thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
Nói Chuyện Với Phan Nhiên Hạo

Ðinh Linh (ÐL): Tháng tư, năm 75, anh mới năm tuổi. Anh ở Việt Nam cho tới năm 1991, khi anh di tản sang Mỹ. Lớn lên trong một môi trường xã hội chủ nghĩa, anh đã được đọc những gì, và những nhà văn này ảnh hưởng đến tư tưởng, thi pháp của anh như thế nào?

Phan Nhiên Hạo (PNH): Ðúng là tháng 4 năm 1975, tôi còn rất nhỏ. Nhưng tôi là người tin rằng, những gì quan trọng nhất hình thành nên nhân cách một con người là những gì mà người ta học được trong những năm đầu tiên của tuổi thơ. Tháng 4 năm 1975 cũng đã thay đổi đời sống của gia đình tôi một cách bi đát, và tôi nghĩ chuyện này đã quyết định con đường nhận thức của tôi, cho dù tôi, cũng như tất cả những đứa trẻ miền Nam khác sau 1975, đã học trong nhà trường xã hội chủ nghĩa. Ðể vượt qua được những trở ngại về lý lịch gia đình, tôi đã cố gắng học rất giỏi suốt những năm tiểu học và trung học. Tôi là học sinh giỏi văn toàn quốc. Tức là tôi đã thuộc làu rất nhiều thơ văn xã hội chủ nghĩa để dự thi học sinh giỏi. Cũng nhờ vậy mà tôi được tuyển thẳng vào Ðại Học Sư Phạm, khoa văn, và khỏi phải vác súng đi làm “nghĩa vụ quốc tế”. Nhưng cho dù phải thuộc làu những bài thơ văn này để đi thi, ngay từ nhỏ tôi đã thấy chúng rất khuôn sáo và đáng chán. Gia đình bên nội tôi còn may mắn giữ được một tủ sách trong đó gồm rất nhiều sách dịch trước 1975. Phần lớn là các sách xuất bản bởi hai nhà xuất bản An Tiêm và Lá Bối. Tôi còn nhớ lúc lên mười, tôi đã trốn xuống gầm bàn để đọc cuốn “Giờ Thứ 25” mà các chú của tôi cho là không hợp với lứa tuổi của tôi. Và tủ sách này thật sự đã góp phần quan trọng vào việc hình thành nhận thức văn chương của tôi. Khi lên đến đại học, ở Sài Gòn, tôi đã kiếm được nhiều sách in trước 1975 để đọc. Tôi nghĩ việc học văn chương xã hội chủ nghĩa thật sự không gây một tác động đáng kể nào lên tư tưởng tôi, vì trong tôi luôn có một phản ứng ngấm ngầm khi phải học loại văn chương này, vì hoàn cảnh gia đình tôi đã dạy cho tôi biết tôi là ai. Và vì tôi sống ở miền Nam, nơi vẫn còn khá nhiều sách vở in trước 1975. Tuy vậy, tôi nghĩ một ảnh hưởng không thể tránh khỏi lên tôi, cũng như lên nhiều nhà văn khác lớn lên ở miền Nam sau 1975, là ảnh hưởng về văn phong. Ðó là một cách hành văn với rất nhiều từ ngữ hành chính nặng nề, và một phương pháp luận có tính biện chứng hai mặt, mà theo tôi đã bị lạm dụng để tránh đi thẳng vào vấn đề, để được an toàn trong sự ba phải. Chẳng hạn như đã “nói chung” thì phải “nói riêng”, “về bản chất” thì như thế này nhưng “về hiện tượng” thì như thế kia. Một ảnh hưởng khác cũng quan trọng là ảnh hưởng của văn chương Soviet, mà theo tôi là một nền văn chương bao gồm nhiều nhà văn tài năng, nhưng cũng rất nặng nề vì phải mang vác nhiệm vụ chính trị và hay triết lý vặt. Những ảnh hưởng này cũng đã từng ghi dấu lên tôi như kết quả của việc lớn lên ở Việt Nam sau 1975.

ÐL: Anh có thể nói về ảnh hưởng siêu thực trong thơ của anh?

