thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
Vu vơ về việc viết văn (15): Liên văn bản

 

Lời tác giả:
 
1. Chữ “việc viết văn” ở đây mang nghĩa khá rộng, tương tự khái niệm “écriture” trong tiếng Pháp và “writing” trong tiếng Anh, chỉ kết quả của động thái viết như một hành vi sử dụng ngôn ngữ nói chung, chứ không hẳn chỉ giới hạn trong phạm vi văn xuôi. Nói cách khác, với tựa đề này, tôi có thể viết linh tinh về đủ mọi thứ, từ thơ đến văn, từ sáng tác đến phê bình và lý thuyết.
 
2. Một số ý trong loạt bài này được lấy lại từ những trang sách cũ tôi đã viết và đã xuất bản. “Lấy” chứ không phải “trích”. Khi “lấy” lại như thế, tôi có thể thêm bớt, sửa chữa, nên có khi chúng khác rất xa hình dạng ban đầu. Chính vì thế, tôi cảm thấy không cần phải ghi xuất xứ. Dù sao thì cũng là của mình mà.
 
3. Tôi biết là không nên nhưng tôi không thể cầm lòng để không thú nhận điều này: tôi rất thích cái tựa chung của loạt bài này. Sáu phụ âm “v” đi liền với nhau khiến đọc lên, nghe cứ nhẹ thênh thênh.
 
Quốc

 

___________________

 

LIÊN VĂN BẢN

 

Trung tâm của hầu hết các lý thuyết văn học xuất hiện trong nửa sau thế kỷ 20, theo tôi, là khái niệm điển phạm (canon) và khái niệm liên văn bản (intertext), trong đó, quan trọng nhất là khái niệm liên văn bản: chính khái niệm liên văn bản làm thay đổi cả cách nhìn về tính điển phạm, từ đó, dẫn đến việc lật đổ các hệ thống giá trị cũ, mở ngỏ cho sự lên ngôi của nhiều luồng văn học vốn, trước đó, bị xem là ngoài lề, thậm chí, hoàn toàn bị quên lãng, như luồng văn học của phụ nữ, của những người đồng tính luyến ái hay của các sắc dân thiểu số, v.v...

Liên văn bản, cũng như rất nhiều các khái niệm then chốt khác trong lãnh vực phê bình văn học và văn hoá, đều có gốc rễ sâu xa trong những phát kiến từ lãnh vực ngôn ngữ học, đặc biệt, từ những đóng góp của Ferdinand de Saussure, và những phát kiến độc đáo của Mikhail Bakhtin.

Trong khi Saussure chủ trương chỉ tập trung vào những quy ước và những quy luật trừu tượng và chung nhất của ngôn ngữ, Bakhtin lại tin không có ngôn ngữ nào lại không gắn liền với một quan điểm, một ngữ cảnh và một đối tượng nhất định: theo ông, ngôn ngữ là những gì đang được sử dụng trong cuộc sống chứ không phải trong từ điển, bởi vì từ điển, nói theo cách diễn dịch của Simon Dentith, “chỉ là nghĩa địa của ngôn ngữ mà thôi”.[1] Trong khi Saussure chỉ tập trung vào khía cạnh đồng đại của ngôn ngữ, Bakhtin quan niệm không có bất cứ một thời điểm nào ở đó ngôn ngữ không chịu áp lực mang tính lịch đại: với ông, ngôn ngữ là một dòng chảy không ngừng nghỉ. Trong khi Saussure lược quy ngôn ngữ vào một mối quan hệ chính giữa cái biểu đạt (signifier) và cái được biểu đạt (signified), Bakhtin cho mối quan hệ ấy vô cùng đa dạng: trừ Adam và Eve, hai người đầu tiên trên mặt đất theo Sáng Thế Ký, không có một ý niệm nào lại không là nơi giao thoa giữa các quan điểm, các khuynh hướng, các ý kiến khác nhau. Trong khi Saussure cho bản chất của ngôn ngữ nằm ở sự khác biệt, Bakhtin cho bản chất của ngôn ngữ là tính đối thoại: ông cho mọi lời nói đều có tính đối thoại, bởi ý nghĩa của chúng tuỳ thuộc vào những gì được nói trước đó và vào cách thức người nghe tiếp nhận những lời nói ấy như thế nào. Nói cách khác, theo Bakhtin, mọi lời nói đều là những phản hồi đối với những lời nói trước đó và đều nhắm tới những đối tượng nhất định. Ðiều này làm cho mỗi từ đều diễn tả một cái gì đó trong quan hệ với một cái gì khác. Nói theo lời của Bakhtin, nó là “lãnh thổ chung của cả người nói lẫn người nghe”, là “cầu nối giữa ta và người”;[2] là “một nửa của người khác”.[3]

Xuất phát từ quan niệm về tính đối thoại của ngôn ngữ và dựa trên sự phân tích các tác phẩm của Dostoevsky, Bakhtin cho bản chất của tiểu thuyết, cũng giống như các hội hoá trang (carnaval), mang tính đa thanh (polyphony), ở đó, mỗi lời nói của nhân vật đều có nhiều giọng, hay, theo cách nói của Bakhtin, một diễn ngôn mang tính nhị thanh (double-voiced discourse): “Nó phục vụ hai kẻ phát ngôn cùng lúc, diễn tả hai ý định khác nhau cùng một lúc: một ý định trực tiếp của nhân vật, người đang nói, và một ý định đã bị khúc xạ của chính tác giả.”[4] Ðặc biệt, trong các tiểu thuyết đa thanh như thế, không có giọng nói nào là hoàn toàn khách quan và có thẩm quyền hơn hẳn: tiểu thuyết đa thanh phản ánh một thế giới, trong đó, mọi lời nói đều có quan hệ hô ứng mật thiết với nhau, hơn nữa, còn dựa vào nhau mà tồn tại và phát nghĩa.

