thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
«Tất cả bắt đầu ở nơi khác»

 

Bản dịch Diễm Châu

 

ROBERTO JUARROZ

(1925-1995)

 

Cái lớn lao và cố nhiên là duy nhất trong thơ của Juarroz, trước hết là cái nơi chốn của nó, cái phạm vi nơi nó dàn trải. Như đối với mọi thi sĩ, đó là thế giới, nhưng được đề cập tới như thế nào? Juarroz không diễn tả thế giới tựa như nó vẫn thường xuất hiện với chúng ta, nhưng trong sự mập mờ lơ lửng của nó và điều xa lạ này, điều xa lạ nó tàng trữ, trong khuôn mặt bị che giấu của nó và mặt trái của nó, mà không mỏi mệt ông đã truy lùng trên mặt, ở tầm mức của những gì đối với chúng ta là mặt phải của nó. Khuôn mặt thế giới xoay về phía chúng ta trong kinh nghiệm thông thường đối với ông chỉ là một điểm khởi hành nơi từ đó thơ ông cất lên, trong một thứ tra vấn lặp lại ở mỗi bài thơ, trong suốt một công trình có tính cách vô danh lạ lùng bao giờ cũng chỉ mang một tựa đề duy nhất: Thơ thẳng đứng.

Về ông, người ta đã nói tới thơ «siêu hình». Theo ý tôi, đây không phải là từ chính xác. Juarroz không diễn tả thành những bài thơ những tia chớp của tư tưởng. Ông cũng chẳng tìm cách gỡ ra như một tư tưởng của thế giới, nội tại nơi thế giới. Ông gắn vào thế giới một cái nhìn dò xét, cái nhìn đảo ngược hình ảnh của thế giới mà không thay đổi nó kể như thế giới. Khởi đi từ cái cụ thể nhất, ông đã biến đổi nó thành thơ bằng cách khúc lệch nó, kéo dài nó ra ngoài chính nó cho đến khi đạt tới cái mặt trái của nó, và hơn cả cái mặt trái của nó, như hình ảnh đảo ngược của nó, xa lạ, lửng lơ, mà chúng ta không thấy. Tóm lại, ông dành diễn từ cho thế giới, một diễn từ chưa từng nghe nói, thật khó tin và choáng váng: diễn từ mà ông cũng có kể như thế giới, trong cái lạ lùng cực độ của nó.

Ít ra thời tôi thấy cái cách tiến hành của ông nó như thế. Đó không phải là «siêu hình». Đó cũng chẳng phải chỉ là «thơ». Mà là hiệu quả của hai thứ đó hợp làm một, sau sự nổ bùng của điểm gốc đã tạo thành, một đằng, là thơ và, đằng kia, là tư tưởng đã được cơ cấu hóa. Cái mới mẻ lớn lao của Juarroz là ông đã phối hợp cả hai lối đề cập tới thực tế. Là nhà thơ, ông đã tìm tới những phương tiện duy nhất của thơ, nhưng chính là để dẫm lên địa hạt của tư tưởng, để vạch ra ở đó một con đường, kể từ đó, không còn chỉ là một con đường của tư tưởng. Có thể nói rằng ông suy tưởng như thi sĩ, nhưng nhắm tới một tư tưởng mới và không chướng ngại, được khai thông một cách khác.

Kết quả cố nhiên là «bài thơ», nhưng theo nghĩa nguyên thủy nhất của từ này, mà ông đã có trước mọi phân xẻ: vừa thơ vừa tư tưởng, hợp thành một toàn bộ không thể phân tán.

