thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
Vu vơ về việc viết văn (2): Đổi mới

 

Lời tác giả:
 
1. Chữ “việc viết văn” ở đây mang nghĩa khá rộng, tương tự khái niệm “écriture” trong tiếng Pháp và “writing” trong tiếng Anh, chỉ kết quả của động thái viết như một hành vi sử dụng ngôn ngữ nói chung, chứ không hẳn chỉ giới hạn trong phạm vi văn xuôi. Nói cách khác, với tựa đề này, tôi có thể viết linh tinh về đủ mọi thứ, từ thơ đến văn, từ sáng tác đến phê bình và lý thuyết.
 
2. Một số ý trong loạt bài này được lấy lại từ những trang sách cũ tôi đã viết và đã xuất bản. “Lấy” chứ không phải “trích”. Khi “lấy” lại như thế, tôi có thể thêm bớt, sửa chữa, nên có khi chúng khác rất xa hình dạng ban đầu. Chính vì thế, tôi cảm thấy không cần phải ghi xuất xứ. Dù sao thì cũng là của mình mà.
 
3. Tôi biết là không nên nhưng tôi không thể cầm lòng để không thú nhận điều này: tôi rất thích cái tựa chung của loạt bài này. Sáu phụ âm “v” đi liền với nhau khiến đọc lên, nghe cứ nhẹ thênh thênh.
 
Quốc

 

___________________

 

ĐỔI MỚI

 

Một số người, đây đó, hay lên án hoặc dè bĩu những người đổi mới là những kẻ cực đoan. Thật ra, trên nguyên tắc, bất cứ khát vọng đổi mới nào cũng xuất phát từ cái nhìn có tính chất tương đối luận: những người đổi mới là những người bị ám ảnh hơn ai hết sử tính của mọi hiện tượng: một mặt, cái gì cũng gắn liền với một thời điểm với những điều kiện văn hoá nhất định; mặt khác, không ai có thể hoàn toàn đoạn tuyệt được quá khứ để có thể thanh thản xây dựng sự nghiệp từ một con số không. Một số hệ luận được những người đổi mới rút ra từ hai khía cạnh ấy: thứ nhất, không có những giá trị phổ quát và vĩnh cửu có thể làm khuôn vàng thước ngọc cho mọi người qua những thời đại khác nhau; thứ hai, vì không có những giá trị tuyệt đối như thế nên mọi thử nghiệm đều được phép, hơn nữa, cần được cổ vũ; thứ ba, những thử nghiệm ấy, dù táo bạo đến mấy, vẫn thoát thai từ một quá khứ nhất định. Ở hệ luận thứ ba này, những người đổi mới và những người thủ cựu giống nhau: cả hai đều dựa vào quá khứ. Nhưng sự giống nhau chỉ dừng lại ở đó. Trong khi những người thủ cựu nỗ lực - thường là một cách tuyệt vọng - duy trì nguyên trạng quá khứ, những người đổi mới cố gắng viết lại quá khứ để vun bồi gốc rễ cho các dự phóng hướng tới tương lai và để mọi vận động lại được tiếp tục. Bởi vậy, hầu như phong trào đổi mới văn học thực sự nào cũng, nếu không xuất phát từ, thì cũng gắn liền với nhu cầu tái tạo lịch sử, từ đó, không những hiện tại được đổi mới mà cả quá khứ cũng mang một diện mạo mới.

Nói cách khác, đằng sau phong trào đổi mới nào cũng có một lịch sử được viết lại. Không chừng điều các nhà cầm quyền e ngại nhất khi đối diện với những phong trào đổi mới trong phạm vi văn học chính là ở chỗ đó: với phong trào đổi mới ấy, không ít những thần tượng cũ sẽ bị lật đổ. Mà những thần tượng ấy lại gắn liền với những huyền thoại có chức năng duy trì quyền lực của họ.

 

 

----------

Đã đăng:

Vu vơ về việc viết văn (1): Xa lộ là tử lộ


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021