thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
Văn phong dịch thuật: một cuộc cách mạng thầm lặng
Bản dịch của Hoàng Ngọc-Tuấn

 

        Lời người dịch:
        Vào tháng Mười, 1991, tại Aarhus University, Đan-mạch, nhà thơ Bắc Đảo và giáo sư Anne Wedell-Wedellsborg đã tổ chức một hội luận với đề tài "Modernism and Postmodernism in Chinese Literature" [Chủ nghĩa hiện đại và chủ nghĩa hậu hiện đại trong văn chương Trung quốc], với sự tham dự của 13 nhà văn, học giả và phê bình gia từ Trung quốc và những nước khác. Tất cả các tham luận, sau đó, được gom lại và in thành một cuốn sách dưới nhan đề Inside Out: Modernism and Postmodernism in Chinese Literary Culture (Aarhus, Denmark: Aarhus University Press, 1993), do Wendy Larson và Anne Wedell-Wedellsborg biên tập.
        Tham luận của Bắc Đảo khiến tôi đặc biệt lưu tâm. Tôi tin rằng, không chỉ riêng ở Trung quốc, mà ở Việt Nam, dịch thuật đã góp phần hết sức quan trọng trong tiến trình hình thành và phát triển của lối viết hiện đại và hậu hiện đại. Tôi mong có một nhà nghiên cứu văn học Việt Nam trình bày rành mạch cho chúng ta về đề tài này.
        Trong bản dịch dưới đây, những chữ trong các ngoặc vuông [ ] là do người dịch thêm vào cho rõ nghĩa.

 

Trước hết tôi muốn định nghĩa khái niệm "văn phong dịch thuật": nó được giới hạn vào cái văn phong nẩy sinh từ những bản dịch của các tác phẩm văn chương và không bao gồm các dịch phẩm của loại kinh điển Marx-Lenin hay những lĩnh vực chuyên môn như khoa học và kỹ thuật. Điều tôi đang bàn luận ở đây là thời kỳ từ 1919 đến lúc khởi đầu Cách Mạng Văn Hoá.

Sau một loạt những cuộc đàn áp hữu hiệu, một cái khung hành ngôn chính thống hoàn toàn chế ngự lĩnh vực văn chương và hoàn toàn triệt tiêu những ý kiến bất đồng từ 1949 đến Cách Mạng Văn Hoá. Tình trạng này kéo dài hơn hai mươi năm cho đến khi luồng "địa hạ văn học" [văn chương ngầm, văn chương "chui"] ra đời vào đầu những năm bảy mươi. Có phải chăng văn chương Trung Hoa chỉ là một khoảng trống rỗng suốt thời gian ấy? Thế thì luồng văn chương "địa hạ" sinh ra từ đâu? Liệu có thể có một luồng văn chương ra đời mà không cần có bất cứ cơ sở phong cách khả dĩ nào cả?

Thật ra, từ 1949, một phong cách văn chương của dịch phẩm đã tự tách ra khỏi lối hành ngôn chính thống và đã luôn luôn tồn tại và phát triển như một dạng thức văn chương ngoại biên. Trước những năm 70, nó đã là môi trường thực tế duy nhất cho sự chuyển hoá văn học và phong cách văn chương, mãi đến khi sự xuất hiện của luồng địa hạ văn chương đã chia sẻ cái gánh nặng của nó và mở ra những chân trời mới.

Kể từ Phong Trào Ngũ Tứ [1919], dịch thuật chắc chắn đã đóng một vai trò cực kỳ quan trọng trong sự phát triển của văn học Trung Hoa. Nhiều nhà văn lừng danh, như Lỗ Tấn, Quách Mạt Nhược, Đái Vọng Thư, cũng là những dịch giả. Tác phẩm và dịch phẩm của họ được thực hiện song song. Họ dựa vào dịch phẩm để tìm kiếm những phương tiện ngôn ngữ nhằm diễn tả kinh nghiệm cá nhân và những diễn biến lịch sử của đất nước. Có thể nói rằng sự hình thành của nền Trung văn hiện đại đã được bồi dưỡng trước hết nhờ dịch thuật chứ không phải nhờ ngôn ngữ thông tục. Hầu như ngay từ đầu, văn phong dịch thuật đã trở thành nhân tố dẫn đạo cho sự chuyển hoá của phong cách văn chương Trung quốc hiện đại.

