thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
Văn học hậu-đổi mới tại Việt Nam, nhìn từ Pháp
Bản dịch của Phan Bình

 

Lời giới thiệu:
Tuyển tập Tầng trệt thiên đường gồm «Lời Tựa» của Đoàn Cầm Thi và mười bốn tác phẩm: Thuận ("What do you like for your breakfast?"), Phan Triều Hải ("Một tối ở quán bar"), Ngô Tự Lập ("Thợ đào đá truyền kiếp"), Võ Thị Xuân Hà ("Đàn sẻ ri bay ngang rừng"), Đỗ Kh. ("Không ai trói tôi"), Nguyễn Bình Phương ("Môi xanh"), Nguyễn Việt Hà ("Khải huyền muộn"), Phan Huyền Thư ("Chuyện của chíp"), Phan Thị Vàng Anh ("Có con"), Nguyễn Ngọc Tư ("Con sáo sang sông"), Trần Vũ ("Giáo sĩ"), Nguyễn Trọng Nghĩa ("Mấy trục trặc nhỏ trong ngày vui lớn"), Vũ Quỳnh N.H ("Sắc màu"), Bùi Hoằng Vị ("Tầng trệt thiên đường").
      Chúng tôi xin giới thiệu ba bài điểm sách của Tâm Van Thi, Natalie Levisalles và Dominique Bari đã đăng trên các báo có uy tín của Pháp — Magazine littéraire, LibérationL’Humanité — về cuốn sách này. Bản dịch tiếng Việt của Phan Bình. Nhan đề chung ở trên do Tiền Vệ đặt.
Tiền Vệ

 

_____________________________

 

1. Bài điểm sách của Tâm Van Thi

(Magazine littéraire số Tháng Tư năm 2005)

 

Tầng trệt thiên đường, tập truyện ngắn Việt Nam 1991-2003, Đoàn Cầm Thi tuyển chọn, dịch và giới thiệu, NXB Philippe Picquier, 236 trang; và Tuổi hai mươi yêu dấu, Nguyễn Huy Thiệp, Sean James Rose dịch, NXB L'Aube, 221 trang.

Hai mươi năm sau “Đổi mới” — perestroïka Việt Nam —, kinh tế thị trường đã được thíết lập và những tiểu thuyết từng một thời gây nhiều tranh cãi của Bảo Ninh, Dương Thu Hương, Nguyễn Huy Thiệp hôm nay đã trở nên cổ điển. Trong truyện ngắn mang nhiều tính tượng trưng, Tướng về hưu, Nguyễn Huy Thiệp kể chuyện một anh hùng cách mạng đã đi đến chỗ tự vẫn vì không chấp nhận sự suy đồi của lý tưởng và việc hình thành một xã hội tham nhũng. Nguyễn Huy Thiệp, qua một lối viết giản dị và kín đáo, kể về bi kịch của một dân tộc vì luôn hy sinh nền dân chủ và tự do cá nhân cho độc lập dân tộc, bị nghiền nát dưới bộ máy chính trị và tham nhũng.

Trong tác phẩm gần đây và cũng là tiểu thuyết đầu tay của ông, Tuổi hai mươi yêu dấu, Nguyễn Huy Thiệp rời bỏ những thao tác cũ để tấn công vào một tệ nạn xã hội đương thời. Ông cũng từ bỏ văn phong ẩn dụ và tượng trưng để nói về những kinh nghiệm sống, kinh nghiệm ma tuý trong các khu phố ăn chơi của thủ đô, thế giới của ma-cô, gái mại dâm và nghiện ma tuý. Nhưng câu chuyện của Khuê, chàng sinh viên đi trệch đường, không được thành thật lắm: từ ngữ nói lóng sáo rỗng đi kèm các thuật ngữ cũ rích, cùng nhiều “clichés” — đường xuống âm phủ, chạy đua mô tô giữa các băng, cô gái điếm tử tế, … Nguyễn Huy Thiệp đã chứng kiến con trai của ông rơi vào vòng nghiện ngập và người ta hiểu đây là lý do ông viết những dòng tự sự này: đó là dòng tự sự của một nhà văn chỉ biết cô-ca-in và ma tuý qua báo chí và văn chương, một nhà văn lạc lõng trước cuộc sống mà ông không còn hiểu gì nữa.