PNH: Tôi nghĩ ảnh hưởng của siêu thực đã trở nên quá rộng lớn và sâu sắc trong sáng tạo của thế kỷ 20. Ngày nay anh có thể tìm được dấu vết của siêu thực trong hầu hết sáng tạo hiện đại và hậu hiện đại. Siêu thực đối với tôi chỉ là một phương cách nhìn xuyên qua bề mặt của sự vật, vả quan trọng hơn, được sử dụng như một thủ pháp liên tưởng trong thơ ca. Sự liên tưởng siêu thực cho phép người làm thơ đặt cạnh nhau những hình ảnh dường như không ăn nhập gì với nhau trong đời thường, cho phép mở rộng trí tưởng tượng, và từ đó tạo nên một hiện thực phong phú hơn. Một yếu tố quan trọng khác của siêu thực là lối viết tự động (automatic writing), mà tôi thấy rất thích hợp để vận dụng vào thơ ca. Ðiều này tạo cho thơ những yếu tố bất ngờ, và không phải gò bó trong mạch kể chuyện. Tuy vậy, tôi vẫn cố gắng xây dựng mỗi bài thơ như một tổng thể hoàn chỉnh, được nối kết bằng sự nhất quan của cảm xúc, trong chính sự mông lung và chuyển đổi bất ngờ của hình ảnh. Tôi nghĩ rằng siêu thực đã trở thành một yếu tố của thơ ca đương đại, vì vậy mà những dấu ấn của siêu thực trong thơ tôi là chuyện tự nhiên. Còn bản thân các tuyên ngôn siêu thực thì đã rất xưa cũ.

ÐL: Anh có một bằng cử nhân văn chương Mỹ từ Ðại Học California ở Los Angeles (UCLA). Khi mới tiếp xúc với văn chương Mỹ, anh có những phản ứng gì? Anh thấy văn chương Mỹ khác với văn chương Việt Nam ở những điểm nào? Theo anh, một nhà văn trẻ Việt Nam nên đọc những nhà văn Mỹ nào?

PNH: Ở Việt Nam, ngay cả trước 1975, số lượng các nhà văn Mỹ được dịch và giới thiệu ra tiếng Việt vẫn kém xa các nhà văn Pháp. Sau năm 1975 thì chỉ có một vài “nhà văn tiến bộ Mỹ” được dịch. Cho nên trước khi đến Mỹ, tôi vẫn tưởng văn chương Mỹ cũng như văn chương Âu Châu mà thôi. Cảm giác đầu tiên của tôi khi học văn chương Mỹ là cảm giác thất vọng. Vì văn chương Mỹ dường như quá đơn điệu, không phải là loại văn chương có tính triết lý và nhiều thể nghiệm như văn chương hiện đại Pháp. Nhưng rồi tôi hiểu ra rằng tính chất trực tiếp, không cầu kỳ của văn chương Mỹ là một đặc tính được xây dựng một cách có ý thức và có hệ thống bởi những nhà văn Mỹ. Ðó là một nỗ lực nhằm tạo nên tính cách riêng biệt của văn chương Mỹ, phù hợp với một xã hội tiêu thụ và nền văn hoá thực tế, chú trọng vào tính hiệu quả của người Mỹ. Triết học hiện sinh chẳng hạn, chưa bao giờ là một trào lưu tư tưởng ở Hoa Kỳ. Những thể nghiệm của tiểu thuyết mới Pháp cũng hầu như không gây một ảnh hưởng nào đối với các nhà văn Mỹ. Người Việt Nam dĩ nhiên chuộng kiểu văn chương Âu Châu hơn văn chương Mỹ. Nếu họ có hay bàn tán về một số nhà văn Mỹ thì cũng là một thiểu số những người viết mang nhiều chất Âu Châu hơn Mỹ, chẳng hạn như Henry Miller hay T.S. Eliot. Sự cảm nhận văn chương Hoa Kỳ của tôi gắn liền với quá trình hiểu biết văn hoá và hoà nhập vào đời sống Mỹ, chứ không phải chỉ là những gì được học trong nhà trường. Vì vậy tôi nghĩ sẽ khó cho những người sống ở Việt Nam, là một nơi mà ảnh hưởng của văn hoá Pháp rất lớn, để thấy nét đẹp của văn chương Mỹ. Nhưng tôi tin rằng sự tìm hiểu văn chương Mỹ sẽ có ích rất nhiều cho các nhà văn Việt Nam. Nó sẽ giúp họ bớt triết lý nặng nề, và đặc biệt là có óc hài hước hơn. Tôi nghĩ các nhà văn trẻ nào ở Việt Nam có ý định viết về chiến tranh thì nên đọc Kurt Vonnegut và Joseph Heller để học óc khôi hài của hai nhà văn này. Leroy Jones và Ralph Ellison sẽ giúp họ hiểu tốt hơn về vấn đề chủng tộc ở Mỹ. Norman Mailer và những nhà thơ “Beat Generation” như Allen Ginsberg, Jack Kerouac sẽ cung cấp một cái nhìn đa dạng hơn về văn hoá Hoa Kỳ. Sherman Alexie là một nhà văn trẻ người da đỏ với cách viết vừa thơ mộng vừa khôi hài mà tôi thích. Charles Simic là một nhà thơ nhập cư đã hoà trộn được sự mẫn cảm của Âu Châu với sự trong sáng của văn chương Hoa Kỳ. Và dĩ nhiên là các tên tuổi quen thuộc khác như William Faulkner, Arthur Miller, Henry Miller, Wallace Stevens, E.E. Cummings, Sylvia Path, Frank O’Hara... Anh là người có lẽ sẽ đưa ra một danh sách tốt hơn tôi về các nhà văn Mỹ nên được đọc. Tôi chỉ muốn nhấn mạnh rằng, hơn một quốc gia nào khác, Hoa Kỳ là một đất nước của đa văn hoá. Và điều đó cũng đúng với văn chương Mỹ. Những khái quát về tính chất văn chương Hoa Kỳ mà tôi vừa nói ở trên chỉ là những gì nổi bật nhất, chứ không phải là tất cả đặc tính của văn chương Hoa Kỳ. Ở một xứ tự do như Hoa Kỳ, dĩ nhiên không phải tất cả các nhà văn đều phải viết cùng một kiểu.