Tại sao dịch thuật lại có một ảnh hưởng to tát đến sự phát triển của Trung văn hiện đại như vậy? Hiện tượng này thật bất khả hình dung trong những ngôn ngữ khác. Tôi tin rằng nó có liên hệ đến cái đặc điểm của ngôn ngữ Trung Hoa cổ điển là một ngôn ngữ tượng hình. Trong tiến trình hiện đại hoá xã hội, việc tiếp nhận thông tin là điều kiện tiên quyết; và một khi cái cổng ngăn cách với thế giới bên ngoài đã sụp xuống và cái ngôn ngữ tượng hình không thể tự điều chỉnh để đáp ứng thoả đáng với tình hình mới, thì nó phải chịu sự can thiệp của những ngôn ngữ hoàn toàn khác lạ để chính nó được thay đổi và phát triển. Trái lại, vấn đề này không xảy ra cho những ngôn ngữ sử dụng hệ thống mẫu tự La-tinh để viết. Trong thực tế, văn bản dịch thuật hiện hữu nơi cái kẽ chính giữa hai ngôn ngữ, và chuyên chở cái cảm hứng của cả hai ngôn ngữ, mà lại không lệ thuộc vào ngôn ngữ nào cả. Vì đặc điểm này, dịch thuật là một cuộc tập kích vào Trung văn—vốn là một hệ thống ngôn ngữ cực kỳ khép kín, và do đó dịch thuật đã thúc đẩy sự chuyển hướng về những dạng thức hiện đại.

Cái bóng tối khổng lồ của văn hoá dân tộc và thứ văn hoá do nhà nước quy định đã không ngừng điều khiển bước phát triển tiệm tiến của Trung văn. Thậm chí nhiều nhà văn muốn dùng hình thức dịch thuật văn chương để thay đổi Trung văn cũng không thể tránh khỏi sức ép. Nhiều người đã phải bước lùi lại dưới danh xưng chủ nghĩa dân tộc, và hô hào cho cái gọi là văn chương đại chúng. Như một hệ quả, họ thường đem việc tuyên truyền ý thức hệ thay thế cho việc chuyển hoá văn học và phong cách văn chương. Điều này hiển nhiên đã là một tổn thất to lớn xảy ra ngay trong những bước đầu của công cuộc hiện đại hóa Trung văn.

Nếu bài phát biểu Tại Diên An Văn Nghệ Toạ Đàm Hội Thượng Đích Giảng Thoại năm 1942 của Mao Trạch Đông là một lời cảnh cáo nghiêm trọng, thì cuộc chiếm lĩnh đất nước năm 1949 có nghĩa là một thiết quân luật toàn diện được ban hành bởi lối hành ngôn chính thống. Một số thành viên của Tả Phái được chính quyền sẵn sàng đưa vào hàng ngũ, và trở thành những cán bộ nghệ thuật. Một số người nhanh chóng đổi giọng, góp sức phục vụ cho việc tuyên truyền của Đảng. Một số người khác không muốn đánh mất uy tín văn chương của mình, đành chuyển sang nghề khác. Khá nhiều người trong nhóm ấy trở thành chuyên nghiệp trong việc dịch thuật và nghiên cứu ngoại văn. Một ví dụ có thể nêu ra là nhóm cuối cùng của những nhà thơ trẻ xuất sắc trong những năm 40, trong số đó có Mục Đán (Tra Lương Tranh), Viên Khả Gia, Trần Kính Dung và Trịnh Mẫn. Ngoài ra, còn có những nhà văn "bất thích nghi" khác không được chính quyền cho phép viết ngay trong lúc xã hội đang có những biểu hiện giao động tư tưởng chính trị, và do đó họ chọn dịch thuật làm kế sinh nhai. Chẳng hạn, nhà thơ lừng danh Biện Chi Lâm viết một bài thơ về Thiên An Môn vào đầu những năm 50 và bị phê bình gay gắt. Do đó ông quyết định rửa tay gác bút và chuyên tâm vào việc dịch thuật và nghiên cứu.