Ngược lại, các tài năng văn chương trẻ của tuyển tập Tầng trệt thiên đường đã trực tiếp thừa hưởng những thành tựu của phong trào Đổi Mới và tách ra khỏi những chủ đề chính trị hay tranh đấu. Hình thức lại trở thành vấn đề có tính chất thời sự và cuộc săn đuổi nghệ thuật lại dấn sâu vào vùng đất màu mỡ của ngôn từ, điều này được thể hiện trung thành qua bản dịch tuyệt đẹp của Đoàn Cầm Thi. Các nhà văn trẻ dành cho kỳ lạ, bí ẩn và huyễn tưởng một ví trí xứng đáng. Trong "Thợ đào đá truyền kiếp" (Ngô Tự Lập), người đọc vừa đi vừa mò mẫm: trong một thế giới mờ ảo, một người đàn ông đào một cái hố nơi ông ta tin là đã chôn một đứa bé do chính ông ta giết chết. Cùng với cuộc kiếm bới bất thành, là một cuộc đi tìm văn chương đầy tế nhị và tinh vi. Hai mươi năm sau, nhà văn Việt từ bỏ những đổ vở lý tưởng và tìm lại phận sự đầu tiên của thi sĩ — ngợi ca cái đẹp thần thánh: “ Sẽ chỉ còn lại một mình anh thôi, và thế cũng đủ để hoàn thành sứ mệnh làm chứng cho nỗi vô nghĩa bí ẩn và vĩnh cửu của tồn tại Thiên đường…” (Bùi Hoằng Vị).

 

2. Bài “Việt Nam, Một thế hệ các nhà văn mới không vướng bận những đổ vỡ lý tưởng” của Natalie Levisalles

(Liberation ngày 3 tháng Ba năm 2005)

 

Đọc Tầng trệt thiên đường, tập truyện ngắn Việt Nam 1991-2003, Đoàn Cầm Thi tuyển chọn, dịch và giới thiệu, NXB Philippe Picquier, 236 trang.

Nếu các chuyện kể trong mười bốn truyện ngắn này tiêu biểu cho những gì đang diễn ra ở Hà Nội, thì dường như người Việt đang rầm rộ học tiếng Anh. Chỉ các nhân viên bộ Nội vụ là từ chối chép vào vở “you-anh, các anh, chị, các chị, bạn, các bạn, đồng chí, các đồng chí, mày, chúng mày”, theo nhận xét của nhân vật nữ chính trong tác phẩm “What do you like for your breakfast?”

Các nhà văn trẻ Việt Nam kể gì, và kể như thế nào? Câu trả lời nằm trong tuyển tập truyện ngắn đặc sắc mang tên Tầng trệt thiên đường. Theo dịch giả Đoàn Cầm Thi, đây là một thế hệ tiếp theo thế hệ Đổi Mới, mà các bậc thầy như Nguyễn Huy Thiệp, Dương Thu Hương, Bảo Ninh đã đánh dấu thập kỷ 1980 và đầu những năm 1990. Tuy các tác giả được chọn bề ngoài không thuộc cùng một thế hệ (người lớn tuổi nhất sinh năm 1955, trẻ nhất sinh năm 1980), họ ở “rất xa những đau đớn của chiến tranh và đổ vỡ lý tưởng”. Họ “khao khát tìm kiếm nghệ thuật”, trong khi các nhà văn thời Đổi Mới “trao cho mình nhiệm vụ phê phán xã hội”.