Ý kiến về ngôn ngữ và tiểu thuyết của Bakhtin được Julia Kristeva giới thiệu và khai triển trong hai bài viết “The Bounded Text” và “Từ, đối thoại và tiểu thuyết” hoàn tất vào giữa thập niên 1960. Kết quả của nỗ lực khai triển ấy là một sự ra đời của một thuật ngữ mới: tính liên văn bản. Theo Kristeva, văn bản không được hình thành từ những ý đồ sáng tác riêng tây của người cầm bút mà chủ yếu là từ những văn bản khác đã hiện hữu trước đó: mỗi văn bản là một sự hoán vị của các văn bản, nơi lời nói từ các văn bản khác gặp gỡ nhau, tan loãng vào nhau và trung hoà sắc độ của nhau. Do đó, có thể nói, ý nghĩa của mỗi từ trong văn bản được quy định bởi hai trục khác nhau: một, trục ngang, giữa tác giả và độc giả; và hai, trục dọc, giữa nó với các văn bản khác cũng như với chu cảnh (context) văn hoá và xã hội trước đó cũng như cùng thời. Hậu quả là từ hay văn bản nào cũng là một giao điểm nơi ít nhất là một từ hay một văn bản khác được đọc. Là giao điểm nghĩa là, khác với điểm, không cố định. Trong ý nghĩa này, Kristeva xem văn bản có tính sản xuất (productivity): lúc nào nó cũng là một quá trình, không ngừng vận động. Từ đó, đi xa hơn, Kristeva cho mỗi văn bản là một liên văn bản, ở đó, các văn bản khác cùng hiện hữu để góp phần chi phối và làm thay đổi diện mạo của văn bản ấy; mỗi văn bản là một sự hấp thụ và chuyển thể của văn bản khác”,[5] là một tấm vải mới dệt từ những trích dẫn cũ, ở đó, có vô số những mảnh vụn của các mã ngôn ngữ, các quy ước văn học, các khuôn mẫu nhịp điệu, các hình thức diễn ngôn vốn từng phổ biến trong xã hội. Tuy nhiên, nên lưu ý là, theo Kristeva, phần lớn những mảnh vụn này đều vô danh và có khi vĩnh viễn vô danh, không ai có thể truy nguyên được xuất xứ của chúng: đó chỉ là những trích dẫn tự động, từ vô thức, và không mang bất cứ một dấu hiệu đặc biệt nào để nhận diện sự trích dẫn ấy cả.[6]

Quan niệm về tính liên văn bản của Kristeva nhanh chóng nhận được sự đồng tình của nhiều lý thuyết gia lớn. Trong bài viết “Cái chết của tác giả” hoàn tất hai năm sau, Roland Barthes cho văn bản thực chất là một không gian đa kích thước ở đó tụ hội vô số các văn bản đến từ vô số các nền văn hoá khác nhau: tất cả đều tan loãng vào nhau và không có cái nào thực sự là độc sáng cả. Michel Foucault cũng có cùng một quan điểm khi nhận định là: “biên giới của một cuốn sách không bao giờ thực rõ ràng: vượt ra ngoài nhan đề, dòng chữ đầu tiên và dấu chấm cuối cùng, vượt ra ngoài cấu trúc nội tại và hình thức mang tính tự trị của nó, nó bị bắt gặp quả tang là đang hoà lẫn vào một hệ thống quy chiếu đến các cuốn sách khác, các văn bản khác, các câu văn khác: nó chỉ là cái gút trong một mạng lưới lớn... Cuốn sách không phải là một vật thể chúng ta cầm trên tay... Sự thống nhất của nó thường biến dạng và rất tương đối.”[7]

 

----------

Đã đăng:

Vu vơ về việc viết văn (1): Xa lộ là tử lộ

Vu vơ về việc viết văn (2): Đổi mới

Vu vơ về việc viết văn (3): Lý thuyết và cẩm nang

Vu vơ về việc viết văn (4): Lý-thuyết-phi-lý-luận

Vu vơ về việc viết văn (5): Lý-luận-phi-lịch-sử

Vu vơ về việc viết văn (6): Lý thuyết và phê bình

Vu vơ về việc viết văn (7): Lý thuyết và khủng hoảng

Vu vơ về việc viết văn (8): Tinh thần phê phán

Vu vơ về việc viết văn (9): Tính hệ thống

Vu vơ về việc viết văn (10): Cái đẹp của lý thuyết

Vu vơ về việc viết văn (11): Viết văn như đánh võ

Vu vơ về việc viết văn (12): Mùi văn

Vu vơ về việc viết văn (13): Tác phẩm như ngân hàng

Vu vơ về việc viết văn (14): Văn bản

_________________________

[1]Dẫn theo Graham Allen (2000), Intertextuality, London: Routledge, tr. 18.

[2]Như trên, tr. 20.

[3]Như trên, tr. 28.

[4]Như trên, tr. 29.

[5]Như trên, tr. 39.

[6]Mary Orr (2003), Intertextuality: Debates and Contexts, Cambridge: Polity, tr. 33.

[7]Michel Foucault (1974), The Archaeoloy of Knowledge, London: Tavistock, tr. 23.


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021