Tôi đã nói rằng ông sử dụng những phương thế bình thường của thơ. Nhưng chính là bằng cách điều hòa chúng, siết chặt chúng, để chúng có thể phục vụ định ý của ông hay hơn cả. Thật ít hình ảnh, nơi Juarroz, và không một hình ảnh nào trong những thứ, thật rực rỡ, khiến chúng ta lần lữa bên chúng và có thể khiến ta đi lạc. Thật ít những từ chói sáng nọ, những từ rất có thể kìm giữ ta lại ở ngoài cái nghĩa trống trơn mà ông tìm cách tô đậm. Những bài thơ của Juarroz hoàn toàn không phải những đối tượng ngôn từ tự nguyện làm những thứ «kỳ hoa dị thảo», thu vào với chính mình, khép kín trên chính mình. «Niêm luật» ở đây thật mềm dẻo và bao giờ cũng liên kết với nghĩa. Yếu tố chắc chắn là có tính cách thơ hơn cả trong đó là nhịp điệu, một nhịp điệu bền bỉ, đều hòa, đôi khi hối hả, nhưng cả nó nữa, nơi tầng ngôn từ, cũng chỉ khắng khít với sự chỗi dậy tinh khôi của thế giới thứ nhì hay kép mà tôi đã nói, hiện ra từ những vùng sâu thẳm.

Ta hãy xem xét tất cả bằng một bài thơ khá ngắn trong tập Thơ thẳng đứng thứ mười ba, tập sách cuối cùng đã xuất bản của ông:

 
Tất cả bắt đầu ở nơi khác.
 
Chẳng quan trọng gì nếu một vài sự vật nào đó
hãy còn ở đây
hoặc kết thúc ở đây nữa:
ở đây chẳng có gì bắt đầu.
 
Chính bởi thế mà lời nói này, cái im lặng này,
cái bàn này, chiếc bình này, những bước chân em,
nhất thiết chẳng bao giờ có ở đây.
 
Tất cả bao giờ cũng ở nơi khác:
ở đó ở nơi nó bắt đầu.
 

Đâu là thế giới trong thế giới, bài thơ hỏi, thế giới thật trong cái thế giới, thông thường, của thói quen, trên đó chúng ta trườn đi, bằng một sự quen thuộc dị kỳ cho phép chúng ta sống mà không choáng váng mặt mày? Cái ở đây, nơi chúng ta hít thở, làm bằng gì? Một vài từ: bàn, bình, những bước chân em, lời nói này, cái im lặng này, cũng đủ để gợi ra nó, từ cái tầm thường nhất tới cái tinh tế nhất. Còn những từ nào giản dị hơn! Nhưng chúng được dùng trong một tiết điệu vừa lên dần vừa tiết lộ, mở ra bằng xác ngôn khởi đầu Tất cả bắt đầu ở nơi khác, nó cho chúng một sức nặng, một tầm quan trọng đột ngột và bất thường, chính sức nặng của thế giới nơi chúng ta hiện hữu, tự nhắc nhở với chúng ta. Một khoảnh khắc tự nhắc nhở, là vì đây chính là vấn đề bỏ mất nó. Câu thơ đầu tiên, một mình nó, mở ra một vực thẳm. Ta càng đi tới, vực thẳm ấy càng lõm xuống. Cái thế giới đơn giản, ngay từ đoạn thơ đầu, đã lung lay và phân rẽ. Thế giới ấy, nơi các sự vật, hãy còn ở đây và cũng có thể kết thúc ở đây nữa, tồn tại mãi ở đây nữa tới lúc chót. Nhưng câu thơ kế tiếp lập tức phá vỡ sự kỳ diệu, du nhập vết nứt, thẳng tay bôi bỏ chuyện ở lại bằng cách lộn ngược cái ở đây như một chiếc găng tay: ở đây chẳng có gì bắt đầu. Chỗi dậy lúc đó là một mặt trái xa lạ, chỉ thống ngự một cách tiêu cực, là vì nó không cùng loại với cái bề ngoài bao quanh ta. Như một tấm màn vươn rộng trên quang cảnh quen thuộc. Những sự vật chắc chắn tạo thành cái trang cảnh bên ngoài của nó, tỏ ra là chúng không còn gì chắc chắn, rằng chúng cũng chỉ có ở đây một cách rất yếu ớt, và còn, nhất thiết, bài thơ nói rõ, chẳng bao giờ có ở đây. Nhưng vậy thời chúng ở đâu? Thực sự cái thế giới-thế giới tự dàn trải ở đâu? Hai câu thơ chót, đứng cách biệt, sẽ nói ra điều đó, chúng sử dụng lại xác ngôn đầu tiên, nhưng lần này tự nó đã phình ra, xác ngôn lúc khởi đầu chỉ có tính cách bí hiểm: Tất cả bắt đầu ở nơi khác. Những gì hiện hữu, tất cả những gì hiện hữu ở chung quanh chúng ta, hiển hiện, sờ mó được, tắt một lời: có mặt, một sự có mặt câm điếc hay sáng rỡ, tất cả những thứ đó không có ở đây, mà ở nơi khác, bao giờ cũng ở nơi khác. Mặt trái của thế giới, vào lúc chung cuộc, đã chỗi dậy, một mặt trái không nơi chốn, một mặt trái cũng chỉ ở nơi khác. Người ta không thể nói là ở đâu, nhưng chắc chắn là không phải ở đây. Sự lung lay là «bất phản hồi», điều mà bài thơ muốn sản sinh, sự đảo lộn đã hoàn tất. Thế giới, tóm lại, thoát khỏi chính mình và, bởi thế, thoát khỏi chúng ta. Nó thực sự không có ở đây, ở tầm mức kể như của kết quả, mà chỉ có ở đó ở nơi nó bắt đầu. Cố nhiên đó cũng vẫn sẽ là cùng một thế giới, là vì ở nơi xa đó, trong cái ở nơi khác không thể lại gần ấy, đúng là nó bắt đầu. Nhưng đó cũng không thể là cùng một thế giới ấy, chỉ với tư cách là nó bắt đầu ở đấy, trong một giấc mơ rạng ngày. Đó chính là thế giới này và một thế giới khác, thế giới này và thế giới khác của nó trong cùng một chuyển động, nơi chúng ta hiện hữu và không còn hiện hữu nữa – nếu những gì hiện hữu chỉ hiện hữu ở đó ở nơi chúng bắt đầu –, nơi mà, rốt cuộc, vừa ở đó, do một tác dụng của sự sai chệch méo mó diễn ra như trong chớp nhoáng, thực ra chúng ta cũng vừa không có ở đó.

