thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
Vu vơ về việc viết văn (6): Lý thuyết và phê bình

 

Lời tác giả:
 
1. Chữ “việc viết văn” ở đây mang nghĩa khá rộng, tương tự khái niệm “écriture” trong tiếng Pháp và “writing” trong tiếng Anh, chỉ kết quả của động thái viết như một hành vi sử dụng ngôn ngữ nói chung, chứ không hẳn chỉ giới hạn trong phạm vi văn xuôi. Nói cách khác, với tựa đề này, tôi có thể viết linh tinh về đủ mọi thứ, từ thơ đến văn, từ sáng tác đến phê bình và lý thuyết.
 
2. Một số ý trong loạt bài này được lấy lại từ những trang sách cũ tôi đã viết và đã xuất bản. “Lấy” chứ không phải “trích”. Khi “lấy” lại như thế, tôi có thể thêm bớt, sửa chữa, nên có khi chúng khác rất xa hình dạng ban đầu. Chính vì thế, tôi cảm thấy không cần phải ghi xuất xứ. Dù sao thì cũng là của mình mà.
 
3. Tôi biết là không nên nhưng tôi không thể cầm lòng để không thú nhận điều này: tôi rất thích cái tựa chung của loạt bài này. Sáu phụ âm “v” đi liền với nhau khiến đọc lên, nghe cứ nhẹ thênh thênh.
 
Quốc

 

___________________

 

LÝ THUYẾT VÀ PHÊ BÌNH

 

Nhìn từ một khía cạnh nào đó, các cuốn sách được xem là thuộc loại “lý luận văn học” ở Việt Nam lâu nay không khác mấy với cuốn Văn học khái luận của Ðặng Thai Mai xuất bản từ đầu thập niên 1940. Giống nhất là ở các vấn đề được quan tâm. Thì cũng, trước hết, nỗ lực định nghĩa văn học và sau đó, nhận diện các đặc điểm và chức năng của văn học. Thì cũng những sự loay hoay về các thể loại và mối quan hệ giữa văn học và các khía cạnh khác nhau trong đời sống xã hội, từ những yếu tố được xem là ‘cơ sở’ như kinh tế và những yếu tố được xem là thuộc kiến trúc thượng tầng như văn hoá, chính trị, đạo đức, v.v...

Thật ra, những ám ảnh như thế cũng có thể tìm thấy ở những nơi khác trong nửa đầu thế kỷ 20. Trong các quốc gia nói tiếng Anh, cuốn Theory of Literature của René Wellek và Austin Warren được xuất bản lần đầu tiên năm 1949 là một ví dụ tiêu biểu nhất. Cuốn sách cũng được mở đầu bằng những định nghĩa và những đặc trưng. Cũng so sánh văn học với tâm lý học, xã hội, tư tưởng và các ngành nghệ thuật khác. Cũng phân tích từ nhịp điệu, âm điệu đến hình tượng, ẩn dụ, thể loại, v.v… Cuốn sách có ảnh hưởng cực kỳ sâu rộng, được xem như một thứ “kinh điển” trong sinh hoạt lý thuyết văn học các xứ nói tiếng Anh trong suốt cả mấy thập niên, thời ‘thịnh trị’ của phong trào Phê Bình Mới. Tuy nhiên, dần dần, từ giữa thập niên 1960 về sau, tư tưởng văn học càng ngày càng đa dạng và phức tạp. Cái khung cấu trúc quen thuộc này không còn đủ sức chứa đựng những cách kiến giải khác nhau nữa. Từ đó, hầu hết các cuốn sách về lý thuyết văn học đều chọn lối tiếp cận theo các trường phái. Ba cuốn sách được sử dụng như những tài liệu tham khảo phổ biến và đáng tin cậy nhất tại các đại học nói tiếng Anh từ giữa thập niên 1980 đến đầu thập niên 1990 là cuốn Literary Theory: An Introduction (1983) của Terry Eagleton, cuốn Modern Literay Theory: A Comparative Introduction (1986) do Ann Jefferson và David Robey biên tập, và cuốn A Reader’s Guide to Contemporary Literary Theory (1989) của Raman Selden đều được cấu trúc giống nhau, lần lượt phân tích hết trường phái này đến các trường phái khác, từ hình thức luận đến ký hiệu học, từ cấu trúc luận đến hậu cấu trúc luận, từ phân tâm học đến tường giải học, v.v... Các tuyển tập phê bình và lý thuyết văn học cũng đi theo con đường này, cũng được phân bố theo các trường phái và các trường phái được sắp xếp theo thứ tự thời điểm xuất hiện: từ hình thức luận của Nga, Phê Bình Mới của Anh Mỹ, cấu trúc luận của Pháp đến chủ nghĩa hậu thực dân, chủ nghĩa hậu hiện đại, nữ quyền luận, lý thuyết lệch pha (queer theory), tân duy sử (new historicism), v.v…[1]

