thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
Vu vơ về việc viết văn (5): Lý-luận-phi-lịch-sử

 

Lời tác giả:
 
1. Chữ “việc viết văn” ở đây mang nghĩa khá rộng, tương tự khái niệm “écriture” trong tiếng Pháp và “writing” trong tiếng Anh, chỉ kết quả của động thái viết như một hành vi sử dụng ngôn ngữ nói chung, chứ không hẳn chỉ giới hạn trong phạm vi văn xuôi. Nói cách khác, với tựa đề này, tôi có thể viết linh tinh về đủ mọi thứ, từ thơ đến văn, từ sáng tác đến phê bình và lý thuyết.
 
2. Một số ý trong loạt bài này được lấy lại từ những trang sách cũ tôi đã viết và đã xuất bản. “Lấy” chứ không phải “trích”. Khi “lấy” lại như thế, tôi có thể thêm bớt, sửa chữa, nên có khi chúng khác rất xa hình dạng ban đầu. Chính vì thế, tôi cảm thấy không cần phải ghi xuất xứ. Dù sao thì cũng là của mình mà.
 
3. Tôi biết là không nên nhưng tôi không thể cầm lòng để không thú nhận điều này: tôi rất thích cái tựa chung của loạt bài này. Sáu phụ âm “v” đi liền với nhau khiến đọc lên, nghe cứ nhẹ thênh thênh.
 
Quốc

 

___________________

 

LÝ-LUẬN-PHI-LỊCH-SỬ

 

Tôi đọc được, đâu đó, trên báo chí trong nước, cách đây mấy tháng, một nhà phê bình nọ phê phán một số đồng nghiệp của mình về thói hay trích dẫn. Ðọc, tôi ngạc nhiên đến độ ngẩn ngơ. Thứ nhất, điều ghi nhận của nhà phê bình nọ khác hẳn kinh nghiệm của tôi khi đọc — khá nhiều và khá kỹ — sách báo trong nước: bao giờ tôi cũng có cảm tưởng là giới cầm bút Việt Nam thường quá chểnh mảng trong việc ghi xuất xứ các tài liệu mà họ tham khảo. Thứ hai, quan niệm của nhà phê bình nọ cũng khác hẳn những kiến thức căn bản mà tôi vẫn thường nhấn mạnh với các sinh viên mỗi lần tôi ra đề luận: phải tham khảo những tài liệu mới nhất liên quan đến đề tài và phải ghi chú đầy đủ mọi trích dẫn.

Ðằng sau thái độ dị ứng đối với việc trích dẫn, tôi ngờ là có một ngộ nhận về quan hệ giữa nghiên cứu và sáng tạo. Với không ít người Việt Nam, sáng tạo là tự rút trong bụng của mình ra mà viết. Là không cần tham khảo. Lại càng không cần trích dẫn ai cả. Thật ra, đó chỉ là một ảo tưởng: sáng tạo bao giờ cũng là một sự tiếp tục, một sự kết hợp giữa kế thừa và phát triển. Không hiếm trường hợp, ảo tưởng ấy được dùng để che giấu sự lười biếng và cẩu thả, hơn nữa, sự bất lương: phi tang những sự ăn cắp.

Trên thực tế, sau Adam và Eve, lý luận, thực sự là lý luận, bao giờ cũng là một sự tiếp nối của một chuỗi lý luận dằng dặc trong lịch sử. Ngay cả khi tôi muốn bênh vực cho một luận điểm đơn giản, chẳng hạn, “văn chương dâm uế không phải là văn chương” — như một số người thường nói — , tôi đã, một cách tự giác hay không, tham gia vào một cuộc tranh luận mà hàng triệu, thậm chí hàng trăm triệu người trước tôi, đã từng tham gia: cuộc tranh luận về quan niệm về văn chương, về chức năng của văn chương, về sự dâm uế, về quan hệ giữa văn chương và đạo đức, giữa nhà văn và xã hội, giữa tính đặc tuyển và tính đại chúng,[1] v.v… Trong cuộc tranh luận ấy, sự khác nhau trong cách hiểu về những khái niệm căn bản như “văn chương” hay “sự dâm uế” có thể dẫn đến những kết luận hoàn toàn khác nhau.

Không phải ngẫu nhiên mà trong nền giáo dục Tây phương, người ta rất xem trọng tính lịch sử của vấn đề và khung lý thuyết khi giải quyết một vấn đề cụ thể nào đó: đó là hai phần bắt buộc trong tất cả các luận án ở bậc đại học, đặc biệt, bậc hậu đại học,[2] đồng thời, cũng là hai phần thường xuyên xuất hiện trong các bài tiểu luận theo phong cách hàn lâm.

Một cung cách lý-luận-phi-lý-thuyết, dựa theo cảm tính và thành kiến, chỉ dẫn đến những ý tưởng tản mạn, ngẫu nhiên, có khi đầy mâu thuẫn, hiếm khi vươn lên được một tầm nhìn có tính chiến lược để có thể bao quát phần lớn những vấn đề liên hệ. Một cung cách lý-luận-phi-lịch-sử, ở đó, người ta phát ngôn như mình là người đầu tiên và duy nhất đề cập đến đề tài ấy, nếu không xuất phát từ động cơ bất lương, rất dễ có nguy cơ bất cập và lảm nhảm, chỉ lặp lại người khác, thậm chí, lặp lại những cái sai của người khác.

 

----------

Đã đăng:

Vu vơ về việc viết văn (1): Xa lộ là tử lộ

Vu vơ về việc viết văn (2): Đổi mới

Vu vơ về việc viết văn (3): Lý thuyết và cẩm nang

_________________________

[1]Ví dụ, theo quy định của phần lớn các quốc gia Tây phương, các tiếng chửi tục bị cấm sử dụng trên các phương tiện truyền thông đại chúng, hoặc nếu sử dụng, phải được viết tắt. Tuy nhiên, các tác phẩm văn học và các tạp chí hay tập san chuyên ngành vốn chỉ phổ biến trong một tầng lớp độc giả nhất định thì lại không bị ràng buộc bởi hạn chế này.

[2]Tức là phần “Literature Review” và phần “Theoretical Framework”.


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021