Chỉ trong ít chữ và phát hiện trong cái ít ỏi đó, quả là một tai biến dữ dội! Thế giới, trong lúc vẫn còn là thế giới, đã đảo ngược trong ký hiệu của nó. Đọc một bài thơ như thế, và nhiều bài khác cũng căng thẳng như thế, người ta bước ra choáng váng. Và người ta có thể tự hỏi: biến cố ở bên trong đã mang tính chất nào – thi ca hay tư tưởng, để bỏ chúng ta lại như thế, không thốt được một lời, ở nơi xa lạ? Đó là tính chất thi ca, thoạt đầu tôi đã toan nói. Là vì, trong lúc không phải chỉ là một hình ảnh đơn thuần, sự «bắt đầu» mà bài thơ gợi ra, tự bản chất, trước hết là thi ca, do sự mập mờ lơ lửng, khoảng so le, chênh lệch mà nó tạo ra hướng tới một thế giới vô hình, bấp bênh, nhưng ngấm ngầm cảm thấy. Do vọng âm của nó và khả năng của cái vọng âm khuấy động ấy nơi chúng ta... Thế nhưng, cùng lúc, đó cũng là một tư tưởng sâu sắc, mãnh liệt và mới mẻ, mở ra những viễn cảnh tuyệt vời về tính ngẫu nhiên, bấp bênh, không chắc chắn của thế giới nơi chúng ta hiện hữu và tính hữu hạn giả dối, gây thất vọng của nó. Tư tưởng ấy nói: thế giới là kép và phân xẻ giữa cái phần đã hoàn thành của chính nó và cái phần, hãy còn nguyên, không thể chạm tới và hoàn hảo nơi mà nó chỉ mới «bắt đầu». Vậy thời tư tưởng nói ra điều đó, nhưng không phải là theo cách thức thông thường của nó. Nó nói ra điều đó trong một chuyển động của thơ, một lối bước của thơ, nó được phối hợp với những điều đó trong cách cấu tạo của bài thơ và, hơn thế nữa, trong phản hưởng của nó nơi chúng ta. Đồng thời, đó cũng là một «ý niệm» mạnh hơn là ý niệm mà, nếu chỉ có một mình, tư tưởng có thể sản sinh trong kiểu thức của nó, kiểu thức tự cấm chỉ sự mơ mộng và mọi xâm nhập có thể là mạo hiểm đối với nó, trong những giới hạn là giới hạn của nó, trên những vùng đất nổi tiếng là bấp bênh. Gần như một ý niệm thuần khiết, nhưng được phối hợp mạnh mẽ với thực tế bằng sự cắm rễ vào cái ở đây, bốn lần được kể tên trong bài thơ, và bằng sự ghi vào một cái ở đó, cố nhiên là một cái ở đó thuộc về nơi khác, nhưng cũng là một cái ở đó không thể chối cãi, ở chỗ nó trước tiên là ở trong chúng ta, hay cũng ở trong chúng ta không kém, khi bài thơ chạm tới chúng ta. Ấy là điều khiến cho, sau khi đọc, ta có cảm tưởng như đúng là bài thơ đã dẫn dắt suốt cuộc chơi. Nhưng ấy là một thứ thơ được thanh lọc biết bao, không để ý gì tới chính mình, có thể nói là chỉ băn khoăn tự vạch ra con đường của mình, một con đường khác biệt trong những vùng chưa bị xâm phạm và hầu như bị cấm chỉ, cả cho thơ kể như thơ lẫn cho tư tưởng kể như tư tưởng.