Tất cả các truyện ngắn này đều bầy tỏ ước muốn ra khỏi đất nước, hay đưa vào những giá trị mới, dù giá trị đó là thế nào chăng nữa. “Không ai trói tôi” là một tác phẩm của Đỗ Kh., sinh năm 1956. Một doanh nhân, nhân dịp ghé Băng Cốc, quan sát những phụ nữ nước ngoài. Nói là anh ta mê cuồng lên khi nhìn ngắm họ thì quả là hơi quá lời. Đúng hơn là anh ta mơ màng đôi chút. “Là một tập thể gì thì cũng tiện, gì cũng có, hông to vú bự đùi tròn (…) cái gì cũng có hết, nếu cả ba cộng lại”. Thúc đẩy bởi sự buồn chán hơn là viễn tưởng một đêm nồng cháy, anh ta hỏi: "Xin lỗi, các cô cần đàn ông kết bạn?". Kết thúc câu chuyện cũng dính dáng đến việc học ngoại ngữ. Ngay cả khi chuyện xảy ra trong nước, các tác giả cũng có cái nhìn của kẻ đứng ngoài. Ví dụ như “cô bé đến chậm chín phút theo đúng như phim truyền hình tâm lý Việt Nam”, hay người Hà Nội đã “mất thói quen ăn nước mắm nguyên chất”. Còn có một ông già trước đây đã bị khai trừ khỏi Đảng vì yêu đương, nay “phim tâm lý Mỹ, thể loại hai tư trên hai tư có tác dụng như keo con voi dính chặt ông vào ghế dưỡng già”.

"What do you like for your breakfast?" của Thuận, nhà văn nữ sinh năm 1967, là một tiểu tuyệt tác vừa hài hước vừa luyến tiếc. “What do you like for your breakfast? Coffee and bread and butter” trở đi trở lại như điệp khúc một bài hát mà từng khổ sẽ là một cuộc bỏ trốn gần như ảo tưởng, danh sách đi chợ của một thiếu phụ, giấc mơ về một cuộc đời khác được cụ thể hoá qua phương pháp học tiếng Anh Stream Line, và cuối cùng là một khoảnh khắc hạnh phúc với một đồng nghiệp nam: “Cô đinh ninh giữa khúc bánh mì không thể có gì khác ngoài một lát bơ mỏng. Nhưng mỏng thế nào thì cả anh lẫn cô đều không biết đích xác”.

 

3. Bài «1975-2005, Việt Nam ba mươi năm sau: Nhìn về văn học hôm nay» của Dominique Bari

(L’Humanité tháng 4.2005)

 

Các nhà văn trẻ Việt Nam hôm nay viết gì? Họ kể chuyện gì và viết như thế nào? Câu trả lời tìm thấy trong tuyển tập truyện ngắn xuất sắc Tầng trệt thiên đường. Như dịch giả Đoàn Cầm Thi giải thích, tuyển tập giới thiệu thế hệ hậu-Đổi Mới, thế hệ tiếp nối Nguyễn Huy Thiệp, Bảo Ninh, Dương Thu Hương của những năm 1980, đầu 1990. Đoàn Câm Thi nói: «Từ khoảng mười năm gần đây, xuất hiện một thế hệ các nhà văn mới. Họ trực tiếp thừa hưởng những thành tựu của văn học Đổi Mới, quyết tâm tìm kiếm, khát khao sáng tạo». Đối với họ, viết thế nào là câu hỏi quan trọng hàng đầu. Một nội dung mới phải gắn liền với một hình thức chưa bao giờ có. Nền văn học hiện đại này được sinh ra trong sự chuyển mình của đất nước. Đoàn Cầm Thi nhận xét: «Ba thập kỷ sau chiến tranh, Việt Nam đang trên đường bình thường hoá. Hơn bao giờ hết, nó cảm thấy cần vươn ra thế giới bên ngoài». Tầng trệt thiên đường tập hợp 14 truyện ngắn của các cây viết trẻ trong nước và hải ngoại.

Chúng tôi đã đến gặp hai nhà văn Nguyễn Việt Hà và Nguyễn Bình Phương. Đó là hai cá tính thật khác nhau: trong khi Nguyễn Việt Hà đầy nhiệt huyết nói về sáng tạo văn học, Nguyễn Bình Phương lại rất kiệm lời. Văn phong của họ cũng không có gì giống nhau. Nhưng họ gặp nhau trong trong cuộc phiêu lưu mới của văn học Việt Nam.

 

Dominique Bari

 

Nguyễn Việt Hà: «Trên cả cá nhân chủ nghĩa»

Nguyễn Việt Hà sinh năm 1962, nhận mình là người công giáo. Sau đại học kinh tế, anh làm việc cho một ngân hàng cho đến tận tháng 12 năm ngoái, quyết định trở thành nhà văn «chuyên nghiệp». Ngoài tiểu thuyết, anh viết truyện ngắn và tiểu luận cho các báo Tuổi TrẻTiền Phong. Tiểu thuyết đầu tay của anh, Cơ hội của Chúa, in năm 1999, xuất hiện ồn ào trên sân khấu văn học, mang chút hương vị tai tiếng. Tập truyện Của rơi (2004) cũng gặt hái nhiều thành công. Anh là tác giả của "Khải huyền muộn" viết năm 2003 trong đó nhân vật là một tiểu thuyết đang viết dở.