ÐL: Cuộc sống lưu vong đã ảnh hưởng đến thơ anh như thế nào?

PNH: Tôi nghĩ là tôi may mắn đã đến Mỹ khi chưa quá lớn tuổi nên vẫn còn đủ sức để đi học, nhưng cũng không quá nhỏ để chỉ biết về Việt Nam một cách sơ sài. Vì vậy mà tôi có thể so sánh, và nhận ra những điều khác biệt của hai nền văn hoá và văn chương. Cuộc sống ở đây rất cô đơn, nhưng người ta có cơ hội để làm tất cả những gì mình muốn, nói bất cứ điều gì mình nghĩ, và không có ai làm phiền mình. Nhất là không chết đói. Và tôi nghĩ một nhà thơ không nên đòi hỏi gì hơn nữa. Những điều còn lại thuộc về vấn đề cá nhân. Ðời sống cô đơn của một người nhập cư ở đây đã cho phép tôi quay vào bản thân mình nhiều hơn, trưởng thành hơn trong suy nghĩ. Tập thơ đầu tay của tôi tập hợp phần lớn những bài thơ viết trong khoảng bảy năm đầu ở Mỹ. Sau tập thơ đó tôi đang cố gắng viết khác đi một chút, theo cái nghĩa là bớt đa cảm (sentimental), và bớt triết lý vặt, như tôi đã nói ở trên. Sự hiểu biết về văn chương Mỹ và văn hoá Mỹ khiến tôi muốn viết một cách trực tiếp và khỏe mạnh hơn. Cuộc sống ở đâu cũng có những vấn đề của nó, nhưng đây là một cuộc sống lưu vong mà tôi đã chọn lựa, và sẽ không bao giờ hối tiếc vì sự chọn lựa đó.

ÐL: Anh đã từng sống ở Orange County và San Jose, hai nơi có rất nhiều văn nghệ sĩ Việt Nam. Anh thấy sinh hoạt văn nghệ ở trong nước, ngoài nước khác nhau như thế nào? Và khác với sinh hoạt văn nghệ của người Mỹ như thế nào?