Phải chăng đó là cái ý nghĩa mà người ta có thể ghép cho sự «thẳng đứng» mà Juarroz không hề tách rời trong gần bốn mươi năm: cái ý nghĩa như của một cuộc nổi dậy, của một sự thức giấc được báo trước, cả trong văn chương lẫn trong phạm vi một tư tưởng đang suy tưởng, ít tách rời và đồng thời mở ngỏ hơn đối với phiêu lưu mạo hiểm trong những cách thức ông sử dụng để đề cập tới thế giới và thân phận chúng ta trong thế giới? Bài học mà nhà thơ để lại cho chúng ta trong một sự nghiệp vô song, sừng sững như một đỉnh cao đơn độc ở chân trời của chúng ta, là thế giới vẫn khôn dò và vẫn là vực thẳm bất chấp những sự nhúng tay xen vào của chúng ta, và sự hiện diện của chúng ta nơi thế giới, theo từ ngữ của Rimbaud, vẫn còn phải «sáng chế lại».

Ước chi, tiếp theo ông, trong bước đi thật thơ và đầy viễn ảnh của một vài dòng thơ mà tôi đã trích dẫn giữa biết bao dòng thơ khác, ít ra là chúng ta hãy chấp nhận rằng cố nhiên tất cả những gì xác định trách vụ của chúng ta và khiến nó ngày càng khẩn cấp hơn «bắt đầu ở nơi khác».

 

ROGER MUNIER
(NRF, tháng Mười 1995)

 

-------------------

ROGER MUNIER: nhà thơ Pháp hiện đại, nguyên giáo sư triết học, một trong hai hay ba người dịch chủ yếu dịch thơ Roberto Juarroz sang Pháp văn. Còn là dịch giả nhiều thi phẩm uyên áo khác.

 

_________________

 

Mời độc giả thưởng thức trọn vẹn tác phẩm THƠ THẲNG ĐỨNG THỨ MƯỜI HAI (gồm 82 bài thơ) của Roberto Juarroz qua bản dịch của nhà thơ Diễm Châu, đăng song song trên Tiền Vệ.

 


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021