 

Anh đã đến với văn học như thế nào?

 

NVH. Viết văn đối với tôi là một đam mê. Vì thế, các tiểu thuyết của tôi quan tâm đến vấn đề sáng tạo, trong đó viết là một chủ đề văn học.

Tôi nghiệm rằng có nhiều người viết nhưng không phải tất cả trong số họ đều là nhà văn. Phần lớn các tác giả đều chỉ có một tiểu thuyết và không vượt qua được cái ngưỡng của cuốn sách thứ hai. Tôi thấy rằng khi viết cuốn thứ hai, tôi không có cùng cách thức như cuốn thứ nhất. Với Cơ hội của Chúa, tôi đã viết ở mọi lúc, trong mọi trạng thái khác nhau, ngay cả khi đã uống rượu hoặc thức trắng đêm với bạn bè. Viết là một cách xả nhiệt. Lúc đó, tôi không có ý thức là nhà văn vì tôi chưa là nhà văn. Ý thức đó đến với cuốn sách thứ hai. Ở đây, tôi đã thực sự làm việc để đào sâu thêm các ý tưởng.

 

Truyện ngắn "Khải huyền muộn" nằm giữa trung tâm của sáng tạo văn học trong xã hội đương thời. Điều gì đã kích thích anh?

 

NVH. Truyện ngắn này chỉ là một trích đoạn của cuốn tiểu thuyết tôi sắp hoàn thành, và sẽ được in vào tháng 8 tới nếu mọi chuyện suông sẻ. Nó đặt câu hỏi về nghệ thuật, cũng như khả năng và giới hạn của nó. Ở Việt Nam, ngay một tác phẩm thành công cũng chỉ in khoảng 3000, 4000 bản, trong khi dân số là 80 triệu. Trong tác phẩm của tôi, các nhân vật đều là nhân vật của cuốn tiểu thuyết dang dở, họ sánh vai cùng các tác nhân của xã hội đương thời: trí thức, cán bộ cao cấp, tất cả được dựng trên nền của một suy tư về tình yêu. Tôi muốn bàn một cách văn chương về giới lãnh đạo mà theo tôi, nếu họ nói dối và biến chất, sẽ dẫn theo sự suy sụp của cả xã hội.

 

Theo anh văn học trẻ Việt Nam hiên nay có những đặc tính gì?

 

NVH. Công việc của một nhà văn rất đơn độc. Ở Việt Nam, chúng tôi có thói quen sống trong cộng đồng và gia đình. Vì vậy, phải tách rời cộng đồng. Văn học hôm nay có dấu ấn của một chút cá nhân chủ nghĩa mà trước đó không hề có. Để phát triển, văn học phải chú ý đến cá nhân con người. Các nhà văn có ý thức về cái «tôi» của mình, nhưng phải vượt lên trên điều đó. Quan trọng là có quyền suy nghĩ, nhưng cũng phải tạo ra một không gian cho suy nghĩ đó. Cách đây ba, bốn năm, xuất hiện một vài nhà văn có tài nhưng rồi họ chẳng viết gì nữa. Theo tôi, nói chung họ chỉ diễn đạt qua kinh nghiệm của cuộc sống hàng ngày, nhưng đó là thao tác của một nhà báo thì đúng hơn. Văn học đòi hỏi suy nghĩ sâu sắc hơn. Bây giờ, các nhà văn không đặt ra các câu hỏi lớn như thời của Nguyễn Huy Thiệp và Bảo Ninh. Văn học Đổi Mới nói đến thân phận con người trong xã hội. Các nhà văn trẻ viết như họ sống và tái hiện lại chủ nghĩa vật chất của họ. Có lẽ điều đó chưa đủ để trở thành một nền văn học lớn.