PNH: Trong mười năm sống ở Mỹ tôi chỉ gặp có hai người làm văn nghệ Việt Nam hai ba lần gì đó, tuy tôi sống phần lớn thời gian ở California, và vẫn gởi bài đăng thường xuyên trên các tạp chí văn chương. Tôi nghĩ ở trong nước, phần lớn các nhà văn đều tập trung ở Sài Gòn và Hà Nội. Vì vậy họ có cơ hội gặp nhau nhiều hơn. Các nhà văn Việt Nam ở Mỹ sống ở nhiều nơi khác nhau, hay ngay khi họ sống tập trung ở Orange County và San Jose thì vì bận bịu với đời sống, họ cũng ít sinh hoạt với nhau hơn các nhà văn trong nước. Các nhà văn Mỹ thì càng sống tản mác hơn nữa. Và nếu muốn gặp họ cũng không phải dễ như ở Sài Gòn, nơi mà mỗi sáng ra quán café đều có thể được diện kiến một người nổi tiếng. Tôi nghĩ sinh hoạt văn chương không phải là một cái gì quan trọng đối với xã hội Mỹ. Tôi còn nhớ tôi đã rất bực bội khi thấy tin Tony Morrison được giải Nobel xuất hiện chỉ một góc nhỏ ở trang trong một tờ báo lớn. Sách báo ở Hoa Kỳ rất nhiều, sách báo văn chương cũng nhiều, nhưng tin tức văn chương không bao giờ là những tin quan trọng. Tuy vậy tôi thấy người Mỹ có cái hay là họ thích làm thì họ cứ làm, và họ rất tự tin. Tôi đã đi dự những buổi đọc thơ tổ chức rất công phu nhưng chỉ leo teo dăm ba thính giả. Nhưng cả người đọc lẫn người nghe đều rất nhiệt tình, vui vẻ, chứ không hề than vãn buồn bã gì. Tôi cũng đã coi một buồi diễn kịch tuyệt vời dài hai tiếng trong một sân khấu nhỏ đằng sau một quan café ở Los Angeles. Tất cả chỉ có khoảng năm khán giả. Nhưng những nhà văn thành công ở Mỹ thì được trả giá rất xứng đáng. Một nhà văn nổi tiếng có thể sống phong lưu cả đời chỉ nhờ vào tiền bản quyền một hai cuôn sách. Tôi có cảm giác rằng các nhà văn Việt Nam hơi quan trọng hoá vị trí xã hội của họ. Ngược lại các nhà cầm quyền ở Việt Nam cũng thích điệu võ đường oai quyền lực của họ đối với các nhà văn. Ở Mỹ, nhà văn ít quan trọng hơn, và hoàn toàn độc lập.

ÐL: Vì anh là Việt Kiều, nên thơ anh không được đăng ở Việt Nam. Ðộc giả ở ngoài nước thì lại quá ít, và ngày càng ít đi. Anh nghĩ gì về tình trạng múa gậy vườn hoang này?

PNH: Tôi không quan tâm nhiều lắm đến điều này, ít nhất là trong lúc này. Tôi quan tâm nhiều đến chuyện tôi phải thu xếp đời sống của tôi thế nào để viết được nhiều hơn. Ðộc giả ở ngoài nước rất ít, và tương lai sẽ ngày càng ít đi, tỉ lệ với số những người già chết đi, trong khi những đứa trẻ lớn lên ở đây thì không rành tiếng Việt. Những đợt sóng người Việt nhập cư cũng đã chấm dứt. Ðó là một hiển nhiên. Nhưng tôi tin rằng chẳng bao lâu nữa các nhà văn hải ngoại sẽ được biết đến nhiều hơn ở trong nước, do xu hướng mở cửa tất yếu của Việt Nam. Nhà nước Việt Nam không thể chỉ kêu gọi Việt Kiều đem tiền, đem sức học về để xây dựng đất nước, nhưng lại luôn cấm đoán các sản phẩm văn hoá của Việt Kiều. Mới đây có người bạn muốn đưa một hai bài thơ của tôi vào một tập thơ in chung ở Sài Gòn nhưng bài của tôi đã bị kiểm duyệt gạt ra chỉ đơn giản vì tôi là Việt Kiều. Nếu tôi không lầm thì chính anh, một người đã dịch ra tiếng Anh cả một tuyển tập các nhà văn Việt Nam, một Việt Kiều đã sống ở Sài Gòn hơn hai năm, một người đã có thơ được chọn vào tuyển tập những bài thơ hay nhất Hoa Kỳ năm 2000, cũng không hề được đăng một bài thơ nào ở trong nước. Tôi cho rằng đó là một sự kỳ thị rất bất công. Và cũng như bất cứ một sự kỳ thị nào khác, nó có nguồn gốc từ sự thiếu hiểu biết. Như đã nói, chuyện “múa gậy vườn hoang” không phải là mối bận tâm lớn nhất của tôi vào lúc này. Tôi cũng có thể có một lối thoát khác, là chịu khó viết bằng tiếng Anh. Tuy vậy, tôi hoàn toàn hiểu được tâm trạng buồn phiền của các nhà văn hải ngoại lớn tuổi hơn trong vấn đề này. Dĩ nhiên ai cũng muốn tác phẩm của mình có người đọc. Tôi nghĩ một sự giao lưu giữa văn chương trong và ngoài nước sẽ đem đến nhiều điều tốt đẹp cho văn chương Việt Nam hơn là sự cô lập. Các nhà văn, những người dịch thuật, và đặc biệt là những người nghiên cứu văn học sống ở nước ngoài, có thể đem đến nhiều điều bổ ích cho văn chương trong nước.

