thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
Vai trò của những huyền thoại

 

Thơ tạo ra huyền thoại. Khi người ta lớn lên, những huyền thoại là câu chuyện khởi đầu thế giới. Như khi bạn vẽ lên trang giấy trắng con sông chảy xiết sau nhà mùa lũ, những con đường phủ đầy cỏ dại xuyên cánh rừng xa. Nửa đêm đứa bé sáu bảy tuổi thức dậy trên giường một mình, căn phòng vắng lặng. Nó rón rén bước ra cửa, lần tay đi xuống nhiều bậc thang, đứng trước khu vườn ướt đẫm sương đêm. Đứa bé ngồi xuống trên bậc cửa, ngắm ánh trăng lấp loáng xa xa, như sự phản chiếu của chính một tâm hồn mới lớn. Cuộc đời nặng trĩu trên tay.

Không chỉ thiên nhiên, mà xã hội, gia đình và trường học thường khi cũng là một khu vườn như thế. Sarnoff (1976), nhấn mạnh đến giai đoạn phát triển tâm lý ở tuổi nhỏ và sự hình thành nhân cách, đã tin rằng sự khai sinh tình yêu qua tương tác với cha mẹ, người nuôi dưỡng, gia đình và lớp học, là sự khởi đầu bắt buộc của tình yêu thiên nhiên và đồng loại. Đó là quá trình hình thành những mẫu mực hành vi bắt chước ở người lớn, trong sự nuôi dưỡng của không khí huyền thoại. Sự lẫn lộn giữa thật và ảo, sự cố tình không phân biệt rõ ràng giữa hai lãnh vực này, cho phép một đứa trẻ được làm điều gì nó muốn, ví dụ như cho nó được quyền cho một nhân vật chết đi rồi sống lại, và cây cối cũng biết nói chuyện cùng muông thú. Phải mất nhiều năm đứa bé mới nhận ra rằng một lít nước chẳng hạn, đựng trong một chiếc ly khi được đổ vào một chiếc lọ cắm hoa vẫn là chính lượng nước đó. Và người phụ nữ cúi xuống hôn lên khuôn mặt của nó mỉm cười trong buổi tối trước giấc ngủ, cũng chính là người phụ nữ sáng hôm sau. Sự ổn định có tính thường xuyên của những hình ảnh và sự vật xung quanh cho phép đứa bé tự kiểm soát được thế giới riêng của mình.

Khác với nhiều người tin tưởng một cách lầm lạc, huyền thoại không mang con người đi ra quá xa khỏi thế giới thực tiễn, và cắt đứt nó với cuộc đời. Vậy thì thơ đứng ở đâu trong giai đoạn này của cuộc đời? Nó chính là người đứng canh giữ cánh cửa xoay giữa hai thế giới: thực và ảo. Thơ mang lại năng lượng cho người đọc đi xuyên suốt thế giới huyền thoại và giúp họ cùng lúc tham dự vào những tương tác thực tiễn, mặc dù không phải là không bí ẩn. Khi đứa trẻ đi lạc đường trong khu rừng huyền thoại hoặc đánh mất khả năng tiếp cận với thế giới thực, các rối loạn tình cảm tâm lý và cảm xúc liền nảy sinh.

Học tập cách sử dụng các huyền thoại, những giấc mơ và ý tưởng huyền ảo, như những phương tiện biểu hiện tính cách, năng lực,và tình cảm đối với người khác và thế giới xung quanh là một trường học vừa có tính giai đoạn vừa có tính suốt đời. Thơ là người thầy giáo, người bạn, người gác cổng, là cuốn sách để mở, là con đường dẫn tới, là tiếng trống mùa thu, của trường học đó.

Đối với con trai, là người cha, và đối với con gái, là người mẹ. Đó là những mẫu mực mà một đứa trẻ nương theo để tự lớn lên. Freud đã chỉ ra rằng những giá trị của các bậc cha mẹ, như kỷ luật làm việc, tính ngăn nắp, sạch sẽ, lòng nhân hậu, khả năng biết vâng lời, tình yêu thiên nhiên và sự tôn trọng đối với cây cỏ thú vật, sự yêu mến không điều kiện đối với người thân, sự công bằng v..v.. sẽ xuyên qua quá trình nội hóa (internalization) để trở thành nhân cách siêu ngã (superego). Piaget chú ý nhiều hơn đến sự phán đoán có tính luân lý. Thế giới và xã hội người lớn được đứa trẻ nhìn bằng cặp mắt trẻ thơ là một thế giới nửa thực nửa huyền thoại. Nhưng các tiêu chuẩn phán đoán bao giờ cũng được xếp đặt sao cho các giá trị luân lý riêng của đứa trẻ có tiếng nói quan trọng nhất. Sự lập lại trong ký ức của nó về sự đúng sai, ví dụ như sự đánh giá đối với các bậc cha mẹ, xảy ra mỗi ngày mỗi giờ, trước hết dựa trên những tiêu chuẩn mà các truyện cổ tích và các huyền thoại mang lại, trước sân chơi, bên hàng rào hàng xóm, trong mùi khói bếp của mẹ, từ đôi mắt của đứa trẻ ngang tầm thắt lưng của người cha ngước nhìn lên, từ dưới gầm bàn trong lớp học, trên giường ngủ giữa những chú lính chì và những con gấu nhồi bông, trước giờ chợp mắt. Thơ góp phần vào sự xếp đặt đó bằng một bàn tay vô hình nhưng khéo léo như cơn gió sáng mai thổi qua đêm tóc rối của những ác mộng, vốn không xa lạ gì với tuổi thơ.

Câu hỏi: làm cách nào để chúng ta vượt qua được sự đau khổ, nỗi cam chịu, sự thất bại trước cuộc đời, sự căm ghét và giận dữ, nên được bắt đầu từ câu hỏi: sự cách biệt trước hết đã bắt đầu ra sao. Sự cách biệt giữa ta và cha mẹ ta, giữa cha và mẹ, giữa gia đình ta và gia đình hàng xóm, giữa con người và thiên nhiên, vốn xuất hiện từ rất sớm, khi đứa trẻ chập chững bước vào đời, và nó lập tức nhận ra rằng những nguyên tắc của huyền thoại không được tôn trọng, thậm chí bị coi rẻ và khinh miệt trong thế giới thực, trong khi những xung đột của thế giới thực là phản ánh của những xung đột huyền thoại. Cùng với việc đứa trẻ lớn lên, cách phát âm và giọng nói cũng thay đổi. Chúng ta gọi là sự vỡ tiếng. Nhưng một tiếng nói khác ở trong lòng mỗi người cũng đang thay đổi, thậm chí biến mất: tiếng nói của huyền thoại và thơ ca. Giữ cho được tiếng nói ấy trong lòng mỗi người, như giữ một đứa bé trong lòng mỗi người lớn, là sự bí mật đã từ lâu không được chia sẻ.

 


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021