Nghề dịch thuật ngoại văn trở thành một chỗ núp dưới sự đàn áp khắc nghiệt của chế độ độc tài. Nhiều nhà văn có thể ẩn vào đó để tránh những sự đe doạ và sách nhiễu bởi lối hành ngôn chính thống, và nhờ đó đã phần nào tự làm thoả mãn những khát vọng sáng tạo của mình. Điều này đã giúp cho văn phong dịch thuật được phát triển như một dạng thức ngoại biên.

Đảng nhất định không nới lỏng sự kiểm soát đối với việc dịch thuật và nghiên cứu ngoại văn, và điều này trước hết được chứng tỏ bởi cái giới hạn của những gì được phép dịch thuật. Thứ sách được dịch nhiều nhất trong những năm 50 là những văn bản cộng sản giáo điều từ Liên Bang Xô-viết và Đông Âu. Tuy nhiên, một số lượng đáng kể của văn chương cổ điển và lãng mạn Tây phương cũng được xuất bản, và cũng có một số ít tác phẩm văn chương hiện đại chủ nghĩa của Tây phương. Những tác phẩm của các nhà thơ Pháp Eluard và Aragon, các nhà thơ Tây-ban-nha Alberti và Lorca, và nhà thơ Chí-lợi Neruda đã được dịch và xuất bản chỉ vì những nhà thơ này theo cánh tả. Năm 1956, bản dịch của Đái Vọng Thư, Lạc Nhĩ Già Thi Sao [Tuyển tập thơ Lorca], có thể được xem là một biến cố lớn trong nền dịch thuật của những năm 50, mặc dù bản dịch đã được hoàn tất từ những năm 40. Điều này không phải chỉ vì những tác phẩm của bậc thầy hiện đại đã được giới thiệu một cách chính thức vào Trung quốc, nhưng quan trọng hơn chính vì bản dịch của Đái Vọng Thư đã đạt đến một trình độ cao về khả năng kỹ thuật và đẩy nền thơ dịch ở Trung quốc đến những chiều cao mới. Những cuốn tiểu thuyết của Hemingway như Chiến Địa Xuân Mộng ["Giấc mộng ngày xuân nơi chiến địa", tức là cuốn A Farewell to Arms (Giã từ vũ khí)] và Lão Ông Dữ Hải ["Ông già với biển", dịch từ cuốn The Old Man and The Sea] may mắn lọt qua lưới và, thật đáng cho chúng ta ngạc nhiên, được lần lượt xuất bản. Điều này có lẽ nhờ khuynh hướng phản chiến của Hemingway.

Tạp chí Dịch Văn, sau này đổi tên thành Thế Giới Văn Học, được xuất bản từ năm 1950 và suốt nhiều năm sau vẫn là một tạp chí của nhà nước chuyên về dịch thuật và giới thiệu ngoại văn. Trong những năm 50 nhà nước cũng cho xuất bản chín bài thơ của Baudelaire cùng những truyện ngắn của nhà văn Thuỵ-sĩ Dürrenmatt, nhà văn Anh Graham Greene và nhà văn Mỹ Hemingway. Mặc dù có chất lượng thấp, những bản dịch ấy cũng chuyên chở được những thông điệp quan trọng. Trong lúc đang dịch những tác phẩm hiện đại chủ nghĩa ấy, các dịch giả đã tham dự vào việc tái sáng tạo chúng. Họ đã làm cho một văn phong dịch thuật được phát triển xa hơn và đã hoà tan cái ý thức hiện đại vào bản dịch, bởi tất cả các bản dịch phải tìm cho được những phương cách diễn tả thích ứng.

