thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
Giữa văn học và chính trị

Trong vài ba thập niên lại đây, hiện tượng dị ứng với chính trị trong văn học có lý do để trở thành mốt thời thượng. Người ta không chỉ lên án chính trị như một tên cai tù của văn nghệ mà còn coi chính trị như là nguyên nhân đưa văn học nước nhà đến chỗ bi đát. Có vô khối lý do để cắt nghĩa hiện tượng dị ứng này. Tuy nhiên, từ cực đoan này sang cực đoan kia, các nhà văn đã và đang toan tính khai tử mầm mống chính trị ra khỏi văn chương. Điều này, mới thoạt nghe là có lý, thậm chí có lợi cho văn chương hơn nếu nó (văn chương) không còn bị hành hạ bởi cái vòng kim cô Tôn Hành giả trên đầu. Tuy nhiên, sự đời vốn không phải cứ muốn đơn giản là cứ đơn giản hoá được. Thấy cứ tranh cãi bùng nhùng chính trị hay không chính trị, tiện hơn cả là vứt quách nó đi. Đào lỗ chôn chặt nó xuống. Thế là xong.

Ý tưởng này làm tôi chợt liên tưởng đến mấy anh nghiện thuốc lào ở xứ ta, cứ đổ vấy cho cái điếu cày nguyên nhân nghiện ngập, rồi nẩy ra sáng kiến là chôn cái điếu xuống đất. Nhưng rốt cuộc trí nhớ không tự đánh lừa được, lại đành phải "đào điếu lên".

Theo tôi, tội ác của chính trị đối với văn học và văn nghệ sĩ nẩy sinh ra bởi ý đồ muốn thôn tính văn học cũng như các hình thái ý thức xã hội khác của cơ chế chính trị trong chế độ độc tài. Bản thân ý thức chính trị, với tư cách là một trong những hình thái ý thức xã hội vốn không có lỗi tự thân. Thậm chí nó sẽ là người bạn tốt của văn học, nếu nó không bị cơ chế chính trị thiết chế hoá mối quan hệ chủ tớ như cách làm mà chúng ta vẫn thấy ở trong nước lâu nay. Trong khi lên án ý đồ chính trị hoá văn học, các văn nghệ sĩ và các nhà nghiên cứu đã hoàn toàn có lý khi khẳng định vai trò độc lập, bình đẳng trong mối quan hệ giữa văn học và chính trị. Văn học sẽ cằn cỗi, nếu nó bị nô dịch hoá, nó bị chính trị ngồi xổm lên trên đầu để dẫn dắt sai khiến.

Quả thật, các mối quan hệ giữa văn học và chính trị xảy ra ở xứ ta lâu nay trong tình trạng chính trị chơi xấu, ăn gian đối với văn học. Mới đầu thì chính trị lân la kết bạn, kêu gọi nhập cuộc, sau đó thì chơi xấu theo kiểu của kẻ có quyền và có tiền. Văn học đành phải "đeo mặt nạ" hoặc đánh đĩ với chính trị. Đó là tổn thất, đổ vỡ không bao giờ còn hàn gắn được trong lịch sử văn học Việt Nam.

Tuy nhiên, ở một thái cực khác ta thử đặt câu hỏi: Liệu có thể dễ dàng, đơn giản hoá vấn đề bằng cách quay lưng lại với chính trị? Liệu có thể có cái gọi là "thuần túy văn chương", trong đó người làm đầu bếp văn nghệ cứ độc diễn một món "thuần túy"?

Một quan niệm "văn chương thuần túy" không những tự cô lập văn chương với chính trị mà còn cô lập văn chương khỏi các hình thái xã hội khác như đạo đức, triết học, tôn giáo v.v... nhưng liệu có thể có như thế được không?

