thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
Nhà thơ muốn nói gì?

 

Bản dịch Diễm Châu

 

RUTGER KOPLAND

(1934~)

 

Người ta thường đặt những câu hỏi với các nhà thơ. Các bài thơ có điều gì đó thật huyền bí, chúng gợi dậy sự tò mò của người ta. Sự tò mò này động chạm tới không nguyên bài thơ, mà còn cả cái nhân vật người nghệ sĩ nữa. Cái đó dễ hiểu. Ta đọc một bài thơ, và ta thấy, ấy là nói thế, có ai đó nói, ta không thể không tưởng tượng ra một nhân vật đang nói một điều gì đó. Lúc ấy, thường thường, quả là có một yếu tố mà ta không hiểu hoàn toàn, hoặc chẳng hiểu gì hết, và hiển nhiên là ta có khuynh hướng yêu cầu nhà thơ tỏ bày ý kiến. Ta khởi sự từ ý tưởng là có một cái tôi phát biểu trong bài thơ và là kẻ có thể giải thích bài thơ, một cái tôi có thể bày tỏ những ý nghĩ, tình cảm, ý định của mình còn hay hơn là kẻ đó đã làm. Chợt đến vào lúc đó, tất nhiên, là vấn đề hiểu biết tại sao cái tôi này lại không làm như thế trước khi giới thiệu bài thơ với người đọc. Phải chăng đây là một trò gạt gẫm, một sự thiếu khả năng? Ai ở đằng sau bài thơ? Nhà thơ muốn nói gì?

 

Có nhiều người biết, bằng kinh nghiệm riêng của họ, rằng ghi lại những gì ta nói với bản thân ta khó đến mức độ nào: tôi biết rõ điều ấy. Chính ở trong đầu óc ta, ta cảm thấy rằng chuyện ấy ở trong tầm tay, rằng ta còn có thể nói tới nó thật dễ dàng nữa, tất cả dường như chỉ là chuyện với lấy cây viết và thế là xong. Nhưng, khi cây viết đã ở trên tay, ta mới thấy các vấn đề chỗi dậy. Tìm được một cái khởi đầu đột nhiên tỏ ra là khó khăn, ta nhận thấy rằng cái khởi đầu ấy là một giai đoạn hạn chế những khả năng của một phần kế tiếp. Mỗi chữ đều đáng kể, ngay khi nó được ghi ra. Trong những suy tưởng của ta, các từ ngữ không đáng giá đến thế, không hơn gì thông thường trong một cuộc trò chuyện, ta có thể dễ dàng thay thế chúng, làm một cử chỉ, để cho một im lặng ngượng ngập kéo dài qua đi, chau mày, gãi tai, tóm lại, có thể chạy tới cứu giúp các từ. Nhưng trên mặt giấy, các chữ tùy thuộc lẫn nhau, và hết thảy cùng nhau chúng tỏ ra là có khả năng sản sinh những ý nghĩa mà ta trước đó đã không hề muốn. Ta đọc câu thơ đầu tiên trong lúc tự hỏi: có đúng đây là điều ta muốn nói? Ta tưởng là mình biết điều ấy một cách thật đích xác, nhưng ngay từ đầu vấn đề đặt ra là phải biết có thật đúng vậy chăng.

 

Nhẹ nhõm biết bao khi một câu thơ đầu tiên làm ta hài lòng.

 

Quả thật là ta không còn có thể khuyết vắng ở hết mọi phía, nhưng một câu thơ đầu hay, đó cũng là một hạn giới, đảm bảo một loại an toàn nào đó. Ấy cũng thể câu thơ này nắm lấy tay ta, đặt ta vào một lối đi. Chính ta đã tạo ra nó, nhưng đồng thời nó lại đã trở thành một đường dây dẫn truyền ở bên ngoài bản thân ta. Khởi đầu viết lách thế nào, phần kế tiếp thế đó. Ta thấy nẩy sinh, dần dà, một cái tôi ở bên ngoài ta, nó nói với ta những gì ta muốn nói. Nói cách khác: ta mỗi lúc một ý thức thêm rằng rõ ràng ta đã không biết trước những gì ta đã nghĩ, hơn nữa viết ra là một phương pháp để khám phá những gì ta có trong đầu. Và, khi tìm được một câu thơ chót thành công, ta nghĩ: vậy thời đây là những gì mình đã muốn ghi lại, với sự hài lòng vì đã nhận ra một dáng vẻ của chính bản thân ta.