Cuối những năm 50, nghĩa là sau mười năm phát triển, văn phong dịch thuật đã đạt đến sự trưởng thành. Nếu so sánh các bản dịch của những năm 60 với các bản dịch của những năm 50, chúng ta có thể thấy một sự dị biệt về chất lượng. Tại sao văn phong dịch thuật, bắt đầu thành hình trong Phong Trào Ngũ Tứ và tiến hoá qua một thời gian dài, đột nhiên trưởng thành trong vòng mười năm sau 1949? Đây là một vấn đề phức tạp và cần có sự giải thích sâu xa hơn. Tôi tin rằng có hai lý do. Một, sau khi cộng sản nắm chính quyền, Đảng nỗ lực hô hào cho một thứ văn chương đại chúng mà mục đích của nó là tuyên truyền. Điều này [khiến giới viết văn chân chính phải tìm cách tránh né] làm nẩy ra sự phát triển của văn phong dịch thuật và làm tăng tiềm năng của dòng văn chương thuần túy. Hai, một nhóm nhà văn tài hoa dấn thân vào việc dịch thuật. Họ là những cột trụ của một nhóm lớn gồm các chuyên gia trong lĩnh vực dịch thuật và nghiên cứu ngoại văn. Từ Phong Trào Ngũ Tứ đến lúc ấy, một hiện tượng như thế chưa từng xảy ra bao giờ.

Năm 1962, nhà xuất bản của Hội Nhà Văn bắt đầu phát hành một loạt sách, qua đó, văn chương Tây phương hiện đại và văn chương "yết đông" [băng tan, hết đông lạnh, cởi mở hơn] từ Liên Bang Xô-viết và Đông Âu lần đầu tiên được giới thiệu một cách có hệ thống. Lưu hành nội bộ, loạt sách này có bìa màu vàng và vì thế được người ta gọi là "sách bìa vàng". Những cuốn sách này phát ra một ảnh hưởng lớn khôn tả đối với sự phát triển của văn chương Trung quốc. Loạt sách gồm một bộ sưu tập các tiểu thuyết và truyện ngắn của Kafka dưới nhan đề Thẩm Phán Cập Kỳ Tha ["Cuộc Xử Án và những truyện khác"]; cuốn Cục Ngoại Nhân ["Người ngoài cuộc" - L'Étranger (Kẻ xa lạ)] của Camus; Yếm Ố ["Chán ghét" - La Nausée (Buồn nôn)] của Sartre; Mạch Điền Lý Đích Thủ Vọng Giả ["Người trông ngóng trong đồng lúa mạch" - The Catcher in the Rye (Bắt trẻ đồng xanh)] của Salinger; Tại Lộ Thượng ["Trên đường" - On the Road] của Kerouac; Đẳng Đãi Qua Đa ["Chờ đợi Qua Đa" - En Attendant Godot (Trong khi chờ Godot)]; cuốn hồi ký, Nhân Tuế Nguyệt Sinh Hoạt ["Con người, Thời gian, Cuộc sống"], và cuốn tiểu thuyết Yết Đông ["Băng tan"] của nhà văn Xô-viết Ehrenburg. Vài chục tác phẩm đã được xuất bản trước khi Cách Mạng Văn Hoá bắt đầu. Mặc dù số bản in rất ít và chỉ có cán bộ thâm niên ở một cấp bậc nào đó mới được mua, những cuốn sách này lại được truyền tay trong thường dân giữa những cơn hỗn loạn của Cách Mạng Văn Hoá, nên chúng đã cung ứng một cơ sở cần thiết cho sự phát sinh của luồng văn chương "điạ hạ".

