thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
Vu vơ về việc viết văn (10): Cái đẹp của lý thuyết

 

Lời tác giả:
 
1. Chữ “việc viết văn” ở đây mang nghĩa khá rộng, tương tự khái niệm “écriture” trong tiếng Pháp và “writing” trong tiếng Anh, chỉ kết quả của động thái viết như một hành vi sử dụng ngôn ngữ nói chung, chứ không hẳn chỉ giới hạn trong phạm vi văn xuôi. Nói cách khác, với tựa đề này, tôi có thể viết linh tinh về đủ mọi thứ, từ thơ đến văn, từ sáng tác đến phê bình và lý thuyết.
 
2. Một số ý trong loạt bài này được lấy lại từ những trang sách cũ tôi đã viết và đã xuất bản. “Lấy” chứ không phải “trích”. Khi “lấy” lại như thế, tôi có thể thêm bớt, sửa chữa, nên có khi chúng khác rất xa hình dạng ban đầu. Chính vì thế, tôi cảm thấy không cần phải ghi xuất xứ. Dù sao thì cũng là của mình mà.
 
3. Tôi biết là không nên nhưng tôi không thể cầm lòng để không thú nhận điều này: tôi rất thích cái tựa chung của loạt bài này. Sáu phụ âm “v” đi liền với nhau khiến đọc lên, nghe cứ nhẹ thênh thênh.
 
Quốc

 

___________________

 

CÁI ĐẸP CỦA LÝ THUYẾT

 

Khi lý thuyết được xem như một cách nhìn sâu vào những nền tảng trên đó văn bản trở thành tác phẩm văn học, theo cách nhìn của các nhà thẩm mỹ học, hoặc ngược lại, tác phẩm văn học trở thành văn bản, theo cách nhìn của các nhà cấu trúc luận và hậu cấu trúc luận, việc phân chia lý thuyết thành hai loại: lý thuyết mô tả (descriptive theory) (gồm cả lý thuyết về diễn dịch) và lý thuyết quy phạm (normative theory) (bao gồm lý thuyết mỹ học và lý thuyết chính trị/đạo đức)[1] dần dần trở thành khiên cưỡng. Khi việc mô tả đối tượng thay đổi, cách tiếp cận đối tượng ấy cũng thay đổi theo. Bởi vậy, một trong những cống hiến có ý nghĩa nhất của lý thuyết là làm sụp đổ những điều được mọi người xem là hiển nhiên, mở ra những giác độ mới để từ đó người ta có thể nhìn các hiện tượng văn học hoặc văn học nói chung một cách khác. Những cách nhìn mới ấy gắn liền với những khái niệm mới: đó là lý do tại sao sự xuất hiện của các lý thuyết mới bao giờ cũng dẫn đến sự ra đời của vô số thuật ngữ mới. Trong tiếng Việt, cùng lúc với việc giới thiệu các lý thuyết mới là sự sử dụng hàng loạt những thuật ngữ mới như tính quy phạm, tính liên văn bản, tính bất định, tính bất quyết, siêu-hư cấu, đại tự sự, văn hoá văn chương, cộng hoà văn học, diễn ngôn (hay hành ngôn), điển phạm, cái thế vì, phi tuyến tính, chủ nghĩa iện đại, chủ nghĩa h(ậu h)iện đại, tr(ch)uyện, v.v… Nghe, dễ có cảm tưởng là làm dáng; thậm chí, ồn ào, nhưng đó là điều không thể tránh được khi nội dung những điều được diễn đạt chưa bao giờ từng phổ biến ở Việt Nam.

Nhấn mạnh vào chức năng làm thay đổi cách nhìn như vậy, chúng ta cũng đồng thời chấp nhận tính tương đối của lý thuyết: mỗi lý thuyết mở ra một giác độ và không có một lý thuyết nào có giá trị tuyệt đối. Các lý thuyết thường bổ sung cho nhau hơn là loại trừ nhau: sự nở rộ của các lý thuyết làm cho, một mặt, tầm nhìn của mọi người rộng ra, diện tích của văn học cũng trở thành bao la và đa dạng hơn hẳn; mặt khác, khi thay đổi góc nhìn, hướng nhìn và cách nhìn, người ta cũng thay đổi cả chính bản thân họ với tư cách người cầm bút cũng như với tư cách độc giả. Một cái nhìn lý thuyết thừa nhận tính tương đối của lý thuyết như vậy thực chất là một cái nhìn hậu-lý thuyết, cái nhìn xuất phát từ những vùng ‘cát cứ’ của lý thuyết. Chữ ‘cát cứ’ (balkanization) này, tôi mượn từ Jeffrey Williams, chỉ một tình trạng mới của lý thuyết từ những năm cuối cùng của thế kỷ 20, khi các đại-lý thuyết, vốn thường được hình dung như những đế quốc, đã thuộc về quá khứ.[2] Ðiều tôi muốn thêm là: Trong thế bổ sung của các lý thuyết, các lý thuyết không “cạnh tranh” nhau ở chuyện đúng hay sai (đúng hay sai so với cái gì? dựa trên tiêu chuẩn nào?) mà chủ yếu ở tính độc đáo của tư tưởng, độ hoàn chỉnh của hệ thống lý luận, ở cái sang cả của tầm nhìn, và ở cái đẹp của trí tuệ toả sáng từ góc nhìn cũng như lấp lánh trên từng cách nhìn.

Hình như chưa có ai nói đến cái đẹp của các lý thuyết văn học nhỉ?

 

----------

Đã đăng:

Vu vơ về việc viết văn (1): Xa lộ là tử lộ

Vu vơ về việc viết văn (2): Đổi mới

Vu vơ về việc viết văn (3): Lý thuyết và cẩm nang

Vu vơ về việc viết văn (4): Lý-thuyết-phi-lý-luận

Vu vơ về việc viết văn (5): Lý-luận-phi-lịch-sử

Vu vơ về việc viết văn (6): Lý thuyết và phê bình

Vu vơ về việc viết văn (7): Lý thuyết và khủng hoảng

Vu vơ về việc viết văn (8): Tinh thần phê phán

Vu vơ về việc viết văn (9): Tính hệ thống

_________________________

[1]Patrick Colm Hogan (2000), Philosophical Approaches to the Study of Literature, Gainesville: University Press of Florida, tr. 1-3.

[2]Jeffrey Williams, “The Posttheory Generation” in trong Day Late, Dollar Short: The Next Generation and the New Academy, New York: State University of New York Press, tr. 33.


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021