Từ những năm cuối cùng của thế kỷ 20 trở lại đây, cách tiếp cận theo trường phái này cũng dần dần trở thành lỗi thời. Lý do chính là, trong cách nhìn thấm đẫm tính chất hậu hiện đại vốn hoài nghi mọi đại tự sự (grand narratives), và do đó, mọi đại lý thuyết (grand theory / high theory) có khả năng bao quát toàn bộ hiện thực và lịch sử, không có lý thuyết nào còn giữ được vị trí thống trị được nữa. Không những vậy, chúng còn thâm nhập vào nhau, tan hoà vào nhau: ranh giới giữa hậu cấu trúc luận, giải cấu trúc (deconstruction), chủ nghĩa hậu thực dân và chủ nghĩa hậu hiện đại rất tế nhị; ranh giới giữa nữ quyền luận, giới tính học (gender studies), lý thuyết về sự lệch pha (hay đồng tính) và diễn ngôn thiểu số (minority discourse) rất mờ nhạt. Ngoài ra, không ít lý thuyết gia từ những lập trường hoàn toàn khác nhau sử dụng những nguyên tắc có tính phương pháp luận giống nhau, từ đó, chúng ta thấy có những nhà Mác-xít hoặc phân tâm học theo khuynh hướng hậu cấu trúc luận hoặc những nhà nữ quyền luận theo khuynh hướng giải cấu trúc, v.v... Sự giao thoa giữa các trường phái này làm cho lý thuyết văn học phải đối diện với những vấn đề mới, căn bản hơn, không những chỉ thuộc văn học mà còn thuộc những hình thức diễn ngôn khác, như vấn đề bản sắc (identity), bản sắc hoá (identification), tái hiện (representation), ý nghĩa và công việc diễn dịch (interpretation), v.v… Cuốn Literary Theory: A Very Short Introduction (1997) của Jonathan Culler, sau khi giới thuyết các khái niệm chính như lý thuyết và văn học, tập trung vào những vấn đề như: văn học và văn hoá học; ngôn ngữ, ý nghĩa và sự diễn dịch; tu từ, thi pháp và thơ; tự sự; ngôn ngữ trình diễn, bản sắc, bản sắc hoá và chủ thể. Cuốn Introducing Criticism at the 21st Century do Julian Wolfreys biên tập và được Edinburgh University Press xuất bản năm 2002 thì đề cập đến các chuyện: bản sắc, đối thoại, không gian và địa điểm, những tiếng nói phê phán, vật thể tính và cái phi vật thể (materiality and the immaterial), v.v…

Những sự thay đổi như thế lớn lao đến độ khiến rất nhiều người ngạc nhiên và không phải ai cũng có thể dễ dàng đồng ý hay chấp nhận. Hậu quả là, như Jonathan Culler ghi nhận rất sớm trong cuốn On Deconstruction: viết về lý thuyết, người cầm bút không thể tiếp tục trình bày tư tưởng của mình một cách vô cảm về từng khái niệm hay từng vấn đề nữa, mà hắn phải lao vào những cuộc tranh luận gay gắt với vô số những người, xuất phát từ những góc nhìn khác nhau, không đồng ý với hắn, nhiều khi ngay từ những điểm căn bản nhất.[2] Hệ quả là lý thuyết sẽ trở thành phê bình lý thuyết và phê bình trở thành siêu-phê bình (metacriticism). “Siêu-phê bình” thực chất là phê bình phê bình, tức phê bình những tiền đề và những tiền giả định làm nền tảng trên đó nhà phê bình tiến hành công việc diễn dịch cũng như đánh giá các hiện tượng văn học. Một hệ quả khác là sự phân biệt giữa hai khái niệm “phê bình” (criticism) và “lý thuyết” (theory) càng ngày càng mờ nhạt, thậm chí, có lúc được dùng như hai từ đồng nghĩa. Trong cuốn 20th Century Literary Criticism, a Reader do David Lodge biên tập và xuất bản năm 1972, số bài mang màu sắc thuần lý thuyết nhiều hơn hẳn số bài có tính chất phê bình theo nghĩa truyền thống. Mặc dù René Wellek, trong cuốn Theory of Literature, và sau đó, rải rác trong một số bài viết khác, nhấn mạnh là cần có sự phân biệt trong ba lãnh vực phê bình, lý thuyết và nghiên cứu văn học, trong bộ A History of Modern Criticism 1750-1950, bao gồm nhiều tập, đối tượng nghiên cứu chính của ông lại không phải là phê bình mà là các quan điểm và các lý thuyết văn học.

 

----------

Đã đăng:

Vu vơ về việc viết văn (1): Xa lộ là tử lộ

Vu vơ về việc viết văn (2): Đổi mới

Vu vơ về việc viết văn (3): Lý thuyết và cẩm nang

Vu vơ về việc viết văn (4): Lý-thuyết-phi-lý-luận

Vu vơ về việc viết văn (5): Lý-luận-phi-lịch-sử

_________________________

[1]Một số tác phẩm tiêu biểu như: Debating Texts: A Reader in Twentieth-Century Literary Theory and Method do Rick Rylance biên tập, Open University Press xuất bản Milton (Anh) năm 1987; Modern Criticism and Theory do David Lodge biên tập, Longman xuất bản tại New York và London năm 1988; Twentieth-Century Literary Theory, A Reader do K.M. Newton biên tập và giới thiệu, St. Martin’s Press xuất bản tại New York năm 1988; Contemporary Literary Criticism do Robert Con Davis và Ronald Schleifer biên tập, Longman xuất bản năm 1989; Literary Theory: An Anthology do Julie Rivkin và Michael Ryan biên tập, Blackwell xuất bản tại Oxford năm 1998, v.v...

[2]Jonathan Culler (1983), On Decontruction: Theory and Critìcism after Structuralism, London: Routledge & Kegan Paul, tr. 7.


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021