Trước khi vào cuộc ta thử hình dung một không gian hạn hẹp mà những kẻ chủ xướng do hoặc là quá cáu tiết với mọi thể chế chính trị hoặc là muốn tránh mọi phiền hà rắc rối chụp mũ cả từ phía này lẫn phía kia, rồi tự vẽ cho mình một cái vòng nhỏ dưới chân để tự hạn chế. Trong khi đó văn học, theo chỗ tôi biết chỉ ghét sự nô dịch của thể chế chính trị (được thể chế hoá trong đường lối văn nghệ, nguyên tắc biên tập và lý luận phê bình..) hoặc tàn dư của thể chế chính trị (chụp mũ, lăng mạ cá nhân...) chứ không hoàn toàn vô cảm đối với chính trị. Văn học vẫn thường lân la kiếm cớ để đồng hoá từ chính trị, đạo đức, triết học, tôn giáo v.v... những gì có lợi cho mình, chỉ có điều nó không chơi xấu, và trên thực tế nó không có phương tiện quyền lực để chơi xấu đối với các hình thái ý thức xã hội khác. Như vậy, trong mối quan hệ hai chiều giữa văn học và các hình thái ý thức xã hội khác, văn học chỉ đòi hỏi sự bình đẳng để nó được làm cái công việc đúng chức năng của nó: Sản xuất những thú tiêu khiển. Trong trường hợp này, ta cứ hình dung nhà văn như một gã đầu bếp giàu kinh nghiệm. Thực tại, các hình thái ý thức xã hội khác như là những gia vị để tạo món không thể thiếu. Trong tạp chí Hợp Lưu số Tân niên Mậu Dần 1998 có một truyện ngắn "thuần túy chính trị" nhưng lại là mẫu mực của một truyện ngắn hấp dẫn của một tác giả ẩn danh từ trong nước:" Phòng X khu nội trú". Trong truyện ngắn này chứa đựng những vấn đề nhân văn và chính trị của cả thế kỷ mà chúng ta đang sống. Một truyện ngắn không có cốt truyện. Các vấn đề chính trị xã hội được đưa ra trong mối quan hệ đối lập đa cực để làm bật nổi vấn đề. Cái hay của truyện ngắn này theo tôi là ở cách đối chiếu các bảng định giá và các quan niệm định giá ở cấp chỉnh thể. Ở cấp chi tiết tác giả đưa ra cặp đối lập: Những kẻ điên và những người tỉnh. Ở cấp độ trừu tượng là sự đánh tráo khái niệm tương đối giữa điên và tỉnh, giữa cái thuận lý và nghịch lý. Nhìn ở góc độ này của bảng định giá thì những kẻ nhân danh đám đông để thực thi các loại chủ nghĩa là những kẻ "cứu thế", nhưng nhìn ở góc độ khác, góc độ văn hoá nhân loại chẳng hạn thì chính họ mới là những thằng điên. Những kẻ nhân danh "cứu thế" vốn là những kẻ ít có khả năng biện chứng nhất trong cách tiếp cận những vấn đề xã hội, nhân sinh. Họ chỉ đẻ ra những bảng định giá một chiều thô cứng què quặt "Mười tuổi, hầu như cả bọn đã thủ đắc một quan niệm hết sức chuẩn mực về các cặp phạm trù đối kháng, cũng như sở hữu được một lòng tín thác không gì lay chuyển nổi vào một nhân loại tất thắng. Mà thắng gì? Thì đấy: Chân thắng Nguỵ, Chính thắng Tà, Mỹ thắng Xú, vân vân. Như cổ tích vậy, đúng không? Trong cổ tích, có vô thiên lủng các Ông Thiện, vô thiên lủng các Thạch Sanh,... toàn năng, toàn ái toàn mỹ,...Tất nhiên không dám thiếu những đứa Ngoáo Ộp, những thằng Lý Thông,... song bọn này thì nghĩa lý gì; chúng chỉ có một chức năng: Chiến Bại, và tiện thể, vun xới cho thêm chắc khoẻ cái niềm tin vốn đã chắc khoẻ của chúng tôi vào một tiền đồ nhân loại."

Dưới góc độ nhại lại "con người chính trị" để rồi đối lập nó một cách kín đáo với các chuẩn mực khác như con người nhân văn, con người đời thường, truyện ngắn cho ta một cách nhìn khôi hài thông minh, thú vị:

"...Không thể tin ngài. Nào, xin há miệng. Có răng vàng không?
Thưa không.
Đứng lên.
Cởi quần áo ra.
Nữa.
Nữa.
Bỏ tay xuống, Ngài không phải e lệ.
Nữa. Cởi hết. Thế!
Ngài có dấu diếm tiền bạc hay quý kim đâu không?
Thưa không.
Chổng mông lên. Mở hậu môn ra xem, thưa ngài..."

Những người "điên" cũng bằng cách trên, nhại lại các h nhìn về "con người sinh học", "con người hình nhi hạ" hồn nhiên nhi nhiên, trong cái nhìn ngầm so sánh với các "khuôn mẫu tác phong" của "con người công cộng" nhân danh chính trị:

"Tôi xuất thân từ một con tinh trùng.

Việc xảy ra như thế nào?

Tôi đã khai sinh từ một cõi thâm sơn nào của Bố, sau đó chuyển sang tạm trú ở một cõi cùng cốc khác của Mẹ, được đâu hơn chín tháng thì xuất ngoại, thường trú hẳn giữa cõi người ta, mà lần này mới thật bất trắc."