ÐL: Anh đã về Việt Nam ba, bốn lần. Anh nghĩ gì về thế hệ trẻ Việt Nam, và đặc biệt về những nhà văn trẻ ở Việt Nam?

PNH: Trong hai năm liên tiếp gần đây, tôi đã về Việt Nam tổng cộng ba lần. Lần lâu nhất hơn ba tháng. Tôi nghĩ ở Việt Nam bây giờ, ít nhất là ở các thành phố lớn, những người trẻ tuổi có cơ hội học hành tốt hơn, và cũng học chăm hơn cách đây mười năm. Rất nhiều người trẻ tuổi ở Việt Nam giỏi ngoại ngữ, có kiến thức hữu dụng, chứ không phải chỉ toàn học những điều viển vông như trước đây. Tôi tin rằng trong một thể chế dân chủ hơn, nhiều người trẻ tuổi ở Việt Nam sẽ thành công, và có thể góp sức giúp Việt Nam vươn lên mau chóng. Mặc khác một xã hội lạc hậu trong thời mở cửa cũng tạo ra nhiều điều lố bịch. Chẳng hạn như việc rất nhiều người trẻ tuổi ở Việt Nam sùng mộ văn hoá phổ thông Hàn Quốc, mà không thấy rằng cái văn hoá phổ thông Hàn Quốc đó cũng chỉ là một sản phẩm của sự học đòi vội vã từ những cái kệch cỡm của văn hoá phổ thông Mỹ. Và có cả một tâm lý thực dụng bất chấp tất cả ở nhiều người trẻ tuổi, đặc biệt là phụ nữ.

Về các nhà văn trẻ ở Việt Nam, tôi nghĩ họ đã thoát ra được phần nào lối viết khuôn mẫu cứng nhắc trước đây. Nhưng cái trở ngại lớn nhất là họ thiếu thông tin về thế giới bên ngoài. Ðiều này làm cho văn chương của họ tựu trung vẫn còn rất nặng nề, mang nặng tính triết lý của các thầy giáo làng. Họ hay thích khái quát hoá và cố làm ra vẻ hiện đại. Tôi nghĩ họ nên có óc khôi hài thì tốt hơn, và nên tập trung vào việc phản ảnh cái hiện thực sôi động của Việt Nam hơn là tìm cách triết lý về nhân loại, hoặc đề cập đến những điều mà mình không thật sự am tường lắm. Tôi thích Phan Thị Vàng Anh vì lối viết tinh tế của nhà văn này. Ở Phan Thị Vàng Anh không có sự làm dáng như nhiều nhà văn Việt Nam khác, và truyện thường rất sâu sắc. Nguyễn Quốc Chánh là một nhà thơ rất giỏi về hình ảnh và có lối suy nghĩ sắc sảo. Thơ của anh phản ảnh những suy tư trí thức về một Sài Gòn đang “hoà nhập” nhưng không di chuyển nổi trên những đường phố chật hẹp kẹt xe gắn máy vào buổi trưa nóng bức. Thơ Văn Cầm Hải có nhiều liên tưởng rất lạ, mặc dù đôi khi hơi có vẻ cầu kỳ.

ÐL: Nếu đã không sang Mỹ, thì bây giờ anh đã trở thành thi sĩ nào của Việt Nam?

PNH: Nếu không sang Mỹ thì giờ đây có thể tôi đã chết vì suy dinh dưỡng. Nhưng có nhiều khả năng hơn là tôi đã trở thành một thi sĩ vừa bất mãn vừa bất lực sống lang thang ở Sài Gòn và mơ đoạt giải Nobel.


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021