 

Nguyễn Bình Phương: «Chiến tranh vẫn còn đó»

Sinh năm 1965, Nguyễn Bình Phương là quân nhân và làm việc cho báo Văn nghệ quân đội –phụ trách mục thơ. Anh thành danh qua các tiểu thuyết, truyện ngắn, bài thơ trong đó anh tìm hiểu những khía cạnh bí hiểm của con người. Anh là tác giả của truyện ngắn "Môi xanh".

 

Quân đội và văn học có thể đi cùng nhau được không?

 

NBP. Nhiều nhà văn, đôi khi các nhà văn lớn nhất, là quân nhân. Chính trong quân ngũ mà tôi bắt đầu cầm bút khi đi nghĩa vụ quân sự năm 1986. Sau đó tôi vào đại học, học văn, và tốt nghiệp trường viết văn.

 

Trong "Môi xanh", anh tả một gia đình mà tội hiếp dâm là thuỷ tổ của tội loạn luân và giết người, được kể trong dòng chuyển động hai chiều giữa quá khứ và hiện tại. Loạn luân và thèm khát nhục dục là những chủ đề ít được bàn đến trong văn học Việt Nam?

 

NBP. Chủ đề này cũng được một số các tác giả trẻ đôi chút bàn đến, nhưng vẫn chỉ lãng đãng thôi. Các nhân vật đều có kỷ niệm riêng, cách nhìn riêng, ảo ảnh riêng và bí mật riêng. Truyện ngắn "Môi Xanh" dựa trên một tất yếu: tình yêu tha thiết, bi thảm của một người đàn ông già với người vợ đã chết. Tôi đã viết truyện này cách đây bẩy, tám năm, viết rất nhanh. Tất cả những tác phẩm đầu tiên của tôi đều có khung cảnh là các miền xa xôi, hoặc tôi muốn thế. Nhưng bây giờ, tôi nói đến các vấn đề của xã hội đô thị. Trong tiểu thuyết Trí nhớ suy tàn in năm 2000 (NXB Thanh Niên), nhân vật của tôi là các thanh niên đã tốt nghiệp đại học nhưng không biết lý do tồn tại của họ là gì. Nhân vật nữ tả các chi tiết trong cuộc sống tẻ nhạt và vô vọng của cô. Sau đó, cục xuất bản của Bộ Văn hoá thông tin nói rằng đó là một trong hai cuốn sách có ảnh hưởng xấu tới thanh niên. Tôi không hiểu tại sao họ lại nói thế. Nhưng cuốn sách vẫn được phát hành.

Tiểu thuyết Người đi vắng in năm 1999 dựng nhiều nhân vật xoay quanh một nhân vật chính, một cựu chiến binh trở về và gặp lại vợ bị liệt sau một tai nạn. Ám ảnh về chiến tranh vang dội trong cuộc sống hôm nay, là sợi chỉ xuyên qua tiểu thuyết. Chiến tranh vẫn còn đó, đó là một thực tế.

 

Văn học trẻ Việt Nam đối với anh có ý nghĩa gì?

 

NBP. Có một nền văn học trẻ, đối nghịch với văn học Đổi Mới, không bầy tỏ sự bất bình, dù trước bất cứ cái gì. Họ không chống cái gì cả, theo tôi điều đó mang lại cho họ một tự do rất lớn để sáng tác. Ngay cả khi người ta tìm thấy trong đó những thông điệp có tính chất xã hội, nó không mang tính chất chính trị. Người ta không quan tâm đến chính trị nữa, mà quan tâm đến cá nhân trong xã hội đương thời.

 

Cuốn tiểu thuyết mới nhất của anh như thế nào?

 

NBP. Tôi vừa hoàn thành cách đây hai tháng cuốn tiểu thuyết có tên là Ngồi. Đó là câu chuyện của một người trí thức làm việc trong một cơ quan. Các cuộc tranh cãi và lời lẽ của những kẻ xung quanh làm cho anh ta mệt mỏi và cáu kỉnh. Thế là anh đứng dậy để bày tỏ sự bất bình của mình. Nhưng rồi một hôm anh quyết định cứ ngồi thế, như tín hiệu thờ ơ trước mọi sự. Anh tiếp tục quan sát và quyết định chọn một cách đối thoại khác. Có lẽ đó là cách thức của một kẻ thông thái mà nhân vật của tôi hoá thân vào.

 


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021