Một cách "tự thuật tiểu sử" trái với lẽ thường của các bản lý lịch tự thuật.

"Vòng quay" của một đời người từ "hồn nhiên nhi nhiên" đến khi đã được "cải huấn" dưới cách nhìn đa chuẩn mực, đã níu kéo các bảng định giá khác hệ thống vào cuộc "cọ xát" trái khoáy để làm khuếch trương cái phi lý của các-hệ -giá -trị-đơn-tuyến. Mỗi gã "điên" đại diện cho từng phần phi lý của các bảng định giá. Mỗi chặng trong đời người là những cuộc đánh tráo các hệ giá trị. Từ cái nhìn nhiều chiều về "đám đông", về "cõi người", tác giả cho thấy một cách tiếp cận dí dỏm thông minh của người "điên" về một nhân loại đã tha hoá, đã điên rồ, đã đơn điệu nhàm chán đến mức phi lý. Cách nhìn đó tạo nên hứng thú thẩm mỹ. Cái hấp dẫn của truyện ngắn này là cách nhìn đa tuyến về những vấn đề phức tạp nhất của đời người gắn liền với các bảng định giá của chính trị, triết lý, đạo đức... và những giá trị nhân văn, nhân bản. Nó không hướng tới một thông điệp rạch ròi nào về chính trị, triết lý hay đạo lý. Nó chỉ đưa ra những-mối-liên-hệ-đa-tạp của cõi người. Những kẻ mưu toan đồng hoá cá tính cá nhân vào một nhân loại phi bản sắc, một đám đông cuồng tín... chỉ là "đấng cứu thế" của một nhân loại dã man.

Như vậy, cái dị ứng chung chung đối với chính trị của văn học đích thị là không công bằng và khách quan. Văn học muốn tồn tại đúng chức năng của nó, đừng để bị chính trị (cơ chế chính trị và ý thức chính trị) nô dịch, đồng hoá để đánh mất mình. Văn học chỉ mang chức năng sản xuất những thú tiêu khiển phục vụ đời sống tinh thần của con người. Nhà chính trị có thể "đọc" và khai thác trong văn học những ý tưởng chính trị rạch ròi nào đó nhằm phục vụ cho lợi ích của chính trị, nhưng đó lại là việc riêng của họ. Không vì thế mà bắt văn học cõng thêm chức năng "nhận thức". Cũng như thế , nhà đạo đức học có thể khai thác văn học cho những mục tiêu đạo đức trong các sách giáo khoa thư, nhưng không vì thế mà bắt văn học cõng thêm chức năng giáo dục. Ngược lại, văn học có thể "dung dăng dung giẻ" để dắt mũi các hình thái ý thức xã hội khác cũng như thực tại để nhằm đồng hoá chúng cho mục tiêu sản xuất thú tiêu khiển. Nó (văn học) có mối quan hệ chặt chẽ với chính trị nhưng nó không làm thay chức năng của chính trị. Nhà văn không mượn văn chương để ám chỉ chính trị ngay cả khi các nhà chính trị, với tinh thần cảnh giác cao độ, thường chụp mũ cho nhà văn cái "dụng ý xấu" này.

Một mặt khác, có thể dễ dàng nhận thấy một đặc điểm quan trọng hàm chứa trong đối tượng phản ánh của văn học: chủ-thể-con -người không bao giờ là một cá nhân vô bản sắc mà nó đã chịu quá trình xã -hội-hoá của một môi trường văn hoá nhân văn nào đó. Môi trường văn hoá này không thể không liên quan đến một kiểu ý thức chính trị nào đó, một chính kiến đối với một thể chế chính trị nào đó. Trong mỗi con người, kể cả khi cá thể này muốn tuyên bố không có quan hệ lằng nhằng với một thể chế chính trị, hay một ý thức chính trị nào đó; thì ngay cả khi đó , chính anh ta cũng đã bộc lộ một thái độ chính trị.

Mỗi con người tự nó, dưới dạng hồn nhiên hay có ý thức thường đã hàm chứa những khuôn-mẫu-tác-phong-chính-trị.

