văn học Tây phương (như Mỹ chẳng hạn) có những khó khăn gì anh cho là quan trọng nhất?

ÐL: Những tác phẩm của anh sẽ được nhìn với một con mắt khác bởi những nhà phê bình và độc giả da trắng. Một số sẽ đọc truyện của anh như đọc du ký. Họ đọc để lấy thông tin về người da màu. Hơn nữa, họ còn được tự hào vì: “Trên kệ sách của tao có đến năm sáu thằng da đen, da vàng! Ai bảo tao kỳ thị?!” Nhưng khi anh dựng lên những nhân vật, những con rối, da trắng, thì họ sẽ rất khó chịu. Họ không muốn anh xâm nhập vào tâm lý của họ; họ chỉ muốn phát ngôn cho anh thôi. Văn chương thiểu số (minority literature) ở Mỹ bắt đầu bằng những tường thuật của người nô lệ (slave narratives). Cho đến nay, rất nhiều tác phẩm của văn chương thiểu số nằm trong dạng tự truyện (memoir, autobiography). Nhưng nhà văn không phải là một người chỉ biết kể lể về đời mình. Họ phải biết hư cấu, tưởng tượng.

HK: Anh dự định vượt qua những khó khăn ấy bằng cách nào?

ÐL: Không ai muốn bị “hiểu lầm” cả, nhưng tôi không thể quan tâm đến phản ứng của những nhà phê bình hay độc giả.

HK: Khi sáng tác, điều anh quan tâm nhất là gì? (cốt truyện, kết cấu, ngôn ngữ, giọng điệu, chủ đề...)?

ÐL: Có lẽ khi làm thơ, tôi phiêu lưu hơn là khi tôi viết truyện. Khi làm thơ, tôi xếp, xào, hay xoay chữ để đạt đến một trạng thái khác thường. Tôi dùng ngôn ngữ để bới cái tiềm thức của tôi lên. Trước khi viết, tôi chẳng thấy gì. Tôi viết để mà thấy.

HK: Còn khi viết truyện?

ÐL: Khi viết truyện thì tôi quan tâm hơn về những vấn đề xã hội, chính trị, đạo đức, đạo đức giả, v.v...

HK: Những lý thuyết văn học thịnh hành trên thế giới có ảnh hưởng gì đến cách viết của anh không? Nếu có, mức độ như thế nào?

ÐL: Thú thật thì tôi gần như không đọc lý thuyết. Nhưng tôi luôn đọc những nhà văn, nhà thơ đương thời: Myung Mi Kim, Michael Palmer, William T. Vollman, Ingo Schulz, v.v... Khi bắt gặp một kỹ thuật, một cách cấu trúc nào mới, lạ thì tôi phân tích nó, để rồi từ từ, tự tiện lấy ra mà... xài. Tôi cũng luôn đọc những nhà văn cổ điển để mà ăn cắp những xảo thuật của họ. Ðối với tôi, nhiều cái càng cũ thì lại càng mới. Tôi đọc Lê Thánh Tông mà nghĩ, Mẹ kiếp! Bố già này thật là avant garde!

Một quyển lý thuyết có ảnh hưởng rất mạnh trong thơ văn tôi là Rabelais Và Thế Giới Của Ông Ta của Mikhail Bakhtin. Bakhtin đã trình bày, thật cặn kẽ, bối cảnh trí thức của Rabelais. Tôi rất mến Rabelais. Những ông tổ của những nền văn chương Tây Phương: Rabelais, Chaucer, Cervantes, Boccacio... đều là những tay trào phúng vĩ đại. Rất tiếc là nước ta không có những ai tương đương như những người này. Cái trịnh trọng trong văn chương là một cái rất đáng cười.

HK: Tuy nhiên, qua các sáng tác của anh, người ta thấy thấp thoáng khá nhiều dấu vết của chủ nghĩa hậu hiện đại. Những ảnh hưởng ấy đến từ đâu?

DL: Những ảnh hưởng hậu hiện đại đến với tôi đầu tiên qua hội hoạ. Ở đại học, tôi học sơn dầu (oil painting). Thập niên 80 là thập niên của những hoạ sĩ như David Salle, Martin Kippenberger, Mike Kelley, Jean Michel Basquiat... Những thái độ mâu thuẫn, xáo trộn, hài hước của họ đã nhiễm vào tôi một phần. Trong hội hoạ, cái cá tính riêng, cái độc đáo, cực kỳ quan trọng. Nếu muốn gây tiếng vang, anh phải thực sự mới. Nếu anh chỉ là một bản sao (nhem nhuốc) của một hoạ sĩ khác, thì tranh của anh chỉ là một loại thổ sản, một món quà lưu niệm cho du khách.

HK: Làm thế nào để có thể kết hợp được hai yếu tố có vẻ như mâu thuẫn với nhau trong những điều anh vừa trình bày, tính chất độc đáo và việc "ăn cắp" kỹ thuật của người khác?

ÐL: Cái gương sáng tác của tôi là toà thánh Cao Ðài ở Tây Ninh. Tôi với đạo Cao Ðài là hai anh em cùng cha khác mẹ. Hôm nay tôi vồ được một chân Phật ở chợ Bến Thành. Ngày mai tôi sẽ chôm được cái mông của Joan d Arc ở cầu Thị Nghè. Ngày mốt tôi lại lượm được trái tim của chúa Jesus ở Sở Thú. Tôi đem những thứ này về ráp thành một hình thù (không giống ai). Hơn nữa, tôi lại là một nhà điêu khắc vụng về. Chính cái vụng về này, tôi hy vọng, sẽ tăng thêm cái độc đáo của tôi.

HK: Anh có tin là việc du nhập chủ nghĩa hậu hiện đại vào Việt Nam sẽ có lợi cho giới sáng tác và cho văn học của chúng ta?

ÐL: Tôi nghĩ nếu giới sáng tác Việt Nam nhìn rõ được xã hội của mình, vừa tổng quan vừa tỉ mỉ, thì đủ rồi. Có người bảo rằng một xã hội tạp nhạp, vô trật tự, hầm bà lằng như Việt Nam quả là một môi trường hậu hiện đại điển hình, nhưng tôi nghĩ nước mình đã đi xa hơn thế nhiều. Việt Nam không phải là một xã hội hậu hiện đại mà là một xã hội hậu lịch sử. Sau này, trên một trái đất quá tải, hết trụi tài nguyên, khi con người không còn những nhu cầu văn hoá nữa vì phải vần vật kiếm ăn, thì tất cả những xã hội trên thế giới sẽ giống y như Việt Nam ngay bây giờ. Ai dám bảo nước ta lạc hậu?


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021