Loạt sách này có tầm quan trọng mang tính cách mạng, kể cả về cách chọn tác phẩm lẫn chất lượng dịch thuật. Hiện giờ chúng ta chưa có điều kiện biết rõ về quá trình xuất hiện của nó. Tuy thế, hiển nhiên là nó có liên quan đến nhóm chuyên gia mà tôi đã nhắc đến ở trên. Các chuyên gia đã hữu ý hay vô tình tạo sức đẩy cho một cuộc cách mạng thầm lặng. Tầm quan trọng của những cuốn sách này lại càng trở nên nổi bật hơn trước sự tàn phá văn hoá của cuộc Cách Mạng Văn Hoá.

Ngay sau khi Cách Mạng Văn Hoá mới bắt đầu, những người có quyền lực đã bị hất ngã. Hệ thống tôn ti trong các cấp chính quyền bị đảo lộn và những cuộc "sao gia" [khám xét nhà] làm rúng động mọi giai tầng xã hội, nhưng chính nó lại làm cho loạt sách này được phát tán trong quần chúng. Thoạt tiên, giới trẻ không lưu ý đến những cuốn sách này. Tuy nhiên, trong phong trào "về nông thôn", họ bất ngờ bị vất xuống tận đáy của hệ thống giai tầng xã hội và trải qua một cơn khủng hoảng niềm tin. Một số thanh niên không còn màng đến điển phạm Marx-Lenin mà, thay vào đó, lại hướng về văn chương cổ điển và lãng mạn Tây phương.

Bởi loạt sách này trước kia chỉ được phát hành giới hạn quanh khu vực Bắc Kinh, nó biến thành một thứ của hiếm và được giới trẻ có học tranh nhau đọc ở những hội quán văn hoá. Vào lúc ấy, thông thường một cuốn sách có thể nằm tại một hội quán chỉ trong vài ngày. Người ta xếp hàng, bỏ ăn bỏ ngủ, đọc nó suốt ngày suốt đêm. Luồng văn chương "địa hạ" xuất hiện hầu như cùng lúc ấy. Một số người đã bắt đầu sáng tác trước đó, nhưng sự phát triển bút pháp của họ sau đó đã chịu ít nhiều ảnh hưởng từ những cuốn sách này.

Trước hết, loạt sách này đã mở ra những chân trời hoàn toàn mới lạ cho những nhà văn trẻ của luồng văn chương "địa hạ" và tạo điều kiện cho họ tìm thấy đối trọng tinh thần của họ. Quan trọng hơn nữa, họ đã tìm thấy một phong cách Trung văn già dặn hoàn toàn khác với lối hành ngôn chính thống. Họ đã sử dụng một văn phong như thế để làm khởi điểm cho bút pháp của riêng họ và nối liền chính họ với dòng văn chương Trung quốc hiện đại vốn đã bị gián đoạn một thời gian dài.

Nếu văn phong dịch thuật đã trưởng thành trong vòng 20 năm từ 1949 đến Cách Mạng Văn Hoá, thì trong vòng 20 năm từ lúc luồng văn chương "địa hạ" ra đời cho đến hiện tại [năm 1991], văn chương Trung quốc đã tránh được lối hành ngôn chính thống trong lúc dần dần thoát ra khỏi ảnh hưởng của văn phong dịch thuật. Điều này đáng là đề tài cho một cuộc nghiên cứu sâu xa hơn.

Một cuộc cách mạng thầm lặng đã kiên cường diễn ra bất chấp cuộc đàn áp tàn bạo của lối hành ngôn chính thống và đã nuôi nấng những hạt giống của nền văn chương đương đại mãi cho đến hôm nay. Một khu rừng mới đã mọc lên.

 

---------------------------------
Nguồn: Bei Dao, "Translation Style: A Quiet Revolution", trong Wendy Larson & Anne Wedell-Wedellsborg (eds.), Inside Out: Modernism and Postmodernism in Chinese Literary Culture (Aarhus, Denmark: Aarhus University Press, 1993), 60-64.

 


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021