Chi tiết nhân vật giáo Hiến lẩn thẩn hàng tháng trời chỉ vì tiếng gõ cửa hiếm hoi khi ông vắng nhà vào cuối đời là bằng chứng về "bệnh nghề nghiệp" của một "cố vấn" chính trị hết thời. (Sông Côn mùa lũ, Nguyễn Mộng Giác). Có không ít những tướng lĩnh bại trận dẫu ra xứ người rồi vẫn thích sống với thời vàng son chính trị đã thuộc về quá khứ. Vẫn thảng hoặc đâu đó, trong những cuộc sinh hoạt cộng đồng nào đó, người hùng của thuở xưa còn thích chào nhau bằng cấp bậc, ngôi thứ. Trong đời sống thường nhật, không hiếm kẻ say quyền lực chính trị đến nỗi trở nên gàn dở. Hiện tượng sùng bái quyền lực, cúi đầu nịnh bợ vì quyền lực hoặc tác oai tác quái khi nắm trong tay quyền lực là bện lạm phát chính trị của mọi thời. Nếu chịu khó quan sát những chân dung này, nhà văn sẽ chớp được những khoảnh khắc thú vị hiếm có mà kẻ say trong cuộc không bao giờ tự nhận biết.

Đặc biệt, với vai trò chủ thể sáng tạo, nhà văn bao giờ cũng quan sát nhân vật của mình, đối tượng phản ánh của mình trong một hệ chuẩn giá trị xã hội nào đó, hoặc so sánh các tương quan đối kháng của cá hệ giá trị để phân tích tâm lý nhân vật, hoặc lựa chọn giọng điệu trần thuật. Chính trị, đạo đức, triết học, tôn giáo... là những hình thái ý thức xã hội, được con người tiếp nhận, góp phần xã hội hoá con người để trở thành những biến thể tâm lý xã hội phức tạp trong mỗi cá thể, mỗi nhân cách, khó lòng chia tách một cách cơ học, máy móc.

Không quay lưng lại với chính trị cũng như các hình thái ý thức xã hội khác, nhưng nhà văn không được quên thiên chức của mình là người nghệ sĩ.

Người nghệ sĩ trong chế độ toàn trị không có quyền đòi hỏi thiên chức này. Điều đơn giản là chế độ hiện hành không trả lương cho anh ta vì tư cách nghệ sĩ, mà chỉ trả lương cho anh ta, trước hết vì anh ta là một cái loa phát ngôn cho thể chế chính trị.

Các cơ quan giám định văn hoá tư tưởng không bao giờ lơ là cảnh giác trước các văn nghệ sĩ, những kẻ mà theo cách nhìn của Đảng bao giờ cũng dễ trở thành con dao hai lưỡi.

Ở xứ tự do, văn nghệ sĩ vẫn bị những sức ép chính trị cả phía này lẫn phía kia, không thô lỗ theo kiểu chỉ tay năm ngón nhưng cũng không kém phần khắt khe.

Ở đâu đó ta vẫn nghe tiếng bấc tiếng chì, lời qua tiếng lại đôi khi chỉ vì một cách hiểu méo mó về mối quan hệ giữa văn học và chính trị. Trong hàng ngũ đấu tranh chống chế độ độc tài, lại xẩy ra nghịch lý là xuất hiện những kẻ muốn giành về phía mình độc quyền chân lý.

Một kiểu thước đo cũng thẳng băng và quen thuộc quá: Không Cộng sản thì hẳn là Quốc gia, không Quốc gia, đích thị là Cộng sản.

Không giao lưu văn hoá với kẻ thù chính trị.

Hoá ra nhà văn ở xứ tự do cũng dễ bị chính kiến chính trị cưỡng chế vào những mục tiêu chính trị.

Chống độc tài, oái oăm thay lại bắt đầu bằng mầm mống của một cơ chế độc tài mới.

Trong trường hợp này, ở xứ tự do, nhà văn có quyền khước từ những áp lực chính trị. Nhà văn có quyền tuyên bố: Tôi chỉ làm văn học, không làm chính trị!

Với tiêu chuẩn lấy chức năng sản xuất những thú tiêu khiển, nhà văn có quyền từ chối các kiểu nô dịch chính trị. Nhưng nhà văn lại không bao giờ có thể sáng tác nổi một tác phẩm "thuần tuý văn học". Điều đơn giản là văn học không bao giờ tồn tại ở dạng "thuần túy". Trong trường hợp này, nên chăng có thể thay thế cụm từ "thuần tuý văn học" bằng cụm từ "theo đuổi những mục tiêu giá trị của văn học".

Vì giá trị của tác phẩm văn học nhà văn tập hợp lại với nhau.

Vì giá trị của tác phẩm văn học, nhà văn cần biết bảo vệ lẫn nhau trước sức ép từ bên ngoài của mọi chính thống chính trị, cả phía này lẫn phía kia.

Bứt khỏi khuôn khổ chật hẹp của chính kiến chính trị để tập họp lại với nhau, theo tôi là con đường đúng đắn của những người cầm bút đích thực. Đó chính là nơi gặp gỡ của một cuộc giao lưu văn hoá, nghệ thuật hứng thú, bổ ích.


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021