 

Kinh nghiệm của kẻ viết một điều gì là thế đó. Và khi, với tư cách người đọc, ta hỏi kẻ này muốn nói gì, người đó, với điều kiện đã cố hết sức mình, sẽ có thể chỉ trả lời ta: điều này, hình như thế. Cách duy nhất để tìm ra những ý hướng này, ấy là đọc kỹ những gì đã viết. Ta chỉ có thể tìm thấy chúng trong ngôn ngữ, chứ không ở một nơi nào khác.

 

Những lời lẽ này cũng liên hệ tới thơ. Đòi hỏi người thi sĩ làm sáng tỏ một điều gì là vô ích. Trên thực tế, ấy là đòi hỏi người ấy làm một bài thơ mới. Để trả lời, nhà thơ không thể làm gì khác hơn là gửi ta trở lại với bài thơ của mình. Điều này không làm cho việc đọc trở thành dễ dàng hơn. Bởi lẽ tự nhủ rằng không ai có thể trả lời những câu hỏi mà ta tha thiết, ít mấy đi nữa cũng là tuyệt vọng. Theo một nghĩa nào đó ta cũng có thể so sánh hiện tượng này với ý tưởng là không có những sự thật tuyệt đối trong cuộc đời này. Các sự thật không sắp sẵn để ta tìm thấy chúng ở đâu đó, ta cần phải tự mình khơi chúng dậy.

 

Tất cả những điều đó không có nghĩa là việc viết một bài thơ cũng y hệt như việc viết một điều gì ta nghĩ tới: ấy đó những gì tôi biết, ấy đó những gì tôi muốn nói. Nhằm mục đích ấy, ta viết những lá thư, những bài tiểu luận, những bản phúc trình – chứ không phải những bài thơ. Nhà thơ không tìm cách diễn tả một điều gì dường như đã có đó, hoàn toàn sẵn trong đầu, ngược lại, nhà thơ muốn diễn tả một điều gì đó còn lâu mới sẵn sàng. Mỗi dòng mà ông thấy rằng mình đã rành ý nghĩa, mà ông tự nhủ: điều đó, ta biết rồi, đều bị loại bỏ. Ông tìm cách viết một điều gì ông chưa từng đọc thấy trước đó. Vào lúc mà nhà thơ nghĩ: giờ đây ta đọc điều này, ta đọc thấy điều gì khác với những điều ta muốn nói ngày nọ – đúng vào cái giây lát chính xác ấy, bài thơ đã kết thúc. Ông nhận ra một phần xa lạ với chính bản thân ông. Và khi người ta hỏi ông bài thơ này là về chuyện gì, ông đáp: tôi không biết, duy có bài thơ mới có thể tiết lộ được điều ấy.

Ngôn từ trong thơ tôi vậy thời không thuộc về nhà thơ, mà thuộc về những bài thơ.

(1988)

 

 

----------------------
RUTGER KOPLAND là bút hiệu của R. H. van den Hoofdakker, một nhà thơ Hòa-lan rất được coi trọng tại Âu-châu hiện nay. Ông sinh tại Goor năm 1934. Khởi nghiệp từ năm 1968, đến nay đã cho xuất bản mười một thi phẩm, hai tập tùy bút và một tập du ký, ấy là chưa kể những công trình dịch thuật... Các tác phẩm của ông đã mau chóng vượt biên giới, được dịch và đọc ở các nước như Hoa-kỳ, Pháp, Đức, Bun-ga-ri,... Rutger Kopland đã được tặng nhiều giải thưởng về thơ, kể cả giải P. C. Hooft 1988, một trong những giải thưởng văn chương cao quý nhất của Hòa-lan; Giải Thi ca VSB 1998,... Ông nguyên là một giáo sư thần kinh bệnh học tại đại học Gröningen (ở phía bắc Hòa-lan), nay đã hồi hưu và sống tại Glimmen. Tác phẩm toàn bộ về Thơ của ông được in lần đầu vào năm 1999. Bản dịch tiếng Việt các bài thơ của Rutger Kopland dựa trên hai tuyển tập của ông: Songer à partir, Gallimard, Paris, 1986 và Souvenirs de l'inconnu, Gallimard, Paris, 1998. Cả hai đều do Paul Gellings dịch sang Pháp văn. Các bài tùy bút hay “nhật ký” của Rutger Kopland về thơ cũng trích từ hai tập đó. (DC.)
 

Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021